Chia Sẻ Vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ nông thôn nghèo khổ qua diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân

Chia Sẻ Vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ nông thôn nghèo khổ qua diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân

Anh Tony
Anh Tony
Nhân vật bà cụ Tứ thể hiện vẻ đẹp của người mẹ Việt Nam nghèo khổ: nhân hậu, hết lòng thương con, cưu mang người khốn khó, bao dung vị tha và giàu nghị lực sống.

Gợi ý làm bài

1. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả Kim Lân, truyện ngắn Vợ nhặt:

+ Kim Lân là nhà văn viết rất ít nhưng viết rất thành công ở lĩnh vực truyện ngắn. Ông được coi là nhà văn “một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn” (Nguyên Hồng).

+ Tiêu biểu cho sự thành công lĩnh vực truyện ngắn là tác phẩm Vợ nhặt

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận:

Bằng tấm lòng và tài năng, Kim Lân đã khắc họa đậm nét và cảm động diễn biến tâm trạng đầy phức tạp và nỗi lòng của người mẹ nghèo khổ - bà cụ Tứ

2. Thân bài:

a. Giới thiệu khái quát tác phẩm, nhân vật:

- Vợ nhặt là truyện ngắn thành công với đề tài quen thuộc: số phận người nông dân nghèo trong nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu. Tác phẩm được viết lại từ một phần của cuốn tiểu thuyết Xóm ngụ cư.

- Bà cụ Tứ:

+ xuất hiện trong tác phẩm với dáng đi “lọng khọng” vừa “húng hắng ho”, vừa “lẩm bẩm tính toán gì trong miệng” • gợi lên số phận con người lam lũ, đầy ắp lo toan vất vả.

+ hoàn cảnh nghèo khó, góa bụa nên không thể và không dám nghĩ đến chuyện lấy vợ cho con. Xuất hiện muộn trong tác phẩm, bà cụ Tứ là nhân vật được nhà văn đầu tư tài năng và tâm huyết để khắc họa tâm trạng và tính cách.

b. Phân tích tâm trạng nhân vật:

Xung quanh việc Tràng có vợ, tâm trạng bà cụ rất phức tạp song cũng rất nhất quán và lôgic

- Ngạc nhiên đến sững sờ: vì có người đàn bà lạ trong nhà, lại đứng ở đầu giường con mình và chào bà bằng “u”. Bà ngạc nhiên đến mức không còn tin vào mắt, vào tai mình nữa. (Bà lão hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn…. Bà quay lại nhìn con tỏ ý không hiểu)

- Xót thương con: hiểu ra con mình “nhặt’ được vợ, bà cúi đầu nín lặng, hiểu ra bao cơ sự oái oăm và ai oán xót thương cho số kiếp của đứa con mình.

- Vừa mừng vừa tủi: bà mừng cho con từ nay yên bề gia thất vừa tủi thân vì bổn phận làm mẹ mà không lo nổi vợ cho con, không thể giúp gì cho các con khi cảnh nhà nghèo khó. Nỗi buồn tủi làm bà nghẹn lời. (Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con… còn mình thì…)

- Thương và lo cho các con:

+ Bà thương con dâu cũng nghèo khổ, đói khát, thương con trai lấy vợ lúc đói quay, đói quắt: “Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được…”.

+ Bà lo cho tương lai các con: “chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không”, “có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?”. Bà mừng trước hạnh phúc của con nhưng nỗi lo, niềm thương xót làm cho “nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy ròng ròng”: “năm nay đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này u thương quá…”

- Chan chứa niềm vui, niềm hi vọng:

+ vui vì con trai đã lấy vợ, một niềm vui tưởng như không cất lên được bởi sự đè nặng của cái đói, cái nghèo nhưng vì thương con thương dâu, bà cố gắng xua tan không khí nặng nề, buồn thảm.

+ niềm vui được khơi lên bằng hi vọng về tương lai tốt đẹp: “Rồi ra may ông giời cho khá… ai giàu ba họ ai khó ba đời”

+ niềm vui thể hiện ở dáng vẻ, nét mặt, lời nói và hành động sửa sang vườn tược, nhà cửa.

+ niềm vui trong bữa cơm sáng đón dâu mới, dù bữa ăn ngày đói thật thảm hại nhưng bà vẫn cố tạo không khí hòa thuận ấm cúng trong gia đình, an ủi động viên con trai, con dâu khi kể chuyện làm ăn, nuôi gà…

- món chè khoán chính là biểu hiện của tình thương con, thương người đồng cảnh ngộ và nghị lực kiên cường vượt lên hoàn cảnh đói khổ.

c. Qua diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ, người đọc cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật này

- Người mẹ nghèo khổ rất mực thương con

- Một người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung và giàu lòng vị tha

- Bà cụ Tứ là người rất lạc quan, có niềm tin vào tương lai, hạnh phúc tươi sáng. Hình ảnh bà cụ Tứ cũng là hình ảnh tiêu biểu cho người mẹ nghèo Việt Nam.

d. Đánh giá chung:

- Nhân vật bà cụ Tứ thể hiện vẻ đẹp của người mẹ Việt Nam nghèo khổ: nhân hậu, hết lòng thương con, cưu mang người khốn khó, bao dung vị tha và giàu nghị lực sống.

- Góp phần khắc họa thành công nhân vật bà cụ Tứ là nhà văn tạo ra một tình huống truyện độc đáo; chọn lọc chi tiết đặc sắc; điểm nhìn trần thuật phong phú: nhìn từ bên ngoài để đánh giá khách quan, nhìn từ bên trong để diễn tả tâm lí phức tạp và chiều sâu tình cảm, nỗi lòng của nhân vật kết hợp ngôn ngữ mộc mạc, gần gũi.

- Gửi gắm qua nhân vật này là tấm lòng yêu thương của nhà văn, cảm thông với những người đói khổ, trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của họ, khẳng định sức sống và nghị lực của con người… Tất cả tạo nên chiều sâu nhân đạo cho tác phẩm.

3. Kết bài:

- Khẳng định lại vấn đề nghị luận: Phát hiện và khắc họa tinh tế tâm trạng đầy phức tạp của bà cụ Tứ là một trong những thành công của nhà văn Kim Lân trong truyện ngắn Vợ nhặt. Qua nhân vật này, nhà văn ngợi ca những phẩm chất cao quý của người mẹ nghèo trong hoàn cảnh đói khát. Tác phẩm thấm đẫm tinh thần nhân đạo sâu sắc.

- Rút ra bài học, liên hệ bản thân: Bài học về niềm tin, niềm hi vọng và nghị lực sống vươn lên trong mọi hoàn cảnh.

—————————
Chúc các bạn ôn thi tốt
 
Từ khóa
kim lân nhân vật bà cụ tứ vẻ đẹp người phụ nữ xưa vo nhat
1K
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top