Dự thi Chim Sâu và Tu Hú- Thanh Nga

Dự thi Chim Sâu và Tu Hú- Thanh Nga

Thanh Nga
Thanh Nga
  • Thành Viên 37
Mùa hè, nắng vàng hong sân thóc nhà bà nội vàng óng vàng ươm. Khu vườn nhà bà nội xanh mát những bóng cây xòe tán lá đung đưa theo gió lấp lánh khi tia nắng mặt trời thoát ẩn thoát hiện. Mùa hè đến rồi nên ba anh em Thóc, Bơ và Na thi nhau đùa chơi dưới nắng mà không phải đi học.

Bé Na nhỏ nhất, đôi chân lẫm chẫm mới biết đi những bước đầu tiên trong đời. Na chạy ra nghịch sân thóc, bới bới những hạt thóc vàng rồi reo lên cười thích thú. Anh Thóc sợ Na bị nắng, Thóc chạy ra bế em vào. Chợt Thóc thấy trên sân, lẫn vào những hạt thóc vàng, một quả trứng màu trắng nhỏ xíu bằng đầu ngón tay út.

“Bơ ơi! Có quả trứng gà sao lại nhỏ bằng ngón tay út này!”

Em Bơ năm tuổi, nghe thấy anh Thóc gọi, Bơ nheo mắt chạy từ trong nhà ra sân thóc, đi xuyên qua ánh nắng đang vắt vẻo trên nền sân gạch màu đỏ.

Ôi! Quả trứng gà đẹp quá anh Thóc nhỉ, nhưng nó chỉ bằng ngón tay út của em! Con gà nào mà đẻ trứng nhỏ xíu vậy chứ? Thế chắc con gà ấy cũng nhỏ lắm!”

Bơ thông minh nên thắc mắc những câu từ rất logic.

Ừ nhỉ! Thôi mình vào hỏi bà nội đi, Na! Đi vào nhà kẻo nắng!”

Anh cả Thóc mười tuổi, dắt hai em gái lũn cũn theo sau vào hỏi bà nội về quả trứng. Bà nội đang tỉ mẩn khâu lại chiếc áo bật chỉ của Bơ đùa nghịch hôm qua.

Bà ơi! Có quả trứng gà bé xíu này!”

Thóc và Bơ thi nhau nói, chỉ có Na chưa nói được nhiều, cứ tròn xoe mắt nhìn anh, nhìn bà, rồi nhìn quả trứng nhỏ.

Đây là trứng chim sâu cháu ạ! Không phải trứng gà đâu, chắc nó làm tổ trên cây sấu nhà ta đấy!”

Nói rồi, bà cùng ba đứa ra vườn. Những bước chân trần, nhón cái nắng nóng dưới nền sân gạch. Ra đến vườn, cả bốn bà cháu nhìn thấy thêm hai quả trứng màu trắng nhỏ xinh như thế nữa rơi xuống đất. Hai quả trứng không chịu được độ cứng của nền đất, quả trứng vỡ tan ra. Chiếc vỏ trắng chảy ra một màu vàng có thêm những sợi tia màu đỏ như máu. Bốn bà cháu nhìn lên cây sấu, thì ra là một chiếc tổ chim sâu nho nhỏ được đặt ngay ngắn trên cành cây sấu.

Bà ơi, sao chim sâu lại vứt trứng đi bà nhỉ? Chim sâu không yêu con của mình hả bà?

Không phải đâu Thóc ạ! Chắc phải có lý do gì chứ!”

Bà bế Thóc đứng lên cành sấu, nhòm vào tổ chim sâu, Thóc reo lên:

Bà ơi! Trong tổ chim sâu có hai quả trứng to gấp năm lần quả trứng nhỏ xíu kia, còn có một quả trứng nhỏ xíu nằm trong đó nữa bà ạ!”

Bơ và Na nghe anh Thóc nói rồi thi nhau bắt bà bế lên tổ chim để nhìn như anh Thóc. Bà chiều cháu, bế từng đứa lên nhòm vào chiếc tổ một cái rồi lại đặt xuống. Đứa nào cũng vui háo hức, miệng ríu ran khắp cả khu vườn.

Ngày hôm ấy, ba anh em Thóc, Bơ, Na không xem điện thoại, không nghịch thóc của bà. Bọn trẻ dành thời gian để ra vườn quan sát tổ chim sâu. Một con chim tu hú to gấp nhiều lần con chim sâu bay vào chiếc tổ đó. Trên mỏ của con tu hú càm một quả trứng. Tu hú thả quả trứng vào tổ chim sâu, nó rúc rúc cái mỏ chúi sâu vào tổ rồi càm quả trứng nhỏ xíu bay lên cao và mất hút. Thóc lại trèo lên cây ngó vào tổ chim thêm lần nữa.

Bơ ơi! Na ơi! Tống cái mông anh lên với không anh ngã mất!”

Bơ và Na lấy hai tay, cố hết sức đẩy cái mông anh Thóc lên. Thóc lấy trong túi quần ra, đặt quả trứng nhỏ vào lại trong tổ rồi tụt xuống. Ba anh em lại ngồi trong vườn, kiên nhẫn quan sát tổ chim sâu.

Một lúc sau, hai chú chim sâu nhỏ xíu ở đâu bay về, trên chiếc mỏ nhỏ xinh của nó còn càm mấy cọng rơm khô về lót vào tổ. Vợ chồng chim sâu bận rộn dọn dẹp chiếc tổ của mình, nó không nhận ra những quả trứng lạ, to hơn nhiều quả trứng chim sâu đẻ ra. Có vẻ như chiếc tổ chật chội quá nên vợ chồng chim sâu lại mất công cơi nới cho nó rộng ra, để chứa thêm những quả trứng to của “vị khách lạ” giấu giếm gửi.

Trời đã ngả sang chiều, bà nội cào thóc thu gom vào một đống. Ba anh em nhà Thóc cầm chổi rơm quét thóc giúp bà. Buổi tối, bố mẹ Thóc, Na, Bơ đi làm về, ba anh em túi tít kể chuyện chim sâu và những quả trứng tu hú cho bố mẹ nghe. Mẹ mỉm cười đi vào bếp nấu bữa tối. Bố nghe xong giảng giải cho Thóc, Bơ, Na cùng hiểu:

Ồ! Tu hú là loại chim thâm độc nhất bố từng biết đấy! Chúng không có khả năng tự nuôi con nên thường gửi trứng của mình cho các loài chim khác. Thường thì tu hú sẽ gửi trứng cho loài chim trích vì loài chim đó có kích cỡ và màu sắc trứng khá giống với tu hú.”

Vậy chắc con chim tu hú lần này không tìm thấy chim trích ở vườn nhà mình nên chúng gửi trứng ở tổ chim sâu bố nhỉ!” Thóc tiếp lời bố.

Có thể như thế đấy Thóc ạ! Nhưng tu hú thật không tốt khi chúng gửi trứng trong tổ chim khác, chúng sẽ lấy quả trứng không phải của mình, càm vứt đi. Đến khi trứng tu hú nở ra rồi, nếu còn sót anh em nào không phải dòng giống của tu hú trong tổ. Lợi dụng lúc chim mẹ đi vắng, chúng sẽ dùng sức lực to lớn của mình đẩy con chim non khác giống của mình xuống đất. Khi chim mẹ về, chúng lại tỏ vẻ ngoan ngoãn đang đói bụng để chim mẹ mớm mồi cho. Khi nào tu hú lớn lên, nếu là chim mái, chúng lại tiếp tục hành trình gửi trứng và di truyền bản tính thâm hiểm như thế cho những đời tu hú sau!”

Ba anh em Thóc phải kiên nhẫn đợi mất khoảng mười ngày để tổ chim nở ra. Đống thóc của bà đã phơi khô, nằm gọn gàng trong chiếc hòm gỗ. Một buổi sáng mùa hè sau cơm mưa đêm qua, khu vườn dường như được gột rửa. Một thảm xanh của những cây ớt, câu lá lốt, cây rau thơm bà trồng ngan ngát cả khu vườn. Trên cây sấu, những chùm quả màu xanh như chiếc cúc áo tròn xòe khẽ rung rinh theo gió. Thóc cùng Bơ và Na lại quan sát tổ chim sâu. Những con chim tu hú non còn to hơn cả thân hình chim sâu mẹ, chúng ha há chiếc mỏ như đang đói lắm rồi. Chúng vừa đẩy chú chim sâu non yếu ớt xuống đất. Thóc thương chú chim sâu nhỏ bị đẩy xuống đau đớn. Thóc bắt cả tổ chim nhốt vào trong chiếc lồng sắt bỏ không của bố.

Buổi trưa, khi bóng nắng mùa hè bắt đầu chiếu xiên qua đám ngói phủ rêu xanh bên hiên nhà. Chim sâu mẹ cùng chim sâu bố kiếm ăn về không thấy đàn con đâu, giáo giác cất tiếng gọi tìm. Thóc mang chiếc lồng sắt ra gần khu vườn để đó. Chim sâu nhìn thấy con, chúng thi nhau mớm mồi cho đàn con của mình. Những con côn trùng nhỏ xíu, bố mẹ chim sâu để dành trong cổ họng chưa nuốt để phần đàn con, chim sâu đâu biết đó là loài tu hú gửi con, chim sâu chăm sóc đàn con của mình đầy yêu thương. Con chim sâu non nhỏ bé bị chèn ép, chẳng ăn uống được gì lại bị đau đớn khi ngã từ trên cây xuống. Chim sâu non yếu dần và chết đi.

Ba anh em Thóc mang chú chim sâu nhỏ chôn vào góc vườn. Thóc trồng lên mộ một cây rau kinh giới nhỏ để mộ chú chim non luôn có mùi thơm. Bà nội thu những bó rơm nếp đã phơi khô cất vào gian bếp cũ. Lúc nào rảnh rỗi, bà nội sẽ bện rơm thành những chiếc chổi lúa để quét sân.

Buổi sáng hôm nào cũng thế, khi mặt trời hé mắt xòe tia nắng như bức tranh em Bơ vẽ ông mặt trời có râu. Hai chú chim sâu bố và mẹ lại kêu giáo giác tìm con để mớm mồi. Thóc lại chạy vào nhà mang chiếc lồng sắt ra. Những con chim tu hú bây giờ đã lớn, chúng phổng phao hơn hẳn khi mọc lên những chiếc lông non. Thóc nhìn cách chăm sóc của chim sâu mẹ với đàn con mà thương đến nao lòng.

Ngày qua ngày cũng trôi đi như thế, mùa hè cũng có hôm nắng bỏng rát nhưng cũng có khi mưa giông kéo đến. Nhưng hai chú chim sâu ngày nào cũng đều đặn tha mồi về tổ cũ tìm đàn con, Thóc lại mang chiếc lồng sắt khu vườn để đó. Khi chim tu hú đã đủ lông đủ cánh có thể bay. Bà nội bảo với Thóc:

Hãy thả chúng được tự do đi Thóc! Mỗi động vật đều có nhiệm vụ riêng của mình. Chúng sinh ra để cân bằng hệ sinh thái. Tu hú dù sao cũng luôn biết cách báo hiệu mùa hè đến. Tú hú dạy những loài khác biết cẩn thận hơn để sinh tồn, có đấu tranh mới có phát triển. Hãy nhìn vào những điểm tốt để bao dung Thóc, Bơ, Na nhé!”

Ba đứa trẻ hiểu chuyện, chúng từ từ gỡ cửa lồng sắt ra. Ba con tu hú có bộ lông màu đen pha chấm trắng chui ra, vỗ cánh xè xè, liềng liệng rồi bay đi mất. Từ hôm đó, hai chú chim sâu kiếm mồi về tìm con nhưng không thấy đâu, chúng kêu tiếng giáo giác như niềm yêu thương trào dâng vô tận trong chiếc cổ họng nhỏ bé kia. Thế rồi kêu mãi, chúng cũng bay lên cao và bắt đầu một mùa sinh sản mới của mình.

Một buổi sáng, Thóc, Bơ, Na nghe từ xa vọng tới tiếng kêu “Kik kik kik” rồi lại “koo, koo, koo…” Nhìn lên mái ngói, thì ra ba chú chim tu hú đang thi nhau hót. Bà nội nheo mắt cười:

Đấy! Ba đứa thấy âm thanh của mùa hè chưa? Tú hú kêu là lúc hè đang ở độ chín, trái cây trong vườn cũng ngọt đậm rồi.”

Ba anh nhìn lên mái ngói, ba chú chim tu hú lại vội vã bay đi. Mùa hè này đối với ba anh em Thóc, Bơ, Na thật đáng nhớ!

sẻ và tu hú.jpg
 
Sửa lần cuối:
614
2
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top