Dự thi Tết của ngày xa xưa- Thyus

Dự thi Tết của ngày xa xưa- Thyus

Thyus
Thyus
  • Thành Viên 21
Tiếng xe cộ nhộn nhịp của những ngày gần Tết ồ ạt vào căn phòng trọ của tôi. Có tiếng người gọi nhau, có tiếng cười nói, cũng có tiếng thở dài đầy muộn phiền. Hai bảy Tết khu trọ người ta về hết nhưng vẫn không đẩy lùi được sự nhộn nhịp hân hoan của người dân thành phố. Trong này, tôi ngả mình trên chiếc sofa nhỏ, một buổi chiều cận Tết chạy vụt qua đưa tôi chìm vào sâu giấc ngủ. Tôi đã có một giấc mơ, cũng không phải là giấc mơ, là những mảnh vụn vỡ của tuổi thơ nghèo.

“Chị đèo tôi trên chiếc xe Thống Nhất cũ của ông nội đi mua cám cò về cho ngan. Xe Thống Nhất thời đấy đâu nhiều loại như bây giờ, nó cao, to mà hoen rỉ cả cái khung ngang, chị chân không đủ dài cứ đợi phần bàn đạp lên cao thì nhấp chân xuống một cái. Hai cái xăm má chằm vá đập, lốp xe mòn thêm sợi xích đi nhiều không tra dầu khô quằm dão ra, vừa chạy xích xe lại lê lết trên đất. Âý vậy mà cả hai đứa vẫn cứ bình thường, đi mua cám, mua thóc, mua bột ngô.
mqdefault.jpg

Tết của ngày xa xưa- Thyus ( nguồn: gg)
Nhà tôi có ba chị em cứ cách nhau ba tuổi, hai gái một trai. Em trai năm tuổi, tôi lớp hai còn chị lớp năm, đều học một trường nhỏ của xã. Mà được cái ba đứa đều ngoan, đều học giỏi nên hàng xóm cũng hay khen bố mẹ chăm con tốt. Vẫn nhớ cái năm ấy bố mẹ thấy mình khổ quá, thấy mấy đứa con ngày một lớn, rồi nó học lên đại học lấy gì nuôi nó đây, liền vay ngân hàng mấy trăm triệu để tự làm ăn. Năm 2007, 2008 gì đó xã huyện bùng lên cơn sốt nuôi trồng thủy hải sản, một số gia đình nuôi ngao lãi mấy tỉ, phải nói mấy tỉ lúc ấy gấp nhiều lần bây giờ. Ba mẹ cũng ham, cũng mua bãi về thả ngao, chăm sóc kĩ lắm. Ba ở cả ngày ở trên chòi ngoài biển để canh ngao, mẹ đi bán sứa buổi sáng, buổi chiều phụ giúp bố. Cuộc sống cứ màu hồng như vậy cho đến tầm nửa năm mùa thu hoạch, ngao vừa mất giá, vừa chết nhiều. Mẹ bảo do nhiều người cũng làm giống nhà mình nên giá ngao giảm mạnh lắm, hơn nữa do bãi nhà mình ở cái vùng đầu nước nên ngao khó sống, đợt mưa xuống thay đổi chất nước đều chết hết cả. Ba dẫn tôi ra bờ biển chỉ về phía bãi của nhà, một màu trắng xóa nổi bật trên nền cát- vỏ của những con ngao chết.
ngao-chet-1924.jpg

Tết của ngày xa xưa- Thyus ( nguồn: gg)
Rồi bố mẹ buồn, đã nghèo lại còn thêm mấy trăm triệu tiền nợ biết khi nào mới trả được. Ba chị em ngổi nép một góc giường nhìn mẹ rơi nước mắt cũng chẳng biết làm gì. Sau đó khoảng gần một tháng cả nhà rơi vào không khi ảm đạm, đến một ngày bố mang về vài con ngan nhỏ thả vào chuồng, mẹ thu dọn hành lí rồi đưa cho chị hai trăm ngàn. Mẹ bảo bố mẹ đi lên Hà Nội gánh gạch kiếm ít tiền trả nợ, Tết mẹ về mua quà cho. Rồi một lúc thì xe đến đưa họ đi, ba chị em ở nhà tự bảo nhau học hành.

Nhà tôi có một phòng khách, một phòng ngủ với cái bếp nhỏ bằng cái giường ngủ, nhà tắm thì dựng bằng bốn cái cọc gỗ quấn vải bạt, xung quanh bao bọc bởi rừng chuối và hai cái ao to. Nhà giàu thì có nhà vệ sinh đi xong xả nước, nhà nghèo như nhà tôi thì có cái thùng tro bếp bên cạnh, giấy chùi là giấy viết cũ, nhiều khi hết giấy, hết tro ruồi muỗi bay vo ve cũng phải ráng cho xong, không thì cũng không có chỗ mà xả. Vẫn cứ nhớ cái có cái đêm tối mùa hè, mưa rào bất chợt đổ, muốn đi vệ sinh mà nó tận sâu trong tít bụi chuối. Sợ. Đành nhịn lọ mọ xách đèn, mặc cái áo mưa cũ đi ra ngoài. Nước mưa hòa với đất nhão nhoét dính chặt lấy hai cái dép rách tươm, vừa đi cả người cứ run run nhìn về phía bụi chuối với cái ao, tiếng ễnh ương đến mùa tìm bạn tình cứ cót két, cót két vang vọng khắp không gian. Tôi lom khom mãi mới ra được ngoài ấy, mái dột một lỗ to lắm nên phải mặc áo mưa mà giải quyết, lúc ngồi xuống nước còn xót lại ướt hết cả người.

Bố mẹ đi làm xa, chị em tôi cứ tối lại chen chúc vào một cái giường cũ- giường bà nội cho bố vào ngày cưới, giờ để lại cho ba đứa nằm. Giường làm từ gỗ xoan đã mấy chục năm nên mối mọt lắm, san giường bằng luồng chẻ từng sợi ra, bây giờ thì người ta làm từ những thanh gỗ nên chắc chẳng biết chứ thời nhỏ của tôi toàn kiểu vậy, nhà ai cũng có. Giường vậy cũng có cái hay- nằm mạnh một phát là lún xuống đất. Tôi nằm cái chỗ bị lún phần chân, chị gái nằm chỗ lún phần đầu còn ở giữa đẹp nhất là dành cho em trai nhỏ. Mùa đông thì ấm còn mùa hè thì nóng nực lắm, nhất là mấy hôm 38, 39 độ mất điện. Hai đứa lớn có cái quạt mo thi nhau quạt, mỗi đứa luân phiên khi thì mười, khi thì hai mươi lần quạt, cứ như vậy cho đến khi cả ba ngủ quên mất. Đấy là khi thôi chứ vẫn có những lần nóng quá không ngủ được, tôi ra hè hồi hóng gió. Trăng trên trời sáng vàng vọt, ngoài vườn tiếng dế kêu dâm ran, không gian tĩnh lặng chỉ có một mình, lại nhớ mẹ. Nhớ những lần như vậy mẹ quạt cho ngủ đến sáng, ở bên mẹ chẳng sợ gì cả. Nếu nói trẻ con khóc to một lúc rồi sẽ nín còn người lớn thì lặng lẽ mà khóc. Tôi vẫn là con nít nhưng tôi không dám khóc lớn, sợ làm mọi người thức giấc, cứ bịt miệng khóc từng tí, khóc cho tới khi chán thì thôi, lại chạy vào giường vén màn ngủ tiếp. Bây giờ kể lại thấy mình trưởng thành sớm thật.
hinh-anh-nau-banh-chung-ngay-tet-xua_045423948.jpg

Tết của ngày xa xưa- Thyus ( nguồn: gg)

Độ bốn tháng bố mẹ đi hay bao lâu tôi cũng không nhớ, trời vào đông. Mùa đông của năm ấy do chưa biến đổi khí hậu như bây giờ nên lạnh lắm, từng cơn gió mùa lùa qua lớp áo đồng phục mỏng, phải mặc thêm mấy cái áo len cũ chị hàng xóm cho mới đỡ được phần nào, nhưng vẫn còn run cầm cập. Tôi đi học về trên cùng lũ bạn trên con đường làng quen thuộc, co dúm lại vì lạnh. Có đứa bạn tôi nhà giàu khoe đôi tất mẹ nó mới mua cho, đôi tất màu hồng phấn có hình công chúa lọ lem xinh lắm. Thèm thuồng nhìn xuống chân mình, đôi dép tổ ong đen xì rách cái mõm đi cứ quẹt đất, hai cái bàn chân không rửa bị nẻ nứt toác ra, giữa những khoảng nâu nâu toàn nùn đất là màu đỏ của thịt xen lẫn mủ trắng, đêm ngứa tôi gãi nó lại lan ra tợn, đến nỗi mà bà nội phát hiện đánh cho một trận, xách tôi như nhà hàng xóm xách con lợn làm thịt, nhấn chân vào chậu nước trầu không mà ngâm. Nó xót, như hàng trăm con kiến đỏ lao mà chân tôi mà cắn. Ngâm được độ ba mươi phút bà bắt tôi nhấc chân ra, màu nước còn đục hơn màu cháo lòng đầu ngõ, cảm giác nó đã, nó nhẹ nhàng cả cái chân. Từ hôm đấy hôm nào cũng nhóm bếp nấu nước ngâm chân, nấu thì lâu ngâm thì nhanh. Chị bận học nên tôi phải tự lọ mọ trong bếp cả buổi, khói mịt mù xà vào cay hết cả mắt. Rồi tính tôi chóng nản, được dăm bữa thì chán chả thèm nấu nữa.

Sương mù bình lưu bao bọc ngọn sóng xa bờ, mặt trời tháng mười hai bị che khuất sau những vạt cây vẹt thỉng thoảng tỏa ra vài vệt sáng yếu ớt, có hai đứa trẻ kéo thân cây chuối về nhà. Tôi vác đầu nặng đi trước còn em trai theo sau. Chúng tôi vừa lạnh vừa mệt đi qua nhà một người bạn. Người bạn ấy nhà cũng khá giả hơn nhiều hộ gia đình trong thôn, có bố làm phó hiệu trưởng của trường tiểu học, mẹ làm giáo viên ngữ văn. Vốn chẳng bao giờ động tay chân vào những chuyện như vậy, khi thấy chị em tôi cậu ấy cũng tò mò chạy theo, cậu ấy nói muốn sang nhà tôi chơi. Khi ấy vẫn còn là ngu ngơ, tôi cũng nhiệt tình mời cậu ấy về nhà mình. Rồi không đứa nào nói gì mà cứ đi như vậy cho tới khi về nhà. Về nhà, tôi ném cây chuối xuống đất rồi thái ra từng lát mỏng. Mủ chuối dính chặt lấy hai bàn tay nhỏ bé mà thô ráp. Thái rồi lại băm ra trộn với cám cho ngan ăn. “ Sao mà nhà mày nghèo vậy?” . Người bạn năm ấy tôi dẫn về đã nói với tôi như vậy, đến bây giờ vẫn không thể nào quên được câu nói ấy, nó như lưỡi dao cắt đôi niềm kiêu hãnh của tôi. Người giàu có đâu thể nào hiểu được sự khó khăn mà người nghèo đã trải qua. Nếu có thể chọn sinh ra tại một gia đình giàu như bạn ấy thì tôi đã chọn, nhưng dù thế nào đây vẫn là cuộc sống của tôi, chẳng có bố mẹ nào trên đời mong con mình có cuộc sống như vậy cả. Lần đầu tiên trong cuộc đời tâm trạng tôi lại nhiều dòng cảm xúc đan xen đến như vậy. Có thể nói là sự trưởng thành sâu trong nhận thức? Nghe nói những đứa trẻ càng hiểu chuyện thì càng khổ, cuộc đời của tôi đúng thật rất khổ.

Sau đó tôi không còn chơi với người bạn đó nữa, có thể do hoàn cảnh của chúng tôi khác nhau dẫn đến tính cách khác nhau. Cậu ấy có thể ăn sáng ở nhà và được bố mẹ cho mười nghìn tiêu vặt còn tôi chỉ một nghìn xôi sáng hãy còn thòm thèm.

Ngày 17 tháng 1 năm ấy, vẫn nhớ ngày lần đầu được nghe điện thoại. Điện thoại không phải di động thuận tiện mà là để bàn, cả thôn có mỗi nhà người bạn kia có. Khi ấy tôi mới đi học về nghe mẹ gọi điện thì mừng lắm, chưa kịp cất cặp thì đã chạy vội. Chạy đến đâu, sách vở rơi đến đấy. Hai quyển vở ô ly quăn mép với sách giáo khoa tiếng việt mẹ đi xin của họ rơi từ vết rách dài trên cặp. Cặp vuông có hai cái quài đằng trước in hình siêu nhân gao đã đeo từ lúc chị học lớp 1 rồi cho lại, vải bở ra từng thớ như làm ruốc, đụng nhẹ một tí là rách. Tôi vừa quay lại nhặt mà lòng nôn nao lắm, tôi sợ mẹ tắt máy.

- Alo, mấy đứa ở nhà ngoan không, còn tiền không để mẹ gửi thêm, ở nhà chị em bảo nhau mà học đừng có đánh nhau, gần Tết mẹ về.
- Mẹ ơi cặp con rách hư rồi.
- Coi còn dùng được thì dùng, không thì còn tiền bảo chị mua cặp mới cho.
- ...
Cả ba chị em thay nhau nói chuyện với mẹ, nói được năm phút thì chị tôi tự ý tắt máy, chị bảo tiền điện thoại đắt lắm, gọi nữa tốn tiền mẹ không có vé xe về.
Ngày 27 tháng 12 âm lịch, đã tròn một tuần ba chị em ăn cơm với lá xu hào. Lá xu hào đăng đắng xào với mỡ lợn, hai đứa nhỏ giả bộ đi xin về cho ngan. Hôm mẹ gọi ấy cũng còn mười nghìn dành ăn bốn ngày chẵn, làm gì có chuyện mua cặp sách vậy? Mấy ngày sau nhà hết gạo cũng hết tiền, chạy sang bác tạp hóa đầu ngõ mua chịu năm cân gạo ăn tạm cho đến khi mẹ về. Bác bảo mẹ mày nợ lắm rồi đấy, khi nào mẹ về bảo mẹ sang thanh toán nhanh cho bác, tết đến nơi rồi. Tôi vâng dạ chạy về nhà.

Ngày 28 tháng 12 âm lịch, ba chị em bán hết đống ve chai rồi chạy ra chợ mua một miếng thịt lợn toàn mỡ về kho thật mặn. Tầm sáu rưỡi chiều bày ra mâm chờ bố mẹ về nhưng mãi không thấy.
Ngày 29 tháng 12 âm lịch, bố mẹ vẫn chưa về. Ba chị em lẳng lặng dọn mâm cơm ra ngoài hè tiện canh bố mẹ. Vẫn lá su hào xào thêm ít thịt lợn hôm qua, tiếng đũa va vào khoảng không trong vô vọng. Cơm cũng hết, tiền cũng hết, khi nào thì bố mẹ mới về. Tôi với chị nhìn về cánh cổng cũ, em trai khóc lóc đòi mẹ không ngớt. Hai đứa lớn bất lực dọn mâm bát để rửa. Bê ra sân giếng lơ quơ vài cái rồi úp lại, không phải do ở dơ mà do hết dầu rửa bát.

Tiếng con chim sẻ chuyền cành ăn vụng vài quả táo, ngoài kia người ta đang nắm tay nhau đi chợ Tết, tiếng cười đùa hân hoan khắp xung quanh. Với họ Tết đã đến bên cây đào cành mai rộn rã, với ba chị em tôi, Tết bắt bố mẹ rồi chạy trốn nơi nào xa xôi. Chúng tôi lúc này đều là những đóa hoa vạn thọ trực chờ nở để người chơi hoa mang về. Nhưng mặt trời bận nhảy múa cùng nàng xuân bỏ rơi hoa nhỏ để nói mãi chẳng được nở ra, khách mua cũng đi mất.

Đóng cưa lại khỏi trộm vào, bố mẹ không về nữa đâu.

Tối. Chị trong giường nói vọng ra, giọng chị nghẹn lại nhưng vẫn tỏ vẻ lạnh lùng.

Nhà còn gì nữa đâu mà trộm.

Tôi cãi chị rồi đóng cửa lại cho yên tâm, lồm cồm chạy vào trong giường. Tôi không ngủ được, hai mắt cứ mờ đi vì khóc. Cả không gian và thời gian xung quanh bắt đầu ngừng chảy, tôi lòng buồn nghĩ về nơi xa xôi, miền đất hứa có cả gia đình cùng ăn bữa cơm đầm ấm.

‘Cộc…cộc…cộc…” Mơ màng tôi nghe thấy tiếng gõ cửa khe khẽ, nghe thấy tiếng bố nói chuyện với mẹ, giọng mẹ buồn. Mở mắt, vẫn là một màu đen bao bọc cả căn phòng cũ, tôi nhìn qua khe cửa thấy dáng người cao cao. A, mẹ về rồi.

Mở cửa rồi ôm chầm lấy mẹ, tôi khóc như chưa từng được khóc. Khóc to lắm, chị cũng tỉnh dậy. Chị ngồi như góc giường nhìn mẹ rồi giả vở không quan tâm ngủ tiếp, tôi biết chị chỉ đang giả vờ nhưng tôi không nói.

Tôi thiếp từ lúc nào không hay, ngủ đến tận trưa hôm sau. Tỉnh dậy lờ mờ nghe mẹ ngồi với bố, nước mắt mẹ lăn dài.

Tôi đã bảo với mình lấy lương sớm từ hai mươi rồi về với con rồi mà mình không nghe tôi, bây giờ nó vỡ nợ nó trốn đi thì lấy tiền đâu cho con mình mua tấm áo mới, lấy tiền đâu ăn Tết?

Bố không nói gì cả, mẹ buồn so thu mình vào một góc nhà. Nhà đã cũ, lớp vôi quét tường tróc da từng mảng nhỏ bám lên áo mẹ, trắng phau. Ngoài kia tiếng nắng mang mây về trên nền trời xanh thăm thẳm, ở trong này mẹ lẳng lặng để những giọt nước mắt rơi. Tôi vờ chưa tình dậy, nước mắt cũng rơi theo mẹ.

Trưa, mẹ gọi dậy ăn cơm tôi. Canh xương hầm khoai tây, chả thịt, cá rán bày biện ra trước mắt. Mẹ cười hiền hòa xới bát cơm cho tôi, tôi vẫn nhìn thấy sự buồn bã trong đôi mắt mẹ, ăn cơm cũng cố gắng ăn ít.

Sao ăn ít vậy, ăn đi con, ăn nhiều vào.

Mẹ xoa đầu tôi, nhắc tôi ăn thêm thức ăn, tôi cười gượng gạo. Những tiếng khóc của mẹ vẫn cứ lặp lại trong tâm trí tôi, tự nhiên không muốn gì cả, Tết này chỉ muốn cả gia đình bên nhau.

Chập chiều ngày 30 Tết, mẹ sang nhà nội xin được cặp bánh chưng, lại sang nhà ngoại xin được cái giò. Bố dắt chị em tôi ra ngoài chợ huyện, vẫn nhớ chợ huyện to và đẹp lắm, bao nhiêu là thứ khác lạ so với chợ thường mà chị em tôi hay xin lá xu hào. Bố nắm tay hai đứa nhỏ còn chị đi theo sau, đi được nửa đường thì mệt quá ngồi xuống nghỉ ngơi, tôi hỏi bố sao không chở đi như những năm về trước. Bố bảo bố cho người ta thuê rồi. Bố cho người ta thuê đứa con thứ tư của mình, thuê kỉ vật ngày cưới bố lai mẹ rước dâu, thuê dài hạn đến tận bây giờ người ta vẫn chưa trả lại. Bố mua cho mỗi đứa một cái quần, quần cũ rách mòn cả hai đầu gối, tôi được thêm một cái cặp đeo chéo- cũng là loại rẻ nhất trong cửa hàng. Tôi bảo không cần, để tiền đấy cho mẹ đong cân gạo, bố không đồng ý. Bố bảo nhà mình nghèo nhưng không thể để tôi thua thiệt bạn bè, bố mẹ có thể nhịn ăn, nhịn mặc một tí nhưng đầu tư để học hành bố không thể bỏ qua được. Bố bắt tôi cầm cặp đi về.

Bố còn mua một bao Thăng Long, còn dặn mấy đứa đừng nói với mẹ gì cả, mẹ mắng bố đấy. Ba bọn tôi vâng dạ xách đồ theo bố về nhà. Bố đi trước, châm điếu thuốc thả một làn khói phì phèo. Bố năm ấy mới độ ba lăm mà tóc đã có vài cọng bạc, da đen và gầy đi nhiều so với năm trước. Không biết có phải không mà tay bố có đầy vết chai sạn sần lên, dày cộm như đắp một lớp xi măng mỏng. Có lẽ bố đã làm nhiều việc khi ở ngoài đấy để kiếm tiền trả nợ.

Bố ơi, năm sau bố có còn đi nữa không? Con nhớ bố lắm.

Em trai nhỏ đằng trước túm lấy vạt áo bố, hỏi.

Bố quay lại bế nó lên trên vai cười:

Năm sau bố không đi nữa, bố ở nhà với bọn con thôi.

Rồi bố ném điếu thuốc đang hút dở vào thùng rác bên vệ đường, hai tay nắm lấy tay của nó. Bố đi chậm cho hai đứa lớn theo kịp. Về nhà- mẹ đang chờ.

Bố con tôi đi mãi mới về đến nhà. Mẹ đang nấu ăn ở trong bếp nhỏ, hương thơm lan tỏa khắp căn nhà lụp xụp đầy hạnh phúc. Tôi ôm cặp sách mới chạy khoe mẹ, mẹ cười dịu hiền.

Chập tối, cả nhà quây quần bên mâm cơm tất niên. Mâm cơm tuy không đủ đầy thịt cá như bao gia đình khác nhưng lại là mâm cơm ngon nhất của chúng tôi lúc bấy giờ và sau này cũng vậy. Chẳng cần giàu có cao sang, chúng tôi chỉ cần bên bố mẹ là đủ để hạnh phúc.”
1(2).jpg

Tết của ngày xa xưa- Thyus ( nguồn: gg)

Tôi tỉnh dậy sau giấc mơ, nước mắt không ngừng rơi lã chã. Mảnh vụn vỡ tuổi thơ dần được kết nối lại, nỗi nhớ gia đình chảy dọc nơi tim tôi .Lau đi nước mắt, tôi xách hành lí rồi chạy một mạch tới ga tàu. Tết đến rồi, về thôi. Ở nhà, có bố mẹ đang đợi chờ.
 
783
4
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top