Trong cuộc sống luôn tồn tại rất nhiều luật lệ và khuôn khổ mà ta phải làm theo

Trong cuộc sống luôn tồn tại rất nhiều luật lệ và khuôn khổ mà ta phải làm theo

Khuôn khổ mà xã hội đặt ra với mỗi người như Chiếc vòng Kim cô trên đầu của Tôn Ngộ Không, chúng vừa ngăn cản phần thú tính trong bản thân ta, nhắc nhở ta khi hành động, song cũng trói buộc sự tự do của mỗi người. Trong cuộc sống luôn tồn tại rất nhiều luật lệ và khuôn khổ mà ta phải làm theo, nếu muốn bứt phá cần tìm ra cách của riêng mình và cần rất nhiều dũng khí.

Tôn Ngộ Không, một nhân vật không mấy ai xa lạ xuất hiện trong tác phẩm kinh điển đã được chuyển thể thành phim dài tập cùng tên “Tây Du Kí”, nguyên tác của nhà văn Ngô Thừa Ân, từ lâu đã trở thành một phần quan trọng đóng góp cho nền văn học và nghệ thuật Trung Hoa. Những ngày thơ bé, “Tây Du Kí” trong tôi dù vô cùng cuốn hút, nhưng tôi mới chỉ có thể nhìn danh tác thế giới này bằng con mắt của một đứa trẻ chưa hiểu chuyện. Lớn lên rồi mới thấy, từng chi tiết dẫu nhỏ nhặt trong truyện, trong phim đều khiến tôi nghĩ ngợi. Tỉ như, chiếc vòng kim cô là một hình ảnh gợi nhiều liên tưởng, buộc tôi phải đặt ra câu hỏi về mối liên hệ giữa vòng kim cô xuất hiện trong tác phẩm, và chiếc vòng kim cô trong cuộc đời mỗi con người.

Khi các thầy trò Đường Tăng đã hoàn thành sứ mệnh và trở thành Phật, vòng kim cô trên đầu Ngộ Không cũng đã mất đi, như biểu hiện cho sự hoàn thiện và trưởng thành trong nhận thức cũng như hành động của Ngộ Không sau thời gian dài vượt qua gian khó và nhiều lần chịu sự trừng phạt đau đớn. Có thể nói, vòng kim cô như một loại ràng buộc, cảnh tỉnh, nhắc nhở, răn đe Ngộ Không mỗi lần phạm lỗi, từ đó giúp nhân vật này khắc phục những nhược điểm của mình, làm ra điều tốt, điều có ích cho cuộc đời, cho người khác.

Giả như coi mỗi chúng ta giống như Tôn Ngộ Không kia - trong mỗi chúng ta vẫn mang phần “con” ẩn sau phần “người” hiện hữu, đâu đó vẫn còn phần thú chưa thể tiêu biến mất đi - thì phải chăng chúng ta cũng đều đang cần một chiếc vòng kim cô kiểm soát? Trong quan điểm của tôi, vòng kim cô của cuộc đời thực tại, có lẽ chính là những luật lệ, định chế ràng buộc con người đã và đang tồn tại trong xã hội, trong thế giới của chúng ta. Nhìn rộng ra, tất cả những thứ trói buộc con người vào khuôn phép, hướng con người vào khuôn mẫu đều mang dáng dấp, hơi hướng của chiếc vòng kim cô ấy.

Trong cuộc sống luôn tồn tại rất nhiều luật lệ và khuôn khổ.png

(Trong cuộc sống luôn tồn tại rất nhiều luật lệ và khuôn khổ mà ta phải làm theo)

Những chiếc vòng kim cô trong cuộc sống của ta tồn tại, như đã nói, vì con người phần nào rất giống với Ngộ Không. Trong bản thân ta, vẫn còn phần thú hoang không suy nghĩ, vẫn còn những dục vọng tầm thường ích kỉ, vẫn còn những suy nghĩ xấu xa luôn chực nảy sinh và lấn át phần người, phần lương thiện. Vì lẽ đó, nhà nước đặt ra luật pháp để răn đe cái xấu, cái ác hoành hành, xã hội mỗi nơi tùy thuộc vào lịch sử đi lên và phát triển cũng xây dựng cho mình những thành trì tư tưởng và chuẩn mực đến mức trở thành thành kiến, định kiến về thế giới, về con người. Con người trong cuộc sống, trước hết phải tuân theo luật pháp, sau đó cũng phải lựa mình mà sống sao cho khớp với cái chuẩn mực con người mà xã hội đề ra, nghe theo những quan niệm được coi là đúng đắn, để được nhìn nhận là một con người tử tế, văn minh, đúng nghĩa. Không thể phủ nhận những chiếc vòng kim cô ấy thật sự đã phát huy tác dụng của mình. Thử tưởng tượng một đất nước không có pháp luật nghiêm minh, hay luật lệ bị coi thường, chà đạp, người ta nhắm mắt cho qua những sai lầm, tội ác - đất nước ấy, tồi tệ đến mức nào, hỗn loạn đến mức nào? Rõ ràng, chiếc vòng kim cô trong cuộc sống đã và đang giúp không ít người bảo toàn nhân cách, sống đúng với danh phận “con người”, cũng như khiến cho xã hội đi lên văn minh, tốt đẹp.

Nhưng, chiếc vòng kim cô với toàn những ích lợi nó mang đến cho đời như thế, thì có gì đáng để bàn sao? Cuộc đời này vốn không có gì hoàn hảo, con người đã vậy, chiếc vòng kim cô cũng không là ngoại lệ. Tôi còn nhớ khi đọc “Tây Du Ký”, đã lắm lúc bất bình khi Tôn Ngộ Không bị sư phụ tránh oan - hắn nhìn ra yêu ma quỷ quái, nhưng Đường Tăng có phần ngây thơ lại luôn bị yêu quái đánh lừa, cho rằng Ngộ Không hại người vô tội. Những lần như thế, Đường Tăng dùng chính chiếc vòng kim cô để trừng phạt Ngộ Không. Dù sau đó chân tướng đã được phơi bày, nhưng rất nhiều lần Đường Tam Tạng đã trách nhầm và hiểu sai để gây bao đau đớn cho Ngộ Không như thế. Vòng kim cô, hóa ra vẫn mang những mặt hạn chế, nó không đúng trong mọi trường hợp, cũng không phải lúc nào nó cũng trói buộc, trừng trị đúng việc, đúng người. Nó chỉ là vật vô tri mang phép, nó nghe theo thần chú của Đường Tăng, đâu thể thể xét rõ đúng sai để mà biết được Ngộ Không thực ra đang cứu sư phụ mình đâu chứ? Vòng kim cô trong cuộc sống con người, cũng vậy mà thôi. Có mấy ai dám chắc chắn khẳng định rằng, những điều luật kia, nhưng định kiến kia, tất cả đều chỉ nhằm giúp con người tốt lên mà không gây ra hệ lụy nào sai khác?

Những khuôn khổ, chuẩn mực trong xã hội đã được hình thành từ lâu, lẽ đương nhiên không phải tất cả đều đúng đắn trong thời đại ngày nay nữa. Hơn hết, ta đâu thể chỉ dựa vào những khuôn khổ, chuẩn mực để đánh giá tất cả mọi người, đâu thể mổ xẻ nhân cách một cá nhân chỉ dựa trên những chuẩn mực về hành vi và đạo đức mà xã hội đã đặt ra! Rất có thể sẽ chỉ là sự phán xét chủ quan, phiến diện, sai lầm bởi thực tế là chẳng có khuôn khổ nào luôn vừa vặn cho tất cả. Luôn có những điều vượt ra ngoài khuôn khổ, và chuẩn mực của hôm qua có thể đã không còn phù hợp với hôm nay. Có những người bị đánh giá là hư hỏng, xấu xa chỉ bởi vẻ bề ngoài. Họ có thể xăm hình, nhuộm tóc, xỏ khuyên, nhưng đâu có nghĩa họ đều là kẻ hư đốn! Xã hội không hiếm những kẻ bên ngoài đạo mạo mà bên trong thối nát đấy thôi. Đơn cử như vụ việc nữ diễn viên xứ Hàn Jang Ja Yeon tự tử do từng bị ba mươi mốt người cưỡng hiếp, mà tất cả đều là những ông lớn trong làng giải trí. Nhiều người nổi danh với đời tư trong sạch hóa ra lại là những kẻ làm nên tội ác không thể thứ tha. Hay kẻ đã cưỡng bức và giết hại bé Nhật Linh lại chính là hội trưởng hội phụ huynh nơi bé đang theo học, vốn có nhiệm vụ đi theo và bảo vệ các học sinh. Luật pháp cũng thế, không phải điều luật nào cũng thật sự hiệu quả, thậm chí có những luật lệ rất tức cười, hoặc kì cục và vô lí, ảnh hưởng tới quyền con người của các cá nhân. Và đâu phải pháp luật luôn được tuân theo và thực hiện một cách nghiêm minh triệt để. Điển hình như hai vụ án ở trên thôi: đa số những ông lớn đã thực hiện hành vi cưỡng dâm không được đem ra xét xử, và tên tội đồ trong vụ án của bé Nhật Linh do luật pháp Nhật Bản cho phép tội nhân quyền im lặng nên hắn vẫn không phải nhận bản án xứng đáng với tội trạng của mình. Bản thân chiếc vòng kim cô còn mang rất nhiều hạn chế, ta không thể coi nó như một chuẩn mực lí tưởng để mà tuân theo cho được.

Song, hạn chế lớn nhất mà những chiếc vòng kim cô đem lại, là sự trói buộc của chúng đối với con người. Tôn Ngộ Không dù thần thông quảng đại vẫn phải quy phục chiếc vòng bé nhỏ, tìm đủ mọi cách cũng không tháo được nó ra. Những điều luật kia, lề lối kia, chuẩn mực kia, tất cả trói chặt chúng ta, đẩy ta vào trong vùng an toàn, ép ta vào khuôn mẫu có sẵn, lấy danh nghĩa giúp ta tốt lên nhưng thực chất đang kiểm soát và cướp đi tự do của mỗi chúng ta.

Đã bao giờ bạn muốn thử làm một điều mới mẻ, không theo lối mòn trước giờ vẫn vậy, nhưng lại chần chừ e ngại vì sợ những định kiến, sợ cách đánh giá của xã hội, của mọi người?

Có bao giờ bạn muốn đi ngược lại với ý kiến số đông, nhưng lại bị cho là đi lệch khỏi lề lối cho phép hay chưa?

Có bao giờ bạn muốn sống với cá tính của riêng mình, muốn tách bản thân ra khỏi cái khuôn sẵn có mà xã hội dựng nên và đẩy con người ta vào đó, nhưng lại vấp phải sự phản đối và ngăn cản của thế giới quanh mình?

Mấy ai đủ sức, đủ dũng khí và năng lực để tự mình thoát khỏi sự kìm kẹp giới hạn của chiếc vòng kim cô ẩn sau xã hội, hay đa số sẽ chấp nhận sự ràng buộc của nó, mặc cho họ không thể hít thở bầu không khí của một sự tự do đúng nghĩa, mặc cho nhiều lúc họ vẫn thấy bức bối và khó chịu trước sức ảnh hưởng và giới hạn của “chiếc vòng”?

Vòng kim cô trong cuộc sống con người đã dần đi quá xa khỏi mục đích và ý nghĩa ban đầu của nó - nó không cho con người tự do sống là chính mình, ngăn cản người ta phá vỡ những khuôn mẫu và lề thói, tồi tệ hơn là ép người ta đi theo chuẩn mực chưa chắc đã phù hợp với thời đại và với chính con người ấy. Nó có thể giúp con người bảo toàn thể diện, nhưng lại bóp chết tất cả sáng tạo, tất cả tự do, khác nào làm thui chột một phần tài năng, lấy đi niềm hạnh phúc thật sự của sự sống mà đáng lẽ người ta đã có thể sở hữu? Ở nhiều quốc gia, trường học tồn tại, liệu có phải để truyền cho học sinh tri thức và niềm đam mê học tập chân chính, hay đang ép người trẻ vào những hình mẫu như đúc giống hết nhau: giỏi đều các môn một cách máy móc và nặng nề lý thuyết, hạn chế tối đa khả năng tìm tòi cái mới đi lệch khỏi những gì vốn có, đặt điểm số toàn vẹn lên trên sự phát huy năng lực thật sự của học sinh. Một số nơi lại có nhiều điều luật bất công quá đáng, như phụ nữ Hồi giáo buộc phải che đi khuôn mặt của mình, có người từng bị dọa giết chỉ vì lộ mặt khi tham dự cuộc thi hoa hậu trên thế giới - điều luật rõ ràng đã vi phạm đến quyền làm người, ngăn cản người phụ nữ phô lộ vẻ đẹp nhan sắc của mình là hết sức vô lí, bất công. Vòng kim cô đã và đang giới hạn con người, mục đích tốt đẹp nó hướng đến lại song song tồn tại với những hệ lụy mà chính nó tạo ra, ảnh hưởng tới con người, rộng ra sẽ ảnh hưởng tới toàn xã hội.

Với cả mặt tích cực và hạn chế, đối diện với chiếc vòng kim cô trong cuộc sống, con người nên chọn mình một hướng đi thích hợp. Ta không thể lấy cái cớ sống tự do để tung hoành, hành xử thiếu suy xét, phá vỡ ràng buộc và phạm phải sai lầm. Nhưng ta càng không thể để những chiếc vòng kim cô làm chủ cuộc đời mình, định hướng bản thân mình, đưa mình vào khuôn mẫu khô khan, cứng nhắc và đánh mất giá trị thật sự của bản thân. Con người có quyền được sống tự do, mà tự do, trước hết, được sống là chính mình. Như triết gia người Mỹ Henry David Thoreau từng nói: “Luật lệ không bao giờ khiến con người tự do, chính con người phải làm cho luật lệ tự do.” - để những chiếc vòng kim cô không gây ra những bất lợi cho con người, thì chính con người và xã hội phải thay đổi cách tư duy, điều chỉnh những giá trị, quan niệm sống đã được đặt ra sao cho hợp lí và chấp nhận sự khác biệt về chuẩn mực đối với mỗi cá nhân. Hẳn nhiên, bản thân ta cần trau dồi và tự hoàn thiện mình, để đủ khả năng và dũng khí vượt lên những định kiến xưa cũ, để đủ tỉnh táo và thông suốt nhận ra điều mình chọn lựa có thật sự đúng đắn hay không.

“Càng hiểu biết, con người càng tự do.”, nhà văn Pháp Voltaire đã nhận định như thế đấy. Nếu như bản thân con người có thể kìm hãm được con thú trong mình, bản thân con người nhận thức được đúng sai và ý thức sống đúng, sống tử tế, sống cho ra dáng con người của thời đại văn minh phát triển, thì ta đâu cần những chiếc vòng kim cô nặng nề trói buộc kia thêm nữa? Tất cả thay đổi khởi nguồn từ chính chúng ta, do chúng ta làm nên, giành lấy - muốn thoát khỏi vòng kim cô, giống như Ngộ Không hoàn thiện bản thân mình để trở thành Phật và chiếc vòng biến mất, ta chẳng còn cách nào hiệu quả hơn ngoài tự xây dựng cho mình ý thức làm người, để chiếc vòng kim cô sẽ chỉ còn là một phương tiện hỗ trợ trong quá trình dựng nên một xã hội văn minh, chứ không thể mang sức ảnh hưởng tối cao buộc con người cúi đầu trước nó.

Tôi và người trẻ, đều đang phải đeo trên đầu chiếc vòng kim cô mang theo ràng buộc của gia đình và xã hội. Nó giúp chúng tôi trưởng thành lành mạnh, song mặt khác, đang kìm kẹp sự tự do của những đứa trẻ đang tuổi muốn nổi loạn, muốn rời xa khuôn phép mẫu mực và truyền thống. Gửi đến mọi người, gửi đến những người trẻ tuổi trẻ lòng, và gửi đến chính tôi, một câu nói của nhà văn Mỹ Robert A Heinlein: “Tôi tự do, cho dù xung quanh tôi là những luật lệ gì. Nếu tôi thấy chúng có thể chấp nhận được, tôi chấp nhận chúng; nếu tôi thấy chúng quá khó chịu, tôi phá vỡ chúng. Tôi tự do bởi tôi biết bản thân tôi chịu trách nhiệm trước lương tri mình vì mọi điều tôi làm.”

Hi vọng, mỗi chúng ta có thể thoát khỏi sự vây hãm của chiếc vòng kim cô, nhưng vẫn bảo toàn cho bản thân thiên lương trong sạch nhất.


Phạm Thị Nguyệt Minh
 
Từ khóa
càng hiểu biết chuẩn mực trong xã hội con người càng tự do khuôn khổ luật lệ không bao giờ khiến con người tự do thử làm một điều mới mẻ trong cuộc sống luôn tồn tại rất nhiều luật lệ vòng kim cô trong cuộc sống
452
2
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top