Dự thi MÙA HÈ NĂM ẤY THẬT ĐẸP EM NHỈ? Trần Ngọc Thuấn

Dự thi MÙA HÈ NĂM ẤY THẬT ĐẸP EM NHỈ? Trần Ngọc Thuấn

Tôi rất thích nghe những bản nhạc nhẹ nhàng và đầy sâu lắng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bởi những ca từ ông chấp bút, khi được cất lên qua giọng hát đầy nội lực, trong trẻo của người ca sĩ; dường như mê hoặc và cho tôi cảm nhận được những dư vị, hơi thở nồng nàn của sự sống, nhưng ẩn sâu trong những khúc hát ấy luôn hiển hiện những giá trị và triết lý. Câu hát “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi.” Trong sáng tác “Để gió cuốn đi” của ông đã đọng lại trong tôi vô vàn suy tưởng, xúc cảm và gợi nhắc cho tôi về câu thơ “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” của thi sĩ Tố Hữu. Không đơn thuần mà trong tâm trí tôi lại ánh lên những suy tư như thế. Mà tất cả là nhờ vào cô em gái của tôi. Mùa hạ năm ấy, mùa phượng nở đẹp nhất trong đời, em gái tôi đã cho tôi hiểu thế nào là yêu thương và thứ tha.

Mùa hạ ấy dù đã xa cách mấy năm dài, nhưng mỗi lần tôi bùi ngùi nhớ lại dường như nó chỉ mới xảy ra vào ngày hôm qua mà thôi. Mối lương duyên nối kết gia đình tôi với một thiên thần bé nhỏ có lẽ xuất phát ở chiếc xe bánh mì của bà ngoại tôi.

Gia cảnh nhà tôi ngày trước không được khá giả là mấy. Cha mẹ vì mong muốn có một cuộc sống sung túc hơn và có đồng lương để nuôi tôi ăn học nên đã bôn ba lặn lội lên thị thành xa xôi để làm việc nên cha mẹ nhờ ngoại trông nom tôi và hàng tháng họ sẽ gửi tiền về để phụ ngoại trang trải chi phí. Có thể nói từ những tháng ngày bi bô tập nói, tập đi, tôi đã ỏ bên ngoại. Tuổi thơ tôi tuy thiếu đi hơi ấm tình cảm, sự săn sóc của cha mẹ nhưng bà luôn là người vun đắp những khoảng trống ấy trong tôi với một tình yêu vô bờ bến.

Ngoại tôi tuy tuổi đã cao nhưng ngày ngày bà vẫn đẩy chiếc tủ xe bánh mì ra đầu ngõ để bán. Công việc này đã theo ngoại tôi suốt gần hai mươi năm và những ngày ấu thơ tôi luôn đều đặn đi bán cùng ngoại bất kể ngày nắng hay mưa. Bởi bên ngoại tôi luôn cảm thấy thoải mái và an toàn vô cùng. Bánh mì ngoại tôi bán phải nói là ngon số một và có một lượng khách nhất định. Vì ngoại luôn chăm chút, tỉ mỉ trong từng khâu chế biến, bà luôn chọn những gì tốt nhất để phục vụ khách hàng, đơn giản một điều là“họ (khách hàng) thưởng thức cũng như mình thưởng thức”. Ngoại thường dặn dò và bảo ban tôi rằng:“Một khi đã chọn làm một công việc nào, trước hết ta phải có lòng yêu nghề, có sự đam mê và lúc bắt tay làm việc ta phải đặt sự tâm huyết của mình vào công việc”. Lời dặn đó, tôi nhớ mãi!

Tôi thương ngoại lắm. Vì ở cái tuổi mà người ta vốn đã an hưởng cuộc sống thì ngoại tôi lại làm lụm vất vả nuôi tôi. Dù hàng tháng cha mẹ tôi vẫn gửi tiền về, nhưng bà thương xót cho con mình phải lam lũ mưu sinh nơi xứ lạ. Nên bà đã khuyên cha mẹ tôi hãy giữ lấy mà dùng, bà vẫn còn sức khỏe và có cái nghề để kiếm sống được; Khi nào bà không còn sức bươn trải nữa thì hẳn gửi về để nuôi nấng tôi ăn học. Thương bà, nên tôi luôn phụ giúp, đỡ đần bà. Ắt hẳn, sống trong cảnh vất vả và khó khăn, con người sẽ thường trưởng thành hơn so với tuổi thật. Trong khả năng hạn hẹp của một cậu bé tí tuổi, tôi đã biết giúp bà đẩy xe bánh mì, quét dọn nhà cửa, rửa bát và nấu cơm. Cũng như bao đứa trẻ đồng trang lứa, mỗi cuối tuần ngoại thường dẫn tôi đi đến công viên, thư viện để vui chơi, gặp gỡ thêm bạn mới. Đối với tôi, tôi là đứa trẻ hạnh phúc nhất vì luôn được bà yêu thương và chở che thế nên trong tâm trí non nớt của một đứa trẻ tôi chẳng muốn một ai cướp mất đi người bà yêu quý của tôi dù chỉ trong một giây phút.

Nhưng điều tôi không mong muốn trước đó lại xảy ra với tôi. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được ngày hôm đó - sau sinh nhật sáu tuổi của tôi được mấy ngày. Như mọi hôm, tôi vẫn cùng ngoại đẩy xe bánh mì ra đầu ngõ, mọi thứ diễn ra như bao hôm khác. Mọi việc chỉ xảy đến lúc hai bà cháu tôi chuẩn bị dọn dẹp để trở về nhà, lúc bấy giờ trời đã dần ngả về chiều. Phía xa, chẳng biết từ đâu, một con bé trạc tuổi tôi, trông nó gầy gò, xanh xao, mặt mài thì nhem nhuốc, tóc tai lại rối hết cả lên tiến dần về phía chúng tôi và tiếng khóc của nó bắt đầu vọng lại gần chỗ chúng tôi hơn. Nghe thấy tiếng khóc, ngoại tôi xót xa vội vàng lại hỏi thăm con bé. Nhưng nó chỉ đứng khóc và khóc một lớn hơn, mãi một lúc lâu sau, con bé mới chịu cất giọng. Nó vừa sướt mướt, vừa trả lời:

- Mẹ con, bỏ con rồi…

Sau những tiếng bấp ba bấp búng là một trận khóc dữ dội hơn từ con bé. Tôi bất chợt suy nghĩ rồi cảm thông cho nó, có lẽ nó đã bị mẹ bỏ rơi nên mới vừa đi lang thang vừa òa khóc thảm thiết đến thế. Bà nhìn nó, rồi nhẹ nhàng ôm con bé vào lòng, bà trấn an:

- Con đừng khóc nữa, bà sẽ ở đây cùng con để đợi cha mẹ con đến đón nhé!

Bà xoa đầu và ghì chặt con bé:

- Con đừng buồn, mẹ con sao có thể bỏ con như thế được. Một thiên thần xinh xắn thế kia ai lại nỡ để rơi rớt thế này.

Nó ôm chặt lấy ngoại tôi chẳng chị rời bà dù chỉ một giây, lắm lúc tôi cứ ngỡ rằng nó là cháu bà nữa chứ. Một lúc sau, con bé đã dừng khóc hẳn, ngoại tôi lấy chiếc khăn tay được xếp gọn gàng từ trong túi áo nhẹ nhàng lau từng giọt nước mắt còn lăn dài trên má con bé. Một khuôn mặt tròn trĩnh, trắng trẻo hiện ra, con bé có một cặp mắt hai mí to tròn với cái nhìn trông thật xa xăm làm sao và dường như đôi mắt nó chất chưa một nỗi buồn gì đó. Để con bé nguôi ngoai nỗi nhớ mẹ, ngoại tôi kể chuyện cổ tích cho nó nghe, đó là những câu chuyện thuở tấm bé tôi hay nghe mãi mà chẳng chán, rồi con bé nở nụ cười thật tươi, trông nó cười thật ngây ngô và đáng yêu lắm. Con bé bắt chước làm theo những động tác khi bà tôi kể chuyện. Nhìn nó, bà tôi vừa thương mà cũng vừa buồn bực: “ai lại vô tâm để con bé lạc lõng, bơ vơ một mình thế kia, con bé có biết gì đâu. Không may gặp kẻ xấu thì phải làm sao?” Tôi và bà ngồi đợi miết mà chẳng thấy hồi âm gì cả, ngoại thấy con bé đã vui vẻ và bình tĩnh hơn lúc nãy nên bà đã dạm hỏi con bé đôi câu:

- Công chúa của bà, con tên là gì thế? Nhà con ở đâu để bà cùng anh đưa con về nhà nhé?

Nó ngước mặt nhìn bà rồi cũng chẳng thốt ra một lời nào, nó cứ lắc đầu miết sau đó liền cúi gầm mặt xuống lộ ra vẻ thơ thẩn, buồn bã. Có lẽ con bé đã thấy đói, ngồi trên ghế mà tôi thấy nó cứ ôm bụng miết. Biết nó đói mà bánh mì hôm nay ngoại đã bán hết không còn một ổ, nên ngoại tôi liền bảo:

- Bà cháu ta ngồi đây mãi cũng chẳng phải là cách hay, trời đã khuất bóng mặt trời rồi, bà cháu ta vẫn ôm bụng đói. Con theo bà và anh Hiền đi ăn hủ tiếu nhé!

Thế rồi, bà cháu chúng tôi đẩy tủ xe bánh mì để gọn vào nhà và dắt con bé ra hàng quán hủ tiếu. Khi hủ tiếu được kêu ra, tay nó cầm đũa mà run lên cầm cập rồi nó ăn thật nhanh như bị bỏ đói lâu ngày vậy, nó ngốn nghiến rồi nuốt trọng xuống đến nỗi mắt trợn tròn trắng cả lên. Ngoại tôi vội lấy nước để cho nó uống. Nó uống xong, hít lấy một hơi thật sâu rồi lại ăn tiếp. Có lẽ, bụng dạ nó đói rất dữ dội. Thế là, con bé đã ăn hết hai tô hủ tiếu trong sự ngỡ ngàng của hai bà cháu tôi, thân hình nhỏ bé và sức ăn của nó thật trái ngược nhau. Bà thấy vậy liền cười và cất giọng hỏi:

- Con thấy ngon không? Nếu còn chưa đói thì hãy gọi tiếp nhé.

Nhìn ngoại tôi, con bé bẽn lẽn thưa:

- Con no căng bụng rồi ạ! Cảm ơn bà và anh.

Nhìn nó ăn no và tươi cười như thế ngoại và tôi cũng vui lây.

Trời đã về đêm, hôm nay trông trăng thật tròn và sáng rực, chung quanh trăng là những vì tinh tú lấp lánh, tất cả dường như đang dõi theo và soi bóng bước đường về nhà của bà cháu chúng tôi vậy. Thật huyễn hoặc và diệu kì làm sao. Mọi hôm tôi có thấy điều này đâu, bỗng nhiên hôm nay lại lạ đến thế kia? Phải chăng đồng hành cùng chúng tôi là một thiên thần giáng trần? Bây giờ đã tối thế này, chắc đồn công an chẳng ai làm việc đâu nhỉ? Nghĩ thế bà tôi quyết định đưa nó về nhà để ngủ tạm qua đêm. Về đến nơi, nó trở nên rụt rè, nhìn một thứ xung quanh nhà bằng ánh mắt ngơ ngác, cũng phải vì đây là nhà của một người xa lạ không máu mủ ruột rà gì với nó hết cả, và ánh mắt như biết nói của nó như muốn nói với bà cháu chúng tôi, hôm nay mọi biến cố đến với con bé một cách thật bất ngờ và đột ngột, làm nó chẳng kịp trở tay và định thần dù chỉ trong chốc lát. Thật tội nghiệp. Ngoại tôi soạn cho nó mấy bộ đồ của tôi để nó tắm rửa rồi thay ra để ngủ. Khi ấy, chẳng biết làm sao mà trong tôi lại có cảm thấy khó chịu và không thích lắm trước cái dáng điệu làm nũng, muốn được ngoại tôi chở che vỗ về. Có lẽ là tâm lý trẻ con khởi dậy trong tôi, khi thấy ai đó muốn cướp lấy người mình thương yêu và đá mình ra khỏi vị trí trung tâm được yêu thương nên sinh ra cái cảm giác ghen ghét và không thoải mái. Được một lúc, con bé đã thiếp đi lúc nào chẳng hay, bà tôi thấy thế liền đặt nó nằm xuống và đắp chăn cho nó một cách từ tốn, và rồi bà cháu tôi cũng say giấc. Bất chợt, tiếng khóc như ban chiều lại vang lên đánh thức bà cháu tôi, con bé khóc và cứ lẩm bẩm miết: “Mẹ đừng bỏ con đi, mẹ ơi…” Ngoại tôi ôm nó vào lòng, xoa dịu nó. Ắt hẳn, trong lúc ngủ nó đã gặp ác mộng thật ghê sợ và khủng khiếp, nhưng đâu đó trong cơn mê man ngủ, nó bắt gặp được một bà tiên hiền dịu và nhẹ nhàng nắm chặt lấy tay con bé và dìu dắt nó thoát khỏi sự cơn ác mộng kinh hoàng.

Sáng hôm sau, bà tôi nghỉ bán một hôm để hỗ trợ con bé tìm lại gia đình. Bà cháu tôi đưa nó đến đồn công an tiện cho việc tra hỏi và điều tra thông tin. Các chú bảo sẽ sớm liên lạc được với người thân của con bé nên bà cháu tôi đưa nó về nhà để chờ đợi kết quả. Nhưng đời chẳng như là mơ, sau bao ngày tìm kiếm thì hay tin, mẹ nó - một bà mẹ đơn thân đã ra đi trong một vụ tai nạn khi trên đang trên đường về nhà và hình ảnh của một con bé lang thang khắp hang cùng ngõ hẹp là lúc nó đi tìm mẹ mãi mà chẳng thấy trở về. Người thân con bé lại từ chối, không một ai nhận nuôi cả, mồ côi. Nếu không ai nhận nuôi các chú công an sẽ đưa bé vào trại trẻ mồ côi để trông nom, nuôi dưỡng. Nghe được tin ấy, bà tôi bỗng rơi nước mắt, bà xót thương cho con bé chỉ mới tí tuổi đầu đã phải chịu cảnh neo đơn, không một bờ vai vững chắc để nương tựa những khi cần. Có lẽ, đây là giọt nước mắt đầu tiên bà tôi rơi xuống vì một người chẳng quen biết. Vì thương, vì có cảm tình với nó nên bà tôi đã quyết định sẽ nhận con bé về nuôi, bà tôi sẽ chẳng bao giờ cho nó hay cái tin “dữ” đó đến khi nó đủ lớn để hiểu. Từ đây, gia đình tôi lại có thêm một thành viên mới, bà ngoại của tôi cũng chính thức trở thành bà của nó và mỗi sáng không chỉ riêng tôi phụ giúp bà bán bánh mì mà có cả con bé ấy nữa.

Ngoại tôi đặt cho nó cái tên là Bình An, bà mong mỏi nó sẽ hạnh phúc, an yên như chính cái tên của nó vậy. Ngoại tôi chăm chút và thương yêu nó như một người cháu máu mủ trong nhà. Phần tôi dù vẫn chiếm vị trí độc nhất trong lòng ngoại, nhưng vẫn cảm thấy ganh tị và buồn bực vì đôi lúc ngoại cứ hay bảo tôi nhường món đồ chơi yêu thích của mình cho nó chơi cùng, đã thế tối đến An lại dành ôm bà ngoại của tôi rồi ngủ một cách ngon lành. Nhưng trái với sự khó chịu, ganh tị của tôi, An luôn yêu quý và gọi tôi hai tiếng “anh hai” ngọt lịm.

Một thời gian sau, tôi và An chuẩn bị và lớp một. Lúc đó, cha mẹ tôi về thăm bà cháu tôi và sắp xếp cho tôi và con bé cùng đi học. Tôi cứ tưởng, cha mẹ tôi chưa hề hay biết chuyện nhà ta có thêm thành viên mới. Nhưng không, cha mẹ tôi đã được ngoại tôi cho hay tin từ sớm, khi hay tin cha mẹ tôi rất thương và yêu quý nó, xem An như một thành viên trong nhà vậy. Cha mẹ tôi luôn dặn dò tôi rằng: “Con làm anh thì phải biết yêu thương và chăm sóc cho An vì cả hai đứa là anh em cơ mà”. Dù biết thế nhưng tôi vẫn chứng nào tật nấy. Tôi nhớ, tôi và An cùng học chung lớp với nhau cho đến hết những năm học cấp một. Tôi vẫn cứ tị nạnh và khó chịu với em, tìm đủ mọi lý do để ghét ghét nó cho bằng được. Thật trẻ con! Năm tôi và An học lớp ba, có lần con bé do vội vàng nên va phải anh chị khóa chị, thế là vô cớ nó bị anh chị dọa nạt, ức hiếp đến phát khóc. Với cương vị của một người anh, tôi lại đứng trơ ra nhìn một cách hả hê. Bất ngờ thay, con bé chẳng hề để bụng chuyện đó trong lòng một tẹo nào cả, An cứ vô tư, chơi đùa cùng tôi. Có lúc, tụi bạn trong lớp hay hỏi tôi và An rằng:

- Sao anh em hai cậu chẳng giống nhau nhỉ? Tớ nhìn mãi mà chẳng thấy điểm giống.

Con bé không chần chừ một giây, khoác tay tôi và dõng dạc đáp lại:

- Các cậu hãy nhìn kỹ lại xem nào, anh em chúng tớ giống nhau y đúc ấy. Chẳng qua tớ là con gái còn anh ấy là con trai nên các cậu sẽ thấy khác.

Câu trả lời của con bé thật ngây ngô, nhưng tôi mãi nhớ. Vì trong lòng con bé tôi là người anh mà nó thương yêu nhất…

An rất quý tôi, nó đều bỏ qua và tha thứ cho tôi những lần tôi làm ngơ, bỏ mặc nó bị ăn hiếp. Tôi có thể vô tâm với An như thế. Nhưng nó chẳng bao giờ làm vậy với tôi cả. Tôi vốn yếu ớt nên hay bị bọn lớp khác kiếm cớ để dạy dỗ. Có hôm tôi phải ở trong lớp, đợi chúng nó về hết mới rồi dám ra. Xui thay, hôm nọ, tụi nó vẫn chưa về nên đứng quấy phá tôi. Tôi bất lực vô cùng và quyết lòng không khóc. Nếu tôi khóc, chúng nó sẽ càng hưng phấn hơn. Trong lúc tôi sắp không đứng vững nữa. An liền xông đến xô lũ đó ra và hét tung cả ngõ nhỏ làm mọi người xung quanh chú ý đến, điều này làm kinh hãi đến bọn nó. Về sau, chúng chẳng còn chọc phá, ăn hiếp tôi như trước nữa. An không chỉ đứng ra bảo vệ tôi một lần như thế, mà em đã can đảm che chở tôi vô số lần. Từ những lần như vậy, tôi và An ngày càng khăng khít và thân thiết với nhau hơn. Tôi không còn khó chịu và vô tình với An như trước nữa. An thật tài, khi con bé đã cảm hóa tôi và xua tan đi cái cảm giác ghen ghét, ganh tị trong tôi. Cứ như thế, anh em chúng tôi gắn bó cùng nhau đến những năm học cấp hai.

Khi lên cấp hai, anh em chúng tôi không còn học chung lớp như ngày trước nữa, mà mỗi đứa học một lớp. An học lớp A1 còn tôi học lớp A2. Tuy vậy, anh em tôi vẫn thường hay giúp đỡ nhau trong học tập và công việc. Thật tự hào, suốt những năm tháng học cấp hai, anh em tôi luôn nằm trong top học sinh giỏi của khối, luôn được thầy cô khen ngợi và yêu thương vì chăm ngoan, lễ phép.

Nếu như An có trí thông minh và sự nhạy bén thì tôi là một đứa nhạy cảm và có tư duy xã hội. Thế nên, anh em tôi đều chọn lựa và rèn luyện những môn học đúng với sở trường và đam mê thực sự của hai đứa. An học rất giỏi môn toán và em cũng hay chỉ dẫn cho tôi học môn toán, cách giải em đưa ra luôn độc đáo, ngắn gọn và rất dễ hiểu. Còn tôi lại rất yêu thích và say mê với môn văn, bài luận tôi viết ra đều được thầy cô lấy làm bài mẫu cho cả lớp cùng học tập và tham khảo, tôi rất vui và hãnh diện về điều đó.

Có lẽ trong bốn năm học cấp hai, năm học lớp chín để lại trong tôi nhiều kỉ niệm và cảm xúc nhất. Năm ấy, chúng tôi được cọ sát với các kì thi từ cấp trường, cấp huyện rồi lên đến cấp tỉnh; Hơn nữa, anh em tôi và các bạn có những phút giây vui đùa và học tập cùng nhau rất đáng nhớ; Đặc biệt hơn cả, là khi hè đến, anh em tôi, các bạn học sinh cuối cấp hai sẽ phải trải qua kì thi vô cùng quan trọng mang tên “thi chuyển cấp”. Trong năm học lớp chín đó, cả anh em chúng tôi đều đoạt được giải cao trong các kì thi từ huyện đến thành phố. Khép lại những kì thi, anh em chúng tôi miệt mài với đống sách vở và những bộ đề dày trăm trang để rèn luyện và trau dồi kỹ năng thật tốt để vững tin bước vào kì thi chuyển cấp đang gần kề. Cả anh em tôi đều đăng ký nguyện vọng một vào trường chuyên trong tỉnh - một ngôi trường mà cả hai đứa luôn ao ước được học tập để tiếp tục phát huy đúng đam mê và sở thích. Ba mẹ và bà ngoại rất vui vì chúng tôi đã có định hướng và luôn phấn đấu ngày ngày để chinh phục được ước mơ lưu tên mình trên bảng trúng tuyển vào lớp mười.

Ngày tổng kết đã đến, thầy cô và các bạn hôm nay trông ai cũng thật xinh xắn và tươm tất. Những bộ áo dài thướt tha, những bộ đồng phục được là thẳng tắp. Trong không khí hân hoan, điểm lại những thành quả trong một năm học vừa trôi qua, các bạn đều háo hức và mong chờ được gọi tên với thành tích mình đạt được. Rồi không khí tưng bừng lúc đầu dịu đi, thay vào đó là cảm giác xúc động trào dâng, mới đây mà lứa học sinh ngày nào sắp phải nói lời chia xa với mái trường để tìm đến một ngưỡng cửa mới, một bến đỗ tiếp theo của cuộc đời. Đại diện học sinh toàn trường, An dịu dàng bước lên bục phát biểu, tôi không ngờ con bé lại viết một bài phát biểu cảm động và giàu cảm xúc đến như thế, dường như từng câu chữ em viết ra đều thấm đượm tình cảm của em với mái trường này suốt bao năm qua. Nhìn xung quanh, tôi thấy các bạn đã mắt đỏ, lệ hoen mi. Có đứa còn ôm chặt lấy nhau mà bảo rằng: “Cậu đừng quên tớ nhé!”, “Chúng mình sẽ vẫn đi chơi cùng nhau nhé”,.. Trong đời, tôi chưa từng thấy những cảm tình nào lại đẹp đến thế! Có lẽ trong phút giây sắp chia xa, những luyến tiếc, xúc cảm bấy lâu bộc phát làm con người cảm động đến phát khóc. Bởi sau phút giây này, tôi và bạn sẽ ở những phương trời khác nhau, sẽ chẳng cùng nhau đi về chung đường như trước nữa. Vì thế hãy trân trọng nhau nhé dù chỉ trong một khoảnh khắc rất ngắn ngủi, liệu rằng sau này ta có cùng nhau nô đùa, cùng nhau trốn tiết hay cùng nhau học tập đến khuya nữa hay không? Câu hỏi ấy khó mà trả lời được. Thôi thì ta hãy ghì chặt nhau những phút giây này mà nói ra những tâm tình bấy lâu, còn câu hỏi kia ta sẽ vấn thời gian, vấn tương lai mãi về sau. Bất giác, tôi chẳng biết mình đã khóc từ khi nào. Có thể, lúc An trải lòng mình từ những câu đầu tiên hay lúc tôi nhìn mọi người ôm lấy nhau thúc thích đôi ba dòng tâm sự. Và rồi dù thế nào ta cũng chia xa. Buổi tổng kết kết thúc và đọng lại trong mỗi người những dư âm thực sự rất khó quên.

Bước đến cổng trường, tôi và An nhìn nó lần cuối, rồi lặng lẽ ra về. Hôm nay, phượng đã nở khắp cả đường đi về, những cánh phượng như rực cháy với một màu đỏ thẫm trải dài từ trường làng đến nhà chúng tôi hệt như một tấm lụa dài, êm và mềm mại như nhung. Hoa phương rơi từng cánh từng cánh một để rồi, khi những cô cậu học sinh lướt qua trong bộ đồng phục trắng gợi lên trong tôi biết bao nhiêu cảm xúc và hoài niệm. Nó ánh lên trong tôi hai tiếng tuổi trẻ khát khao. Trên đường chúng tôi về, hòa vào cơn mưa hoa phượng rơi là những khúc hát vang ngần của dàn hợp xướng ve sầu - một dàn hợp xướng đặc biệt nó chỉ xuất hiện và vang lên mãi những khúc hát vào mùa hè mà thôi. Vì thế, mà chúng tôi tận hưởng. Ôi cái không khí ấy tuyệt thật, náo động, nhộn nhịp và căng tràn sức sống của tuổi trẻ đang rực cháy như cái màu đỏ thẫm chẳng bao giờ phai của hoa phượng kia.

Tuy rằng thời gian hè năm nay, anh em chúng tôi phải tất bật sách vở một cách miệt mài chuẩn bị bước vào kì thi tuyển sinh quan trọng và đầy căng thẳng. Nhưng đối với chúng tôi, chẳng mùa hè nào lại đẹp và rực rỡ như mùa hè năm nay. Ngày thi đang đến gần kề, cha mẹ chúng tôi xin nghỉ phép ít hôm để về động viên cổ vũ anh em chúng tôi hoàn thành tốt kì thi. Lúc bấy giờ, bà ngoại đã rủ cả nhà chúng tôi cùng đi công viên để cho khoay khỏa, giảm bớt đi phần nào áp lực . Cả nhà tôi đã trải qua những ngày vui chơi thật vui, thật ý nghĩa và có cùng nhau những bức ảnh gia đình lưu niệm thật đẹp, thật ý nghĩa. Chính điều này, đã tiếp thêm cho anh em chúng tôi sự tự tin, phấn khởi để cố gắng hoàn thành tốt kì thi mà không còn những nuối tiếc.

Ngày thi bắt đầu diễn ra, tôi và An cố trấn an, động viên nhau rồi cùng nhau bước vào trường để dự thi. Hôm ấy, anh em chúng tôi khoác lên mình những bộ đồng phục đẹp nhất, bảnh bao nhất. Chúng tôi bước chân vào phòng thi với tâm thế đầy tự tin. Giờ thi bắt đầu điểm. Tôi hừng hực chấp bút ưu tiên làm những câu hỏi dễ, những câu tôi nắm chắc nhất để không bị mất điểm oan, thời gian còn lại tôi tập trung hết trí lực của mình để hoàn thành những câu hỏi ở mức vận dụng cao. Thật may mắn, đề thi dễ thở đối với anh em tôi. Bởi chúng tôi đã ôn rất kỹ lưỡng từng dạng từ cơ bản đến nâng cao. Vui hơn nữa là cả hai đứa tôi làm bài bằng cả sự nhiệt huyết và chẳng hối tiếc một chút nào cả. Sau khi bước ra phòng thi, tôi chắc chắn một điều rằng, cả An và tôi chắc chắn sẽ đạt điểm số như mong đợi. Những ngày thi căng thẳng đã trôi qua, dường chúng tôi đã cầm chắc phần thắng trong tay. Cả cha mẹ và bà ngoại đều tin vào điều đó.

Trong những ngày đợi chờ kết quả, bà ngoại quyết định cùng đưa chúng tôi về thăm lại bến quê xưa ở tận miền Trung - nơi mà chúng tôi chỉ được ghé thăm một lần cách đây năm năm. Theo lời ngoại kể thì ngày trước do mưu sinh nên bà lặn lội khắp mọi nơi và cuối cùng dừng chân định cư tại miền Nam - nơi ở hiện tại của chúng tôi. Suốt chuyến đi ấy, cả nhà chúng tôi đã quây quần và vui chơi cùng nhau. Nhưng tôi cảm giác, hình như trong An đang chất chứa một điệu buồn gì đó. Tôi rặn hỏi nhưng em vẫn mỉm cười nhẹ và bảo:

- Chẳng có gì đáng lo đâu anh hai, về thăm quê nên lòng em có chút hoài niệm thôi ạ!

Tôi mong là vậy. Thế rồi, tôi cùng An dạo quanh con đường làng để chuyện trò và cùng nhau nô đùa như ngày trước. Trên chính con đường làng này, chúng tôi cùng vui đùa cùng đám bạn, chạy quanh và reo khắp xóm. Có những lúc, đi hái trộm xoài bên đường rồi bị phát hiện chúng tôi vụt chạy bán sống bán chết. Tuy chỉ giản đơn thế thôi, nhưng đó lại là mảnh kí ức chẳng bao giờ phai của tôi khi đặt chân về lại miền Trung đầy nắng và gió. Cũng trong hôm đó, tôi ngại ngùng hỏi An:

- Trước đây, anh luôn đối xử không tốt với em, nào là tị nạnh, ghen ghé nhưng sao em vẫn luôn bênh vực và yêu thương anh vô vùng như thế?

An nhìn tôi với cái dáng vẻ ngây ngô rồi lắc đầu, em thì thào cười và đáp rằng:

- Anh đối xử với em không tốt vào khi nào nhỉ? Sao em chẳng nhớ ra? Hơn nữa nếu có thì em cũng chẳng để ý gì cả vì anh là anh trai của em cơ mà, là anh em của nhau thì phải thông cảm và tha thứ cho nhau chứ, ai chẳng có lúc trẻ con, nông nỗi quan trọng là bản thân ta đã nhận ra và dần che lấp những khuyết điểm ấy.

Câu nói của An làm tôi cảm thấy thật nhục nhã. Với trách nhiệm của một người anh mà tôi lại ganh ghét nó, bỏ mặc nó như thế. Tôi hỏi em, mà chẳng dám nhìn thẳng vào mắt nó. Tôi cảm thấy gượng gạo khi cất lên câu hỏi ấy nhưng không hỏi thì tôi sẽ chẳng bao giờ hiểu được em yêu thương tôi như thế nào. Đúng như em nói, con người ta luôn có những phút để hiển hiện ra bản ngã của mình, thể hiện ra sự ích kỷ mà có những hành động ti tiện làm tổn thương người khác. Lắm lúc, chỉ vì chuyện nhỏ nhặt chẳng đáng để ta để bụng, nhưng ta vẫn giữ nó để ra dần sinh ra cái thói vị kỷ, chỉ nghĩ tới mình mà chẳng quan tâm đến những xúc cảm của người khác rồi làm họ phải buồn rầu, thương tổn trái tim máu nóng. Có lẽ, tôi vẫn còn may mắn khi vẫn được bên cạnh em để sửa chữa lỗi lầm trước kia, có cơ hội để hỏi em điều ấy! Đôi khi có những người sau khi đã chín chắn hơn họ muốn tìm về người xưa để nói hai tiếng xin lỗi nhưng tất cả đã quá muộn màng. Vì thế đương lúc còn sống, ta hãy chân thành với nhau, nói lời yêu thương nhau trước khi quá muộn. Đời là vô thường.

Sau chuyến đi này, chúng tôi sẽ có kết quả của kì thi tuyển sinh vào lớp mười. Thế nên tôi rất đỗi háo hức và mong ngóng từng ngày.

Ngày biết kết quả cuối cùng cũng đến, không ngoài dự những gì tôi dự đoán, tôi đạt điểm số rất cao. Tôi vui mừng chạy báo tin cho ngoại hay, ngoại mừng rỡ nhìn tôi mà mắt ứa lệ, có lẽ bà đã thở phào vì tôi đã hạ cánh an toàn trên một chặng đường mới. Hình như, tôi đã quên một điều gì đó! Tôi vẫn chưa thấy An về. Sao có bé lại lâu về thế nhỉ? Tôi quên báo cho em hay rằng đợt này điểm sẽ công bố trên website của trường mà chúng tôi đăng ký, nên làm con bé phải vất vả chạy đến trường để xem kết quả. Tôi vội hỏi ngoại và được bà cho hay là con bé đã về nhà.

Tôi thở phào nhẹ nhõm rồi vui vẻ chạy một mạch về nhà để báo cho cha mẹ tôi hay và chia vui cùng An. Về đến nhà, cha mẹ tôi rất vui khi thấy kết quả của tôi song vẻ mặt lại tỏ ra có chút chạnh lòng như tiếc nuối một điều gì đó. Thì ra, An thi trượt trường chuyên vì em bị khống chế một môn học và cơ hội của An tôi thấy rất mong manh vì điểm chuẩn năm nay chắc chắn sẽ rất cao mà An lại bị khống chế một môn học. Hơn nữa, môn An bị khống chế lại là cái môn mà An học vượt trội hơn cả tôi. Khi nhìn vào bảng điểm của nó, tôi chẳng tin vào mắt mình chuyện này lại xảy ra, các môn còn lại điểm của em còn cao hơn cả tôi nữa cơ mà. Phải chăng con bé cố tình làm như thế? Trong lúc không kiềm chế được cảm xúc, tôi đã quát em:

- Tại sao mày lại làm thế hả An? Có phải mày đang cố tình để thi trượt hay không?

Nó chẳng dám nhìn vào tôi, mặt mếu máo đôi mắt nó rưng rưng, em chẳng nói một câu nào rồi lẳng lặng bỏ về phòng, nhốt mình ở đó đến tối. Khi ngoại về, bà hay tin nên rất xót. Ngoại lên phòng rồi an ủi con bé. Được một lúc sau thì trong phòng vọng lên tiếng la của ngoại:

- Trời ơi, cháu của bà, sao con lại làm thế?

Cả nhà tôi bất ngờ vì đây là lần đầu bà tôi lại la con bé như thế. Nhưng trong lời la, trách móc ấy tôi lại cảm nhận được sự xót xa của ngoại, bà không muốn cháu bà phải tự tay bóp nát đi ước mơ của mình chỉ vì những tiếng hoàn cảnh không cho phép. Đúng như tôi dự đoán. An đã cố tình thi rớt vì sợ cả nhà ta vì nó phải vất vả, con bé biết khi lên cấp ba mọi chi phí sẽ đắt đỏ hơn nên muốn nhường hết phần học của mình để cho tôi đến trường. Con bé cảm thấy suốt bao năm qua nó dường như đang gánh trên vai mối ân tình và đến lúc nó phải trả nên con bé muốn nghỉ học sớm để phụ giúp ngoại và cha mẹ tôi để đỡ phần nào chi phí. An muốn tôi đến trường mà không phải lo toan vất vả hay nhường cơm sẻ áo cho nó nữa.

Khi hay chuyện, cả nhà tôi đều xúc động vô cùng, thì ra bao lâu nay con bé luôn nghĩ về gia đình chúng tôi, An luôn muốn làm gì đó để phụ giúp chúng tôi. Con bé không chỉ nhận được sự yêu thương, bao dung từ gia đình tôi mà nó luôn khao khát trao gửi lại đến gia đình tôi những yêu thương to lớn hơn nữa. An rất hiểu chuyện, nó luôn phụ giúp mọi người trong gia đình tôi, luôn chủ động làm mọi việc mà không cần đợi ai nhờ vả cả. Con bé cảm thấy đó như là trách nhiệm và bổn phận mà mình phải thực hiện vậy. Nhưng gia đình tôi có thể nhịn ăn nhưng sẽ chẳng bao giờ để con cháu mình phải nhịn học cả. Thật may mắn cho An, dù rằng em không đỗ vào ngôi trường em thực sự mơ ước nhưng điểm số ấy của em vẫn giúp em đậu vào một trường chất lượng tốt trong tỉnh, chỉ xếp sau trường chuyên tôi đang theo học. Từ đó, gia đình tôi luôn cố gắng tạo điều kiện hơn để anh em tôi học tập thật tốt không để ai phải thiệt thòi. Mùa hạ năm ấy, tôi sẽ mãi nhớ đến về sau, đó là miền ký ức đẹp và thấm đẫm tình người về một cô bé hiểu chuyện, ham học và luôn nghĩ đến người khác.

Gia đình chúng tôi và con bé tuy chẳng chung một dòng máu, cũng chẳng phải ruột rà gì cả. Nhưng chính sự yêu thương, đồng cảm và lòng trắc ẩn đã nối kết chúng tôi lại với nhau. Hơn hết là cho An một mái ấm gia đình thật trọn vẹn như bao đứa trẻ khác và luôn cố gắng bù đắp những khoảng trống trong trái tim ấm áp và vị tha của em. Không chỉ vậy, An còn cho chúng tôi hiểu được vị tha và hiểu chuyện là như thế nào. Em luôn tha thứ cho những lần tôi ra sức ganh ghét, tị nạnh với em, bằng một cách thần kì nào đó, em đã làm tan biến đi sự vị kỷ trong tôi. Hơn nữa con bé luôn hiểu chuyện đến mức làm người khác phải cảm động, em luôn nghĩ về mọi người, em sợ mọi người vì mình mà vất vả, chịu nhiều khổ cực.

Mùa hè năm ấy, sẽ mãi là một phần trong ký ức của mỗi người trong gia đình tôi, về những chuyến đi, về những lần trải lòng nhau với cái gọi là tình người nơi chốn xô bồ. Em đã gieo vào lòng mỗi chúng tôi hạt mầm của tình yêu thương và gia đình tôi xin được phép cùng An hát vang mãi câu hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không. Để gió cuốn đi”.

(Để gió cuốn đi - Trịnh Công Sơn)


*Chú thích: Ý tưởng gợi nhắc cho mình sáng tác truyện ngắn này là khởi nguồn từ câu chuyện cảm động ngoài đời thực của chúng ta, hai mẹ con vào dịp cuối năm ghé lại và gọi năm cái bánh xèo tại một quán ăn khi ăn xong người mẹ lẳng lặng rời đi bỏ lại đứa con quán cho ông bà chủ. Đó là câu chuyện của ông Nguyễn Văn Chương sống ở quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh.
 

Đính kèm

  • Add a heading (1).png
    Add a heading (1).png
    2.3 MB · Lượt xem: 404
917
5
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top