Đề cương Hồn Trương Ba, da hàng thịt (trích) - Lưu Quang Vũ

Đề cương Hồn Trương Ba, da hàng thịt (trích) - Lưu Quang Vũ

H
Hoàng Cung
  • Người yêu văn chương đến từ Sóc Trăng
I. Tìm hiểu chung.

1. Tác giả


- Lưu Quang Vũ (1948-1988) là một tác giả đa tài nhưng kịch là phần đóng góp đặc sắc nhất.

- Ông được coi là một hiện tượng văn học đặc biệt của sân khấu, một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại.

2. Tác phẩm.

- Hồn Trương Ba, da hàng thịt là vở kịch gây tiếng vang rất đặc biệt trên sân khấu nước nhà những năm đầu của công cuộc đổi mới. Ở vở kịch này, tác giả đã dựa vào một câu chuyện dân gian để xây dựng một tình huống kịch độc đáo: Trương Ba là một người làm vườn chất phác, cần cù, yêu vợ, thương con, quý cháu và giỏi cờ. Do thái độ làm việc tắc trách của hai vị quan trên Thiên đình là Nam Tào và Bắc Đẩu, ông đang khoẻ mạnh bỗng chết đột ngột. Vì quý trọng tài cờ của ông và cũng để sửa sai suất của Nam Tào và Bắc Đẩu, Đế Thích – một ông tiên cao cờ - đã xin để hoá phép cho hồn Trương Ba nhập vào thân xác anh hàng thịt (vừa chết được một ngày). Mọi điều trớ trêu, bất hạnh xảy ra từ đó. Vì hồn Trương Ba phải núp trong thân xác anh hàng thịt mà sống, nên nó có nguy cơ bị thân xác lấn át. Hồn Trương Ba phải trải qua những cuộc đấu tranh gây gắt với chính thể xác mà nó trú ngụ vì thể xác đầy ham muốn bản năng, sau ba tháng nó trở nên xa lạ, đáng sợ trong con mắt những người ruột thịt, bạn bè và tự chán mình. Cuối cùng, hồn Trương Ba quyết định xin Đế Thích cho anh hàng thịt, cu Tị (bạn của cái Gái – cháu nội ông) được sống lại, còn bản thân ông thì chết hẳn (không nhập vào xác của ai nữa) để bảo toàn sự thanh sạch của mình.

Hồn Trương Ba, da hàng thịt được Lưu Quang Vũ viết năm 1981 nhưng đến năm 1984 mới ra mắt công chúng, là một trong những vở kịch xuất sắc nhất của Lưu Quang Vũ, đã công diễn nhiều lần trên sân khấu trong và ngoài nước. Tuy dựa vào cốt truyện dân gian nhưng nhà viết kịch đã có những thay đổi cơ bản về sự phát triển của cốt truyện. Nếu ở truyện dân gian, hồn Trương Ba sau khi nhập vào thân xác anh hàng thịt được sống bình thường, hạnh phúc thì trái lại, ở kịch bản này, Trương Ba luôn đau khổ, bị giày vò bởi tình trạng “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”. Đây là một vở kịch nói hiện đại, đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ, có ý nghĩa tư tưởng, triết lý và nhân văn sâu sắc.

- Về cốt truyện, Hồn Trương Ba, da hàng thịt gồm bảy cảnh và đoạn kết, nội dung tóm tắt mỗi cảnh như sau:

+ Cảnh I: Nam Tào, Bắc Đẩu và Đế Thích trên Thiên đình. Nam Tào và Bắc Đẩu đang ngồi đánh dấu tên người phải chết trong ngày. Đế Thích tỏ ý tìm người cao cờ dưới hạ giới để cùng đánh cho vui. Vì vội đi ngay để dự tiệc nên Nam Tào gạch bừa phải tên Trương Ba.

+ Cảnh II: Trương Ba đang làm vườn và chuyện trò với vợ, con trai, con dâu và cháu gái nội thì Trưởng Hoạt đến rủ đánh cờ. Đế Thích xuất hiện giúp Trưởng Hoạt gỡ thế cờ. Đế Thích cho Trương Ba một bó hương, bảo rằng: Nếu cần Đế Thích giúp gì thì thắp một nén; muốn lên Thiên đình gặp Đế Thích thì thắp ba nén. Sau đó, Trương Ba thấy trong người khó ở rồi chết.

+ Cảnh III: Cảnh Thiên đình. Nam Tào, Bắc Đẩu và Đế Thích đang trò chuyện thì vợ Trương Ba lên (bà vô tình châm ba nén hương thắp cho chồng). Bà đòi trả mạng sống cho chồng. Nhân có anh hàng thịt vừa chết được một ngày, Nam Tào, Bắc Đẩu bèn cho hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt để sống lại.

+ Cảnh IV: Nhà người hàng thịt. Thân nhân người hàng thịt đang ngồi bên quan tài bỗng thấy anh hàng thịt đội nắp quan tài đứng dậy, đòi về nhà Trương Ba. Vợ Trương Ba đến người nhà hàng thịt xem phép màu nghiệm ứng để đón chồng. Lúc đầu mọi người hoảng sợ, hoang mang, ngỡ ngàng nhưng hồn Trương Ba nói được những điều chỉ ông Trương Ba xưa mới nói được nên Trưởng Hoạt nhận bạn, vợ Trương Ba nhận chồng. Hồn Trương Ba trong thân xác anh hàng thịt về nhà Trương Ba.

+ Cảnh V: Hồn Trương Ba và người vợ. Việc hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt đã gây ra bao nhiêu phiền toái không chỉ cho những người thân trong gia đình Trương Ba. Do anh con trai hối lộ nên lí trưởng phải xử đến hai lần buộc hồn Trương Ba ban ngày ở nhà Trương Ba, đêm phải về nhà anh hàng thịt, sau đó – nửa đêm mới được về nhà.

+ Cảnh VI: Nhà người hàng thịt. Trời đã về khuya. Sau khi giúp chị hàng thịt mổ lợn, chuẩn bị ra về thì chị ta mời hồn Trương Ba uống rượu, ở lại qua đêm. Hồn Trương Ba định xuôi theo nhưng đấu tranh được với bản thân, gỡ tay chị ta trở về nhà mình.

+ Cảnh VII: Nhà Trương Ba. Trong xác anh hàng thịt, hồn Trương Ba vô cùng đau khổ và tự giày vò mình để đi đến quyết định cuối cùng.

+ Đoạn kết: Hồn Trương Ba nhập vào cây vườn trò chuyện với vợ. Cu Tị và cái Gái ăn na và trồng hạt “cho nó mọc thành cây mới” như ông Trương Ba khi còn sống vẫn khuyên dạy cháu.

- Đoạn trích được học trong SGK là đoạn cuối cùng của vở kịch, diễn tả sự đau khổ, dằn vặt đã phát triển đến đỉnh điểm đề từ đó đi tới quyết định cuối cùng rất cao thượng của hồn Trương Ba: khước từ cuộc sống không phải là mình dù sự sống muôn phần đáng quý.

3. Tóm tắt diễn biến của tình huống kịch trong đoạn trích

Đoạn trích thể hiện xung đột cơ bản của vở kịch (giữa linh hồn và thể xác) lên đến đỉnh điểm: Sau mấy tháng, hồn ông Trương Ba ngụ trong thân xác anh hàng thịt, nhân vật hồn Trương Ba ngày càng trở nên xa lạ đối với vợ, con, cháu của mình cũng như bạn bè. Hồn Trương Ba tự thấy chán chính mình. Tình trạng bi kịch này diễn biến qua các bước:

Hồn Trương Ba cảm thấy không thể tiếp tục sống trong tình trạng này nữa, muốn tách khỏi thân xác anh hàng thịt thô lỗ.

Cuộc đối thoại giữa hồn và xác càng khiến hồn Trương Ba đau khổ, tuyệt vọng vì phải chịu sự lấn lướt của thân xác.

Thái độ của những người thân trong gia đình chê trách, xa lánh khiến hồn Trương Ba càng hoang mang, bế tắc để sớm đi đến quyết định giải thoát.

Cuộc gặp gỡ với tiên Đế Thích và quyết định cuối cùng của hồn Trương Ba là khước từ cuộc sống không phải là mình, chấm dứt tình trạng trớ trêu “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”, trả lại thân xác cho anh hàng thịt, xin cho cu Tị được sống.

II. Đọc - hiểu văn bản.

1. Tình cảnh trớ trêu khi hồn Trương Ba ngụ trong thân xác anh hàng thịt


- Con người là một thực thể thống nhất có sự hài hoà giữa tâm hồn và thể xác. Tình huống bi kịch mà nhân vật hồn Trương Ba lâm vào đó là tâm hồn thanh cao của ông phải ẩn trong một thân xác phàm tục của anh hàng thịt. Đoạn trích dựng lên cuộc “đối thoại giữa hồn và xác” tưởng tượng có tính ẩn dụ là đoạn kịch sinh động giàu ý nghĩa triết lí. Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt được miêu tả như là cuộc đấu tranh giữa hai mặt tích cực và tiêu cực, giữa phần bản năng và lí trí trong bản thể mỗi người. Cái “lí lẽ .. thật ti tiện” của xác anh hàng thịt ẩn chứa trong đó một “hạt nhân hợp lí”, một sự thực mà nhà viết kịch Lưu Quang Vũ hàm ý phê phán, đó là “trò chơi tâm hồn” của người đời: “Những lúc một mình một bóng, ông cứ việc nghĩ rằng ông có một tâm hồn bên trong cao khiết... Làm xong điều xấu gì ông cứ việc đổ tội cho tôi, để ông được thanh thản ... Tâm hồn là thứ lắm sỉ diện !”. tác giả còn mạnh dạn trong cả việc phê phán một quan niệm, một thái độ từng tồn tại trong một thời gian nhất định, cũng từ lời của nhân vật xác anh hàng thịt: “Những vị lắm chữ nhiều sách như các ông là hay vin vào cớ tâm hồn là quý, khuyên con người ta sống vì phần hồn, để rồi bỏ bê cho thân xác họ mãi khổ sở, nhếch nhác...”.

Lưu Quang Vũ phê phán sự thoái hoá, tha hoá trong mỗi con người, thái độ thiếu quan tâm đến cuộc sống vật chất thường nhật, chính đáng của con người cũng là để nhằm khẳng định một quan niệm về bản lĩnh hài hoà, về nhu cầu chính đáng của con người trong cuộc sống bình thường.

- Cái “hạt nhân hợp lí” trong lí lẽ của anh hàng thịt mà hồn Trương Ba cho là “thật ti tiện”, trớ trêu thay, như đã nói trên, là tình huống bi kịch mà hồn Trương Ba đang gặp, đang lâm vào. Bởi linh hồn Trương Ba không ăn nhập với thể xác anh hàng thịt nên chỉ mới mấy tháng ngụ trong thân xác lạ mà hồn Trương Ba đã đổi khác. Ông không còn là “ông Trương Ba làm vườn ngày xưa”, không “còn biết đến ai nữa” – như lời vợ ông trách móc. Cái Gái, cháu nội ông, cũng không còn nhận ra ông vì ông đã trở nên thô lỗ, phũ phàng lúc ông chiết cây cam, ‘bàn tay ... của ông làm gãy tiệt cái chồi non, chân ông to bè như cái xẻng, giẫm lên nát cả cây sâm quý mới ươm”, “ông làm gãy cả nan, rách cả giấy, hỏng mất cái diều đẹp mà cu Tị rất quý”. Ngay cả cô con dâu ngày trước vốn rất hiểu và thương ông cũng buộc lòng phải nói thật: “...làm sao giữ được thầy ở lại, hiền hậu, vui vẻ, tốt lành như thầy của chúng con xưa kia ?”. Chính bản thân hồn Trương Ba sau ba cuộc đối thoại với ba người thân (vợ, cháu nội, con dâu) hé lộ cho người đọc thấy sự quyết tâm của ông là: không khuất phục trước thể xác, không thể “tự đánh mất mình !”.

2. Hồn Trương Ba quyết định giải thoát mình khỏi tình trạng “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”

- Hành động hồn Trương Ba “đứng dậy, lập cập nhưng quả quyết, đến bên cột nhà, lấy một nén hương châm lửa, thắp lên”... là hành động đánh dấu một sự chuyển biến có tính bước ngoặt trong tu tưởng của nhân vật này, là đỉnh điểm của xung đột kịch đòi hỏi cần được giải quyết. Bởi thế các lời thoại với tiên Đế Thích vừa biểu lộ nhận thức thấm thía về tình trạng bi hài kịch, vừa chứng tỏ quyết tâm tự giải thoát của nhân vật hồn Trương Ba. Trong các lời thoại của nhân vật này, cần chú ý hai câu sau:

+ “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”.

+ “Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết !”.

Đây cũng là đoạn kịch bộc lộ những quan niệm của Lưu Quang Vũ về sự sống và cái chết, những khao khát của nhà viết kịch để mỗi người được là mình trọn vẹn, được sống cuộc sống của con người với nghĩa đầy đủ nhất của từ này.

- Nhưng hồn Trương Ba đâu có được toại nguyện ngay. Tiên Đế Thích vốn yêu quý Trương Ba vì tài đánh cờ, vẫn muốn hồn Trương Ba “phải sống dù với bất cứ giá nào”. Nhân cái chết của cu Tị, tiên Đế Thích bèn nghĩ ra một cách sẽ cho hồn Trương Ba nhập vào xác cu Tị. Hồn Trương Ba lại đứng trước một thử thách – một sự lựa chọn cuối cùng trước lúc đối mặt với cái chết vĩnh viễn: nhập vào xác cu Tị, một cậu bé 10 tuổi, bạn của cái Gái – cháu nội ông, một đứa bé ngoan mà ông cũng rất yêu quý. Hồn Trương Ba quyết không để tiên Đế Thích tái diễn sai lầm một lần nữa. Ông nói với Đế Thích: “Có những cái sai không thể sửa được. Chấp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm. Chỉ có cách là đừng bao giờ sai nữa, hoặc phải bù lại bằng một việc đúng khác. Việc đúng còn làm kịp bây giờ là làm cho cu Tị sống lại. Còn tôi, cứ để tôi chết hẳn...”.

Sự việc cu Tị chế dường như làm cho hành động kịch tiến triển nhanh hơn, đến chỗ “mở nút’. Quyết định dứt khoát qua hành động bẻ gãy cả bó nhang, xin tiên Đế Thích cho cu Tị sống lại, cho mình được chết hẳn chứ không nhập hồn vào thân thể ai nữa của nhân vật hồn Trương Ba là kết quả của một quá trình diễn biến hợp lôgíc: nó được manh nha chuẩn bị từ khi nhân vật tự ý thức được tình trạng bi hài kịch của hoàn cảnh trớ trêu khi “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”, nó cần đưa ra giải pháp kịp thời do cái chết của cu Tị. Dựng tả quá trình hồn Trương Ba đi đến sự lựa chọn sáng suốt cuối cùng một cách tất yếu, hợp lí, tự nhiên như vậy, Lưu quang Vũ đã chứng tỏ cho người đọc thấy tài năng xử lí tình huống kịch của ông; đồng thời, giúp người đọc nhận thức được Trương Ba là con người nhân hậu, sáng suốt, có lòng tự trọng, đặc biệt ý thức được ý nghĩa của cuộc sống.

3. Ý nghĩa của đoạn kết:

Mặc dù giờ đây hồn Trương Ba không có thân xác trú ngụ, chỉ là bóng chập chờn mờ ảo, vô hình lại là lúc sự hiện diện của Trương Ba nhiều nhất, thường trực nhất. Tác giả đã tiếp tục khái quát triết lí nhân sinh:

- Ý nghĩa sự sống nhiều khi không phải ở sự tồn tại sinh học mà ở chính sự hiện diện của ta trong suy nghĩ, nỗi nhớ của những người thương yêu.

- Vẻ đẹp tâm hồn có đời sống dài lâu và bất tử so với thể xác. Tâm hồn cao khiết của Trương Ba vẫn còn có mặt trong mỗi hoài niệm, mỗi cuộc đời đang sống.

4. Nghệ thuật dựng cảnh, dựng đối thoại


- Như đã nói, Lưu Quang Vũ sáng tác vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt theo hướng khai thác cốt truyện dân gian để gửi gắm những suy nghĩ về nhân sinh, về hạnh phúc, kết hợp phê phán một số tiêu cực trong lối sống đương thời. Nhưng tài năng sáng tạo của nhà viết kịch là ở chỗ đưa các nhân vật trong truyện dân gian ấy vào một tình huống bi hài kịch để chúng đối thoại với nhau, tự đấu tranh với mình và với hoàn cảnh để mỗi nhân vật bộc lộ đến tận cùng cách sống, quan niệm sống, qua đó, tác giả khẳng định khát vọng hoàn thiện nhân cách con người. Cảnh hồn Trương Ba tách khỏi thể xác anh hàng thịt và cuộc đối thoại giữa hồn và xác, cảnh gặp tiên Đế Thích lần cuối để đi đến quyết định dứt khoát chấp nhận cái chết vĩnh viễn là những cảnh được Lưu Quang Vũ dụng công nghệ thuật để gửi gắm một triết lí sống sâu sắc về lẽ sống, về thân phận con người: Cuộc sống thật đáng quý nhưng không phải sống thế nào cũng được; nếu sống vay mượn, sống chấp vá thiếu nhân cách, tâm hồn nghèo nàn hoặc không có sự hài hoà giữa vẻ đẹp tâm hồn và nhu cầu vật chất thì con người chỉ gặp bi kịch mà thôi; con người chỉ thật sự hạnh phúc, cuộng sống chỉ có giá trị khi họ được sống tự nhiên trong một thể thống nhất hài hoà.

- Qua đoạn trích này, người đọc nhận thấy hành động của nhân vật hồn Trương Ba hết sức phù hợp với hoàn cảnh trớ trêu mà ông ta đang lâm vào một cách bi hài kịch; lời nói của nhân vật này, độc thoại nội tâm (trong lớp đối thoại giữa hồn và xác) rất phù hợp với tính cách của nhân vật Trương Ba đã bị “biến dạng” sau một thời gian ngụ trong thân xác anh hàng thịt, đồng thời nó góp phần thúc đẩy bước phát triển của xung đột kịch đến chỗ cần giải quyết.

III. Ý nghĩa văn bản

Một trong những điều quý nhất của con người là được sống là mình, sống trọn vẹn với những giá trị mình có và theo đuổi. Sự sống chỉ thật sự có ý nghĩa khi con người được sống trong sự hài hoà tự nhiên giữa thể xác và tinh thần.​
 
Từ khóa
cuộc tranh biện về quyền sống giữa hồn và xác da hàng thịt hồn trương ba lưu quang vũ để được là chính mình
2K
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top