Dự thi CÔ TÔI...

Dự thi CÔ TÔI...

G
Ghi
  • Thành Viên 18

Bấy lâu nay, ta luôn nghĩ rằng thời gian là thứ có thể xoá nhoà đi tất cả. Thế nhưng, thời gian dẫu có sức bào mòn mạnh đến đâu đi chăng nữa, thì khi đứng trước những chân cảm sâu xa của con người, nó cũng sẽ trở nên vô dụng. Thật vậy, gió bụi của năm tháng có thể làm sờn đi những bộ bàn ghế, làm bạc đi những chiếc bảng con và làm cũ đi những mái trường. Song, nó nào đủ sức làm mờ đi thứ tình cảm thầy - trò đầy thiêng liêng và trân quý của bao thế hệ học trò, bao đời nay. Có lẽ vì thế, mà dù đã bốn mùa phượng vĩ trôi qua, hình ảnh của cô giáo dạy văn năm lớp sáu hôm nào vẫn luôn thao thiết trong tôi…

Người miền Trung vốn trọng chữ nghĩa…
Cô Huỳnh Thị Mười sinh ra và lớn lên ở miền quê nghèo Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), một vùng đất giàu truyền thống văn hoá và truyền thống cách mạng. Là một người con miền Trung, dường như việc trọng chữ nghĩa đã ăn nhập trong từng dòng huyết thanh của cô ngay từ tấm bé. Thế nên, dù cuộc sống lam lũ nhọc nhằn, dù học hành vướng bận nhiều trắc trở, cô vẫn gắng học hết cấp ba tại trường THPT Sơn Tịnh 2 (nay là trường THPT Ba Gia) và theo đuổi giấc mơ Sư phạm. Với tình yêu Văn chương mãnh liệt, người con của vùng đất miền Trung đầy nắng và gió đã chọn trở thành một cô giáo dạy Văn. Sau khi tốt nghiệp Văn khoa, cô đã bắt đầu hành trình đời giáo của mình tại miền quê năm nào. Thế nhưng, cuộc sống mưu sinh vất vả, lương giáo viên lại ba cọc ba đồng, cô đã không thể gắng gượng và quyết định Nam tiến để kiếm tìm cơ hội mới. Đến với mảnh đất Long Hải - mảnh đất đón chào người tứ xứ, cô Mười đã không tiếp tục hành trình dạy học. Vì khi ấy, cuộc sống chật vật đủ đường, cô đành phải ém nhẹm lại niềm đam mê đứng lớp của mình và giã từ bảng phấn để bắt đầu hành trình mưu sinh trên đất khách. Thế rồi, độ chừng vài năm, khi mọi thứ dần ổn định, khi ngọn lửa nghề trong cô vẫn luôn trực bùng, cô đã một lần nữa chọn quay về làm cô giáo. Trong suốt quãng đường dạy học tại Long Hải, từ năm 1998 đến khi về hưu vào một ngày đầu hè 2018, cô đã dạy ra biết bao thế hệ học sinh ưu tú và tạo ra biết bao con người có ích cho xã hội. Sự nghiệp giáo dục đầy nổi nênh của cô đã khiến cho tôi tin hơn rằng: Cô sinh ra là để dạy học!

Hồi ức…
M.Gorki từng tâm niệm: “Văn học là nhân học”. Có lẽ vì vậy, mà cô Mười rất yêu Văn. Cô yêu văn lắm, tôi biết được điều ấy ngay từ lần đầu gặp gỡ cô. Tôi vẫn hoài nhớ đó là một sáng mùa thu lưng chừng tháng tám, trong tà áo dài màu tím nhạt, cô nhanh nhẹn bước vào lớp và cất lên chất giọng Quảng Ngãi đầy chất phác, đầy thân thương:

- Mấy em có thích Văn không?

“Thích” chứ không phải là yêu, nhưng từ “thích” ấy khiến tôi xác tín hơn rằng cô là một người đau đáu với chữ nghĩa và trăn trở với nghiệp dạy. Điều đó đã được cô minh chứng trong suốt một năm, một đời dạy học dài đăng đẳng. Khi ấy, cả tuần, tôi chỉ mong nhất được đến tiết Văn của cô. Cô giảng Văn hay lắm, giọng cô khi thì trầm xoáy lòng người, khi lại bổng chạm mây cao. Nó đưa người ta phiêu diêu đến những miền xúc cảm, băng qua những dãy núi lưng đồi và trở về với thực tại thời gian. Có lẽ vì những dư vị đặc biệt mà cô mang lại, nên biết bao thế hệ học trò đều yêu quý cô và trong đó có cả tôi. Ngày ấy, khi chỉ mới là đứa trẻ con, vào những lúc chông chênh, tôi luôn tìm đến cô như một chốn tựa nương. Tôi kể cho cô về mọi đau đắng và trở trăn của mình, cô lắng nghe tôi bằng cả một trái tim chân thành. Bởi lẽ đó, mà tôi yêu mến cô khi nào không hay.

“Hồi ức... đó là cuốn nhật ký tất cả chúng ta đều mang theo bên mình”. Tôi mang theo bên mình rất nhiều hồi ức về cô, nhưng có lẽ, hồi ức đẹp nhất chính là buổi dự giờ đầu năm học lớp sáu. Lúc ấy, tôi làm lớp trưởng và được giao nhiệm vụ khởi động lớp. Với bản tính thích làm trội, tôi đã không cho lớp hát hò hay nhảy múa, mà là bày trò ảo thuật. Như diễn viên chuyên nghiệp, từ một chiếc khăn, tôi lấy ra một cành hồng do chính tay tôi làm (không được đẹp mắt) để tặng cô. Thế nhưng, cô không chỉ không chê bai, mà còn vỗ tay nồng hậu, vui vẻ nhận cành hoa từ tôi. Và rồi, đến mãi năm tôi cuối cấp, được dịp xuống nhà cô chơi, tôi bắt gặp cành hồng năm nào mà tôi đã quên bén, nay đang được đặt ngay ngắn trong chiếc tủ trưng nơi phòng khách nhà cô. Tôi ngỡ ngàng tự vấn, phải chăng đó chính là sự trân trọng mà cô luôn dành cho tôi?

“Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Thương thì thương như thế, nhưng cô cũng không ít lần phê bình tôi. Cô nắn chỉnh tôi từ việc học đến lối sống, từ viết văn đến cách xử sự ngoài đời. Tôi vẫn còn nhớ những bài kiểm tra điểm kém, những dòng phê thẳng thừng không kiêng nệ của cô. Những lúc như thế, tôi giận cô lắm. Thế nhưng, bây giờ, khi tầm tri nhận đã không còn hạn hẹp, tôi ngộ ra đó mới thực sự là thương. Vì vậy, đến tận hôm nay, khi đọc những bài văn tôi viết, cô vẫn luôn phê bình cái lối viết văn “dị biệt” của tôi:

-Mình sống thật thì phải viết Văn cho thật chứ em, viết như thế thì còn gì là văn nữa?

Nếu ngày trước tôi giận dỗi vì những lời như thế, thì bây giờ, tôi luôn ngẫm ngợi và nghiền ngẫm từng lời răn dạy từ cô. Có lẽ, chính vì sự dạy dỗ vừa nhu vừa cương ấy của cô Mười, mà từ lâu, hạt giống sư phạm cũng đã nảy mầm trong tôi…

Cô và giấc mơ sư phạm trong tôi…
Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Phải chăng nghề dạy học cao quý là bởi vì nó có nhiều lợi lộc? Không. Nghề giáo là một nghề đầy bấp bênh, nổi nênh. Nhà giáo không cao quý nhờ tiền bạc, mà là nhờ sứ mệnh uốn nắn nhân cách, điểm tô tâm hồn và thay đổi cuộc đời mỗi học sinh. Dẫu cao quý là thế, nhưng tôi cũng rất ái ngại khi nghĩ về tương lai, một ngày nào đó mình làm thầy giáo. Song, khi được trở thành học trò của cô Mười, niềm khát khao dấn thân vào con đường sư phạm đã manh nha trong tôi. Giờ đây, tôi mơ ước lắm được trở thành một giáo viên dạy văn như cô. Dẫu con đường phía trước lắm trắc trở chông gai, nhưng vin tựa vào tấm gương của cô Mười, hẳn tôi sẽ luôn ngoan cường với dự định của mình. Có lẽ, tôi sẽ mãi mãi không thể trở thành một nhà giáo tuyệt vời như cô, nhưng tôi tin mình có thể trở thành một thầy giáo văn đầy tâm huyết. Và cũng có lẽ, nếu không có cô, tôi cũng sẽ không bao giờ yêu văn chương, yêu ngành sư phạm. Cô là nguồn cảm hứng, là người thợ trồng đã ươm mầm tình yêu văn học và tình yêu dạy học trong tôi.

Tri ân…

“Nhớ thầy nhớ chiếc đò ngang
Tay thầy chèo chống đưa sang bao người”
Dòng chảy tuyến tính của thời gian vẫn trôi, phượng vĩ cứ nở rồi lại tàn, thế nhưng công ơn của cô vẫn luôn còn ở đó, nơi cõi lòng của cậu học trò lớp sáu năm nào. Mặc dù giờ đây, cô đã không còn đứng trên bục giảng, nhưng hình ảnh của người nhà giáo tận tâm ngày ấy vẫn sẽ sống mãi trong lòng bao thế hệ học sinh. Xin tri ân cô vì cả cuộc đời đã luôn âm thầm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, trồng cho đời những đóa hoa ngát hương. Có lẽ, mai sau và mai sau nữa, cô vẫn sẽ luôn là nơi vin tựa cho em giữa những lúc chông chênh cuộc đời. Thầm mong cô sẽ luôn được hạnh phúc, an yên để nhìn thấy lớp lớp thế hệ học trò mình đào tạo sẽ ngày càng thành công và thành nhân. Một lần nữa, trước thềm hiến chương ngày Nhà giáo Việt Nam, xin gửi đến Má Mười - Người cả đời gắn với nghiệp gõ đầu trẻ những lời tri ân không bao giờ đủ…
“Giáo viên nét đẹp rạng ngời
Biết bao thế hệ muôn đời tôn vinh”


Tác giả: Lê Thành An (Ghi)
 
2K
30
8

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top