NGÔ QUYỀN - VUA CỦA CÁC VỊ VUA

NGÔ QUYỀN - VUA CỦA CÁC VỊ VUA

Phong trần gió bụi, Bắc Quốc đô hộ dân tộc ta suốt nghìn năm qua. Bọn lòng lang dạ thú, âm mưu đồng hóa dân ta không thành liền gây cuộc binh đao, kiếm cớ trút hận thù lên đầu bao nhiêu sinh linh vô tội. Suốt chừng ấy thời gian, bao nhiêu đau thương, tang tóc mà nhân dân ta nếm trải hẳn sẽ trở thành vết thương không bao giờ lành. Là con dân nước Việt, ta không thể ngoảnh mặt làm ngơ.

Nhân nội bộ họ Kiều đang chia rẽ trầm trọng, lòng dân oán hận quyền lực của Công Tiễn, ta phải thừa cơ mưu tính kế hoạch, luyện tập ba quân, chờ thời điểm thích hợp quyết một trận sống mái, giành lại giang sơn đất Việt
”.

Trong thư phòng, ánh nến soi tỏ gương mặt của vị tướng trẻ tuổi họ Ngô. Sống mũi cao, mắt sáng có thần, đôi lông mày hình cánh cung vắt ngang qua dưới vầng trán rộng. Ánh nến hắt bóng chàng lên vách, in nghiêng một tấm lưng rộng, trầm tĩnh mà oai nghiêm. Ngô Quyền gác chiếc bút lông xuống bên cạnh, khẽ nhắm mắt thở dài. Bức tâm thư chàng vừa viết hẵng còn chưa ráo mực. Ngoài trời, đêm dần hạ xuống trên những ngọn liễu, lẩn khuất ánh lân tinh chập chờn của lũ đom đóm.

Chàng đứng dậy, cầm bức thư tới trước ban thờ tổ tiên. Châm nhẹ lửa từ ngọn đèn dầu, mảnh giấy trên tay chàng cháy một chậm rãi. Giây lát, khi bức thư chỉ còn là nắm tro tàn hiu hắt, Ngô Quyền ngước mắt lên, khấn thầm.

Họ Ngô xưa nay anh dũng kiêu hùng, một lòng tận trung báo quốc. Nay lũ giặc Nam Hán với dã tâm lớn muốn thôn tính dân tộc ta, hậu bối Ngô Quyền lòng đau như cắt khi thấy con dân nước Việt bị đàn áp, chịu đau đớn muôn phần. Vậy nên, từ giờ phút này, hậu bối xin hứa với các bậc tiền nhân. Dù có đem cả tính mạng ra đánh đổi, Ngô Quyền này cũng quyết đánh bại quân xâm lược, trả lại bình yên cho nước nhà”.

Đoạn chàng vái ba vái, thẳm sâu trong tâm khảm, quyết tâm như ngọn lửa đang chực chờ bùng phát dữ dội…



Có lẽ trong tương lai gần, khi đủ thời gian cũng như trình độ văn tài, tôi sẽ chắp bút tiếp nối cho những dòng phía trên. Bởi vì, từ khi học Lịch Sử năm mười hai tuổi, khi nghe giảng về “Ngô Quyền và chiến thắng trên sông Bạch Đằng”, tôi cảm thấy thích thú và bắt đầu tìm đọc thêm nhiều tư liệu khác về ông, vị anh hùng dân tộc tài ba xuất chúng trong lịch sử Việt Nam. Từ đấy, khát khao viết một thiên tiểu thuyết dã sử về Ngô Quyền bắt đầu hình thành và âm ỉ cháy cho đến bây giờ.

ngô quyền.jpg

Ngô Quyền - Vua của các vị vua

Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, viết:

Khi Ngô Quyền vừa mới sinh có ánh sáng lạ đầy nhà, dung mạo khác thường, có 3 nốt ruồi ở lưng, thầy tướng cho là lạ, bảo có thể làm chủ một phương, nên mới đặt tên là Quyền. Ngô Quyền lớn lên, khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi thong thả như hổ, có trí dũng, sức có thể nâng được vạc bằng đồng”.

Để hiểu rõ và thấy được trọn vẹn tinh hoa trong nghệ thuật thủy chiến và điều binh khiển tướng của Ngô Quyền ở trận Bạch Đằng, ta phải phân tích qua ba giai đoạn. Tạm gọi là: tiền chiến, trung chiến và hậu chiến. Lấy trận Bạch Đằng giang làm trung tâm, tài năng của Ngô Quyền thể hiện rõ nhất qua các yếu tố cấu thành và diễn biến xoay quanh trận chiến này.

Tiền chiến vững như bàn thạch

Nghe tin cha vợ Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn mưu sát, Ngô Quyền tập hợp hào kiệt tiến đánh, hành quân thần tốc khi quân Nam Hán chưa kịp tiếp ứng cho họ Kiều. Lợi dụng tâm lý chủ quan của vua Nam Hán – Lưu Nghiễm – khi cho rằng Dương Đình Nghệ qua đời thì Tĩnh Hải quân (quân Việt) không còn tướng giỏi, Ngô Quyền tập kích hạ sát Kiều Công Tiễn, một mặt báo thù cho cha vợ, một mặt triệt tiêu nội ứng của quân Nam Hán, tiện bề giăng thiên la địa võng chờ quân thù.

Ngô Quyền đã vận dụng hợp lý kế “Nhất tiễn hạ song điêu” (một mũi tên trúng hai con chim) trong binh pháp. Vừa báo thù cá nhân, vừa duy trì lợi thế của quốc gia trước âm mưu bành trướng của giặc. Thời điểm này là thích hợp nhất để chuẩn bị kế hoạch tác chiến và chờ thời cơ ra tay, quyết một trận phân định lãnh thổ rạch ròi, tránh đêm dài lắm mộng. Bên cạnh đó, Ngô Quyền phải là người thế nào mới thu phục nhân tâm của rất nhiều hào kiệt về phe mình để tiến đánh Kiều Công Tiễn. Nên nhớ,, sau khi Dương Đình Nghệ mất, lòng quân đang hoang mang và dễ bề rối loạn. Thế nhưng, vị tướng trẻ họ Ngô lại trấn an được lòng người, liên kết nhân lực để tạo nên lực lượng vững mạnh như vậy.

Trung chiến: Xoay chuyển tam hợp thiên thời – địa lợi – nhân hòa

Trong triết lý văn hóa phương Đông, vạn sự muốn như ý cần sự phối kết hợp giữa ba yếu tố: thiên thời (thời điểm, ý trời) – địa lợi (bối cảnh, không gian, địa điểm) – nhân hòa (con người). Và trong trận Bạch Đằng, để đi đến thắng lợi oanh liệt như thế, Ngô Quyền đã có được sự “ủng hộ” của cả ba. Sự ủng hộ này không phải may mắn mà có, ngược lại nó đến từ sự toan tính trong trí tuệ bậc thầy của vị tướng họ Ngô.

Trước hết, ta hãy xem kế hoạch của quân Nam Hán. Lưu Nghiễm cho con trai Hoằng Tháo làm Tiết độ sứ, đem 2 vạn quân tiến đánh với danh nghĩa cứu Kiều Công Tiễn. Lưu Nghiễm muốn hành quân nhanh nên bỏ ngoài tai mọi lời can gián, sai Hoằng Tháo đem quân theo đường biển tiến vào sông Bạch Đằng. Đây chính là “thiên thời”, khi vua Nam Hán chủ quan khich địch, xem thường quân Việt. Nếu suy nghĩ khác đi, vua Nam Hán hẳn đã có kế hoạch khác. Khi nghe tin Hoằng Tháo sắp đến, Ngô Quyền bảo với các tướng rằng:

“Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được”.

Ở đây, Ngô Quyền đã nắm rõ và áp dụng kế sách “Dĩ dật đãi lao” (lấy an nhàn đối phó với mệt mỏi), giao chiến ngay khi quân địch chưa kịp hồi sức, tạo ưu thế đảm bảo cho chiến thắng về sau. Sau này, trong “Binh thư yếu lược” Trần Quốc Tuấn viết rằng: “Giả như người trí kia làm ngu thì dùng kế ngu mà đối phó, người ngu kia làm trí thì dùng kế trí mà gieo vào. Nên vượt qua cái tầm sở kiến của địch và chống lại cái nghi của địch thì không kế nào là không thành công. Cho nên kế phải nhân người mà đặt”. Thật vậy, Ngô Quyền ngay từ đầu khi nói với binh sĩ đã cho rằng “Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại”. Chỉ chừng đó thôi, đủ để thấy vị tướng họ Ngô hiểu rõ quân địch như thế nào.

Khi quân Nam Hán đến vùng cửa biển và hạ lưu trên sông Bạch Đằng, cả một binh đoàn hùng mạnh dưới quyền chỉ huy của Lưu Hoằng Tháo hiên ngang tiến vào trận địa mà quân Việt đã giăng sẵn. Lúc này, Ngô Quyên cho thuyền nhỏ, nhẹ ra dụ địch khiến địch chủ quan rồi giả vờ thua chạy. Quân Nam Hán cho chiến thuyền đuổi theo. Khi thủy triều xuống, Ngô Quyền mới lệnh cho binh sĩ đổ ra đánh. Thời điểm đó, khi nước hạ, bãi cọc lộ ra đâm thủng hầu hết thuyền địch, đồng thời liên kết tạo thành mạng chướng ngại vật khiến chiến thuyền to lớn của quân Nam khó bề xoay trở, di chuyển. Ở chiều ngược lại, với hàng trăm thuyền bé và nhẹ, quân Việt dễ dàng xuyên qua bãi cọc đánh cho quân Nam Hán một trận tơi bời không còn manh giáp.

Có thể thấy rằng, sự đa mưu túc trí của Ngô Quyền thể hiện vô cùng đậm nét trong trận chiến này. Từ việc biết rõ quân Nam Hán từ xa đến sẽ mệt mỏi nên tranh thủ đánh ngay, không cho chúng thời gian hồi phục. Đến việc tính toán thủy triều lên xuống, cho quân sĩ đóng cọc có bịt sắt nhọn xuống lòng sông Bạch Đằng. Dụ địch vào đúng bãi cọc ngầm và đợi đúng lúc thủy triều rút. Mọi suy tính này đều chính xác đến mức khó tin, bởi vì chỉ cần một chi tiết trong kế hoạch không ăn khớp thì kết cục trận chiến sẽ thay đổi khó lường. Vị tướng quân họ Ngô tỏ rõ bản lĩnh hùng tài thao lược quân sự cũng như am hiểu địa lý, thời tiết.

Hậu chiến huy hoàng

Nghe tin Lưu Hoằng Tháo tử trận, vua Nam Hán đang cầm quân tiếp ứng ở biên giới đã không kịp trở tay. Đành kinh hoàng, ngậm ngùi rỏ lệ và “thương khóc thu nhặt tàn quân còn lại mà rút lui” (theo “Đại Việt sử ký toàn thư”). Từ đó, nhà Nam Hán bỏ hẳn mộng xâm lược Tĩnh Hải quân, chấm dứt hơn 1000 năm đô hộ của phong kiến phương Bắc.

Năm 939, Ngô Quyền lên ngôi vua, xưng là Ngô vương lập ra nhà Ngô, đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội ngày nay). Với chiến thắng oanh liệt trên sông Bạch Đằng năm 938, Ngô Quyền trở thành vị vua có “công tái tạo, vua của các vua” (Đại Việt sử ký toàn thư). Dù triều đại nhà Ngô chỉ tồn tại ngắn ngủi sau đó, thế nhưng chiến thắng Bạch Đằng đã mở ra một thời kỳ mà Việt Nam xây dựng đất nước trên quy mô lớn. Về sau, các triều đại Lý, Trần, Lê cũng lập vô số chiến tích như đánh đuổi Tống, phá giặc Nguyên, đánh bại quân Minh. Một thời đại văn hóa Thăng Long rực rỡ, văn minh Đại Việt hưng thịnh.

Bây giờ, dù đọc qua nhiều sách sử, tìm hiểu những giai thoại, câu chuyện lịch sử khác nhau trong quá khứ hào hùng của dân tộc, tôi vẫn luôn ấn tượng đặc biệt và yêu mến Ngô Quyền. Ông không được biết đến qua nhiều trận đánh khác nhau, tiếng tăm của ông cũng không nổi bật bằng những danh tướng đời sau như Trần Hưng Đạo, Quang Trung… Thế nhưng, chỉ bằng một trận Bạch Đằng giang, Ngô Quyền đã tạo dựng vị thế khó suy suyển trong nền lịch sử nước nhà. Mãi về sau, con dân Việt Nam sẽ luôn nhớ về ông, vị tướng tinh thông binh pháp, thấu hiểu nhân tâm và đa mưu túc trí bậc nhất.
 
895
5
1

A Kha

Thành Viên
9/9/21
14
32
13,000
Xu
8,207
Đọc lịch sử Việt Nam thời kỳ Ngô Quyền, đầu tiên là thán phục trí dũng của một bậc anh tài; sau là tự hào, rất tự hào; sau cùng là tiếc nuối. Tiếc vì 6 năm trị vì ngắn ngủi của Ngô Quyền, tiếc cho lịch sử Việt Nam, nếu Tiền Ngô Vương có dài hơn 6 năm trị vì đất nước thì đoạn sử nối sau có lẽ không phải là loạn 12 sứ quân, có lẽ.

Mong đợi một "tương lai gần, khi đủ thời gian cũng như trình độ văn tài" bạn sẽ "chắp bút tiếp nối cho những dòng phía trên".
 
  • Like
Reactions: An Bình

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top