Dự thi Tết bên ngoài khung cửa - Nguyên

Dự thi Tết bên ngoài khung cửa - Nguyên

Nguyên
Nguyên
  • Thành Viên 28
Siết chặt tay cầm của cốc trà nóng, tôi nghiêng người, đưa mắt nhìn ra ngoài khung cửa sổ. Mưa phùn lất phất xen ngang bầu trời hanh hao nắng, sắc đào phai nhạt nhòa trước sân nhà ai đó như nói với tôi thật khẽ, rằng Tết đang đến, rất gần.

Tết đến cùng khói nhang trầm vương vấn trên những ngôi mộ cũ, cùng tiếng chuông nguyện cầu cuối năm vọng lại từ phía nhà thờ. Tết đến cùng phiên chợ họp từ sáng đến chiều, lúc nào cũng tấp nập người mua kẻ bán. Tết đến cùng những ngày nghỉ ngơi sau một năm dài vất vả, và bước chân lưu lạc xứ người của những đứa con xa quê tất tả trở về.

Nhưng tất cả những thứ đó, đều không liên quan gì đến tôi.

Tôi vươn tay kéo cánh cửa sổ vào, chốt lại, dùng cách thức vụng về và ngu ngốc nhất để ngăn cách chính mình với sự ồn ào, tấp nập của những ngày giáp Tết ngoài kia.

Điện thoại di động đặt trên mặt bàn lại rung lên, tiếng chuông chói tai với âm lượng lớn đột ngột dội vào màng nhĩ khiến tôi giật mình. Nhìn cái tên hiển thị trên màn hình, tôi nhíu mày, ngẫm nghĩ vài giây, rồi quyết định không nghe máy. Đợi hết hồi chuông, màn hình có thêm một thông báo cuộc gọi nhỡ, tôi mới vội vàng vớ lấy điện thoại, chuyển sang chế độ im lặng.

Trống ngực đập thình thịch. Cảm giác chột dạ giống như thời còn đi học giấu nhẹm mấy bài kiểm tra chẳng may đạt kết quả không như ý.

Người ở đầu dây bên kia có lẽ đã đoán được là tôi không muốn nghe điện thoại, hoặc cho rằng tôi đang bận, chuyển sang gửi tin nhắn. Chỉ là một dòng tin đơn giản, như mọi năm: “Tết năm nay con có được về nhà không?”

Dòng chữ trên điện thoại nhòe dần trong tầm mắt nhòa nhạt. Tôi cúi đầu, gạt vội mấy giọt nước mắt không nghe lời thi nhau rơi xuống từ hốc mắt cay xót. Chỉ hai chữ “về nhà” của mẹ, không ngờ lại có thể khiến tôi đau lòng đến vậy. À mà cũng không hẳn là đau lòng. Là xót xa, là hờn tủi, là giận dỗi… hay là thứ cảm xúc tiêu cực nào đó khác mà tôi chưa kịp hiểu đủ để gọi thành tên.

Đầu ngón tay tôi hơi run rẩy, soạn tin nhắn trả lời. Nhập rồi lại xóa, nhập rồi lại xóa… Cứ như vậy, cuối cùng tin nhắn tôi trả lời lại mẹ chỉ vỏn vẹn hai câu: “Con không về đâu, năm nay con phải trực. Mẹ ăn Tết vui vẻ nhé.” Gửi tin xong, tôi thở phào như trút được gánh nặng.

Mẹ tôi không gửi thêm tin nhắn nữa, cũng không cố gọi cho tôi thêm lần nào nữa. Trực Tết là một lý do quá hoàn hảo cho những người làm công việc có phần đặc thù như chúng tôi, mỗi khi không muốn trở về.

Mẹ tôi đã sớm quen rồi. Luôn là như thế, năm nào cũng là như thế. Bà hiểu rằng tôi không muốn về nơi ấy đón xuân, chắc là từ khi tôi không còn coi nơi ấy là nhà tôi nữa.

Hay là, vì tôi chưa từng coi nơi mẹ tôi sống là nhà.

Nhà tôi, phải là tổ ấm đầy ắp tiếng cười, phải là chốn bình yên để tôi nương náu. Chứ không phải như bây giờ, là tổ ấm của người khác, chốn bình yên nhỏ bé do người ta và mẹ tôi chung tay gây dựng. Nhà, trong suy nghĩ của tôi là một từ ngữ thiêng liêng biết bao nhiêu, làm sao có thể dùng để gọi một nơi mà thời gian người ngoài sinh sống còn nhiều hơn tôi được.

Phải, tôi coi ông bố dượng và đứa em cùng mẹ khác cha kia là người ngoài. Đấy là còn chưa kể, ngôi nhà mà một nhà ba người họ đang ở không phải ngôi nhà cũ ngày bố tôi còn sống, không phải nơi gắn bó với tôi suốt những tháng ngày thơ dại.

Tất nhiên, đối với mẹ tôi thì đó là nhà, là chốn ấm êm bà cùng xây đắp với một người đàn ông góa vợ ba năm sau khi chồng bà mất. Bà từng giấu tôi chuyện đó, nhưng trên đời chẳng có bức tường nào không lọt gió, dù sớm dù muộn tôi cũng biết thôi. Tôi không trách bà đi bước nữa, tìm hạnh phúc riêng. Tôi chỉ trách, vì tin ấy tôi được nghe từ miệng một người khác, không phải là bà.

Tôi nhớ như in cái ngày vừa mới bước vào phòng trọ sau một đêm trực dài không ngủ, vừa mệt vừa đói, chỉ muốn nằm vật xuống giường đánh một giấc, lại nhận được cuộc gọi từ em trai ruột của bố tôi.

“Mày về mà xem, mẹ mày chuẩn bị lấy chồng đấy!” Giọng nói của ông chú ruột qua điện thoại nghe hơi rè rè. Nhất thời, tôi đứng ngây ra như phỗng, chẳng biết mình vừa nghe được cái gì, cũng chẳng biết lúc nói ra câu đó, chú tôi thương tiếc cho tôi nhiều hơn, hay hả hê cười nhạo trên sự éo le của cuộc đời người khác nhiều hơn.

Tôi biết chuyện mẹ tôi đi bước nữa trước khi bà lên ủy ban đăng kí kết hôn, nhưng tôi không hề mở miệng ngăn cản. Một đứa con còn đang sống dựa vào mẹ không có quyền ngăn mẹ đi tìm hạnh phúc. Bà để tang bố tôi ba năm, coi như cũng trọn tình vẹn nghĩa với hai mươi mấy năm duyên nợ vợ chồng.

Có lẽ giữa mẹ tôi và bố tôi cũng từng có tình yêu, nhưng yêu thương đã sớm nhạt phai vì quay cuồng cơm áo gạo tiền, suốt hai mấy năm gừng cay muối mặn. Tôi cũng biết, vì đôi mắt ấy nhìn bố tôi chẳng có quyến luyến mê say, chẳng như khi bà nhìn người chồng mới. Tôi biết tất cả những chuyện đó, nhưng tôi không chê trách điều gì, vì ít ra bà đã cho tôi hoàn cảnh lớn lên tốt đẹp. Hay cho dù không phải thế, thì phận làm con, cũng chẳng thể trách, chẳng thể chê người cho mình sự sống.

Là một người trưởng thành, tôi không ngăn cản mẹ tôi tìm vui duyên mới. Làm một đứa con, với tất cả niềm yêu thương và kính trọng đối với người cha đã mất, tôi không thể chấp nhận người muốn thay thế vị trí của ông.

Thế nên, tôi chạy trốn. Tôi là một kẻ đào ngũ hèn nhát của cuộc chiến con người – số phận. Những khi tôi không biết đối mặt, hay chỉ là không muốn đối mặt, tôi chạy trốn, những khi đứng trước mớ bòng bong rối rắm, tôi chạy trốn, và cứ thế, tôi trốn người thân yêu nhất của mình còn lại trên đời.

Tết là dịp để người ta sum họp gia đình, nhưng lại là lúc mà tôi chật vật tìm cách để chạy trốn hai chữ “về nhà” năm nào mẹ tôi cũng nói. Có vẻ như bà luôn cố vẽ thêm tôi vào bức tranh một nhà ba người đấm ấm và hạnh phúc của bà, để nó trọn vẹn hơn. Chỉ là tôi không muốn.

Những suy nghĩ rối bời về Tết, về người cha đã khuất, về gia đình mới của mẹ cứ quanh quẩn trong đầu tôi đến tận đêm hai chín Tết, đêm của sự chuyển giao.

“Lại trực Tết à con gái? Sao con gái con lứa, nhà thì xa mà năm nào cũng nhận trực Tết thế?” Bác bảo vệ già ghi biển số xe của tôi vào vé giấy, cười cười. Tôi làm việc ở đây bao nhiêu năm thì cũng quen bác bấy nhiêu năm. Tôi trực Tết bao nhiêu lần, thì cũng bấy nhiêu lần gặp bác ngồi một mình trong phòng bảo vệ với chiếc tivi nhỏ không biết đã có tuổi đời bao lâu.

Tôi cười: “Vâng, chúc bác năm mới vui vẻ ạ.”

Bác bảo vệ thở dài: “Ôi dào, đêm giao thừa còn phải quanh quẩn ở bệnh viện, không về nhà được, vui vẻ cái nỗi gì! Sao con gái không nhờ người khác trực giúp cho, mấy năm trực xuyên Tết rồi, cũng phải về đón giao thừa với gia đình một lần chứ.”

“Các anh chị không xếp lịch cho con, là con tự xin trực bác ạ. Đằng nào trong khoa cũng phải có người trực Tết, con không làm thì người khác phải làm. Các anh chị có gia đình, có cha mẹ, có chồng có vợ, có con nhỏ nữa, để mọi người về đón giao thừa. Con chỉ có một mình, ăn Tết ở đâu mà chẳng được.” Ở bệnh viện, ăn Tết với bệnh nhân, ít ra tôi còn có chút cảm giác ấm áp khi làm một việc gì đó có ý nghĩa.

“Được rồi, bác chẳng cãi lại được mấy đứa trẻ các con.” Bác bảo vệ xua tay: “Vào trong đi không lại muộn!”

Giống như hàng trăm hàng nghìn bệnh viện khác, nơi tôi làm việc cũng có những dãy hành lang dài hút bóng, tường trắng gạch men và mùi thuốc sát trùng xộc thẳng vào trong mũi. Đêm hai chín Tết, mấy chị điều dưỡng trong khoa đã chuẩn bị chút bánh mứt rượu bia. Nhìn mấy cái đĩa nằm trơ một góc trên chiếc bàn chất đầy hồ sơ bệnh án, bên tai là tiếng khóc quấy vọng lại từ khoa nhi, tôi thở dài.

Có cố gắng thế nào thì cái nơi lạnh lẽo này cũng chẳng thể “vui như Tết” được. Đến sắc màu tươi thắm của cành đào ngoài hành lang hình như cũng bị ảnh hưởng bởi không khí bệnh viện mà ảm đạm đi vài phần.

Mấy chị điều dưỡng ngồi buôn dưa với sinh viên cho hết ca trực dài chán ngán. Cô bác sĩ duy nhất trong phòng trực, là tôi, thì căng mắt nhìn vào màn hình điện thoại, đếm từng phút từng giờ sang năm mới.

Nhớ lại thời khắc đón giao thừa của những năm về trước, ngay khi đồng hồ điện thoại nhảy sang con số hai ba giờ năm mươi chín phút, tôi đã bắt đầu lẩm nhẩm: “Sáu mươi… năm chín… năm tám…”

Tôi đếm một cách rất nghiêm túc từ sáu mươi đến một, nhưng đếm đến lần thứ ba mới thấy bên ngoài pháo nổ đùng đoàng.

Bệnh viện chúng tôi rất gần điểm bắn pháo hoa của thành phố. Ngồi trong ánh đèn điện sáng trưng, ngoài kia không chỉ bóng đêm, mà còn là từng chùm pháo hoa rực rỡ sắc màu. Thứ sắc màu rực rỡ của thời khắc chuyển giao, thứ sắc màu vui tươi của khao khát tuổi thơ, thứ sắc màu đối lập với sự lạnh lẽo, u buồn nơi bệnh viện.

Em sinh viên năm thứ ba lần đầu tiên trực Tết dán mắt vào cửa kính, nhìn ra bên ngoài, bật thốt lên: “Đẹp quá!” Quay lại nhìn đám nhân viên y tế bọn tôi, đôi mắt em sáng rực: “Đây là lần đầu tiên em được nhìn thấy pháo hoa ở ngoài đời đấy các anh chị ạ! Mọi năm vào đêm giao thừa, bố mẹ không cho em đi ra ngoài, sợ đến lúc về lại thành tự xông nhà, dông, mất lộc chết!”

“Đêm nay em trực, sáng mai về nhà thì không tính là tự xông nhà à?” Chị điều dưỡng ngồi gần em sinh viên nhất mở miệng trêu chọc.

“Không ạ.” Em sinh viên rất thật thà lắc đầu, trả lời: “Bố em đã nhờ người xông nhà sớm rồi. Ngày mai bảy giờ em mới hết ca trực, về đến nhà kiểu gì cũng muộn hơn.” Nhắc đến người nhà, em lại lôi điện thoại ra, hơi ngập ngừng: “Anh chị ơi… cho em chạy ra ngoài một tí… gọi điện về cho bố mẹ được không ạ?”

Nhận được cái gật đầu từ tôi, em sinh viên cầm điện thoại chạy vọt ra ngoài hành lang. Lát sau, ngoài hành lang đã vọng vào tiếng nói cười ríu rít.

Mấy chị điều dưỡng cũng lần lượt rời phòng trực, mỗi người tìm một góc vắng vẻ và yên tĩnh để gọi về cho gia đình. Chỉ có một mình tôi từ đầu đến cuối ngồi yên ở vị trí của mình, điện thoại nằm trong túi áo vẫn để chế độ im lặng nằm im lìm trong túi áo blouse.

“Bác sĩ ơi… bác sĩ ơi… Cứu mẹ em với! Mẹ! Mở mắt ra nhìn con đi mẹ!” Tiếng gọi cất cao, lộn xộn xen lẫn tiếng thở hổn hển, tiếng khóc nức nở và tiếng bước chân dồn dập kéo tất cả chúng tôi về với trạng thái làm việc nghiêm túc.

Một ca tai nạn giao thông vừa đến.

Ngoài kia, Tết đã lấp ló bên ngoài khung cửa, nhưng dường như vẫn còn cách những con người khoác blouse trắng như chúng tôi dăm ba ca tai nạn giao thông nữa. Bệnh tật kéo đến chưa bao giờ biết chừa ngày Tết ra, tai nạn giao thông và vấn đề tiêu hóa lại cứ nhè các dịp lễ Tết mà ùn ùn kéo tới.

“Chị ơi, không đếm được mạch, không đo được huyết áp.” Em sinh viên đa khoa năm ba lần đầu trực Tết nhìn tôi với một vẻ hoang mang.

“Ừ, không sao, lấy cho chị đôi găng.” Tôi đeo găng tay vào, và bắt đầu thăm khám. Một ca đa chấn thương, mất rất nhiều máu và đúng như em ấy nói, không còn dấu hiệu sinh tồn: “Ngừng tuần hoàn rồi, bóp bóng giúp chị, còn em, đàn ông con trai sức dài vai rộng, ép tim giúp chị đi! Đã học quy trình cấp cứu ngừng tuần hoàn rồi chứ?”

Em sinh viên nam còn chưa kịp gật đầu, một người khác đã vội vàng chạy đến: “Để anh!”

Tôi hơi nhíu mày, cũng hơi kinh ngạc: “Anh Nam? Sao anh lại đến viện? Không phải anh bảo là…” Ca trực đêm nay đáng ra là của anh Nam, nhưng anh ấy nói năm nay muốn đón mẹ về ăn Tết cùng hai vợ chồng anh chị, nhờ tôi trực giúp.

Hoàn cảnh của anh Nam cũng gần giống tôi, bố mất sớm, mẹ đi bước nữa, quan hệ mẹ con đóng băng suốt mười mấy hai mươi năm, đến năm nay vợ anh sinh cháu rồi mẹ con mới năng qua lại. Tôi thấy anh có thể hàn gắn lại tình cảm với mẹ thì mừng cho anh một phần, lại thêm một phần hi vọng vào tương lai hàn gắn lại tình cảm với mẹ, sau khi chính mình có thể suy nghĩ thoáng hơn và chấp nhận được gia đình riêng của mẹ.

“Bệnh nhân tử vong ngoại viện. Ngừng thở, ngừng tuần hoàn, từ lúc vào viện đã không đo được dấu hiệu sinh tồn rồi.” Tôi khẽ nói với người đồng nghiệp đang ép tim cho bệnh nhân, vận động mạnh và liên tục khiến mồ hôi túa ra từ trên trán, đọng thành giọt trên chóp mũi anh. Nhưng anh vẫn không dừng lại.

Đôi khi, việc chúng tôi có thể làm, chỉ còn là cố gắng, cố gắng và hi vọng kì tích xảy ra, tuy rằng đó chỉ là một hi vọng vô cùng xa vời.

Bệnh nhân là một phụ nữ ngoài năm mươi, con cái đuề huề. Cô con gái tất tả chạy vào, giày cao gót lộp cộp vang cả hành lang, mặt mũi lem luốc son phấn. Ông con rể bước từng bước gấp gáp, sát đằng sau cô con gái.

Thằng con trai nhìn qua mới khoảng trên dưới hai mươi tuổi là người đưa bệnh nhân vào bệnh viện, nước mắt nước mũi tèm nhem, ngồi run lập cập trên ghế mà nói một mình: “Con xin lỗi… con xin lỗi…”

Sau gần ba mươi phút cố gắng trong vô vọng, cuối cùng Nam cũng dừng tay. Anh mệt đến mức phải vịn hai tay vào băng ca, thở hổn hển. Từ trong hai hốc mắt đỏ ngầu, hai dòng nước mắt trong suốt chầm chậm chảy ra.

“Mẹ… con xin lỗi… con đến muộn rồi…”

Không chỉ có tôi, mà tất cả những người có mặt trong ca trực đêm giao thừa đều bàng hoàng nhìn Nam. Tôi vỗ vỗ vai anh, định nói vài lời an ủi, nhưng chợt nhận ra lúc này nói gì cũng là dư thừa.

Chẳng phải lần đầu tiên thấy người chết, chẳng phải lần đầu tiên thấy nạn nhân của tai nạn giao thông, làm cái nghề này, đã nhìn quen sinh tử, nhưng mỗi ca cấp cứu bất lực, bệnh nhân tử vong, tôi lại vẫn thấy lòng mình nặng thêm một phần. Mỗi khi nhìn người nhà bệnh nhân, người thì khóc thương, người lại bàng hoàng, người cố rặn ra vài giọt nước mắt, người vô cảm, người hối hận… tôi lại thấy lòng mình nặng thêm một phần nữa.

Bệnh nhân này có lẽ còn khiến lòng tôi trĩu nặng hơn tất cả những lần trước đó. Bởi vì với những bệnh nhân khác, chúng tôi chỉ là bóng áo trắng lướt qua cuộc đời họ ngay thời khắc họ từ giã cõi trần. Nhưng với tôi, với những đồng nghiệp của tôi, thì bệnh nhân này không chỉ là một bệnh nhân bình thường, còn là mẹ ruột của một đồng nghiệp mà chúng tôi rất mực yêu quý.

Con trai, con gái và con rể của người đã khuất tranh nhau lo liệu thủ tục trong bệnh viện, đưa mẹ về an táng. Chỉ có một mình Nam lóng ngóng đứng một bên, như thể muốn tiến tới hỗ trợ, lại như muốn chạy trốn khỏi tình cảnh khiến mình không được tự nhiên.

Tôi thở dài, đưa cho anh một tờ khăn giấy: “Chị nhà anh biết chuyện chưa?”

“Vẫn chưa.” Nam lắc đầu: “Anh không dám nói cho vợ anh biết, chỉ bảo ở viện có việc gấp nên phải đi ngay. Nếu cô ấy biết mẹ anh… anh không biết phải làm thế nào nữa…”

Bố Nam mất từ khi anh học cấp một. Mẹ anh muốn đi bước nữa, nhưng lại ngại nhà chồng nên cứ lần lữa mãi, tới tận khi con trai lớn là Nam lên cấp ba, vào học trường nội trú mới quyết định đến với một người đàn ông khác.

Bà mẹ giấu con trai lớn chuyện đi lấy chồng, chỉ đưa cô con gái nhỏ theo, con trai thì “chia” cho nhà nội nuôi nấng. “Mùa xuân thứ hai” của mẹ Nam có một người con trai với vợ trước, về sau hai người lại sinh thêm một thằng con trai nữa. Rồi ông ấy cũng ra đi, để lại mẹ Nam với ba đứa con, đứa con mình, đứa con chồng, đứa con chung. Run rủi thế nào cô con gái lại lấy luôn ông con riêng của chồng bà mẹ, vì hai người lớn chưa đăng kí nên cũng chẳng hề gì.

Qua bao nhiêu năm quanh quẩn với gia đình mới, tới tận khi mồ mả chồng thứ hai đã lạnh, mẹ của Nam mới nhớ ra trên đời này vẫn còn một thằng con trai lớn do mình dứt ruột đẻ ra. Đều là người trưởng thành, biết phân biệt phải trái đúng sai, nên tuy trong lòng vẫn còn khúc mắc nhưng Nam vẫn quyết định bỏ qua, nhận lại mẹ, cũng để bà có con có cháu, bớt day dứt tuổi già.

Tết năm nay bà mẹ nổi hứng bồi đắp tình cảm mẹ con, muốn sang nhà Nam đón giao thừa. Còn chưa kịp sang tới nơi, chẳng biết ở nhà riêng đánh cãi chửi nhau ra làm sao, chỉ biết bà mẹ tức khí chạy ra ngoài, bị ô tô đâm.

Thế là xong một đời người.

“Anh thật sự hối hận rồi.” Nam mím môi rất chặt, cố ngăn nước mắt chảy ra, giọng anh nghèn nghẹn: “Trước đây anh biết mẹ ở đâu, nhưng anh không muốn gặp bà… Anh giận bà ấy ôm em gái anh đi theo mà bỏ anh ở lại. Anh giận bà ấy không ngó ngàng gì đến anh suốt bao nhiêu năm trời… Nhưng phải chi… anh chủ động đến tìm bà ấy…”

Tôi rùng mình, hóa ra đời người cũng chỉ đến thế. Vừa cười, vừa nói, một con người sống sờ sờ ra đấy, chết lúc nào chẳng ai biết trước được. Tôi chợt nghĩ đến mẹ tôi, có phải một lúc nào đấy không có tôi bên cạnh, mẹ tôi sẽ buồn, sẽ khổ, và một lúc nào đấy tôi sẽ hối hận vì tôi ngày hôm nay không?

Anh đồng nghiệp mới hơn ba mươi thoáng chốc như già đi cả chục tuổi. Hai bả vai anh sụp xuống, nặng nề vỗ vỗ lên vai tôi: “Em vẫn còn cơ hội! Mẹ em vẫn đang đợi em về… Đừng cố chấp nữa, về nhà với mẹ đi!”

Bước chân chậm chạp của anh lẫn vào trong đêm đen mù mịt. Công việc của tôi thì vẫn phải tiếp tục.

Thời gian còn lại của đêm giao thừa qua đi trong yên lặng. Bảy giờ sáng, ca trực kết thúc, tôi cởi blouse, quấn thêm khăn quàng cổ, rồi lao vội vàng ra ngoài, vội vàng tới bỏ quên lời chúc Tết từ đồng nghiệp. Tôi muốn về nhà, nhà của mẹ tôi.

Tôi đã dành tất cả khoảng thời gian còn lại của đêm trực để nghĩ về chuyện của Nam, chuyện của tôi, và những lời thấm thía ruột gan mà anh đồng nghiệp nói với tôi trước khi rời bệnh viện. Anh nói đúng, tôi vẫn còn cơ hội, còn cơ hội để mở lòng đón nhận yêu thương, không việc gì phải giữ khư khư sự cố chấp ngu ngốc và vụng về trẻ con cả.

IMG20210213130140.jpg


Sáng sớm đầu xuân, thành phố chìm trong vắng lặng. Mưa bụi giăng giăng trước mắt, giống như sương giăng trắng trời trắng đất vào mùa đông ở miền núi quê tôi. Ven đường, những cành đào, cây quất lặng lẽ vươn mình trong cơn lạnh ban sáng.

Rồi nắng lên. Nắng chơi vơi đuổi đi mưa lạnh. Thành phố dần khuất xa sau những vòng quay của bánh xe. Tôi nhìn thẳng về phía trước, triền núi xa xa vẫn mờ sương, con dốc vắng hun hút gió. Mấy trăm cây số vun vút lao đi trong sự tê cứng từng ngón tay.

Tôi dừng xe trước cổng một ngôi nhà vừa quen vừa lạ, một ngôi nhà hai tầng bình thường như bao nhiêu ngôi nhà khác. Trước cổng nhà, cây đào lác đác vài bông hoa đỏ thắm. Tôi chậm chạp đưa tay lên, chạm vào chuông cửa, hít vào thở ra vài lần mới đủ dũng khí bấm chuông.

Tiếng mở cửa lạch cạch, một cái đầu nhỏ rụt rè ló ra, ngay sau đó là tiếng gọi non nớt: “Chị!” Em cùng mẹ khác cha của tôi mặc chiếc váy công chúa màu hồng phấn, vừa nhảy tưng tưng vừa reo lên: “Mẹ ơi, bố ơi, chị về!”

Tôi trừng mắt nhìn con bé, hơi ngẩn người, rồi bật cười. Nhìn điệu bộ vui mừng hớn hở của nó, tôi mới hiểu, thì ra từ đầu đến cuối, chỉ có tôi là mãi không chịu mở lòng.

Từ trên cầu thang, mẹ tôi vội vàng chạy xuống, lao ra cửa: “Con về rồi à? Vào nhà đi, rửa chân tay mặt mũi rồi nghỉ ngơi, mẹ chuẩn bị cơm… Mẹ cứ tưởng năm nay con lại không về… Sao lại gầy thế này? Công việc vất vả nhưng cũng phải ăn uống nghỉ ngơi cẩn thận chứ…”

Đôi mắt mẹ tôi hoe đỏ, mà hình như mẹ tôi già đi nhiều lắm, khác xa người mẹ xinh đẹp trong trí nhớ của tôi. Mắt tôi cũng cay cay, đã bao lâu rồi tôi không về với mẹ?

Tôi không khóc, nhất định rồi, chỉ là mắt cứ cay, và vài giọt nước mắt cứ chảy xuống thôi. Vài giọt nước mắt chảy xuống nhòe cả bóng hình người đàn ông trung niên vừa rơi trên võng mạc. Người đàn ông đứng cạnh cầu thang, ngập ngừng như muốn bước đến gần, nhưng rồi lại lùi lại, vì sợ sẽ nhận được ánh mắt lạnh tanh từ đứa con riêng của vợ.

Tôi gật đầu với ông. Tôi đã không trách ông nữa, hay nói đúng hơn là chưa từng trách ông. Tôi chỉ đang giận dỗi mà thôi. Mà sự giận dỗi của một cô nhóc còn chưa lớn hẳn thì chẳng có gì to tát, với chính cô nhóc ấy – khi đã trưởng thành.

Tết tràn quanh xóm, Tết len qua khung cửa nhà.

Tết rạng rỡ trên khuôn mặt tất cả những người đang sống trong ngôi nhà ấy.

Thì ra, nhà mẹ tôi cũng là nhà tôi, mà Tết, thì chẳng ở đâu ấm áp bằng nhà.


Tác giả: Nguyên
Bài dự thi "Mùa Tết Quê Tôi"
 
Sửa lần cuối:
567
4
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top