Nhận xét về kết thúc của truyện ngắn, tác giả Bùi Việt Thắng cho rằng:
“Điều quan trọng hơn cả là sau mỗi cách kết thúc, tác giả phải gieo vào lòng người đọc những nhận thức sâu sắc về quy luật đời sống và những dự cảm về tương lai, về cái đẹp tất yếu sẽ chiến thắng”.
Bình luận về ý kiến trên.
Xem thêm các bài NLVH hay khác:
Văn học chân chính ngay cả khi nói về cái xấu, cái ác cũng chỉ để nhằm thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện
Tác phẩm nghệ thuật đích thực bao giờ cũng là một phát minh về hình thức và khám phá nội dung
Văn học có khả năng giúp con người hóa giải những áp lực trong cuộc sống
Sáng tạo ngôn từ tạo nên căn cước văn chương của nhà văn
Trong văn học, thế giới được tạo lập không phải một lần
Câu thơ hay là câu thơ giàu sức gợi
Hướng dẫn làm bài
I. Giải thích
Nhận định của tác giả Bùi Việt Thắng khẳng định vai trò quan trọng của phần kết thúc trong truyện ngắn:+ Phần kết thúc của truyện ngắn phải “gieo vào lòng người đọc những nhận thức sâu sắc vầ quy luật của đời sống”: Thực hiện chức năng nhận thức của văn chương, giúp con người hiểu được sự vận động của cuộc đời, của con người, của xã hội, hướng con người tới bề sâu của đời sống.
+ Phần kết thúc truyện ngắn phải khiến con người có những “dự cảm về tương lai, về cái đẹp tất yếu sẽ chiến thắng”: thực hiện chức năng dự báo, đồng thời tiếp thêm cho người đọc niềm tin vào chiến thắng cuối cùng của cái đẹp, cái thiện trước cái xấu xa, giả dối.
II. Bàn luận
- Nhận định của Bùi Việt Thắng là đúng đắn.1. Vì sao phần kết thúc của truyện ngắn lại quan trọng?
- “Truyện ngắn là một giọt nước” (Edga Poe). Truyện ngắn là hình thức tự sự cỡ nhỏ có tính hàm súc cao độ. Đặc trưng của truyện ngắn là có truyện và ngắn. “Ngắn” ở đây không đơn thuần chỉ là vấn đề dung lượng, mà chính xác hơn là cách thức phản ánh hiện thực của truyện ngắn. Truyện ngắn phản ánh hiện thực thông qua những lát cắt. Nói như Nguyễn Minh Châu, “truyện ngắn là cách cưa lấy một khúc của đời sống”. Không thể dông dài bao quát chiều kích không – thời gian mênh mông rộng lớn như tiểu thuyết, truyện ngắn phải chọn lọc những lát cắt mà qua đó cho thấy “trăm năm đời thảo mộc”. Nếu là một đời người, truyện ngắn chỉ chọn những khoảnh khắc đáng giá nhất. Nếu là một sự kiện, truyện ngắn chỉ cắt lấy những cột mốc giàu ý nghĩa. Nếu là bức tranh hiện thực rộng lớn, truyện ngắn chỉ chọn lấy những cảnh, những gam màu gợi lên bản chất của hiện thực.- Do vậy, truyện ngắn biểu hiện tư tưởng thông qua các chi tiết, các hình ảnh, các cách diễn đạt giàu ẩn ý, và đặc biệt là kết thúc truyện. Trong truyện ngắn, phần kết thúc truyện luôn là phần gây ấn tượng mạnh với người đọc, không đơn giản bởi ở đó số phận nhân vật và các xung đột truyện được định đoạt, mà quan trọng hơn là qua kết thúc truyện, truyện ngắn mở ra vô vàn dư âm trong tâm trí người đọc, mở ra những chiều sâu chưa nói hết thôi thúc người đọc khám phá đến tận cùng tầng tầng lớp lớp y nghĩ của tác phẩm. Chính những kết thúc truyện như vậy là cho tác phẩm “không kết thúc ở trang cuối cùng, không bao giờ hết khả năng kể chuyện” (Aimatov).
2. Vì sao kết thúc của truyện ngắn phải “gieo vào lòng người đọc những nhận thức sâu sắc về quy luật của đời sống”
Văn học là tấm gương phản ánh của hiện thực. “Cuộc đời là điểm xuất phát và là điểm đi tới của văn chương” (Tố Hữu). Văn học nói chung và truyện ngắn nói riêng, sáng tác ra không ngoài mục đích giúp người đọc hiểu sâu sắc bề sâu của hiện thực cuộc sống. Thông qua kết thúc truyện, các nhà văn thức tỉnh người đọc, giúp họ thức ngộ về những quy luật bất biến của xã hội và của đời sống, giúp họ nhận ra những vấn đề cấp thiết của xã hội đường thời cũng như những vấn đề triết học mang tính nhân loại. Để từ đó, con người tác động cải tạo hiện thực cuộc sống, khiến cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.3. Vì sao kết thúc của truyện ngắn phải tạo ra ở người đọc “dự cảm về tương lai, về cái đẹp tất yếu sẽ chiến thắng”?
- Bên cạnh chức năng nhận thức, văn học còn có chức năng dự đoán. Văn học dự đoán sự phát triển đi lên của hiện thực trên cơ sở quan sát sự vận động biện chứng đang diễn ra trước mắt. Chính nhờ nắm bắt được thực tại mà truyện ngắn giúp người đọc “dự cảm về tương lai”.- Trong những dự cảm về tương lai, dự cảm quan trọng nhất, theo tác giả Bùi Việt Thắng đó là: cái đẹp tất yếu sẽ chiến thắng. Văn học phải hướng con người đến cái đẹp, đến ánh sáng và làm tâm hồn con người trong sạch hơn. Tương lai là cái chưa tới, tương lai do chính hiện tại tạo lập mà thành, điều quan trọng là từ kết thúc của những truyện ngắn, văn chương phải giúp cho người đọc ý thức về cái đẹp, cái thiện để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Bởi bản tính của con người chính là ngưỡng vọng về các giá trị Chân – Thiện – Mỹ, cho nên văn học nói chung và truyện ngắn nói riêng cũng phải hướng về những điều tốt đẹp, cao cả. Nói như nhà văn Nguyễn Khải: “Văn chương có quyền nhưng không chỉ miêu tả cái xấu xa, cái ghê tởm, cái hèn nhát. Thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái tốt đẹp, cái thủy chung”.
III. Chứng minh
YÊU CẦU VỀ DẪN CHỨNG- Học sinh phải chọn phân tích kết thúc của truyện ngắn.
- Học sinh phải chọn được tác phẩm truyện ngắn trong chương trình lớp 11.
- Khi phân tích kết thúc truyện ngắn, học sinh phải có ý thức bám đề và làm rõ những nội dung sau:
- Kết thúc truyện ngắn đó giúp người đọc hiểu được quy luật đời sống như thế nào? (Cần nêu rõ quy luật gì)
- Kết thúc truyện ngắn đó giúp người đọc dự cảm điều gì về tương lai?
- Từ sự thấu hiểu quy luật đời sống và những dự cảm về tương lai đó, kết thúc truyện ngắn ấy gieo vào người đọc niềm tin về chiến thắng tất yếu của cái đẹp như thế nào?
IV. Tổng kết – Liên hệ
- Khẳng định lại vấn đề.- Để đạt được những yêu cầu trên, kết thúc của truyện ngắn cần được xây dựng bằng những thủ pháp nghệ thuật độc đáo, đặc sắc, phù hợp.
Hướng dẫn giải: THẦY TRẦN LÊ DUY
Bài mẫu - Sau mỗi cách kết thúc, tác giả phải gieo vào lòng người đọc những nhận thức sâu sắc về quy luật đời sống và những dự cảm về tương lai
Nhà văn Aimatov đã từng nhận định rằng: “Một tác phẩm chân chính không bao giờ kết thúc ở trang cuối cùng”. Bởi lẽ khi trang sách đóng lại, tác phẩm mới thực sự đang sống, sống với những trăn trở và tình cảm của người đọc. Ở họ phải xuất hiện những cảm xúc mới mẻ, tâm hồn của họ phải được neo đậu những nhận thức sâu sắc về hiện thực và trái tim phải được rung lên, hướng họ về một khát khao cháy bỏng về cái đẹp, như tác giả Bùi Việt Thắng đã nhận xét về kết thúc của truyện ngắn: “Điền quan trọng hơn cả là sau mỗi cách kết thúc, tác giả phải gieo vào lòng người đọc những nhận thức sâu sắc về quy luật đời sống và những dự cảm về tương lai, về cái đẹp tất yếu sẽ chiến thắng”.Bielinxky khi viết về tác phẩm văn học đã nói rằng: “Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu con người, một ước mơ cháy bỏng về một xã hội công bằng bình đẳng bác ái luôn thôi thúc nhà văn sống và viết, vắt cạn kiệt những dòng suy nghĩ và hiến dâng bầu máu nóng của mình cho nhân loại”. Tác phẩm nghệ thuật đều xuất phát từ chính trái tim người nghệ sĩ, nơi những tâm tư tình cảm đã được gửi vào “đứa con tinh thần”. Các nhà văn phải biết nắm bắt những hiện thực của cuộc sống để truyền tải vào tác phẩm qua những hình thức sáng tạo độc đáo. Từ đó mới có thể khiến người đọc cảm nhận rõ nét nhất những giá trị tư tưởng cũng như giá trị thẩm mỹ trong tác phẩm. Và khi nhà văn làm được điều đó, trang sách cuối cùng dù có khép lại thì những ấn tượng về tác phẩm vẫn in sâu trong tâm trí người đọc. Vì tác phẩm không chỉ chứa những con chữ thẳng đơ trên trang giấy mà là những con chữ có hồn, nó bay ra khỏi trang giấy, sống dậy cùng cảm xúc người dọc và gieo ở họ những nhận thức về hiện thực cuộc sống, những cảm xúc chưa bao giờ có. Hơn nữa, nó còn mở ra một lối thoát, gieo ở họ sự hy vọng, những ước mơ khao khát về cái đẹp sẽ chiến thắng cái xấu xa, hướng họ đến những chân lý cuộc sống. Sau mỗi kết thúc của tác phẩm văn học, họ sẽ nhận những giá trị của cuộc sống, khiến họ nhìn thấy chính mình và sẽ đóng góp cải tạo hiện thực cuộc sống để thế giới ngày một tươi đẹp, sẽ không còn bóng tối mà chỉ có ánh sáng, sẽ không tồn tại những những điều xấu xa mà sẽ có những điều tốt đẹp. Chính lời nhận xét của Bùi Việt Thắng đã cho ta thấy được chứng năng văn học trong đời sống con người.
Một nhà phê bình văn học đã từng viết rằng: “Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm, không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh giá nó nữa. Đó là một cuốn sách hay và do một nghệ sĩ viết ra”. Tác phẩm nghệ thuật chân chính sẽ truyền cho ta những tình cảm ta chưa có, và làm nảy nở thêm ở ta nhiều tình cảm hơn nữa. No đã được sáng tác bằng chính cả trái tim của nhà văn, được truyền tải biết bao là tư tưởng, những tâm tư, suy nghĩ, tình cảm. Đó còn là một quá trình “lửa thử vàng, gian nan thử sức” của nhà văn. Nhà văn phải thật tinh tế để nắm bắt được hiện thực cuộc đời để đem vào “đứa con tinh thần” của mình, truyền vào đó tất cả những tâm huyết, những tình cảm của mình. Chính vì thế mà sau một kết thúc, nhà văn đã dùng tất cả cái tâm cái tài của mình để viết nên những dòng chữ tinh hoa cuối cùng, những dòng chữ đó đã sống dậy và đi sâu vào trong lòng người, làm dấy lên ở họ những cảm xúc, suy nghĩ về cuộc đời, sự tò mò, dự cảm về tương lai, hy vọng về cái dẹp sẽ chiếm lĩnh và tồn tại vĩnh cửu kể cả khi tác phẩm đã kết thúc. Thậm chí, Umberto Eco từng nói: “Nhà văn có lẽ nên chết đi sau khi hoàn thành văn bản để tác phẩm có thể tự do sống cuộc đời của nó”. Để tác phẩm có thể sống với những tình cảm của người đọc, với những ước mơ khát vọng về tương lai, về những chân lý cuộc đời. Ở kết thúc của mỗi tác phẩm. người đọc sẽ càng trăn trở, đắn đo về những tình tiết, về nhân vật, về những quy luật cuộc sống được tác giả góp nhặt từ hiện thực. Và từ đó, họ càng thêm quý mến và bày tỏ thái độ, tình cảm của mình. Những giá trị đích thực khiến họ thức tỉnh, làm lay động trái tim của họ để rồi họ có thể hướng về ánh sáng, hướng về cái chân – thiện – mỹ. Và đó chính là điều một tác phẩm chân chính cần. Để tác phẩm có thể trường tồn với thời gian, nó phải đem những giá trị đích thực, mang hơi thở thời đại thổi vào tâm hồn người đọc những ấn tượng khó phai, như cách mà tác giả Bùi Việt Thắng đã nhận định.
“Nhà văn sáng tạo nhân vật để gửi gắm tư tưởng, tình cảm và quan niệm của mình về cuộc đời” (Sê-khốp). Nhà văn truyền tải tất cả những cảm xúc của mình cho nhân vật để nhân vật có thể sống mãi trong lòng người đọc sau khi tác phẩm kết thúc. Và Nguyễn Tuân, “một người dành cả cuộc đời để đi tìm cái đẹp và cái thật” (Nguyễn Đình Thi) đã thật tài năng khi xây dựng thành công nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn “Chữ người tử tù”. Một con người được xây dựng dựa trên hình mẫu Cao Bá Quát, tài năng và có vẻ đẹp thiên lương, khí phách hiên ngang. Truyện ngắn bắt đầu với cuộc gặp gỡ oan trái giữa Huấn Cao và viên quản ngục. Cả hai đều có những phẩm chất và vẻ đẹp khác nhau. Nếu Huấn Cao là người có vẻ đẹp thiên lương, có tài viết chữ và ý thức được cái tài của mình, thì viên quản ngục là người biết quý trọng cái đẹp, có tấm lòng biệt nhỡn liên tài, với mong muốn xin được nét chữ của Huấn Cao. Và rồi kết thúc chuyện là cảnh tượng chưa từng có – đó là cảnh cho chữ. Cảnh tượng cho chữ đáng lẽ nên diễn ra ở nơi thanh thiên bạch nhất chứ không phải là cảnh trong bóng tối ngục tù. Không gian và thời gian đều kì lạ. Trong “buồng ngục tối, ấm ướt, tường đầy mạng nhện, phân chuột phân gián”, hình ảnh Huấn Cao hiện lên vô cùng điềm nhiên “ung dung tô từng nét chữ trên mảnh lụa trắng”, “cổ đeo gông, chân vướng xiềng” nhưng tư thế vẫn ung dung và thoải mái. Giữa bóng tối u ám, hình ảnh nhân vật Huấn Cao hiện lên làm tỏa sáng cả ngục tù. Viên quản ngục trong chính thời khắc đó vô cùng hạnh phúc. Nếu với Huấn Cao, giây phút cho chữ ấy là giây phút thiêng liêng truyền lại cái đẹp cho đời sau, thì với viên quản ngục, đó là lúc ông tìm lại chính mình. Chính khoảnh khắc ấy, ông đã được mở ra một lối thoát, và con chữ cũng vậy. Dù cho Huấn Cao chết đi nhưng vẻ đẹp của con chữ vẫn còn hiện diện trên cõi đời này, mở ra một tương lai mới cho viên quan ngục. Giữa giây phút sinh tử, Huấn Cao không hề sợ hãi mà lại hiên ngang ngồi viết chữ. Thường lúc lâm chung, người ta thường hoài niệm về mọi thứ đã qua nhưng Huấn Cao lại bình tĩnh viết chữ. Bởi lẽ đây là giây phút đẹp nhất đời ông, ông đã được thỏa sức viết chữ, đã sống trọn vẹn với niềm đêm mê về cái đẹp trước khi chết. Và khi Huấn Cao chết đi là kết thúc của một truyện ngắn, thân thể dẫu có bị hủy diệt thì cái đẹp của con chữ vẫn trường tồn và thực hiện sự mệnh cứu rỗi con người như Dostoyevsky nhận định “Cái đẹp cứu chuộc thế giới”. Cái đẹp của con chữ do Huấn Cao viết đã vút bay lên phá vỡ mọi vòng cươn tỏa của bóng tối, của cái xấu xa đê hền để có thể di vào vĩnh cửu, có thể trường tồn mãi mãi. Vì đó chính là thứ ánh sáng. Là thứ hy vọng mà tác giả muốn gửi gắm vào tâm hồn người đọc để họ có niềm tin rằng cái đẹp, cái cao thượng đã chiến thắng cái xấu xa, mở ra cho họ con đường hướng tới chân – thiện – mỹ. Nhưng cũng để họ nhận thức được quy luật của cuộc sống trong cái kết thúc của tác phẩm, là cái đẹp có thể sinh ra từ cái xấu, cái cao thượng có thể bắt nguồn từ cái thấp hèn, nhưng cái đẹp và cái xấu xa không thể cùng tồn tại song song. Cái đẹp đánh bại cái xấu xa để có thể vươn lên khỏi bóng tối.
Cái kết thúc của Chữ người tử tù có khép lại thì cảnh tượng cho chữ vẫn sống dậy trong lòng người đọc vì những cảm xúc khó phai dành cho nhân vật Huấn Cao cũng như viên quản ngục, và cũng vì những dự cảm về tương lai của viên quản ngục. Liệu ông có trở về quê sống ẩn dật để có thể bảo vệ được cái đẹp, hay tiếp tục nghề làm viên quan ngục trong lo sợ, tự do về nhân thân nhưng bị cầm tù về tâm hồn? Tất cả sẽ là những trăn trở, suy nghĩ, tình cảm của người đọc. Tác phẩm sẽ có những giá trị lâu dài và chạm đến trái tim người đọc, khiến cho họ có cảm giác như đang sống cùng nhận vật trong tác phẩm, cùng cảm nhận, thấu hiểu. Không chỉ gieo vào lòng người đọc những nhận thức, suy nghĩ, tình cảm, niềm tin, khát vọng mà còn thúc đẩy, mở ra một lối thoát cho họ hướng về chân lý. Chính vì vậy, tác phẩm phải có cái kết thúc ấn tượng sâu sắc, là sự kết hợp hài hòa của nội dung và hình thức nghệ thuật độc đáo, tạo cảm hứng cho người đọc. Giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mỹ phải cùng nhau kết tinh để tạo nên một sự sống cho người đọc sau khi tác phẩm kết thúc.
Lời nhận định của tác giả Bùi Việt Thắng là vô cùng đúng dắn khi bàn về kết thúc của truyện ngắn. Khi trang sách của truyện ngắn kết thúc thì những âm hưởng của nó vẫn còn vang vọng, in sâu trong trái tim và khối óc của người đọc. Vì cái kết thúc ấy đã cho họ một cái nhìn về thế giới, cho họ những cảm xúc mới mẻ và độc đáo nhất.
NGÔ THỊ MINH GIANG - LỚP 11 CHUYÊN VĂN
TRƯỜNG TRUNG HỌC THỰC HÀNH ĐHSP TP. HCM
NĂM HỌC 2018 – 2019
TRƯỜNG TRUNG HỌC THỰC HÀNH ĐHSP TP. HCM
NĂM HỌC 2018 – 2019