Truyện Kiều - Thấm đẫm tinh thần nhân văn; Kết tinh đỉnh cao nghệ thuật

Truyện Kiều - Thấm đẫm tinh thần nhân văn; Kết tinh đỉnh cao nghệ thuật

H
Hoàng Cung
  • Người yêu văn chương đến từ Sóc Trăng
Truyện Kiều là tác phẩm tiêu biểu cho thể loại truyện thơ Nôm, là đỉnh cao của tư tưởng nhân văn chủ nghĩa.

1. Hoàn cảnh sáng tác

Truyện Kiều được sáng tác trong thời kì đầu Nguyễn Du ra làm quan triều Nguyễn (khoảng những năm 1805 – 1809), sau khi phải trải qua 15 năm gió bụi với bao cay đắng đoạn trường. Ban đầu, tác phẩm được đặt tên là: Đoạn trường tân thanh (Tiếng kêu mới đau đứt ruột). Về sau, Nhân dân ta gọi là: Truyện Kiều. Tác giả đặt nhan đề là Đoạn trường tân thanh là dựa vào chủ đề của tác phẩm, còn Truyện Kiều là nhan đề đặt theo tên nhân vật trung tâm của truyện.

2. Nguồn gốc

Truyện Kiều được Nguyễn Du sáng tác dựa theo cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc). Văn học trung đại có tính sùng cổ nên việc vay mượn cốt truyện không có gì là đặc biệt, mà đây là biểu hiện của sự coi trọng quá khứ, coi trọng cái khởi nguồn. Tuy nhiên, Nguyễn Du không bê nguyên mà ông đã tiếp thu với sự sáng tạo rất lớn.
Đặc điểm
Kim Vân Kiều truyện
Truyện Kiều
Ngôn ngữ​
Hán​
Nôm
(Đỉnh cao của ngôn ngữ Tiếng Việt)​
Thể loại​
Tiểu thuyết chương hồi, gồm 20 hồi​
Truyện thơ Nôm, gồm 3254 câu thơ lục bát​
Phương thức biểu đạt chính​
Tự sự​
Trữ tình​
Sự kiện, chi tiết​
- Có quá nhiều sự kiện rườm rà, thậm chí thô kệch.
- Ít đi sâu miêu tả nội tâm, chỉ chú trọng cốt truyện, nhân vật, sự kiện​
- Lược bỏ nhiều chi tiết rắc rối, tác phẩm coi trọng hàm xúc.
- Thêm vào nhiều chi tiết tả cảnh, tả tình, đi sâu khai thác thể hiện nội tâm làm rõ những biểu hiện tâm trạng, khắc sâu tính cách nhân vật​


3. Bố cục

Truyện Kiều gồm 3254 câu thơ lục bát được chia làm ba phần. Kết cấu về hình thức giống cổ tích và Kim Vân Kiều truyện: Gặp gỡ - tai biến – đoàn tụ. Đây là kết thúc có hậu, nhưng nhìn sâu vào kết thúc của Truyện Kiều thì đó lại là một kết thúc bi kịch. Vì Kiều gặp lại người yêu nhưng không gặp lại tình yêu, chuyển từ tình vợ chồng thành tình bạn bè. Kiều thực chất vẫn cô đơn…Điều này càng làm tăng giá trị tố cáo xã hội của tác phẩm.

4. Tóm tắt tác phẩm:

- Phần 1: Gặp gỡ và đính ước:
Dưới thời Gia Tĩnh, triều Minh, ông bà Vương viên ngoại ở Bắc Kinh sinh được 3 người con, hai gái, một trai.

Hai chị em Kiều có nhan sắc “mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười” và đã đến “tuần cập kê”.

Vào dịp tết thanh minh, ba chị em đi chơi xuân, gặp mộ Đạm Tiên, Thuý Kiều thắp hương và khóc thương. Lúc ra về khi bóng chiều đã ngả, họ gặp Kim Trọng – một chàng văn nhân “vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”.

Đêm về Kiều mơ thấy Đạm Tiên đến và báo trước cuộc đời sóng gió mà nàng sẽ gặp phải.

Về phần Kim Trọng, chàng đã tìm cách dọn đến ở gần nhà Thuý Kiều. Một lần, chàng Kim bắt được chiếc thoa rơi. Chàng mang trả cho thuý Kiều và nhân đó bày tỏ tình cảm với nàng. Hai người đã ước hẹn, thề nguyền sẽ gắn bó với nhau “trăm năm tạc một chữ đồng đến xương”. Sau đó, Kim Trọng nhận được thư nhà, chàng phải vội vàng về Liễu Dương “hộ tang” chú.

- Phần 2: Gia biến và lưu lạc:

Thằng bán tơ vu oan, gia đình Kiều gặp gia biến.Cha và em trai Kiều bị bắt, bị tra tấn. Bọn sai nha - đầu trâu mặt ngựa ập đến đập phá nhà cửa tan hoang, “Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”. Để cứu cha và em trai, Thuý Kiều phải bán mình cho Mã Giám Sinh lấy tiền lo lót. Trong đêm trước khi ra đi Kiều đã trao duyên cho Thuý Vân.

Trên đường đi, Kiều bị Mã Giám Sinh làm nhục. Sau đó, hắn đưa nàng vào lầu xanh của mụ Tú Bà. Kiều tự vẫn nhưng không chết. Nàng được Đạm Tiên báo mộng là phải đến sông Tiền Đường sau này mới hết kiếp đoạn trường. Mụ Tú Bà dỗ dành Kiều ra ở Lầu Ngưng Bích để đợi gả chồng nhưng thực chất là để bày mưu, tính kế lừa gạt nàng.

Mụ thuê Sở Khanh lừa Kiều, rủ Kiều đi chốn. Trên đường chạy chốn, nàng bị Tú Bà bắt về và đánh đập rã man. Mụ ép nàng phải sống kiếp đời ô nhục.

Tại lầu xanh, Thuý Kiều được Thúc Sinh, một khách làng chơi ngất ngây trước vẻ đẹp của nàng, chuộc ra và lấy làm vợ lẽ. Hoạn Thư - vợ cả Thúc Sinh - ghen tuông lập mưu bắt nàng về Vô Tích, bắt nàng về gãy đàn hầu rượu vợ chồng ả… Thuý Kiều đau đớn xót xa. Thúc Sinh cũng vậy nhưng không làm gì được. Kiều xin ra ở Quan Âm Các. Sau đó, Kiều bỏ chốn, náu nhờ ở chùa Giác Duyên. Giác Duyên sợ liên luỵ, gửi Kiều ở nhà Bạc Bà. Bạc Bà ép gả nàng cho cháu là Bạc Hạnh. Bạc Hạnh là tay buôn người. Kiều lại rơi vào lầu xanh lần 2.

Ở lầu xanh, Kiều lại phải tiếp khách làng chơi. Nhưng lúc nào, nàng cũng có ý thức giữ gìn phẩm giá của mình. Từ Hải là người anh hùng nổi dậy chống lại triều đình, nghe tiếng nàng, đã đến lầu xanh và chuộc kiều ra khỏi chốn này. Sau khi chuộc Kiều ra, Từ Hải đã cưới nàng làm vợ “Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cỡi rồng”.

Một năm sau, Từ Hải đã có mười vạn tinh binh, rạch đôi sơn hà, lập nên một triều đình: “Năm năm hùng cứ một phương hải tần”. Từ Hải đã giúp Kiều báo ân báo oán.

Triều đình cử Hồ Tôn Hiến đi đánh dẹp Từ Hải. Do mắc mưu hắn nên Từ Hải bị giết. Kiều bị Hồ Tôn Hiến ép hầu đàn, hầu rượu…nhưng nghĩ về trọng trách của mình nên hắn ép gả nàng cho thổ quan. Đau đớn, tủi nhục, Kiều trẫm mình xuống sông Tiền Đường. Nhưng nàng được sư Giác Duyên cứu và lần thứ 2 nương nhờ cửa Phật.

- Phần 3: Đoàn tụ

Lại nói về Kim Trọng, sau nửa năm về Liễu Dương hộ tang chú, chàng trở lại Bắc Kinh, tìm đến vườn Thuý. Kim Trọng kết duyên với Thuý Vân. Tuy vậy, lòng chàng vẫn luôn hướng về Kiều. Kim Trọng và Vương Quan thi đỗ, được bổ đi làm quan. Kim Trọng luôn đi tìm, hỏi thăm tin tức về Kiều. Nghe tin Kiều đã trẫm mình xuống sông Tiền Đường, cả gia đình đến đó lập đàn giải oan cho Kiều. Bất ngờ sư Giác Duyên đi qua và cho biết Kiều còn sống, đang tu ở chùa.

Kiều gặp lại gia đình và chàng Kim sau 15 năm trời lưu lạc. Trong bữa tiệc đoàn viên, cả nhà khuyên nàng nối lại duyên xưa. Chiều ý mọi người, Thuý Kiều nối lại duyên với Kim Trọng nhưng cả hai người cùng nguyện ước “duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy”.

5. Đề tài: Truyện Kiều viết về đề tài “hồng nhan bạc mệnh”. Đây là đề tài lớn vì các văn sĩ thường dành nhiều tình cảm cho họ.

6. Đại ý: Truyện Kiều là bức tranh hiện thực về một xã hội bất công, tàn bạo; là tiếng nói thương cảm trước số phận bi kịch của con người, tiếng nói lên án những thế lực xấu xa và khẳng định tài năng, phẩm chất, thể hiện khát vọng chân chính của con người.

7. Giá trị của của Truyện Kiều:

a. Giá trị nội dung

* Giá trị tố cáo hiện thực:
Truyện Kiều lấy bối cảnh xã hội Trung Quốc, thời Minh nhưng những gì mà tác phẩm phản ánh lại giúp chúng ta thấy trọn vẹn bức tranh hiện thực thu nhỏ về xã hội phong kiến Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX đầy rẫy những bất công, vô lí, thối nát và tàn bạo. Ở đó, số phận con người rất bi thảm bởi thế lực cường quyền và thế lực đồng tiền.

- Về tầng lớp quan lại phong kiến: Truyện Kiều đã phản ánh rất chân thực bộ mặt thật của nó. Từ quan lớn đến quan bé, từ quan ông đến quan bà đều có chung một bản chất: bất tài, tham lam, tàn ác, vô lương tâm…

+ Thằng bán tơ vu oan cho gia đình Thuý Kiều, quan lại chẳng truy xét sự tình, “sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao”, người nách trước, kẻ tay dao, “đầu trâu mặt ngựa” xông vào nhà nàng bắt đánh, trói cha và em trai, rồi :

“Đồ tế nhuyễn, của riêng tây

Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”

Sai nha như lũ cướp ô hợp thừa dịp cướp bóc dân lành.

+ Quan xử kiện Vương Ông cũng chẳng khác bọn sai nha nhiều lắm. Việc đầu tiên, hắn làm là tra hình tàn bạo:

“Rường cao rút ngược dây oan

Dẫu là đá, cũng nát gan, lọ người”

Công lý mà hắn xử không phải là lẽ phải, lẽ công bằng mà chỉ duy nhất vì đồng tiền. Ai có tiền thì hắn xử công lí cho người đó. Muốn cứu Vương Ông và Vương Quan ra khỏi chốn ngục tù thì phải “có ba trăm lạng việc này mới xuôi”. Với con dân của quan phụ mẫu thì lấy đâu ra chừng ấy tiền để mà lo lót. Họ chỉ còn cách bán mình mà thôi.

+ Còn tên quan xử vụ Thúc Ông thì xử hết sức vô lí và vô trách nhiệm:

“Một là cứ phép ra hình

Hai là lại cứ lầu xanh phó về”

+ Mẹ con Hoạn Thư, đại diện cho tầng lớp quan bà trong xã hội lại gian ngoan, xảo quyệt:

“Bề ngoài thơn thớt nói cười

Mà trong nhan hiểm giết người không dao”

Trong nhà còn nuôi một bầy đầy tớ sẵn sàng làm những việc sai khiến, bất chấp cả đạo lí.

+ Hồ Tôn Hiến, tên quan cao nhất trong Truyện Kiều, được giới thiệu “ kinh luân gồm tài” nhưng thực chất lại bất tài, tráo trở, độc ác, dâm ô, vô liêm sỉ nhất.

- Bên cạnh phê phán tầng lớp quan lại, sai nha, tác phẩm còn phản ánh gay gắt thế lực đồng tiền. Nó tác oai tác quái trong xã hội. “Quan lại vì tiền mà bất chấp công lí; sai nha vì tiền mà tra tấn cha con Vương Ông; Tú Bà, Mã Giám Sinh vì tiền mà làm nghề buôn thịt bán người; Khuyển Ưng vì tiền mà lao vào tội ác. Cả xã hội chạy theo tiền” (Hoài Thanh). Đồng tiền, nó có một sức mạnh ghê gớm:

“Trong tay sẵn có đồng tiền

Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì”

Đồng tiền huỷ hoại nhân phẩm con người, len lỏi vào mọi tầng lớp trong xã hội. Nguyễn Du đã phê phán gay gắt thế lực đồng tiền, chủ yếu là đồng tiền trong tay bọn quan lại, sai nha, bọn buôn thịt bán người…chuyên làm việc xấu để kiếm tiền bất chính. Dường như chúng coi việc kiếm tiền là mục đích sống chứ không phải là phương tiện để sống nữa.

- Một góc hiện thực khác của xã hội nữa cũng khiến chúng ta đau lòng, đó là các nhà chứa mọc khắp nơi, mà điển hình là lầu xanh của mụ Tú Bà.

- Sống trong một xã hội như thế, những người dân lương thiện luôn gặp những bất công, vô lí, bị chà đạp, bị vùi dập đến bước đường cùng. Số phận của họ luôn đau khổ, bất hạnh, tiêu biểu cho kiếp người đó là Thuý Kiều. Thuý Kiều là người tài sắc vẹn toàn. Vậy mà cuộc đời nàng lại lênh đênh, chìm nổi kiếp đoạn trường suốt mười lăm năm trời, chịu biết bao cay đắng, tủi nhục, “Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”; cuối cùng, phải trẫm mình xuống sông Tiền Đường.

=> Đó là một hiện thực đen tối, ngột ngạt…

* Giá trị nhân đạo: Cảm hứng sáng tạo của Nguyễn Du qua Truyện Kiều là tinh thần nhân đạo cao cả. Giá trị nhân đạo của tác phẩm thể hiện ở một số phương diện sau:

- Lên án các thế lực xã hội phong kiến chà đạp lên quyền sống, lên nhân phẩm…của con người. Đó chính là đồng tiền, là bọn quan lại bất nhân, tàn bạo đã đẩy Kiều rơi vào số phận bi kịch.

- Nguyễn Du cảm thương cho số phận bi kịch của con người mà cụ thể là nhân vật Thuý kiều. Ông đau đớn, xót xa trước nỗi khổ của nàng:

“Đau đớn thay, phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”

- Giá trị nhân đạo, nhân văn của Truyện Kiều còn thể hiện ở chỗ: Tác phẩm đã ca ngợi vẻ đẹp hình thức, phẩm chất và tài năng của con người:

+ Trước hết là ca ngợi vẻ đẹp hình thức: Nguyễn Du đã dành những tình cảm tốt đẹp với những lời văn tuyệt mĩ cho những nhân vật mà ông yêu quý:

• Tả Thuý Vân:

“Vân xem trang trọng khác vời

Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”

• Tả Thuý Kiều:

“Làn thu thuỷ, nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”

• Tả Kim Trọng:

“Tuyết in sắc ngựa câu giòn

Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời”

• Tả Từ Hải:

“Râu hùm, hàm én, mày ngài

Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”

Qua Truyện Kiều, Nguyễn Du đã ngợi ca vẻ đẹp nhân phẩm của con người:

+ Ngợi ca sự hiếu thảo của Kiều: Nàng đã hi sinh mối tình đầu trong sáng, đẹp đẽ để bán mình chuộc cha. Sau này rơi vào chốn lầu xanh, Kiều vẫn luôn nhớ về cha mẹ, lo lắng không biết ai thay mình chăm sóc cha mẹ… Đó không phải là do xuất phát từ chữ hiếu hay sao?

+ Tình nghĩa thuỷ chung của Thuý kiều cũng là một nét đẹp truyền thống. Cuộc đời của nàng sau này cho dù tan nát với bao cay đắng, đau đớn, xót xa, tủi nhục ê chề, nhưng trái tim nàng lúc nào cũng hướng về Kim Trọng: “ Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”.

+ Dù rơi vào hoàn cảnh nào, Kiều vẫn có ý thức sâu sắc về nhân phẩm của mình:

“Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh

Giật mình, mình lại thương mình xót xa

Khi sao phong gấm rủ là

Giờ sao tan tác như hoa giữa đường

Mặt sao dày gió dạn sương

Thân sao bướm chán ong chường bấy thân”

Kiều đã tự vẫn hai lần chính vì Kiều là người trọng nhân phẩm, không chịu sống cuộc đời ô nhục. Kiều luôn khao khát sống nhưng sống là để làm người, nếu không sống đúng kiếp người thì đành phải chết cho trong sạch, giữ trọn phẩm giá trước sau như một.

+ Nhân hậu, bao dung: Hoạn Thư đã gây cha nàng bao tủi hổ, đau đớn. Vậy mà trước toà công lý, Kiều vẫn tha bổng Hoạn Thư ; nàng vẫn lo lắng cho người khác trong khi cuộc đời mình đang trong hoàn cảnh đáng thương

Nguyễn Du còn hết lòng ca ngợi tài năng của con người:

+ Thuý Kiều không chỉ là một người phụ nữ “nghiêng nước nghiêng thành” mà còn là người có nhiều tài năng:

“Thông minh vốn sẵn tính trời

Pha nghề thi hoạ đủ mùi ca ngâm

Cung thương lầu bậc ngũ âm

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương

Khúc nhà tay lựa nên nên chương

Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân”

+ Từ Hải có tài năng của một người anh hùng:

“Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài”,

Hay: “Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”

- Giá trị nhân đạo của Truyện Kiều còn thể hiện ở việc khẳng định, đề cao những khát vọng chân chính của con người:

+ Thông qua nhân vật Kim Trọng và Thuý Kiều, Nguyễn Du đã khẳng định, đề cao tình yêu tự do của con người: Thuý Kiều và Kim Trọng tự do đến với nhau, đặc biệt bước chân “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” của Kiều không chỉ làm cho người xưa mà còn làm cho chúng ta ngày nay phải ngơ ngác. Dù tình yêu Kim-Kiều có thể tan vỡ nhưng khát vọng tình yêu không bao giờ tan vỡ. Nguyễn Du đã dũng cảm vượt qua bức tường lễ giáo phong kiến để xây dựng một mối tình Kim – Kiều thật trong sáng, đẹp đẽ và thuỷ chung biết bao.

+ Khát vọng công lí chính nghĩa:

“Anh hùng tiếng đã gọi rằng

Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha”

Tiếng gọi ấy là tiếng gọi của công lí chính nghĩa. Nguyễn Du đã xây dựng hình tượng người anh hùng Từ Hải có tài cao, chí lớn có sức mạnh để đạp bằng mọi bất công, ngang trái trong xã hội là để thể hiện khát vọng ngàn đời của nhân dân. Xã hội trong Truyện Kiều là một xã hội bất công, tàn nhẫn mà ở đó biết bao thế lực đen tối chà đạp lên quyền sống hạnh phúc của con người. Những người lương thiện như Kiều luôn phải chịu kiếp đời cay đắng. Từ Hải đã làm được cái điều mà trước đây không ai làm được, đó là đưa Thuý Kiều từ thân phận của một gái lầu xanh trở thành một bậc mệnh phụ phu nhân, từ một nạn nhân lên cầm cán cân công lí để đền ơn người lương thiện sống nhân nghĩa và trừng trị những kẻ bạo tàn, gian ác giữa thanh thiên bạch nhật.

b. Giá trị nghệ thuật:

* Thể loại:


- Truyện Kiều là một thành tựu đặc sắc nhất của thể loại thơ Nôm bác học. Đây là thể loại đặc biệt có sự kết hợp giữa yếu tố truyện và thơ, tự sự và trữ tình.

- Ở tác phẩm này, Nguyễn Du đã rất thành công trong việc sử dụng thể thơ dân tộc: thể thơ lục bát. Thể lục bát của Truyện Kiều vừa mang yếu tố bình dị dân dã (mộc mạc chân chất như ca dao), vừa uyển chuyển, nhịp nhàng cân đối, vừa chau chuốt, điêu luyện, giàu tính biểu cảm, biểu nghĩa của văn học bác học. Đến Truyện kiều thể thơ lục bát đã đạt đến đỉnh cao rực rỡ.

* Ngôn ngữ:

Ngôn ngữ Truyện Kiều là ngôn ngữ thơ ca, vừa giàu hình tượng, giàu âm hưởng nhạc điệu, vừa có khả năng gợi cảm đặc biệt. Nó có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ bình dân và ngôn ngữ bác học. Nguyễn Du đã vận dụng rất thành công lời ăn tiếng nói của Nhân dân (ca dao, dân ca, thành ngữ…) kết hợp với việc sử dụng các điển tích, điển cố của văn học Trung Quốc. Chính sự kết hợp này đã giúp tác giả tả cảnh, tả tình, khắc hoạ tính cách nhân vật làm cho lời thơ thêm mượt mà, giản dị nhưng tinh tế, sâu sắc.

* Nghệ thuật xây dựng nhân vật:

Truyện Kiều có hai tuyến nhân vật: thiện – ác. Mỗi tuyến nhân vật, Thi hào Nguyễn Du lại dùng một bút pháp riêng để khắc hoạ.

- Với nhân vật phản diện: Ông sử dụng bút pháp tả thực sắc sảo để làm nổi bật bản chất xấu xa của chúng:

+ Mã Giám Sinh:

“Quá niên trạc ngoại tứ tuần

Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”

+ Mụ Tú bà thì:

“Thoát trông nhờn nhợt màu da

Ăn chi cao lớn đẫy đà làm sao”

Cách sử dụng ngôn ngữ tả để thể hiện loại nhân vật này cũng rất chân thực. Ông chỉ cần dùng một từ ngữ đã có thể lột tả cả tính cách của nhân vật. Với một từ “lẻn”, tác giả đã lột được tính cách của Sở Khanh; hay với từ “tót”, ông đã tả được tính cách nhân vật Mã Giám Sinh.

- Với nhân vật chính diện: Nguyễn Du sử dụng bút pháp ước lệ, tượng trưng, lí tưởng hoá nhân vật:

+ Tả Thuý Vân:

“Vân xem trang trọng khác vời

Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang

Hoa cười ngọc thốt đoan trang

Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”

+ Tả Thuý Kiều:

“Làn thu thuỷ, nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”

+ Tả Kim Trọng:

“Tuyết in sắc ngựa câu giòn

Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời”

và :

“Phong tư tài mạo tót vời

Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”

+ Tả Từ Hải:

“Râu hùm, hàm én, mày ngài

Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”

Mỗi nhân vật đều được khắc hoạ với những đặc điểm, tính cách riêng rất sinh động.

* Nghệ thuật miêu tả tả tâm lí nhân vật cũng rất tinh diệu.

Nhà nghiên cứu Phan Ngọc cho rằng: Truyện Kiều là cuốn tiểu thuyết của hàng ngàn tâm trạng. Thầy Lê Quốc Lập nhận định: “Những diễn biến tâm lý nhân vật được khai thác triệt để, làm cho nhân vật trở nên có sức sống, chân thực, sinh động như bản thân đời sống: Kiều dịu dàng kín đáo, xông xáo quyết liệt, bâng khuâng rạo rực, lưu luyến thiết tha, băn khoăn lo lắng, khắc khoải chờ mong, buồn thương da diết, bi quan thất vọng, phẫn uất căm hờn…”.

* Nghệ thuật tả cảnh thiên:

Trong lịch sử văn học trung đại, Nguyễn Trãi và Nguyễn Du là hai tác giả viết nhiều về thiên nhiên. Mỗi người đều có cách cảm nhận riêng. Nhưng nhìn chung, cảnh nào cũng đẹp, cảnh nào cũng thơ. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã để lại cho đời những bức tranh phong cảnh tuyệt tác:

Cảnh mùa xuân:

“Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”

Cảnh mùa hạ:

“Dưới trăng quyên đã gọi hè

Đầu tường lửa lựu lập loè đơm bông”

Cảnh mùa thu:

“Long lanh đáy nước in trời

Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng”

Thông qua việc miêu tả thiên nhiên, Nguyễn Du gợi lên tâm trạng, tình cảm con người (chỉ dùng với nhân vật chính diện). Khi tâm trạng nhân vật có diễn biến phức tạp, khó diễn thành lời thì thi nhân mượn thiên nhiên trữ tình làm ngôn ngữ để diễn tả chính xác, sinh động và tinh tế trạng thái tâm hồn của họ:

Khi diễn tả tâm trạng của nhân vật trong buổi chia tay giữa Thuý Kiều và Kim Trọng, Nguyễn Du viết:

Bóng tà như giục cơn buồn

Khách đà lên ngựa, người còn ghé theo

Dưới cầu nước chảy trong veo

Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha

Còn đây là cảnh ở lầu Ngưng Bích được tái hiện qua cái nhìn đầy tâm trạng của Kiều:

“Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Buồn trông nội cỏ rầu rầu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”

Bao trùm lên bức tranh ấy là tâm trạng buồn-lo, buồn lo cho số phận của mình không biết sẽ trôi dạt về đâu…

Rõ ràng, những bức tranh ấy không chỉ đơn thuần là cảnh, mà nó được vẽ bằng tấm lòng người nghệ sĩ, tả cảnh mà ngụ tình. Nó chứa trong đó cả những tư tưởng nhân văn sâu sắc. Truyện Kiều” chính là một kiệt tác trong văn học trung đại nói riêng và văn học dân tộc nói chung. Nhận xét về “Truyện Kiều”, Mộng Liên Đường chủ nhân có nói: “…Tố Như sử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời, thì tài nào có bút lực ấy…”

8. Ảnh hưởng của tác phẩm:

- “Truyện Kiều” hàng trăm năm được lưu truyền rộng rãi và có sức chinh phục lớn đối với mọi tầng lớp độc giả.

+“Truyện Kiều” không biết tự bao giờ đã đi vào đời sống của nhân dân, và đã trở thành lời ăn tiếng nói của những người dân bình dị nhất cho đến những người trí thức, am hiểu về văn chương bác học.

+ Trong ca dao, người ta thấy có rất nhiều câu có vận dụng những hình ảnh trong “Truyện Kiều”. Ví dụ:

“Sen xa hồ, sen khô hồ cạn,

Liễu xa đào liễu ngả liễu nghiêng.

Anh xa em như bến xa thuyền.

Như Thúy Kiều xa Kim Trọng, biết mấy niên cho tái hồi!”

+ “Truyện Kiều” đã trở thành sức sống của dân tộc, là thứ thưởng ngoạn cho tao nhân mặc khách của mọi thời. Có câu:

“Làm trai biết đánh tổ tôm

Uống trà mạn hảo, xem Nôm Thúy Kiều”.

- “Truyện Kiều” còn được giới thiệu rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Người ta đã dịch“Truyện Kiều” ra nhiều thứ tiếng và nhiều người nước ngoài đã nghiên cứu về “Truyện Kiều”.

IV. KẾT LUẬN

Nguyễn Du là nhà thơ nhân đạo lỗi lạc với tấm lòng thương người sâu sắc, bao dung, là ngòi bút phê phán hiện thực mạnh mẽ, sắc bén. Về nghệ thuật, ông là người kết tinh những thành tựu văn học chữ Hán và chữ Nôm của dân tộc, tổng hợp tinh hoa của nhiều thể loại văn học để sáng tác Truyện Kiều như một tiểu thuyết bằng thơ với nghệ thuật miêu tả tâm lí thần tình chưa từng có. Nguyễn Du đã đưa ngôn ngữ văn học tiếng Việt lên trình độ điêu luyện, cổ điển. Với những thành tựu đó, ông được suy tôn danh hiệu Đại thi hào dân tộc và Danh nhân văn hoá thế giới.
(Sưu tầm tổng hợp)​
 
Từ khóa
gía trị nghệ thuật giá trị nội dung nghệ thuật miêu tả thuy kieu thuy van tóm tắt truyện kiều truyen kieu truyện kiều của nguyễn du đoạn trường tân thanh
593
0
1

BBT đề xuất

Đang có mặt

Bình luận mới

Top