Chia Sẻ Những mở bài mẫu cho các tác phẩm văn học 12 - Học kì 1

Chia Sẻ Những mở bài mẫu cho các tác phẩm văn học 12 - Học kì 1

* Việt Bắc
Tố Hữu là một nhà thơ lớn, là một trong những lá cờ đầu của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam. Bàn về thơ TH, Hoài Thanh đã viết “Thái độ toàn tâm toàn ý vì cách mạng là nguyên nhân chính đưa đến sự thành công của thơ anh “ có lẽ cũng bởi vì các chăng đường của thơ ông đều gắn bó với chặng đường cách mạng đầy gian khổ, hinh sinh nhưng cũng nhiều thắng lợi. Và Việt Bắc là đỉnh cao của thơ kháng chiến chống Pháp, và là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ của TH. Nó được xem như khúc hùng ca của cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ, và cũng là khúc tình ca về cách mạng, về con người kháng chiến, lời tri ân sâu nặng về nghĩa tình cách mạng. Bài thơ như một lời hát tâm tình của một mối tình thiết ha đầy lưu luyến giữa người kháng chiến được thể hiện qua lăng kính trữ tình, chính trị và đậm chất dân tộc. Và đoạn trích 10 câu( từ câu 43 đến câu 52) là nhưng câu thơ đắt giá nhất thể hiện bức tranh tứ bình về nỗi nhớ của người về xuôi với cảnh sắc thiên nhiên và con người Việt Bắc trong bốn mùa bằng những nét đặc trưng nhất của miền đất này.

* Tây Tiến
“ Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi
Vực sâu thăm thẳm vực nào sâu bằng chí căm thù.”
Câu hò của người chiến sĩ kéo pháo năm xưa đã đưa ta ngược về thời gian, vượt qua khoảng cách về không gian, về với núi rừng Tây Bắc của một thời kháng Pháp hào hùng của dân tộc. Thời kì chiến tranh khốc liệt ấy đã để lại cho nhân dân ta những dấu ấn không thể phai mờ, đặc biệt là hình ảnh những người lính quên mình vì độc lập, tự do của tổ quốc và đó cũng là nguồn cảm hứng để sản sinh ra nhiều tác phẩm văn chương nổi tiếng. Trong đó, Tây Tiến của Quang Dũng được xem là một tác phẩm xuất sắc trong thời kì này. Bài thơ là nỗi nhớ của QD về những năm tháng kháng chiến, những kỉ niệm gắn bó với con người mảnh đất Tây Bắc. Và bằng ngòi bút tài hoa của mình, ông đã khắc họa tượng đài người lính mang vẻ đẹp lãng mạn nhưng cũng đậm chất bi tráng trên khung cảnh núi rừng hung vĩ, dữ dội, mĩ lệ của núi rừng miền Tây.

*Đàn ghita của Lorca
Khi tâm hồn nghệ sĩ đồng cảm với một tâm hồn nghệ sĩ thì khoảng cách và văn hóa sẽ không còn là rào cản. Nhà thơ Thanh Thảo đã dành một tình cảm, sự chân trọng như thế với người nghệ Fê-đê-ri-cô Gar-xi-a Lor-ca (1898 – 1936)- một nghệ sĩ tài hoa của đất nước Tây Ban Nha. Bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” in trong tập “Khối vuông ru bích” (1985) chính là thể hiện điều đó. Bài thơ là một sự cộng hưởng của những khát vọng sáng tạo, một khả năng nhập cảm sâu sắc vào thế giới nghệ thuật thơ Lor-ca, một suy nghiệm thâm trầm về nỗi đau và niềm hạnh phúc của những cuộc đời đã dâng hiến trọn vẹn cho cái đẹp.

*Sóng
Một nhà thơ cổ điển Pháp từng nói: “Tình yêu là điều mà con người không thể hiểu nổi.” Thật vậy, từ ngàn đời nay tình yêu luôn là điều bí ẩn, là một đề tài muôn thuở của thơ ca. Nhiều văn nhân, thi sĩ đã mượn văn chương để lí giải tình yêu nhưng chẳng ai cắt nghĩa được trọn vẹn hai mĩ từ ấy. Ta gặp Xuân Diệu với chất men say tình yêu nồng nàn, rạo rực, ta gặp Tago với một tình yêu mang yếu tố triết lý, và đến với nữ hoàng thơ tình yêu - Xuân Quỳnh lại là một cảm xúc tình yêu nồng nhiệt, táo bạo mà thiết tha, dịu dàng, hồn nhiên mà lắng sâu những trải nghiệm suy tư. Và bài thơ “ Sóng “ chính là đại diện tiêu biểu cho phong cách thơ của bà. Bài thơ viết theo thể thơ ngũ ngôn, được sang tác năm 1967, trong một chuyến đi biển thực tế ở Diêm Điền, được in trong tập “ Hoa dọc chiến hào “. Qua hình tượng song, trên cơ sở khám phá sự tương đồng, hòa hợp giữa sóng và em, Xuân Quỳnh đã thể hiện cảm xúc tình yêu đầy trăn trở, khao khát của người thiếu nữ muốn được yêu, được sống trong một tình yêu hạnh phúc thủy chung.

*Người lái đò sông Đà
Từ lâu, vùng núi cao Tây Bắc luôn là nguồn cảm hứng cho các văn nhân thi sĩ viết nên những tác phẩm đặc sắc, và Nguyễn Tuân - một cây bút tài hoa, uyên bác, cả đời say mê tìm kiếm vẻ đẹp của cuộc sống cũng không phải là ngoại lệ. Thực tiễn xây dựng cuộc sống mới ở vùng cao đã đem đến cho Nguyễn Tuân nguồn cảm hứng sang tạo nên tập “ Sông Đà “ - một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của ông sau Cách mạng tháng Tám. Tác phẩm gồm 15 bài tùy bút và trong đó tùy bút “ Người lái đò sông Đà" là 1 áng văn đẹp được làm nên từ tình yêu đất nước say đắm, thiết tha của tác giả, là kết quả của hành trình bền bỉ và sáng tạo về vẻ đẹp kì diệu của thiên nhiên và con người Tây Bắc . Tác phẩm không chỉ thể hiện rõ nét phong cách nghệ thuật tài hoa độc đáo của Nguyễn Tuân mà còn bộc lộ tấm lòng gắn bó sâu sắc của ông đối với mảnh đất miền núi phía Tây tổ quốc. Bên cạnh hình tượng người lái đò trí dũng là hình tượng con sông Đà được khắc hoạ với hai nét tính cách tiêu biểu: hung bạo và trữ tình.

*Đất nước
Đất Nước là một đề tài muôn thuở của thơ ca và nghệ thuật. Hình hài đất nước cũng được tạc thành nhiều vẻ đẹp khác nhau từ những góc nhìn khác nhau. Tố Hữu thấy Đất Nước trong bóng dáng người anh hùng, người Mẹ. Chế Lan Viên “tìm hình của nước” trong vị cha già Hồ Chí Minh. Nguyễn Trãi tự hào về triều đại Triệu, Đinh, Lý, Trần… còn Nguyễn Khoa Điềm, một nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ lại tìm vẻ đẹp của Đất Nước trong chiều sâu văn hóa, trong các phong tục tập quán qua bài thơ “Đất nước”. Tác phẩm trích từ chương V trường ca “Mặt đường khát vọng” là một trong những vần thơ hay nhất về đề tài đất nước trong thơ Việt Nam hiện đại, thể hiện một cách sâu sắc vẻ đẹp của Đất Nước và tư tưởng lớn của thời đại “Đất nước của nhân dân”.

*Ai đã đặt tên cho dòng sông
Ai đó đã từng viết “Đất nước có nhiều dòng sông nhưng chỉ có một dòng sông để thương, để nhớ như đời người có nhiều cuộc tình nhưng chỉ có một cuộc tình để mãi mãi mang theo”. Thật vậy, “một dòng sông để thương, để nhớ” của mỗi người rất khác nhau. Nếu tên tuổi Nguyễn Tuân gắn liền với sông Đà vừa hung bạo vừa trữ tình ; nếu Hoài Vũ mãi là nhà thơ của con sông Vàm Cỏ đêm ngày thao thiết chở phù sa, thì Hoàng Phủ Ngọc Tường đã song hành cùng sông Hương đi vào trái tim người đọc với bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”. Tác phẩm được Hoàng Phủ Ngọc Tường viết ở Huế năm 1981, in trong tập sách cùng tên, đoạn trích nằm ở phần đầu của tác phẩm này. Bằng ngòi bút trữ tình, sâu lắng và sự hiểu biết uyên bác về nhiều lĩnh vực, nhà văn đã tái hiện thành công vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của sông Hương, nó như một biểu tượng cho văn hóa và tâm hồn con người xứ Huế.
 
1K
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Bình luận mới

Top