Bàn về Vũ Hoàng Chương

Hai nhà phê bình Hoài Thanh và Tạ Tỵ đã tiếp cận theo hướng phê bình nội tại, ấn tượng chủ quan khi nói về Vũ Hoàng Chương trong tác phẩm Thi nhân Việt Nam và Mười khuôn mặt văn nghệ.

Bàn về Vũ Hoàng Chương.png

(Bàn về Vũ Hoàng Chương)


Trong “Mười khuôn mặt văn nghệ” Tạ Tỵ đã khai thác vấn đề tâm linh trong thơ ca và đời sống của Vũ Hoàng Chương. Vũ Hoàng Chương như một bức tượng, đứng cô độc, cô liêu trong vòm trời của quá khứ. Ông luôn trăn trở và suy nghĩ giữa sự sống và cái chết. Một người yêu thi ca, từ bỏ công danh phú quý để đi theo nghiệp thi ca. Thơ văn của Vũ vô cùng đặc biệt, nó không hề giống với bất cứ thơ văn người nào, thơ ông mang nỗi lòng, thơ mang đậm màu sắc cá nhân của tác giả. Tác giả dùng thơ ca bộc lộ những vui buồn, đau đớn và hạnh phúc, thơ vũ còn mang hơi thở nối tiếp từ kiếp trước.

Phong cách thơ của Vũ Hoàng Chương rộng lớn có phần mang màu sắc tâm linh của thế giới mộng tưởng. Tạ Tỵ dùng những lời văn tinh túy nhất để ta phòng thái sáng tác của Chương, sử dụng các từ bay bỗng như: “Cánh chim hồng hạc bây suốt vạn dặm dài, qua bao nhiêu không giận ước định. Thơ Vũ hiện diện như loài hoa quý, ngạo nghễ rung rung từng cánh mỏng cho phấn hương tan vào thinh không gửi đến mọi phương trời”. Ví thơ cũng như tâm tư Vũ như một bông hoa giữa một trời u ám, bông hoa không được tỏa sáng. Có thể thấy Vũ là người mang một suy nghĩ về thời cuộc, một người bất bình trước thực tại chỉ muốn sống mãi dưới thế giới ảo ảnh của riêng bản thân. Thơ của Vũ Hoàng Chương là một dòng thơ vừa ngọt ngào nhưng mang phần cay đắng, giữa người và quỷ trong thơ ông luôn gần gũi, không có một ranh giới nào cả, những vật tưởng chừng như vô tri vô giác như: khúc gỗ, hồn đá lại trở nên có cảm xúc, có hồn như chính con người thực thụ. Tình yêu giữa người và quỷ cũng được ông thể hiện chứ không phải một cảm giác sợ hãi, né tránh, cách thể hiện trong thơ ca của ông như nói lên một phần con người ông. Vũ Hoàng Chương hiện ra với một màu sắc mới trong thi ca, ông như người đưa những điều tâm linh vào thế giới con người một cách bình thường và nhẹ nhàng nhất, ẩn sâu bên trong có lẽ là người mang nhiều trăn trở về cuộc sống mới tìm đến thế giới như vậy.

Đáy sông chìm tiếng sóng,
Lời gió ngủ trên cao.
Quanh thuyền ngơ ngác bày sao,
Nàng Trăng còn mải xứ nào xe duyên!

Nhưng đêm nay dịu quá,
Không trăng có hề chi,
Say sưa tràn miệng cốc.
Cùng nâng, hãy uống đi!
Trùng lai đâu dễ hẹn kỳ.
Đò ngang một chuyến chắc gì mai sau!

Tối nay còn họp mặt,
Ngày mai đã cách xa.
Vàng xanh thay sắc cỏ,
Tươi úa đổi màu hoa.
Đường trần muôn vạn ngã ba,
Nhớ nhung muốn gặp biết là có nên.

Giờ đây chia đôi ngả,
Sông nước càng tiêu sơ.
Hồn men cay như quế,
Hồn men đắng như mơ.
Đắng cay này chén tiễn đưa,
Uống đi, uống để say sưa ngập lòng.

Cạn đi! và lại cạn!
Say rồi, gắng thêm say!
Bao nhiêu mơ, mà đắng?
Bao nhiêu quế, mà cay?
Đắng cay chút xuống bàn tay,
Nắm tay lần chót, thuyền quay mũi rồi.

Thuyền anh đi thôi nhé,
Xa nhau dần xa nhau.
Tôi về trên lưng rượu,
Đến đâu thì đến đâu.
Có ai say để quên sầu?
Lòng ta lảo đảo càng sâu vết buồn.


(Chén rượu đôi đường - VHC )

Ám ảnh với những ảo mộng của tình yêu trong thơ ca của Vũ. Tình yêu trong thơ của Vũ Hoàng Chương mang sự đượm buồn, tiếc thương và nhung nhớ, bóng dáng những người con gái Vũ yêu thương được đan cài trong thơ ca ông. Là một thi sĩ, có tâm hồn nhạy cảm nhưng Vũ vẫn in mãi một bóng hình, bóng hình người đàn bà tên Kiều Thu. Đây cũng chính là cái tên quen thuộc trong thơ ca của Vũ Hoàng Chương. Tình yêu trong thơ ca của Vũ Hoàng Chương không hề ngọt ngào mà nó khắc khoả những hoài niệm tiếc nuối và nhớ nhung bóng hồng xưa. Qua cách Tạ Tỵ diễn đạt thì ta thấy được ở Vũ Hoàng Chương một con người đa sầu mang tâm tư và giành trọn tình yêu cho một người. Những dòng thơ tình yêu của ông như câu ai oán, một tình yêu tỉ tê trong lòng, âm ỉ và dai dẳng không thể nào ngớt được, thơ ông cũng thường sử dụng những từ chỉ thời gian thề non hẹn biển, mang phong cách của những bậc thi nhân hán học ngày xưa.

Tối qua em ngồi học,
Lơ đãng nhìn đi đâu,
Dưới đèn anh thoáng nhận.
Nét mặt em rầu rầu.
“Em buồn?” Anh gặng hỏi,
Mấy lần, em chẳng nói.
Rồi anh không biết vì sao,
Đẩy ghế đứng lên, em giận dỗi...

Rũ tung làn tóc, rún đôi vai,
Em vùng vằng,
Ôm sách vở,
Sang phòng bên,
Không học nữa,
Không cho ai vào nữa,
Cũng không thèm nghe nữa,
Lời thiết tha anh van gọi mái ngoài.

Nhưng anh nghe thổn thức
Em khóc trên gối thêu,
Nhưng anh nghe tấm tức,
Em giận hờn bao nhiêu!
Em khóc! Làm sao mà dỗ được?
Nhưng anh còn biết làm sao!
Gọi em, em nhất định,
Không mở khoá cho vào.
Từng giây từng phút lòng anh càng bối rối nao nao.

Anh vẫn nghe tiếng khóc,
Trong vạt áo len hồng.
Anh vẫn nghe tiếng nấc,
Dồn dập trên gối nhung.
Sao em khóc? Vì đâu hờn tủi?
Em buồn, có phải lỗi anh không?
Hỏi em, em chẳng nói,
Mặc anh xô cửa phòng.

Ngoài hiên vắng, gió đưa vàng rụng đến,
Ngọn tường vi, xuống mãi chiếc liềm cong.
Đêm gần khuya, sương đổ,
Anh thấy ướt vai áo.
Anh thấy lạnh trong lòng.


(Bài Hờn dỗi, Thơ say, Vũ Hoàng Chương)

Vũ Hoàng Chương một nhà thơ ảnh hưởng mang hoài niệm về những gì xưa cũ và khao khát đối thoại với bản ngã của chính mình. Vũ Hoàng Chương là một người sống với những hoài niệm xưa cũ, ông không đối diện với thực tế mà trở về để quá khứ, vũ không đối diện với thực thể mà ông đang sống, mà tìm về những Niềm tin nơi dĩ vãng của quá khứ, tìm về cái gọi là tâm linh để được như những vị thánh hiền ngày xưa như: Lý Bạch, Đỗ Phủ, … Vũ dùng thế giới tâm linh để nối kết tâm hồn mình lại để được sống với những gì đã qua, một con người của quá khứ, hoài niệm và tự nhốt mình trước cuộc sống thực tại mà ông đang sống. Vũ có những giấc mơ thoát rời thực tế, sống vào cuộc ảo mộng của chính bản thân tạo nên, vũ luôn loay hoay tìm kiếm những bản ngã trong chính con người mình, vũ luôn mượn yếu tố tâm linh như một liều thuốc giải khuây cho cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của bản thân. Vũ Hoàng Chương chịu ảnh hưởng sâu nặng từ nền thi ca Trung Quốc thời thịnh Đường và thuyết vô vi của Lão Tử. Vũ Hoàng Chương qua ngòi bút của Tạ Tỵ là một người vô thực, thoát hoàn toàn ra khỏi hiện thực, ông bất mãn và mất niềm tin về thế giới con người, ông dần dần khép mình lại với thế giới xung quanh và mở rộng những suy nghĩ trong tiềm thức của mình, ông phát triển thế giới tâm linh hơn và cùng tâm sự với những ám ảnh, linh hồn trong suy nghĩ của mình. Ông sống và làm bạn với những người linh hồn trong tiềm thức của bản thân, ông nói chuyện với quỷ bằng những giọng tiếc nuối. Những vật vô tri như đá, gỗ, cây được Vũ khoác lên một linh hồn, linh hồn như con người, có cảm xúc và được Vũ trò chuyện như các thi nhân. ‌

Thế nhưng Tạ Tỵ còn thấy được sự đơn độc, lẻ loi trong chính con người của Vũ Hoàng Chương. Sự cô đơn ấy bắt nguồn từ suy nghĩ về thực tại, Vũ Hoàng Chương khép mình lại với con người xung quanh và mở lòng với cỏ cây, hoa lá. Vũ Hoàng Chương sinh ra trong thời đại nô lệ nên ông luôn hoài nghi và ám ảnh hiện thực đời sống, ông không tìm được tiếng nói trong cuộc sống vì thế ông dồn nén bao nhiêu nỗi cô đơn vào thơ ca, sự u uất trong tâm hồn của một thi sĩ. Vũ Hoàng Chương trăn trở về cái chết của con người, ông không xem cái chết là sự giải thoát mà ở ông nó là điều kinh khủng, vô cùng sợ hãi mà nói đúng hơn là cái chết đó là sự ảo tưởng của ông. Thơ của Vũ Hoàng chương mang màu sắc và hơi thở của phương Đông trầm mặc. Vũ Hoàng Chương muốn thoát khỏi cái thế giới này chỉ muốn đi sâu vào đời sống tâm linh vì ông đã chán ngán cõi đời, chán ngán cái nhân tình thế thái này.

Còn Vũ Hoàng Chương trong “Thi nhân Việt Nam” qua ngòi bút của nhà phê bình Hoài Thanh là một người từng trải, ông trải qua hết mọi thứ nhưng Hoài Thanh không gọi đó là truỵ lạc mà ông giải thích tất cả cái say mê của Vũ Hoàng Chương chung quy lại để phục vụ cho mục đích làm thơ của mình. Nếu như Vũ Hoàng Chương trong mắt Tạ Tỵ là một người suy tình, in mãi một bóng hình người xưa thì ở Hoài Thanh hiện lên một người chán ghét hôn nhân. Ông Vũ Hoàng Chương dùng một thái độ khinh bỉ đối với hôn nhân vì ông chỉ xem nó là sự ô uế và chỉ là sự chung chọi từ xác thịt lẫn nhau, đối với ông chính hôn nhân là cái phá vỡ bao nhiêu mộng đẹp tuổi hoa niên. Ông vẫn còn mang tư tưởng của Lão Trang. Cả hai nhà phê bình đều khai thác vấn đề tình yêu, hôn nhân và phong cách sáng tác thơ của Vũ Hoàng Chương.

Hoài Thanh và Tạ Tỵ là hai nhà phê bình lớn trong lĩnh vực văn chương. Nếu như Tạ Tỵ nhìn Vũ Hoàng Chương nhạy cảm gắng liền tâm linh vào cuộc sống thì ở Hoài Thanh lại khắc hoạ một Vũ Hoàng Chương mang đậm triết lý Lão Trang, một trong những đặc điểm của người Á Đông. Qua cách hai nhà phê bình khắc hoạ về cuộc đời sự nghiệp của Vũ Hoàng Chương, chúng ta nhận thấy ở ông là sự hoài niệm về cuộc đời, hoài niệm về quá khứ xưa cũ, loay hoay không tìm được hướng đi nên ông buộc phải tìm lại bản ngã của mình bằng ký ức.
 
Từ khóa Từ khóa
ảo mộng của tình yêu bàn về vũ hoàng chương cuộc đời sự nghiệp của vũ hoàng chương mười khuôn mặt văn nghệ nhà phê bình hoài thanh phong cách thơ của vũ hoàng chương tạ tỵ thi nhân việt nam tình yêu trong thơ của vũ hoàng chương đời sống tâm linh
1K
2
2
Trả lời

Say cùng Vũ Hoàng Chương​

Say cùng Vũ hoàng chương.jpg

(Bài viết Say cùng Vũ hoàng Chương - ảnh chân dung VHC)
Vũ Hoàng Chương đến với cuộc đời này như một trích tiên bị đày ải. Trong phong trào Thơ mới, tài năng của Vũ Hoàng Chương không hề thua kém những cái tên được tung hê đến đỉnh điểm như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên…nhưng ông lại bị nhìn nhận một cách kì thị, thiếu sòng phẳng. Tiếc một nỗi người ta đánh giá một thi sĩ, một hồn thơ lại không đứng trên tinh thần học thuật và nhân văn tiến bộ mà dựa vào quan điểm xã hội giáo điều, xơ cứng, phi văn học. Điều đó có khác gì những anh hàng cá hàng rau vừa đếm tiền vừa bình luận Đường thi. Người ta chê bai cái say hào sảng trong thơ ông để tung hê loại thơ ca ngợi phân bón với thuốc trừ sâu (thâm ý giễu nhại trong truyện ngắn Chú Hoạt tôi của Nguyễn Huy Thiệp). Người ta vả vào mặt một thi sĩ đang phiêu diêu trên bầu trời nhân văn tuyệt cùng tự do để lôi cổ ông vào tù quét rác. Không cần biện thuyết, chả phải thanh minh, Vũ Hoàng Chương lặng lẽ ra đi trong uất ức bỏ lại sau lưng một di sản tinh thần đáng ngưỡng mộ. Những bến bờ siêu thực không giới hạn chính là hình ảnh phóng chiếu của một tâm hồn truy cầu tự do tuyệt cùng, tuyệt đích làm say đắm lòng người. Tự nó sẽ xây dựng cho ông một thánh đường thi ca diễm lệ mà hàng triệu con người thế hệ sau tự nguyện làm tín đồ. Những kẻ thóa mạ ông nếu còn lòng tự trọng sẽ sám hối âm thầm trong nhiều trang di cảo…

Đọc thơ Vũ Hoàng Chương người ta cảm giác mình bị mất thăng bằng. Thơ ông nói nhiều đến cái say: say rượu, say tình, say nhạc, say thơ. Và người ta khép tội ông: kẻ trụy lạc, hoang tưởng, bế tắc, thoát ly, hèn nhát, vô trách nhiệm.

Tại sao người ta lại phê phán, hắt hủi Vũ Hoàng Chương?​

Bởi vì ông dính vào vụ án chính trị Nhân văn – Giai phẩm? Đó chỉ là một phương diện. Cái đáng sợ nhất làm rào cản văn chương đến với người đọc chính là sự thiển cận, mờ mịt trong cách thức tiếp cận, quan niệm về nó. Định kiến chính trị là chuyện thường hằng, và muôn đời khó ai tránh khỏi. Ngay cả những nhà văn đoạt giải Nobel cũng luôn bị định kiến chính trị phê phán, băm vằm tơi tả. Điều này đã trở thành quy luật trong tiến trình đấu tranh, phát triển của lịch sử loài người. Cái đáng ghét nhất, nguy hiểm nhất khiến văn chương bị bóp méo, bị hiểu sai và tầm thường hóa là cái tư duy ấu trĩ giữ vai trò thống trị trong đời sống văn học. Nó phi chính trị, phi văn học, nhưng nó đe dọa ghê gớm đến văn chương, nghệ thuật. Và đó là tư duy hiện thực. Một kiểu hiện thực cục mịch, vô học.

Người ta cho rằng những vần thơ say của Vũ Hoàng Chương là sự cổ súy, kích thích cho lối sống thoát ly, sa vào trụy lạc mà quên mất trách nhiệm với cuộc đời. Phải đánh sập cái thành trì tư tưởng này thì may ra những bộ óc giáo điều mới nhận thức lại về Vũ Hoàng Chương.

Hoài Thanh xứng đáng được gọi là người có cặp mắt xanh tinh đời thấu suốt, cảm hiểu được nhiều thi sĩ Thơ Mới, trong đó có Vũ. Trong thi nhân Việt Nam ông đã có lời nhận xét khách quan: “Ý giả Vũ Hoàng Chương định nối cái nghiệp những thi hào xưa của Đông Á: Cái nghiệp say. Người say đủ thứ: say rượu, say đàn, say ca, say tình đong đưa…Kể, cái say sưa của Vũ Hoàng Chương là một thứ say sưa có chừng mực, say sưa mà chưa hẳn là trụy lạc…”.

Tôi vẫn cảm thấy nực cười với cách nghĩ ngây thơ của nhiều người khi hình dung về quá trình sáng tạo nghệ thuật nói chung của các nghệ sĩ. Trong tâm thức của họ, các nghệ sĩ nói chung, các nhà thơ, khi sáng tác họ phải trong một tư thế nghiêm của một anh bộ đội trong giờ chào cờ. Rồi từ đó, bằng đầu óc lý trí tỉnh táo, các nghệ sĩ, các nhà thơ gồng mình nặn ra trong óc từng chữ xinh xắn để viết ra những mĩ từ trong sáng thanh lịch. Rằng khi viết ra trong đầu họ luôn ấp ủ một hoài bão vĩ đại, cao cả, kinh thiên động địa, và trong sáng tuyệt đối kiểu như văn sĩ Hộ trong truyện ngắn Đời thừa của Nam Cao từng tự mình đay nghiến. Rằng văn chương là cái gì thánh thiện ghê gớm lắm. Nhưng chung quy lại là anh ta chẳng làm được gì. Hộ không sáng tác được gì ra trò không phải vì gánh nặng cơm áo, gạo tiền cũng như nhiều người vu cáo cho thời đại đã bóp nghẹt anh ta. Anh ta mơ đến giải Nobel mà anh ta không hề biết giải Nobel là gì và được trao như thế nào. Làm gì có giải Nobel văn chương nào trong cả thế kỉ nay trao ngay cho một tác phẩm xuất bản trong năm. Nobel văn chương là trao cho toàn văn nghiệp, và tác phẩm đó phải đi vào đời sống văn học vài chục năm trước khi nó được trao giải. Vào những năm đầu, khi giải Nobel chưa được mở rộng ra khắp thế giới, đúng là có những tác phẩm được trao gần với thời điểm nó ra đời. Ví dụ như quyển tiểu thuyết Cuộc du lịch kì diệu của Nils Holgersson của nhà văn Thụy Điển Selma Lagerlöf xuất bản năm 1906 và được trao giải Nobel năm 1909. Nhưng càng về sau, tiêu chí trao giải Nobel rất khắc nghiệt, người được trao là xét trên toàn bộ quá trình cống cho của đời sống văn học. Hầu hết các nhà văn đạt giải Nobel đều có tuổi đời trên 50 và ngoài mảng sáng tác đồ sộ họ còn có mảng phê bình, tiểu luận xuất sắc. Anh Hộ nhà ta cứ ngây thơ nghĩ rằng sẽ viết ra một tác phẩm đạt giải Nobel liền, làm lu mơ hết mọi bờ cõi và giới hạn mà lại chưa hề đọc tác phẩm Nobel nào và tuổi đời còn khá trẻ chưa nếm qua hết những vinh nhục, cay đắng của kiếp người. Anh ta đâu biết rằng những tác phẩm bất hủ mà Đoxtoiepxki để lại ngày nay có lúc được thai nghén trong tình cảnh túng thiếu trốn nợ, và ông là một tay nghiện bài hạng nhất. Không thể nào lấy tiểu sử nghiện ngập của Vũ Hoàng Chương đánh đồng, quy chiếu kì thị thơ của ông.

Quay lại vấn đề, cái cốt tủy làm nên sự thất bại và bi kịch của Hộ là anh ta quá lí trí, đầu óc quá nặng nề những tuyên ngôn áp đặt thì làm sao tư duy vươn đến nổi chân trời cao rộng đúng nghĩa của văn chương, nghệ thuật.

Và đó là lý do mà đầu thế kỉ 20, cái nguyên lý tuyệt đối hóa lý trí của Descartes đã từng chế ngự chủ nghĩa cổ điển (và lởn vởn trong chủ nghĩa hiện thực) đã không còn có đất dung thân. Các nhà thi sĩ đi tìm một lối thoát mới cho thơ ca: Trực cảm, vô thức. Chủ nghĩa siêu thực ra đời ở phương Tây là một bước tiến lớn của tư duy nhân loại trong việc tìm ra một hướng đi mới cho quá trình sáng tác của người nghệ sĩ cũng như tư duy sáng tạo. Nó ảnh hưởng mạnh mẽ khắp thế giới hơn cả chủ nghĩa lãng mạn trước đó, đến nổi nó trở thành một trào lưu hùng mạnh trong hội họa. Danh họa Picasso cũng đã chạm đến.

Phủ nhận sự kiểm soát nặng nề, sáo rỗng, xơ cứng của lý trí, logic và ràng buộc của những khuôn khổ, chuẩn mực đạo đức, mĩ học lỗi thời…, chủ nghĩa siêu thực lặn sâu vào vô thức con người, lấy trực cảm làm lăng kính biến ảo mọi hình hài. Nó hướng đến phối hợp những yếu tố có vẻ không có gì can hệ nhau. Nó thiết lập một trạng thái “sáng tác tự động” như một bản năng của người nghệ sĩ khi bị thôi miên. Diện mạo của vô thức tưởng chừng như nhảm nhí, nhưng nó đã được hùng biện thuyết phục bằng tinh thần Phân tâm học của Freud. Chủ nghĩa siêu thực chạm đến cái siêu hiện thực, một hiện thực tuyệt đối, chân thực nhất mà con người ta thường ngày đã dùnǵ lý trí giấu kín bởi e ngại trước những chuẩn mực đạo đức, mĩ học, và logic. Thứ hiện thực được phát ngôn bằng lý trí tận cùng của nó vẫn còn mang tính xã hội rất xã giao, có phần giả tạo.

Ở Việt Nam, tuy không sinh ra cái gọi là chủ nghĩa siêu thực nhưng chất siêu thực thì đã thẩm thấu trong sáng tác của nhiều thi sĩ trong đó phải kể đến Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Xuân Sanh, Đoàn Phú Tứ…và Vũ Hoàng Chương.

Cái say của Vũ Hoàng Chương là cái say trong bến bờ siêu thực, nơi mọi ràng buộc của lý trí và hiện thực trơ lì, đen tối không bén mảng đến. Cái say ấy là một cái say làm sống dậy bản năng sáng tạo và thiên tính nghệ thuật thi ca vĩnh hằng. Say để thăng hoa hồn thơ.

Say đi em! Say đi em!
Say cho lả lơi ánh đèn


Cái say ấy có tiếng nhạc mê ly:

Khúc nhạc hồng êm ái
Điệu kèn biếc quay cuồng

(Say đi em)

Nhịp trúc buông khoan

Sóng tơ dồn dập…
(Dâng tình)

Hay là sự nhập hồn của điệu nhạc cộng hưởng vào nỗi đau xa cách người yêu:

Kiều Thu hề Tố em ơi
Ta đang lửa đốt tơi bời Mái Tây
Hàm ca nhịp gõ khói bay
Hồ Xừ Xang Xế bàn tay điên cuồng

Kiều Thu hề trọn kiếp thương
Sầu cao ngùn ngụt mấy đường tơ khô
Xừ Xang Xế Xự Xang Hồ
Bàn tay nhịp gõ điên rồ khói lên

Kiều Thu hề Tố hỡi em!
Nghiêng chân rốn bể mà xem lửa bùng
Xế Hồ Xang khói mờ rung
Nhịp vương sầu tỏa năm cung ngút ngàn

(Mười hai tháng sáu)

Là cái say ái tình, xác thịt đê mê:

Hãy buông lại gần đây làn tóc rối
Sát gần đây, gần nữa, cặp môi điên
Rồi em sẽ dìu anh trên cánh gió
Đưa hồn say về tận cuối trời quên

(Quên)

Lưng mềm não nuột dáng tơ
Hàng chân lả lướt
Đê mê hồn ngửi cánh tay hờ
(Say đi em)

Là cái say trong điệu khiêu vũ:

Lui đôi vai, tiến đôi chân
Riết đôi tay, ngả đôi đầu


(Say đi em)

Và dĩ nhiên là không thể thiếu rượu:

Em ơi lửa tắt bình khô rượu
Đời vắng em rồi say với ai

(Đời vắng em rồi)

Hãy thèm say còn đó rượu chờ ta
Hãy thèm say hồn khát vẫn thèm men
Rượu, rượu nữa và quên quên hết

(Say đi em)

Tất cả những trạng thái say sưa điên đảo đó là sự nổi loạn của một tâm hồn uất ức, chán ngán với thời cuộc. Tại sao người ta không chịu hiểu đó là một hành vi ứng xử rất văn hóa trong tâm thế con người này? Nhìn vào những dòng thơ mê đắm dục lạc kia, trực giác mách bảo cho con người muôn thế hệ phải ngầm hiểu rằng cái đó chỉ là cái cớ. Hiện thực cuộc sống thế nào mà con người ta phải tìm quên trong say sưa cuồng nhiệt, phải tìm đến trạng thái mất thăng bằng, phải xô cho xiên lệch lung lay trời đất: Bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân? Xô cho sụp đổ hết thảy để từ trên đống hoang tàn thời cuộc ấy một chân trời diễm tuyệt sẽ mọc lên trong ước vọng cháy bỏng, ngọt ngào. Ngay trong cái say ấy vừa chứa đựng hiện thực chân thực nhất vừa chứa đựng khát vọng dữ dội, cuồng nộ. Điều đó há chẳng phải rất rất hiện thực hơn hàng chục quyển tiểu thuyết của những nhà văn nhân đạo giả vờ chuyên sao chép y chang hiện thực hay sao? Nhưng Vũ Hoàng Chương nào có thoát li khỏi hiện thực, dù đã đẩy trạng thái tâm hồn lên đến đỉnh điểm của sự cuồng loạn, say sưa bao niềm dục lạc, mà nỗi đau nhân thế vẫn choáng đầy tâm hồn: nỗi đau tình yêu tan vỡ, nỗi đau thời cuộc đảo điên.

Say không còn biết chi đời
Nhưng em ơi
Đất trời nghiêng ngửa
Mà trước mắt thành sầu chưa sụp đổ
Đất trời nghiêng ngửa
Thành sầu không sụp đổ em ơi!


Đó mới là ẩn ngữ cuối cùng đằng sau cuộc truy hoang không bờ bến. Say để đánh lung lay trong lòng khối thành trì khổ não kiếp nhân sinh. Say để chao nghiêng trời đất, sụp đổ địa cầu để tái cấu trúc thiết lập một thiên đường mộng tưởng. Tận cùng cuộc vui điên đảo ấy là tâm tư bế tắc, sự ức chế không lối thoát.

Nhưng trên tất cả, Say là sự chuẩn bị tuyệt hảo cho hồn thơ được thăng hoa. Chỉ khi tâm hồn con người thoát khỏi những ràng buộc tạp nham của hiện thực trọc lốc, khi ta thức tỉnh toàn tri trực giác siêu hình, và tiếng nhạc, và men cay, và ái tình dục lạc ùa về…đó mới là lúc tâm hồn sống trọn vẹn trong thế giới thăng hoa thuộc về nghệ thuật. Vũ Hoàng Chương đã nhìn ra điều đó, ông cố đẩy người đọc lạc vào một cảnh giới của tình yêu tuyệt đích, vô tư có tính bản năng, không toan tính thiệt hơn, không ngại ngần lo sợ để thức dậy toàn năng mọi giác quan. Chỉ trong thế giới ấy, thì con người mới vô hiệu hóa được sự vô nghĩa lý của cuộc sống đời thực đang đè nặng lên số kiếp mình. Thế giới ấy sẽ tồn tại vĩnh hằng trong vô thức, đẹp như một nàng trinh nữ vô nhiễm nguyên tội. Chỉ trong trạng thái say sưa điên đảo đó, mọi oán giận, thù hằn, mọi e dè khiếp hãi sẽ cháy tiêu tan cùng lý trí, tâm hồn con người lại trở về với trạng thái siêu thăng, trong giá trắng ngần mà sống trọn một mùa vui. Thế giới say ấy đẹp đến nao lòng! Say là một thể nghiệm có tính tâm linh chứ không còn là sự ức chế thần kinh thô thiển! Chỉ khi say con người ta mới sống hết mình, mới chung tình tuyệt đối: Ta đợi em từ ba mươi năm. Và mãi sẽ đợi chờ như thế. Những dòng thơ sau đã đạt đến cảnh giới siêu nghiệm của một triết gia truy cầu tuyệt cùng cái đẹp, dâng trọn tấm lòng trinh nguyên thuần khiết cho thơ:

Ta van cát bụi bên đường
Dù nhơ dù sạch đừng vương gót này
Để ta tròn một kiếp say
Cao xanh liều một cách tay níu trời…

(Nguyện cầu)

Nếu như các thi sĩ trong nhóm Xuân Thu nhã tập thiết lập chất siêu thực chủ yếu bằng nhạc tính và sự phối hợp ngôn từ theo kiểu lạ hóa thì Vũ Hoàng Chương lại chọn thế giới nghệ thuật của cái Say là phương tiện, không gian, cảm hứng biểu đạt. Bài thơ Say đi em đã tạo ra một không gian siêu thực nơi mà mọi giác quan lý tính và logic bài trí đều bị đánh lung lay. Nơi mà con người chìm trong trạng thái vô thức, hành động theo bản năng, mất tự chủ, mọi sự tồn tại khách quan đều quên hết những nguyên tắc vật lý:

Hồn ngả lâu rồi nhưng chân còn dẻo
Lòng trót nghiêng mà bước vẫn du dương
Lòng nghiêng tràn hết yêu đương
Bước chân còn nhịp nghê thường lẳng lơ

Gian phòng không đứng vững
Có ai ghì hư ảnh sát kề môi.


Say sẽ mãi là một trạng thái có tính biểu tượng làm nên chất siêu thực trong thơ Vũ Hoàng Chương. André Breton từng cho rằng chính việc phá vỡ ranh giới giữa bệnh và không bệnh, đạt đến trạng thái như người điên là lúc bản năng nghệ thuật trỗi dậy mãnh liệt nhất. Dĩ nhiên điên là một cách nói. Há chẳng phải chính trong những lúc đau đớn tột cùng của bệnh tật, tâm thần bất định, lý trí chìm mờ Hàn Mặc Tử đã sáng tạo nên những bài thơ bất tử, người người truyền tụng đó sao? Thi sĩ Bùi Giáng cũng từng được gọi là thi sĩ điên, dường như ông xuất khẩu thành thơ, lời tự trong gan ruột trào ra những lúc tâm thần chao đảo. Những điều ấy lý trí con người làm sao cắt nghĩa nổi. Vũ Hoàng Chương đã thể nghiệm điều đó trong thơ của mình bằng khái niệm say, cấp cho nó một nội hàm văn hóa đạt đến bến bờ siêu thực mãi mê đắm lòng người! Xin kết thúc bằng cái âm hưởng hoành tráng của một bậc chiến sĩ kiêu hùng, say trên yên ngựa, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng thời Đường:

Bồ đào mĩ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chính chiến kỉ nhân hồi

(Lương châu từ – Vương Hàn)

Nguồn: Phía trước
 
Sửa lần cuối:

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.