Dự thi Vạt nắng mùa nhớ

Dự thi Vạt nắng mùa nhớ

G
ghan
  • Thành Viên 15
Lại một buổi chiều nữa có đủ nắng nhạt và gió nhẹ, với những vệt mây mờ ảo như những nét cọ trắng vẽ lên bầu trời tím thơ mộng. Bên dưới, dưới những mái nhà bằng tôn, bằng ngói, là những gia đình với những tiếng cười đùa vui vẻ, những đứa trẻ đang tán dóc, thi thoảng lại cười phá lên một cách hồn nhiên. Cảnh, không khí, âm thanh, tất thảy mọi vật xung quanh đều mang một nét yên ả, thanh bình, tự tại… Chẳng tới nỗi bất hạnh như trái tim nào đó đang vụn vỡ đằng sau nụ cười cố.
Có một cái lý thường xuyên và gần như khi nào cũng đúng là người cười nhiều nhất là người tổn thương nhiều nhất, người luôn tỏ ra mình ổn thì lại là người đang giữ trong mình một tấm lòng nát tan… Nỗi cô đơn trong lòng người, hòa với ngọn gió lạnh lẽo còn sót lại của mùa đông cũng cô đơn trong không khí tết nhất rộn rã. Chỉ người trong cuộc mới hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra, mới thấu hiểu hết nỗi niềm, mới biết được tượng tần sự việc. Hôm nay, dù thật là cảnh rất đẹp, rất thơ và rất lãng mạn, nhưng chính cái thơ, chính sự lãng mạn ấy đã làm một người thêm thổn thức. Người ấy, chiều nay, chỉ có một mình, là Trà.
Trà là cô gái Sài Gòn, là người Sài Gòn chính gốc từ khi sinh ra. Mọi thứ ở Sài Gòn đều đã quen thuộc với Trà, từ con phố nhộn nhịp tới nẻo đường yên ắng, từ quán ăn, quán cà phê sang trọng tới những cửa hàng, quán nước bình dân, từ ngọn cây cao chót vót tới ngọn cỏ lề đường, từ tòa nhà cao tầng tới ngôi nhà lá nhỏ xinh - tất cả mọi thứ - đều đã biết tới Trà. Cũng không có gì lạ, bởi năm nay cô cũng đã 19 tuổi - cũng được gần ⅕ cuộc đời trên mảnh đất Sài Gòn rồi. Từ nhỏ, vì bản chất hòa đồng, hoạt bát, đôi khi có phần “tăng động”, Trà dễ dàng kết bạn và làm quen với rất nhiều bạn bè, cô chào tất cả những người cô gặp, cười với tất cả mọi người cô thấy. Người ta gọi cô là người có “nụ cười cầu tài”, nghĩa là người sẽ gặp nhiều niềm vui vì luôn lạc quan, tươi tắn. Nhưng đó chỉ là quá khứ thôi, sau đó, cô đã luôn cố gắng để vẫn giữ được chút nét tươi tắn còn sót lại sau những trận khóc. Để không - một - ai có thể biết được: Trà là đứa con gái đã trải qua nỗi mất cha khi chỉ mới 10 tuổi.
Hè năm đó (vừa kết thúc năm học), Trà là một đứa trẻ hồn nhiên nhảy chân sáo từ truờng về nhà, cô còn tính khoe với cha mẹ rằng cô đã được tặng rất nhiều quà, quà chất đầy trong chiếc cặp sách xinh xắn của cô. Nhưng vừa về tới con hẻm quen thuộc, chân cô khựng lại, cũng chưa biết chuyện gì xảy ra, nhưng linh cảm nói cô rằng một chuyện không mấy vui vẻ đang xảy ra. Cô chậm rãi bước vào. Đó là một mùa hè, mà cho tới giờ, cô vẫn không thể nào quên.
Vạt nắng có chút hỗn nhưng lại pha thêm vẻ hiu hắt, vấn vương một nỗi buồn đổ trên mái nhà nhỏ của cô. Trưa đó, Trà biết tin cha mình đã yên bình nơi suối vàng. Mẹ cô khóc nức nở, mắt dán vào cỗ quan tài, không kịp nhìn cô con gái bé bỏng của mình đang đứng ngoài cửa. Đâu phải hè nào cũng toàn niềm vui…
Trà cũng muốn khóc, nhưng không hiểu sao hốc mắt của cô lúc đó ráo hoảnh, không có chút nước mắt. Nhưng cô cảm nhận được lồng ngực mình đang ngứa ran lên, nhột nhột, cô biết được sống mũi mình cay và nhói lên theo từng đợt, cô biết được đầu óc mình lúc này là một khoảng lặng, cô biết… tâm tình cô lúc này, cũng như những cọng cỏ dại ngoài kia, đang úa khô dưới cái nắng mùa mất mát.
Vì cha cô là trụ cột gia đình nên khi ông ra đi, gia đình cô mất đi rất nhiều thứ. Mẹ con Trà phải chuyển tới thuê một chỗ khác để ở. Họ chuyển sang một ngôi nhà nhỏ ở Vũng Tàu. Đây cũng là nơi cô lớn lên, đi cùng cô suốt quãng đường tuổi thiếu niên của mình.
Nắng ở biển khác hẳn nắng ở Sài Gòn. Nắng mang theo hương muối mặn mà, mang theo những gió lộng, những bôn ba phía bên kia chân trời. Mẹ Trà - bà Lý - lo xong xuôi đồ đạc trong nhà, thì đi kiếm đồ bán ở chợ. Ở Vũng Tàu, Trà phải vừa đi làm, vừa đi học để có tiền đóng học phí. Cô không muốn bỏ học. Bởi cô muốn trở về Sài Gòn vào một ngày không xa, một ngày mà cô đủ lớn để đặt chân lên từng mảnh đất trên nước Việt Nam, mà để sống sót được trên Sài Gòn, cô phải học. Vậy là cứ tờ mờ sáng, khoảng ba bốn giờ, Trà đã thức dậy. Cô giặt đồ, rồi phơi chúng trên sợi dây, gió và nắng sẽ làm chúng khô, ướp chúng bằng hương vị biển cả. Rồi cô dọn dẹp nhà cửa, lau bụi,... Xong xuôi hết thì cô xách chiếc xe đạp chạy tới trường. Chiều tan học cô tới quán cà phê gần nhà, bưng bê khoảng hai tiếng, lấy tiền, rồi đi về ăn cơm. Cuối tuần, cô sẽ rong ruổi dọc bờ biển, tò mò nhìn những người dân chài, có khi phụ giúp họ thì sẽ được vài đồng lẻ.
Ngày ngày cứ như vậy lặp đi lặp lại, cô lại lớn lên mỗi ngày.
Đôi khi, cô nhớ tới cha của mình. Chỉ trong một chốc thôi, nhưng cô không thể phủ nhận tất cả những nhớ nhung của mình với người cha đó. Cô nhớ gương mặt ông tươi cười khi đi làm về, giơ bịch bánh lên: “Ngó coi ai có quà nè.” Cô nhớ những hè được cùng cha đi tới mọi nơi, đi Đà Lạt, Nha Trang, lông bông cả hè. Cô nhớ những lời la mắng của ông… mà bây giờ cô đã không có cơ hội nghe lại. Trong cái chốc ấy, sự cô đơn lại ùa về, như cách mà nó ùa về trong chiều nay, ùa về theo cơn nắng của quá khứ, ùa về theo con gió của niềm thương nhớ…. Nó ùa về theo cách mà ta không ngăn nổi. Cô đặt tên cho nỗi cô đơn ấy là “vạt nắng mùa nhớ”.
 

Đính kèm

  • 801eb044b5892f6ca70546ccbc0c89d3.jpg
    801eb044b5892f6ca70546ccbc0c89d3.jpg
    95.5 KB · Lượt xem: 261
  • Like
Reactions: Phong Cầm
679
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Bình luận mới

Top