Dự thi Lời dặn cuối cùng - RayQ

  • Thread starter Thread starter RayQ
  • Ngày gửi Ngày gửi

Dự thi  Lời dặn cuối cùng - RayQ

RayQ
RayQ
  • Thành Viên 24
"Út, xong chưa. Sao lần chần lâu thế".

"Dạ, con xong rồi đây".

Cái út vội vã xuống dưới nhà, xỏ nhanh đôi dép, chạy lại nắm lấy tay mẹ và ngước lên nhìn.

"Xong rồi mẹ ơi, đi chợ tết thôi!"

Cuối đông, thời tiết bắt đầu dịu lại sự khắc nghiệt của mình. Đông đang yếu dần. Có thể, khi đông biết nó sắp trở thành quá khứ, nó hết gai góc, hết khốc liệt. Nó hiền từ dần, làm những điều tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn, chân thành và dịu dàng hơn. Đông kết thúc nhiệm kì của mình khi thả vào gió hơi ẩm, gửi vào gió hơi thở của sự sống, và nhờ gió phát tán lộc xuân. Tết về, xuân về.

Mẹ và Út đi trên con đường quen thuộc mà hằng ngày Út vẫn đi học, nhưng hôm nay, Út cảm nhận rõ sự khác lạ của nó. Trên con đường này, mọi thứ vội vã hơn, rộn ràng hơn, tấp nập, chật chội hơn. Cái "thời tiết tết", "đường phố tết" lại làm chuỗi cảm xúc háo hức, hân hoan trong con người ta trỗi dậy. Hôm nay, Út vui lạ thường, có thể vì sắp tết, cũng có thể do hôm nay, Út được cầm tay mẹ đi sắm đồ vui tết.

Quanh con phố tấp nập người lao động mưu sinh, mẹ Út dừng lại vỉa hè, nơi có một bà cụ đang ngồi cùng với gánh rau xanh. Thấy mẹ Út dừng lại, bà cụ chào:

"Cô ơi, cô mua rau hả? Tôi có mấy mớ rau của nhà trồng được, non lắm, cô mua cho tôi đắt hàng nhé!"

"Bà ơi, bao nhiêu một mớ cải cúc này ạ?"

"4 ngàn thôi cô ạ. Đấy, mớ nào cũng non mơn mởn, cô chọn đi."

"Bà lấy cho con 7 mớ này nha. Rau xanh quá. Thế năm này bà bao nhiêu tuổi rồi mà vẫn gánh được rau đi bán thế này. Bà khỏe thật đấy."

"Năm nay tôi ngoài 70 rồi, cũng được mừng thọ rồi đấy. Đây này, lưng gánh nhiều cũng còng hết cả đây cô này, tối đến đau chân đau lưng lắm, nhưng không làm thì lấy gì mà ăn hả cô. Tôi thì sáng bán ở đây, chiều lại ra vườn chăm cây, vất vả cũng quen rồi cô ạ." Bà cụ lấy tay quẹt trầu quanh miệng, rồi với tay lấy rau cho vào túi, vừa với vừa đấm lưng thùm thụp.

"Khổ thật đấy. Thế các cô các chú nhà bà đi đâu mà lại để bà vất vả thế này. Tết này bà đã sắm được gì chưa?"

"Con tôi cũng không khá giả gì, nó cũng có gia đình riêng của nó nữa. Thôi, tôi còn sức khỏe thì tôi cứ lao động kiếm tiền, phụ thuộc chúng nó làm gì. Tết thì tết, chứ dân lao động chúng tôi cũng chẳng báu bở gì đâu, giờ chúng tôi chỉ cần khách đến thôi, chứ không mong tết về chút nào cả. Tết về là lại già yếu thêm, vốn thời gian được gặp con cháu lại thu hẹp lại, nghĩ đến là cứ ứa nước mắt thế này này. Đây, của cô đây. Thôi, tôi lấy cô 25 ngàn nhé. Cô mua nhiều quá, lại còn hỏi han đến cái thân già này, tôi cũng ấm lòng."

"Dạ, vâng ạ. Con gửi bà tiền ạ. Con cám ơn bà".

Mẹ Út cầm lấy rau rồi gửi bà cụ tiền, dắt Út đi lên trên một đoạn rồi dừng lại. Mẹ ngồi xuống ngang mắt Út, đưa Út 100 ngàn rồi hỏi Út:

"Con có thấy thương bà cụ kia không? Bà già rồi nhưng vẫn phải làm lụng vất vả để kiếm tiền, con phải biết thương người già, thương người lao động và quý trọng sức lao động của người khác nghe không. Mẹ đưa con 100 ngàn này, con chạy qua gửi bà nhé. Đưa hai tay, cúi đầu rồi nói là: "bà ơi, con yêu bà, con biếu bà chút tiền ăn tết" nghe không. Con chạy qua đi, mẹ sẽ đi sau con.

"Vâng ạ".

Cái Út hớn hở chạy lại chỗ bà cụ, lễ phép đưa hai tay, cúi đầu và nói như lời mẹ dặn. Bà cụ thấy cái Út nói vậy liền đứng dậy, chạy lại xoa đầu đứa nhỏ rồi nói:

"Bà cám ơn cháu. Cháu ngoan quá, tốt bụng quá. Bà xin nhận tiền của cháu nhé, nhưng tết rồi, bà cũng lì xì cháu 100 ngàn để lấy lộc nha."

Mẹ Út đến cạnh Út, cầm lấy tay bà cụ rồi nói:

"Cháu nó có lòng, bà cứ cầm lấy để còn mua đồ tết. Chẳng đáng là bao cả đâu bà ạ, nên bà cứ nhận nhé. Các cụ cũng có câu Yêu trẻ trẻ đến nhà, kính già già để tuổi cho, thì bà lì xì cho cháu chút tuổi, chút sức khỏe là được rồi. Chúc bà năm mới vui vẻ nhé."

Bà cụ thấy vậy cũng cúi đầu cám ơn mẹ con nhà Út. Mẹ con Út chào bà rồi đi tiếp đến chợ. Mẹ nói:

"Con thấy không, họ là người lao động nghèo, nhưng họ cũng không định nhận lấy đồng tiền mà chúng ta giúp họ, vì họ có lòng tự trọng. Họ lao động vất vả, vượt qua đau đớn, khổ cực để kiếm đồng tiền, quyết không chịu ngồi im, không muốn phụ thuộc vào người khác. Họ rất đáng để người ta kính nể, học tập và tôn trọng. Bé Út của mẹ nhớ sau này phải quý trọng những người như vậy nghe không. Con phải cố gắng học, rồi cố gắng làm việc dù có khó khăn, vất vả thế nào đi nữa biết chưa."

"Vâng ạ. Con nhớ rồi mẹ ạ." Út quả quyết

"Thế nay Út muốn mua gì nhỉ, mẹ mua cho."

"Con muốn mua váy mẹ ạ, váy công chúa ấy. Mẹ mua cho con nhé."

Vào tiệm quần áo, Út ưng ngay bộ váy xòe màu trắng hồng. Cô bé reo lên:

"Mẹ ơi, váy này đẹp quá, con thích cái này. Con thử cái này nhé mẹ nhé".

"Ừ. Con vào kia thử đi để mẹ xem nào."

Cái Út hớn hở chạy vào thay váy mới. Cái váy mới vừa in với Út. Ngắm nghía trong gương một lúc, nó tươi cười ra khoe với mẹ:

"Mẹ ơi, xinh chưa này, vừa quá mẹ ạ. Tết này con làm công chúa trong nhà rồi mẹ ạ."

Nó nhìn xuống bộ váy đang xòe rộng ngay khi ra khỏi chỗ thay đồ, rồi ngước mắt lên nhìn mẹ, nhưng xoay người hết một vòng, nó chẳng thấy mẹ đâu nữa. Mặt nó bắt đầu hoảng hốt.

"Mẹ ơi, mẹ đâu rồi?" nó gọi lớn

Người trong quán đông nhưng chẳng ai trả lời lại Út. Nó đảo mắt rồi lao ra ngoài tìm mẹ. Nó bắt đầu cảm thấy hoang mang, lo sợ. Tim nó đập nhanh hơn, và chân tay luống cuống. Nó đứng ra giữa đường, xoay người, đảo mặt liên tục mà không thấy mẹ đâu cả, miệng liên tục gọi lớn:

"Mẹ ơi, mẹ, mẹ đâu rồi, sao mẹ bỏ Út một mình. Út sợ lắm, mẹ ơi."

Dòng người đột nhiên đông đúc hơn, kẻ đi người lại tấp nập hẳn, vậy mà không ai đoái hoài gì tới một cô nhóc mới 6 tuổi đang gào lên tìm mẹ. Út như đang một nơi không người. Út sợ dần, mặt đỏ lên và bắt đầu mếu. Cái cảm giác này, cảm giác thiếu mẹ, hình như Út đã từng trải qua ở đâu đó. Bỗng nhiên, giọng nói ở đằng sau lưng Út vang lên:

"Mẹ đây Út ơi!"

Út quay người lại. Thấy mẹ đứng cách một khoảng trước mặt, nó ngồi thụp xuống đất, ôm mặt khóc nức nở. Dòng người tập nập bỗng nhiên đi sang hai bên, để giữa Út và mẹ chỉ còn lại một khoảng trắng. Mẹ Út nói to, mắt long lanh:

"Bé Út mặc vày này đẹp quá. Sao thế, công chúa thì không được khóc nhè, phải mạnh mẽ lên biết chưa, mạnh mẽ ngay cả khi không có mẹ nhé. Bé Út sắp lớn rồi, tập tự tắm rửa đi thôi, tập nấu cơm, rửa bát giúp bố để bố đỡ mệt nhé. Bé Út phải ngoan, phải nghe lời bố dặn nhớ chưa nào. Mẹ tin con sẽ trở thành một cô gái giỏi giang và tốt bụng. Con mãi là công chúa của mẹ, của gia đình, ngay cả khi không mặc bộ váy đó. Mẹ yêu con. Tha lỗi cho mẹ con nhé." mẹ Út cười với Út, một nụ cười tươi nhưng đầy đau khổ. Bà vừa cười, vừa khóc.

Út trông thấy mẹ khóc liền đứng dậy, vừa mếu vừa chạy nhanh đến chỗ mẹ đứng.

"Mẹ đừng khóc mà. Út hứa sẽ trở thành em bé ngoan của mẹ. Mẹ đừng xa Út, đừng bỏ Út nữa mẹ nhé"

Mẹ Út dang rộng tay định đón cô con gái nhỏ vào lòng....

"Út ơi, dậy nào. Hôm nay mùng một tết rồi, dậy đi sang ông bà nội nào. Sao lại khóc ướt gối thế này."

Út bừng tỉnh, ngồi dậy nhìn ngó xung quanh nhưng không thấy mẹ, nó òa khóc. Bố thấy vậy liền ôm lấy Út, xoa lưng dỗ dành:

"Sao đấy. Con mơ thấy gì không vui à?"

"Con vừa mơ thấy mẹ bố ạ. Mẹ đưa tiền cho con để tặng một bà lão bán rau, mẹ còn mua cho con một bộ váy mới. Con sắp ôm được mẹ rồi bố ạ, sao bố lại gọi con dậy khi con chưa kịp ôm mẹ lần cuối. Con nhớ mẹ quá bố ơi."

Bố Út cũng khóc theo Út.

"Bố cũng không kịp ôm mẹ con lần cuối...."

Covid đã lấy đi người mẹ hiền hậu của Út. Khi mẹ ốm, nhà Út không ai được đến thăm, mẹ mất, không ai được đến viếng. Và lần cuối cùng mẹ về nhà là khi mẹ trở thành cát bụi...

"Mẹ đây, mẹ vẫn luôn ở cạnh hai bố con. Giá mà mẹ có thể ôm hai bố con thì tốt biết mấy. Mẹ sẽ luôn đi theo phù hộ, bảo vệ hai bố con nhé. Mẹ yêu bố, mẹ yêu con..."
 
  • 15BucTranhDeConGaiHieuMeHon06.jpg
    15BucTranhDeConGaiHieuMeHon06.jpg
    294.4 KB · Lượt xem: 372
Sửa lần cuối:
1K
5
2
Trả lời
Mình có đọc khá nhiều bài của bạn tại văn học trẻ thấy bạn có ý tưởng và đổi mới viết khác nhau. Rất có tài. Nhưng bài này thì về mặt ý tưởng tốt nhưng phần đầu về lời dặn của mẹ lại không được tốt. Nếu không có phần cuối tỉnh lại thì bài tệ lắm. May nhờ có sự sáng tạo ở cuối nên có ý nghĩa cho bài rất nhiều.
 
  • Love
Reactions: RayQ
Mình có đọc khá nhiều bài của bạn tại văn học trẻ thấy bạn có ý tưởng và đổi mới viết khác nhau. Rất có tài. Nhưng bài này thì về mặt ý tưởng tốt nhưng phần đầu về lời dặn của mẹ lại không được tốt. Nếu không có phần cuối tỉnh lại thì bài tệ lắm. May nhờ có sự sáng tạo ở cuối nên có ý nghĩa cho bài rất nhiều.
Xuân HòaMình cảm ơn b đã đọc tác phẩm ạ. Về phần lời dặn của mẹ về bà lão bán rau, đoạn đấy tệ ạ? Nếu tệ thì để mình sửa lại ạ. Mình muốn tạo cho bé tính yêu thương lấy người lao động, tính chăm chỉ cần cù, vượt qua khổ với cả có lòng tự trọng. Hay đoạn dặn ở dưới lúc mẹ vs Út được gặp nhau tệ ạ?
 

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.