Dự thi Trời Xuân Tây Bắc

Dự thi Trời Xuân Tây Bắc

Xuân Vũ
Xuân Vũ
  • Thành Viên 19
Mùa xuân trên Mộc Châu, hoa ban nở trắng rừng. Cô Miên cùng đám bạn trong bản cùng vào rừng hái hoa, lấy nước suối. Trời xuân Tây Bắc đẹp lắm, hơi ấm của mùa xuân tràn về xua tan hết cả giá lạnh ngày đông. Càng vào sâu trong rừng, hương hoa mơ, hoa ban, hoa mận bừng lên xộc thẳng vào mũi, nhưng hương hoa không nồng mà nhẹ nhàng tinh khiết đến lạ. Cô Miên thích nhất là ngắm cây hoa ban mọc ven bờ suối, lúc nào đi cùng đám bạn cũng lén tách riêng ra chạy đến ấy một mình để ích kỷ chiếm lấy khoảng thời không tuyệt diệu của thiên nhiên cho riêng mình. Ấy vậy mà hôm nay, vừa ra đến bờ suối, cô đã thấy thấp thoáng bóng dáng ai dưới gốc ban của mình, Miên nhẹ nhàng tiến lại từng bước. Nào ngờ vừa ló mặt ra sau thân cây, cô gái trẻ đã thấy một đầu súng chĩa thẳng vào mình, liền sợ hãi hét lên một tiếng rồi ngã nhào ra đất. Hóa ra đó là một chàng trai áo lính từ miền xuôi đang trên đường hành quân qua Lào đánh giặc.

-Cô ơi, tôi xin lỗi, cô có sao không? – Anh thanh niên chìa đôi tay định đỡ cô dậy

Cô Miên còn ngã ngồi trên nền cỏ, đâu ra lại có người đàn ông lạ trước mắt dọa mình một phen, cô thẹn quá hóa giận, chau đôi mày lại, rồi tự chống tay đứng lên.

-Tôi xin lỗi, tôi cứ tưởng là bọn thú rừng đến.

Người đàn ông nở nụ cười hiền, loạng choạng đứng lên từng bước. Đến lúc ấy, cô mới biết chân anh bị thương lúc đi lấy nước do đường suối trơn quá. Thế là thương người, cô Miên móc bên túi ra một đám lá cây rừng, đó là thuốc của người Tây Bắc. Bàn tay người con gái nhẹ nhàng nắn lại khớp xương cho chàng lính miền xuôi, chẳng mấy chốc mà anh chẳng còn thấy đau đớn gì cả. Dưới màu trời xanh thẳm mùa xuân, những cánh hoa ban trắng rơi nhẹ như bay, tiếng nước suối trôi êm ru, chỉ nghe vang vọng tiếng đập trong lồng ngực trẻ của hai con người.

Năm ấy, bộ đội hành quân từ Hà Nội đến Mộc Châu tập kết rồi tỏa đi các mặt trận Tây Bắc. Trong thời gian tập kết ấy, trung đoàn đóng quân ở bản của cô Miên. Chẳng hẹn mà gặp, cô nhận ra anh chàng áo lính vừa nãy đang đứng nghiêm trong hàng ngũ chỉ qua một cái liếc mắt. Anh quân dân trẻ cũng không nén nổi thích thú mà cười nhẹ một cái. Đến giờ tan quân, anh mới đánh bạo lại gần chỗ cô thôn nữ để cảm ơn, gặng hỏi mãi cô mới nói tên mình ra, anh không giấu được niềm vui mà cười thật tươi lộ cả chiếc răng khểnh ra:

-Miên, em. Tên em đẹp quá! Còn anh tên Trung.

Tim cô như hẫng mất một nhịp. Thấy thế bọn con gái trong làng thích thú trêu ghẹo làm gương mặt hai người đều đỏ lên như hoa gạo đầu mùa.

Phần đông các anh lính của trung đoàn đều là dân Hà Nội, đã vậy chỉ toàn là sinh viên, học sinh. Người vùng cao thời ấy thất học nhiều, chẳng ai biết lấy một con chữ bẻ đôi, thấy đống thư các anh mang từ nhà lên, dân bản cứ nhìn chằm chặp, ấy vậy mà lúc các anh dạy chữ cho ai cũng lè lưỡi bỏ đi, chỉ có cô Miên hay núp sau bụi cây học lỏm. Anh Trung cứ lấy làm lạ, đến tận một hôm đi lấy nước ở suối vô tình thấy cô Miên đang cầm cái cây gỗ quẹt trên nền đất mới đánh bạo lại hỏi. Nghe tiếng người đằng sau, cô Miên hoảng hốt giấu nhẹm cái cây gỗ ra sau lưng. Nhìn xuống dưới đất mới thấy, hóa ra cô đang tập viết đống chữ mà anh Trung dạy cho dân hôm nọ. Gặng hỏi mãi cô mới nói mình thích học chữ lắm, mà người dạy lại là anh, sợ chúng bạn trêu như lần trước nên mới trốn ra đây học. Nghe thấy thế, Trung không nén được mà phì cười, cô Miên tức đỏ mặt, vơ vội lấy cái chum nước cạnh bên toan bỏ đi làm anh phải nài nỉ hết sức xin cô bớt giận và hứa dạy chữ cho cô mỗi ngày. Rồi ngày qua ngày hai người cũng dần thân nhau hơn, anh thì vui tính còn thật thà, cô Miên thì kiêu lắm, ít nói, giận nhiều.

-Em học nhanh thật đấy Miên! Gần thuộc hết đám từ ghép kia rồi! – Anh Trung nhìn cô chăm chú.

-Dạ, tại trước kia em cũng có học qua rồi. – Miên vẫn chăm chỉ viết chữ trên đất.

-Ơ, em học từ ai cơ? Trên bảng cũng có thầy à. -Trung ngạc nhiên.

-Không, trước đây em người miền xuôi ở tít dưới kia cơ. Dưới đó dân biết chữ cũng nhiều, mà khi ấy em còn bé quá chẳng học được bao nhiêu.

-Vậy sao nhà em lại chuyển lên đây?

Miên ngưng viết, đôi mắt vốn trong veo bỗng nhiên tối sầm xuống, cô nén tiếng thở dài:

-Bọn giặc đuổi. Chúng bắt dân đi lính, ai không đi chúng phá nát vườn, bắt hết heo, bò. Thoạt đầu dân dưới đó cũng cương với chúng lắm nhưng không nổi, ai không đi chúng bắn chết tại chỗ. Đã vậy còn gặp năm ấy đói to, nhà cũng chẳng còn lại gì ăn, ở đó không bị chết đạn thì cũng chết đói. Cha em nhất quyết không đầu quân cho giặc nên dẫn cả nhà bỏ trốn lên đây, giữa đường thì bị bọn giặc lùng thấy, cha chỉ kịp giấu mẹ con em trong bụi cây rồi băng rừng dụ chúng đuổi theo. Sau đó, cha cũng chẳng quay về nữa...

Cả Trung và Miên đều im lặng, lần này đến lượt đôi mắt chàng thanh niên tối lại. Cả hai không hẹn mà đều nghe tiếng súng vang vọng trong đầu. Cô Miên vừa ngước lên, chưa kịp nói hết lời liền thấy đôi mắt anh Trung đỏ lên như hai hòn lửa, đôi tay rắn rỏi đã siết lại thành quyền. Anh không nói gì cả nhưng cái lòng của anh đã hiện rõ qua ánh nhìn. Cơn gió thổi ngang qua đống cỏ gianh vàng ửng trên lưng đồi, gió thổi rơi cánh hoa ban trắng ngần trên sắc áo xanh của chàng lính.

Dân thương bộ đội, mấy ngày quân tập kết ở bản, người người nhà nhà lên ruộng đào sắn, đào khoai góp gạo thổi cơm. Bộ đội ngày đóng quân tác chiến, chiều giúp dân lên rừng lấy quả, đêm đến lại trẩy hội khèn. Chiều ngày xuân, dân làng mang những lúa, những ngô gặt được xếp đầy các nhà kho. Ở đây là thế, khi nào mùa gặt qua là Tết, chẳng cần biết ngày tháng năm nào, được mùa thì Tết lớn, thất bát thì vẫn mở hội để cảm tạ đất trời rồi lại bắt tay đi vỡ nương mới vài ngày sau. Năm nay đói to, nhưng bộ đội về, bộ đội mang mùa xuân về. Già làng ra lệnh thịt trâu, đốt lửa khao quân, hội khèn bắt đầu. Thịt trâu Tây Bắc hun khói là đặc sản từ bao đời, trâu chắc thịt, ướp đậm hương, vùi vào đống lửa rơm hồng thơm phức. Rồi dân làng khiêng từng bình rượu ủ trong nhà chính ra. Con trai, con gái ai cũng uống rượu, uống cho thật say, thật đã. Bộ đội không được uống rượu, ai biết bọn giặc ác tràn đến khi nào, người cầm súng phải luôn tỉnh táo từng khắc. Vậy nên mấy anh thanh niên đành say điệu khèn thay hơi men. Lửa hồng thảo nguyên ánh lên bập bùng, tiếng khèn, tiếng sáo vang lên, bay xa đến tận bên kia chân núi. Con trai trong bản thổi kèn hay lắm, điệu khèn khỏe khoắn mà man dại, như cơn say ru hồn người. Rồi thì tiếng sáo vừa vang lên, những nàng thiếu nữ sơn cước xuất hiện sau ngọn lửa mờ. Mấy anh lính trẻ đứng ngẩn hết cả người ra. Đẹp. Đẹp quá. Những chiếc váy xòe ra như những con bướm sặc sỡ, trên nền váy thêu đủ màu chỉ, từng đường kim tinh tế như mẹ thiên nhiên dệt nên dải đồi xanh đằng kia.

Kì lạ làm sao, trong hàng tá đám con gái nhảy theo nhạc đằng xa, trong mắt Trung chỉ thấy mỗi dáng hình cô Miên. Anh đứng ngẩn ra, đến tận khi anh bạn đứng kế bên huých vào vai mới tỉnh ra. Hôm ấy cô Miên cũng uống rượu như bao người, hơi rượu làm cô bạo hẳn ra, thấy bóng hình người con trai quen thuộc, cô không ngại mà chạy lại, nắm đôi tay chai sạn vương mùi thuốc súng.

-Trung, anh ơi, lại nhảy nhạc khèn này!

Tiếng gọi thân thương của cô gái vang lên giữa núi rừng hoa ban. Tiếng nhạc khèn, tiếng sáo vẫn lửng lơ ngoài kia. Mùi men rượu nồng chen lẫn hương hoa nhàn nhạt của núi đồi. Cảnh sắc đẹp như một bức tranh.

Rồi chuỗi ngày tập kết đã hết, trung đoàn chuẩn bị hành quân lên đường. Trung hẹn Miên dưới gốc cây ban ngày nào, cả hai người chẳng ai mở lời, chỉ nhìn nhau thế đến tận khi còi lệnh hành quân vang lên Trung mới hốt hoảng dúi cho cô một lá thư vào tay với lời hứa: “Khi nào Miên đọc được thư, anh lại về thăm”, rồi anh bước đi về nơi màu cờ sắc áo phía trước.

Xuân qua, hạ về, thu sang, đông tàn, đất trời cứ tuần hoàn như thế, một mùa xuân rồi một mùa xuân khác lại về trên bản, hoa ban vẫn nở trắng trời. Tin chiến thắng về khắp mọi miền, chưa bao giờ mùa xuân lại đẹp như thế. Trên các mỏm đá trong làng, những chiếc váy hoa lại được đem ra phơi, xòe ra như những cánh hoa mềm mại. Đám trẻ con trong làng bắt đầu đổ ra chơi quay, chạy nói ầm ĩ. Các bà các mẹ mải mê vùi đống ngô và khoai vừa thu về trên rẫy vào nhóm lửa giữa bản, mùi ngô nướng thơm nứt mũi. Ở đầu làng có cái mõm đất phẳng làm sân chơi ngày Tết, đám trai gái trong làng ùa ra đánh quay, ném pao, thổi sáo, nhảy nhạc khèn. Cô Miên khéo tay, biết se lanh làm pao, trái pao nào làm ra cũng mềm mại mà chắc tay, đường khâu kín lại đều tăm tắp, pao của cô đẹp nhất nhì làng. Ném Pao là trao nhau tình cảm, khi mà người con trai mến một cô gái nào thì giữ quả pao để lấy cớ đó cầm đến nhà hay tìm gặp cô gái để bày tỏ tình cảm, khi thấy hợp nhau họ sẽ cùng hẹn hò và trở thành tình nhân của nhau. Năm trước cô Miên chẳng ném pao, cô mang trái pao ra giữa sân, mắt vẫn cứ ngóng về phía trời xa. Năm nay chắc cũng thế, nếu không có tiếng quân hành từ đằng xa bên chân núi đang vang lên đằng kia.

Anh Trung về! Anh về trong điệu nhạc chiến thắng. Cô Miên chạy lên trên triền núi cùng dân đón quân, bản làng rộn lên nhịp khèn cùng lời ca mới từ bài thơ anh tặng cô hôm nào:

Kìa em em ơi
Nắng vàng lưng đồi
Điệu khèn ngày mới
Em chiếm hồn tôi

Váy hoa xúng xính
Lửa hồng thảo nguyên
Rượu say men tình
Ánh mắt gửi duyên

Quả pao ai ném
Giữa trời ngàn hoa
Tình em gói ghém
Ngân thành lời ca

Giữa trời Tây Bắc
Người mang áo lính
Tặng em xuân sắc
Gửi dân hòa bình


nguồn ảnh: pinterest
 

Đính kèm

  • Vẻ đẹp của hoa ban và ruộng lúa Tây Bắc mùa xuân.jpg
    Vẻ đẹp của hoa ban và ruộng lúa Tây Bắc mùa xuân.jpg
    200.7 KB · Lượt xem: 291
  • Like
Reactions: Phong Cầm
837
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top