Dự thi Tuổi thơ tôi – Minh Thịnh

Dự thi  Tuổi thơ tôi – Minh Thịnh

Cashooif99
Cashooif99
  • Mình là cá, việc của mình là bơi 25
Mọi người hay nói rằng: "Trẻ em thành phố không may mắn như nông thôn, không có tuổi thơ". Tôi thấy đây là một ý kiến sai. Trẻ em thành phố tuy không có những lần tắm ao, lội ruộng, chăn trâu, thả diều. Lại không có những lần trưa hè nóng oi ả, rủ nhau đi ra đồng chơi không mũ nón, rồi cuối cùng ốm mấy ngày. Thế nhưng nhịp sống của thành phố hoa lệ này cũng vun đắp cho chúng tôi một tuổi thơ đáng nhớ, tạo nên một tuổi trẻ đắt giá cho chúng tôi.

Căn nhà của tôi nằm trong một con ngõ khá rộng, là nơi mà chiều chiều chúng tôi vẫn ra ngoài để đá bóng hay chơi cầu lông. Nói nó là một phần của tuổi thơ tôi thì cũng đúng nhưng thiếu. Nó là thứ tạo nên tuổi thơ tôi thì đúng hơn. Căn nhà cấp bốn nhỏ xíu, nhưng là nơi bốn thành viên trong gia đình tôi sinh hoạt đã gần hai chục năm. Trước nhà ông tôi trồng một cây sấu và một cây phượng, đến giờ đã rất to, xum xuê cành lá. Mỗi hè về là tôi lại nghe tiếng ve sầu chói tai rồi trèo cây vặt sấu mãi không hết. Tôi thích nhất là lấy sấu rồi bảo mẹ đi ngâm nước đường để làm nước sấu. Mỗi buổi chiều hè, khi đi học về tôi phải chạy ngay lấy cái bình nước sấu ấy, lấy ra một cốc cho mẹ, một cốc cho tôi. Cái thứ nước ngọt ngọt chua chua, vị thanh thanh ấy thật là khó quên. Nhà tôi không may vào trong dự án của thành phố nên có những năm nước dâng vào tận trong nhà. Mỗi lần như vậy là lại phải cho đồ đạc điện tử lên, nghĩ mà thấy phát sợ. Rồi nước tận ba bốn ngày mới rút hết, nhiều khi đi học mà đến nơi tôi ướt nhẹp phải thay cả quần áo khác. Những lúc như thế chỉ muốn chuyển quách đi về chỗ khác ở cho đỡ khổ. Nhưng mà rồi, cuối cùng vẫn ở lại, vẫn chạy lũ như bình thường đến tận bây giờ. Khi mà mọi thứ đã xong xuôi hết, chẳng còn mùa nước lũ nào giữa thành phố nữa thì tôi cũng đã xa nhà mất rồi.
Nhớ ngôi nhà tuổi thơ - Văn học trẻ.jpg

Ảnh: Căn nhà tuổi thơ

Tôi còn nhớ hồi bé, ước mơ của toàn bộ tụi nhỏ là có được những món đồ chơi chúng yêu thích. Nào là xe đua, người máy biến hình, nào là kỵ sĩ, ... nhiều lắm. Hồi đó cuộc sống của gia đình cũng không khá giả. Thế nên ngày nào tôi cũng ra đứng nhìn những quầy đồ chơi ở trước cổng trường một cách thèm muốn. Ôi những bộ đồ chơi người máy mà nhìn tôi đã thấy thích. Con nào con nấy đều được phủ lên một lớp sơn bóng loáng, mới chỉ được bầy bán gần đây thôi nhưng tụi bạn tôi mỗi hôm lại có một đứa mua một con. Rồi buổi sau đi học chúng nó mang đến lớp rồi bàn tán về những bộ phim người máy chiếu hôm qua. Con người máy nào xịn hơn, rồi chúng trao đổi cho nhau mượn về chơi, rồi có đứa làm gãy đồ chơi của nhau, chúng nó khóc ầm ĩ rồi bắt đền. Cuối cùng chúng nó giảng hòa bằng cách mà không ai có thể ngờ tới. Thằng còn lại bẻ luôn món đồ chơi của mình, rồi đi mua lọ keo 502 về gắn lại.

Tuổi thơ thì ai chẳng bị thu hút bởi những chiếc kẹo bông gòn với đủ các sắc màu hay tệp bánh quế giòn tan, kẹo hồ lô, bò bía ngọt. Ôi những thứ quà cổng trường đó, sau bao nhiêu năm, đến giờ tôi vẫn chưa thể nào quên được cái vị ngọt lịm toàn hạt đường của kẹo bông, vị thanh thanh của bò bía ngọt thêm chút dùa nạo. Lần nào đi học về tôi cũng phải mua một món gì đó. Hiếm lắm tôi mới tha cho cái cửa hàng đồ ăn vặt đấy. Nhiều hôm, tôi và tụi bạn ra mua một lúc hai chục cái bò bía, thế là chú chủ hàng lại lấy rẻ tiền lại cho tụi tôi, hay cho thêm một ít dừa, hay tặng thêm cho một túi sữa chua. Cái túi sữa chua cổng trường ấy, đến giờ tôi vẫn thấy thậm chí còn ngon hơn cả sữa chua mà tôi mua giá hơn chục nghìn một hộp ở trong siêu thị. Thỉnh thoảng, tôi vẫn nhờ đứa cháu mua hộ mỗi khi nó tan học. Cái vị thì đã khác đi nhiều, nhưng mỗi khi nhìn cái túi ấy, là cả một bầu trời tuổi thơ đang ùa lại trong đầu tôi. Thật ngọt ngào biết bao.

Lớn lên một chút nữa, chúng tôi bắt đầu đam mê với sách báo và những cuốn truyện tranh. Nào là thám tử Conan, Mèo máy Đô-rê-mon, bảy viên ngọc rồng. Tôi chẳng nhớ nổi trong nhà mình có bao nhiêu cuốn truyện đi mua lại của đứa bạn nữa. Tôi không bao giờ bỏ tiền ra mua một cuốn truyện mới nào cả mà luôn đợi tụi bạn đọc xong, ra tập mới hoặc ra một món đồ chơi xịn mà nó rất thích, nó sẽ bán lại cho tôi một nửa giá. Thế là tôi có được cuốn truyện và thằng bạn tôi vô cùng hài lòng vì nhận được số tiền đó. Sau này, khi chúng tôi đọc sách, bắt đầu mơ mộng về những thế giới mới trong hai vạn dặm dưới đáy biển, mộng mơ về tuổi học trò qua những cuốn truyện của bác Nguyễn Nhật Ánh hay là lạc vào thế giới phù thủy kì diệu của Harry Potter. Ôi những cuốn truyện đó giá bằng của cả một gia tài với chúng tôi. Thế là chúng tôi nhịn ăn sáng rồi góp tiền mua nó, đọc xong lại ra những cửa hàng sách truyện cũ hoặc bán lại cho một đứa khác với giá rẻ để mua thêm những cuốn khác hoặc rồi cho những đứa khác thuê lại với giá năm nghìn một tuần, sau đó lại đến đứa tiếp theo thuê. Cứ như thế, chúng tôi luôn luôn có thể đọc những đầu sách mới nhất và thú vị nhất.

Tôi nhớ đến lúc học cấp hai, là lúc những cửa hàng, quán điện tử mọc lên như nấm với giá hai nghìn đồng một giờ chơi. Cứ ngày nào rảnh, tôi và mấy thằng bạn lại ra chơi Gunny hoặc chơi những trò chơi đá bóng. Tôi không muốn cổ xúy cho việc chơi điện tử đâu, nhưng mà ôi những trò chơi đó như có cái ma lực gì đó. Rồi cũng có thời điểm chúng tôi chểnh mảng chuyện học hành hay có đứa bị bố mẹ bắt tại quán điện tử. Cô giáo bắt chúng tôi viết bản kiểm điểm và cam kết không được tái phạm. Cơ mà viết đến lần thứ ba rồi chúng tôi vẫn tái phạm. Cũng may là đến thời điểm thi lên cấp, cả lũ đã đồng lòng, cố gắng thi đậu cấp ba rồi vào cùng lớp để lại chơi cùng nhau tiếp. Hên thế nào, đúng những đứa bạn thân lại học cùng tôi đến tận hết cấp ba. Đúng là ý trời.

Tôi nhớ những buổi trưa hè mất điện. Tôi sẽ đi rủ thằng bạn đi đạp xe đi chơi. Chúng tôi đạp xe giữa trời nắng nóng, đi sang nhà hết đứa này đến đứa kia chơi, đến khi có điện thì về nhà. Mà mất điện thì sang nhà nhau cũng có gì chơi đâu, lại lôi cờ cá ngựa ra chơi, không thì đọc truyện, đánh bài tiến lên. Chán quá thì cả lũ rủ nhau đi vặt cành phượng về chơi chọi gà, đến chiều muộn lại rủ nhau đi đá bóng. Lúc đó chỉ ao ước có một chai nước mát hay một cái quạt tích điện. Mà ngồi đợi sửa điện có hôm đến tận tối. Đến bây giờ, khi mà mọi thứ đã ổn định dần, thỉnh thoảng tôi và tụi bạn lại hẹn nhau thỉnh thoảng đi phượt để trải lại cái cảm giác ấy, khi không có công nghệ thì chúng tôi sẽ làm gì.
Con đường nhỏ trong phố- Văn Học Trẻ.jpg

Ảnh: Con phố nhỏ

Nhiều khi, trong những bữa cơm đêm giao thừa ở xứ người. Các bạn bảo tôi rằng, ở thành phố thì đâu chẳng như nhau, có nhớ cái gì cơ chứ. Tôi trả lời rằng ở đây chúng tôi được chiêm ngưỡng những tòa nhà cao trọc trời, những con người cả đêm không ngủ vì mải mưu sinh. Ở đây, có những ánh đèn lấp lánh cả đêm như một chiếc áo kim tuyến khoác lên thành phố vậy. Đúng ra thì nó phải giống nhau. Nhưng thực tế thì không như vậy. Tôi nhớ những con đường, từng con hẻm, từng ngóc ngách của thành phố. Tôi nhớ từng bác bán hàng, từng gánh hàng rong, từng chiếc xe hàng trên từng con phố nhỏ. Tôi nhớ mùi bánh đa cua thơm nồng, mùi bún cá cay có chút tanh, mùi nem cua bể, mùi sủi dìn nước gừng mỗi đêm mùa đông đi học về. Tôi nhớ mùi pate gan thơm lừng ở góc phố Cột Đèn. Từng mùi đồ ăn trên những con đường chật hẹp ấy không một mùi nào tôi lại không nhận ra được. Tôi nhớ tiếng còi xe, từng tiếng chửi, tiếng chanh chua của một cô nào đó khi mặc cả, tôi nhớ cả tiếng trẻ con nô đùa, cả tiếng ve sầu mỗi trưa hè. Tôi nhớ nhớ lắm, hai mươi năm tuổi trẻ của tôi...
 
Từ khóa Từ khóa
cuộc thi viết nhà trong phố thành phố tôi yêu tuổi thơ của chúng tôi
816
8
4
Trả lời
Bài viết của bạn xúc động nhưng tui chưa nghe nói câu "trẻ em thành phố không may mắn như trẻ em nông thôn" bao giờ . Bây giờ mới nghe bạn nói. đừng "nhét chữ vô miệng người khác vậy chứ bạn"
 
Sửa lần cuối:
View previous replies…
Bài viết của bạn xúc động nhưng tui chưa nghe nói câu "trẻ em thành phố không may mắn như trẻ em nông thôn" bao giờ . Bây giờ mới nghe bạn nói. đừng "nhét chữ vô miệng người khác vậy chứ bạn"
Ba lá 2111Cũng là quan điểm đáng suy ngẫm.
Mỗi góc nhìn có điểm tích cực
 
Bài viết của bạn xúc động nhưng tui chưa nghe nói câu "trẻ em thành phố không may mắn như trẻ em nông thôn" bao giờ . Bây giờ mới nghe bạn nói. đừng "nhét chữ vô miệng người khác vậy chứ bạn"
Ba lá 2111 Mk ko muốn nhé chữ vô miệng ng khác nha ^^
 
Mk ko muốn nhé chữ vô miệng ng khác nha ^^
Cashooif99Hình như cả bài viết không hề có chữ trẻ thành phố không may mắn như trẻ nông thôn. Tui là đứa trẻ lớn lên ở nông thôn. Có những buổi nhịn đói đến trường mà nhiều bữa chỉ mong được ăn no. Bài viết của bạn vs nhận định phiến diện khiến tui thấy tủi thân khi nhớ về ngày xưa chưa xa đó...
 

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.