Baivanhay Phân tích hình tượng Mị trong đêm mùa xuân (P.3)

Baivanhay Phân tích hình tượng Mị trong đêm mùa xuân (P.3)

Xuân Vũ
Xuân Vũ
  • Thành Viên 19
Men rượu hòa cùng men tình tưởng chừng đã cứu rỗi Mị khỏi cõi đọa đày, thế nhưng cũng chính vì sự hồi sinh ấy mà Mị đã lại một làn nữa rơi vào tuyệt vọng. Hãy cùng tìm hiểu vì sao nhé!

h. Thực tại ê chề:
Nhưng chính sự hồi sinh ấy cũng đưa Mị đến với một cảm xúc bị kịch. Mị lại tủi thân khi nghĩ về A Sử, nhận ra cuộc hôn nhân không hạnh phúc, thấy được thực tại tủi nhục ê chề. Cảm xúc của Mị trở nên tiêu cực: “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại nữa”. Trước đây, Mị không đành lòng chết bởi thương cha; đến khi cha Mị chết rồi, sự ràng buộc đã không còn nữa, nhưng Mị cũng không còn nghĩ đến cái chết. Cái thực tại đau khổ mà cô đã quen, đã thờ ở chấp nhận đến mức không còn tưởng đến sự chết nữa, nay bỗng trở nên phi li đến mức không thể chấp nhận, vì vậy, khao khát được chết cũng chính là biểu hiện cao độ nhất của sự thức tỉnh. Như vậy, khi linh hồn đã trở về, Mị không chỉ ý thức được giá trị của tinh thần mà còn ý thức được hoàn cảnh sống nghiệt ngã. Muốn chết cũng là sự thể hiện rất mãnh liệt sức sống tiềm tàng ẩn chứa trong tâm hồn cô gái Mèo. Sự thật phũ phàng càng làm tăng thêm bi kịch hiện tại, và khi ý thức được thực tại đau buồn, ý thức phản kháng trong Mị lại quay về. Muốn chết là biểu hiện tiêu cực nhưng lại vô cùng hợp lí bởi khi nhận thức được thực tại, Mị không cam chịu số phận ấy nữa. Đó là lòng tự trọng, là nhân phẩm cao đẹp của Mị.

i. Hành động:
Trong cảm xúc đầy bi kịch và sự tuyệt vọng ấy, tiếng sáo mang theo khát vọng tự do lại tìm đến Mị: “tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường”. Tô Hoài từng nhận định: Tiếng sáo kia quá tha thiết, quá mạnh mẽ, nó dìu hồn Mị bay lên trên hoàn cảnh, là biểu tượng của niềm khát sống, khát khao yêu”. Tiếng sáo đầy mê hoặc, quyến rũ, như lôi kéo Mị, đưa Mị từ vực sâu của tuyệt vọng thăng hoa trở lại cùng khát vọng tự do. Có thể nói: chính tiếng sáo làm Mị ý thức sâu sắc hơn bi kịch của mình, từ đó tự đánh thức mình bằng khát vọng tự do. Cái khát vọng tự do ấy không chỉ tồn tại trong suy nghĩ, trong xúc cảm mà đã bộc lộ thành một loạt hành động dứt khoát: “Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào dĩa đèn cho sáng... Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi...Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách... Mị rút thêm cái áo”. Đây chính là sự “nổi loạn” trong Mị với khát vọng tự do trào sôi, mãnh liệt. Câu văn được ngắt bởi nhiều dấu phẩy, nhịp gấp, nhiều động từ được huy động: “đến, lấy, xắn, bỏ, đi chơi, quấn lại tóc, lấy váy hoa, rút thêm cái áo... làm cho những hành động của nhân vật trở nên mạnh mẽ, cương quyết, táo bạo. Ở đây, ngôn ngữ trần thuật đã hòa quyện với tiếng nói vọng về từ sâu thẳm tâm hồn nhân vật. Đó là lúc ngọn lửa khao khát tự do đang cháy lên trong Mị, bất chấp sự hiện diện của A Sử. Giờ đây, bóng đêm của cường quyền bạo ngược và thần quyền đã không thể nào vùi dập được Mị, bởi khát vọng tự do trong Mị đang lớn hơn tất cả mọi nỗi hãi.

j. Kết quả từ sự tự phát:
Sức sống tiềm tàng, sức phản kháng mãnh liệt trong Mị bùng cháy ngay cả trong hoàn cảnh bị vùi dập. Sự hồi sinh của Mị đã bị bóng ma cường quyền vùi dập một cách tàn nhẫn. A Sử trói đứng Mị vào cột nhà bằng sợi đay, bằng cả mái tóc thanh xuân của Mị. Hắn thản nhiên tắt đèn đi ra, khép cửa buồng lại. Thêm một lần cuộc đời lại đóng sầm trước mắt Mị.

Mị trong đêm tình mùa xuân.jpg

Nhân vật Mị. Ảnh mạng.
3. Tổng kết:
a. Nội dung:
Qua diễn biến tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân, nhà văn Tô Hoài đã phát hiện và trân trọng ngợi ca phẩm chất cao quý của con người lao động Tây Bắc, trong hoàn cảnh đọa đày, sức sống tiềm tàng, sức phản kháng mãnh liệt trong họ không hề mất đi mà càng trở nên mãnh liệt. Đồng thời qua số phận nhân vật, nhà văn đã bộc lộ niềm cảm thông chân thành, sâu sắc và góp tiếng nói lên án tố cáo tội ác tày trời của giai cấp chủ nô phong kiến miền núi đã áp bức, bóc lột nhân dân lao động Tây Bắc, đẩy họ vào số phận trâu ngựa.

b. Nghệ thuật:
Nhà văn Tô Hoài xây dựng nhân vật Mị với nhiều điểm nghệ thuật đặc sắc. Trần thuật hấp dẫn, giới thiệu nhân vật tự nhiên mà ấn tượng, kể chuyện ngắn gọn, dẫn dắt tình tiết khéo léo. Biệt tài miêu tả tâm lý nhân vật sắc sảo, đặc biệt tâm trạng và hành động khá phức tạp của Mị được diễn tả, lí giải một cách cụ thể, hợp lí. Ngôn ngữ kể chuyện sinh động, chọn lọc, sáng tạo, câu văn giàu tính tạo hình, đậm chất thơ. Cách dựng cảnh, tạo không khí, miêu tả thiên nhiên và phong tục, tập quán của người dân miền núi chân thực, sống động.

4. Kết bài:
“Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài là truyện ngắn có giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc khi lên án thế lực cường quyền, thần quyền lạc hậu, bạo tàn ở vùng núi Tây Bắc đã đây con người vô tội vào tận cùng của đau khổ, đọa đày. Đồng thời, qua nhân vật Mị nhà văn đã bày tỏ tiếng nói cảm thông, trân trọng đối với người lao động nghèo. Qua vẻ đẹp tâm hồn con người lao động Tây Bắc, mỗi chúng ta phải tự nhắc nhở mình phải biết sống, biết yêu quý, biết trân trọng con người lao động nói chung, biết đấu tranh bảo vệ công lý, lẽ phải, đấu tranh tới những bất công để bảo vệ hai chữ “Con Người” cao quý thiêng liêng.
 
Từ khóa
nhân vật mị tô hoài văn 12 vợ chồng a phủ
637
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Bình luận mới

Top