Dự thi NGƯỜI BỐ VĨ ĐẠI - XƯƠNG RỒNG

Dự thi NGƯỜI BỐ VĨ ĐẠI - XƯƠNG RỒNG

Tôi có một người bố, bố không cao to, đẹp trai, cũng chẳng nhiều tiền nhưng bố luôn dành mọi thứ tốt đẹp nhất cho hai chị em tôi. Bố không hoàn hảo, bố cũng có những tật xấu như thi thoảng chơi bài, hút thuốc thế nhưng tôi chẳng ghét nổi bố, bố vẫn luôn là người tôi yêu thương nhất trên thế gian này.

Bố có cách yêu thương con cái của riêng bố, âm thầm và lặng lẽ. Tôi nhớ nhất là hồi còn bé, vào những ngày hè nóng bức và ngột ngạt. Những ngày ấy, ve kêu râm ran khắp trưa hè, ngoài trời nắng cháy da cháy thịt khiến cho cỏ cây cũng héo úa. Tôi sợ nhất là ăn cơm vào những buổi như thế. Cái hơi nóng của cơm, hơi nóng của sân hắt vào nhà khó chịu vô cùng. Mặc dù có bật quạt nhưng chiếc quạt vo ve như muỗi kêu ấy, đuổi ruồi ruồi còn không thèm bay huống chi là xua tan đi cái oi bức. Cái bát cơm trên tay, cũng vì thế mà cầm mãi cũng không nguội.
Bố tôi tinh ý lắm. Nhìn thấy vậy, bố đã cầm bát cơm của hai chị em, vừa thổi vừa đảo để cho cơm nhanh nguội. Lúc hai chị em ăn cơm, bố lại vừa tranh thủ một tay ăn, một tay quạt mát cho chúng tôi. Cứ quạt ngừng là hai chị em kêu nóng, khiến bố chẳng được ngơi tay lúc nào. Mồ hôi rơi lấm tấm trên trán, vậy mà bố chẳng kêu ca lấy một lời.


Mùa hè cũng là mùa tôi sợ nhất – mùa gặt. Khi cánh đồng lúa chín vàng, các bông lúa nặng trĩu hẳn xuống, nhà tôi bắt đầu đi gặt. Thời đó, bọn trẻ con chúng tôi mới lớp hai, lớp ba thôi nhưng việc nhà cửa, cơm nước, lợn gà chúng tôi đều phải làm hết. Gặt lúa cũng không ngoại lệ. Tôi mặc quần áo dài tối màu, đội nón, cầm ấm nước chanh đường theo chân bố mẹ ra đồng.
Mùa gặt chỉ trong vòng tầm một tuần, nếu không gặt nhanh là lúa sẽ hỏng, vậy nên nhà tôi ai cũng cố gắng đưa liềm thật nhanh để cắt cho xong. Thi thoảng tôi sẽ dừng lại, ngẩng đầu nhìn xem bố mẹ gặt đến đâu rồi, vừa tranh thủ lau đi giọt mồ hôi rơi đầy trên mặt.
Bố tôi như có mắt thần vậy, bởi cứ khi nào tôi cảm thấy mệt mỏi, bố lại kiếm cớ cho tôi giải lao, ví như về nhà lấy nước cho bố ( dù ấm nước vẫn còn), về nhà nấu cơm ( dù bữa trưa hẵng còn sớm),…Tôi dù còn nhỏ những cũng đã hiểu được bố chu đáo như nào.
Tôi có một chiếc vòng đá màu đỏ, là quà bố mua cho tôi khi đi lễ chùa. Đó cũng là món trang sức đầu tiên của tôi luôn. Bọn trẻ con chúng tôi thì đứa nào chả thích mấy cái vòng vèo như thế, vậy nên tôi cứ đeo trên tay rồi ngắm nghía suốt ngày, làm gì cũng phải nhẹ nhàng vì sợ nó vỡ. Ấy nhưng cuối cùng nó vẫn phải ra đi. Tôi mò đi chơi với lũ bạn, quên cả đường về. Vậy nên đón chào tôi trong ngôi nhà là cây roi mây của mẹ. Mẹ tôi đang tức mà nên đánh đau lắm, cứ quật bừa thôi, và không may đánh trúng ngay cái vòng bố tặng.


Tôi là một kẻ vô cùng lì lợm, vậy nên dù mẹ đánh đau, tôi cũng chẳng than lấy một lời. Thế nhưng khi chiếc vòng mà tôi luôn nâng niu, trân trọng ấy bị vỡ, tôi oà khóc, khóc đến mức không nói được. Cuối cùng vẫn là bố dỗ dành tôi, hứa mua cho tôi chiếc vòng khác.

Hồi lớp năm, vì miếng cơm manh áo nên mẹ tôi phải vào trong Nam chỗ bác cả để làm việc. Tất cả mọi công việc lớn nhỏ trong nhà đều do một tay bố tôi lo. Ngày đó cây cảnh có giá rất cao, vậy nên bố đã dùng hết số tiền kiếm được để trồng cây si. Vậy nhưng trồng được một thời gian thì bố lại phải đi Lào Cai làm công trình cho bác, việc chăm sóc cây cảnh rơi vào tay hai chị em tôi.
9834707B-0D71-4F3A-B04A-56A8B09E3F3A.jpeg
Người bố vĩ đại - Văn học trẻ
Ảnh: Sưu tầm

Bố tôi luôn làm những việc khiến tôi vô cùng cảm động. Dù đi xa, khi có người về quê, bố sẽ luôn mua một ít đồ ăn linh tinh kèm với một bức thư nhờ họ đưa cho tôi. Trong thư luôn là những lời dặn dò như, nhắc nhở chúng tôi cố gắng học hành, nghe lời ông bà, chăm tưới cây cho bố. Có lần bố còn gửi cả một bức ảnh cho tôi, bố bảo để khi nhớ bố, tôi có thể lôi ảnh ra ngắm. Vườn cây cảnh của bố, ngày nào hai chị em tôi cũng thay phiên nhau tưới. Thằng em tôi lười lắm, nhiều lần nó không chịu làm, cuối cùng vì thương bố tôi lại phải cặm cụi xách bình nước tưới hết cả phần của nó. Vườn cây tôi chăm từ khi còn bé đến khi lá um tùm, tiếc là lúc đó cơn sốt cây cảnh đã qua đi, ước mộng làm giàu của bố tôi cũng tan vỡ.
Mùa đông năm lớp chín có lẽ là mùa tôi không bao giờ quên được trong suốt cuộc đời này. Năm đó, trời rét đậm, mưa phùn rả rích rơi suốt ngày, gió đập vào cánh cửa, rít lên từng hồi y như tiếng ai oán trách, thở than. Tôi bọc cả người trong lớp áo khoác to sụ, y như một con gấu, bởi chỉ cần thò tay ra thôi là đã thấy lạnh cóng rồi.
Do có tiết kiểm tra, nên ngày hôm đó, sau một hồi vật vã, cuối cùng tôi cũng lết được tấm thân ra khỏi tổ ấm. Lúc đang ôn bài, tôi chợt nghe thấy tiếng nói chuyện của bố mẹ, hình như đang tranh cãi điều gì. Với bản tính tò mò, tôi khẽ khàng mở cánh cửa để nghe lén.
Hoá ra là vì việc học cấp ba của tôi. Hôm trước, trong lúc ăn cơm, tôi có nói chuyện với bố mẹ về nguyện vọng thi. Tôi muốn được học ngôi trường chọn của tỉnh, tuy nhiên nếu học ở đó thì chi phí rất cao, lại thêm xa nhà nên tôi phải ở trọ, tốn thêm một khoản ăn ở nữa. Vậy nên bố mẹ tôi vẫn đang phân vân.
Có lẽ sợ bọn tôi tỉnh giấc, mẹ nói chuyện rất khẽ, tôi phải căng tai ra nghe:
“Hay là cho con học trường làng thôi anh. Con mình học tốt rồi thì trường nào chẳng được?”
“Sao em lại nghĩ thế chứ? Nó học ở trường tốt thì nó mới giỏi hơn được, cơ hội vào đại học cũng cao hơn nhiều.”

“Nhưng trường đó học phí đắt quá, em sợ nhà mình không gánh được.”

Lời bố nói sau đó khiến tôi mãi mãi không thể quên được:
“Tôi dù có nghèo đến đâu cũng sẽ cố gắng cho con học trường tốt nhất có thể.”
Bố tôi đã chẳng giữ nổi được bình tĩnh, ném chiếc ghế xuống sàn nhà lạnh lẽo. Đó là lần đầu tiên tôi thấy bố tức giận, và lần đầu tiên đó là vì tôi.
Ngoài phòng, mẹ đang khóc thút thít. Trong phòng, tôi cũng đang bặm chặt môi cố gắng không phát ra âm thanh, giọt nước mắt hoà cùng với giọt máu, vừa mặn vừa tanh nhưng lại ấm áp lạ thường.
Bố tôi có thể nghèo, nhưng bố giàu tình yêu hơn bất cứ ai. Từ buổi hôm đó, tôi đã thề rằng, tôi sẽ không bao giờ làm bố thất vọng, sẽ học thật giỏi để đáp lại tình yêu bao la mà bố dành cho tôi.

Mùa đông năm ấy, bố tôi càng ngày càng vất vả hơn. Bố tranh thủ mọi thời gian rảnh rỗi để làm việc, từ phu hồ, đánh bắt cá tôm, làm thuê cho người ta, ai có việc gì bố cũng đều làm hết, chẳng nề hà.

Mùa đông năm ấy, tôi ít được gặp bố hơn hẳn. Bố đi làm khi tôi còn chưa thức, gà chưa áy, khi bầu trời vẫn là một mảnh tối om, xung quanh yên tĩnh, chỉ thi thoảng có tiếng chó sủa. Lúc bố về thì tôi đã đi ngủ từ bao giờ. Mưa vẫn rơi, gió vẫn rít gào, còn bố thì ngày một gầy gò, tựa như chỉ cần gió thổi nhẹ thôi là bố có thể bay mất ngay vậy.
Mùa đông năm ấy là mùa đông lạnh lẽo nhất nhưng cũng ấm áp nhất trong lòng đứa con gái nhỏ của bố.
Mùa đông năm nay, tôi đã lớn, bố thì lại già đi. Tóc bố đã lấm tấm sợi bạc, khuôn mặt cũng in hằn những vết nhăn của những năm tháng vất vả, khổ cực. Ai cũng thay đổi, chỉ có tình yêu của bố dành cho chúng tôi là mãi mãi không đổi. Tình yêu ấy như chiếc khăn quàng, ủ ấm chúng tôi trong những ngày đông giá rét, tưới mát tâm hồn chúng tôi trong những ngày hè nóng bức. Tình yêu ấy dắt chúng tôi đi qua những ngày giông bão, an ủi và vỗ về chúng tôi những ngày mệt mỏi vì cuộc sống.
Tôi luôn muốn nói với bố một câu từ sâu thẳm trong trái tim, câu nói mà nhiều lần tôi muốn bày tỏ nhưng lại ngại ngùng, không có dũng khí để nói, đó là: “Bố ơi, con yêu bố nhiều lắm!”
 
957
2
2

Hoa Phù Sa

Hoa phù sa
22/7/21
824
906
363,000
28
Hòa bình
Xu
433,666
Bạn rất hạnh phúc với người bố rất tuyệt vời
 
  • Like
Reactions: Xương Rồng

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top