Dự thi THƯƠNG NHỚ Ở AI?

Dự thi THƯƠNG NHỚ Ở AI?

[ Những người thiên cổ ]

Trong nhan đề mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh đặt cho cuốn sách của mình, tôi hiểu đó là tất thảy của những vẻ đẹp cuộc đời khi ta tĩnh tâm quay về với Đạo. Nhưng "Đường xưa mây trắng" ấy, nếu ta đặt vào một ngữ cảnh khác thì sao? Nơi mà người ta vui chơi ngày Tết, liệu rằng có ai còn nhớ đến những người thiên cổ của ta? Lúc này, "Đường xưa mây trắng" phải đành thêm một nỗi nghi hoài "còn đâu?"

Tết muôn đời luôn đẹp. Nét đẹp văn hóa phương Đông trang nghiêm linh thiêng không thể nhòa đi được. Một nền văn hóa mà lúc mới sinh ra, trán ta đã điểm một chấm đen lọ nồi và nó đi theo ta suốt cuộc đời giông bão. Rồi người ta lo lau chùi chấm đen ấy đi. Chắc có lẽ lớn rồi, sợ không sạch sẽ!

Ông bà ta là người biết lo nghĩ chuyện muôn đời. Bởi lẽ họ sợ cháu con mình quên mất cái gốc gác mà nó được hoài thai. Nên mỗi năm là một lần đón Tết, một lần rước ông bà về vui quầy, chứng kiến cảnh hội ngộ đoàn viên. Vì thế, ngày Tết là ngày của những người đã đi xa. Sau đó là ngày của những tâm hồn khát sống. Nhưng biết làm sao khi chúng ta đã có lần muốn từ bỏ cuộc đời để quay về miền vĩnh cửu. Vậy là, dù muốn dù không, thời gian sẽ cho ta trở thành người thiên cổ. Đến giờ phút trái tim còn vài phần sức lực, người ta lại lưu luyến biết là bao nhiêu. Tết sẽ hết nhưng nó sẽ quay trở lại. Còn đời người, hương trầm cho nghi ngút thì chỉ còn là sự tưởng nhớ mà thôi! Đó có phải là lý do khiến ta muốn quên hơn là nhớ, muốn đốt cháy ngày Tết bằng những cuộc chơi, để rồi tự chuốc lấy cái tiếng "kẻ vong ơn" mà bất lực chẳng thiết giãi bày?

Chúng ta lo toan cho tương lai mình nhiều quá. Chúng ta cần một dịp để nghĩ về nhiều hơn. Ông bà ta sinh ra ngày Tết, có lẽ là vì lý do đó!

Tôi vẫn hay tự hát khúc hoan ca về giá trị bền vững. Trong tôi luôn đau đáu một thời đã qua, người có đức tin gọi đó là tôn thờ quá khứ. Nhưng tôi nghĩ lòng tin của tôi còn cao hơn như thế! Đạo là đời. Cái đời không thèm o bế, che chở tôi. Tôi quay về gia đình. Gia đình thương tôi, cho tôi cảm giác bình yên sau mấy hồi xém lật thuyền trên biển đời ngỡ là tĩnh lặng. Bởi vậy mà gia đình vẫn là số một. Khi mất đi một người thân, suốt những năm dài tháng rộng trong trí nhớ có đôi ngày quên. Nhưng những ngày Tết về, trên bàn thờ gia tiên sáng một ánh sáng linh thiêng lạ kì, làm người ta nhớ và biết ơn hơn thường ngày gấp bội. Tôi đã rong hoài những cuộc chơi mà sau đôi tháng không nói chuyện với nhau nó nhạt dần. Tôi đã đi phố thị để học cách đua đòi cùng người ta nhưng con đường ấy không mãi dành cho một người chung thủy. Tôi đã yêu lấy vài cô gái, nhưng tình chóng phai. Những điều tốt đẹp thường dễ gãy đổ? Nó chỉ đúng với những thứ mang giá trị tức thời mà thôi! Nếu là sai, thì tri kỷ, bạn đời, sự chung thủy, làm gì có mặt trên đời! Chỉ là sợ ta chưa tìm được những chiếc nhẫn vừa tay mình thì đã vội tròng ngay cái dây cương hằn lên chặt cổ.

Tôi chỉ muốn quay về với người tôi thương yêu. Những người đã thành thiên cổ.

Tôi muốn bên cạnh những người đang yêu thương tôi. Những người sau này là thiên cổ.

Tôi không chấp nhận sự lãng quên. Đó là bất hiếu. Tôi thích Tết không phải chỉ vì nét đẹp ngày Xuân mà còn là lúc để tôi thu mình vào vòng tay gia đình ấm áp. Những áp lực, nghiệt ngã ngoài kia không có chỗ đứng trong ngày Tết. Người ta sẵn sàng gác lại chuyện ghét bỏ nhau mà bình tâm đón chào năm mới. Vậy tại sao gia đình là nơi để yêu thương mình lại không dành cho nhau nhiều hơn thế? Chiếc khung hình thiên cổ đã chụp lấy tất cả chúng ta. Mỗi người là một vẻ đẹp riêng nhưng có chung lòng biết ơn với trái tim bốn ngăn tươi đỏ. Tôi nghĩ những gì thuộc về gia đình, thuộc về mâm cơm sum vầy ngày Tết, thuộc về nồi bánh chưng, thuộc về gian phòng thờ tâm linh ấy là những giá trị vững bền mà không một nền văn hóa láo lếu nào có thể du nhập được. Nếu có, thì chỉ có trong tâm tưởng của mấy kẻ vong ơn, đã quen với sa đọa, nghiện những mùi cỏ hoa được lai tạp vài ba thứ thiên đường xa xăm. Người Việt trọng tình. Đạo cao nhất là tôn thờ ông bà cha mẹ. Còn những thú vui khác, người đủ trưởng thành chỉ chơi trong chốc lát rồi đi. Sự khôn ngoan là khi biết đâu là nơi để đặt chân trở về chứ không phải nơi thu lấy hết tất cả tình cảm, tiền bạc, danh vọng mình đi.

Đường xưa mây trắng còn đâu?

Ai còn ru tình trước đêm giao thừa bên nồi bánh tét? Ai còn chuẩn bị những lời chúc ý nghĩa thay vì trọng giá trị đồng tiền? Ai còn tỉ tê ngồi nói với nhau hết tấm chân tình trong mâm cơm họp mặt? Ai rời bỏ phố phường, đua chen, bè bạn để yêu lấy những ánh mắt buồn của ngoại nhớ thương?

Còn đâu cái Tết ân tình ngày xưa? Khi đường xưa nay đã lần hồ phủ những lớp nhựa chắc chắn để người ta đi. Đất cát rớt rơi xuống đáy sâu hố cạn, mây gió thôi bay, chỉ có con người quay cuồng với đống hỗn tạp mà không biết đâu là bạn đâu là bè. Thương nhớ tâm hồn của mình ngày xưa. Thương nhớ Tết Việt xa xưa mà ta mong muốn trở về một lần dù trong giấc chiêm bao cho thỏa lòng vì mình sống chưa trọn vẹn.

Đường xưa mây trắng...đã vẽ lối cho những người thiên cổ đi lên và nhìn xuống con cháu mình đang sống hôm nay. Lỡ đường mòn mây tan, đường xưa mây trắng còn đâu cho tất cả?

Chỉ biết gửi vào đó những hi vọng về ngày Tết mai sau. Những giá trị truyền thống sẽ còn, những cái đẹp sẽ được phát huy. Và gia đình mình sẽ vui vầy cùng nhau để mỗi phút giây trôi qua là những giờ hạnh phúc!

[ Chiếc mặt nạ ]

Mình muốn ngủ một giấc ngắn thôi bên người mình yêu nhất. Khi mở mắt dậy, đối diện với ta là khuôn mặt chân thật của một con người, không phải là chiếc mặt nạ giả dối mà hằng ngày mình luôn đối diện.

Trong ta cũng có một chiếc mặt nạ được tôn tạo từ mắt lệ, đắng cay và bi hạnh. Khuôn mặt thật của ta là sự cô đơn. Đó là lúc chỉ mình ta nghĩ suy về mọi chuyện u uẩn trên đời chứ không phải lúc sống giữa mọi người mà vẫn thấy cô đơn.

Những ngày Tết có lẽ vì ngoài kia cho ta cảm giác cô đơn nên mình muốn trở về với gia đình nhiều hơn. Hẳn là sự muộn màng của lòng hiếu thảo. Nhưng dù sao tuổi trẻ vẫn hãy còn dài và người thân vẫn còn bên cạnh, nên những dằn vặt nhường chỗ cho sự trưởng thành trong ta. Trên hành trình đi tìm lấy thành công, ta đã kịp dừng chân bên một thành công mỹ mãn, đó là gia đình. Cho dù mình có kiêu ngạo cho chiến thắng ấy, nó cũng không hất cẳng ta đến vùng của đắng cay. Vì sự bền vững đã nung thành thứ tinh chất quý giá vô ngần.

Chiếc mặt nạ ta mang cho những cuộc vui ngoài kia đơn giản là nỗi buồn vì không có lấy một người bạn thân thật sự. Suy cho cùng mình cũng chỉ là người thứ ba, kẻ đến sau và rồi trắng tay sau tất cả. Ta mong muốn tìm được một tình cảm bền vững để chia sẻ, tâm sự nhưng ôi sao khó quá. Có người đánh đổi nó để lấy công danh. Có người dùng nó để lừa lọc, kiếm chát chút hơi tàn số phận. Nhưng có được tình cảm ấy là tài giỏi lắm rồi, vẫn hơn người chẳng có lấy một tình bạn tri âm! Ngày Tết người ta vui chơi rộn rã, họ xem đó là dịp họp mặt với nhau. Mình ngồi đó ngắm nhìn những dung nhan đã cũ nhưng chẳng thể thân. Mình nhìn dòng người du Xuân phơi phới trẻ trung mà thấy tâm hồn ta sao già cỗi quá! Mình còn trẻ, mình cũng muốn được chơi. Nhưng có ai vỗ vai đưa mình đến bàn chơi dù bia rượu còn lưng chừng đáy chén? Và sự cô đơn bắt đầu trỗi dậy, thấy tủi thân, thấy bộn bề biết bao nỗi buồn tích lũy hôm nay bung xõa trong tâm hồn. Lặng. Nhớ. Đau. Thở thầm. Làm sao nguôi ngoai cho hết nỗi đau dài của tình cảm?

Rồi mình trở lại với gia đình. Biết rằng như vậy là đã có sự thiên vị ngay từ ban đầu. Nhưng sự đổ vỡ ấy làm người ta sớm ngộ ra gia đình là tất cả. Ngay cả cành mai còn phải được cắt tỉa mới ra hoa thì con người làm sao tự nhiên mà khôn lớn. Phải đi qua gió đồi mệt khổ mới thấm đường đất đồng bằng. Phải xa nhà, xa quê mới nhận ra mình thương ông bà, cha mẹ, cô dì, anh chị ra sao. Đôi khi nỗi buồn và nỗi nhớ là thứ men nồng làm khoang miệng ta mãi mãi dậy một mùi không quên. Nhưng có điều nó làm mình tỉnh táo để sực tỉnh chứ không phải khiến lý trí mụ mị rồi ngủ vùi trong cơn say.

Tết về ta cảm nhận được rõ hơn bao giờ vị của tình thân. Lột chiếc mặt nạ đời mà nhìn nhau thương quý. Rồi lại sợ cảm giác chia xa, mỗi người một phương trời xa lạ phải chờ rất lâu mới có thể sum vầy. Hơn trăm nghìn nén hương tàn mới có được vài nén hương thơm làm thơm đều tất cả. Hơn mười mùa trăng tan mới có một mùa trời quang mây tạnh. Hơn chục chiếc mặt nạ người mới tươi cười giòn tan như ngày hội. Tết tô thắm cho nỗi buồn sang trang. Sự cô đơn trốn chạy biệt tăm mù tích không biết đến khi nào trở lại. Tha thiết gì cái âu sầu của cõi lòng vốn không yên định. Nhưng có lúc cũng cần phải làm kẻ đa sầu vì muốn được tựa đầu chiều cưng!

Lột chiếc mặt nạ ra, ta thấy gì ngoài những thương tổn tâm hồn bấy lâu bị che đậy bởi sự chấp nhận giấu kín nỗi buồn bên trong? Cho dù hơi Xuân có mang lộc non tươi biếc, gió Xuân có dập dìu những đợt tình chung, trời Xuân có rủ bạn đến vỗ về tâm sự, mưa Xuân có se duyên cho người thương trở về với ta thì duy bản thân ta mới hiểu thấu đâu là điều mình mong muốn. Bởi có những điều không thể nói ra. Cũng vì ở đâu đó trong nội tâm bí ẩn, có một cõi thâm sâu là những chuyện riêng tư.

Xuân đã đi và tôi không níu lại.
Chút lòng thành không ngăn nỗi em tôi.
Những điều bạc trắng như vôi,
Thì xin em hãy: hôn tôi, mang về.

Sẵn sàng bỏ chiếc mặt nạ mình ra. Để ru với đời, với đất trời sang Xuân.

Thương mãi một nhân hình. Nhưng tại sao lại thương để chuốc nhớ nhung cho mình?

png_20220208_000634_0000.png
 
931
4
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top