Thư gửi cụ Nam Cao

Thư gửi cụ Nam Cao

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 32 đến từ Nam Định
Xin giới thiệu một bài viết bày tỏ về thực trạng lối sống vô cảm và tha hóa của con người trong xã hội hiện nay được trình bày một cách sáng tạo, độc đáo qua hình thức của một bức thư gửi cụ Nam Cao, qua cách so sánh giữa Chí Phèo và cách mà con người cư xử ngày ấy và bây giờ, tác giả đã viết ra ý tưởng và nỗi lòng của mình đầy thu hút.​

Cụ Nam Cao thương mến,

Tôi viết lá thư này gửi đến cụ với tư cách là một nhân chứng của thời đại, ghi lại dấu nét thời gian gửi gắm trên từng mảnh linh hồn. Âu có lẽ, từ xưa đến nay thì bản chất con người vẫn chẳng hề đổi thay? Chúng ta vẫn là những mảnh đời lưu lạc chịu đựng sự biến thiên vạn hóa của tạo hóa và của cả chính con người. Vậy liệu rằng những tình yêu thương những điều tốt đẹp trên đời này có còn hay chỉ còn tàn dư những tha hóa và đen tối của cuộc đời và của con người?

Ở thế kỷ hai mươi mốt này liệu cụ và tôi có còn đồng tình những quan niệm trước kia của cụ: chỉ có tình yêu thương mới cứu rỗi được linh hồn con người.

Tôi vẫn sẽ đồng ý với cụ rằng ở đâu đó trên thế giới này, vẫn luôn tồn tại điều tốt lành, và điều tốt lành nhất là tình yêu thương. Tình yêu thương luôn dang rộng đôi vòng tay ôm ấp, che chở, để cùng thấu hiểu và sẻ chia với tất cả mọi người. Đó là cội nguồn của hạnh phúc và của những điều tốt đẹp. Cũng giống như Thị Nở trong tác phẩm “Chí Phèo” của cụ, một người “xấu đến ma quỷ hờn” về ngoại hình nhưng lại đẹp về phẩm chất. Nàng đã làm một điều mà dường như chẳng ai làm hoặc thậm chí đoái hoài đến, vừa bình dị vừa giản đơn mà đầy lòng trắc ẩn. Chính bát cháo hành là kết tinh cho tình yêu thương cao cả. Chính tình yêu đã hoàn lương một “con” người. Và như cụ từng tâm niệm: chỉ có lòng tốt mới cứu rỗi được linh hồn sa ngã.

Trong đời sống hiện nay, tình thương sẽ giúp con người gần nhau hơn, thấu hiểu nhau hơn và san sẻ khó khăn cùng nhau. Cụ có biết ở trên thành phố Đà Lạt thuộc tỉnh Lâm Đồng hiện nay, có một quán cà phê tên là “Thời thanh xuân”. Đó là nơi rất đặc biệt, đặc biệt ở chỗ rất im lặng. Không nhốn nháo hay huyên náo. Bởi, những anh chỉ phục vụ là những người khiếm thính. Họ không thể nghe, thậm chí chẳng thể nói nhưng họ rất siêng năng. Họ trao nhau ánh mắt trìu mến và phục vụ với trái tim không một khiếm khuyết. Họ ở bên nhau, bù đắp dần, thế vào nhưng khoảng lặng bị tước đoạt. Không than vãn. Bởi, cách họ giao tiếp là nhịp đập con tim. Cụ hãy thử nghĩ xem nếu không nhờ tình yêu thương, liệu những anh chị đó có ngày hôm nay?

Nhưng bên cạnh đó, nhìn vào thực tế tôi sẽ phải nói với cụ rằng xã hội nơi tôi hiện sống, nơi tôi đang là nhân chứng đã ngày một tha hóa dần. Tha hóa như cái cách mà Bá Kiến đẩy Chí Phèo vào vòng đời tội lỗi, không lối thoát.

Tha hóa là quá trình con người đánh mất đi bản chất tốt đẹp của mình, họ dần thay đổi theo một chiều hướng tiêu cực. Ngày trước, con người sống với nhau, thân thiết, gần gũi, coi trọng tình nghĩa và có trách nhiệm với công động. Ngày nay, con người sống gần nhau hơn nhưng chẳng còn thân thiết. Con người hiện đại đã vươn tới những vì sao nhưng vẻ mặt người láng giềng bỗng xa xôi. Hay sống chung dưới một mái nhà nhưng lại không thấy bóng nhau. Họ bị cuốn theo vòng xoáy của công việc. Dần dần, họ không thể thoát ra khỏi những cái vòng vèo và chùng chình của cuộc đời; cứ mãi chạy cố theo tiếng gọi của tiền tài và danh vọng mà lãng quên những người xung quanh, và tệ hơn là quên chính bản thân mình. Họ quên rằng bản ngã hay lương tâm cũng cần họ như mầm xanh cần nước, như hương thơm cần gió. Một lần tặc lưỡi cho qua, một lần vô tâm, một lần hèn nhát sẽ thành mọi lần. Dần dần, những cảm xúc, những rung động trước cuộc sống và cả tình yêu thương vốn có bị tiêu phai dần, nhưng họ nào có hay.

Cụ có biết một trong những khuyết tật trong đời sống hiện đại này là gì không? Là thói vô cảm! Vô cảm trước sự đời, trước sự sống, rồi không chút gì còn sót lại trong họ, không có gì cả… Đó là khi con người ta đánh mất tính chủ động trong cuộc sống. Con người không còn thân thiện, không còn xích lại gần nhau như xưa mà thay vào đó là suy nghĩ mạnh ai nấy lo, tiết kiệm lời, tiết kiệm lòng thương. Cụ cứ thử nghĩ khi một người gặp nạn trên đường thì số đông sẽ làm gì? Vâng, họ sẽ vô cảm, dửng dưng lướt qua như không có gì. Vô hình chung như cái cách mà cả làng Vũ Đại “tránh tà” chàng trai Chí Phèo tội nghiệp “chắc nó trừ mình ra!”; một số khác sẽ hiếu kì mà bu lại xem và tám chuyện; chẳng ai màng tới người gặp nạn cả. Cụ có hiểu xã hội bấy giờ tàn ác thế nào? Nhưng chắc chắn bên cạnh đó vẫn sẽ có những tấm lòng tốt đẹp lại giúp đỡ, ở đây tôi chỉ nói số đông.

Không chi dừng lại ở đó, sự tha hóa đã biến con người trở nên thú tính, cái phần “con” trong người cứ trỗi dậy và gây tổn thương cho người khác. Cụ nghĩ sao khi nạn ấu dâm đang tràn lan trên đất nước thuần phong mỹ tục này? Hay chuyện nữ sinh giao gà bị ức hiếp đến chết? Hay những ngôi sao K-pop Hàn Quốc phải tự kết liễu tuổi xuân sau một thời gian chịu đựng những lời chỉ trích, đả kích từ những kẻ nhân danh người hâm mộ? Vậy liệu giờ những gì cụ quan niệm có còn đúng? Cụ nghĩ tình thương sẽ lại cảm hóa họ để họ không tha hóa sao? Tình thương sẽ xóa nhòa mọi vết nhơ tội lỗi, là công cụ đổi đen thành trắng?! Tình thương chắc chắn không toàn năng như thế! Và dù có đi chăng nữa họ vẫn không chọn yêu thương.

Cái bi kịch của Chí Phèo là sinh ra là một con người nhưng không được thừa nhận và được sống như là con người. Nhưng cái bi kịch hiện nay là sinh ra là một con người, được thừa nhận và được sống như con người nhưng lại không sống đúng là một con người. Họ lựa chọn cái thói vô cảm, lối sống dửng dưng và ích kỉ cho bản thân mình. Cụ biết tại sao không? Tại họ nghĩ rằng người ta ai cũng giống mình, người xấu cũng đầy ra đấy thì tại làm sao phải làm người tốt cho mang thêm họa?! Theo số đông số nhiều, chớ dại làm cừu giữa bầy sói. Giống như việc họ bỏ đi hay chỉ dừng lại bàn tán, chỉ trỏ mà không ra tay giúp đỡ người gặp nạn là vì họ sợ bị liên lụy, sợ phải mang họa và gặp rắc rối. Sẽ có ai đó trừ họ ra làm người tốt, làm anh hùng của truyện. Họ tha hóa rồi…

Cũng như một câu nói trong tác phẩm của Remarque: “cái mà nhân loại thiếu, đó là một lòng tốt bình thường”. Và liệu cái “lòng tốt bình thường” ấy có đủ để cảm hóa một con người?

Tôi tin là có! Chỉ cần lòng tốt ấy được đặt đúng chỗ, đúng lúc thì chắc hẳn sẽ tạo nên kì tích. Một người có thể bị tha hóa bởi cái đầu lạnh nhưng chắc chắn sẽ được sưởi ấm bằng một trái tim nóng. Trái tim và tâm hồn, tôi tin có lực đàn hồi. Có thể chai sạn nhưng không mất đi mà cần được khai mở và cần lòng tin. Và một phần nào đó, tôi vẫn tin vào quan niệm của cụ, tin vào tình yêu thương có thể cảm hóa con người.

Nhưng để thực hiện được điều đó và để cho những người như Chí Phèo có thể thực hiện được ước mơ thì chúng ta cần thay đổi. Chúng ta nên cảm thông, thấu hiểu những người xung quanh, nhất là những kẻ khác biệt bất đắc dĩ, như cách mà cụ đã ghé sát tai nghe Chí Phèo. Sau đó là mở lòng ra, dùng tình yêu thương để cảm hóa họ, đưa họ, chỉ dẫn họ về con đường thiện lương. Ngoài ra, còn phải giáo dục và khơi gợi cho học sinh về tình yêu thương và truyền ngọn lửa yêu thương ấy cho mọi người. Chỉ có như thế thì cả tôi và cụ mới còn tia hi vọng vào lòng tốt cứu rỗi linh hồn.

Chúng ta có thể phạm sai lầm nhưng đừng để sai lầm đó tha hóa chúng ta. Một sai lầm không định được cả một cuộc đời. Người ta cứ nghĩ buông xuôi và theo dòng là đúng khi trót một lần trượt tay nhưng không biết rằng là nước ta vẫn có thể xoáy để trở nên tinh khiết. Dẫu cho xã hội có dần tha hóa thì đâu đó sâu trong tâm hồn mỗi con người vẫn luôn le lói tình yêu thương, lòng tốt và nhân tính. Nhưng cần nhiều hơn nữa để tình thương từ bản năng ấy được thành hình. Ta học chữ thương từ khi còn trong tử cung người mẹ, lời kể chuyện của người cha. Nhưng khi lớn rời xa bước vào môt xã hội đầy cảm bẫy, khi mọi định nghĩa bị lẫn lộn, ta cần dũng cảm. Tình thương là chyện trái tim và ta cần sự dũng cảm từ lý trí để chỉ lối. Dũng cảm để nhìn nhận sai lầm bản thân và quay đầu, dũng cảm để lên tiếng trước cái xấu cái bất công, dũng cảm để biến tình thương thành hành động, vượt qua mọi lời chỉ trích khi quá khác biệt. Họ xấu và bêu riếu nhưng rồi trong thành tâm cũng phải ngả phục việc ta làm và họ âm thầm thay đổi. Có ai muốn mình xấu mãi? Thị Nở không phải là nhân vật xấu nhất văn học bởi còn nhiều người xấu hơn nàng ấy. Xấu từ tâm, mãi không chịu gội rửa.

Tôi thầm cảm ơn cụ đã dạy cho tôi và nhân loại bài học sâu sắc như vậy. Dũng cảm là khi cụ đã biểu dương cho nhân vật Chí Phèo đoạn cuối nhưng tiếc là hắn lại không đủ yêu thương bản thân, không tin vào tình thương có thể cảm hóa được những dân làng máu lạnh. Tình thương lại sáng lên ở nhân vật Thị Nở, không oán trách kẻ chì chiết mình hay kẻ ai cũng oán trách. Cả hai là mảnh ghép không thể thiếu biểu tượng cho tư chất con người. Cụ Nam cao, cụ có khuyên tôi điều gì không?

Một nhân chứng thời đại
Kí bút
LƯU THỊ HÀ GIANG
Thư gửi cụ Nam Cao.png
(Thư gửi cụ Nam Cao)
 
Từ khóa
bi kịch của chí phèo con người đánh mất đi bản chất tốt đẹp của mình tha hóa của con người trong xã hội hiện nay thư gửi cụ nam cao thực trạng lối sống vô cảm
514
2
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Top