Dự thi Cháu Đích Tôn

Dự thi Cháu Đích Tôn

Xuân Vũ
Xuân Vũ
  • Thành Viên 19
Một ngày đầu xuân tháng một, nắng vàng xuyên màn mây rọi xuống nhân gian những tia sáng yếu ớt sau chuỗi ngày đông hoang tàn. Nhận cái nằng nhàn nhạt từ mẹ thiên nhiên những chồi non, lộc biếc cũng uể oải vươn mình sau giấc ngủ dài làm hai hàng cây bên đường bừng hẳn lên sức sống, sức xuân. Ngồi trên chuyến xe khách không khó để Tuấn nhận ra ngoài đường đông đúc và nhộn nhịp đến nhường nào, người người bắt đầu ngược xuôi tìm về quê hương. Ngồi xe suốt 8 tiếng đồng hồ, cuối cùng Tuấn cũng thoát khỏi cái xe tồi tàn rung lắc điên cuồng suốt cả chặng đường dài, cậu không thể gượng nổi mà chạy ngay đến nhà vệ sinh ở bến mà nôn thốc nôn tháo ngay khi bước chân xuống xe.

-Trời ơi cái thằng này tệ hết sức! Trai tráng gì đâu đi xe đò mà làm như chết đi sống lại vậy!

Cái lời càu nhàu vang lên từ đằng xa quá quen thuộc đến mức chẳng cần quay đầu lại Tuấn cũng biết đó là ai, trên gương mặt xanh xao bỗng hiện lên một nụ cười hiền:

-Mẹ chờ có lâu không?

Bà Loan ngước nhìn bộ dạng nhếch nhác của cậu con trai, vừa thương lại vừa buồn cười:

-Tao vừa mới tới là thấy mày chạy tọt vô nhà vệ sinh nôn ọe tùm lum nè. Thôi ra xách đồ rồi lên xe về lẹ đi cả nhà đang chờ cơm kìa.

Tuấn gật gù, nhanh nhẹn ôm một đống đồ đạc lỉnh kỉnh lấy từ xe khách xuống đưa cho mẹ rồi ngồi ngoan trên chiếc xe bán tải thân thương của gia đình, cái xe đã nuôi lớn cậu từ thuở còn ẵm ngửa đến khi trở thành một chàng nhân viên mẫn cán như hôm nay. Chiếc xe tải cũ kĩ còn ọp ẹp hơn cả chiếc xe khách vừa nãy nhưng chẳng hiểu sao Tuấn lại cảm thấy dễ chịu đến lạ. Phải chăng là do gió trời, hay do mùi đất quê hương?

-Dạo này làm dữ quá hay sao mà nhìn mày ốm nhách vậy con? – Bà Loan vẫn giữ chắc vô lăng đi băng băng trên đường nhưng không quên đảo mắt nhìn đứa con trai của mình, xa nhà mới có khoảng 3 năm mà bà cứ ngỡ đã một thập kỷ rồi chưa gặp lại Tuấn.

-Mẹ nhìn sao ấy chứ con còn mới vừa tăng thêm tận ba cân, cái bụng sắp phệ xuống giống hệt cha này! – Tuấn cười lớn đáp lại, còn không quên chỉ chỉ vào bụng mình tỏ ý chứng minh.

Câu nói của mẹ làm Tuấn nghe đến mòn mỏi, năm nào mọi việc cũng diễn ra theo đúng trình tự như này nhưng điều ấy không làm cậu thấy phiền lòng chút nào mà ngược lại còn cảm thấy bình an và thân thương. Cuộc sống là một bánh răng thời gian vô tình, nó cứ chạy mãi chạy mãi chẳng có điểm dừng và mang đến biết bao sự đổi thay. Tuấn nhìn quang cảnh xung quanh mà lòng không khỏi bồi hồi, cái con đường làng đất sỏi gồ ghề ngày nào cậu còn cùng chúng bạn nô đùa từ khi nào đã được láng nhựa đi êm như trên phố. Mấy căn nhà lụp xụp ven đường cũng dần bị bỏ hoang hoặc đập đi xây lại theo xu hướng hiện đại ngày nay, dần dần xuất hiện thêm nhiều cột điện, đèn đường chen chân với mấy cây dừa dọc đường. Chính vì những sự khác biệt của quang cảnh lại càng làm những câu hỏi quen thuộc, những hành động ân cần của mẹ làm Tuấn thấy yên lòng hẳn ra. Dẫu thời gian có qua đi, cảnh vật thì đổi thay nhưng lòng người vẫn thế, hoặc ít nhất là cho đến bây giờ, cậu thầm nghĩ.

Vừa đi đến cửa nhà, chiếc xe già rít lên một hồi rồi dừng hẳn lại, Tuấn bước xuống xe uể oải vươn mình giãn cơ thì bắt gặp cha đã đứng bên bậu cửa từ khi nào.

-Cha, con mới về.

- Ừ.

Ông lão “ừ” nhẹ một tiếng rồi quay đầu vào nhà như chẳng có gì. Cha của cậu là vậy, một người nghiêm khắc và có phần gia trưởng.

-Đi ra sau nhà rửa mặt rồi qua nhà chính chào nội đi. – Ông lão để lại câu nói rồi khuất dần sau tấm màn che.

Nhà chính – căn nhà to nhất nằm chễm chệ giữa sân như một ngôi đền trang nghiêm là nơi bà nội của cậu đang ở và chăm lo nhang đèn cho tổ tiên. Căn nhà ba gian được làm hoàn toàn bằng gỗ, dưới ánh nắng xuân cái màu gỗ trơn lại càng trở nên óng ánh, nổi bật, hai bên là hai cây cột chống sừng sững như cây cột ở những đình làng khi xưa. Trên cánh cửa là hình ảnh hai con rồng được chạm trổ tinh xảo, một con bay vút lên cao với khát khao chiếm lĩnh danh vọng, một con sà xuống đất với ước mơ tìm thấy tình yêu một đời. Đó là tác phẩm của một nghệ nhân từng phụng sự cho cung đình Huế được ông cố của cậu mời về khắc tạc, bao đời nay gia tộc luôn xem cánh cửa này như một biểu tượng cho sự thịnh vượng. Căn nhà to lớn và khang trang, chứa đựng cả niềm tin yêu và sự chở che của lớp lớp thế hệ cha ông, vậy mà chẳng những không thấy sự an toàn Tuấn lại còn cảm thấy một áp lực vô hình mỗi khi bước chân vào nhà chính.

-Năm nay thằng Tuấn con anh Ba không về à? – Chú Út cắn hạt dưa rôm rốp, thuận miệng hỏi.

-Nay 27 Tết còn là ngày giỗ của ông cố mà chưa thấy mặt mũi đâu, chắc không về rồi đấy! – Cô Tư vừa vẩy rổ rau dưa mới rửa vừa gắt giọng trả lời.

- Eo ôi cháu đích tôn mà thế đấy! Chẳng chịu lo nhang đèn cho tổ tiên, được là đi biệt tăm lên thành phố, chẳng biết học được cái gì hay đem về không! – Chị An, con gái cô Tư thêm lời.

- Ấy vậy mà mốt lại “hưởng sái’ nhiều nhất đấy! – Cô Hai rán mấy miếng chả giò ngoài sân cũng không quên xoay người vào nhà cười khẩy.

Chưa đi đến cuối hành lang, Tuấn đã nghe rõ mồn một cuộc trò chuyện giữa những người họ hàng thân thương. Ông bà nội sinh ra 5 người con, 3 trai, 2 gái, cha của Tuấn là con trai trưởng và theo lẽ dĩ nhiên cậu là cháu đích tôn của nhà họ Hoàng. Người đời thường gọi cháu đích tôn với một cái tên nghe đến là buồn cười: đế lư hương. Nghe thôi cũng đủ mường tượng ra cái trách nhiệm lớn lao của những đứa trẻ quý báu ấy trong việc thờ cúng tổ tiên và những vấn đề chung của gia đình vì cháu đích tôn là người nối dõi tông đường. Theo tục xưa, cháu đích tôn sẽ sống cùng ông bà và cha mẹ, căn nhà mà cháu đích tôn ở là nhà của cha mẹ, ông bà để lại và cũng là nơi họp mặt gia đình mỗi khi có dịp giỗ, tết hay các dịp lễ lớn khác. Nói trắng ra, cả họ đều đinh ninh căn nhà gỗ truyền thống bạc tỷ này sớm muộn cũng thuộc về gia đình của Tuấn. Mà thói đời là thế, cái gì không có được trong tay người ta lại càng tức, thấy người khác có được lại càng ghen ghét mà sinh lòng đố kị. Tuấn đã lớn lên giữa những lời nói đâm chọt từ những người họ hàng ruột thịt ấy.

Tuấn cố ý bước chân thật mạnh xuống nền nhà và cất tiếng ho khan, đợi đến khi những thanh âm bên trong ngừng hẳn mới từ từ tiến vào:

-Con chào mọi người.

Đoán trước người bước vào là ai, mọi người trong nhà thành công giấu nhẹm sự hốt hoảng và ngại ngùng, họ bắt đầu đeo lên một chiếc mặt nạ khác:

-Ơ kìa, Tuấn về rồi đấy hả con! – Cô Hai reo lên một tiếng như một người mẹ giàu lòng thương đang chào đón đứa con của mình.

- Anh Tuấn, về từ lúc nào sao chẳng gọi trước để em ra bến xe đón cho! – An tỏ vẻ tiếc nuối như vừa đánh mất một món đồ quý giá nào đó.

Rồi cô Tư, chú Út, những dâu, những rể lại xúm xít cạnh bên Tuấn mà đón chào niềm nở, kẻ xoa đầu, người bắt tay trông đúng như một dịp Tết đoàn viên kiểu mẫu. Rồi mọi người nhiệt tình kéo tay Tuấn vào bàn ăn hỏi chuyện:

-Nay công ty cho nghỉ lễ rồi hả con? – Cô Hằng, vợ chú Út hỏi.

- Dạ, năm nay con được nghỉ hết mùng năm thôi.

-Làm nhiều thế chắc thưởng cao lắm này! – Chú Năm cảm thán.

- Dạ, cũng không được bao nhiêu đâu chú...

-Quan trọng gì bao nhiêu mà gửi về cho nhà được mấy đồng đây này! – Cô Hai cười, một nụ cười mang vẻ giễu cợt.

Chủ đề của câu chuyện và hàng loạt câu hỏi dường như chẳng có hồi kết nếu không có tiếng gậy vang cộp dưới nền nhà ngày một lớn. Bà nội xuất hiện với từng bước đi thanh tao như chuồn chuồn lướt nước. Nội năm nay đã ngoài 80 nhưng không có vẻ gì giống như một bà cụ già nua, lưng bà thẳng, đầu luôn ngẩng cao đầy hiên ngang. Chân bà cũng còn tốt, họa chăng đến mùa đông lạnh mới bắt đầu trở chứng đau khớp, nhức mỏi như bao người, ấy vậy mà nội rất thích chống gậy. Nhìn vào cây gậy gỗ màu đen tuyền có gắn ngọc ở tay cầm và nạm thêm hổ phách tạo nên một số họa tiết cầu kì, Tuấn luôn liên tưởng về một triều đại xa xôi nào đấy trong lịch sử. Bà quét mắt một vòng quanh những đứa con, đứa cháu rồi dừng lại trên gương mặt ngơ ngác của Tuấn.

-Con... Con chào nội, con mới về. – Trước ánh nhìn sắc lạnh của bà, Tuấn trở nên lắp bắp lúc nào không hay.

Nội nhìn cậu, không nói một lời mà đi thẳng về phòng thờ. Khi Tuấn vẫn còn ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra thì mẹ ở đằng sau đã bước tới véo cậu một cái rõ đau:

-Cái thằng này, mẹ đã dặn mày qua nhà chính là phải chào nội đầu tiên rồi lên nhà thắp nhang cho ông bà kia mà. Sao nãy giờ còn lang thang ở đây, mày biết thừa nội là người sống nguyên tắc rồi còn gì?!

-Ơ, tại nãy giờ mấy cô chú cứ hỏi chuyện nên con...

- Ê nha, đừng có đổ thừa à. Nãy giờ thấy mày đứng đây chơi chơi cô tưởng mày chào nội rồi chứ bộ. – Cô Tư vội buông rổ rau trên bàn nói.

- Ủa trời, sao anh dám chưa chào nội đã xuống đây. – An nhăn mặt tỏ vẻ khó hiểu.

- Nè Loan, mày coi sao nói lại nó đi nha, cháu đích tôn mà lo đi đâu xa lắc cả mấy năm mới về một lần. Đã vậy còn không biết gì hết trơn làm má phật lòng kìa. – Cô Hai đứng thẳng người dậy, hai tay chống hông ra vẻ giáo điều của một người chị cả mẫu mực.

- Dạ chị Hai, thằng nhỏ ở xa mới về nên còn ngơ lắm, để từ từ em chỉ nó.

Bà Loan dịu giọng giảng hòa rồi quay sang nắm tay Tuấn dắt đi, đợi đã đi khuất khỏi đó, Tuấn liền nhăn mặt nói với mẹ:

-Mẹ, con nói thiệt mà, tại mọi người xúm lại hỏi dữ quá nên con đâu dám đi!

Bà Loan quay lại kí đầu đứa con thơ, nói:

-Đừng có đổ thừa, cũng mày ra à. Lo đi thẳng một hướng tới phòng nội không đi, cứ quẹo ngang quẹo ngược vô chỗ khác!

Nói đoạn hai mẹ con đi đến phòng thờ, bà Loan dặn dò Tuấn thật kĩ từ chuyện đốt nhang, châm trà, đến cách khấn lạy rồi mới xoay gót bỏ đi. Tuấn thở dài mệt mỏi với những quy tắc, điều lệ rườm rà của nhà mình rồi lê bước vào căn phòng đầy khói hương. Người trong làng hay gọi nhà họ Hoàng là “Mộc Gia”, đến giờ cậu mới hiểu lí do người ta nghĩ ra cái tên đó là vì mọi thứ trong nhà chính đa phần làm bằng gỗ, từ những loại gỗ thông thường như gỗ mít, gỗ xoài, đến những loại gỗ cao cấp từ cây xoan, cây tử đàn đều có. Và đặc biệt là phòng thờ, nơi dường như mọi thứ đều làm từ gỗ. Tuấn bước chân chầm chậm đến bàn thờ gia tiên, lấy một cây nhang dài ra đốt, đứng nghiêm chỉnh và hướng mắt nhìn vào bài vị của ông bà đã khuất, miệng khấn thầm. Thắp nhang xong, Tuấn tiến về phía trước cắm nhang vào lư hương, không biết suy nghĩ điều gì hay do không cẩn thận mà một chút tàn nhang rơi xuống làm cậu bỏng, theo phản xạ, cậu giật mình hét lên một tiếng rồi giật tay về khiến cây nhang trên tay rơi xuống.

“Cộp”

Âm thanh của tiếng gậy va đập mạnh vào sàn nhà làm Tuấn giật bắn mình xoay người lại. Là bà nội!

-A... Bà nội...! Con... con lỡ tay.

Làm rơi nhang dâng lễ là một tội lớn thể hiện sự bất kính với bề trên, đã vậy Tuấn còn là cháu đích tôn, người phụ trách việc thờ cúng cho cả họ. Nghĩ đến đó, mồ hôi bắt đầu tuôn rơi trên tấm lưng áo, mặt mày của cậu cũng xám ngắt lại. “Chắc hẳn lần này sẽ là một tràng mắng chửi thậm tệ đây”, Tuấn mới nghĩ mà đã thấy ngao ngán.

Vậy mà khác hẳn với những gì cậu suy nghĩ, bà nội bước từng bước khoan thai về phía bàn thờ, rút hai cây nhang khác ra đốt rồi đưa cho cậu một cây, bà cầm một cây và bắt đầu chắp tay khấn lạy. Tuấn thấy thế cũng vội nhận nhang rồi quay sang khấn lại từ đầu.

-Nhặt cây nhang dưới đất lên vứt đi con.

- À... dạ nội.

Trong lòng cậu nhẹ nhõm nhưng lại dấy lên một cảm giác khó hiểu khác, sao ai cũng nói bà là một người khó tính, nghiêm khắc mà cậu lại thấy hình như không phải. Sau khi dâng hương cho tổ tiên, Tuấn ra bàn châm trà và trò chuyện cùng bà.

-Bà dạo này khỏe không bà? – Tuấn lúng túng mở đầu câu chuyện.

- Ừ, cũng bình thường. – Bà trả lời rồi nâng tách trà lên uống một ngụm.

Bầu không khí lại trở nên im ắng đến lạ, Tuấn không biết phải nói gì tiếp theo. Thường là thế, cái khoảng cách giữa những thế hệ luôn là điều gây bối rối cho tuổi trẻ mỗi khi tết đến xuân về, có bao nhiêu đứa trẻ thường xuyên trò chuyện với ông bà, có bao nhiêu cuộc gặp mặt tề tụ đủ các thành viên trong gia đình? Năm tháng qua đi, những đứa trẻ ngày nào rồi cũng sẽ lớn, sẽ mang trong mình những khát khao tìm về chân trời mới lạ, rồi sẽ có những chuyến đi, những lần cách xa nhau. Cứ thế thời gian qua đi, đến một lúc nhận ra thì chúng ta đã chẳng thể tìm thấy bất kì điểm chung nào để thấu hiểu, cũng không thấy câu chuyện nào mà cả hai cùng biết đến đem ra chuyện trò. Những người ruột thịt ngày nào sao trở nên xa lạ quá! Tuấn cứ cố lần mò trong tâm trí xem có gì hay để đem ra nói không. Bây giờ có nên kể bà nghe về chuyện công việc của mình không, rồi cả tiền lương thưởng tết này, cả chuyện cưới xin, hò hẹn lứa đôi nữa. Nhắc đến chuyện yêu đương, cậu bất giác giật mình rồi rũ đôi mắt buồn xuống, gương mặt chất chứa bao nỗi muộn phiền.

-Tuấn đúng không con? – Bà buông tách trà, nhẹ giọng hỏi.

-A, dạ bà. Con là Tuấn, con của ba Dũng, mẹ Loan. Ba Dũng là con thứ hai của nội, là con trai trưởng của họ Hoàng. – Bị hỏi bất ngờ, Tuấn giật mình mà trả lời như một cái máy.

- Trời, cái thằng này, tao chưa có lú lẫn đâu mà mày khai cả gia phả ra vậy!

Bà nội phá lên cười một tiếng, điều đó làm Tuấn cảm thấy nhẹ nhõm hẳn đi.

-À, dạ... Tự nhiên con quên... – Tuấn cũng nhận ra câu nói của mình ngốc nghếch thế nào mà phì cười.

- Bây lên Sài Gòn mấy năm rồi ... Trên đó sống có tốt không? - Nội xoa đầu Tuấn, ân cần hỏi.

“Sống có tốt không?” – cái câu hỏi mà Tuấn tìm kiếm bấy lâu nay trong hàng loạt những cuộc trò chuyện ngoài kia. Dòng đời sao lại trôi qua nhanh quá, con người ta sao ngày càng sống lạnh lùng như thế, chỉ cần gặp mặt nhau là lại nhớ về tiền bạc, về bằng cấp, địa vị, mà chưa một lần hỏi nhau xem liệu bản thân có đang hạnh phúc hay không. Trước câu hỏi của bà, lòng Tuấn bỗng thấy ấm áp, an yên đến lạ. Hóa ra bà nội không phải là người cau có hay khó gần như những gì mọi người thường nói, vậy mà giờ này cậu mới biết. Nhưng cớ sao bây giờ cậu mới biết? Thuở ấu thơ, kể từ lúc có nhận thức về cuộc đời này, lúc nào cha mẹ cũng dạy cậu đủ loại quy tắc, luật lệ trong gia đình, phải biết kính trên nhường dưới, ăn nói lễ phép,... nhưng dường như không tồn tại một mảng kí ức nào về lời ầu ơ của bà bên cánh võng, cậu cũng chưa từng hiểu được cảm giác gối lên chân bà nghe những câu chuyện cổ tích như những đứa trẻ khác. Tại sao cùng chung sống trong một cánh cổng thật to mà cả cậu và những đứa em họ khác lại chẳng có chút kỉ niệm nào với bà nội? Đó có lẽ là do những quan niệm của người lớn, những con người xem bà là bậc vua chúa trên cao cần cung phụng, rồi chính họ tạo ra những luật lệ để dạy con trẻ rằng bà là một người quy củ và khó tính. Cứ như vậy rào cản vô hình giữa bà nội với những đứa cháu tự nhiên được dựng lên, để rồi dần dần thứ duy nhất có thể nói với nhau là lời chào và tạm biệt...

Kể từ ngày hôm ấy, Tuấn trở nên thân thiết với bà hơn, cứ cách ngày lại đến thăm và dùng trà cùng bà.

*

Thoắt cái đã đến mùng 1 Tết, nàng Xuân về trong buổi sáng tinh mơ ban phát những giọt sương trời quý báu cho cỏ cây. Cây mai kiểng trước nhà như nghe được tin vui của đất trời mà cũng rộn ràng bung nở cho bằng hết cái sắc vàng lung linh. Người người rộn ràng nói cười, trẻ con đua nhau khoe áo mới, đâu đây văng vẳng bài ca mừng xuân quen thuộc. Ngày Tết ở nhà Tuấn diễn ra thật nhộn nhịp, từ sáng sớm cả nhà đã dắt nhau đi hái lộc đầu năm, rồi về nhà thì đàn cháu xếp hàng chúc tết từng thành viên trong gia đình theo thứ tự. Cả đại gia đình lại xúm xít bên nhau chuyện trò, cô Hằng khoe chiếc áo dài cách tân mới được đặt may trên thành phố, người thì chúc mừng chú Năm vừa lên chức trưởng phòng, rồi cả chuyện chị An ra giêng sẽ lấy chồng,... những chủ đề bàn tán ngày càng xôn xao, Tuấn cảm thấy mệt mỏi, toan đứng lên bỏ về nhà nghỉ thì bỗng có tiếng ai vang lên trước cổng:

-Má ơi, con về rồi nè!

Đó là Tùng, con của cô Hai, anh Tùng đã lập gia đình từ sớm nhưng ở xa, vậy nên đến tận sáng mùng Một mới về được. Anh đi trước cầm theo hai giỏ quà vừa to vừa nặng, chị vợ đi sau bế theo một đứa nhóc, một tay khác dắt đứa lớn hơn vào nhà. Anh Tùng về làm cho cuộc trò chuyện ngày Tết có thêm chủ đề mới, người người hớn hở chào đón, xuýt xoa đống quà bánh trên tay anh, vuốt ve hai đứa nhóc tì, rồi hết lời ngợi khen cô Hai tốt phúc.

- Xời, trong nhà này ai mà hơn được thằng Tùng con chị Hai nữa, lúc nào về thăm mẹ cũng đi xe hơi, xách theo ba, bốn giỏ quà. Có thằng con như chị thì ngon, cưới vợ đẹp mà hiền, năm nay còn đón thêm cháu nội – Cô Tư cười trêu.

Anh Tùng nghe thấy thế liền thích chí cười vang rồi ba hoa về cái chức trưởng phòng của mình trên công ty, nói chán anh lại quay sang Tuấn hỏi:

-Mà này, năm nay mày đầu ba mươi rồi à?

Tuấn mệt mỏi đáp:

-Dạ đâu, năm nay em mới 28 thôi anh.

Anh cười:

-28 là vừa tuổi lấy vợ rồi còn gì! Tao 24 đã cưới vợ rồi ấy thay, lo mà kiếm em nào đi để còn có chắt cho nội bồng kìa.

- Ê đúng rồi đó! Mày là cháu đích tôn mà lề mề quá, anh chị em mày sinh mấy lứa rồi kia kìa. Có người yêu chưa sao không dắt về? – Chú Út thêm lời.

Người yêu? Tuấn có chứ, cậu có một anh người yêu. Đúng vậy, một chàng trai yêu một chàng trai khác. Tuấn cảm thấy điều đó chẳng có gì đáng là xấu hổ, cậu yêu anh và anh cũng yêu cậu, đó chẳng phải là quá đủ cho một mối tình sao? Tuấn lại bâng khuâng nghĩ về người yêu của mình, nhớ đến từng ánh mắt âu yếm anh nhìn cậu dưới ánh đèn lung linh, nhớ cái nắm tay vụng về trong ngày đầu nói lời yêu, rồi còn cả những lần cậu tựa đầu vào vai anh khóc òa vì những áp lực cuộc sống hay những lần anh nhăn mặt chở cậu từ cơ quan về nhà giữa trời trưa nắng nhưng miệng vẫn mỉm cười thật tươi. Tuấn chưa từng cảm thấy hối tiếc khi yêu anh. Có một câu nói luôn thường trực trong trái tim cậu: “Khi thần Cupid nhắm mắt bắn cung, thứ mà người coi trọng trước giờ không phải giới tính mà là nhịp tim”, tình yêu nào mà chẳng là tình yêu, chỉ đáng tiếc rằng không phải ai cũng nghĩ như vậy. Trước những ánh mắt săm soi của mọi người, chẳng hiểu vì sao cái tình yêu đáng tự hào của Tuấn lại chẳng thể hiện hữu, cổ họng cậu trở nên khô khốc, đôi môi run rẩy như muốn nói điều gì rồi lại thôi...

-Dạ... vẫn chưa.

Bỗng nhiên anh Tùng cười thật lớn:

-Ê, ê, ê hơi kì nha! 28 tuổi đầu mà chưa quen ai hết, hay mày là bê - đê đó? Chắc mày bê - đê rồi Tuấn ơi, có đi khám thử chưa?

Tim của cậu hẫng đi mất một nhịp, hai vành tai bỗng đỏ ửng hết cả lên, cậu cảm nhận rõ cái ý bỡn cợt trong câu nói của ông anh họ nhưng lại chẳng thể phản kháng bởi hiện tại đến việc hô hấp cũng trở nên khó khăn.

Chú Năm ngơ ngác hỏi:

-Ủa bê-đê là bệnh gì vậy? Tao mới nghe lần đầu luôn.

Chị An thấy thế liền chen ngay vào:

-Là bệnh mà con trai yêu con trai, con gái yêu con gái đó cha! Nghĩa là không đẻ con được đó!

Bê đê không phải là bệnh! Tiếng lòng của Tuấn đang kêu gào thảm thiết nhưng đôi môi cậu vẫn mím chặt chẳng dám hé ra một lời. Điều mà cậu sợ đang diễn ra trước mắt, Tuấn luôn sợ sẽ có một ngày cả nhà biết được tính hướng của cậu, và cũng chính vì muốn chôn vùi bí mật này cậu luôn tìm cách né tránh những lần sum họp gia đình mấy năm qua. Tuấn biết sẽ có ngày cậu phải nói cho cha mẹ mình biết, nhưng lại không mong họ lại biết theo cách này. Mặt Tuấn xanh mét, tấm lưng áo đã thấm ướt mồ hôi, cậu lấy cớ đau đầu mà chạy đi, bỏ lại sau lưng những lời bàn tán không ngớt. Tuấn chạy dọc hành lang, chạy mãi, chạy mãi với những suy nghĩ miên man trong lòng rồi vô tình dừng chân trước phòng thờ. Không biết nghĩ gì, cậu đứng trước bậu cửa một lúc rồi tiến đến trước bàn thờ gia tiên ngắm nhìn từng bức di ảnh, trong lòng hiện lên một loạt cảm xúc phức tạp: đau đớn, buồn bã, lẫn một chút uất ức, bực dọc nhưng nhiều nhất vẫn là cảm giác tội lỗi. Trong một phút giây nào đó, Tuấn thực sự đã tin rằng “bê đê” là một căn bệnh xui xẻo như bao con người ngoài kia nhận định. Những rối bời ấy ngăn không được mà hóa thành dòng nước mắt chảy mãi.

-Bây làm chi ở đây vậy Tuấn?

Tuấn bất chợt quay lại thì bắt gặp bà nội từ đằng xa tiến lại, cậu vội quơ tay lau đi dòng nước còn chạy dài trên má. Thấy vậy, bà nội ngạc nhiên, bước nhanh lại gặng hỏi:

-Chi mà ngay ngày Tết mà bây khóc um sùm vậy?

-Dạ, có gì đâu nội. - Tuấn nở nụ cười nhưng hai hàng nước mắt vẫn không ngừng rơi.

Bà nhìn đứa cháu tội nghiệp, hai hàng lông mày chau lại làm xuất hiện thêm những nếp nhăn mới chồng chéo lên gương mặt già cỗi. Bà thở dài một hơi, xoa đầu Tuấn rồi kêu cậu châm trà. Tuấn không hiểu, nhưng cũng nghe lời bà mà với lấy hộp trà trên đầu tủ, pha nước sôi, chắt lá trà bỏ xác rồi rót ra kính bà.

Bà cụ đưa trà lên nhấp môi rồi nhẹ đặt xuống bàn, nói:

-Vẫn là chuyện ngày hôm đó sao?

- Dạ? – Tuấn giật mình mà thoát khỏi những suy nghĩ vẩn vơ.

-Bây vẫn bận lòng cái chuyện ngày đầu bây về đây hử?

Tuấn ngạc nhiên chẳng thể thốt nên lời.

Bà quay sang nhìn cậu với một ánh mắt âm trầm, rồi lại hướng ánh mắt vô định vào khoảng không trước mặt:

-Trà thơm, tâm người nhàn. Trà đậm, lòng người sâu. Chén trà này nồng vị, đắng nhiều hơn ngọt, chát nhiều hơn thanh, lòng con còn nhiều vướng bận.

Tuấn bất giác giật mình rồi nhìn vào chén trà trên tay. Màu trà sen vàng nhẹ, sóng sánh nở hoa trà, những lá trà xoay tít theo dòng nước rồi lại dạt vào nằm im nép mình trong tách. Trà đậm hay nhạt còn nếm được, còn lòng người làm sao biết nông sâu? Từng giọt, từng giọt nước mắt của cậu rơi xuống, nhỏ vào tách trà đầy gợn sóng. Tuấn đưa tay quệt hai dòng nước mắt, nghẹn ngào:

-Bà ơi, con xin lỗi..

-...

-Con không phải là một đứa con ngoan, cũng không là một người cháu tốt, con không thể đáp lại kì vọng của mọi người – Tuấn cố gắng bập bẹ nói tròn câu trong tiếng nấc.

Bà cụ không hiểu, nhưng cũng vươn đôi bàn tay gầy gò ôm trọn đứa cháu trai vào lòng vỗ về. Đợi những giọt nước mắt dần khô trên hõm má, Tuấn tựa đầu lên chân bà khẽ hỏi:

-Nội ơi, nếu một người con trai yêu một người con trai thì có phải là sai trái không?

Bà cụ bất ngờ, đôi môi mấp máy, rồi dường như đã hiểu ra, bà lặng im không nói.

Một lúc lâu sau, bà đứng dậy, cất từng bước chậm chạp đi vào trog buồng tối. Tuấn nhìn theo bòng bà, như đã hiểu cái lòng con người nơi đây. Hóa ra đến cuối cùng, cậu cũng chẳng thể sống ngay thẳng với chính bản thân mình, đến cuối cùng cũng chẵng thể nào có đủ can đảm để thay đổi định kiến của mọi người. Rồi cậu lại phải tiếp tục sống hèn nhát bằng việc lẩn trốn ở một nơi xa xôi đến vài ba năm nữa. Toan đứng dậy bỏ đi, cậu bỗng nghe tiếng bước chân bà lại gần. Trên tay bà cầm một bức ảnh trắng đen nhòe màu, nhìn thật kĩ mới thấy mờ mờ bóng hình một chàng trai áo lính.

-Trước đây, ta cũng từng yêu một người, yêu rất nhiều. Năm ta hai mươi, nhà anh đem cau trầu đến hỏi, định bụng qua năm sẽ làm lễ rước dâu. Nhưng rồi, khi chiến tranh kéo đến, anh ta đi lính như bao người thanh niên khác, rồi cũng biệt tăm như bao người. Hai năm, ba năm rồi năm năm, ta vẫn một lòng trông chờ người mình yêu sẽ trở về, bỏ ngoài tai bao lời đồn đãi rằng anh đã chết, ta vẫn tin tưởng đợi chờ. - Bà cụ kể lưu loát như câu chuyện mới xảy ra hôm nào, trong ánh mắt như đang hiện hữu bóng hình người xưa.

- Nhưng, những người xung quanh ta lại không có đủ kiên nhẫn. Cha mẹ vì những lời đàm tếu bên ngoài, họ hàng vì sợ mang tiếng mà liên tục thúc giục ta đi gả cho người khác, từ an ủi đến xúi giục, từ nhẹ nhàng đến đánh mắng. Vì không chịu nổi những lời gièm pha, cuối cùng ta đành bỏ cuộc mà nhận lời hỏi cưới của một người đàn ông khác – là ông nội của bây.

Tuấn ngớ người ra, bất giác nhìn về bài vị của ông nội trên bàn thờ gia tiên, rồi lại quay sang nhìn bà nội. Bà lão cười, một nụ cười mang đầy vẻ tiếc nuối, kể tiếp:

-Mà trớ trêu làm sao, cái ngày mà ta sinh đứa con đầu lòng cũng là cái ngày ta nghe tin anh trở về từ tiền tuyến, giặc đuổi gắt quá nên anh và tiểu đội của mình phải vượt qua biên giới rồi lưu lạc xứ người suốt mấy năm ròng. Ta còn nhớ cái ánh mắt sững sờ của người ta yêu khi nhìn ta bế trên tay đứa con còn đỏ hỏn, không chịu nổi đau đớn, anh ta đã quỳ xuống khóc trước mặt ta, vừa khóc vừa hỏi tại sao. Rồi để cho nguôi ngoai nỗi buồn, anh ta lại tự nguyện xin đi ra chiến trường, lần này anh ta đi mãi. Sau sự việc năm đó, sự hối tiếc đã dằn vặt ta suốt cuộc đời này, dường như mặc cảm tội lỗi luôn đeo bám theo ta. Từ ngày đó, ta đã sống như một kẻ vô hồn, không còn thiết tha gì đến mọi thứ xung quanh.

Bà bước đến trước bàn thờ, thắp một nén nhang trầm trước di ảnh của chồng mình, rồi lại tiếp tục câu chuyện:

- Ông nội bây là một người tốt, dẫu biết rõ lòng ta thương ai, nhưng ông vẫn không hề oán trách. Để cố làm cho ta vui, ông luôn căn dặn bầy con phải ngoan ngoãn, phải làm mọi thứ để mẹ vui lòng. Nhưng rồi, chính sự ích kỉ của ta ngày trẻ đã khiến những đứa con của mình chịu ảnh hưởng, chúng đua nhau lấy lòng ta chỉ vì khát cầu một cái ôm, một cái xoa đầu ân cần – điều mà bao đứa trẻ khác sẵn có. Dần dần lớn lên, sự ganh đua ấy dần trở thành cái thói xấu tị nạnh, tham lam, ganh ghét.

Tuấn giật mình, hóa ra bấy lâu nay bà nội vẫn luôn biết, chỉ là không muốn nói. Có lẽ sâu trong thâm tâm bà cũng không dám đối diện với sai lầm của mình.

-Ta đã không làm một người vợ hiền, cũng chẳng là người mẹ tốt. Đó mới là sai trái.

Tuấn nhìn bà, cậu thấy loáng thoáng đâu đó trên gương mặt già cỗi là một dòng cảm xúc khó tả.

-Chuyện yêu đương... đúng hay sai, ta nghĩ tự thân con sẽ hiểu rõ. Nội chỉ muốn dạy con một điều: cứ tin tưởng vào bản thân mình, đừng sống vì người khác mà phải ôm nuối tiếc mãi về sau.

Ừ thì cuộc sống là vậy, mỗi người một thế giới quan khác nhau, đâu ai dễ dàng chấp nhận một “ngoại lệ” đi ngược lại với những suy nghĩ của mình. Định kiến xã hội luôn gay gắt, có nhiều lúc như muốn bóp nghẹn con người lại, nhưng cũng chính vì vậy mà con người phải trở nên mạnh mẽ hơn để sống theo cái cách mình mong muốn. Tuấn ngưng khóc nhưng trên khóe mắt vẫn đỏ lên, cậu mấp máy môi hỏi bà:

-Bà ơi, vậy bây giờ con phải làm sao hả bà? Con có nên bỏ đi thật xa không?

Bà lão xoa đầu đứa cháu dịu dàng nhưng giọng nói đầy nghiêm nghị:

-Đó không phải là cách đâu con, đó chỉ là sự hèn nhát, là điều cuối cùng con có thể làm khi thua cuộc. Nếu bây giờ con bỏ chạy, người ta sẽ định tội cho con, con sẽ là kẻ có tội đến muôn đời sau. Con có thể đi, nhưng đi để trở nên tốt hơn, rồi cái ngày con quay lại đây, con phải đủ dũng cảm để chứng minh cho họ biết con không sai, nghe không?

Tuấn lại khóc, nhưng lần này cậu khóc không phải vì buồn đau, mà cậu khóc vì lời dạy thấm thía của bà, khóc vì thấy vui khi có người có thể hiểu cậu. Tuấn rướn người lên, ôm lấy bà thật chặt, rồi ngẩng cao đầu, bước ra phía nắng mai ngoài kia, bước về phía những con người đang bàn chuyện ngày Tết.
 

Đính kèm

  • Cháu Đích Tôn - Văn học trẻ.jpg
    Cháu Đích Tôn - Văn học trẻ.jpg
    1.3 MB · Lượt xem: 227
  • Like
Reactions: Ngu Van
751
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top