Dự thi Anh Văn- Dạ Tinh

Dự thi  Anh Văn- Dạ Tinh

“ Cạch…cạch …”

Âm thanh cái xe đạp “ cà tàng” rõ mồn một giữa trời đông lạnh giá. Màu sơn trắng ố vàng, hoen gỉ lốm đốm. Cái gác ba ga cũ rích đằng sau cũng sắp không trụ được mà bật ốc một bên, bên còn lại cũng chẳng khá hơn bao nhiêu, theo từng cái xóc nảy lên xuống mà sắp bay ra ngoài. Cái lốp cao su bị bào mòn rách nát đến mức người ta còn tưởng nó được nhặt ở ngoài bãi phế liệu. Lại còn chẳng nhắc gì đến cái chân chống rụng rời và cái lồng xe méo xẹo.

Thời đại nào rồi còn đi cái xe đạp như vậy! Đứng cạnh nó thôi, người ta cũng đủ thấy cái lòng tự trọng của mình như quét rác, vậy mà người đàn ông lái nó lại chẳng cảm thấy gì cả. Thật kì lạ!

Trông anh ta chạc tuổi ba năm. Thân hình cao lớn, làn da đen sạm. Khuôn mặt chữ điền, mày dậm, khóe mắt là lỗ chỗ những vết chân chim. Tóc thì cắt đầu đinh.

Nhìn vào khuôn mặt anh ta như nhìn thấy cả một đời người- Khắc khổ, cực nhọc!

Hỏi ra mới biết anh ta là Văn, con ông Nghĩa, nhà ở xóm Đình.

Anh ta vẫn tiếp tục đạp xe, cả người có chút run rẩy, gai gà gà ốc nổi lên, môi tím tái, tay cứng đờ. Cái đông lạnh giá như khắc vào xương tủy mà quần áo trên người anh ta thì mỏng dính, bên ngoài có mỗi cái áo gió khoác qua loa. Anh ta cũng chỉ còn mỗi cái áo khoác này, tự nhủ tí lên xe thì sẽ hết lạnh. Chân trần đi mỗi đôi dép lê cũ.

Giờ là ba giờ sáng, cái thời gian mà người ta còn đang say giấc trong chăn ấm đệm êm, còn anh ta thì lao ra đường.

Hôm qua đi làm về muộn, ngủ muộn nên anh ta lỡ ngủ quá giờ. Chỉ kịp mặc vội cái áo khoác, đánh răng, rồi đi.

“ Khiếp! Làm gì mà muộn thế! Người ở đây chỉ chờ mỗi mình mày đấy Văn ạ! Mất bao nhiêu là giờ rồi!” Sống bằng chừng này tuổi quả thật chưa bao giờ Văn gặp một người đàn bà nào chua ngoa đến thế. Cũng người đàn bà này hôm qua giọng ngọt xớt bảo anh ở lại vác hết đống hàng xuống đến chín giờ tối mà không thêm một cắc, một hào nào. Mấy trăm cân hàng, chứ có ít ỏi gì!

Nhưng phận làm thuê khiến anh ta phải câm nín nghe chửi, lòng khó chịu nhưng miệng vẫn phải cười ríu rít xin lỗi.

Phải đến khi lên xe, Văn mới thấy thế giới im lặng.

“ Khiếp thật đấy ông Văn ạ! Tôi chưa từng thấy con đàn bà nào đanh đá như con mụ này!” Người đàn ông ngồi ghế trước mở miệng.

“ Ừ! Tôi cũng chưa gặp” Văn trả lời, lòng cũng vơi bớt đi chừng nào. Cảm giác bị một người đàn bà véo mũi lên chửi không dễ chịu chút nào.

Không khí xe lại trở về im lặng. Bây giờ là 3 rưỡi sáng, ai cũng mệt mỏi nên chả buồn nói nhiều.

Văn lén cọ xát hai bàn tay vào nhau cho bớt cứng đờ. Lên xe quả thật đỡ lạnh đi nhiều, anh ta cũng muốn tranh thủ chợp mắt một lát.

Nhìn đống hàng lặng cả tấn đằng sau, anh ta âm thầm thở dài. Hôm nay sẽ rất vất vả đây.

Văn sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con. Anh ta là đứa con thứ bảy, bên dưới còn có một em gái. Hồi còn nhỏ đã phải đi mò mẫm ngoài đồng, thái rau nuôi lợn. Anh ta cũng chẳng thích học hành gì, đến lớp ba thì bỏ học. Mười tám tuổi thì nhập ngũ, trở thành lính biên phòng. Có thể nói rằng những năm tháng biên phòng chính là những năm tháng đáng nhớ nhất của anh ta mà đến giờ thỉnh thoảng vẫn vẩn vơ hoài niệm. Hai mươi hai tuổi xuất ngũ về lấy vợ với hai bàn tay trắng. Làm đủ mọi nghề kiếm sống, nuôi vợ con. Ông trời cũng chẳng chiếu cố gì anh ta, sinh ra nghèo khổ, đến giờ vẫn nghèo khổ. Nhưng anh ta cũng chẳng có thời gian oán trời trách đất. Anh ta phải làm việc để còn nuôi lớn bốn đứa con nhỏ, đứa lớn nhất năm nay mới học cấp hai, nhỏ nhất thì mới hai tuổi.

Có những ngày nhà chẳng có cái gì ăn, đành sang hàng xóm vay tạm nắm gạo về nấu cháo. Hai vợ chồng biết khổ cũng chỉ có thể bảo ban nhau: “ Trời không cướp của ai cái gì! Cứ cố gắng thì trời thương trời cho!”

“ Tỉnh dậy bốc hàng xuống đi các ông ơi!” Lái xe gọi lớn ra sau.

Văn choàng tỉnh dậy, ngồi lâu quá một tư thế khiến chân anh ta bị tê. Nhưng như không cảm nhận được điều đó, anh ta vội kéo người bên cạnh vẫn còn say ngủ dậy.

Bây giờ đã là 5 giờ, trời đông vẫn còn tối đen như mực. Cái lạnh bên ngoài vẫn còn rít vào với nhau. Văn lao xuống, cơ thể không kịp thích ứng mà run lên một cái.

Anh ta nhận lấy bao tải hàng nặng, vác lên vai di chuyển. Di chuyển vài bao tải hàng như vậy cơ thể cũng nóng lên chút ít.

Công việc của anh ta chính là như vậy, vác hàng xuống rồi lại vác hàng lên. Sáng đi từ ba giờ, một ngày 2- 3 chuyến đường dài, có hôm phải chuyển hàng đến vài tấn, đến tám giờ tối thì về nhà. Công việc vất vả, bán sức lao động, bán sức khỏe. Dẫu biết vậy thì anh ta cũng chẳng bỏ được. Thời buổi kiếm việc khó khăn, nhà nheo nhóc năm miệng ăn, còn nuôi con đi học. Vả lại làm ở đây thì ngày nào cũng có lương. Nghỉ thì chỉ có chết đói. Anh ta thì chịu đói được nhưng còn bốn đứa con nhỏ… Chúng nó còn bé, đang tuổi ăn tuổi lớn. Rồi chúng nó mà không học thì sau này cứ nghèo khổ, cứ vất vả như bố chúng nó thì chết! Càng nghĩ anh ta lại càng phải cắn răng làm việc, vất vả cũng được, bị chửi cũng được, miễn là kiếm được tiền, kiếm được ăn!

Văn lau đi mồ hôi trên trán. Đến giờ thì anh ta không còn cảm thấy lạnh nữa rồi. Mồ hôi đã thấm ướt áo lót bên trong.

Anh ta cũng chẳng nói chuyện gì với mấy người bên cạnh mà lựa chọn nhắm mắt lại đi ngủ. Bọn đàn ông mà, ngồi với nhau thì lại gái, rượu chè, bài bạc. Văn tránh xa hết thảy những thứ đó. Trước kia anh ta còn hút thuốc, nhưng từ khi có đứa thứ ba là bắt đầu bỏ. Đến giờ cũng được ba năm rồi. Thỉnh thoảng cũng uống rượu, nhưng chỉ khi bạn bè lâu ngày không gặp hay cỗ bàn ở nhà thì còn uống những cũng uống rất hạn chế. Anh ta hiểu được rằng mình là trụ cột trong nhà, nếu anh ta gục thì mái nhà nhỏ của anh ta cũng sụp…

Văn lấy năm mươi nghìn ăn, đây là khoản chủ xe bao ăn trưa. Anh ta không vào quán ăn như mấy người trên xe. Anh ta ra quán bánh mì quen thuộc, ra hiệu lấy hai cái bánh mì. Anh ta không lấy túi bóng đựng mà cầm trực tiếp trở về xe ngồi ăn. Bánh mì không nhạt nhẽo, lại khô cứng. Nhưng nó chỉ có hai nghìn một cái nên anh ta cũng chẳng đòi hỏi gì. Khô thì uống nước. Thế là anh ta lại tiết kiệm được thêm bốn sáu nghìn, thêm tiền lương hôm nay và tiết kiệm từ đầu tháng đến giờ là đủ cho đứa cả đóng tiền học kì hai.

Bây giờ là mười một giờ trưa, trời hơi hửng nắng. Cả mùa đông buốt giá chỉ có vài ngày nắng. Những tia nắng ấm áp chiếu sáng cả bầu trời u ám, lạnh lẽo.

Văn trở về nhà, cả cơ thể nặng nề mệt mỏi. Kéo con xe ọp ẹp trở về nhà. Cứ nghĩ một ngày hôm nay thế là xong thì cuối cùng cái xe đạp cũng kháng cự.

Lốp xe bị thủng, không còn tí hơi nào.

Đã sắp tám giờ, con đường cũng chẳng còn có bao nhiêu người. Trời về đêm lại ngày càng lạnh giá. Một nỗi bực bội không thể tả bùng nổ trong lòng anh, vừa buồn tủi, vừa uất giận.

Khuôn mặt anh tối sầm, môi tím tái vì lạnh. Anh ôm đầu ngồi xuống rìa đường. Cả cơ thể dơ bẩn, đầy bụi đất.

Tại sao cuộc đời anh lại khổ như vậy?

Người đàn ông che chắn cả một gia đình nhỏ ấy cũng có lúc yếu đuối. Anh cũng chỉ là con người! Biết mệt, biết giận, biết tự trọng…

Anh muốn buông bỏ tất cả mọi thứ để chạy trốn. Anh muốn gào thét lên thật lớn. Muốn khóc…

Văn cứ ngồi đấy, bên cạnh chiếc xe đạp thủng lốp. Không quan tâm đến ánh mắt kì lạ của người xung quanh.

Gió rít thổi bay lá bàng rụng dưới lòng đường. Ánh sáng từ những căn nhà tầng le lói xuyên qua khe cửa chiếu xuống mặt đường.

Cuối cùng Văn cũng ngồi dậy. Anh nắm lấy tay nắm, dắt xe trở về nhà.

Căn nhà ngói nhỏ bé nằm giữa bãi đất. Xung quanh nơi này vốn là đất ruộng, hai vợ chồng phải chăm chỉ mỗi ngày xách vài xô đất để đổ xuống. Đến giờ mới có đất bằng thế này. Căn nhà ngói hai gian cũ rích kia cũng là từ thời ông bà còn sống. Cần phải xây mới, anh cũng biết điều đó, nhưng tiền ở đâu thì… Anh ấy còn phải nuôi thêm bốn đứa con. Miệng ăn núi nở. Tiết kiệm bao nhiêu cũng không đủ.

Những gánh nặng cuộc sống ép cho người đàn ông ấy không thở được…

“ A! Bố về!”

“ Con chào bố!”

“ Con chào bố!”

Tiếng những đứa nhỏ ríu rít, vui mừng từ trong nhà chạy ra ngoài. Đứa út vẫn còn đi chưa vững cũng đuổi theo các chị ra đón anh.

Văn chống xe đạp vào tường. Giọng nói của lũ trẻ xung quanh như vuốt phẳng và chữa lành trái tim chai sạn vì giá buốt của anh.

“ Cơm được rồi, có nước nóng đấy, anh vào tắm rồi vào ăn cơm. Mấy đứa cũng vào chuẩn bị ăn cơm thôi!” Vợ anh từ trong nhà ngó ra, dịu dàng nói.

Mấy đứa trẻ lại dắt tay nhau, đứa lớn bế đứa bé vào trong nhà.

Văn bất giác mỉm cười, khóe mắt ươn ướt.

Gia đình nhỏ của anh…

Cuộc thi viết “Mùa Tết” Văn Học Trẻ 2023
Truyện ngắn + " Anh Văn"
Dạ Tinh

hinh-anh-gia-dinh-5.jpg
 
Từ khóa Từ khóa
văn học trẻ
  • Like
Reactions: Phong Cầm
478
1
1
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.