Vụ Án – Franz Kafka

Vụ Án – Franz Kafka

Joseph K bị vướng vào một vụ án mà kẻ kết tội anh là một tòa án, song lại hiện lên như thế lực siêu hình, càng tìm lại càng chẳng thấy. Thế lực đó biến mọi điều phi lý đều trở thành có lý, đạp lên mọi chuẩn mực thông thường trong quy trình xét hỏi xử kiện thông thường. Hai kẻ canh gác xông vào căn hộ Joseph K thuê mà không một lời giải thích, chỉ nói rằng anh có tội, anh phải theo một vụ án. Song tội danh của anh là gì, chúng không hề nói. Mọi giấy tờ tùy thân anh đưa ra nhằm chứng minh mình vô tội, hai kẻ đó cũng không thèm ngó ngàng đến.

Và từ sau buổi sáng hôm ấy là hành trình dai dẳng đeo đuổi vụ án của Jeseph K. Song tất nhiên, càng theo đuổi, càng cố gắng tìm đến cùng sự thật về vụ án, Joseph K càng thất vọng và mệt mỏi. Bởi vốn dĩ, làm gì có vụ án nào. Song cả thế giới ấy đều khẳng định Joseph K dính phải một vụ án. Mà khi bị kết tội như vậy, tâm lý con người sẽ tìm mọi cách để chứng minh mình vô tội. Nhưng ngay chính tâm lý của K, tìm cách chứng minh mình vô tội đã ngầm thừa nhận mình có tội dẫu bản thân anh biết rằng, đây vốn là một vụ án oan.

Bản chất vụ án lẫn phiên tòa, tòa án của Joseph K cũng là một thứ gì đó hết sức mơ hồ, hoang đường. Anh bị kết án, những kẻ kết án anh đều xác định vụ án của anh cực kỳ nghiêm trọng nhưng Joseph K vẫn “có tự do”, được tại ngoại, vẫn được đi làm và sống một cuộc đời bình thường. Phiên tòa K tham dự mà đến cuối cùng nó có thực là phiên tòa khi những người phụ trách lại chẳng hiểu gì về vụ án họ xét xử. Ai kết án, kết án vì tội gì, tại vì sao lại kết án. Tất cả bí ẩn đó đều chỉ được giải đáp bằng một lời đáp hết sức hờ hững: Joseph K cần phải đi hỏi cấp trên. Nhưng cấp trên lại có cấp trên cao nữa và đến cuối cùng, cấp trên ấy mãi mãi là một bí ẩn cao vời vắng mặt. Và điều này dường như gợi con người ta liên tưởng đến sự vắng mặt của một đáng tối cao, hay chính là đấng toàn năng trong sự phán xét, trong tòa án của con người.

Đồng thời, danh tính của con người ở vụ án của Joseph K cũng đặc biệt trở nên mơ hồ. Một kẻ thợ mộc tên Lanz do Joseph K tự tưởng tượng ra bỗng dưng được thừa nhận là có tồn tại, sự thiếu tên gọi của các quan tòa, thẩm phán làm cho người đọc như cảm tưởng: anh có thể là anh, nhưng cũng có thể là bất cứ ai trong tòa án ấy. Danh tính, thứ để gọi tên một con người, cuối cùng cũng trở nên nhòe mờ trong thế giới hư thực, hiện thực nhưng nhuốm màu huyền ảo mà Kafka tạo dựng lên.

Khép lại câu chuyện, Joseph K chết, chết trong sự mệt mỏi khi theo đuổi vụ án mà đến cuối cùng anh vẫn không hiểu được anh có tội gì, quan trọng hơn là không hiểu được hệ thống tòa án đã kết tội anh. Thế giới mà Joseph K đã sống là thế giới phi lý, nơi người ta mặc nhiên thừa nhận tư tưởng, hành động người khác gán cho một cá thể. Joseph K vướng vào vụ án, gần như không ai quá đỗi ngạc nhiên, mọi người đều bình thản trước sự kiện đó.

Cũng giống như Gregor Samsa, hóa thân thành một sinh vật khổng lồ nhưng cả thế giới quanh anh vẫn vận hành bình thường như sự tồn tại của anh không hề có ý nghĩa. Có thể nói, chính cái sự mơ hồ, hư thực đã giết chết một Joseph K, bởi không gì dễ giết chết tinh thần một con người hơn là khiến con người đó kiệt quệ, mất phương trong một mê cung chằng chịt của sự hoài nghi về bản thân, con người lẫn xã hội. Và ngay chính kết cấu theo motif mê cung như vậy cũng là một cách tái tạo motif thường thấy trong thần thoại Phương Tây của Kafka ở tác phẩm Vụ án.

Nhưng trực giác về cái phi lý thì rất rõ ràng, đó là sự tồn tại của cơ quan hành pháp và phản ứng của người bị kết tội.

1. Phi lý trong sự hiện hữu của Tòa: có mặt ở khắp mọi nơi, từ vô hình đến hữu hình, nhưng hỏi cho đến nơi, đến chốn thì không thể. Người thi hành luật pháp mỗi khi bị truy lý đều nhất loạt nhắc đến một nhân vật quyền lực ở trên mà chính họ cũng chưa hề biết mặt. Bao trùm lên tất cả là ấn tượng duy nhất: lực lượng vô hình ấy lại có một sức mạnh ghê gớm. Nó sẵn sàng kết án tử hình người ta vô cớ mà không bị phán xét, cấm cản.

2. Phi lý trong không gian xử án: Căn phòng xử án cũng không có dấu hiệu của sự tôn nghiêm mà mang dáng dấp của căn nhà bình dân, muốn đến đó phải đi qua rất nhiều lần rẽ, ngoặt. Đám đông chen chúc cả ra dọc theo hành lang căn phòng áp mái. Ở góc phòng một vụ quan hệ tình dục đột nhiên diễn ra, như nhiên. Cả người hành xử và người quan sát đều xem như việc tự nhiên... Người ở đây quen với sự tù túng, yếm khí đến mức cửa vừa hé ra không khí trong lành ùa vào họ như sắp ngất, phải quay lại ngay về chốn âm u quen thuộc.

3. Phi lý trong cơ chế làm việc: Cỗ máy ấy vận hành theo một cơ chế mà nếu tư duy theo lối thông thường người ta chỉ còn biết kêu trời. Cấu trúc mang lý tính cao của luật pháp đã bị phá bỏ không thương tiếc: tòa triệu tập K tới tòa vào chủ nhật, giấy mời không có giờ ấn định, có địa chỉ tòa nhà mà không có số căn phòng cụ thể... Không thể tìm đâu ra những phân tích rạch ròi, cẩn thận và những giải thích chính xác của tòa trong những phiên xử kéo dài lê thê trước thắc mắc của nghi can. Chỉ có kết quả được mặc định. Kể cả người đang thi hành luật pháp như 2 cảnh sát, viên đội và thẩm phán được giao nhiệm vụ xét xử K không biết bị cáo mắc tội gì, cũng không biết gì về lí do K bị bắt "Chẳng liên quan gì đến bọn tôi". Bởi vì ở đó chuyên "sử dụng những viên thanh tra hám tiền, đội trưởng cảnh binh và những viên dự thẩm ngu độn". Sách luật pháp mà quan tòa dùng trong đó là những "bức tranh thô tục" nên "tổ chức tư pháp chìm ngập trong vô vàn những cái tinh vi. Rồi cuối cùng nó cũng khám phá ra một tội trạng xưa nay chưa từng bao giờ có cả". Đó là thế giới của những điều phi lý.

4. Con người vô tội sống ở đó, buộc phải vận hành theo nó cũng dần bị tha hóa mà chấp nhận cái phi lý. Bị kết án mà vẫn đi làm, tòa thích thì gọi, nhân vật K hoàn toàn không biết mình mắc tội gì, không được xem chứng cứ kết tội. Cái án mơ hồ cứ lơ lửng treo trên đầu. Càng muốn chứng minh mình vô tội K càng bị hệ thống tòa án dày dặc vây bủa. Anh tìm luật sư bào chữa, tìm người giúp đỡ, bỏ bê công việc từ ngày này sang ngày khác để cuối cùng nhận được lời khuyên "Ông nên nhớ rằng trong những chuyện kiện tụng này không ngừng có những điều được đề cập mà lí trí không hiểu nổi" khép lại hi vọng mỏng manh của K là phía bắt giam cho mình đích danh một cái tội nào đó. Âu lo, chán nản bào mòn lý trí, xui khiến K thỏa hiệp với hoàn cảnh. Anh dần thích nghi với trạng thái tội lỗi và bình thản đón nhận cái chết phi lý. Thậm chí K còn chạy nhanh đến chỗ chết như một cách giải thoát nỗi tuyệt vọng đã đeo bám mình quá lâu. Không ai biết K chết vì lí do gì chỉ biết rằng nhân vật vô tội...

Có nhiều cách đọc thông điệp của Kafka từ những chất liệu bất thường đã được ông cài đặt trong "Vụ án" nhưng dễ thấy vẫn là bi kịch: con người là nạn nhân đau đớn nhất của thời đại, thể chế phi lý. Ở đó sự chuyên quyền đối đầu với công dân của mình một cách vô pháp và độc ác. Pháp luật là vỏ bọc của các tổ chức tội ác, của các thế lực chính trị. Tất cả hợp lại để thao túng đời sống con người. Ở đó, ai cũng có thể là một tội phạm chờ phán quyết một cách bất thình lình. Lỡ bị kết tội thì dù phi lý cũng chỉ tạm tha và hoãn xử chứ không bao giờ tha bổng. Giữa mê cung khổng lồ ấy con người thật nhỏ nhoi, cô độc. Tồn tại mà như không tồn tại. Bị tuyên tội, phải chết mà không biết tội gì, không biết lý do. Cảm giác bất an thường trực, chi phối đời sống con người. Cái phi lý chỉ có thể giải thích bằng "định mệnh" khiến con người nếu sống sót cũng phải chung sống với những chấn thương tâm lý vĩnh viễn. Với lí giải này Kafka đã gặp Dostoievxky trong câu nói "Hạnh phúc là ngụ ngôn, còn bất hạnh là chuyện đời"....

Gần một thế kỷ đã qua, Kafka chưa bao giờ là một "người xa lạ" trong hành trình tinh thần của nhân loại. Thế mới biết ở những nhà văn thiên tài có khả năng tiên tri thì khoảng cách của thời gian chỉ làm cho những thấu thị của họ trong tác phẩm sáng rõ hơn mà thôi.

Joseph K là mẫu hình của những kẻ chống lại sự cứu rỗi nhưng đến cuối cùng vẫn đi đến kết cục của sự thất bại. Và huyền thoại được sáng tạo lên trong tác phẩm Vụ án là một thứ huyền thoại gắn liền với hiện thực, một thứ huyền thoại được tạo dựng, khúc xạ lên từ chính những điều phi lý, vô nghĩa lý trong cuộc sống. Mà ở đó, con người bị bủa vây bởi một hệ thống mê cung, mạng nhện chằng chịt những hoài nghi, những sự hư thực không rõ ràng của sự quan liêu, độc tài. Và, giữa bao vụ án, bao tòa án, đã có bao Joseph K thực sự xuất hiện ngoài đời thực?

“Vụ án” Kafka viết với một giọng văn lạnh lùng, khách quan, ông ném vào tác phẩm tất cả những “nỗi căm hờn của kiếp người hiện đại”. Tuy vậy, Kafka không cổ xúy cho cái phi lý, cái bi đát, nỗi cô đơn, sự bất lực,… Với ông, cuộc sống đồng nghĩa với việc tranh đấu và vươn lên.
 

Đính kèm

  • 1522126455_img712.gif
    1522126455_img712.gif
    571.9 KB · Lượt xem: 538
1K
5
4

Xuân Hòa

Thành Viên
26/7/21
156
154
43,000
Xu
1,660,339
Đăng mục này ko phù hợp vì đây là bài phân tích tác phẩm ko phải bản thân tác phẩm, có thể di chuyển tới Vẻ đẹp văn chương. Vụ án là một tác phẩm văn học phi lí vô cùng ý nghĩa mà ngày càng phù hợp với thời đại. Đây là tp không dễ để cảm nhận hết. Bạn đã có nghiên cứu trước về tác phẩm thật đáng quý
 
  • Like
Reactions: VHT Books

VHT Books

Hiệu sách văn học
8/7/22
73
35
18,000
Hà Nội
vhtbooks.vn
Xu
233,128
Đăng mục này ko phù hợp vì đây là bài phân tích tác phẩm ko phải bản thân tác phẩm, có thể di chuyển tới Vẻ đẹp văn chương. Vụ án là một tác phẩm văn học phi lí vô cùng ý nghĩa mà ngày càng phù hợp với thời đại. Đây là tp không dễ để cảm nhận hết. Bạn đã có nghiên cứu trước về tác phẩm thật đáng quý
Xuân HòaĐúng vậy. Mục tìm vẻ đẹp văn chương sẽ phù hợp hơn. Hoặc cùng lắm mục Sách hay, xem như một review Văn học.

Mình cũng khá thích thể loại trinh thám. Trung Quốc có tác phẩm "Chiếc giày đỏ thêu hoa" cũng dễ đọc. Không biết ai đã đọc chưa nhỉ? Đọc cũng lâu rồi, có ấn tượng mà giờ muốn tìm đọc lại.
 

Phong Cầm

Thạc sĩ lang thang ^^
17/5/21
890
911
363,000
33
Nam Định
forum.vanhoctre.com
Xu
7,469,529
Đúng vậy. Mục tìm vẻ đẹp văn chương sẽ phù hợp hơn. Hoặc cùng lắm mục Sách hay, xem như một review Văn học.

Mình cũng khá thích thể loại trinh thám. Trung Quốc có tác phẩm "Chiếc giày đỏ thêu hoa" cũng dễ đọc. Không biết ai đã đọc chưa nhỉ? Đọc cũng lâu rồi, có ấn tượng mà giờ muốn tìm đọc lại.
VHT BooksĐây không phải thể loại trinh thám. Vụ án là tiểu thuyết phi lý, anh ta có truy tìm lí do mình bị vướng vào án, bị truy bắt nhưng càng tìm càng không thể hiểu được lí do, tự dưng cái án treo trên đầu một cách hết sức vô lí, trải qua vô vàn cái vô lí khác anh ta cuối cùng đành chấp nhận. Đại khái nó thuộc kiểu bất an giữa một xã hội không còn tuân theo những giá trị con ngừơi - pháp luật thông thường. Đó mới chính là điểm giá trị của "Vụ án". Nói chung vài câu qua loa không thể nói hết cái sâu sắc của Vụ án được.
 

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top