Chia Sẻ Tìm hiểu quan niệm về cái đẹp của Nguyễn Tuân trong "Vang bóng một thời"

Chia Sẻ Tìm hiểu quan niệm về cái đẹp của Nguyễn Tuân trong "Vang bóng một thời"

Jenny Lục Ngạn
Jenny Lục Ngạn
Nhà văn Nguyễn Đình Thi nhận xét: “Nguyễn Tuân là nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp và cái thật”. Có thể nói trong suốt cuộc đời, bằng ngòi bút điêu luyện của mình, Nguyễn Tuân đã làm cho cái đẹp thăng hoa. Vang bóng một thời – tập truyện ngắn đặc sắc của Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám chính là một chặng quan trọng trong hành trình đi tìm cái đẹp của nhà văn.

Muốn hiểu được quan niệm về cái đẹp của nhà văn rất phức tạp này, thiết nghĩ phải quay về thời đại Nguyễn Tuân sống trước Cách mạng tháng Tám.

Ở thời kì này, xã hội Việt Nam có sự phân hóa rõ rệt. Không phải ai cũng may mắn tìm thấy con đường đi đến với Cách mạng như một bộ phận tri thức lúc bấy giờ. Các nhà văn – chiến sĩ như Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Trần Huy Liệu, Sóng Hồng… đã tiếp thu được tư tưởng của giai cấp công nhân, coi thơ văn trước hết là vũ khí chiến đấu, là phương tiện để tuyên truyền, vận động cách mạng, quan niệm về cái đẹp của các nhà văn – chiến sĩ này gắn liền với tư tưởng cải tạo xã hội. Trong khi đó, đại bộ phận tầng lớp văn nghệ sĩ (trong đó có Nguyễn Tuân), mặc dù có tinh thần dân tộc song không có điều kiện để tiếp thu tư tưởng cách mạng, chẳng biết làm gì hơn là viết văn, viết báo. Đối với những văn nghệ sĩ này, viết văn là một cách để họ thể hiện thái độ của mình.

Qua những trang văn, Nguyễn Tuân lên tiếng phản đối cái xã hội “Ối a ba phèng” lúc đó hoặc thực hiện chủ trương xê dịch, giang hồ. Đó cũng là cách quay lưng lại với xã hội, là cách phản ứng trước những sự tấm thường, xô bồ, hỗn độn của đời sống. Có điều những trang văn, những chuyến xê dịch giang hồ ấy, ngoài chuyện để quay lưng lại với xã hội, tự bản thân chúng còn làm thỏa mãn một nhu cầu có tính chất tối thượng của nhà văn: đi tìm cái đẹp.

Nguyễn Tuân luôn khao khát đi tìm “cái đẹp và cái thực” song trong thời đại mà Nguyễn Tuân sống, cái đẹp chân chính thật không dễ tìm chút nào, nói như nhà văn Nguyễn Đình Thi thì “Trong cuộc đời ông sống, cái đẹp và cái thật không bao giờ khớp được với nhau”. Có lẽ vì thế Nguyễn Tuân phải đi tìm cái đẹp trong quá khứ và tìm ngay trong chính tâm tưởng, cảm giác của mình.

Đọc những sáng tác của Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám, ta dễ thấy nét giống nhau của Nguyễn Tuân với các nhà văn lãng mạn khác, đó là sự đề cao cái đẹp một cách thuần túy, không vụ lợi. Có lẽ vì thế mà Nguyễn Tuân quan niệm “viết văn không khuynh hướng”. Cái đẹp, văn chương cũng như nghệ thuật, theo ông, không có nội dung xã hội, giai cấp và thời đại. Nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét: “Nguyễn Tuân luôn muốn mỗi ngày sống, mỗi trang đời của mình cũng là một trang nghệ thuật”. Chính thái độ nâng niu, trân trọng cái đẹp và với cách nhìn nghiêng về nghệ thuật của ông đã tạo nên một Nguyễn Tuân “vị nghệ thuật” trong văn chương.

Đọc Vang bóng một thời, người đọc có thể nhận thấy quan niệm của Nguyễn Tuân về cái đẹp. Quan niệm này được thể hiện trong nét lớn sau:

1. Cái nhìn hướng về quá khứ.


Không chấp nhận hiện tại, cái nhìn của Nguyễn Tuân hướng về quá khứ. Mỗi truyện ngắn trongVang bóng một thời không ít thì nhiều đã làm sống lại những phong tục tập quán dân tộc, những thú chơi tao nhã gắn liền với những ông nghè, ông cử đã thất thế song vẫn cố giữ thói quen thanh cao, lịch lãm trong một xã hội có nhiều nhiễu nhương.

Truyện Những chiếc ấm đất kể về một ông cụ Sáu mê uống trà tầu, mà nước pha trà phải là thứ nước lấy ở cái giếng tận trên chùa Đồi Mai. Nhà văn mượn lời sư cụ chùa Đồi Mai để nói về ông cụ Sáu “Danh và lợi, ông ta không màng. Phá gần hết cơ nghiệp ông cha để lại, ông ta thực đã coi cái phú quí nhãn tiền không bằng một ấm trà tầu”. Cứ nhìn cái cách ông cụ nâng niu những chiếc ấm đất của mình, am hiểu tường tận về từng chiếc kim hỏa của chiếc ấm, mới thấy hết cái thú uống trà tầu ở con người này. Kể cả khi thất cơ lỡ vận, ông cụ Sáu vẫn “quen thói phong lưu, nhiều khi qua chơi ao sen nhà ai, gặp mùa hoa nở, cụ còn cố bứt lấy ít nhị đem ướp luôn vào gói trà giắt trong mình, nếu đấy là trà mạn cũ”. Con người xem việc uống trà như là một công việc quan trọng nhất của đời mình ấy đã có lúc phải ngồi bán đi lũ ấm đất của mình, lũ ấm đất “ngày trước giá có chồng ngay cọc bạc nén cho trông thấy, chưa chắc cụ đã bán cho một chiếc”. Ẩn sau cái cười “hề hề” của ông cụ khi tiết lộ cái mẹo nhỏ là bán thân ấm rồi mới bán đến nắp ấm, ta thấy cả mỗi một nỗi lòng xót xa, đứt ruột!

Chén trà trong sương sớm lại còn miêu tả tỉ mỉ hơn cái thú uống trà của lớp người xưa cũ ấy. Cụ Ấm trong truyện có thói quen uống trà từ rất sớm, từ lúc “trời còn tối đất”. Không khí của những buổi uống trà sớm ấy thật đặc biệt. Nổi bật lên trên khung cảnh tĩnh lặng và tinh khiết của buổi sớm là hình ảnh cụ Ấm “Sau màn khói, ẩn hiện một ông già chống nạnh ngồi bên gối xếp, cặp mắt liêu xiêu như một nhà sư nhập định, vẻ nghiêm trang lặng thinh của ông già muốn làm ngừng cả khói trắng hiếu động đang trôi trong không khí gian nhà gạch…”. Cùng với ông cụ Ấm, hình ảnh cái hỏa lò hiện ra thật sống động dưới ngòi bút miêu tả của Nguyễn Tuân: “Hòn than tầu lép bép nổ, nghe rất vui tai… Những hòn than cháy đều, màu đỏ ửng, có những tia lửa xanh lè vờn ở chung quanh. Không khí mỗi lúc dao động càng nâng cao thêm những ngọn lửa xanh nhấp nhô. Hòn lửa rất ngon lành, trở nên một khối đỏ tươi và trong suốt như thỏi vàng thổi chảy”. Cách uống trà của ông cụ quả là rất cầu kì, có thể nói đã giống như một thứ lễ nghi. Chưa bao giờ ông cụ dám cẩu thả trong cái “thú chơi thanh đạm” này mà đã để vào đấy bao nhiêu công phu, bởi vì theo cụ “trong ấm trà pha ngon, người ta chịu nhận thấy một chút mùi thơ và một tị triết lí và tâm lí”. Hỏa lò, những ấm trà, và nước pha trà thơm lành đọng trong lá sen.. tất cả sự cầu kì và công phu ấy dường như đã được đền đáp vì xung quanh ấm trà là những người tao nhã, cùng “một thanh khí” với nhau.

Đối với gia đình cụ Ấm, việc uống trà còn gắn liền với việc bình văn, ngâm thơ buổi sớm. Giọng ngâm “trong và dài” của người con trưởng cụ Ấm vang lên trong không khí tĩnh lặng, trong lành của buổi sớm mai thực đã gợi ra nét văn hóa của một thời. Việc uống trà, bình văn, ngâm thơ buổi sớm, theo cụ Ấm còn là một cách “vận động thần khí kì diệu nhất của một người sống bằng cuộc đời tâm tưởng bên trong. Mỗi buổi ngâm như thế là đủ tiết hết ra ngoài những cái nặng nề trong thân thể và để đón lấy khí lành đầu tiên của trời đất” … Với Chén trà trong sương sớm, Nguyễn Tuân đã giúp ta hiểu thêm về một thú chơi nhã đạm của cha ông trong quá khứ, Và không phải riêng Nguyễn Tuân, người đọc ở những năm đầu thế khỉ XXI này cũng cảm thấy bâng khuâng, tiếc nuối!

Hương cuội cũng làm người đọc thích thú, thán phục bởi một kiểu tiêu khiển khác, vừa quen thuộc vừa độc đáo của cụ Kép, con người “nguyện đem cả quãng đời xế chiều của một nhà nho để phụng sự lũ hoa thơm cỏ quý”. Hình ảnh cụ Kép trong truyện tạo cho người đọc cảm giác về sự ẩn dật, lánh đời, thoát tục: “Trong cái vườn cây nhỏ, trong đám cỏ cây xanh rờn, những buổi sớm tinh mơ và những buổi chiều tàn nắng, người ta thường thấy một ông già lông mày bạc, tóc bạc mặc áo lông trắng lom khom tỉa những lá úa vàng trong đám lá xanh”. Lòng yêu hoa của cụ Kép thật đặc biệt “mỗi lần có người động mạnh vào giò lan đen, cụ Kép lại suýt xoa như có người châm kim vào da thịt mình”.

Với truyện ngắn này, Nguyễn Tuân đã giúp người đọc hình dung được cái không khí rất đặc trưng của những ngày Tết cổ truyển Việt Nam. Ngày 30 Tết, cả nhà cụ Kép đạng bận bịu dọn dẹp để ăn Tết. Mợ Ấm cả, mợ Ấm hai ngồi lau lá dong chăm chỉ còn lũ con trai thì “đang đánh bóng ngoài sân những lư, đỉnh, cây đèn nến bằng đồng mắt cua và bằng thiếc sông Ngâu”. Riêng cụ Kép và người bõ già thì lại bận bịu một công việc khác: chuẩn bị cho bữa rượu kẹo mạch nha có nhân đá cuội được ủ trong những chậu hoa lan thơm ngát. Công việc để chuẩn bị cho tiệc rượu độc đáo này được nhà văn miêu tả tỉ mỉ làm sao! Những viên đá cuội trắng tinh đã được rửa thật sạch, được lựa chọn thật kĩ, bây giờ được đem ra dúng vào nồi kẹo mạch nha đã nguội, rồi cuối cùng được người bõ già “đem đặt rất nhẹ nhàng lên trên lượt đá lót trên nền đất chậu hoa”. Sau đó những chiếc lồng bàn bằng giấy sẽ được úp cẩn thận lên những chậu mặc lan sắp nở hoa kia. Bữa tiệc rượu đặc biệt thanh tịnh được mở đầu rất ấn tượng: “Bõ già vòng tay vái các cụ và đợi các cụ yên vị rồi thì khom khom mở từng chiếc lồng bàn giấy một. Một mùi hương lan bị bỏ tù trong bầu không khí lồng bàn giấy phất từ đêm qua, đến bây giờ vội tản bay khắp vườn cây. Bốn cụ già và bõ già đánh hơi mũi, những cặp mắt kém cỏi đăm đăm nhìn kỹ khoảng không trong vắt như có ý theo dõi luồng hương thơm đang thâm nhập dần vào các lớp khí trời. Cơn gió nhẹ pha loãng hương thơm đặc vào không gian”. Những viên kẹo nhân đá ướp hương hoa, chén rượu tăm, và “Tiếng ngâm thơ quyến rũ đến cả tâm hồn” trong cái êm ấm của buổi chiều xuân… tất cả đã nói lên rất nhiều trân trọng của nhà văn trước thú vui nhã đạm này. Phải là người có vốn sống phong phú, có sự hiểu biết sâu sắc và yêu mến biết bao nhiêu những phong tục tập quán cổ truyền của dân tộc mới có thể viết được những trang văn tinh tế đượm tấm lòng trìu mến như thế.

Nguyễn Tuân còn đặc biệt thích thú trước tục thả thơ, đánh thơ. Chính vì vậy, trong Vang bóng một thời, ông đã dành cả hai truyện ngắn cho đề tài này. Cũng như các truyện ngắn khác trong tác phẩm, hai truyện ngắn Thả thơ; Đánh thơ - nói như giáo sư Hoàng Như Mai – đã tạo cho ta những “khoái cảm thẩm mĩ đặc biệt” bởi vì nhà văn “đã dạy cho ta nghệ thuật sống để tận hưởng ý vị tinh túy, sâu sắc của cuộc sống”. Đây là hai truyện ngắn tiêu biểu đã đề cao, làm sống lại một thú chơi tao nhã đã đang dần bị mai một trong hiện tại. Rất nhiều người có lẽ đã phải cảm ơn Nguyễn Tuân vì qua những truyện ngắn như thế này, họ đã biết được, hiểu được thú tiêu khiển cổ xưa mang đậm chất bác học, tài hoa và dân tộc của cha ông. Hãy chú ý lắng nghe lời giải thích của cô Tú – con cụ nghè Móm, về hai chữ “Thả thơ” cho lũ học trò nhỏ tuổi để có thể hình dung thứ công việc vừa công phu lại vừa thú vị này: “Thầy sẽ viết vào mảnh giấy trắng một câu thơ bảy chữ mà chỉ có sáu chữ thôi. Còn một chữ thì bỏ trống và thay vào đấy một cái khuyên tròn. Cái khuyên tròn thay chữ đó thường gọi là chữ vòng…”

Đánh thơ được tác giả gọi là “Một cuộc đỏ đen rất trí thức” trong truyện gắn liền với đôi vợ chồng lãng tử: ông Phó Sứ và Mộng Liên. Cuộc đánh thơ với tiếng đàn, giọng hát đã thu hút nhiều hạng người. Có những người đến không chỉ vì tiền mà là vì yêu thích văn chương. Đối với họ - những ông Hậu bổ, Thông phán tỉnh, Kinh lịch – được hay thua “cũng đều lấy làm thích cả”. Họ đến với cuộc thả thơ đôi khi chỉ là để được nghe những tiếng ngâm thơ trên làn nước lạnh, những “thanh âm nghe trong trẻo, du dương và thái bình như tiếng vang của một hội tao đàn nào”. Thả thơ đã đưa lại cho họ những phút giây hứng thú đặc biệt: “Mỗi lúc ngâm lên, cái hay của câu thơ đã làm cho bọn mình lạnh hết cả người”. Thế nhưng đến với cuộc thả thơ còn có cả những hạng người khác nữa. Nguyễn Tuân đã không dè dặt mỉa mai, châm biếm hạng người “dốt cay dốt đắng”, đã không biết thưởng thức thơ hay mà chỉ “mỏi tay vơ tiền”. Họ chính là những ông huyện Bình Khê “người trông đứng đắn thế vậy mà nhảm lạ…”.

Cũng từ góc độ về cái đẹp, Nguyễn Tuân đã tỏ ra hết sức tinh tường, sắc sảo khi phát hiện ra những nét phản thẩm mĩ, những cái xấu xa của hạng người trưởng giả trong xã hội Tây Tàu nhố nhăng. Theo nhà phê bình Hà Văn Đức, Nguyễn Tuân đã lên án bọn người này không phải theo quan điểm về giai cấp mà xuất phát từ góc độ thẩm mỹ. Đây là nhận xét rất đúng. Trong tập Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân ghét cay ghét đắng hạng người trưởng giả không phải chúng áp bức bóc lột người nghèo mà vì chúng không biết thưởng thức cái đẹp, “ngồi xổm lên cái đẹp”. Như vậy, khác với các nhà văn hiện thực phê phán cùng thời, Nguyễn Tuân đã phản ứng lại cái xã hội kim tiền trên phương diện mỹ học. Những đối tượng mà Nguyễn Tuân hay nhắm tới là những ông huyện Bình Khê (Đánh thơ) là những kẻ “ít chữ” song sung sướng được “Lạm dự vào làng thơ phú” (Thả thơ). Đó còn là ông huyện Thọ Xương, “Một người có tâm thuật rất hèn kém”… Ở những truyện khác, Nguyễn Tuân có “Lối đánh mà người ta gọi là bỏ nhỏ, nhẹ mà đau điếng” (Hoàng Như Mai). Trong truyện Những chiếc ấm đất, tác giả để cho người khách của ông cụ Sáu kể một câu chuyện cổ tích. Đó là câu chuyện về một “tên ăn mày cổ quái” dám xin gia chủ cho uống trà tàu, mà lại xin uống cả ấm. Thế rồi điều bất ngờ đã xảy ra. Chính tên ăn mày chứ không là ai khác đã nhận ra vị trấu tạp lẫn trong hương vị thanh khiết của trà! Rõ ràng qua câu chuyện, nhà văn đã tỏ thái độ coi thường hạng người trọc phú, nhiều tài lắm của nhưng lại chẳng tinh tế chút nào. Về phương diện này, lão phú hộ giàu có trong truyện đã không bằng được một kẻ ăn mày. Ở Chén trà trong sương sớm, Nguyễn Tuân nói tới những ông khách tạp “uống trà rất tục”. Đối với “mấy thầy làm việc bên bảo hộ” có cách uống trà như uống giải khát này, theo nhà văn, phải uống thứ nước trà “pha sẵn trong bình tích” mới thật thích hợp. Uống trà – “lối giao du của cổ nhân đạm bạc”, nói như ông cụ Ấm trong truyện là không thể “ồn ào, huyên náo như bây giờ”…

Phê phán hạng người trọc phú, những kẻ dốt nát, đề cao và hướng cái nhìn của mình vào quá khứ, vào những thú tiêu khiển tao nhã nói trên, Nguyễn Tuân đã tỏ rõ thái độ của mình. Đó là thái độ bất mãn sâu sắc trước hiện thực. Có lúc, thái độ ấy thể hiện trong suy nghĩ chua chát của một ông cụ Kép (Hương Cuội): “Nhưng nghĩ mình chỉ là một anh nhà nho sống vào giữa buổi Tây Tàu nhố nhăng làm lạc mất cả quan niệm cũ, làm tiêu mất nhiều giá trị tinh thần…” Con người cho mình là “kẻ chọn nhầm thế kỷ” này chính vì vậy đã chọn việc uống rượu, chơi hoa làm một thứcông việc mang lại niềm vui cho mình trong buổi xế chiều của cuộc đời. Cũng có khi nhà văn lại mượn lời cô Tú (Thả thơ) để nói lên tâm sự bực dọc, chua chát của mình : "Ở đời ăn nhau may rủi, chữ nghĩa tài hoa mà làm gì"... Đó còn là thái độ nhớ tiếc những giá trị văn hóa tinh thần của một thời : "Từ Mậu Ngọ trở về sau, sẽ ở một thời khác, chữ Hán chỉ còn là một thứ xa xỉ phẩm trong cõi học vấn của một lớp người. Từ sau khoa này, cái lều, cái chõng chỉ còn là những vật cổ tích mỗi khi nhắc nhỏm lại gợi lại một chút nhớ tiếc trong lòng một đám người mệt mỏi còn sống thêm một ngày là cảng chỉ thêm bỡ ngỡ với phong vận mới" (Báo oán)

Quay lưng lại với xã hội đương thời nhưng rõ ràng Nguyễn Tuân đã không quay lưng lại vớinhững phong tục, truyền thống tốt đẹp vốn có của dân tộc,. Ông say sưa nói về việc thả thơ, đánh thơ, uống trà, làm đèn trung thu với một thái độ ca ngợi và nuối tiếc. Đọc những trang văn Nguyễn Tuân viết về những thú chơi tao nhã, về những phong tục đáng yêu đáng quý của dân tộc mới thấy được tinh thần yêu nước thầm kín, sự gắn bó, vốn hiểu biết sâu rộng về cuộc sống của ông.

2. Quan niệm cái đẹp gắn liền với chất tài hoa tài tử.

Trong các sáng tác trước và cả sau cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Tuân thường chú ý đến chất tài hoa tài tử khi miêu tả và thể hiện con người. Với Nguyễn Tuân, cái đẹp thường đi đôi, gắn bó với cái tài, với chất nghệ sỹ, điều này cũng thống nhất với nét tài hoa, nghệ sỹ trong con ngườiông.

Trong Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân tỏ lòng mến mộ, yêu quý những con người tài hoa mà thất thế hay những lãng tử giang hồ. Ở những nhân vậy này, nhà văn chẳng những khai thác khía cạnh tài hoa tài tử mà còn chú ý cả những điểm khác người, thậm chí đến mức lập dị, cầu kỳ của họ. Truyện Đánh thơ nói về một đôi vợ chồng lãng tử mà Nguyễn Tuân đã gọi họ bằng một cái tên trìu mến "Một lứa đôi tài tử". Mỗi tuần trăng, cặp tài tử này ở một tỉnh và chưa bao giờ "Nghĩ đến việc làm một cái tổ ở một chỗ nhất định nào". Ngay đến cả cái chết của kiếp con người, chất lãng tử cũng thật đậm nét khiến cho Nguyễn Tuân vừa ngậm ngùi thương tiếc lại vừa mến mộ : "Đi qua Hoành Sơn quan thấy cảnh đẹp, lòng sinh tình, hai ông mụ đã yêu nhau giữa một vùng trờinước bao la... Trúng cơn gió độc, ông Phó Sứ đã hóa ra ma chết sát ngay bên đường thiên lý".

Cụ Hồ Viễn trong Ngôi mã cũ vốn xuất thân từ tướng Cờ Đen oai phong lẫm liệt một thời nay vì thất thế mà trở thành một ông thầy địa lý nhưng vẫn giữ được nét tài tử, nghệ sĩ. Nhân vật cô Tú trong truyện đã kể cho đứa em nghe nhiều chuyện về cụ. Đó là một con người mà qua lời kể của cô chị, cậu Chiêu "thấy cả một huyền sử bộc chung quanh một tướng võ nghệ cao cường". Hình ảnh cụ Hồ lúc còn làm tướng Cờ Đen thật oai phong lẫm liệt : "Bên thắt lưng điều, cụ giắt hai khẩu súng. Phía bên trái là một khẩu đoạn mã và phía bên phải là một khẩu súng thập bát hưởngbắn một lúc được mười tám phát liền". Nhưng người ta còn nhớ đến con người này bởi một phong thái ung dung, tài tử: "Những lúc việc quân thong thả, cụ mặc áo dài "sường sám", đội mũ "sường chí" có những quả bông đỏ, cầm quạt... trông nhàn nhã và văn vẻ lắm". Viên tướng CờĐen này lại có nét chữ viết rất đẹp, rất tốt "Chữ thầy viết có gân cứng cỏi như lá thiếp... nét sổ rất khỏe và rất thẳng". Con người ấy, dù đã thất thế, vẫn cố giữ một nét sinh hoạt cầu kì "Thuốc phiện, nếu không phải là thứ một lạng đựng vào cóng thì không hút", vẫn để móng tay út lá lan "cuống hai vòng như râu rồng" và mỗi bận rửa ta thì phải lại có vài quả chanh. Chất tài hoa tài tử còn được thể hiện trong chi tiết ông cụ Hồ Viễn và cậu Chiêu đã đánh với nhau mấy ván cờ không có quân đi, không có bàn bày trên đường đi...

Trong Một cảnh thu muộn, ông Cử Hai là một mẫu người tải tử điển hình. Ông là "người có hoa tay" lại "thêm được chút tâm hồn lãng tử" nên "sống cuộc đời cũng như người ta chơi bời mà thôi. Người ấy thật là người không có lấy một giây phút trịnh trọng với nhân sinh. Ông ta sinh ra để mà đùa với cuộc sống và bắt đầu từ việc đem ngay cái tài hoa của mình ra mà đùa nhả với sự nghiệp thân thế mình". Làm công việc dạy học mà con người chịu ảnh hưởng nhiều của nhân sinh quan Lão Trang này không mấy chú tâm, chỉ thích đi hội Đạp Thanh để làm thơ tức cảnh, lên núi hái lá thuốc, ngắm trăng trên đỉnh Sài Sơn hoặc ẩn mình đối với nhân vật này. Phải chăng đó là sự gặp gỡ, là hiện thân của chất tài tử, của chủ nghĩa xê dịch trong Nguyễn Tuân ?

Nói đến chất tài hoa tải tử, không thể không nhắc đến Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ ngườitử tù. Con người tài hoa ấy chẳng những có tài bẻ khóa, vượt ngục mà con có tài "viết chữ rất nhanh và đẹp" nổi tiếng cả tỉnh Sơn. Bao nhiêu người trong đó có viên quản ngục đã từng ao ước"có được chữ của Huấn Cao mà treo là một báu vật trên đời". Thế nhưng không dễ gì xin được chữ của ông. Con người ấy đã từng nói với viên quản ngục "Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ. Đời ta cũng mới viết có hai bộ tứ bình và một bứctrung đường cho ba người bạn thân của ta thôi". Xây dựng hình tượng Huấn Cao, nhà văn đã làm nổi bật lên một nhân cách cao vời vợi. "Con ngưởi này vừa là một nghệ sỹ tài hoa vừa là một trang anh hùng dung liệt mặc dù chí lớn không thành nhưng bao giờ tư thế cũng hiên ngang bất khuất" (Trần Hữu Tá). Đọc truyện người ta dễ dàng nhận ra thái độ thán phục của Nguyễn Tuân trước trang anh hùng dũng liệt này. Nhân cách, khí phách của Huấn cao thể hiện trong cái vẻ lạnh lùng “thúc mạnh thành gông xuống đất đánh huỳnh một cái” mà không thèm để ý đến những lời dọa nạt của mấy tên lính áp tải, trong thái độ thản nhiên trước cái chết sắp cận kề, trong những lời nói thể hiện quan niệm sống coi thường bạc vàng, quyền thế của ông. Nhung nhân cách của Huấn Cao còn được thể hiện trong việc ông nhận ra sở thích cao quý của viên quản ngục. Chính vì thế, cảnh cho chữ phi thường mới diễn ra trong chốn ngục tù: “ Đêm hôm ấy, lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vẳng có tiếng mõ trên trạm canh, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có, đã bày ra trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột phân gián”. Trong cảnh tượng lạ lùng này, viên quản ngục – người nắm quyền uy, thì “Khúm núm”, tay “run run” bưng chậu mực. Còn Huấn Cao, tên tử tù sắp bị chém đầu thì ung dung, đĩnh đạc biết bao! Không nghĩ gì đến cái chết đang đón đợi mình, Huấn Cao chỉ chú ý đến mùi thơm của chậu mực, màu tinh khiết của bức lụa trắng và cuối cùng là lời khuyên viên quản ngục hãy thay đổi chỗ ở để khỏi “Nhem nhuốc mất cái đời lương thiện”. Ở truyện ngắn này, quan niệm của Nguyễn Tuân thể hiện khá rõ: cái tài phải di cùng với cái thiên lương trong sáng. Chính sự kết hợp giữa cái tài, thiên lương và khí phách anh hùng đã làm nên nhân cách cao vợi của Huấn Cao.

3. Cái đẹp mang tính chất duy mỹ


Như trên đã nói, Vang bóng một thời là minh chứng sinh động cho quan điểm “Nghệ thuật vị nghệ thuật” của Nguyễn Tuân thời kì trước Cách mạng tháng Tám.
Là một nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp và cái thật trong đời, Nguyễn Tuân nhiều khi đã không chú ý đến tính chất xã hội của hiện thực. Ông mải mê ca ngợi những cái đẹp thuần túy, mang tính hình thức. Hai truyện ngắn Chém treo ngành và Ném bút chì là những ví dụ tiêu biểu cho việc ca ngợi, phản ánh cái đẹp một cái duy mỹ của ông.

Truyện Chém treo ngành kể về một tên đao phủ tên là Bát Lê. Bát Lê là người “có tài chém đầu người chỉ một nahst mà đầu vẫn dính vào cổ bằng lần da gáy” như quan Tổng đốc đã nhận xét về y. Cuộc chém đầu những kẻ phiến loạn được Bát Lê tập dượt bằng những buổi chém những thân cây chuối trên một góc thành. Tiếng hát của Bát Lê cùng với tiếng những thân chuối đổ trên mặt thành gây một cảm giác rờn rơn, chết choc. Nhà văn đã dừng lại khá lâu để miêu tả cảnh Bát Lê tập lối chém treo ngành trong vườn chuối: “Bát Lê tiến thêm ba bước đến ngang tầm cây chuối hàng đầu bên trái, Bát Lê thuận tay trái đà thanh quất, lại chém xuống đấy một nhát thứ hai. Một thân cây thứ hai gục xuống nữa như một thần hình người quỳ chịu tội. Thế rồi vừa hát, vừa chém bên trái, vừa chém bên phải, Bát Lê đã hát hết mười bốn câu và đánh gục mười bốn chân cây chuối… Bát Lê quay mình lại, ngắm các công trình phá hoại của mình. Thì ở mười bốn cây chuối chịu tội kia, thân trên bị chém vẫn còn dính vào phần gốc bởi một lần bẹ bị giập nát”. Buổi chém tử tù cũng được miêu tả với giọng văn hiện thực, có phần bàng quan, lạnh lùng như vậy: “Bát Lê bắt đầu hoa không thanh quất mấy vòng. Rồi y hát những câu tẩy oan với hồn con tội. Trong nhà rạp, các quan chỉ nghe thấy cái âm thanh lơ lớ rờn rợn. Quan Công Sứ chăm chú nhìn Bát Lê múa lượn giữa hai hàng tử tù và múa hát đến đâu thì những cái đầu tội nhân bị quỳ chẻ gục đến đấy. Những tia máu phun lên phì phì, vọt lên cao trên nền trời chiều. Trên áng cỏ hoen ố, không một chiếc thủ cấp nào rụng xuống”. Vào những lúc nhộn nhạo quá đông tử tù, việc chém đầu người sẽ được tiến hành theo một cách còn “tài tình” hơn và tất nhiên cũng rùng rợn hơn. Người ta sẽ “Chẻ đôi cây tre đực dài ra, cặp vào cổ từ tù xếp hàng và nối đuôi quỳ hướng về một chiều. Đại để cũng giống như là cái lối cắp gắp chả chim mà nướng ấy”. Rồi đao phủ sẽ cầm gươm mà róc ngang như người ta “róc mắt mía”…

Trong truyện ngắn Ném bút chì, Nguyễn Tuân nói tới cái tài ném lưỡi mai chết người của Phó Kình, của Lý Văn trong một đảng cướp. Chỉ với “cây bút chì”– lưỡi mai thô sơ mà y (Phó Kình) đã dám “chấp cả một ấp người”. Tài ném lưỡi mai của hạng người này có thể nói đã được miêu tả như một thứ nghệ thuật: “Phó Kình cuộn mấy vòng dây thừng dài đến mấy sải vào cánh tay trái, bàn tay trái y nắm chắc cổ cán mai, bàn tay phải y giữ vững dốc nhọn mai… Bỗng sau một tiếng phập, thân trên cây chuối đã gúc xuống mặt đất, kêu đánh roạt.” Còn đây là những dòng miêu tả tài “ném bút chì” của Lý Văn: “Tiếng lưỡi mai ở tay Lý Văn phóng ra kêu đánh vút. Một tiếng gà oang oác. Cả bọn chạy ra luống khoai, giơ cao con gà gãy mất hai chân. Vết thương gọn gàng vừa đúng quãng đầu gối và gặp giò chưa lìa hẳn, vẫn còn sinh vào đùi bởi lần da hoen máu.” Lý Văn còn hứa hẹn với đồng bọn về một thứ “tài nghệ” mới: “ Để hôm nào rảnh anh sẽ dạy cho các chú tập đánh cái lối đòn bơi chèo bằng gỗ cau. Đánh đến đòn hỗn chiến thì đầu người cứ rụng như sung”.

Đọc những truyện ngắn loại này, nhiều người có cảm giác giọng văn của Nguyễn Tuân lạnh lùng, tàn nhẫn làm sao! Tả cảnh chém đầu người giữa pháp trường mà giọng văn cứ lạnh lùng, tình táo như không. Thực ra cần phải hiểu quan niệm của Nguyễn Tuân khi miêu tả hiện thực. Phải chắng, với quan niệm “Viết văn không khuynh hướng”, Nguyễn Tuân chỉ chú ý ngợi ca những cái đẹp mang tính hình thức chứ không mang tính tư tưởng ? Sự phiến diện trong quan niệm về cái đẹp của Nguyễn Tuân ở giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám là một hạn chế lớn. Đọc Vang bóng một thời hay Tóc chị Hoài, Chiếc lư đồng mắt cua…, dễ thấy nhiều khi Nguyễn Tuân tách rời ra khỏi cái đẹp có ích, đề cao cái đẹp một cách thuần túy. Trong Tóc chị Hoài, Nguyên Tuân cũng đã từng tuyệt đối hóa cái đẹp của hình thức khi miêu tả mái tóc người con gái. Ngay cả trongChùa đàn – tác phẩm được viết sau 1945, người ta vẫn thấy quan niệm nghệ thuật cũ của Nguyễn Tuân trước cách mạng. Theo nhà văn, cái đẹp trước hết phải gắn với cái tài. Với Nguyễn Tuân, đã tài thì đều đáng khâm phục, không nhất thiết phải xem cái tài đó có lợi hay không.

TrongChùa Đàn, nhà văn ca ngợi tiếng đàn oan nghiệt ma quái: “Người ta vừa đàn vừa khóc và người ta đàn đến mức hộc máu ra mà gục chết dưới gốc nhạc khí.” Nếu gạt bỏ đi yếu tố ma quái trong truyện này, người đọc vẫn thấy rõ sự thán phục của nhà văn trước tài đánh đàn của Bá Nhỡ và tiếng hát điêu luyện, ngọt ngào của cô Tơ.

Những năm sau này, với những tùy bút nổi tiếng như Sông Đà và Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi, thế giới quan của nhà văn có nhiều thay đổi. Cái nhìn của nhà văn trở về nên tin yêu, đôn hậu, không có cái vẻ khinh bạc như trước kia. Tuy nhiên, có một điều không thể thay đổi trong cảm hứng thẩm mỹ của nhà văn. Nguyễn Tuân vẫn say sưa miêu tả, thể hiện cái tài của những con người bình thường giản dị mà không giấu diếm sự thán phục của mình đối với họ. Đọc Người lái đò sông Đàtrong tập tùy bút Sông Đà mới thấy nhà văn đã dành bao nhiêu yêu mến và thán phục trước người lái đò trên sống Đà. Trong thiên tùy bút này, người lái đò hiện ra dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân vừa có cốt cách của một anh hùng lại vừa có phong thái của một nghệ sỹ tài hoa, tài tử. Như vậy, chính quan niệm về cái đẹp vừa có tính chất nhất quán vừa có sự biến đổi trong những tác phẩm sau Cách mạng tháng Tám như Người lái đò sông Đà đã tạo nên một phong cách lớn Nguyễn Tuân.

Cái đẹp mang tính duy mỹ rõ ràng đã gây nhiều chú ý, thắc mắc ở người đọc khi đến với Vang bóng một thời. Nhưng ở đây dường như cũng chứa đựng ít nhiều mâu thuẫn. Đồng ý rằng nhà văn ít chú ý đến ý nghĩa xã hội của đời sống, chỉ quan tâm đến phương diện mỹ học của sự vật và con người những sẽ lý giải như thế nào trước một Nguyễn Tuân giàu cảm tình với cái “thiên lương” cao quý và một Nguyễn Tuân giàu tinh thần dân tộc? Chữ người tử tù lâu nay đã được coi là một truyện tiến bộ. Truyện chẳng những thể hiện thái độ luyến tiếc của nhà văn trước một nhã thú văn hóa cổ truyền đang dần lụi tàn – nghệ thuật thư pháp – mà còn nói lên rất nhiều khâm phục của tác giả đối với Huấn Cao, hình bóng của người anh hùng Cao Bá Quát. Ngay cả những truyện được coi là đậm chất duy mỹ như Chém treo ngành vẫn có thể khơi gợi nơi người đọc một sự căm thù sâu sắc đối với bè lũ thực dân và tay sai của chíng. Chẳng phải là Nguyễn Tuân đã thể hiện một cách kín đáo thái độ của mình qua đoạn văn miêu tả cơn lốc xoáy kỳ lạ giữa pháp trường làm hất tung chiếc mũ trên đều quan Công Sứ đó sao? Như vậy, với quan niệm cái đẹp mang tính duy mỹ nói trên, Nguyễn Tuân đã có nhiều khi tự mâu thuẫn với chính mình hay nói như nhà văn Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Tuân đã “tự lừa dối mình trong những ngày tháng tuyệt vọng”. Nguyễn Tuân phức tạp cũng chính là ở điểm này

4. Nghệ thuật tả cảnh và một hệ thống ngôn từ độc đáo.

Quan niệm về cái đẹp như trên đã quy định nghệ thuật tả cảnh và hệ thống ngôn từ trong Vang bóng một thời.

Có thế thấy rõ trong tác phẩm không hiện diện những cảnh tượng huyên náo, rực rỡ màu sắc. Cảnh vật được miêu tả trong tác phẩm không ít thì nhiều đều gợi về một thời xa vắng và như một nhà phê bình đã viết, nó kéo con người ta trở về với quá khứ.

Đọc truyện, dễ nhận thấy một gam màu nhạt và ảm đạm bao trùm khắp trong tập truyện. Nhà văn Vũ Ngọc Phan đã nhận xét: “Cái vang của thời đã qua, cái bóng của thời đã qua, mà ngày nay người ta tưởng còn văng vẳng, và thấp thoáng đó là tất cả cái thê lương nó khởi đầu những mẫu chuyện cổ thời”. Gam màu nhạt và ảm đạm này phù hợp một cách kỳ lạ với khung cảnh những buổi chiều u ám: “Mỗi buổi chiều mặt trời lặn, mất con chim không tổ mỏi cánh định tìm vào vườn chuối âm u này để ngủ. Những thân chuối cao vút và tàu lá chuối trống trải không đủ là nơi làm tổ, loài chim kêu mấy tiếng thưa thớt rồi lại bay qua ngọn thành. Vào tiết mưa dầm, những trận mưa ngâu đổ lên vườn chuối một khú nhạc suông nghe buồn thỉu buồn thiu”. Đến gần cuối truyện, không khí ảm đạm u ám ấy còn được pha thêm màu sắc dữ dội gây cảm giác bức bối, nặng nề báo hiệu chết chóc, đau buồn: “Trời chiều có một vẻ dữ dội. Mặt đất thời sáng hơn là nền trời. Nền trời vẫn những đám mây tím đỏ vẽ đủ mọi hình thù quái lạ. Những bức tranh mây chói màu thẫm hạ thấp thêm và đè nặng xuống pháp trường oi bức và sang gắt”. Chẳng cứ gì buổi chiều, ngay cả một buổi trưa hè cũng được tả với sự buồn vắng, im lìm: “Ánh nắng già dặn buổi trưa nung đối mặt cánh đồng dưới chân đồi, làm rung rinh lớn không khí bốc từ mặt đất và giống như vệt khói nhờ nhờ, vớn qua những màu xanh bong loáng của một dãy xóm làng cây cối im lìm” (Những chiếc ấm đất).

Truyện Báo oán có lẽ là truyện có nhiều nhất những đoạn văn tả cảnh ảm đạm, thê lương và thật đậm nét yếu tố ma quái như bản thân tên truyện. Sau đây là một ví dụ: “Mùa mưa dấm tháng chin chỉ là những giọt nước mắt triền mien than vãn của kỳ thất tịch còn sót lại mãi đến bây giờ. Xứ đồng chiêm Sơn Nam Hạ đã biến thành một vùng nước mất hẳn bờ, trên đó nhấp nhô những con đò đồng lí tí. Ngọn song đồng hỗn loạn vỗ tung bùn vào mép những con đường đất thó nhuyễn và những lũy tre già ướt át. Làng mạc vùng quê Nam Định nhoi lên khỏi làn nước trắng lạnh như những quần đảo hoang vu”. Ở một chỗ khác: “Nền trời phương Đông đáng lẽ phải hửng lên để đón lấy chiều dương. Thế mà ở đấy chỉ rặt một thứ mây đục đùn lên những hình vật có tang ma, những màu xanh đỏ rực rỡ và rờn rợn…”. Bên cạnh những đoạn văn tả cảnh tày còn có những đoạn tả người cũng vẫn với những “nét rầu rầu xanh xám” ấy: “Rồi cậu Chiêu lại vẫn không quên cái cảnh màn trời triền mien những kinh động ngờ sợ, ánh sáng tốt và ẩm ướt của rừng tị nạn, đổ xuống một cái đầu xanh đang ngậm chum túc mới vừa to mà đã nhuộm màu tang” (Ngôi mả cũ).

Ấn tượng nhất có lẽ là những đoạn văn tả cảnh gắn liền với những thú tiêu khiển thanh nhã. Cảnh vật ở đây trở nên thanh khiết, êm đềm đôi khi buồn bã đến kỳ lạ thể hiện một cách gián tiếp thái độ yêu mến, trên trọng và nuối tiếc của nhà văn. Đây là cảnh tượng trong một cuộc thả thơ: “Vầng trăng mười bốn lúc chênh chếch và đoài đã in một cúc bóng thẫm và dài lên mặt con sông trắng và lạnh như thỏi thiếc vừa nguội. Đấy là bóng chiếc nhà bè lợp lá gồi … tiếng ngâm một câu thơ thua cuộc ăn tiền … những tiếng đó đều âm hưởng trên làn nước lạnh, thanh âm nghe trong trẻo, du dương và thái bình như tiếng vang của một hội tao đàn nào” (Thả thơ). Còn đây là cảnh vật buổi sớm mai trong lành nhưng vẫn gây cảm giác u hoài: “Trời rạng dần. Một chút nắng đào lóng lánh trong đám cây đang rụng dần lá năm cũ, một chiếc lại một chiếc” (Chén trà trong sương sớm). Đánh thơ cũng gợi nhiều cảm tình nơi người đọc bởi một bầu không khí thơm ngát hương hoa huệ trắng, hương hoa tinh khiết bao bọc lấy những con bạc nhiều khi đến với cuộc đánh thơ chỉ vì niềm yêu mến văn chương: “Hoa huệ mềm mại cuộn cong đầu cánh trắng lại như những râu rồng và gặp tiết đêm, gặp sức nóng của nến cháy, của người thở mạnh, cáng hết sức nhả mùi hương. Không khí đều là huệ hết cả, có người rít mạnh mồi thuốc lào, đã lầm rằng thuốc của mình là ướp ủ bằng hoa huệ” (Đánh thơ). Trong truyện Ngôi mả cũ, hình ảnh giàn bầu nậm với những “trái bầu nậm còn tương dưới lỗ giàn là một cái bình rượu tạc bằng khối ngọc bích đều sắc, nhẵn và bong” được miêu tả thật ấn tượng nhờ vào những lien tưởng phong phú và tinh tế của nhà văn: “Cậu Chiêu đang hấp háy mắt ngửng đầu ngắm những quả bầu nậm buông thong xuống ngang mặt. Cái áo vải trắng cậu Chiêu đã biến thành một áo lụa màu xanh của người công tử phong lưu đa tình. Đấy là cái màu dịu mắt của chất ngọc bích, đấy là cái thứ áo xanh của ông quan Tư mã đất Giang Châu dung lau nước mắt khi thương đến một người con hát giữa một khoang thuyền trống trải trôi trong đám lau sậy ven sông. Hoặc vì đó là màu xanh của những cánh đồng lúa non ngút ngàn của những xứ không bao giờ có nạn binh lửa”…

Lại có những cảnh nửa thực nửa ảo gây nên một cảm giác siêu thoát, đượm màu Phật giáo: “Bọn người xin nước vái chào nhà sư. Trên con đường đất cát khô, nước tròng trành theo bước chân mau của tên lão bộc đánh rỏ xuống mặt đường những hình ngôi sao ẩm ướt và thẫm màu. Những hình ngôi sao ẩm ướt nối nhau trên một quãng đường dài ngoằn ngoèo như lối đi của loài rắn. Ví buổi trưa hè này là một đêm có bóng trăng dài lạnh lung và ví cổng chà Đồi Mai là một cửa non đào thì những giọt sao kia có đủ cái thi vị một cuộc đánh dấu con đường về của khách tục trở lại trần sau khi chia tay cùng chúa động”.

Có thể nói cảnh và người trong tập truyện đều là cảnh và người của dĩ vãng - thứ dĩ vãng đã một thời vang bóng. Với cách miêu tả này, tác phẩm tạo nên một không khí buồn mà thanh sạch khác hẳn với những xô bồ trong cuộc sống hiện tại…

Bây giờ, ta hạy nói tới hệ thống ngôn từ độc đáo của tác phẩm. Bài viết này không có tham vọng bàn tới những vấn đề lớn trong phong cách nghệ thuật của “Thầy bút Nguyễn Tuân” mà chỉ muốn đề cập đến nét độc đáo trong ngôn từ mà nhà văn sử dụng ở tập truyện đặc sắc này.

Trước hết phải thấy rằng, nhà văn đã sử dụng hệ thống từ cổ, từ Hán Việt một cách đắc địa. Những từ cổ này được kết hợp hài hòa, chặt chẽ với những cảnh, những người trong quá khứ, tạo nên một hiệu quả đặc biệt. Người ta có cảm giác như sống với quá khứ, như đang trò truyện với những nhân vật trong trang sách. Giáo sư Hoàng Như Mai đã nhận xét: “Mở cuốn Vang bóng một thời, người ta tưởng như mở hai cánh cửa bước vào một nhà bào tàng văn hóa dân tộc, nơi đó trưng bày những hiện vật của một thời xưa”. Ấn tượng về sự xưa cũ, cổ kính này một phần được tạo ra bởi hệ thống từ cổ kết hợp với những địa danh, tên gọi, cách nói, cách xưng hô mang dấu ấn của một thời xuất hiện dày đặc trong tác phẩm. Những cái tên: Chùa Đồi Mai, xứ Đồng Côn, làng quan Công Sứ, khoa thi Mậu Ngọ, nhà nước bảo hộ, viên giám trảm, lính cơ, cụ nghè … giờ đây đã trở thành xa lạ, thậm chí gây thắc mắc đối với người đọc đương thời nhưng lại giúp chúng ta rất nhiều trong hành trình trở về quá khứ. Có thể kể ra rất nhiều từ cổ, cách nói, cách xưng hô … như đã nói ở trên: “Thụ một ít lộc Phật”, ít nhời, chén tống chén quân, ấm quần tử, ấm Thế Đức màu gan gà, ấm đồng cò bay, kim hỏa …(Những chiếc ấm đất); người bạn đồng song, thả thơ, cái níp sách sơn son … (Thả thơ); phiến trát, Sơn Hưng Tuyên đốc bộ đường, thầy thơ lại, ngục tốt, án thư, bộ từ bình, bức trung đường, đồng tiền kẽm, lạc khoản, thoi mực, bái lĩnh … (Chữ người tử tù); điệu cổ phong, ngâm gói hạc (Chén trà trong sương sớm); trường thi, lọng vàng, mùi nghi vệ, quan chánh chủ khảo, kinh truyện, “Báo oán giả, tiên nhập, báo oán giả, thứ nhập …” (Báo oán). Việc sử dụng hệ thống ngôn từ độc đáo như trên vừa thể hiện dụng ý của nhà văn lại vừa nói lên một cách đầy đủ nhất sự hiểu biết sâu rộng, cặn kẽ của nhà văn về nhiều phương diện như lịch sử, văn hóa và xã hội.

Tóm lại, tìm hiểu quan niệm về cái đẹp của Nguyễn Tuân trong Vang bóng một thời là một công việc vừa thú vị vừa đòi hỏi nhiều công phu vì nó trực tiếp liên quan đến một hiện tượng văn học vô cùng độc đáo và phức tạp của văn học nước nhà.

ThS. Triệu Thị Huệ, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM
 
Từ khóa
nguyen tuan nhà văn nguyễn tuân van chuong vang bóng một thời
597
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top