Sinh ra, lớn lên bằng đồng ruộng nhưng đã lâu lắm mới lại quét thóc trên sân phơi. Nắng đã khuất bóng cây, thóc cũng không nhiều bằng ngày tôi còn bé. Nghe mạch máu giần giật từ má lên thái dương nóng ran. Ngày tôi còn bé...
Nhà toàn người gầy còm nheo nhóc, bà thì già quá, cháu thì non chớt. Bố mẹ phải gồng lên biết bao mùa gặt vác thóc lên tầng hai, vác sang nhà hàng xóm phơi nhờ vì sân nhà bé tẹo, vác lên mấy bậc thềm đổ vào cái hòm thóc bằng tôn, cái hòm mà sau mấy vụ lúa được mùa mới đủ tiền sắm. Cái hòm thóc ngày bé tôi nhìn thấy to thế, bây giờ sao nhỏ tí. Cứ sau vụ gặt thì gõ nghe tiếng chắc nịch. Còn đến năm học mới thì gõ kêu boong boong.
Năm đó mất mùa lúa, tôi lên lớp ba. Bố không có tiền đóng học cho hai chị em. Bà giáo phải xin nhà trường cho chị em tôi chậm học phí. Rồi đến mùa sau, tôi thấy bà giáo viết vào tờ giấy liệt kê các mục học phí ba chữ “đã đủ thóc”, rồi đưa tôi cầm về. Lớn lên tôi mới biết năm học đó bà giáo đã ứng trước tiền học phí cho chị em tôi, sau đó bố mẹ chở thóc ra trả bà giáo. Cho nên câu nói “năm lớp ba tôi học hết hai cót thóc” là hoàn toàn theo nghĩa đen thật sự.
(Ảnh minh họa: Internet)
Năm hơn chín tuổi người tôi còi dí đã đạp xe chở được bà nội bảy mươi tuổi đi cấy đồng xa. Con đường đất nhiều cửa gầu, có khi trơn trượt, hai bà cháu ngã xuống mương, xuống ruộng là chuyện bình thường. Giờ mà có bà cụ bảy mươi tuổi bị ngã là con cháu đưa đi viện ngay, chụp chiếu, khám xét xem xương khớp có bị làm sao không. “Ngày đó bà còn không cả dám ốm đâu mày ạ”, bà tôi phều phào cười. Mẹ thì gánh mạ đi lâu lắc mới vào đến ruộng. Mãi nhiều năm sau bố mới mua được chiếc Dream tàu, chứ xe đạp đã là sang lắm, cái ngày đó.
Nhìn cha mẹ rồi tự hỏi mình, đời người có những ngày tháng sao mà mạnh mẽ đến thế, nghị lực đến thế, lấy đâu ra nhiều sức lực đến thế để gồng gánh được cả quá khứ, cả hiện tại và cả tương lai. Tương lai của tôi vẫn luôn thắc thỏm: Không biết là ta đã thực sự “thoát cảnh đồng ruộng” như bố mẹ hằng mong mỏi?
Khi mà ta vẫn nhớ quay quắt những mùi cỏ dại trên bờ ruộng, nhớ mùi đất mới cày, mùi mưa rào đầu hạ, mùi gió đông hanh hao, mùi sương chiều phủ xuống cánh đồng trơ gốc rạ… Ta vẫn thấy má mình rưng rưng khi nghe mùi phấn thóc chiêm rặm ngứa, vẫn thấy thân thuộc biết mấy khi mùi ngai ngái của rơm lúa mới trên đồng thoảng nơi sống mũi, vẫn thấy bắp chân mỏi nhừ như khi đẩy xe thồ trên cánh đồng nứt nẻ mỗi mùa khô.
Người trẻ bây giờ có bạn không biết hạt thóc trông ra làm sao, bông lúa được trồng cấy như thế nào. Dễ hiểu bởi mỗi người có một cuộc sống khác nhau. Vậy mà mấy cậu chàng đôi mươi hễ mở miệng lại nói “còn thóc không, nhiều thóc phết nhỉ” như một từ lóng thật ngầu.
- Cha bố chị, hết thóc là lại về nhà chứ gì!
Ôi bà tôi, nghe thanh niên choai choai nói vậy liền tưởng rằng như thế là hợp mốt. Không phải vậy đâu bà ơi, đối với cháu, thóc là nhà, nhà cũng chính là thóc đã nuôi cháu thành người. Nên thóc không bao giờ là hết, cũng chẳng bao giờ vơi đi được. Bà dạy cháu học cấy, dạy cháu cầm liềm, dạy cháu bó từng gồi lúa gầy xơ gầy xác. Con bé chín tuổi quàng tay ôm mãi không hết một gồi lúa của người lớn, nhưng vẫn cố bấu thật chặt mấy ngón tay bé tí, chỉ vì “rơi một bông thóc là mất một miếng và cơm”. Chữ “thóc” là ngôn từ đẹp đẽ thiêng liêng nhất mà ngày bé cháu cố giữ không để rơi trên những mảnh ruộng, và đến trưởng thành cháu cũng chưa từng đánh rơi.
Hạt thóc bây giờ chẳng còn giá trị cao như những ngày xưa đó. Nền công nghiệp hóa làm cho cái bóng người nông dân trên đồng ngày càng mờ nhạt. Nhưng trong lòng tôi, hạt thóc là cả tuổi thơ khó nhọc, là gánh gồng của ông bà cha mẹ. Thóc đã ở trong tim, trong máu của con, thì con dù đi đâu, làm gì cũng không “thoát cảnh đồng ruộng” được đâu, bố mẹ à.
Tiểu Mai
<Bài dự thi viết chủ đề Nhà 2021>
Nhà toàn người gầy còm nheo nhóc, bà thì già quá, cháu thì non chớt. Bố mẹ phải gồng lên biết bao mùa gặt vác thóc lên tầng hai, vác sang nhà hàng xóm phơi nhờ vì sân nhà bé tẹo, vác lên mấy bậc thềm đổ vào cái hòm thóc bằng tôn, cái hòm mà sau mấy vụ lúa được mùa mới đủ tiền sắm. Cái hòm thóc ngày bé tôi nhìn thấy to thế, bây giờ sao nhỏ tí. Cứ sau vụ gặt thì gõ nghe tiếng chắc nịch. Còn đến năm học mới thì gõ kêu boong boong.
Năm đó mất mùa lúa, tôi lên lớp ba. Bố không có tiền đóng học cho hai chị em. Bà giáo phải xin nhà trường cho chị em tôi chậm học phí. Rồi đến mùa sau, tôi thấy bà giáo viết vào tờ giấy liệt kê các mục học phí ba chữ “đã đủ thóc”, rồi đưa tôi cầm về. Lớn lên tôi mới biết năm học đó bà giáo đã ứng trước tiền học phí cho chị em tôi, sau đó bố mẹ chở thóc ra trả bà giáo. Cho nên câu nói “năm lớp ba tôi học hết hai cót thóc” là hoàn toàn theo nghĩa đen thật sự.
(Ảnh minh họa: Internet)
Năm hơn chín tuổi người tôi còi dí đã đạp xe chở được bà nội bảy mươi tuổi đi cấy đồng xa. Con đường đất nhiều cửa gầu, có khi trơn trượt, hai bà cháu ngã xuống mương, xuống ruộng là chuyện bình thường. Giờ mà có bà cụ bảy mươi tuổi bị ngã là con cháu đưa đi viện ngay, chụp chiếu, khám xét xem xương khớp có bị làm sao không. “Ngày đó bà còn không cả dám ốm đâu mày ạ”, bà tôi phều phào cười. Mẹ thì gánh mạ đi lâu lắc mới vào đến ruộng. Mãi nhiều năm sau bố mới mua được chiếc Dream tàu, chứ xe đạp đã là sang lắm, cái ngày đó.
Nhìn cha mẹ rồi tự hỏi mình, đời người có những ngày tháng sao mà mạnh mẽ đến thế, nghị lực đến thế, lấy đâu ra nhiều sức lực đến thế để gồng gánh được cả quá khứ, cả hiện tại và cả tương lai. Tương lai của tôi vẫn luôn thắc thỏm: Không biết là ta đã thực sự “thoát cảnh đồng ruộng” như bố mẹ hằng mong mỏi?
Khi mà ta vẫn nhớ quay quắt những mùi cỏ dại trên bờ ruộng, nhớ mùi đất mới cày, mùi mưa rào đầu hạ, mùi gió đông hanh hao, mùi sương chiều phủ xuống cánh đồng trơ gốc rạ… Ta vẫn thấy má mình rưng rưng khi nghe mùi phấn thóc chiêm rặm ngứa, vẫn thấy thân thuộc biết mấy khi mùi ngai ngái của rơm lúa mới trên đồng thoảng nơi sống mũi, vẫn thấy bắp chân mỏi nhừ như khi đẩy xe thồ trên cánh đồng nứt nẻ mỗi mùa khô.
Người trẻ bây giờ có bạn không biết hạt thóc trông ra làm sao, bông lúa được trồng cấy như thế nào. Dễ hiểu bởi mỗi người có một cuộc sống khác nhau. Vậy mà mấy cậu chàng đôi mươi hễ mở miệng lại nói “còn thóc không, nhiều thóc phết nhỉ” như một từ lóng thật ngầu.
- Cha bố chị, hết thóc là lại về nhà chứ gì!
Ôi bà tôi, nghe thanh niên choai choai nói vậy liền tưởng rằng như thế là hợp mốt. Không phải vậy đâu bà ơi, đối với cháu, thóc là nhà, nhà cũng chính là thóc đã nuôi cháu thành người. Nên thóc không bao giờ là hết, cũng chẳng bao giờ vơi đi được. Bà dạy cháu học cấy, dạy cháu cầm liềm, dạy cháu bó từng gồi lúa gầy xơ gầy xác. Con bé chín tuổi quàng tay ôm mãi không hết một gồi lúa của người lớn, nhưng vẫn cố bấu thật chặt mấy ngón tay bé tí, chỉ vì “rơi một bông thóc là mất một miếng và cơm”. Chữ “thóc” là ngôn từ đẹp đẽ thiêng liêng nhất mà ngày bé cháu cố giữ không để rơi trên những mảnh ruộng, và đến trưởng thành cháu cũng chưa từng đánh rơi.
Hạt thóc bây giờ chẳng còn giá trị cao như những ngày xưa đó. Nền công nghiệp hóa làm cho cái bóng người nông dân trên đồng ngày càng mờ nhạt. Nhưng trong lòng tôi, hạt thóc là cả tuổi thơ khó nhọc, là gánh gồng của ông bà cha mẹ. Thóc đã ở trong tim, trong máu của con, thì con dù đi đâu, làm gì cũng không “thoát cảnh đồng ruộng” được đâu, bố mẹ à.
Tiểu Mai
<Bài dự thi viết chủ đề Nhà 2021>