Baivanhay Cảm nhận về những khám phá, suy ngẫm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng trong phần kết thúc truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”

Baivanhay Cảm nhận về những khám phá, suy ngẫm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng trong phần kết thúc truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”

Hiện thực cuộc sống là nơi sản sinh ra những tác phẩm nghệ thuật. Với tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã đưa ra những cảm nhận và khám phá đặc sắc của chính mình thông qua hình ảnh nhân vật Phùng. Đặc biệt là trong phần kết thúc truyện, những trăn trở về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống đã được khắc họa thông qua lớp sương phủ mờ mờ ảo ảo với hình ảnh người đàn bà bước ra từ bức ảnh treo tường.

xkk (35).png


Đề: Em hãy viết bài văn để thể hiện cảm nhận của em về những khám phá, suy ngẫm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng trong phần kết thúc truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu

BÀI LÀM MẪU

Nếu như họa sĩ vẽ nên những nét “truyền thần” hút hồn người xem; người cầm ca hát vang lên những nốt nhạc làm say lòng người; hay những bậc nghệ nhân khéo tay làm nên những món đồ thủ mĩ nghệ tinh xảo... thì nhà văn lại kiến tạo nên những giá trị đích thực xuất phát từ mảnh đất cuộc đời. Trên con đường lao động sáng tạo nghệ thuật, người nghệ sĩ chân chính luôn cố gắng “đào xới” hiện thực để tìm ra “chất vàng” gửi gắm trong đứa con tinh thần của mình. Và được coi là “người mở đường tinh anh” trong công cuộc đổi mới văn học nước nhà, Nguyễn Minh Châu luôn ý thức rõ thiên chức của người cầm bút chân chính. Đặc biệt bức ảnh cuối truyện với hình ảnh người đàn bà bước ra khỏi tấm ảnh gửi gắm nhiều ý niệm sâu sắc.

Với những người đứng ngoài hành trình lao động kiến tạo nghệ thuật, đối với họ bức ảnh của Phùng quả là một bức ảnh mang vẻ đẹp thuần khiết, toàn bích. Đó là vẻ đẹp tựa như “một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”. Nghệ sĩ Phùng khéo căn chỉnh góc máy để bắt trọn cái hồn túy của bức ảnh. Mũi thuyền đâm thẳng một nét chuẩn mực giữa sắc hồng của ánh mặt trời phản chiếu. Vài bóng người bước vào họa thêm những nét sinh động của cuộc sống thường ngày ở vùng chài lưới. Dưới con mắt và một tâm hồn nghệ sĩ, Phùng cảm được bức ảnh đó nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi. Bức ảnh đó mang trong mình trọn vẹn hơi thở của biển cả và ngồn ngột sức hơi thở cuộc sống mới. Một sự hài hòa tuyệt đối tạo nên một kiệt tác giản đơn nhưng đạt đến độ toàn bích, hoàn mĩ. Đặc biệt dưới con mắt của những người sành nghệ thuật, họ lấy làm tâm đắc và quý trọng, treo bức ảnh đó ở những nơi trang trọng. Nó được xem như là một bức tranh mang vẻ đẹp chuẩn mực khiến người ta rung động và mơ về một cuộc sống căng tràn nhựa sống như thế.

Tuy nhiên, đối với Phùng bức ảnh lại gây nhiều nỗi ám ảnh trăn trở hơn là rung động. Là người trực tiếp thu chụp khoảnh khắc đắt giá ấy vào ống kính, Phùng hiểu rõ đằng sau nét đẹp tuyệt mĩ ấy ẩn chứa nhiều nước mắt của cuộc sống hơn là niềm vui. Phùng cảm nhận được một bức tranh đa sắc màu thay vì chỉ đơn thuần là tấm ảnh đen trắng mà mọi người vẫn nhìn thấy. Phùng bước vào cuộc sống của những chủ thể trong bức tranh, hơn nữa Phùng cận cảnh thấy đằng sau những nét vẽ khỏe khoắn, căng tràn nhựa sống ấy là những vệt đen làm tối mờ cuộc sống. Hiện thực cuộc sống đã ám ảnh trong tâm thức người nghệ sĩ để rồi mãi về sau, khi bức ảnh đã khô mực in, họ vẫn còn nhớ như in những giá trị hiện thực đã kiến tạo nên vẻ đẹp bức ảnh đó. Nghệ sĩ Phùng thấy đằng sau tấm sương sớm màu hồng ấy là một màu xám u ám bao phủ lấy biết bao mảnh đời. Càng ngắm nhìn, từng nét vẽ hiện lên sống động như những thước phim đưa Phùng về với hiện thực khắc nghiệt của cuộc sống. Cái tâm huyết cùng những trăn trở của người nghệ sĩ đã ăn nhập vào hồn Phùng để rồi ông có những nét chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời.

Đằng sau vẻ đẹp khiến người ta trầm trồ là những khổ đau dằn vặt của người nghệ sĩ. Những người thưởng thức nghệ thuật chỉ ngắm nhìn được thành quả của người nghệ sĩ sau khi chọn lọc kĩ càng để đưa ra những tấm ảnh đẹp nhất, xuất thần nhất. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau vẻ đẹp ấy là những đau thương của những kiếp người mà nếu không có dịp chứng kiến, ngay cả những nghệ sĩ lăn lội nhiều năm như Phùng cũng không thể biết được. Vì thế, giá trị bức tranh không chỉ đơn thuần là những sắc cảnh sinh động tươi sáng của cuộc sống mà sâu trong từng chi tiết, nhiếp ảnh Phùng muốn nói thêm nhiều điều với những người yêu nghệ thuật. Phùng nhìn ra được phía sau bức tranh màu hồng ấy là hiện thực nghiệt ngã của cuộc sống.

Bức qua những nét vẽ điêu thần làm sống dậy cả vùng trời biển cả bao la là một bức tranh xám xịt,ảm đạm về cuộc đời con người “bao giờ tôi cũng thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh”.Phùng là người lao động làm ra bức ảnh chiếc thuyền ngoài xa ấy nên hơn ai hết, Phùng hiểu rõ cuộc sống hiện thực không đẹp, hoàn hảo được như trong ảnh. Nếu như bức ảnh gợi về một cuộc sống đầy mơ ước thì ở hiện thực, con người còn phải gánh chịu nhiều cảnh khổ mà cuộc đời người đàn bà làng chài là một đại diện tiêu biểu. Bóng lưng của người đàn bà làng chài hằn in những nét khổ cực và khốn cùng của cuộc sống. Bức tranh càng mềm mại, thanh thoát bao nhiêu thì hình ảnh người đàn bà hằn in sâu trong nó lại hiện lên những nét thô kệch, khắc khổ bấy nhiêu. Chỉ trong một câu văn ngắn gọn nhưng Nguyễn Minh Châu đã khéo mô tả rất tinh nhưng đầy đủ và chân thực cuộc sống của người đàn bà làng chài. Với tấm áo bạc phếch lại thêm dăm ba miếng vá, khuôn mặt thì rỗ, trắng nhợt vì kéo lưới suốt đêm. Dường như ngay từ cái nhìn đầu tiên, sự khắc khổ đến tội nghiệp của người đàn bà làng chài đã hằn in trong trí nhớ của Phùng với những ấn tượng sâu sắc nhất.

Hình ảnh một người đàn bà sống một đời lam lũ bên tấm lưới kéo, tảo tần bên đàn con thơ. Cuộc sống vật chất đã chẳng đủ đầy, đời sống tinh thần lại càng đè nén lên tấm thân ấy những thiếu thốn, bất an. Vẻ còm cõi bên ngoài chưa phải là bi kịch khi Phùng kịp chứng kiến đằng sau tấm thân nhỏ đáng được bảo vệ ấy là những trận đòn roi. Nửa thân người ướt sũng chính là những đau thương còn chưa kịp ráo nước của trận đòn vừa qua. Xót đau thay, những trận đòi roi ấy là sự tự nguyện từ hai phía kẻ đánh và người bị đánh. Kẻ đánh tự tâm ra tay là điều có thể hiểu được nhưng bi kịch thay, ngay cả người bị đánh cũng cam tâm tình nguyện. Mà đã là tình nguyện thì đây đâu phải lần đầu tiên, cũng không phải lần cuối cùng. Nó kết thúc như một sự tạm bợ và lại bắt đầu như một quy luật đã ngầm được hình thành. Thực ra có ai nào muốn mình bị đánh, bị làm cho tổn thương rồi nhục nhã ê chề đâu. Chỉ là người đàn bà ấy đang muốn dùng tấm thân nhỏ bé của mình để che chở và bảo vệ gia đình. Đến đây, Phùng không chỉ nhìn ra những cảnh ngộ cuộc đời mà phía sau bức tranh ấy Phùng còn phát hiện những vẻ đẹp rạng ngời của người đàn bà. Đằng sau những đường nét thô kệch là một trái tim ấm nóng, giàu đức hi sinh và lòng vị tha.

Trong cuộc nói chuyện với Đẩu và Phùng, người đàn bà đã chỉ ra những cơ sự hàn lâm của cuộc sống. Bà chỉ ra những vấn đề mà ngay cả những người học rộng như Đẩu và Phùng cũng phải nín bặt. Trong cuộc sống, người đà bà toát ra là một người hiểu chuyện và rất mực vị tha. Đối với bà, hạnh phúc chỉ thu bé lại bằng sự quây quần của gia đình, lúc được nhìn những đứa con thơ ăn no, lúc gia đình vui vẻ đầm ấm bên nhau. Người mẹ chấp nhận hi sinh để con cái có được cuộc sống ấm no. Là một người nếm trải nhiều đau thương và sớm lăn lộn với cuộc sống, người đàn bà hiểu rõ những căn nguyên gây nên những trận đòn roi. Người đàn bà còn khẳng định: “Lão chồng tôi khi ấy là một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi”. Bà thấu được cảnh khổ của dân chài khi không có người đàn ông, bà không trách móc hay thù oán gì người đàn ông đã gây nên những trận đòn roi mà ngược lại, bà bênh vực, tha thứ cho chồng và đổ lỗi cho cuộc sống. Đây cũng không phải là cuộc sống của mọi người đàn bà làng chài bởi người đàn ông ấy “cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu”.

Như vậy, phía sau một tấm lưng thô kệch là cả trái tim vị tha, giàu đức hi sinh và hết mực yêu thương chồng con. Phía sau manh áo vá là những mảnh đời khổ cực và phía sau người đàn bà khuôn mặt rỗ nhợt trắng xấu xí là cả một tâm hồn đẹp tựa ngọc. Hiểu chuyện, bà dành tất cả tấm thân hao mòn để gồng gánh chịu đựng và giữ hạnh phúc cho các con. Ngay cả bị đánh bà cũng xin người chồng được quyền chịu đánh trên bờ - nơi khuất xa tầm mất của mấy đứa nhỏ. Bà sợ khi chúng chứng kiến cảnh mẹ bị đánh thì chúng lại đau lòng hơn, cũng sợ con cái làm điều không phải với bố nó. Người đàn bà luôn gìn giữ hết mức có thể để mong con được ăn no, mặc ấm. Tình mẫu tử thiêng liêng như giọt máu chảy để nuôi tim. Nhờ lao động sáng tạo nghệ thuật, nhiếp ảnh Phùng đã nhận ra chân lí nghệ thuật. Nghệ thuật không phải nơi sản sinh ra cái đẹp mà là lấy chất liệu từ cuộc đời để sản sinh ra những giá trị tốt đẹp. Không chỉ trong nhiếp ảnh mà trong bất cứ lĩnh vực nào của nghệ thuật cũng đều phải lấy chất liệu từ hiện thực để sáng tạo. Nếu nghệ thuật chỉ vẽ lên những bức tranh màu sắc, rỗng tuếch tư tưởng thì nó chỉ là tấm màn che mất vẻ đẹp cốt lõi của hiện thực. Âm nhạc chọn lấy tình yêu, nỗi đau hay hạnh phúc của con người để ca vang lên kiếm tìm những tâm hồn đồng điệu. Hội họa, nhiếp ảnh chọn cách khắc họa những bức tranh đời sống. Nhưng đó chưa phải là giới hạn của nghệ thuật. Phùng nhận thấy nghệ thuật có khả năng vượt ra ngoài khuôn khổ chật hẹp ấy để phản ánh cuộc sống và khắc họa nét đẹp chân chính.

Thông qua bức tranh cuối cùng, nhà văn Nguyễn Minh Châu thể hiện quan niệm nghệ thuật của mình. Ông cũng đã nhiều lần thể hiện quan điểm sáng tác của mình “Nhà văn không có quyền nhìn sự vật một cách đơn giản, và nhà văn cần phấn đấu để đào xới bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử”. Với Nguyễn Minh Châu, hiện thực là máu nuôi sống tác phẩm, quyết đến sự sống còn của một nhà văn.

Các bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu liên quan:
TẠI ĐÂY
 
Từ khóa
chiec thuyen ngoai xa nguyen minh chau nhà văn nguyễn minh châu
  • Like
Reactions: Ngu Van
4K
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Bình luận mới

Top