Soạn văn Soạn văn Vội vàng - Xuân Diệu - đầy đủ, chi tiết

Soạn văn Soạn văn Vội vàng - Xuân Diệu - đầy đủ, chi tiết

Triều Anh
Triều Anh
  • Thành viên BQT
  • Người yêu của văn chương ❤️ đến từ Sóc Trăng
Xuân Diệu là nhà thơ của tình yêu, của mùa xuân, của tinh yêu và tuổi trẻ. Bài thơ Vội vàng được đánh giá là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Xuân Diệu. Bài thơ được in trong sách Ngữ văn 11. Cùng Triều Anh tham khảo bài soạn sau:
C85A7AF8-C54A-44D0-9BFC-61451916B44B.jpeg
Ảnh: sưu tầm

I. Tìm hiểu chung
1. Tác giả:

- Xuân Diệu (1916 -1985), xuất thân trong một gia đình nhà nho, quê ở làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tỉnh.
- Xuân Diệu là nghệ sĩ lớn, nhà văn hoá lớn có sức sáng tạo mãnh liệt, bền bỉ và sự nghiệp văn học phong phú. Ông được mệnh danh là nhà thơ "mới nhất trong các nhà thơ mới" (Hoài Thanh). Xuân Diệu đã đem đến cho thơ ca một sức sống mới, một nguồn cảm xúc mới, thể hiện quan niệm sống mới mẻ cùng với những cách tân nghệ thuật đầy sáng tạo.
- Tác phẩm tiêu biểu:
+ Tập thơ: Thơ thơ (1938), Gửi hương cho gió (1945), Tôi giàu đôi mắt (1970)
+ Các tập văn xuôi: Phấn thông vàng (1939), Trường ca (1945)
+ Các tập tiểu luận phê bình: Những bước đường tư tưởng của tôi (1958), Các nhà thơ cổ điển Việt Nam - 2 tập (1981,1982)

2. Tác phẩm
- “Thơ thơ” là tập thơ đầu tay của Xuân Diệu, xuất bản năm 1938, trong tập thơ này, Xuân Diệu cất lên tiếng thơ dào dạt của một tâm hồn trẻ lúc nào cũng thèm yêu, khát sống, say đắm cuộc đời, quyến luyến cảnh sắc trần gian, thể hiện một quan niệm sống mới mẻ, tích cực. Tập thơ cũng mang nặng những cảm nhận tinh vi về sự lạnh lùng của thời gian và sự cô đơn giữa dòng đời. “Thơ thơ” được viết bằng một hình thức hấp dẫn với nhiều cách tân táo bạo mà nhuần nhị. Tập thơ được xem là một đỉnh cao của phong trào thơ mới.

- “Vội vàng” được rút từ tập “Thơ thơ” (1938), tập thơ đầu tay cũng là tập thơ khẳng định vị trí của Xuân Diệu – thi sĩ “mới nhất trong các nhà thơ mới”. Đây là một trong những bài thơ tiêu biểu cho sự bùng nổ mãnh liệt của cái tôi trong thơ mới nói chung trong thơ Xuân Diệu nói riêng, đồng thời in dấu khá đậm hồn thơ Xuân Diệu “tha thiết, rạo rực, băn khoăn” và tiêu biểu cho sự cách tân táo bạo, độc đáo trong nghệ thuật thơ ông.

II. Đọc – hiểu văn bản
1. Bố cục và mạch cảm xúc bài thơ.

a. Bố cục:
chia làm ba phần
- Phần 1: 13 câu đầu: Tình yêu cuộc sống say mê, tha thiết với thiên đường nơi trần thế của nhà thơ.
- Phần 2: 16 câu tiếp: Nỗi băn khoăn trước thời gian và cuộc đời.
- Phần 3: 9 câu còn lại: Khát vọng sống, khát vọng yêu cuồng nhiệt, hối hả.

b. Mạch cảm xúc
Từ sự sung sướng vui tươi trước khu vườn xuân, giọng thơ chuyển sang băn khoăn, tranh biện, lo âu, thảng thốt, tiếc nuối để rồi ngọn lửa sống bùng cháy mãnh liệt sôi nổi trong phần kết của bài thơ. Đây chính là nhận thức mới mẻ, mặt “luận lí” đã chi phối hướng vận động của mạch cảm xúc đó. Mùa xuân đầy hương sắc, rạo rực như cuốn tác giả vào “bữa tiệc” trần gian đang mời gọi. Nhưng trong sung sướng, ngất ngây, tôi thảng thốt vội vàng một nửa vì nhận ra tất cả chỉ thật sự thần tiên trong cái xuân thì của nó. Con người cũng vậy, tuổi xuân không thắm lại hai lần. Đó là lí do phải sống vội vàng, vồ vập, sống cuống quýt, hi vọng chiến thắng thời gian bằng tốc độ sống, nhất là bằng chất lượng sống – “Sống toàn tâm, toàn ý, sống toàn hồn – Sống toàn thân và thức nhọn giác quan”. “Vội vàng” cũng như nhiều bài thơ khác của Xuân Diệu có lối cấu tứ đan xen hoà kết nhuần nhuyễn như vậy giữa mạch cảm xúc và mạch luận lí.

2. Phần 1: 13 câu đầu: Tình yêu cuộc sống say mê, tha thiết với thiên đường nơi trần thế của nhà thơ.

- 4 câu đầu:
+ Bài thơ mở đầu bằng 4 câu thơ 5 chữ, kiểu câu khẳng định cùng với lối điệp từ ngữ, điệp cấu trúc câu thơ để khẳng định một ước muốn táo bạo, mãnh liệt: muốn ngự trị thiên nhiên, muốn đoạt quyền tạo hoá. Sắc màu, hương thơm là hương sắc của thiên nhiên, rộng hơn là của cuộc đời. Thi nhân muốn “tắt nắng”, muốn “buộc gió”. Điều đó chính là ước muốn ngăn thời gian, chặn sự già nua, tàn tạ để giữ mãi hương sắc cho cuộc đời. Ý tưởng của Xuân Diệu thật mới lạ, độc đáo, in dấu ấn những cách tân nghệ thuật của thơ mới và dấu ấn cá tính sáng tạo của Xuân Diệu rất rõ rệt.
+ Ý tưởng có vẻ như “ngông cuồng” của thi nhân xuất phát từ một trái tim yêu cuộc sống đến tha thiết say mê. Những động từ “tắt” nắng, “buộc” gió ngỡ như vô lí nhưng lại rất Xuân Diệu. Mọi giác quan của thi nhân như đang run lên để đón nhận mà hưởng thụ hương sắc trần gian.
+ Bốn câu thơ 5 chữ với lối diễn đạt riêng tưởng như không ăn nhập với bài thơ nhưng đọc hết bài, đặt trong cái lôgic: ôm, riết, say, thâu, cắn…mới thấy đây là hành động mở đầu cho những ham muốn, vội vàng. Bốn câu thơ gói gọn cảm xúc và ý tưởng chủ đạo của cả bài thơ nên có giá trị như một lời đề từ.

- 9 câu tiếp:
+ Nhà thơ giãi bày cho cái ước muốn tưởng như “ngông cuồng” của mình bằng một bức tranh thiên đường trần gian tràn đầy sinh lực, ngồn ngộn sức xuân, sắc xuân, hương xuân và tình xuân.
+ Câu thơ năm chữ ngắn gọn bỗng chuyển thành câu thơ tám chữ liền mạch chuyên chở dòng cảm xúc đang cuồn cuộn tuôn trào. Bức tranh thiên nhiên có đủ màu sắc, âm thanh, ánh sáng: ong, bướm, hoa lá, yến anh và cả ánh sáng bình minh rực rỡ. Tất cả đang ở thời kì sung mãn nhất, sức sống căng đầy nhất: “tuần tháng mật” của ong bướm; “hoa của đồng nội xanh rì”; “lá của cành tơ phơ phất”; “khúc tình si của yến anh”; hàng mi chớp ánh bình minh của mặt trời,… Tất cả hiện hữu có đôi, có lứa, có tình như mời, như gọi, như xoắn xuýt.
+ Thi sĩ lãng mạn đã đón chào và chiêm ngưỡng cuộc sống, thiên nhiên bằng “cặp mắt xanh non” của tuổi trẻ. Cái nhìn vừa ngỡ ngàng, vừa đắm say, ngây ngất. Điệp khúc “này đây, này đây… và này đây” cùng với phép liệt kê theo kiểu tăng tiến và nhịp thơ gấp gáp, khẩn trương vừa diễn tả cảm xúc sung sướng, ngây ngất vừa có gì như là sự hối thúc, giục giã khiến cho ai đó dù vô tình cũng không thể làm ngơ, quay lưng. Cuộc sống là thiên đường trên mặt đất, hãy tận hưởng, tận hưởng và tận hưởng…
+ Thật bất ngờ, nhà thơ như say khi thốt lên: “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”. Câu thơ có ý nghĩa bao quát cả đoạn thơ và có lối diễn đạt độc đáo, mới lạ. Với Xuân Diệu, một đời đẹp nhất là tuổi trẻ như một năm đẹp nhất là mùa xuân và mùa xuân đẹp nhất là tháng giêng. Cái đẹp nằm ở sự bắt đầu, tinh khôi, mới mẻ, hồng hào, mơn mởn,… Xuân Diệu đã vật chất hoá một khái niệm thời gian “tháng giêng” bằng “cặp môi gần”. Xuân Diệu còn truyền cảm giác cho người đọc bằng các tính từ “ngon”, “gần”. Câu thơ của Xuân Diệu không chỉ gợi hình thể mà còn gợi cả hương thơm, vị ngọt khiến người ta say đắm, ngất ngây.

3. Phần 2: 16 câu tiếp: Nỗi băn khoăn trước thời gian và cuộc đời.

- Mạch thơ đang cuồn cuộn bỗng nhiên chùng hẳn xuống. Câu thơ gãy làm đôi bởi dấu chấm đặt ở giữa: “Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa – Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”. Nhà thơ bỗng “hoài xuân” – nhớ xuân, tiếc xuân khi mùa xuân chỉ mới bắt đầu. Cảm thức về thời gian luôn thường trực trong tâm hồn nhà thơ. Xuân Diệu cảm nhận rất rõ những bước đi của thời gian trong hơi thở của đất trời và cùng với thời gian, những gì đẹp nhất của mùa xuân, của tuổi trẻ, của tình yêu rồi sẽ ra đi không trở lại.
- Những từ “xuân”, “tôi”, “tuổi trẻ” cứ trở đi trở lại đan cài vào nhau trong hàng loạt những mâu thuẫn: “đương tới” - “đương qua”, “còn non” – “sẽ già”; “lòng tôi rộng” – “lượng trời cứ trật”; “xuân vẫn tuần hoàn” – “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại” tạo thành nỗi day dứt, niềm tiếc nuối không nguôi.
+ Các tiếng “đương qua”, “sẽ già”, “hết”, “mất”, “không cho”, chẳng còn”, “rớm vị chia phôi”, “than thầm tiễn biệt”, “phải bay đi”, “bỗng đứt tiếng”, “độ phai tàn”,… như cứa vào trái tim vốn nhạy cảm, yêu đời, khát khao giao cảm với đời nhưng cứ phải nghĩ, không thể không nghĩ đến cái hữu hạn của đời người; cứ phải lo, không thể không lo đến một ngày nào đó đời người vụt tắt như ngọn nến. Hơn ai hết, Xuân Diệu là người ý thức rất rõ một điều: tuổi trẻ một đi không trở lại.
+ Đoạn thơ sử dụng nhiều phụ từ và từ quan hệ: “nghĩa là”, “mà”, “nhưng”, “làm chi”, “vẫn”, “nếu”, “chẳng”, “chẳng còn”, “nên”… các từ này có giá trị biểu đạt “lí luận của trái tim”. Trái tim tự đặt điều kiện, giả thiết, tự biện luận để rồi tự kết luận. Lời kết luận cuối cùng là lời than thở tưởng chừng như tuyệt vọng: “Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…”.
+ Xuân Diệu là thế: khát khao đến cháy bỏng, giao cảm đến nồng nàn nhưng luôn cảm thấy bơ vơ và có lúc hoảng sợ. Có điều nỗi tuyệt vọng của Xuân Diệu giống như nỗi buồn của giọt sương không được cháy hết mình dưới nắng mặt trời. Xuân Diệu không những không làm cho người ta tuyệt vọng mà bằng một con đường riêng, Xuân Diệu đã đốt lên tình yêu cuộc sống cho con người.

3. Phần 3: 9 câu còn lại: Khát vọng sống, khát vọng yêu cuồng nhiệt, hối hả - triết lí sống vội vàng.
- Hình ảnh thơ: sự sống mơn mởn, mây đưa, gió lượn, cánh bướm với tình yêu, cái hôn nhiều, non nước, cỏ, cây, mùi thơm, ánh sáng, thanh sắc, xuân hồng đó là những hình ảnh tươi mới đầy sức sống.
- Ngôn từ: ôm, riết, say, thâu, cắn, chuếnh choáng, đã đầy, no nê. Đó là những động từ và tính từ mạnh được dùng với mức độ tăng tiến.
- Hình ảnh mới mẻ, độc đáo nhất: bài thơ nói chung và đoạn thơ cuối cùng nói riêng có nhiều hình ảnh mới mẻ, độc đáo những hình ảnh có tính liên kết lôgic “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần” và “- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào người!” là hình ảnh độc đáo hơn cả.
- Cái tôi cá nhân đã hoà vào cái ta chung rộng lớn. Điệp khúc “ta muốn” trở lại với âm hưởng dồn dập, khẩn thiết hơn trở thành cao trào của khát vọng sống mãnh liệt, vô cùng táo bạo. Cái tôi tham lam như muốn ngự trị, ôm choàng tất cả. Cùng với điệp khúc “ta muốn” là các động từ mạnh cứ tăng dần về mức độ: “ôm”, “riết”, “say”, “thâu”, “cắn”. Trạng thái “vội vàng” ấy lại được bồi thêm bởi các tính từ tuyệt đối để lột tả đến tận cùng sự cuống quýt, vồ vập.
- Câu cuối của bài thơ thật bất ngờ: “- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào người!”. Thật là một sự say mê đến cuồng điên. Kiểu giao cảm này chỉ Xuân Diệu mới có, một kiểu giao cảm khoẻ mạnh, cường tráng của một trái tim căng đầy sức sống và một tâm hồn ngập tràn tình yêu.

4. Nghệ thuật
- Sự kết hợp giữa mạch cảm xúc và mạch luận lí.
- Cách nhìn, cách cảm mới và những sáng tạo độc đáo về hình ảnh thơ.
- Sử dụng ngôn từ, nhịp điệu dồn dập, sôi nổi, hối hả, cuồng nhiệt.

III. Tổng kết
- Nội dung: Quan niệm sống mới mẻ của tác giả là yêu cuộc sống trần thế xung quanh ta và tìm thấy trong cuộc sống đó biết bao điều hấp dẫn, đáng sống, biết tận hưởng những gì mà cuộc sống ban tặng. Từ đó, càng thêm yêu mùa xuân và tuổi trẻ, những gì đẹp nhất của cuộc sống con người. Đó là quan niệm sống rất người, rất tích cực và có giá trị nhân văn sâu sắc.
- Nghệ thuật: Những cách tân của thơ mới được thể hiện một cách sáng tạo và táo bạo qua ngòi bút Xuân Diệu từ cảm hứng, ý tưởng thơ cho đến hình ảnh, nhịp điệu, ngôn từ,...Tất cả đều in dấu ấn phong cách Xuân Diệu.

 
Sửa lần cuối:
Từ khóa
ngữ văn 11 nhà thơ của tình yêu nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới những cách tân nghệ thuật đầy sáng tạo quan niệm sống mới mẻ triết lí sống vội vàng voi vang xuân diệu
830
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top