Dự thi Tết núi rừng

Dự thi Tết núi rừng

Tham gia cuộc thi viết văn tháng 12: “Người lính trong tim tôi”


TẾT NÚI RỪNG

Mùa đông năm ấy, tham gia chữa cháy rừng tại xã Suối Tọ, Phù Yên, Sơn La.

27 Tết. Toàn đơn vị đang nhộn nhịp làm công tác chuẩn bị tết, từ rửa lá dong, đãi gạo, rửa rau, thịt lợn, đắp bếp, trang trí nhà cửa, doanh trại…

16 giờ….

Tiếng kẻng báo động dồn dập vang lên từng nhịp, thúc giục những người lính đang làm các công việc trong đơn vị đều phải bỏ dở nhanh chóng cơ động về nhận nhiệm vụ. Mệnh lệnh phát ra: Sau 1 tiếng nữa phải làm xong mọi công tác chuẩn bị lên đường đi chữa cháy rừng tại Phù Yên, Sơn La.

Tất cả nhanh chóng gói gém quân tư trang. Tập trung chuẩn bị lương thực, thực phẩm, những nồi cơm, thức ăn trên bếp vừa chín tới chưa kịp ăn được cho vào nồi, xoong đưa lên thùng xe…Tất cả công việc được thực hiện nhịp nhàng, nhanh chóng. Những công việc dang dở đành để lại cho lực lượng trông coi doanh trại hoàn thành.

17 giờ…

Toàn đơn vị tập trung đầy đủ, hạ đạt mệnh lệnh, lên xe bắt đầu hành quân. Mới đầu đường còn đẹp, những chiếc xe lặc lè người, vật chất, trang bị còn chạy bon bon. Qua Thanh Sơn, Tân Sơn đường bắt đầu xấu dần, đèo dốc nhiều hơn, những chiếc xe chạy xăng máy yếu bắt đầu chạy ì ạch tụt lại phía sau những chiếc xe chạy dầu. Cái lạnh đêm đông bắt đầu len lỏi vào từng thớ thịt, những người lính co lại gần nhau, khép chặt hơn vạt áo chập chờn theo điệu lắc lư của những chiếc xe.

Hành quân nửa đêm mới lên tới huyện. Cán bộ tranh thủ làm việc với tỉnh, huyện nắm tình hình và bàn biện pháp phòng chống. Chiến sĩ ngả ra ăn vội nắm cơm. Chưa nuốt trôi ngụm nước lại bỏ xe ca chất nhau lên đám xe tải gầm cao của huyện huy động đưa vào xã, đường lổn nhổn đá, ghập ghềnh, sương mù mờ mịt, đường cua tay áo ngoằn ngèo…Những người lính gà gật theo nhịp xóc của xe tranh thủ chợp mắt được tí nào hay tí ấy. Đâu đó xa xa mãi dưới thị trấn vẫn thấy ẩn hiện những ánh đèn chập chờn trong lớp sương mờ…

Vào đến xã đã chuyển sang ngày mới. Xe ô tô hết đường, để vào khu vực cháy chỉ còn đường đi bộ hoặc ngựa thồ. Cả đơn vị xuống xe nghỉ ngơi lấy sức chuẩn bị sáng sớm vượt núi vào điểm cháy. Nhà dân thưa thớt, ven đường chỉ có 1 hàng quán, vào sâu trong 1 chút là điểm trường của xã. Bộ đội ngả vội ra 2 bên đường tựa lưng vào ba lô chợp mắt lấy sức. Tay xã đội trưởng bảo “mấy anh có thể vào trường nghỉ tạm, có mấy cô trò ở trong đấy thôi”, định bụng vào xin nấu nhờ ấm nước pha tạm gói mì tôm huyện đưa lên xe ăn tạm chống đói vì họp xong chưa kịp ăn gì lại đi ngay, còn mấy anh em tạt vào quán ven đường nấu nhờ bát mì và sạc nhờ điện thoại, loáng thoáng nghe mấy anh em chúng nó nhận đồng hương quê Vĩnh Phúc.

Vào trường, tối om, ánh đèn pin loang loáng, nghe động mấy chú chó con tỉnh giấc sủa chong chóc. Cuối trường ánh điện chợt bật sáng lên nhờ nhờ, hai cô giáo tỉnh giấc hé cửa ngó ra. “Chào các cô, anh em chúng tôi lên đây chữa cháy rừng, vào xin các cô ít nước pha ít mì tôm và nghỉ tạm chút ở trường”, các cô xăng xái mở cửa, dọn dẹp, đun nước mời mấy anh em vào phòng, căn phòng đơn sơ, gọn gàng với 2 chiếc giường, trên đó đang lăn lóc mấy đứa trẻ cuộn tròn trong đám chăn len mỏng ôm nhau ngủ, các cô bảo “mấy đứa nhà xa, học xong ở lại với chúng em, đôi ba ngày bố mẹ tiện đi làm mới đón về”. Thấy ồn ào chúng nó tỉnh giấc, ngơ ngác nhìn những người lạ, co ro trong góc giường, vừa pha mì các cô vừa bảo “hay là các anh cứ nghỉ tạm ở đây, mấy cô trò chúng em lên trên lớp ngủ tạm”, “thôi chúng tôi chỉ phiền cô 1 lúc rồi phải đi ngay”. Thì ra 2 cô ở tận Thái Bình lên đây đã 4 năm, có dịp nhìn kỹ mới nhận thấy nét duyên dáng, xinh xắn của người con quê lúa pha chút khỏe khoắn mạnh dạn của người vùng cao, vừa ăn vừa nghe các cô kể về niềm vui, nỗi buồn của những người giáo viên cắm bản vùng cao….Đáng nhẽ ra các cô đã bắt xe về quê từ hôm qua nhưng còn mấy đứa trẻ bố mẹ chúng mai mới đón nên các cô phải ở lại.

Ăn xong, gửi lại cho các cháu đôi thùng mì, rồi phải ra kiểm tra bộ đội, mấy cô trò lấp ló bên cửa ngó theo. Ngôi trường che chắn bằng những tấm ván và lợp bằng những tấm gỗ pơ mu xiêu vẹo trong cơn gió lạnh heo hút từ trên những triền núi thổi về…

Ra quán ven đường, thì ra đây là quán của vợ chồng nhà tay ở dưới xuôi lên, mở hàng bán thập cẩm chi đồ hàng tạp hóa, kiêm luôn xay xát cho bà con của xã, thấy mấy anh em với tay chủ quán đang chuyện trò rôm rả xem chừng hợp cạ và vui vẻ lắm…

Đến lúc nhấc đít lên chuẩn bị hành quân chợt tay chủ quán nhẹ nhàng bảo: “Các chú cho anh xin tiền nước pha mì và tiền xạc điện thoại, mỗi bát mì 3 nghìn, mỗi chiếc điện thoại 2 nghìn…”.

Ngoái lại điểm trường, hình như đâu đó sau cánh cửa vẫn có những ánh mắt trong veo dõi theo….Lửa ở cánh rừng xa xa vẫn bập bùng cháy đang chờ những người lính cắm cúi, mải miết hành quân vào xử lý….

*******

ceb2c83e4369907ace57c35630498a56.jpg

Trời tang tảng sáng. Đã nhìn thấy lờ mờ con đường dưới chân qua lớp sương mù, bộ đội ngả lưng một lúc, chợp mắt được chút đã lấy lại tinh thần và sức lực, chút sương đêm thấm vào người làm cho ai cũng hơi rùng mình. Xốc lại đội hình, lên ba lô, tất cả thành hàng dọc như con rắn lượn theo những triền núi tiếp tục hành quân vào điểm cháy. Từ đây trở đi không một phương tiện nào có thể chuyên chở (trừ ngựa), chỉ có thể dựa vào những đôi chân. Những con đường mòn dân bản đi mãi hình thành ẩn hiện dưới những tán cây, có khi phơi mình trên những sờn núi trơ khấc, đường đi trơn trượt, có những đoạn treo leo bên vách núi như những con đương sạn đạo đi vào đất Thục được miêu tả trong Tam quốc. Những đoạn dốc được mệnh danh là Cổng trời gần như dựng đứng, người leo sau không cẩn thận đập đầu vào chân người leo trước, leo lên đến đỉnh nhìn xuống chợt cũng thấy lành lạnh, gai gai….Thậm chí có những đoạn phải lần mò đi theo luồng đường trâu kéo gỗ, không biết của lâm tặc hay của dân…

Qua mấy quả núi, vượt mấy cánh rừng, không ai đếm. Chỉ biết leo lên, trượt xuống, những tấm lưng ướt đẫm mồ hôi, những đôi chân mỏi cứng thì lại nghỉ giải lao một chút bên những khoảnh đất trống, rồi lại tiếp tục đi. Trưa tranh thủ ngả ba lô ăn vội những vắt cơm nắm từ đêm hôm trước lấy sức rồi lại lên đường.

Qua một ngã ba đường rừng thì bị lạc cắt đứt đôi đội hình hành quân. Hại đại đội đi trước đi thẳng, các đơn vị còn lại của tiểu đoàn đi sau do ngắt đội hình thì rẽ phải. Sóng điện thoại không có, khi đi không mang theo máy PRC25 để liên lạc, mọi thứ liên lạc bị cắt đứt. Chỉ huy đơn vị quyết định cử 1 dân quân dẫn đường quay trở lại đề nghị tỉnh đội cử vào lực lượng thông tin mang theo máy vô tuyến điện để liên lạc, trước mắt bộ phận nào thực hiện nhiệm vụ của bộ phận đó.

Chập tối nhóm thứ nhất vào đến bản Năm nhà, gọi là bản nhưng thực ra chỉ có 5 nóc nhà nên gọi luôn tên như thế; những căn nhà lắp ghép bằng những tấm ván pơ mu, lợp bằng “ngói pơ mu” là những miếng ván pơ mu cắt ra thành từng miếng cỡ viên ngói, xỏ dây buộc chồng lên nhau, xiên xẹo trong những cơn gió hun hút thổi về từ những khe núi xung quanh, bản nằm lọt thỏm giữa những chòm núi.

Nghe dân quân và kiểm lâm kể lại rằng bản này nằm độc lập và cách biệt hẳn với các bản khác, muốn sang bản gần nhất cũng phải đi mất gần 1 ngày đường, nơi đây từng là nơi trung chuyển và buôn bán ma túy từ đất Yên Bái qua Sơn La về Lai Châu, bởi đây là nơi giáp ranh với đất Yên Bái, chỉ cần vượt qua 1 khe sâu là sang đất Văn Chấn, khi mà nơi giáp ranh đó đã bao lần chính quyền địa phương phải ra quân triệt phá những nương thuốc phiện mọc trắng đồi.

unnamed (2).jpg

Chẳng biết buôn bán thuốc phiện ra sao, ai cũng nghĩ rằng chắc dân bản đó phải lắm tiền và có cuộc sống sung túc hơn hẳn, nhưng thực tế không hẳn như là nghĩ. Mỗi nóc nhà là 1 gia đình gắn bó với nhau đã qua mấy mùa ngô, sắn, họ là những người dân ngụ cư trên đất Sơn La vì gốc gác mãi bên Yên Bái, hằng năm vẫn lặn lội vượt qua những rặng núi, cánh rừng để về với dòng tộc. Cuộc sống tự cung tự cấp là chính, những căn nhà tềnh toàng, những chiếc giường ghép bằng gỗ rừng xộc xệch ở mỗi góc, giữa nhà là chiếc bếp lúc nào cũng đỏ lửa sưởi ấm cho cả căn nhà trong những ngày đông lạnh giá, trên gác những bắp ngô vàng óng lúc lỉu chúi đầu hứng những làn khói vẩn vơ lượn lên từ những ngọn lửa suốt ngày leo lét. Trần nhà ám khói đen sì. Bữa ăn là những hạt gạo tim tím gặt trên nương về cho vào nồi hầm cả ngày chả thấy nát, buổi sáng nấu bỏ đấy ăn cả ngày, người lớn nắm lại giắt lưng lên nương, nửa buổi ra các mó nước lấy ra ăn, vừa ăn vừa vớt nước từ mó lên uống thay canh, lũ trẻ con ở nhà đói lúc nào bắc ghế trèo lên moi cơm ra ăn rồi lại tồng ngồng chạy khắp núi đồi mặc cho cái lạnh bao trùm khắp bản, có cũng như không. Khi bộ đội nghỉ nhờ qua đêm cho mỗi nhà ít quả bầu và mì tôm, cả nhà luộc lên thành canh chan cơm gạo tím xi xúp ăn, cảm giác như là 1 bữa tiệc, lâu ngày cả nhà mới được thưởng thức món ngon. Nhìn những đứa trẻ vét những sợi mì tôm đáy bát xong vẫn thòm thèm chợt nghĩ đến đám trẻ con ở nhà, đầy đủ thức ăn, đồ uống mà vẫn mè nheo không chịu ăn cho.

Tết đến nơi rồi mà chẳng nhà nào có gì cho ra hồn. Những căn nhà trống hơ trống hoác, những người đàn ông của gia đình ngồi bố gối, ôm những chiếc điếu, thi thoảng vác con dao rựa vạc một mảnh đóm từ cây pơ mu dựng ở góc nhà dúi vào bếp cháy vù lên ngọn lửa bập bùng rồi châm điếu, rít lên những tiếng xoe xoe từ nõ điếu rồi ngửa cổ nhả từng ngụm khói đặc quánh bàng bạc lơ lửng trôi lên trần nhà. Hỏi “tết không có gì à?”, thì trả lời rằng “năm nào chả thế, thì gà lợn đấy, mổ ra là thành tết thôi…”, ngó ra sân thấy mấy còn gà còi cọc, mấy con lợn đen bằng bắp chân đang tranh nhau chút cơm thừa bộ đội để rơi rớt ra sân. Còn những người đàn bà của gia đình thi thoảng lầm lũi lên núi tìm tòi và gùi những đồ của núi rừng về bảo đảm cho cuộc sống hằng ngày.

*****​
Vượt qua bản Năm nhà, đứng trên đỉnh núi cheo leo đã nhìn thấy điểm cháy phía bên kia. Tụt xuống chân núi chạm một khe suối cạn, thấy la liệt những súc gỗ pơ mu phẳng phiu được xẻ sẵn vứt ngổn ngang trong lòng suối, ngước ngược lên phía trên, những cây pơ mu cổ thụ bị đốn, chặt ngả nghiêng, có nhũng gốc gần cả chục người ôm, có những cây chỉ khoét ở thân 1 chút còn nguyên cây đổ ngửa theo chiều dốc…Cả đơn vị dừng chân lấy đó làm nơi tập kết chuẩn bị cho việc chữa cháy rừng. Những chiếc phản pơ mu được lâm thời ghép lại, căng bạt, đắp bếp chuẩn bị cho cuộc chiến giặc lửa lâu dài. Đêm về những người lính ngả nghiêng trên những tấm phản chênh vênh bên bờ suối co ro ôm nhau ngủ trong cái rét căm căm của núi rừng, trong làn sương đêm đùng đục phủ kín núi rừng. Những con muỗi rừng vo ve bên ngoài màn chỉ chầu chực tìm cách luồn qua những khe hở để chui vào xơi tái những miếng thịt thơm tho…

Máy vô tuyến điện đã được tỉnh đội tăng cường vào đến nơi, hai hướng đã bắt được liên lạc với nhau. Phương án hai hướng giáp công được tiến hành. Bắt đầu phát quang tạo hành lang chống cháy lan theo hướng gió, những chỗ cháy nhỏ tổ chức dập bằng cành cây, cuốc xẻng, tiến hành dập tắt những đốm, tàn có thể bùng phát tạo điểm cháy trở lại. Toàn đơn vị tập trung lực lượng làm dứt điểm từng khu vực cuốn chiếu kiểu sâu đo. Có những khi lửa gặp gió chợt hừng hực lên nóng rát mặt người. Những người lính mình đẫm mồ hôi, mặt mũi nhem nhuốc tro bụi lầm lũi trong gió tập trung sức lực đẩy lui dần đám cháy. Được cái trời cũng chiều lòng người, bất chợt cuốn về cơn mưa nho nhỏ đã làm giảm bớt phần nào đám cháy và tốc độ lan ra của lửa, gió cũng giảm đi phần nào…
Chiều tàn, đám lính lem nhem bụi khói về đến lán đã thấy lố nhố người ngựa dọc theo con suối cạn, từng thùng, từng hộp được khuân xuống từ lưng những con ngựa gầy còm ve vẩy đuôi đuổi đám muỗi đang vo ve.

Những người lính bất chợt giật mình nhận ra bữa nay là chiều 30 tết.

Lực lượng của huyện, tỉnh cử người cùng với những người dân bản tận dụng ngựa thồ mang cái tết ngoài kia vào cho bộ đội. Những đồ ăn ngày tết, bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành…kèm theo đó là những can rượu ngô trong vắt, chỉ mới hé nắp ra đã phả ra hơi thơm lừng làm rạo rực lòng người.

Tranh thủ rửa ráy qua loa, những người lính bắt tay vào cùng dân bản hạ những món đồ tết trên lưng ngựa xuống bày biện ra những tấm phản ghép ngay bên bờ suối.

Trời sập tối nhanh, cán bộ của huyện, tỉnh và những người dân bản quyết định ở lại vui tết giữa núi rừng với bộ đội trong đêm giao thừa. Những ngọn nến được thắp lên, những chiếc đèn pin được treo lơ lửng trên những ngọn cây chúc đầu xuống hắt những tia sáng vàng vọt đung đưa lắc lư theo gió. Một đám lửa được đốt lên xua tan đi cái giá lạnh đang bủa vây xung quanh. Lính- dân, dân- lính ngồi đan xen nhau cùng chuyền tay nhau những bát rượu ngô thơm nồng, cứ mỗi ngụm trôi qua cổ lại mang đến một luồng nóng ấm từ từ thấm từ cổ xuống bụng, rồi hơi rượu bốc lên phừng phừng trên những khuôn mặt non trẻ của những người lính chợt ửng hồng trong tiếng nổ lép bép của những cành củi khô bập bùng lên ánh lửa hồng. Những cái lạ lẫm ban đầu như bay biến đâu mất, mọi người như đã quen nhau lâu lắm rồi, những lời chúc tụng năm mới hoàn thành nhiệm vụ, ăn nên làm ra, sức khỏe, hạnh phúc cứ ríu rít theo những câu trêu chọc cười đùa, vừa gắp cho nhau những miếng bánh, miếng thịt thắm đượm nghĩa tình quân dân.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh phối hợp dập lửa chống cháy lan.jpg

Những chiếc điện thoại còn pin được mang ra bật lên những bài hát xuân với những nhịp điệu tươi vui, rộn ràng. Khi hơi rượu bốc lên, quân và dân cũng nắm tay nhay vừa hát vừa nhảy xung quanh đống lửa đang đượm than hồng, những câu ca sai nhạc, những điệu nhảy tự mình sáng tạo làm vang động một góc rừng vắng vẻ. Ngước nhìn lên phía xa xa thi thoảng vẫn bập bùng ánh lửa trên những ngọn núi chợt nhớ về những ánh pháo hoa nơi thị thành vào đêm 30 tết. Ở nới đó giờ này chắc mọi người đang nhộn nhịp chờ đón một năm mới an lành đang đến, những con phố đông đúc nườm nượp người xe, những nam thanh nữ tú xuýt xoa co ro trong bộ đồ ấm chờ đợi thời khắc giao thừa đến để ngắm những chùm pháo hoa rực rỡ sắc màu trên thinh không. Không biết có bao nhiêu bà mẹ, người vợ đang hướng về nơi đây, giữa rừng sâu này đang có những người con, người chồng đang ngắm nhìn những bông hoa lửa bập bùng giữa đêm đông, mong cho nhanh chóng dập xong đám giặc lửa để về với phố thị ngoài kia.

Rừng mang lại nguồn sống, rừng che chở những lính trong chiến tranh, rừng che chắn những cơn mưa lũ. Giờ đây rừng đang bị triệt hạ, rừng đang bị phản bội, nhwngc ơn cuồng nộ của núi rừng đanh mạng lại những hậu quả không lường trước được. Trong đêm đông ngước nhìn lên khoảng không hun hút vẫn cảm nhận được những cánh rừng đang bị tàn phá bởi con người, những ngọn núi đang trọc dần như những thiếu nữ với mái tóc dài óng ả chợt xuống tóc đi tu. Trong hơi rượu nồng, trong tình quân dân ấm áp những giấc ngủ mộng mị của cả quân và dân đang co ro trong đêm giao thừa giữa rừng sâu….

*****
Gần chục ngày qua đi. Nơi tập kết của nhóm thứ nhất đã di chuyển mấy lần cho phù hợp với tình hình nhiệm vụ. Càng đi sâu hơn vào càng thấy đau sót cho sự “chảy máu” của rừng, dọc những con suối cạn xuất hiện nhiều súc gỗ đã được cưa, xẻ vuông vắn như chỉ chực chờ nhừng con mưa về là được trôi theo dòng suối về cuối nguồn hay nếu không sẽ được những chú trâu mộng tròng dây vào cổ kéo ra. Lửa đã tắt dần.

Một ngày, để vượt lên phía trên dập lửa phải đi qua một rìa núi chênh vênh với bề mặt chỉ rộng cỡ mặt bàn học sinh, một bên là khe sâu hun hút ẩn hiện dưới lớp sương mù vượt qua sang bên kia đã là đất Yên Bái, nghe đâu đây là con đường của đám buôn ma túy từ đất Văn Chấn vượt sang bên này. Một bên là khe núi chằng chịt những dây mây cuốn lấy nhau như những con rắn uốn lượn cuộn thành búi, gai góc nhì nhằng. Từng người một cột chặt ba lô trên lưng bò từng bước một cẩn thận vượt qua một quãng dài gần 100m mà mất gần cả buổi, mắt luôn phải chăm chú nhìn về trước, không dám nhìn sang 2 bên, chỉ cần sơ sểnh sẩy chân thì coi như mất mạng như chơi, mỗi một người lính bò qua là tim người chỉ huy lại như thót lại, vất vả nhất là đám anh nuôi với món xoong nồi cồng kềnh.

960771320121219210701808.jpg

Khi tất cả đã vượt qua quãng đường gian khó nhất thì đến một đỉnh núi bằng phẳng rộng rãi ngồi nghỉ giải lao lấy sức chuẩn bị cho chặng chinh phục giặc lửa cuối cùng thì nghe thấy tiếng lao xao, gọi nhau í ới. Cho người vượt lên thì gặp nhóm thứ hai cũng đang vượt lên. Cuộc hội quân bất ngờ ngoài dự kiến cho thấy đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, mặc dù thường xuyên liên lạc qua máy vô tuyến điện nhưng không ai định hình được vị trí của mình giữa rừng đại ngàn, chỉ là trao đổi thông tin công việc. Chỉ huy thống nhất soạn một bức điện gửi về chỉ huy sở xin ý kiến rút quân sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi nhận được lệnh của trên, toàn đơn vị rút theo hướng đường của nhóm thứ hai có vẻ thuận lợi hơn.

Lúc này đường về đã dễ dàng hơn dưới những đôi chân đã có gần chục ngày lặn lội khắp nẻo núi rừng….
Hình như ngoài kia vẫn còn chút không khí của tết, mùa xuân vẫn chưa đi xa…những cánh hoa của núi rừng vẫn đang khoe sắc lung linh dọc đường về.

190720h40.jpg

HẾT
Nguyễn Công Đức
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Từ khóa
chiến sĩ nhiệm vụ tân sơn thanh sơn tiếng kẻng báo động đơn vị
863
2
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top