sáng tác Bánh răng bừa một thuở tết xưa của mẹ

sáng tác Bánh răng bừa một thuở tết xưa của mẹ

Hương vị tết quê là những bữa cơm ngon và đầm ấm nhất trong gia đình sau một năm âm lịch khép lại. Ai đi làm ăn xa cũng ngóng trông về gia đình mình với cảm giác lâng lâng khó tả. Cứ hễ ngửi thấy mùi thơm của hương trầm thoảng nhà ai đấy trên phố thị khi ngang qua vào những ngày áp tết, tôi lại ngửi thấy mùi vị ngon của chú gà trống luộc vàng ươm mẹ tôi đặt trên bàn thờ gia tiên chiều 30 tết. Và liếc nhìn thấy bánh chưng bày bán trong siêu thị, tôi lại thèm về nhà tận hưởng thức quà quê ấy quá! Sống nơi phố thị phồn hoa này, tết về, tôi cứ thèm thèm được nếm vị ngon của sản phẩm quê tôi. Chút canh hầm khoai tây với giò lợn, chút kẹo lạc vừng tự biên, tự diễn cũng ra vẻ tết lắm chứ. Miến dong nấu măng với bộ lòng gà rắc chút rau mùi thơm thái nhuyễn. Bánh răng bừa làm từ hạt gạo trắng ngần vương nỗi nhọc nhằn sớm khuya vất vả của mẹ và người thân. Thứ bánh này chẳng tìm kiếm đâu ra nơi tôi ở. Nghĩ lại, tôi lại nhớ bà, nhớ mẹ thuở đã xa khi mình còn tấm bé.
Tết quê tôi khác hẳn với những miền quê khác. Món ngon và hương vị đã in sâu trong nếp sống làng quê có tự thuở nào. Không có món ngon nào sánh với vị quê tôi được dù có thế nào đi chăng nữa, chúng tôi cũng rất tự hào về quê hương. Món ngon ấy là hương quê thấm nỗi nhọc nhằn của người khai sinh ra nó. Vị thanh đậm là cách chế biến, không phải nức tiếng nhưng ai đi xa cũng nhớ mãi, gọi tên sẽ à lên một tiếng rồi xuýt xoa, tiếc nuối. Không phải bánh chưng xanh và cũng không phải thứ bánh gai, bánh hỏi mà là bánh răng bừa (bánh lá). Chắc có lẽ nói bánh răng bừa thì người miền quê khác thưởng thức rồi khắc biết. Còn chúng tôi gọi bánh lá để có tiếng nói riêng. Cứ hễ chụp thức quà ấy đưa lên Facebook là người dân quê tôi gọi tên ngay không cần thăm dò ý kiến cộng đồng mạng. Món ăn ý là thức quà tinh túy bao đời ông cha truyền lại để có công, có việc hay lễ lộc, tết nhất mới làm cho có ý nghĩa.
Bánh răng bừa làm cũng công phu lắm. Hình như tết về thì ngày 30 tết mới bắt đầu xay bột. Đêm ngày hôm trước phải ngâm gạo thì trong ngày giao thừa phải có bánh cúng tổ tiên. Gạo tẻ thơm, dẻo và ngon. Gạo trân châu lùn bao giờ bánh làm ra cũng tuyệt vời. Gạo ngâm vào chậu thau đồng khoảng vài tiếng một đêm cho mềm, khi lấy ngón tay trỏ và ngón cái chộp vài hạt vò thấy mềm thì vớt ra cái rá tre. Xốc đảo liên tục rồi thả vào cái chậu to nước đổ đầy gạn vài ba lần cho bớt độ chua kê nghiêng lên giàn nước khoảng vài tiếng. Sau đó bê đi xay bột để chế biến bánh. Công đoạn này chỉ bà và mẹ tôi mới làm được chứ ai đụng vào thì cũng mất ngon. Ngồi chăm chăm nhìn bà và mẹ thắng cho bột đừng chín mà tôi khâm phục lắm. Chả hiểu sao mà nồi bột đun lửa nấu lại không chín để làm bánh mới kì khôi chứ. Trước khi thắng bột, mẹ và bà đã chuẩn bị xong nhân bánh và lá gói bánh. Nhân bánh là hành củ bóc vỏ giã nhuyễn, thịt lợn mông sấn bằm nát, nấm mèo thái sợi nhỏ. Ba thứ này trộn lẫn nhau đảo cho đều nêm mì chính, nước mắm nhĩ, chút đường kính, chút hồ tiêu xay bỏ ra bát ô tô. Giã hành mà cứ như bị ai đánh chảy nước mắt. Đó là hơi cay nồng của hành xông lên mắt mới ra nông nổi ấy. Lá dong gói bánh mua trên phố chợ mang về lau sạch, cắt đầu đuôi cho đẹp (không phải ngày tết thì dùng tàu lá chuối hột huơ lửa).
Gói bánh cũng phải khéo và thành thục. Một manh chiếu cói cũ trải ra nền bếp rồi gói cho vuông vắn. Bà tôi là người vớt bột ra lá bằng chiếc đũa cả chia và vạch dài trên lá dong. Mẹ dùng đôi đũa ăn cơm gắp nhân tra vào giữa cục bột bà vớt rồi gói. Mẹ làm thành thục lắm. Mỗi khi cứ một cái bánh gói xong, chúng tôi nhìn nhau thán phục rồi ngắm nghía chứ không đụng tay vào. Mẹ thoăn thoắt gói những cái bánh vừa gọn mà lại vừa đẹp. Thoắt cái đã được rổ bánh xếp chồng lên nhau đều tăm tắp.
Dõi theo việc luộc bánh ai cũng mong nhanh chín để thưởng thức nhưng 10 giờ đêm giao thừa mới bắt đầu luộc. Khi những chiếc bánh luộc chín thì mâm cỗ cúng giao thừa phải có đĩa bánh răng bừa xếp đầy cùng với những món ăn khác. Mùi thơm thoảng ra từ đĩa bánh làm nức lòng chúng tôi. Bánh răng bừa khi bóc phải cầm lên vẩy nước rồi từ từ xé ra. Mùi thơm ngầy ngậy thoảng lên cánh mũi sao ngon quá. Dùng đũa tre gắp chấm nước mắm chan hành phi vàng thì chao ơi hương đồng nội thấm vào lòng vào dạ sao quên được hương vị tết.
AA81140A-69F7-40BB-8357-D2E9CA083E55.jpeg

Bánh ngon mẹ nấu - Văn Học Trẻ - Ảnh sưu tầm
Bánh răng bừa không chỉ dùng ngày tết mà ai rời quê cũng được người thân gói cẩn thận cho món quà giấu trong bọc ni lông làm bữa ăn khi đến bữa chờ đợi tàu xe. Món ăn bánh răng bừa ngày tết, mẹ và bà gói gửi lại rồi xa mãi chúng tôi. Nay về ăn tết với gia đình hay là không đi nữa mà nhìn đĩa bánh chuyển thâm như màu lá gai, tôi cứ tưởng mẹ và bà đang cần mẫn nhen đốt lửa thắng bột, gói bánh trong cái bếp tranh nghèo.
Bao nhiêu mấy cái tết qua đi, bà và mẹ đã lạc bước trần gian đi mãi không về. Rồi tôi rời quê mưu sinh, kiếm sống. Tết đến, kí ức về mẹ và bà làm xốn xang lòng tôi. Tôi thầm gọi và cứ ước một điều kì diệu để bà và mẹ sống mãi với thời gian nhưng làm sao ước thấy. Tôi lại nhớ nồi bánh răng bừa mẹ và bà tôi thuở nào cặm cụi chế biến cho tôi. Trân quý biết nhường nào. Văng vẳng bên tai tôi tiếng vọng của mẹ với bà “tết này con nhớ về ăn tết cùng gia đình, bà cùng mẹ làm bánh lá để con ăn nhé…” Đôi mắt tôi cay cay khoé bờ mi.
Phùng Văn Định
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa
bánh răng bừa tết về thương mẹ
331
3
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Bình luận mới

Top