Phân tích đoạn trích Lẽ ghét thương

Phân tích đoạn trích Lẽ ghét thương

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 33 đến từ Nam Định
Cũng như Truyện Kiều, Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiều được rất nhiều người Việt Nam yêu thích. Tác phẩm đã đi vào đời sống nhân dân và các nhân vật của truyện đã được dân gian hoá. Lục Vân Tiên trở thành biểu tượng về một đấng nam nhi ngay thẳng tốt bụng, sẵn sàng cứu giúp người yếu thế. Bài viết Phân tích đoạn trích Lẽ ghét thương sẽ giúp các bạn hiểu hơn về tác phẩm và những giá trị nhân đạo của nó để biết được tại sao tác phẩm tới nay vẫn còn được nhắc tới với sự ca tụng như vậy.

Phân tích đoạn trích Lẽ ghét thương- Nguyễn Đình Chiểu.png

Dàn ý bài phân tích đoạn trích Lẽ ghét thương​

I. Dàn ý Phân tích đoạn trích Lẽ Ghét Thương (Chuẩn)

1. Mở bài

- Vài nét về tác giả Nguyễn Đình Chiểu và truyện Lục Vân Tiên: Một tác giả tiêu biểu của Nam Bộ với quan niệm nghệ thuật: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm - Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Truyện Lục Vân Tiên là truyện thơ Nôm tiêu biểu.
- Giới thiệu đoạn trích Lẽ ghét thương: Đoạn thơ được trích từ câu 473 đến câu 504 kể lại cuộc đối thoại giữa ông Quán và bốn chàng nho sinh về lẽ ghét thương.

2. Thân bài

a. Mối quan hệ giữa ghét và thương:
– Nhân vật ông Quán chính là người phát ngôn tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu, mà ở trong đoạn trích này là tư tưởng yêu ghét phân minh.
– Ghét và thương có mối quan hệ chặt chẽ, là hai mặt đối lập của một tình cảm thống nhất, thương cái tốt đẹp thì tất yếu phải ghét cái xấu xa, đó là mối quan hệ hai chiều không thể tách rời nhau.
– Cụ thể trong đoạn trích này, sự yêu thương thể hiện ở đối tượng thứ nhất là nhân dân lầm than khổ cực, thứ hai là những người tài cao đức trọng nhưng bị vùi dập. => Ghét những kẻ hại dân hại đời, đẩy con người vào tình cảnh oan trái, éo le, nghịch cảnh.
=> Mối quan hệ giữa ghét và thương gắn liền với lý tưởng yêu nước thương dân ở Nguyễn Đình Chiểu.
b. Lẽ ghét:
– Sử dụng điệp từ “ghét” lặp lại tận 4 lần để khắc sâu, nhấn mạnh cảm xúc ở thang bậc cao nhất.
– Đối tượng chung ở đây là “ghét việc tầm phào”, có nghĩa là những việc xằng bậy, hoang đường có hại cho nhân dân.
– Cụ thể:
+ Ghét vua Kiệt của nhà Hạ, vua Trụ của nhà Thương, U Vương, Lệ Vương vốn là những kẻ đa dâm háo sắc, sống phóng túng, xa hoa lãng phí, bạo ngược vô đạo.
+ Ghét đời “Ngũ bá” vì quyền lực, dựa vào sức mạnh quân sự mà thay nhau lên làm chủ bằng chiến tranh, gây ra nhiều nhiễu loạn, khiến đời sống nhân dân bị đảo lộn.
+ Ghét “đời thúc quý phân bằng”, ý chỉ cảnh suy tàn, diệt vong của đất nước, dẫn đến viễn cảnh loạn lạc, cuộc sống nhân dân rơi vào cảnh hoang mang, khốn khổ vô cùng.
=> Tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc, tấm lòng nhân nghĩa mong cảnh bình yên, là nỗi xót xa cho khốn cảnh của nhân dân dưới sự cai trị thối nát, bạo ngược của những kẻ cầm quyền tàn ác, hoang đường.
c. Lẽ thương:
– Giọng điệu của ông Quán trở nên nhẹ nhàng, có phần thương cảm tiếc nuối cho những đức thánh nhân mà ông cho là đáng được thương, được yêu.
– Thương “đức thánh nhân” Khổng Tử không thỏa chí truyền đạo, thương “thầy Nhan Tử”, dù học hành giỏi giang nhưng lại yểu mệnh chết sớm.
– Thương Gia Cát Lượng, vị quân sư tài ba, thế nhưng lại không gặp thời, thương cả “Đổng Tử”, “Nguyên Lượng” đều là những người có tài năng, mong muốn được đứng ra giúp nước thế nhưng trái nỗi không được vua trọng dụng.
– Thương “Hàn Dũ”, “Liêm, Lạc” vốn dĩ có lòng can gián, nguyên ngăn vua làm điều thất đức, cuối cùng lại bị bạo quân bác bỏ.
=> Thương những con người tài năng đức độ, thế nhưng không gặp thời, hoặc bị kẻ gian hãm hại, vua bạc nhược không trọng dụng, dẫn tới tài năng bị phôi pha, thương là thương cái tài năng ngời ngời mà phải chịu uổng phí, phôi pha.

d. Nét đặc sắc trong nghệ thuật.​

- Điệp từ được sử dụng với tần suất lớn
- Đối từ: ghét >< thương, thương ghét >< ghét thương, lại ghét >< lại thương.
- Giàu chất tự thuật
- Đặc biệt sử dụng nhiều điển tích, điển cố ⇒ nói được nhiều hơn trong sự giới hạn của ngôn từ thơ

3. Kết bài

- Tổng kết lại những nét tiêu biểu về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích
- Bài học bản thân về lẽ ghét thương rút ra từ đoạn trích

Bài văn mẫu Phân tích đoạn trích Lẽ ghét thương​

Nguyễn Đình Chiểu nhà thơ lớn, ngôi sao sáng của văn học dân tộc. Các tác phẩm của ông được người dân Nam Bộ đặc biệt yêu mến và đón nhận bởi lẽ đó chính là tâm hồn, là cốt cách trong con người họ. Tác phẩm lớn nhất trong sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu chính là Lục Vân Tiên với những quan điểm, tư tưởng về con người, xã hội. Đặc biệt trong đoạn trích “Lẽ ghét thương” thông qua nhân vật ông Quán, Nguyễn Đình chiểu đã thể hiện quan điểm lẽ ghét, lẽ thương đáng ngưỡng mộ.

Đoạn trích Lẽ ghét thương được trích từ câu 473 đến câu 504, kể về cuộc nói chuyện giữa ông Quán và các nho sĩ trẻ tuổi. Trong quán trọ, bốn nhân vật Lục Vân Tiên, Tử Trực, Trịnh Hâm và Bùi Kiệm gặp nhau. Tại đây Trịnh Hâm đề nghị mọi người làm thơ để phân chia thứ bậc. Trong cuộc đua tranh đó Vân Tiên tỏ ra vượt trội hơn cả, khiến cho Trịnh Hâm vô cùng tức giận và đổ cho Vân Tiên chơi gian. Trong bối cảnh đó ông Quán đã ra nói chuyện và bàn về lẽ ghét thương ở đời.

Mở lời ông Quán tự giới thiệu về chính mình:

Quán rằng: Kinh sử đã từng
Coi rồi lại khiến lòng hằng xót xa.
Hỏi thời ta phải nói ra,
Vì chưng hay ghét cũng là hay thương


Ông Quán vốn cũng là một kẻ sĩ tử, khi xưa dùi mài kinh sử với mơ ước công danh và giúp ích cho đời. Nhưng có lẽ vì những biến cố trong cuộc đời, xã hội mà ông đã lui về ở ẩn. Nhưng cái hồn cốt của một kẻ sĩ thì mãi mãi không bao giờ mất đi. Ông Quán chính là hình ảnh tiêu biểu cho những nhà Nho tài giỏi như lui về ở ẩn, sống cuộc đời an nhàn, ung dung, tự tại, hòa mình với thiên nhiên. Có thể coi ông Quán là người phát ngôn cho những tư tưởng của tác giả.

Qua câu nói: “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương” đã cho thấy mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa hai thứ tình cảm đối lập này: ghét – thương. Hai trạng thái cảm xúc tuy đối lập nhưng luôn tồn tại song song với nhau, người ta ghét những điều tầm thường, giả dối cho nên mới thương những điều nhân ái, tốt đẹp. Bởi vậy chúng luôn tồn tại và không tách rời nhau.

Trước những lời nói đó, Vân Tiên tỏ ra hết sức khiêm nhường, mong muốn nghe được lời truyền đạt, chỉ dạy của bậc tiền bối: “Tiên rằng: Trong đục chưa tường/ Chẳng hay thương ghét, ghét thương thế nào?”. Có lẽ một người tài giỏi, thông minh như Vân Tiên đã tỏ tường lẽ ghét thương ở đời. Nhưng vốn là một nho sinh khiêm tốn, Vân Tiên đã rất khiêm mình để được nghe những lời bày tỏ, chỉ bảo từ ông Quán.

Những câu thơ tiếp theo tác giả thể hiện những điều mình ghét: “Quán rằng: ghét việc tầm phào/ Ghét cay, ghét đắng ghét vào tận tâm./ Ghét đời Kiệt, Trụ mê dâm/ Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang… Sớm đầu tối đánh lằng nhằng rối dân”. Cái mà ông Quán ghét chính là chế độ thối nát, vua chúa bạo tàn, chiến tranh xảy ra liên miên khiến cho đời sống người dân vô cùng cực khổ. Có thể thấy mỗi cái ông ghét luôn đi kèm với hệ quả của những triều đại đó, ví như ghét đời Kiệt Trụ, vì mê dâm nên khiến nhân dân “sa hầm sẩy hang”. Những lí lẽ, dẫn chứng hết sức cụ thể và ngắn gọn như một bản tổng kết lịch sử súc tích về các triều đại thối nát của Trung Quốc. Cái ông ghét rất rõ ràng, mạch lạc, đó là những điều khiến nhân dân khổ cực, nhũng nhiễu làm hại đến người dân đều khiến ông ghét. Điều khiến ông ghét gắn bó sâu sắc với lòng thương dân, yêu dân sâu nặng.

Còn điều ông thương là gì? “Thương là thương đức thánh nhân/ Khi nơi Tống, Vệ lúc Trần, lúc Khuông/ …/ Thương thầy Liêm, Lạc đã ra/ Bị lời xua đuổi về nhà giáo dân”. Nếu như ở phần trên, khi nói về lẽ ghét giọng điệu ông Quán đầy căm tức với những Trụ, Kiệt, U, Lệ,… đã hại dân thì đến đây giọng và nhịp thơ như trùng xuống, trìu mến và thiết tha hơn. Những cái tên ông nhắc đến: Khổng Tử, Nhan Hồi, Trình Di, Đào Tiềm, Hàn Dũ,… đây đều là những nhân vật có đức, có tâm, có tài nổi tiếng trong lịch sử. Họ là người tài giỏi có tấm lòng ôm trùm thiên hạ, cả một đời cống hiến cho đời nhưng cuộc sống của họ lại vô cùng truân chuyên, vất vả. Ông thương là thương những người có đức, có tài nhưng cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Lòng thương gắn liền với tấm lòng trân trọng và yêu quý người tài. Và cũng từ chính lẽ thương ấy, ông Quán đã rút ra chiêm nghiệm cho chính mình:

Xem qua kinh sử mấy lần,
Nửa phần lại ghét, nửa phần lại thương.


Tác phẩm được viết bằng thứ ngôn từ giản dị, mộc mạc nhưng giàu sức biểu cảm. Sử dụng thủ pháp đối lập: sa hầm đối với sẩy hang, sớm đầu đối với tối đánh,… làm cho nhịp thơ linh hoạt, nhịp nhàng hơn. Nghệ thuật điệp ngữ: thương ông, thương ông lặp lại nhiều lần có tác dụng trong việc diễn tả lẽ ghét thương của tác giả.

Lẽ ghét thương là đoạn trích thể hiện tập trung nhất tư tưởng, quan điểm của Nguyễn Đình Chiểu qua nhân vật ông Quán. Ông có lòng yêu dân, thương dân sâu sắc, bởi vì thương dân nên ông càng ghét hơn lũ hôn quân bạo chúa, chuyên làm điều bạo ngược với dân lành. Đằng sau những vần thơ thống thiết ta thấy được tấm lòng nhân ái, nhân đạo sâu sắc của trái tim bao la – Nguyễn Đình Chiểu.

Xem thêm bài viết: Soạn bài Lẽ ghét thương chi tiết nhất
 
Từ khóa
bài văn mẫu phân tích đoạn trích lẽ ghét thương dàn ý bài phân tích đoạn trích lẽ ghét thương mối quan hệ giữa ghét và thương nhân vật ông quán quan điểm của nguyễn đình chiểu tấm lòng nhân ái truyện lục vân tiên
  • Like
Reactions: QuangNhat
578
1
2

Phong Cầm

Thạc sĩ lang thang ^^
17/5/21
890
911
363,000
33
Nam Định
forum.vanhoctre.com
Xu
7,469,529

Bài văn mẫu 4 - Phân tích Lẽ ghét thương hay nhất​


Truyện thơ Lục Vân Tiên được sáng tác vào đầu những năm 50 của thế kỷ XIX, được viết sau khi Nguyễn Đình Chiểu bị mù, rồi quay trở về quê bốc thuốc, chữa bệnh cứu người và hành nghề dạy học ở miền Lục tỉnh. Nội dung truyện thơ xoay quanh xung đột giữa thiện và ác, qua đó đề cao tinh thần nhân nghĩa, thể hiện khát vọng lý tưởng về một xã hội tốt đẹp, con người với con người đối xử với nhau bằng tình yêu thương, nhân ái. Thuộc thể loại truyện Nôm bác học nhưng lại mang yếu tố dân gian rất rõ. Đoạn trích Lẽ ghét thương nằm từ câu số 473 đến câu 504 của truyện thơ Lục Vân Tiên, xuất phát từ việc trên đường vào kinh ứng thí Lục Vân Tiên, Vương Tử Trực, cùng với Trịnh Hâm, Bùi Kiệm đã nghỉ trọ tại nhà ông Quán, ở đây cả bốn người đã so tài làm thơ. Khi mà Trịnh Hâm và Bùi Kiệm tỏ ý nghi ngờ hai người Vân Tiên và Tử Trực sao chép thơ của người khác làm của mình, thì ông Quán đã mắng cho hai người này một trận. Sau đó Vương Tử Trực đã hỏi ông Quán về kinh sử, thì ông đã đáp lại lời của Tử Trực bằng chính đoạn trích Lẽ ghét thương, thể hiện quan điểm của bản thân về lẽ thương ghét trên đời.

Nhân vật ông Quán là nhân vật nằm trong lực lượng phù trợ cho nhân vật chính trên con đường thực hiện nhân nghĩa, mang dáng dấp của một nhà nho đi ở ẩn, mặt khác lại mang cả những nét tính cách đậm chất người Nam bộ. Ông chính là người phát ngôn tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu, mà ở trong đoạn trích này là tư tưởng yêu ghét phân minh. Trong quan niệm của ông Quán mối quan hệ giữa ghét và thương được thể hiện ở hay câu thơ “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương” và câu cuối đoạn trích “Nửa phần là ghét nửa phần lại thương”. Từ đó ta nhận thấy rằng ghét và thương có mối quan hệ chặt chẽ, là hai mặt đối lập của một tình cảm thống nhất, thương cái tốt đẹp thì tất yếu phải ghét cái xấu xa, đó là mối quan hệ hai chiều không thể tách rời nhau. Mà cụ thể trong đoạn trích này, sự yêu thương thể hiện ở đối tượng thứ nhất là nhân dân lầm than khổ cực, thứ hai là những người tài cao đức trọng nhưng bị vùi dập. Chính vì yêu thương những đối tượng này nên mới ghét những kẻ hại dân hại đời, đẩy con người vào tình cnahr oan trái, éo le, nghịch cảnh. Như vậy có thể thấy rằng mối quan hệ giữa ghét và thương gắn liền với lý tưởng yêu nước thương dân ở Nguyễn Đình Chiểu.

Cụ thể lẽ ghét được ông Quán trình bày trong những câu thơ.

“Quán rằng: Ghét việc tầm phào
Ghét cay ghét đắng ghét vào tận tâm
Ghét đời Kiệt Trụ mê dâm
Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang
Ghét đời U, Lệ đa đoan
Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần
Ghét đời ngũ bá phân vân
Chuộng bề dối trá làm dân nhọc nhằn
Ghét đời thúc quý phân băng
Sớm đầu tối đánh lằng nhằng rối dân”


Trong hai câu thơ đầu tiên tác giả sử dụng điệp từ “ghét” lặp lại tận 4 lần để khắc sâu, nhấn mạnh cảm xúc ở thang bậc cao nhất, ghét như dao khắc vào đá, in sâu vào tận tâm khảm, mà đối tượng chung ở đây là “ghét việc tầm phào”, ý chỉ những việc nhỏ nhen, vô bổ, mà ở trong ngữ cảnh này thì có nghĩa là những việc xằng bậy, hoang đường có hại cho nhân dân. Sau đó ở tám câu thơ sau tác giả đã cụ thể hóa những đối tượng mình ghét và đi vào lý giải nguyên do mình ghét, sử dụng cấu trúc chung “ghét – đối tượng ghét – đặc điểm của đối tượng ghét và hậu quả gây ra cho nhân dân”, cách liệt kê rạch ròi như thế đã góp phần thể hiện được rõ nét đức tính bộc trực thẳng thắn của người dân Nam Bộ, cũng như là của tác giả Nguyễn Đình Chiểu. Từ lịch sử Trung Quốc, ông Quán đã dẫn ra một loạt các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử để làm ví dụ cho cái lẽ ghét của mình, đầu tiên là ghét vua Kiệt của nhà Hạ, vua Trụ của nhà Thương, vốn là những kẻ đa dâm háo sắc, sống phóng túng, xa hoa lãng phí, bạo ngược vô đạo đẩy nhân dân vào những nỗi “sa hầm sẩy hang”. Thứ hai là ghét U Vương, Lệ Vương vốn là hai vị vua nổi tiếng hoang dâm, lại lắm trò “đa đoan” rắc rối, khiến nhân dân nhiều phen khốn đốn, lầm than vô cùng. Thứ ba là ghét đời “ngũ bá” tức chỉ năm nước chư hầu thời Xuân Thu chiến quốc vì quyền lực, dựa vào sức mạnh quân sự mà thay nhau lên làm chủ bằng chiến tranh, gây ra nhiều nhiễu loạn, khiến đời sống nhân dân bị đảo lộn. Cuối cùng là ghét “đời thúc quý phân bằng”, ý chỉ cảnh suy tàn, diệt vong của đất nước, dẫn đến viễn cảnh loạn lạc, lằng nhằng, cuộc sống nhân dân rơi vào cảnh hoang mang, khốn khổ vô cùng. Và sau những điều ghét ấy, ta có thể nhận ra được rằng ẩn đằng sau những nỗi ghét cay ghét đắng ấy là tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc, tấm lòng nhân nghĩa mong cảnh bình yên, là nỗi xót xa cho khốn cảnh của nhân dân dưới sự cai trị thối nát, bạo ngược của những kẻ cầm quyền tàn ác, hoang đường, của ông Qúy hay cũng là của chính tác giả Nguyễn Đình Chiểu.

So với những lẽ ghét, thì điều thương của ông Quán được thể hiện ở 14 câu thơ tiếp, nhiều hơn hẳn 4 câu so với lẽ ghét.

“Thương là thương đức thánh nhân
Khi nơi Tống, Vệ lúc Trần, lúc Khuông
Thương thầy Nhan Tử dở dang
Ba mươi mốt tuổi tách đàng công danh
Thương ông Gia Cát tài lành
Gặp cơn Hán mạt đã đành phôi pha
Thương thầy Đổng Tử cao xa
Chí thời có chí, ngôi mà không ngôi
Thương người Nguyên Lượng ngùi ngùi
Lỡ bề giúp nước lại lui về cày
Thương ông Hàn Dũ chẳng may
Sớm dâng lời biểu tối đày đi xa
Thương thầy Liêm Lạc đã ra
Bị lời xua đuổi về nhà giáo dân”.

Ở phần này giọng điệu của ông Quán trở nên nhẹ nhàng, có phần thương cảm tiếc nuối cho những đức thánh nhân mà ông cho là đáng được thương, được yêu. Tác giả tiếp tục sử dụng loại cấu trúc tương tự như ở mười câu lẽ ghét, chỉ khác mỗi chữ “ghét” thay vào bằng chữ “thương”, thành cấu trúc “thương – đối tượng – đặc điểm – hậu quả”. Tiếp tục vận dụng vốn hiểu biết của mình về lịch sử cũng như các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử, tiêu biểu cho lẽ thương, ông Quán đã dẫn ra những ví dụ điển hình thể hiện quan niệm thương của mình. Ông thương là thương “đức thánh nhân” Khổng Tử là người sáng tạo ra Nho giáo, dù bản thân ông đã cố gắng đi khắp nơi truyền đạo nhưng không thành, cuối cùng đành phải quay về dạy học, chỉ mãi đến sau này người ta mới dần trân trọng và xem học thuyết Khổng Tử là một kho tàng có giá trị vô cùng to lớn. Thứ hai là thương “thầy Nhan Tử”, dù học hành giỏi giang nhưng lại yểu mệnh chết sớm. Thương Gia Cát Lượng, vị quân sư tài ba, thế nhưng lại không gặp thời, cuối cùng đành chấp nhận chôn vùi tài năng theo sự diệt vong của nhà Hán, đến tận chết chí nguyện vẫn không thành. Thương cả “Đổng Tử”, “Nguyên Lượng” đều là những người có tài năng, mong muốn được đứng ra giúp nước thế nhưng trái nỗi không được vua trọng dụng, cuối cùng đành chịu lui về ở ẩn bên đồng ruộng ao cá, chôn vùi tài năng một đời. Thương cả “Hàn Dũ”, “Liêm, Lạc” vốn dĩ có lòng can gián, nguyên ngăn vua làm điều thất đức, cuối cùng lại bị bạo quân bác bỏ, kẻ chịu lưu đày, kẻ may mắn hơn thì chấp nhận lui về vườn dạy học, sống kiếp bình tâm đến hết đời. Tổng kết lại, lẽ thương của ông Quán, chính là thương những con người tài năng đức độ, thế nhưng không gặp thời, hoặc bị kẻ gian hãm hại, vua bạc nhược không trọng dụng, dẫn tới tài năng bị phôi pha, thương là thương cái đức độ, tài năng ngời ngời mà phải chịu uổng phí, phôi pha. Và sâu trong niềm thương cảm ấy, cũng ẩn chứa những nỗi ghét, ghét thời thế loạn lạc, ghét những kẻ gian thần giỏi nịnh bợ, ghét cả thứ vua hoang dâm vô đạo, bạc nhược ngu dốt, không chỉ đẩy nhân dân và bước đường khốn khổ, mà còn đẩy những con người muốn cống hiến tài năng, xây dựng đất nước và bước đường tàn lụi, để đất nước diệt vong theo.

Đoạn trích Lẽ ghét thương đã bộc lộ rõ quan điểm yêu nước, thương dân sâu sắc thông qua quan niệm ghét – thương của ông Quán, từ đó thể hiện tấm lòng nhân nghĩa, tư tưởng nhân đạo, mong muốn cho nhân dân một cuộc sống tốt đẹp, con người đối xử với nhau bằng chữ “nghĩa”, bằng tình yêu thương chan hòa, cao thượng. Với lời thơ thẳng thắn, bộc trực, thể thơ lục bát dân tộc giản dị, kết hợp với các yếu tố lịch sử, các nhân vật nổi tiếng, nội dung và ý nghĩa của bài thơ dễ dàng xâm nhập và để lại trong lòng những ấn tượng sâu sắc về tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước thương dân của tác giả Nguyễn Đình Chiểu.

(st)
 

Phong Cầm

Thạc sĩ lang thang ^^
17/5/21
890
911
363,000
33
Nam Định
forum.vanhoctre.com
Xu
7,469,529

Bài văn mẫu 2 - Phân tích Lẽ ghét thương​

Truyện Lục Vân Tiên là tác phẩm lớn của văn học Việt Nam. Cũng như Truyện Kiều, Truyện Lục Vân Tiên được rất nhiều người Việt Nam yêu thích. Tác phẩm đã đi vào đời sống nhân dân và các nhân vật của truyện đã được dân gian hoá. Lục Vân Tiên trở thành biểu tượng về một đấng nam nhi ngay thẳng tốt bụng, sẵn sàng cứu giúp người yếu thế. Kiều Nguyệt Nga trở thành biểu tượng sáng ngời của lòng chung thuỷ, mẫu mực của người phụ nữ phương Đông đoan trang, nết na... Mỗi nhân vật của tác phẩm đều đã đi vào đời sống dân gian và trở thành một yếu tố của nền văn hoá dân gian.

Truyện Lục Vân Tiên là tác phẩm tiêu biểu cho giai đoạn sáng tác trước 1858 của Nguyễn Đình Chiểu, đó là giai đoạn sáng tác theo quan điểm “văn chương chở đạo”. “Đạo” ở đây là những quan niệm đạo đức truyền thống phương Đông theo quan niệm của Nho giáo. Tính cách của nhân vật tốt - xấu, ngay - gian rất rõ ràng. Qua thế giới nhân vật ấy, tác giả thể hiện những quan niệm của mình về đạo đức, về con người và lẽ sống. Đoạn trích Lẽ ghét thương (từ câu 473 đến câu 504 của tác phẩm) là lời của một nhân vật trong truyện, đó là nhân vật ông Quán trong cuộc đàm đạo giữa ông và các nho sĩ trẻ tuổi. Quan điểm yêu ghét của ông Quán chính là quan điểm của tác giả - nhà thơ, nhà văn, ông đồ Nguyễn Đình Chiểu.

Đoạn trích chia làm hai phần rất rõ rệt: phần nói về những điều mà ông Quán ghét, và phần kể về những điều ông Quán thương. Từ ghét, thương ở đây cũng không đơn giản là chỉ tình cảm đối với một ai đó mà được dùng để thể hiện sự đồng tình và phản đối của người nói đối với điều được nói tới. Cũng không phải là chuyện ghét thương những điều liên quan đến cá nhân người nói. Chuyện ghét thương được nhìn nhận xuất phát từ quyền lợi của nhân dân. Cấu trúc ngôn ngữ trong đoạn trích có vẻ đơn điệu bởi sự lặp lại nhiều lần hình thức điệp đối. Song chính điều đó lại tạo nên hiệu quả nghệ thuật trong việc thể hiện nội dung tư tưởng của tác giả. Lặp lại hình thức những thay đổi sự việc, nhân vật trong mỗi câu thơ để nhấn mạnh, khẳng định thái độ yêu ghét rõ ràng của nhà thơ. Để thể hiện thái độ ghét thương với từng đối tượng cụ thể, ông Quán có lời nhận xét chung:
“Vì chưng hay ghét cũng là hay thương”.

Chuyện ghét - thương ở đây có mối quan hệ mật thiết với nhau. Thái độ “ghét” là hệ quả của sự “thương” mà thôi. Nỗi ghét - thương là sự trăn trở của ông về cuộc đời, về cuộc sống của nhân dân lao động. Vì thương nhân dân cực khổ lầm than, vì trân trọng những con người biết vì dân mà ghét những kẻ tàn bạo, đi ngược với đạo lí làm người, đẩy nhân dân vào cảnh cơ cực lầm than. Trước hết, tác giả nói chuyện “ghét”. Ông Quán ghét những ai? Tại sao ông lại ghét họ. Với mỗi đối tượng, ông đều có lời giải thích rõ ràng. Không ghét chung chung, mà ghét điều cụ thể.
Quán rằng “Ghét việc tầm phào
Ghét cay ghét đắng, ghét vào tận tâm".


Đối tượng ghét có tính khái quát rất cao, ghét tất cả những việc vớ vẩn, vô ích đối với dân với nước. Phàm những việc gì không có ích cho cuộc sống, có hại đối với con người thì đều là điều đáng ghét, điều xấu xa. Mức độ ghét cũng rất dứt khoát, rõ ràng và quyết liệt. Điều này thể hiện ở việc tách từ, điệp từ. Ba từ ghét được lặp lại trong câu thơ tám chữ thể hiện thái độ rất quyết liệt. Đó là thái độ không khoan nhượng, không dung tha đối với điều xấu. Những đối tượng tiếp theo được nhắc đến gắn với thái độ ghét của ông Quán đều có một điểm chung. Đó là những nhân vật nổi tiếng tàn ác, những triều đình nổi tiếng nhiễu nhương, xấu xa trong lịch sử Trung Quốc: đó là Kiệt, Trụ mê dâm, U, Lệ đa đoan, Ngũ bá phân vân, thúc quý phân băng. Ý thơ rất cân đối trong việc kể. Trước hết là hai cặp nhân vật nổi tiếng tàn bạo trong lịch sử phong kiến Trung Hoa thời cổ đại, những tên vua tàn ác mà tên tuổi đều gắn với những giai thoại về sự độc ác khôn cùng. Tiếp đến là hai thời kì đen tối của lịch sử Trung Hoa, kẻ cầm quyền tranh giành quyền lực đẩy nhân dân vào nạn binh đao. Kẻ thì ăn chơi, hưởng thụ sa đoạ, người thì say sưa tranh giành quyền lực nhưng tất cả bọn chúng đều gây ra một hậu quả chung là đẩy nhân dân vào cuộc sống vô cùng khổ cực. Những điều ông Quán ghét không liên quan gì đến cuộc sống của cá nhân ông. Tóm lại, ông ghét những kẻ làm nhân dân phải chịu khổ cực. Cả bốn câu ông đều nhắc đến dân, nhắc đến những hậu quả mà nhân dân lao động phải chịu: dân “sa hầm sẩy hang”, dân chịu “lầm than”, dân “nhọc nhằn” và “lằng nhằng rối dân”. Bốn đối tượng ghét cụ thể ấy đã khái quát nên một đối tượng ghét rất chung: ông ghét những kẻ đi ngược lại với quyền lợi của dân. Còn thái độ thương của ông thì sao? Ông thương những đối tượng nào? Thương không chỉ là sự thương cảm mà thương ở đây là thái độ đồng tình, kính trọng của ông dành cho đối tượng. Ông không ghét những chuyện vặt vãnh nên cũng không nói đến thương những chuyện bình thường.

Thương là thương đức thánh nhân,
Khi nơi Tống, Vệ lúc Trần, lúc Khuông.


Đối tượng “thương” là nhân vật cụ thể, có thực trong lịch sử Trung Hoa. Đó là: Khổng Tử, Nhan Tử, Gia Cát, Đổng Tử, Đào Tiềm, Hàn Dũ, Liêm, Lạc. Họ đều là những con người nổi tiếng về tài và đức. Họ có cùng một điểm chung là luôn cố gắng mang tài năng ra giúp đời song lại gặp toàn chuyện không may mắn. Sự nghiệp dù lẫy lừng song rồi lại dang dở. Nhưng tất cả họ đều là người có nhân cách cao cả, đều hết lòng thương yêu dân chúng, sống trọn đạo bề tôi, giữ vững phẩm cách của nhà nho. Đối tượng “thương” đều là những người tài đức vẹn toàn. Vì vậy, thái độ thương ở đây bao gồm cả sự cảm thông, trân trọng và kính phục của tác giả. Nhà thơ đã mượn chuyện bàn luận về ghét thương, về lịch sử để thể hiện thái độ của mình đối với nhân dân. Việc ghét thương gắn chặt với quyền lợi của nhân dân lao động. Tác giả đã sử dụng rất thành công các phương tiện ngôn ngữ như điệp từ, từ láy, thành ngữ, tiểu đối để thể hiện thái độ ghét thương rất rõ ràng, dứt khoát và quyết liệt của mình. Đặc biệt nhà thơ đã sử dụng rất hiệu quả biện pháp nghệ thuật điệp từ. Đó là từ ghét và từ thương. Đối tượng của “ghét” và “thương” thì luôn sóng đôi nhau từng cặp. “Kiệt, Trụ” và “U, Lệ” ; Ngũ bá và thúc quý. Đối tượng “thương” thì phong phú hơn. Điều đó thể hiện rõ hơn thái độ thương ghét rõ ràng, dứt khoát của ông Quán. Ông Quán dẫn toàn những chuyện sử sách Trung Quốc. Đây là những câu chuyện mà bất cứ nhà nho nào cũng biết đến. Ở thời của các nhà nho như Nguyễn Đình Chiểu, những nhân vật và những thời điểm lịch sử ấy đã trở nên rất quen thuộc và đã mang ý nghĩa khái quát hoá.

Mượn lời ông Quán, tác giả đã thể hiện quan điểm của một nhà nho chân chính. Nhà nho ấy tuy là đệ tử của chốn cửa Khổng sân Trình nhưng lại có tư tưởng rất tiến bộ. Đó là sự nối tiếp tư tưởng của Nguyễn Trãi thể hiện ở Bình Ngô đại cáo, đó là: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Cái tiêu chuẩn để “ghét thương” ở đây là quyền lợi của nhân dân, đi trái với quyền lợi của nhân dân là đáng ghét, là đáng phê phán. Tác giả đã dùng hình thức đàm đạo về ghét thương giữa ông Quán và các nho sĩ trẻ tuổi để thể hiện thái độ, quan điểm tư tưởng của mình về thời cuộc và nhân tình thế thái.

“Quán rằng: ghét việc tầm phào,
Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm.”


Chính thái độ yêu ghét dứt khoát mãnh liệt ấy đã tạo cho truyện Lục Vân Tiên một tinh thần đấu tranh, một tinh thần phấn khởi lôi kéo người đọc...... Thương và ghét đều vì nhân dân. Làm lợi cho dân thì thương, làm hại cho dân thì ghét:

Ghét đời Kiệt Trụ mê dâm...
Sớm đầu tối đánh lằng nhằng rối dân...


Nguyễn Đình Chiểu cũng đứng trên lập trường nhân nghĩa của nhân dân mà có một thái độ dứt khoát: yêu và ghét, “Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm”... Thái độ thật dứt khoát ấy được xây dựng trên một lí tưởng vững chắc bền bỉ, không gì lay chuyển nổi. Nhân vật Kiều Nguyệt Nga tiêu biểu cho cái lí tưởng ấy. Trong truyện Lục Vân Tiên mỗi nhân vật chính diện đều theo đuổi một lí tưởng như vậy.

----​

Bài văn mẫu 3 - Phân tích Lẽ ghét thương​

Lẽ ghét thương là lời tâm huyết của Nguyễn Đình Chiểu về nỗi ghét, tình thương nhân bản.

Trong đoạn thơ trích nói về "Lẽ ghét thương" có tất cả 26 câu thì trong đó có 10 câu nói về "ghét", 16 câu nói về "thương". Như vậy là số lời nói về thương dài gần gấp đôi so với số lời nói về "ghét". Bản thân tác giả đã có lần nói rõ: "Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương". Quả đúng như vậy, nếu đọc lại 10 câu thơ nói về "ghét" thì ta sẽ thấy căn nguyên, gốc rễ của cái "ghét" ở đây là lòng thương dân. Sở dĩ ông Quán "ghét", "ghét cay ghét đắng, ghét vào tận tâm", những cái "tầm phào", những cái "đa đoan", những cái "dối trá", những cái "mê dâm" là vì chúng làm "rối dân", "làm dân nhọc nhằn", làm "dân luống chịu lầm than muôn phần", làm "dân đến nỗi sa hầm sẩy hang". Trong số 10 câu thơ của đoạn này thì thì có 4 câu có từ dân nói về nỗi khổ của dân:



Để giãi bày những lời tâm huyết vế nỗi ghét này được sâu đậm, nhà thơ đã sử dụng nghệ thuật điệp từ. Trong 10 câu thơ có 8 từ "ghét" thì hai câu mở đầu đoạn trích đã có 4 từ. Riêng ở câu thơ thứ hai:

"Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm"

Nghệ thuật dùng điệp từ tăng cấp để diễn tả các màu sắc, mùi vị và độ sâu tăng dần của cái ghét: Từ cái ghét có vị cay, sang cái ghét có vị đắng, đến cái ghét có độ sâu của lòng người: "ghét vào tận tâm". Với cách diễn đạt tăng cấp này, Nguyễn Đình Chiểu cho bạn đọc biết cái ghét của ông Quán đã đổi gam, đổi chất, cái gọi là ghét của ông Quán thực ra là lòng căm thù. Ông Quán căm thù tất cả những con người, những sự việc làm tổn hại đến hạnh phúc của nhân dân. Điều này thể hiện tính nhân dân sâu sắc của văn thơ Nguyên Đình Chiểu.

Đối lập với nỗi ghét, lòng căm ghét là tình thương, ông Quán đã tự bạch về tình thương của mình trong 16 câu. Mở đầu là ông nói về tình thương của ông với Khổng Tử vất vả, gian lao trong công việc truyền đạo Nho: "Khi nơi Tống, Vệ, lúc Trần, lúc Khuông". Tiếp đó, ông bày tỏ tình thương của ông đối với Nhan Tử, Gia Cát, Đổng Tử, Nguyên Lượng, Hàn Dũ, Liêm, Lạc. Họ là những con người hiền nhân, quân tử, kiểu mẫu của đạo Nho, những muốn hành đạo, giúp vua, cứu đời và cứu dân, nhưng rút cục là gặp bất hạnh hoặc chết yểu, hoặc là không được vua tin dùng, hoặc là không gặp thời vận. Mơ ước và nguyện vọng hành đạo, cứu đời, cứu dân của họ không thành.

Nếu như ở đoạn thơ mười câu trên, tác giả cho nhân vật nói lòng căm thù bọn người hại dân để nói lên lòng thương dân thì ở đoạn thơ 16 câu này tác giả lại cho nhân vật bộc lộ lòng thương yêu trực tiếp đối với những người có tài cao, chí cả, muốn cứu đời giúp dân mà gặp phải những rủi ro, bất hạnh nên nguyện vọng cứu đời, cứu dân không thực hiện được.

Để biểu hiện tình cảm thương yêu đầy tính chất bác ái và nhân bản đó, Nguyễn Đình Chiểu ở đoạn thơ 16 câu này vẫn tiếp tục dùng nghệ thuật điệp từ. Trong 16 câu thơ này ông đã dùng 9 từ "thương".

Mở đầu cho đoạn thơ ông dùng đến hai từ "thương":

"Thương là thương đức thánh nhân"

Điệp từ "thương" biểu hiện niềm thương yêu tha thiết của nhân vật đối với Khổng Tử, khi Khổng Tử gặp những gian nan, vất vả trên đường hành đạo. Phải nói là lòng thương của ông Quán ở đây rộng lớn. Ông thương cả đến những người chết yểu mà công danh chưa đạt:

"Thương thầy Nhan Tử dở dang,
Ba mươi mốt tuổi tách dàng công danh"


Ông thương cả đến những người không gặp vận may:

"Thương ông Gia Cát tài lành,
Gặp cơn Hán mạt đã đành phôi pha".


Từ đó, ông Quán bộc lộ tình thương đến số phận cay đắng của con người trước những quy luật khắc nghiệt của tạo hoá và xã hội.

Đoạn thơ có nghệ thuật bố cục khá chặt chẽ, mạch lạc.

Có câu mở đầu nói về "ghét":

"Quán rằng: Ghét việc tầm phào
Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm
Có câu mở đầu nói về đoạn "thương":
"Thương là thương đức thánh nhân
Khi nơi Tống Vệ, lúc Trần, lúc Khuông"


Có câu kết cho cả hai đoạn "ghét" và "thương":

"Xem qua kinh sử mấy lần
Nửa phần lại ghét, nửa phần lại thương"


Đối với các ý nhỏ trong mỗi đoạn ghét và thương, tác giả lại dùng các điệp từ ghét và thương để vừa tách biệt vừa liên kết các ý nhỏ lại với nhau. Ví dụ:
"Ghét đời Kiệt, Trụ mê dâm,
Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang.
Ghét đời U, Lệ đa đoan,
Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần"


hoặc:

"Thương ông Gia Cát tài lành,
Gặp cơn Hán mạt đã đành phôi pha.
Thương thầy Đổng Tử cao xa,
Chí đà có chí, ngôi mà không ngôi"

Nhờ nghệ thuật dùng điệp từ kết hợp với bố cục chặt chẽ, mạch lạc mà đoạn thơ đọc lên giọng điệu vừa nghiêm trang vừa thống thiết, một nét đặc trưng của điệu thơ trữ tình Nguyễn Đình Chiểu.
 

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top