Dự thi THPT CHU VĂN AN KHOẢNG LẶNG CỦA NỖI NHỚ

Dự thi THPT CHU VĂN AN KHOẢNG LẶNG CỦA NỖI NHỚ

Thật nhiều năm sau khi chúng ta đủ lớn để có trong tay tất cả những điều mình cần, cơm- áo -gạo -tiền không còn là nỗi lo. Ngày gặp lại gỡ những chức tước, gác lại tiền tài, danh vọng nghề nghiệp, gỡ bảng tên xuống, cởi bỏ đồng phục gói gọn lại sau cánh cửa kia, để tất cả chúng ta đều như nhau, để chẳng đứa nào trong hơn 40 đứa trẻ ngày ấy phải mặc cảm hay tự ti vì số phận, để khoảnh khắc ngồi lại bên nhau sống trọn vẹn từng giác quan trong cuộc vui mang tên: " Họp Lớp". Rồi chúng ta sẽ lại vui như thời trẻ dại, lại bên nhau mà nhắc về tuổi trẻ, kể nhau nghe về màu áo trắng, gợi nhau nhớ về mái trường xưa THPT Chu Văn An - Sầm Sơn - Thanh Hóa.

Cậu có còn nhớ? Mùa hè năm ấy 2020, mùa hè chia ly, khi hoa phượng nở đỏ rực một góc trời, báo hiệu mùa hè cuối cùng của đời học sinh. Buổi học cuối cùng của 12 năm áo trắng không ai khóc nhưng có lẽ trong thâm tâm mỗi người đều có những cảm xúc riêng, có vui, có buồn, có hối tiếc... Tiếng trống cuối cùng của đời học sinh vang lên đánh dấu bước chuyển mình của tuổi trẻ, khoảnh khắc đó có lẽ cả đời không quên được. Sau ngày hôm ấy không còn phương trình nào ta còn đem ra giải nữa, chẳng bài văn nào phải đặt bút viết cảm nhận thêm nữa, lịch sử có ra sao, địa lý có thế nào cũng không đứa nào bận lòng. Sẽ không ai trong hơn 40 thành viên lớp mình ngày ấy vì tiếng trống trường mà trở nên vội vã, không thổn thức trước ngày thi học kỳ, không lén lút khi truyền tay nhau mấy hạt hướng dương, quả ổi cũng chẳng dành nhau cắn nữa...

Cánh cổng trường khép lại, nâng bước những đứa trẻ tay chưa lấm bụi tim chưa vết xước vào đời, năm 18 tuổi đứng trước những ngã rẽ của cuộc đời chúng ta chọn cho riêng mình một hướng đi. Dẫu đứa vào Nam ra Bắc hay kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi, người lập nghiệp phương xa, kẻ an phận nơi quê nhà gánh vác gia đình nhỏ, số ít chọn đèn sách học hành. Chúng ta đều buộc phải lớn lên, đành phải trưởng thành, phải trở nên gai góc để gồng mình bon chen với dòng người ngược xuôi. Những năm đầu tiên khi hòa mình vào thế giới sau cánh cổng trường công việc, con cái, học hành còn chưa ổn định, khi hờn ghen của tuổi học trò còn chưa quên. Rồi một sáng mùa đông nào đó thức dậy giữ lòng Thủ Đô cố cho phép mình cuộn tròn trong chăn để nhớ về con đường đã qua, những hành lang, những lớp học, tiếng cô thầy và hơn cả là nhớ các cậu, nhớ mái trường xưa.
 

Đính kèm

  • inbound8365793789418558100.jpg
    inbound8365793789418558100.jpg
    371 KB · Lượt xem: 227
Từ khóa
#tanvan nhomaitruongxua vanhoctre
536
2
1

Phạm Thị Nguyên

Thành Viên
27/10/21
9
21
3,000
21
Xu
22,482
"Xa mái trường thân yêu.
Đã bao lâu rồi nhỉ.
Những lời cô thủ thỉ.
Em nhớ đến bây giờ.

Ngày ấy tuổi mộng mơ.
Hay thẫn thờ thổn thức.
Trái tim non rạo rực.
Mùa phượng thắm sân trường.

Những bài giảng thân thương.
Thấm vương đầy bụi phấn.
Cô như vầng trăng sáng.
Dẫn lối đường em đi.

Nghe tiếng gió thầm thì.
Mà lòng xao xuyến mãi.
Suốt đường đời bươn chải.
Luôn khắc nhớ ân tình"!

Có dịp đi thực hành tại một trường phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội vào đúng dịp các em chuẩn bị cho ngày 20/11 sắp tới, ngắm các em hớn hở tự tay chuẩn bị trang báo tường, sưu tầm những bài thơ về trường lớp, về thầy cô. Bàn tay nhỏ bé của các em lem những màu, những vết mực, có em hỏi tôi: "Ngày chị còn đi học 20/11 trường chị có như trường em bây giờ không?". Câu hỏi của em khiến tim tôi lạc đi một nhịp, dù ngành học hiện tại và nghề nghiệp tương lai sẽ gắn bó với môi trường giáo dục nhưng khi nhắc đến trường cũ vẫn hoang hoải một nỗi niềm thương nhớ.
Ngày ghi lý lịch vào Đại học tôi ấm ức mãi khi trong mục THPT tôi phải ghi tới tận hai tên trường liền đã có lúc thoáng nghĩ giá như ngày ấy không có sự thay đổi đó lý lịch về THPT chỉ vỏn vẹn một dòng. Sau này khi lớn hơn một chút, trong công việc cần nhiều ý tưởng và trải nghiệm, khi đứng trước các em nhỏ, khi chia sẻ cho các em về trải nghiệm học đường, về thầy cô, về cấp 3 tôi cảm thấy có lẽ việc có thêm một trường THPT trong học bạ của mình tôi cảm thấy bản thân mình may mắn hơn bao giờ hết, có thêm một trường, có thêm một nơi để về, có thêm bạn bè, có thêm thầy cô và gom cho mình trải nghiệm thực tế, trải nghiệm của thanh xuân. Năm đó khi trường cấp 3 cũ THPT Nguyễn Xuân Nguyên của chúng tôi giải thể, lớp tôi được chia về nhiều trường khác nhau theo khu vực hành chính.
Cho tới tận bây giờ khi bạn bè trong lớp có người đã tay hai đứa con tôi vẫn không quên được ngày đầu tiên ở trường mới- Ngôi nhà thứ 2 mang tên THPT Chu Văn An. Cái cảm giác buồn vui lẫn lộn ấy thật khó tả, buồn vì 3 năm cấp 3 không trọn vẹn, vui vì sẽ có thêm nhiều cơ hội để gặp những người bạn, người thầy mới. Tôi nhớ chúng ta của năm học ấy năm học cuối cùng của đời học sinh, năm lớp 12 năm quyết định cho cả một chặng đường dài tuổi học trò. Ngày có danh sách lớp tôi được xếp vào lớp 12A14 do một cô giáo dạy văn chủ nhiệm, hôm nhận lớp cả lũ hớn hở lắm vì toàn gương mặt thân quen ở trường cũ, gvcn cũng là GV trường cũ.
Khai giảng đầu tiên ở mái trường này, khai giảng cuối cùng của đời học sinh chúng ta lần đầu mặc áo dài trắng, lần đầu cảm nhận được sự thiêng liêng của mùa khai giảng năm cuối cấp, lần đầu háo hức và dậy sớm đón khai giảng đến thế. Năm học ấy năm học đầy kỷ niệm mọi cung bậc cảm xúc đều đã có, vui cũng nhiều, buồn thì không ít. Những buổi học đầu tiên chưa quen với nề nếp ở trường mới, lớp vẫn còn nhiều bạn đi muộn, mặc đồng phục không đúng quy định bị khiển trách, bị trừ điểm thi đua, để cô phải nhắc nhở gọi về nhà cho phụ huynh rồi bữa trưa hôm đó cơm chan nước mắt. Khi vào nề nếp hơn một chút thì lại có bất đồng xảy ra vì lớp nhiều con gái nên chia bè phái nói xấu, ganh đua lẫn nhau. Dù chưa xích mích to hay đánh nhau lần nào nhưng điều đó đã làm chúng ta xa nhau dần dần. Trong các hoạt động tâp thể chưa bao giờ là đông đủ vì thế nên không có một chiếc ảnh lớp trọn vẹn. Đáng nhớ nhất có lẽ là lần tôi đầừ têu cho lớp viết đơn xin đổi gvcn. Lá đơn ấy không giải quyết được vấn đề gì chỉ làm cho mối quan hệ cô- trò thêm căng thẳng. Những ngày tiếp theo đó lớp thường xuyên bị dự giờ, cô đã cố gắng làm tốt nhất có thể. Cho đến bây giờ khi nghĩ lại tôi vẫn còn cảm giác tội lỗi. Thật ra lúc đặt bút cũng chẳng nghĩ gì cho đến khi học tập và làm việc trong môi trường giáo dục tôi mới biết và cảm thông cho gvcn của mình nhiều hơn. Nếu có cơ hội làm lại có lẽ sẽ không có lá đơn đó, sẽ làm vòng tròn chia sẻ để cả cô và trò có cơ hội lắng nghe những suy nghĩ, tình cảm tâm tư và nguyện vọng của nhau để thấu hiểu nhau hơn.
Thời gian cứ thế trôi qua chúng tôi cùng nhau đi qua mùa thi, nhắc bài nhau trong giờ kiểm tra, thầy kiểm tra miệng một đứa lên bảng chục đứa ở dưới nhắc bài, mỗi đứa nhắc một kiểu không biết nghe đứa nào. Quên sao được những giờ toán của cô Hiền mặt đứa nào đứa nấy căng như dây đàn tưởng như sắp viết lời cảm tử, không dốt mà không hiểu sao tôi miễn tiếp thu với môn toán. Giờ văn buồn ngủ đến mê mệt ra chơi thấy chúng bạn nằm lê lết, có hôm quay đầu lại phát hiện ra mình là đứa duy nhất còn thức. Rồi cả giờ sử cứ gặp thầy Dũng là đau họng hơn bình thường vì cười nhiều, thầy cho 8 điểm nhất quyết không lấy đợi 10 điểm mới lấy. Nhớ nhất là giờ địa lý của cô Hoa luôn được cô yêu chiều như con gái nhỏ, đôi lúc dỗi quay mặt đi khi cô gọi bạn mà không gọi mình, là nhớ cả những điểm 10 cô cho... Rồi dịch covit 19 hoành hành phải học online nhớ những buổi học cả thầy lẫn trò loay hoay mãi vì không vào được lớp quá zoom, tí một lại cô ơi em không vào được, cô ơi duyệt em vào lớp. Cả thầy và trò chúng ta đã thật sự nỗ lực đồng hành cùng nhau trong ngày tháng lịch sử ấy. Chín tháng trôi qua nhanh thật nhanh rồi buổi học cuối cùng cũng đến, hôm ấy chúng ta không ai khóc, chỉ lặng lẽ ghi cho nhau dòng lưu bút trên chiếc áo trắng mang dáng hình THPT Chu Văn An. Nhưng tớ biết trong lòng mỗi đứa theo đuổi cảm xúc khác nhau. Vì dịch bệnh tổng kết năm học muộn hơn dự kiến, chỉ diễn ra trong vòng một giờ đồng hồ, không kỷ yếu, không lễ trưởng thành nhưng có lẽ chúng ta không ai quên được ngày hôm ấy. Cái nắng tháng 7 của Thanh Hóa thật sự khắc nghiệt, mồ hôi thầy, cô lấm tấm trên trán, ướt lưng áo và chúng ta đã cùng nhau giải đề, truyền tay nhau phương pháp ôn thi hiệu quả, các mẹo tính toán... Dù kết quả kỳ thi năm ấy không như kỳ vọng nhưng ít nhất chúng ta đã thật sự cố gắng, đã cùng nhau đi qua mùa hè rực lửa năm ấy. Khi viết những dòng này tất cả như một phim quay chậm để cảm xúc thật lắng đọng, để nghe tim mình bồi hồi những nhớ thương.

Tôi tin rằng trong trái tim của mỗi người, trường học luôn là một điều gì đó thiêng liêng lắm, người ta thường nghĩ chắc ít có ai nghĩ đến việc ngôi trường như một khái niệm chuẩn mực. Thế giờ này có nhiều ngôi trường, trong quá trình học tập và lớn lên người ta sẽ học ở nhiều ngôi trường khác nhau. Có thể tất cả ngôi trường đều đem đến giá trị như nhau, nhưng ngôi trường THPT Chu Văn An trong tim tôi lại là một ngôi trường đặc biệt, đó không chỉ là nền tảng cho những bước tiến trong đời mà còn là sự tự hào của bao thế hệ. Mái trường ấy là nơi tôi học tập, nơi thầy cô tôi vun đắp đàn em thơ, nơi tôi đã " sống" hết mình trong màu áo ấy. Xin phép được dùng từ “sống” chứ không phải là “tồn tại” hay “hoạt động” (cho dù học tập là một hoạt động và là hoạt động chủ đạo của học sinh phổ thông), là bởi vì tôi đã trải cuộc đời mình lên tất cả những cung bậc cảm xúc chứ không đơn thuần là sự tương tác qua lại trên phương diện lý tính. Nơi đó tôi đã được nếm những mật ngọt của yêu thương, tận hưởng cái vị trong lành ấm áp và nhiều hơn thế ở đó là bậc thang nâng cánh tuổi trẻ của tôi. Với tôi , ngôi trường mang ý nghĩa to lớn . Là bởi nó gắn liền với tôi bằng những hồi ức riêng biệt. Nó là tương lai, là hiện tại hay quá khứ, là hành trang . Với tôi, ngôi trường ấy là quá khứ, là kỷ niệm mà đã có nhiều lần, tôi muốn kéo nó quay trở lại. Nhắc đến THPT Chu Văn An với tôi không chỉ là kỷ niệm học trò, những bè bạn, những cô thầy. Nhưng trong tôi, ngoài những ký ức chung đó, điều mà tôi nhớ đến nhiều nhất là bức tường vôi cũ bạc phếch xiêu vẹo ở con đường ra sân thể chất , cùng màu nắng chiều điểm những đốm vàng úa trên đó. Nó buồn. Buồn đến mức tôi từng có cảm tưởng tuổi trẻ của mình đang khóc vì nó. Bức tường vôi bạc màu và đốm nắng úa gợi trong tôi những suy niệm về sự hiện hữu của năm tháng. Trường cũ của tôi bây giờ đã bước vào tuổi 39 nhiều hơn tuổi đời của cô giáo tôi. Ba chín năm đã qua biết bao thay đổi, biết bao thăng trầm. Mái trường ấy, không phải chỉ là một cuộc đời mà biết bao nhiêu cuộc đời đã từng dừng lại, ghé chân rồi ra đi và lại trở về trong ngày hội khoá. THPT Chu Văn An, không phải là mái nhà cho một người mà là một lớp người và những lớp người. Có lần gặp lại bạn cũ trong một lần đặt xe công nghệ, chúng tôi hỏi thăm nhau vài câu rồi vô tình lại nhắc chuyện cũ. Trong những ngày dong duổi kiếm tiền dù mưa hay nắng, khao khát lắm thèm được quay lại những ngày tháng học trò lắm, vô lo vô nghĩ, có lo chăng chỉ là lo trước ngày thi học kỳ. Thi thoảng về quê không dưng lại tìm về ngôi trường ấy, để rồi ngậm ngùi quay lưng khi cổng trường đã khép. Sự trở lại bị chối từ bằng những chắn song hoen gỉ. Đôi khi tôi có cảm giác như tất thảy yêu thương tuổi 18 gói trọn vẹn sau then cửa ấy. Tôi vẫn thường tự hỏi có lẽ con người ta kỳ lạ lắm. Cứ tự ràng buộc mình vào thương nhớ của tháng năm không trở lại mà quên đi đời thường còn lắm những âu lo. Tôi thở dài vì một điều trong quá khứ còn nuối tiếc. Nhưng rồi khi cái thời khắc hiện tại trôi đi, thì tôi lại thở dài vì nó. Tuổi trẻ thường vậy. Và tôi lại càng như vậy. Thời học trò của tôi có bao điều thú vị, vui tươi mà tôi quên lãng, rồi lại nghĩ về một thời học trò xưa cũ hơn, nhưng lại xa xôi lắm. Và khi là sinh viên đại học, tôi lại quay đầu ngoảnh nhìn về quá khứ, lại tiếc 12 năm học trò ve kêu như thành lệ. Cấp 3 trôi vội vàng theo những vòng xe. Đôi lần hối hận vì chưa sống hết mình trong khoảnh khắc ấy, tiếc vì đã không kiên định, những đã làm mà còn dở dang . Nhưng chính sự hối hận ấy đó lại chính là mảnh ký ức không thể nào quên. Người ta thường nghĩ : “Hạnh phúc dễ lãng quên, buồn đau luôn ở lại”. Cái gì trọn vẹn quá lại không khiến người ta thương nhớ bằng một sai lầm. Nếu quá khứ mà ta không có điều gì nuối tiếc thì có lẽ nó cũng chẳng có gì đáng để hoài niệm.
Tháng năm trôi nhẹ trôi, từng thế hệ học trò lần lượt nối nhau tạm biệt trường xưa, nhưng là chia xa tuổi học trò. Thời gian là một dòng chảy đơn tuyến, trôi qua là không trở lại nữa. Nhưng trường tôi thì còn mãi đó, trầm ngâm như một người đã dạn dày sóng gió, khoác lên mình chiếc những đổi thay của thời gian. Có đôi lần trở lại trường xưa vào những buổi chiều muộn, ngồi một mình dưới gốc đa già cỗi, tôi suy tư về cuộc đời mình, về con đường tôi đã chọn. Bản thân là một kẻ tôn thờ chủ nghĩa xê dịch. Tôi quan niệm nói, không có gì là mãi mãi, cũng không có lúc nào vạn vật đứng yên. Tôi luôn nghĩ rằng cuộc sống vô thường lắm. Tháng năm không trở lại, biết đâu một ngày nào đó trong tương lai nó cũng không còn tồn tại nữa. Nhưng những ký ức về nó hằn in trên mình năm tháng thì luôn sống mãi, nó đã từng tồn tại, và sẽ luôn tồn tại trong trái tim học trò. Có nhiều người muốn xóa đi ký ức, muốn trốn chạy quá khứ, nhưng làm sao được? Những gì đã hiện hữu thì sẽ còn hiện hữu. Cái sự vô thường đôi khi cũng bất lực.
Hoàng hôn trải mình lên từng bức tường rêu úa, lên những mái ngói thâm đen vì dấu ấn thời gian. Vẫn là buổi chiều muộn như nhiều năm về trước, vẫn là khung trời quen thuộc, nhưng con người thì đã đổi khác. Cuộc sống quá ngắn ngủi kể từ khi ra trường. Hòa mình vào bon chen thường nhật, đại học cho tôi nhiều bài học trái chiều. Khi cuộc sống vùi dập mới cảm nhận được rằng cuộc sống dưới cánh cổng trường ấy có quá nhiều hạnh phúc. Tôi đã đi nhiều nơi, hướng đến một vùng đất xa lạ nào đó, để tìm cho mình một khoảng lặng, một chút bình yên trong thâm tâm mình. Và rồi lại bất lực trở về, cuộn mình trong nhung nhớ về màu mực tím. Thời thanh xuân ấy trẻ dại ấy lại là vùng hồi ức đẹp và bình yên nhất.
Có lẽ rồi tất cả sẽ đổi thay như những gì đã định. Những góc sân trường trở thành hoài niệm. Ngôi trường vẫn toạ lạc ở đó, lặng lẽ buồn vui, lặng lẽ dõi theo từng dấu chân thơ của lũ học trò trên đường đời. Ngôi trường kể lể về cuộc đời mình bằng sự trưởng thành, sự thành công của lớp lớp học trò . Nó là quyển nhật ký không lời của biết bao con người, biết bao thế hệ đã đang và sẽ đi qua. Bằng dấu ấn có tên “ thời gian" người ta khắc lại tuổi học trò của mình lên quyển nhật ký mang tên THPT Chu Văn An. Và rồi sau nhiều tháng năm đã xa, lũ trẻ tìm về và người ta họa lại cuộc đời mình bằng những trang nhật ký không hồi kết, bằng nét vẽ mang tên tuổi 18.
Mái trường đứng lại để thời gian trôi dần. Năm tháng hững hờ vẽ bức tranh muôn màu của nó, tạo ra những bản nhạc mang tên kỷ niệm. Tôi vẫn tiếp tục trên hành trình dang dở của mình, dù có đôi lần nản lòng chạy về với cô thầy mà khóc lóc. Sẽ còn những lần trở lại trường, trầm ngâm trước cánh cổng , tự hỏi không biết có khi nào những lối về sẽ chẳng còn khuất nẻo
Nếu như nhà là nơi để mỗi đứa trẻ trở về sau bão giông thì với tôi THPT Chu Văn An là điểm dừng chân cho những tháng năm lưng chừng của tuổi trẻ, để giữ cho mình một trái tim trọn vẹn nhiệt huyết, vẹn tròn yêu thương.
 
Sửa lần cuối:

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top