Baivanhay Sự hung bạo của sông Đà trong tùy bút “Người lái đò Sông Đà” hay nhất

Baivanhay  Sự hung bạo của sông Đà trong tùy bút “Người lái đò Sông Đà” hay nhất

“Người lái đò Sông Đà” là thành tựu nghệ thuật đẹp đẽ mà Nguyễn Tuân đã thu hoạch được trong chuyến đi gian khổ tới miền Tây Bắc rộng lớn, hoang vu nhưng ẩn chứa nhiều vẻ đẹp hoang dại, kì bí của thiên nhiên. Ông đã tìm thấy trong sương khói Tây Bắc ẩn hiện lên chất vàng của thiên nhiên nơi đây, và thứ vàng mười đã qua thử lửa của tâm hồn con người Tây Bắc.

Xanh dương và Xanh mòng két Màu chuyển tiếp Công nghệ và Chơi trò chơi Dịch vụ Trang web (57).png


Đề bài: Cảm nhận của anh/chị về sự hung bạo của sông Đà trong đoạn trích sau:

"Lại như quãng Tà Mường Vát phía dưới dưới Sơn La. Trên sông bỗng có những cái hút nước giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu… Cái phim ảnh thu được trong lòng giếng xoáy tít đáy, truyền cảm lại cho người xem phim kí sự thấy mình đang lấy gân rồi giữ chặt ghế như ghì lấy mép một chiếc lá rừng bị vứt vào một cái cốc pha lê nước khổng lồ vừa rút lên cái gậy đánh phèn".
BÀI LÀM MẪU

Nguyễn Tuân là một trong những cây bút có sức sáng tạo dồi dào của nền văn học Việt Nam với những thành tựu xuất sắc ở cả hai giai đoạn trước và sau Cách mạng tháng Tám. Ông là một nghệ sĩ đa tài, uyên bác, có cá tính độc đáo. Ông sáng tác nhiều thể loại nhưng đặc biệt thành công ở thể kí. Tác phẩm tiêu biểu nhất của Nguyễn Tuân ở thể loại này là tùy bút “Người lái đò Sông Đà”.

“Người lái đò Sông Đà” là thành tựu nghệ thuật đẹp đẽ mà Nguyễn Tuân đã thu hoạch được trong chuyến đi gian khổ tới miền Tây Bắc rộng lớn, hoang vu nhưng ẩn chứa nhiều vẻ đẹp hoang dại, kì bí của thiên nhiên. Ông đã tìm thấy trong sương khói Tây Bắc ẩn hiện lên chất vàng của thiên nhiên nơi đây, và thứ vàng mười đã qua thử lửa của tâm hồn con người Tây Bắc.

Những hình tượng được xây dựng trong các tác phẩm của Nguyễn Tuân đều bao chứa những tính cách đặc biệt. Sông Đà cũng là một hình tượng như vậy. Trải suốt từ trang đầu đến trang cuối tác phẩm là hình ảnh dòng sông Đà được chụp lại ở nhiều chiều, nhiều góc độ khác nhau. Đặc biệt những dòng văn miêu tả cái hút nước trên sông Đà với sự huy động một vốn hiểu biết phong phú ở nhiều lĩnh vực của Nguyễn Tuân đã đem đến cho bạn đọc những trải nghiệm văn chương thực thú vị và độc đáo.

Những cái hút nước trên sông Đà là nỗi đe dọa thường trực với bất cứ con thuyền nào đi ngang qua. Những cái hút nước ở quãng Tà Mường Vát phía dưới Sơn La lại ghê rợn hơn nữa. Về hình thù nó giống như “cái giếng bê tông thả xuống để chuẩn bị làm móng cầu”. Cách so sánh của Nguyễn Tuân giúp bạn đọc vừa có sự hình dung khái quát trong góc nhìn từ xa đối với những cái hút nước ấy, lại vừa khiến cho bạn đọc như đang ngồi trên thuyền mà nhìn trực diện vào những hút nước đó vậy. Miêu tả về hình thù thôi là chưa đủ, nhà văn còn đưa đến những âm thanh dữ dội: “nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc”, “nó kêu ặc ặc như tiếng rót dầu sôi vào”. Những từ tượng thanh kết hợp cùng hình ảnh so sánh chân thực đã tái hiện thành công thứ âm thanh của một con thủy quái khổng lồ đang bị bóp cổ. Chẳng những thế, sự chết chóc hiện ra khi nhà văn so sánh “trên mặt cái hút xoáy tít đáy, cũng đang quay lừ lừ những cánh quạ đàn” rồi tường thuật: “Không thuyền nào dám men gần những cái hút nước ấy, thuyền nào qua cũng chèo nhanh để lướt quãng sông, y như là ô tô sang số ấn ga cho nhanh để vút qua một quãng đường mượn cạp ra ngoài bờ vực” hay “Có những thuyền đã bị cái hút nó hút xuống, thuyền trồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau mới thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới". Thật là những cái bẫy ghê sợ, chết người! Từ hình ảnh đến âm thanh, tất cả đều khiến người đọc dễ dàng hình dung ra một loài thủy quái với tâm địa độc ác. Nguyễn Tuân sử dụng nhiều từ ngữ đặc tả, sử dụng hình ảnh so sánh thú vị để thể hiện cảm giác mà chính bản thân mình trải nghiệm sau những lần thực tế trôi thuyền trên sông Đà.

Cứ như thế, để người đọc có thể trực tiếp trải nghiệm cảm giác đáng sợ của những cái hút nước chết người, Nguyễn Tuân đưa ra một hình ảnh so sánh liên tưởng táo bạo: Cho một anh quay phim táo tợn ngồi vào chiếc thuyền thúng mang theo máy quay của mình để lao vào cái hút nước. Sau đó lia máy quay lên để thu hình cột nước cao vài sải, “cái thuyền xoay tít, những thước phim màu cũng quay tít, cái máy lia ngược contre-plogée lên một cái mặt giếng mà thành giếng xây toàn bằng nước sông xanh ve một áng thủy tinh khối đúc dày, khối pha lê xanh như sắp vỡ tan ụp vào cả máy cả người quay phim cả người đang xem”. Cái hay của nhà văn này hay cũng đã trở thành thói quen, phong cách của ngòi bút Nguyễn Tuân, chính là sự kết hợp rất nhịp nhàng giữa những câu văn thật dài và những câu văn rất ngắn. Tác giả thường dùng câu văn ngắn để tổng kết cho biết bao những gập ghềnh, trắc trở, hiểm nguy dồn dập trong câu văn dài đằng trước. Ở đây là tổng kết cho quá trình anh quay phim quay cuồng cùng hút nước sông Đà để thu về thước phim táo tợn: “Thế rồi thu ảnh.” Hay ở đoạn sau, một câu văn ngắn cũng được dùng để tổng kết cho trận chiến gian lao người lái đò vật lộn với sóng nước Đà giang: “Thế là hết thác.” Lối viết “độc tấu” ấy, người đọc thực sự thán phục ở ngòi bút Nguyễn Tuân. Sự hung bạo độc đáo của sông Đà dường như khiến cho nhà văn này liên tưởng bao nhiêu, hóa thân bao nhiêu cũng là không đủ. Đặt mình vào vị trí anh quay phim cũng là chưa thể diễn tả hết cảm giác khi đối diện với hút nước sông Đà, nhà văn còn “lấn sân” sang tâm thế của người xem phim kí sự: “Cái phim ảnh thu được trong lòng giếng xoáy tít đáy, truyền cảm lại cho người xem phim kí sự thấy mình đang lấy gân rồi giữ chặt ghế như ghì lấy mép một chiếc lá rừng bị vứt vào một cái cốc pha lê nước khổng lồ vừa rút lên cái gậy đánh phèn”. Không biết nhà văn đã thỏa mãn với những dòng văn miêu tả này chưa nhưng với bạn đọc, từ tri giác đến cảm giác đều thấy được sông Đà hung bạo và dữ tợn lắm rồi, chính ở những cái hút nước mà nhà văn đã dụng công khắc họa ấy. Đọc những dòng văn của người nghệ sĩ này, người đọc đang trong bất cứ tư thế nào cũng thường tìm tới một điểm để bấu víu. Họ sợ độ rung, độ xoáy tít, âm thanh dữ tợn mà những cái hút nước tạo ra.

Con sông Đà hung bạo sẽ không hiện lên thật sống động và có hung dữ như một kẻ thù với con người nếu nhà văn không sử dụng các biện pháp: điệp từ, điệp cấu trúc, nhân hóa, so sánh, so sánh trùng điệp… Ngôn ngữ giàu có, giá trị tạo hình cao. Hình ảnh ấn tượng, sự liên tưởng phong phú… Tác giả nhấn mạnh vẻ hùng vĩ, dữ dội, nguy hiểm vô cùng của sống Đà – gợi lên đó là thứ “kẻ thù số một” của con người.

Với tuỳ bút “Người lái đò Sông Đà” và đặc biệt là trích đoạn vượt thác, ngòi bút của Nguyễn Tuân như nở hoa trong sự hoà phối diệu kì giữa cái đẹp của ngôn từ và ánh sáng tuyệt mĩ của chiều sâu hình ảnh, dẫn dắt người đọc đến với vẻ đẹp hung bạo mà trữ tình của thiên nhiên Tây Bắc, nhất là vẻ đẹp “vàng mười” nơi tâm hồn con người mà nhà văn tập trung khắc họa qua hình tượng người lái đò. Văn chương của Nguyễn Tuân đã mang đến cho chúng ta một chân trời huyền bí riêng biệt, hấp dẫn và độc đáo. Đó là chân trời của cái đẹp, của sự tài hoa và uyên bác...

Các bạn có thể xem thêm các bài viết cùng chủ đề: TẠI ĐÂY
 
Từ khóa Từ khóa
người lái đò sông đà nguyen tuan sông đà
7K
2
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.