Nhà Cảm nhận truyện ngắn "Nhà vẫn là nhà"

Nhà  Cảm nhận truyện ngắn "Nhà vẫn là nhà"

Tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, người thân vẫn luôn là đề tài muôn thuở, là nguồn cảm hứng bất tận để các nhà văn, nhà thơ cũng như những cây bút trẻ có dịp được biểu diễn con chữ của mình một cách đầy sáng tạo. Với tác phẩm “Nhà vẫn là nhà” của thành viên Minh Phong - Bút danh: Lãnh Nguyệt Hàn, Tôi thấy đâu đó là sự giản dị nhưng đầy ấm áp trong từng câu văn, từng lời thoại mà tác giả đã tái hiện trong cuộc sống của một người thiếu phụ lầm lỡ một thời. Nay xin được gửi tới tác giả đôi lời cảm nhận, cũng là để chia sẻ tình cảm của mình trước một tác phẩm khá là hay.

Với tiêu đề “nhà vẫn là nhà” tác giả đã gợi lại cho chúng ta một nơi hạnh phúc, ấm áp và chan chứa tình thương. Đó là nơi đón ta khi ta vừa cất bước chào đời, nuôi dưỡng tâm hồn ta suốt thời thơ ấu cho đến lúc trưởng thành, chắp cánh cho ta những ước mơ, hoài bão, lại ôm ấp, chở che và vỗ về mỗi khi ta muốn dừng chân sau những mệt nhoài giữa cõi đời đầy bi lụy. Nó làm tôi gợi nhớ tới bài hát “đi về nhà” của Đen Vâu. Với lời ca mộc mạc và giản dị:

“Đường về nhà là vào tim ta
Dẫu nắng mưa gần xa
Thất bát, vang danh
Nhà vẫn luôn chờ ta
Đường về nhà là vào tim ta
Dẫu có muôn trùng qua
Vật đổi, sao dời
Nhà vẫn luôn là nhà”


Chỉ bấy nhiêu thôi cũng phần nào diễn tả được tình thương bao la cho nơi mà chúng ta vẫn gọi là “nhà”.

Mở đầu tác phẩm, tác giả mở ra một khung cảnh khá là nhộn nhịp và vui vẻ, đó là không khí trong buổi học cuối cùng của một năm, trước khi về nghỉ tết. Đan xen đó là những nốt trầm buồn được điểm xuyết của nhân vật Linh và mẹ. Linh là cô bé có hoàn cảnh khá đặc biệt, em được ra đời bởi một cuộc tình vụng dại khi mẹ vẫn còn là người thiếu nữ tuổi trăng tròn, và ba là một cậu con trai đôi mươi với tình thương chưa đủ lớn, đã bỏ đi để lại mẹ và em bơ vơ nơi đất khách quê người. Với những lầm lỡ của tuổi trẻ, mẹ Linh và Linh cứ thế xa quê đằng đẵng tám năm trời không dám về gặp ông bà ngoại. Đến khi lấy hết can đảm để trở về thì mái đầu của hai đấng sinh thành cũng đã điểm sương.

Cuộc đối thoại giữa Linh và mẹ khi đó đủ để cho chúng ta thấy được mẹ em đã tủi hờn, đã ăn năn như thế nào trước những lầm lỗi của mình thời trẻ. Khi đọc đến cảnh mẹ Linh và bà ngoại ôm nhau khóc nức nở đã làm cho tôi xúc động đến nghẹn lòng. Bất giác tôi nhớ tới câu thơ trong bài “Con cò” của cố nhà thơ Chế Lan Viên:

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”


Ôi! Tình mẫu tử sao mà thiêng liêng thế. Trước tình thương vô bờ bến của người mẹ thì đứa con dẫu có lớn bao nhiêu cũng vẫn là bé bỏng và cần được chở che cho đến suốt cuộc đời.

Không quá đi sâu vào bi ở phần đầu truyện, tác giả đã nhịp nhàng uyển chuyển dẫn dắt người đọc sang phân cảnh thứ hai là lớp học với không khí nhộn nhịp hơn, gắn liền với những cô cậu học trò tinh nghịch.

Vì đây là buổi học cuối năm nên không khí có phần huyên náo. Hình ảnh người thấy giáo được khắc họa là một nhân vật khá vui vẻ và tâm lý mặc dù được che đậy bởi vẻ bề ngoài nghiêm nghị của một người thầy.

Với tình yêu chớm nở của tuổi học trò, thầy đã không quá khắt khe cấm cản, thay vào đó là sự ân cần khiến cho Linh không sợ hãi mà lại càng tôn trọng. Không như mẹ Linh – người phụ nữ sau những lầm lỡ của tuổi trẻ thì bước đi có phần dặt dè và thận trọng hơn. Mẹ Linh sợ Linh đi lại vết xe đổ của mình nên cấm cản cũng là điều dễ hiểu. Ai đó đã từng nói rằng: cuộc sống sẽ dịu dàng hơn biết mấy, nếu con người biết đặt mình vào vị trí của nhau. Phải, có đặt mình vào trường hợp là mẹ của Linh, mới hiểu hết được những đắng cay tủi nhục mà người phụ nữ ấy đã phải trải qua suốt những năm tháng thanh xuân, để rồi nhìn lại, cô không dám mạnh bạo đối với cuộc đời người con gái duy nhất của mình. Chỉ có tình mẫu tử mới chở che con mình như vậy mà thôi.

Thỉnh thoảng để câu chuyện được thêm phần thú vị, thì tác giả luôn biết đan xen giữa các cuộc đối thoại với nhau. Đó là cuộc đối thoại dí dỏm giữa Linh và cô Vân thợ may hay cuộc đối thoại vui tươi đầy tinh nghịch giữa Linh và chú Quang. Nhằm khắc họa một nhân vật Linh hồn nhiên, trong sáng, và tinh nghịch, đúng với lứa tuổi học trò mà chúng ta vẫn thường xuyên bắt gặp trong câu chuyện của chính mình.

Trở lại với nhân vật Quang. Chú Quang là bác sĩ khoa nhi, cũng là người hàng xóm của mẹ con Linh. Sau những tháng ngày mẹ đưa Linh qua phòng khám chữa bệnh cho Linh thì tình yêu giữa mẹ em và chú Quang “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Sở dĩ hai người vẫn rụt rè ngần ngại với nhau cũng một phần vì mẹ Linh mặc cảm và tự ti với quá khứ của chính mình, đó là thứ rào cản lớn nhất khiến cho việc tiến tới của chú Quang ít nhiều trở ngại.

Tết chính là dịp quây quần, sum họp bên gia đình. Vì vậy mà chú Quang đã không về quê, coi như là một dịp để tỏ tình với mẹ Linh với sự trợ giúp đắc lực từ Linh và mẹ của chú Quang. Dù mẹ của nhân vật chú Quang chỉ xuất hiện gián tiếp thông qua cuộc đối thoại giữa hai chú cháu nhưng cũng đủ để cho người đọc cảm nhận được tình cảm của người mẹ dành cho con cao cả đến nhường nào. Bà chỉ mong đứa con trai luống tuổi của mình sớm có được một gia đình êm ấm với người vợ thảo hiền bên cạnh đứa con thơ. Vì thế mà chú Quang – một người con có hiếu, chẳng thế nào bỏ lỡ cơ hội được gần gũi mẹ con Linh, được bên cạch Kiều – người phụ nữ mà mình thầm thương trộm nhớ bấy lâu nay.

Tác giả cũng rất khéo léo để các nhân vật gắn kết tình thân với nhau thông qua thời gian là những ngày giáp Tết. Mọi người quây quần bên nhau để chuẩn bị gói bánh chưng, dù mỗi người một việc nhưng tiếng cười vẫn khúc khích ở trên môi. Linh cũng là người rất thương mẹ. Qua cuộc hội thoại với chú Quang, người đọc có thể nhận thấy rằng cô bé khá tinh ý khi cố tình nói to để mẹ nghe thấy cuộc nói chuyện của hai chú cháu, và ngầm hiểu rằng Linh rất ủng hộ việc mẹ làm vợ của chú Quang. Chú Quang lại là người gần gũi chăm sóc Linh từ bé, từ lâu chú đã coi Linh như đứa con gái bé bỏng của mình.

Như bao đứa trẻ khác, Linh mặc cảm khi thiếu thốn tình cảm của gia đình, và lúc nào cũng khao khát được gọi một tiếng “Bố ơi”. Cô bé sợ khi mình lớn lên lấy chồng nếu không có cha mẹ đưa đón thì tủi thân biết bao nhiêu. Không biết Linh lo cho mình hay lo cho mẹ không có người nương tựa, bầu bạn và chăm sóc lúc về già, khi Linh không gần mẹ. Dù thế nào đi nữa thì tác giả cũng cho chúng ta thấy Linh là một cô bé rất hiếu thảo với người mẹ của mình.

Nhìn lại cuộc đời người phụ nữ ấy, tôi mới hiểu vì sao tác giả lại đặt tên cho nhân vật đó là Kiều, tôi bỗng chốc liên tưởng tới người con gái “hồng nhan bạc phận” của đại thi hào Nguyễn Du. Nhưng may mắn hơn, Kiều có Linh là đứa con gái mà cô hết mực yêu thương, có chú Quang bác sĩ là người thương cô với cả tấm chân tình và mong được nên duyên vợ chồng để kề bên sớm tối. Thế thì ngại ngần gì nữa mà cô không mở lòng ra cho mình một cơ hội để đón nhận tình yêu.

Cuối cùng là cuộc gặp gỡ giữa Quân và Linh trong ngày 30 tết. Quân là cậu bạn cùng khối nhưng khác lớp. Với tình cảm trong sáng của tuổi học trò, Quân và Linh chỉ dừng lại ở cái nắm tay chìu mến, cuộc nói chuyện qua lại vẫn là nét hồn nhiên ngây thơ của lứa tuổi học trò.

“Mùa xuân là mùa nói lời yêu thương, mùa những cánh hoa nở rộ. Mầm lá non rục rịch chui từ trong kẽ đất tối tăm, vượt qua bao ngăn cản, để nảy chồi, vươn những lộc biếc bé xíu, từ đó mà lớn thành cây non, nụ biếc. Con người ta, đôi lần gặp chông gai, trắc trở trong đời, nhưng chỉ cần kiên định, dũng cảm thì cũng sẽ được đón nhận ánh mắt trời, hứng trọn mưa xuân mát lành, để tươi tốt. Và, dù chúng ta lớn lên, đi xa, cất cánh bay cao chống chọi với gió nắng, giông bão ngoài kia, thì khi mỏi mệt, vấp ngã, vẫn có nhà, có ba mẹ luôn chờ đợi, vuốt ve những đôi cánh mỏi.”

Kết thúc truyện là một kết thúc mở, tạo cho người đọc có cảm giác ko bị gò bó vào cốt truyện đã được định sẵn của tác giả mà được tự do tưởng tượng tới những viễn cảnh trong tương lai của từng nhân vật. Lấy mùa xuân làm chủ đạo, chắc hẳn rằng tác giả cũng có dụng ý để người đọc tưởng tượng tới những điều tốt đẹp. Mùa xuân là mùa của cánh hoa nở rộ, mùa để cây cối nảy lộc đâm chồi, những mong tình cảm của chú Quang cô Kiều hay Quân và Linh đều đâm chồi này lộc để cùng về sum họp một nơi mà mọi người hằng mong ước, đó là “nhà”.

Người viết cảm nhận: Tài Khôn


5504


Ảnh minh họa: sưu tầm Internet
 
  • nhà vẫn là nhà - văn học trẻ.jpg
    nhà vẫn là nhà - văn học trẻ.jpg
    61.8 KB · Lượt xem: 211
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
692
4
2
Trả lời
Đây là một bài cảm nhận đúng chuẩn, có cảm xúc tác giả khi đọc bài, về nhân vật, về ý nghĩa chi tiết, đầy đủ. Cá nhân tôi khi đọc bài "Nhà vẫn luôn là nhà" ấy khá thích nhân vật cô Kiều, tôi cũng không nghĩ sâu xa ý nghĩa tên Kiều đâu, nhưng quả thật, làm người mẹ đơn thân, chúng ta nhìn thấy kết quả, chứ chưa từng thấy khổ đau, vất vả của họ.

5505

(Giữa đêm con sốt, mẹ thức trắng đêm - ảnh minh họa từ Pinterest)

Đọc bài cảm nhận của Tài Khôn tôi thấy có khá nhiều điều tương đồng với bài viết "Tầm quan trọng của gia đình" của tôi, cùng nghĩ ngay tới Đen Vâu với bài hát Đường về nhà, với những câu từ rung động vào tâm thức mỗi người, để ta phải suy nghĩ.
 
  • Love
Reactions: Tài Khôn
Tôi đã đọc bài viết của Lãnh nguyệt hàn và hôm nay may mắn được đọc bài cảm nhận của bạn. Phải công nhận là tác phẩm của Lãnh Nguyệt Hàn hay nhưng bài cảm nhận của bạn đã khiến tác phẩm được nâng cao giá trị
 

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.