Chia Sẻ Văn học Việt Nam hiện đại – sự kế thừa và phát huy quan điểm văn học trung đại trên phương diện chức năng xã hội của văn học

Chia Sẻ Văn học Việt Nam hiện đại – sự kế thừa và phát huy quan điểm văn học trung đại trên phương diện chức năng xã hội của văn học

Triều Anh
Triều Anh
  • Thành viên BQT
  • Người yêu của văn chương ❤️ đến từ Sóc Trăng
Văn chương là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ. Trong đó, nhà văn phản ánh hiện thực, thể hiện quan điểm, cách nhìn nhận đánh giá chủ quan lẫn khách quan về mọi vấn đề trong cuộc sống. Vì vậy, quan điểm của người cầm bút có vị trí vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hướng, hình thành khuynh hướng sáng tác; nhiều khi cũng mang tính định hướng cho sự phát triển của cả giai đoạn văn học, thời kì văn học. Do đó, khi tìm hiểu văn học viết Việt Nam, người đọc nhận thấy có sự tiếp nối quan điểm văn học từ trung đại đến hiện đại trên phương diện vai trò chức năng xã hội của văn học.

Văn học hiện đại Việt Nam kế thừa những gì của văn học trung đại? Trước hết phải kể đến chức năng nhận thức của văn học. Vậy chức năng nhận thức của văn học là gì? Đó là khả năng đáp ứng nhu cầu muốn hiểu biết của con người về cuộc sống xung quanh, về chính bản thân mình từ đó tác động vào cuộc sống hiệu quả hơn. Cơ sở xuất hiện chức năng nhận thức là do nhu cầu nhận thức của con người; khả năng phản ánh và lí giải hiện thực của văn học. Văn học còn có khả năng phá vỡ giới hạn tồn tại trong thời gian, không gian thực tế của mỗi cá nhân. Chức năng nhận thức của văn học giúp con người có những hiểu biết về tự nhiên, xã hội, con người…trong mọi không gian, thời gian. Văn học còn giúp ta nhận thức về chính bản thân (quá trình tự nhận thức). Từ đây có thể thấy rằng văn học Việt Nam hiện đại đã nối tiếp khả năng nhận thức của con người về cuộc sống.

Một là quan niệm “văn dĩ tải đạo”, “thi dĩ ngôn chí” của văn chương trung đại vẫn được kế thừa rất tốt trong văn học hiện đại. Nguyễn Trãi từng viết:

“Văn chương chép lấy, đòi câu thánh,

Sự nghiệp tua gìn, phải đạo trung.

Trừ độc trừ tham trừ bạo ngược,

Có nhân có trí có anh hùng.”


(Bảo kính cảnh giới bài 5)

Nhà thơ quan niệm văn chương phải chở đạo thánh hiền, phải giữ gìn đạo trung để “Trừ độc trừ tham trừ bạo ngược” đem lại cuộc sống no ấm cho nhân dân. Thế nên trong thơ văn và thực tế cuộc sống, Nguyễn Trãi không ít lần “ngôn chí” và thực hành theo “ngôn chí” của mình:

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”


(Bình Ngô đại cáo)

Trong lần “ngôn chí” này, Nguyễn Trãi đã nêu rõ “đạo trung” của một anh hùng là phải “yên dân” “trừ bạo” khi đất nước có biến nguy. Quan điểm của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi cũng là lí tưởng, chí hướng mà Nguyễn Đình Chiểu theo đuổi:

“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”


(Than đạo)

Đối với Nguyễn Đình Chiểu, văn chương chở đạo không đơn thuần là chở đạo thánh hiền mà còn giúp “trị nước cứu đời”. Đây cũng là một tuyên ngôn định hướng toàn bộ sáng tác của ông.

Tiếp tục dòng chảy xem văn chương chở đạo là một phương diện cứu nước cứu dân, Hồ Chí Minh từng viết:

“Nay ở trong thơ nên có thép,

Nhà thơ cũng phải biết xung phong”


“Cảm tưởng đọc Thiên gia thi”

Chất “thép” trong thơ mà Hồ Chí Minh đề cập đến chính là ẩn dụ cho tinh thần thép của các chiến sĩ cách mạng. Theo Hồ Chí Minh, nhà thơ và thơ ca hiện đại phải có tinh thần “xung phong” trên mặt trận. Thơ văn cần mang tính chiến đấu và anh chị em văn nghệ phải “là chiến sĩ trên mặt trận” văn hóa nghệ thuật. Quan niệm của Hồ Chí Minh đã thực sự kế thừa quan niệm “văn dĩ tải đạo”“thi dĩ ngôn chí” của Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu nói riêng và văn học trung đại nói chung. Chẳng những thế, hầu hết các sáng tác của Hồ Chí Minh và các nhà văn nhà thơ cách mạng của văn học Việt Nam hiện đại đã ảnh hưởng, kế thừa và phát huy tốt khả năng cứu nước cứu đời của văn chương trung đại mà ta đã biết đến qua các tác phẩm như: “Nam quốc sơn hà” của Lí Thường Kiệt, thơ văn Nguyễn Trãi, thơ văn của cụ đồ Chiểu, thậm chí có ngay trong cả “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du… Hãy đọc một vài câu thơ của Tố Hữu:

“Hoan hô chiến sĩ Điện Biên

Chiến sĩ anh hùng

Đầu nung lửa thép

Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt.

Máu trộn bùn non

Gan không núng

Chí không mòn

Những đồng chí thân chôn làm giá súng

Đầu bịt lỗ châu mai

Băng mình qua núi thép gai

Ào ào vũ bão”


(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên)

Đoạn thơ là minh chứng hùng hồn nhất cho nhận định “Với Tố Hữu, thơ là vũ khí đấu tranh cách mạng.”(Đặng Thai Mai). Ở Tố Hữu và các nhà thơ nhà văn hiện đại khác, mục đích của viết văn làm thơ là để kêu gọi, hô hào, tuyên truyền, cổ vũ cách mạng. Nghĩa là thơ văn hiện đại đã tiếp nối đầy đủ vai trò “Vệ Nam điện Bắc” của văn chương trung đại. Đặc biệt hơn nữa chức năng tải đạo, chở đạo được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng trong Đề cương văn hóa 1943 với khẩu hiệu “Kháng chiến hóa văn hóa và văn hóa hóa kháng chiến” được các văn nghệ sĩ hưởng ứng mạnh mẽ từ đó góp phần làm nên chiến thắng của hai cuộc kháng chiến vĩ đại.

Hai là văn học hiện đại Việt Nam cũng đã nối tiếp chức năng phản ánh đời sống và nhân dân của văn chương trung đại. Nhờ chức năng phản ánh đời sống mà hình ảnh giang sơn gấm vóc, thiên nhiên đất nước con người thời trung đại được ghi lại một cách cụ thể sinh động và chân thật. Từ đó giúp người đọc hiểu hơn về những phận người trong “Cung oán ngâm” của Nguyễn Gia Thiều, “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ…Thậm chí hiểu rõ hơn về tinh thần chống giặc ngoại xâm của con người Việt Nam xưa trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược qua một “Sông núi nước Nam” của Lí Thường Kiệt, “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của cụ đồ Chiểu… Đôi khi chỉ là một cảnh đẹp của nước non nhưng qua lăng kính của các tác giả trung đại, người đọc khám phá được vẻ đẹp của thiên nhiên và vẻ đẹp tâm hồn con người dù đã cách xa rất nhiều thế hệ:

“Hải khẩu hữu tiên san,

Niên tiền lũ vãng hoàn.

Liên hoa phù thuỷ thượng,

Tiên cảnh truỵ nhân gian.

Tháp ảnh, trâm thanh ngọc,

Ba quang kính thuý hoàn.

Hữu hoài Trương Thiếu Bảo,

Bi khắc tiển hoa ban.”


(Dục Thúy Sơn, Nguyễn Trãi)

Nối tiếp chức năng phản ánh đời sống của văn học trung đại, văn học hiện đại đã có rất nhiều tác phẩm mà một khi đọc lên, người đọc hiểu biết và nhận biết được nhiều điều về con người và thời đại mà nhà văn nhà thơ đang sống. Nhờ chức năng phản ánh đời sống, người đọc hiểu thêm về số phận bi kịch của những người nông dân trước Cách mạng tháng Tám trong “Chí Phèo”, “Lang Rận”, “Lão Hạc” của Nam Cao, “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan…Biết được thực chất chiêu trò bảo hộ của thực dân Pháp qua “Vi hành” của Nguyễn Ái Quốc. Và cả những máu và nước mắt của nhân dân ta trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ qua các tác phẩm “Tây Tiến” của Quang Dũng, “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu, “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng, “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê, “Dấu chân người lính” của Nguyễn Minh Châu, “Khoảng trời, hố bom” của Lâm Thị Mỹ Dạ, “Gửi em, cô thanh niên xung phong” của Phạm Tiến Duật…

Quả thật văn học gắn liền với hiện thực, gắn liền với nhân dân đã được kế thừa và phát huy rất tốt trong các tác phẩm văn học hiện đại. Điều này cũng hình thành nên chức năng thứ hai của văn học – chức năng giáo dục. Nghĩa là thông qua việc phản ánh hiện thực và nhân dân, văn chương thay đổi nâng cao nhận thức, tư tưởng, quan điểm, tình cảm của con người. Bằng những hình tượng và chi tiết nghệ thuật, nhiều tác phẩm trung đại đã tác động mạnh mẽ đến người đọc, giúp họ nhận biết đúng sai phải trái để có quyết định, hành động đúng đắn. Chẳng hạn khi đọc “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi, bất kì người dân Việt ở bất kì thời đại nào cũng thấy rằng là một con dân thì phải:

“Quân thân chưa báo lòng canh cánh,

Tình phụ cơm trời áo cha.”

(Ngôn chí bài 7)


Hoặc khi đọc “Truyện Kiều” dù quan niệm của Nguyễn Du là “Mua vui cũng được một vài trống canh”, nhưng thông qua nhân vật Thúy Kiều người đọc nhận thấy được là con phải tròn đạo hiếu, làm người phải sống “ân đền nghĩa trả”, phải thủy chung trong tình yêu dù có gặp nhiều biến cố, phải biết quên mình vì cuộc sống bình yên của người thân. Hay ngay trong “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu, cho đến ngày nay, đã biết bao thế hệ độc giả nằm lòng và xem hai câu thơ như một chuẩn mực về giá trị của con người cần phải thực hành cho đúng:

“Trai thời trung hiếu làm đầu

Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”


Văn chương trung đại đã làm tròn chức năng giáo huấn như thế đấy. Bước sang văn học hiện đại, chức năng giáo dục của văn chương không những không mất đi mà còn được đề cao - đặc biệt là trong bộ phận văn chương bất hợp pháp trước 1945 và văn học giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hãy cùng đọc lại bài thơ “Xuất dương lưu biệt” của Phan Bội Châu:

“Sinh vi nam tử yếu hy kỳ,

Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di.

Ư bách niên trung tu hữu ngã,

Khởi thiên tải hậu cánh vô thuỳ.

Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế,

Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si.

Nguyện trục trường phong Đông hải khứ,

Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.”


Dù chỉ là bài thơ viết khi từ giã để lên đường xuất dương nhưng “Xuất dương lưu biệt” có giá trị giáo dục đặc biệt. Bài thơ như là một lời hiệu triệu, mời gọi lên đường, giáo dục thanh niên lúc bấy giờ tinh thần yêu nước; giúp họ nhận ra lẽ sống, lí tưởng, mục đích sống của phận làm trai trong thời buổi loạn lạc. Cũng nhằm mục đích như thế, hầu hết các tác phẩm văn học trong thời kì kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dù viết về nội dung gì dưới bất kì hình thức nào, các tác giả đều hướng đến giáo dục lòng yêu nước, ý chí quyết tâm “Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” (Hồ Chí Minh). Tiêu biểu nhất kể phải đến thơ của Tố Hữu:

“Mà nói vậy:“Trái tim anh đó

Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ:

Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều

Phần cho thơ, và phần để em yêu...”

Em xấu hổ: “Thế cũng nhiều anh nhỉ!”

Rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí

Dắt nhau đi, cho đến sáng mai nay

Anh đón em về, xuân cũng đến trong tay!”


(Bài ca mùa xuân 1961)

Thật vậy, “Bài ca mùa xuân 1961” đã giáo dục dân ta lúc cần phải biết hi sinh cái riêng tư cho cái lớn lao của đất nước bằng một cách nói thật ngắn gọn, dễ hiểu và trữ tình. Nội dung giáo dục vừa nêu chỉ được truyền tải đến nhân dân nhanh nhất, hiệu quả nhất chỉ có thể là qua thơ văn.

Đến nay diện mạo văn học hiện đại Việt Nam có nhiều thay đổi. Đề tài ngôn chí, chiến tranh không được đề cao. Các nhà thơ nhà văn sau 1975 thường viết nhiều về nội dung thế sự, đi sâu vào khai thác những góc khuất ẩn sâu trong tâm hồn con người. Thế nhưng dù viết về vấn đề nào trong thực tế cuộc sống, thì thơ văn hiện đại vẫn kế thừa và phát huy chức năng nhận thức, chức năng giáo huấn của văn học trung đại. Đây cũng chính là một điểm nổi bật của văn học Việt Nam.
___________________________________
Triều Anh​
 

Đính kèm

  • f14d6a340bf8d3a68ae9.jpg
    f14d6a340bf8d3a68ae9.jpg
    195.1 KB · Lượt xem: 218
Sửa lần cuối:
Từ khóa
sự kế thừa và phát huy văn học trung đại triều anh văn học văn học việt nam hiện đại
1K
2
2

Nguyễn Anh Tú

Thành Viên
1/7/22
341
507
363,000
42
Kinh đô Trà Bát
Xu
3,065,878
Một bài phân tích rất sâu sắc a!
 
  • Love
Reactions: Triều Anh

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top