Dự thi Tấm chân tình mang tên mùa vải ngọt

Dự thi Tấm chân tình mang tên mùa vải ngọt

Giữa những ngày nắng nóng như đổ lửa tại Việt Nam, trong khi tình hình dịch bệnh Covid-19 đang tiếp tục bùng phát mạnh ở các tỉnh thành trong cả nước cũng là lúc Bắc Giang bước vào vụ mùa thu hoạch nông sản, trong đó có vải thiều. Mùa vải thiều năm 2021 là một vụ mùa bội thu đối với người dân Bắc Giang, tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, Bắc Giang đang là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của đại dịch thì việc tiêu thụ vải thiều cũng gặp nhiều vấn đề nan giải.
Song song với sự chỉ đạo, theo dõi sát sao của các vị lãnh đạo Bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, vải thiều được lên nhiều phương án, kế hoạch kết nối tiêu thụ ra thị trường từ bán buôn đến bán lẻ, cả trong và ngoài nước mà vẫn đảm bảo an toàn phòng dịch, đảm bảo chất lượng nông sản và bảo vệ giá trị lao động của người dân trồng vải thiều.
Một điều đặc biệt trong vụ mùa vải thiều năm nay đó là trong tình thế cả nước đang dồn lực để chống dịch Covid-19 thì người dân Việt Nam vẫn chung tay, đồng hành hỗ trợ Bắc Giang tiêu thụ vải thiều. “Chung tay” chứ không phải “giải cứu” vải thiều bởi lẽ:
Có được trái ngọt như ngày hôm nay, người dân Bắc Giang đã đổ biết bao mồ hôi, công sức vun trồng, chăm sóc kể từ khi gieo trồng cho đến ngày hái quả. Họ dồn biết bao tâm sức của họ vào thức quả trân quý ấy. Những chùm vải đỏ, chín mọng, trĩu quả chính là thành quả mà họ mong đợi, là cả tấm lòng của họ dồn vào trong đó. Họ đáng được đền đáp một cách xứng đáng cho sức lao động chân chính, miệt mài bao tháng ngày qua.
Dùng từ “Giải cứu” chính là sự hạ thấp đi giá trị của nông sản, hạ thấp công sức lao động của người nông dân nói chung và người dân trồng vải thiều nói riêng. “Giải cứu” chính là chất xúc tác để tạo điều kiện cho thương lái “không chân chính” ép giá người dân, đẩy họ vào tình cảnh “buộc” họ phải chấp nhận. Sự chấp nhận đến cay đắng vì họ không còn sự lựa chọn nào khác. Ép giá nông sản chính là cân đo đong đếm sức lao động và ép giá bất chấp lợi nhuận của bên trung gian tiêu thụ vải thiều. Việc hiểu đúng sẽ giúp chúng ta hành động đúng và đạt được kết quả cao nhất, là “chung tay” chứ không phải “giải cứu”.
Mỗi khi đất nước gặp khó khăn thì chúng ta lại thấy tinh thần đoàn kết mạnh mẽ, chung sức đồng lòng của dân tộc Việt Nam trỗi dậy. Chính bởi tinh thần đoàn kết ấy mà dân tộc chúng ta đã trải qua và giành được thắng lợi trong bao cuộc chiến chống quân xâm lược. Khi hòa bình lập lại, tinh thần đoàn kết của dân tộc vẫn được gìn giữ và phát huy giá trị bất cứ khi nào đất nước cần.
Có thể thấy, hiện nay, người dân cả nước đang chung tay cùng với tỉnh Bắc Giang bảo vệ, dồn lực hỗ trợ Bắc Giang tiêu thụ vải thiều. Các điểm tiêu thụ vải thiều cả nước được thiết lập và đạt hiệu quả cao trên tinh thần “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, luôn đề cao mục tiêu bằng cách nào để tiêu thụ được vải thiều đảm bảo chất lượng, bảo vệ giá trị lao động của những người nông dân chân chính.
Xót xa biết bao khi nhìn những gương mặt mồ hôi nhễ nhại, hằn in những vất vả, cực nhọc và vương đầy những lo lắng cho đầu ra của nông sản.
Xót xa biết bao khi nhìn hàng đoàn xe nối đuôi nhau chở đầy những “hạt ngọc đỏ” của trời đất, được người dân nâng niu, bảo vệ.
Chúng ta hẳn sẽ cảm thấy ấm lòng biết bao khi tình người ấm áp khiến chúng ta sát lại gần nhau hơn. Ấm lòng biết bao khi tinh thần tương thân tương ái được châm nguồn tỏa sáng.
Chúng ta cùng hi vọng với sự chung tay, sát cánh của nhân dân cả nước thì mùa vải thiều năm 2021 sẽ “an toàn” bước qua khó khăn, bảo vệ được giá trị cho những người lao động.
 

Đính kèm

  • Ảnh đính kèm cuộc thi Mùa vải ngọt.doc
    1.1 MB · Lượt xem: 1
Từ khóa
mùa vải thiều vải thiều
1K
0
1

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top