Văn chương không chỉ là ngôn từ mà tác giả gửi gắm vào đó nỗi niềm cũng như hiện thực cuộc sống mà còn ẩn chứa việc xây đắp tâm hồn con người

Văn chương không chỉ là ngôn từ mà tác giả gửi gắm vào đó nỗi niềm cũng như hiện thực cuộc sống mà còn ẩn chứa việc xây đắp tâm hồn con người

Đề bài : Văn chương không chỉ là ngôn từ mà tác giả gửi gắm vào đó nỗi niềm cũng như hiện thực cuộc sống mà còn ẩn chứa việc xây đắp tâm hồn con người ( Hoài Thanh)
Anh (chị) hiểu thế nào về nhận định trên


Bài làm

“Con hay thích làm gì lúc rảnh rỗi?

Con thích đọc sách và các cuốn tiểu thuyết

Vậy lớn lên con muốn làm gì?

Con muốn làm nhà báo...

Ôi dời, lớn thế rồi, mơ mộng ít thôi..”

Đây có lẽ là một cuộc nói chuyện không còn xa lạ với quá nhiều người, và ngay cả chính bản thân tôi cũng đã không ít lần là nhân vật chính trong câu chuyện đó. Đối với nhiều người, văn chương đôi khi là điều gì đó rất ão huyền, ru ngủ, không có giá trị hay nghĩa lí gì với cuộc đời.Những lúc ấy, tôi thấy mình bị tổn thương ghê gớm, hụt hẫng hay thậm chí đôi khi là nghi hoặc về chính thể loiaj mình đang theo đuổi. Bởi nó vô hình, đâu có thể mang lại vật chất hay thứu gì cao sang cho con người. Nhưng đột nhiên tôi lại bắt gặp tới câu nói của Hoài thanh- một câu nói mang đậm chất lí luận, như nói hết tất thảy giá trị cao quý mà văn học muốn gửi tới loài người “.Văn chương không chỉ là ngôn từ mà tác giả gửi gắm vào đó nỗi niềm cũng như hiện thực cuộc sống mà còn ẩn chứa việc xây đắp tâm hồn con người”. Có lẹ nghiên cứu sâu hơn một chút, ngẫm nghĩ bằng cả tấm lòng mình, ta sẽ hiểu hơn phần nào về văn học, về thế giới mà vốn dĩ tôi luôn coi trọng và tự hào biết bao

Thời gian vẫn trôi đi, bốn mùa luôn luân chuyển, con người sinh ra, tồn tại rồi lại tan biến vào hư vô. Trong suốt cả hành trình vất vả ấy, ta luôn tìm ra một tâm hồn tri âm, đồng điệu với chính mình nơi trên từng trang giấy trắng thấm nhuần con chữ mà như Tố hữu nói “ Cuộc bể dâu mà con người nhìn thấy trong văn thơ dân tộc là máu chảy từ trong tim người nghệ sĩ”. Quả thực vậy, văn chương nói riêng và cả nền văn học dân tộc nói chung luôn là dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng , nâu đỡ yêu thương từng tấm thân nhỏ bé giữa sa mạc rộng lớn. Ở đây, hoài thanh đã đề cập đến giá trị, bản chất mà văn chương đem đến cho con người, là cả một kho tàng vĩ mô của nhân loại. Văn chương là nghệ thuật ngôn từ, lấy chất liệu để miêu tả đời sống xã hội con người, nó có nghĩa hẹp hơn văn học. Nhưng vốn dĩ với Hoài thanh mà nói, nó không đơn thuần là ngôn từ, là những con chữ khô khan trên mặt giấy hay là những nỗi niềm trắc trở, những mảnh đất hiện thực được tái hiện mà còn là bồi đắp nuôi dưỡng tâm hồn như là” tạo cho con người những tình cảm ta chưa có, bồ đắp thêm cho ta những tình cảm ta sẵn có”. Tâm hồn chính là thứ quan trọng bậc nhất của con người, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của chúng ta, và cũng chính nơi ấy sẽ viết nên những câu chuyện, những ý nghĩ thật đẹp mà được văn học nâng niu, ân ái ban tặng.Âý là giá trị ngàn đời được dựng nên từ những con ong chăm chỉ suốt một đời cống hiến cho nghệ thuật. Cho đến cuối cùng, dẫu cho ngôn từ có được trau chuốt, tỉ mỉ và hiện thực có được phản ánh chân thật đến mấy thì nó cũng không thể thiếu được tính giáo dục, thẩm mĩ, xây dựng một tâm hồn phong phú cho nhân loại mà như Nguyễn Minh Châu đã nói “ Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm và tâm điểm chính là con người” Một con người như Hoài thanh, trải qua cả một hành trình dài nghiên cứu văn học dân tộc, đưa ra những lời bàn luận về văn chương, ý kiến trên chính là minh chứng rõ nét nhất cho sự thấu hiểu, đạt tình đạt lí của ông, để rồi chính chúng ta được hiểu thêm phần nào về ẩn đằng sau từng nét chữ của mỗi nhà văn là cả một khát khao được thay đổi, hướng con người tới vùng trời nhân tính hơn

Ngôn từ trong văn chương vốn dĩ luôn được sử dụng một cách đầy tinh tế, xứng danh là những người nghệ sĩ tài hoa đang chăm chút cho đứa con của mình và hiện thực cuộc sống lại như là một thứ ánh sáng hoàng kim rọi soi con đường cho những nhà văn bước đi, không có nó, mọi thứ sẽ trở nên hoàn toàn vô giá trị nhưng liệu chỉ bấy nhiêu thôi đã đủ lay động trái tim bạn đọc hay chưa? Cái cốt lõi vẫn chính nằm ở việc tâm hồn con người, nơi mà lí trí mà cảm xúc thống trị, nằm ở việc ẩn đằng sau những tâm huyết anh ta dành cho văn chương phải tạo được con sóng ngầm mạnh mẽ, để tâm hồn chúng ta cứ mỗi lúc lại thêm phần phong phú dồi dào và tràn ngập bản tính con người. Trong không gian lặng thinh của văn chương, chỉ còn cuộc đối thoại giữa bạn đọc và trang sách, tòa án lương tâm sẽ phán quyết, quỷ thần hai vai sẽ chứng ngộ, mọi suy nghĩ , liên tưởng của con người sẽ được xem xét, khi ấy, tiếng nói của lương tri sẽ lên ngôi. Ta tìm đến văn chương không phải đơn thuần để nhìn thấy những mảng màu đa chiều của cuộc sống xung quay mình, không phải chỉ để hiểu những điều đã làm tác giả nặng lòng, trằn trọc suốt đêm dài mà con là lối thoát cho cảm xúc , tâm hồn, để chính ta sẽ lại đống sống hạnh phúc hơn. Văn học là như thế, một vì sao lấp lánh ánh ngời, một tinh thể thực đáng trân quý. Quy trình sáng tác văn chương đi từ cuộc sống và đích đến cuối cùng của nó cũng chính là cuộc sống, tất thảy mọi ngôn từ từ ngữ sẽ đảm nhận nhiệm vụ truyền tải nội dung chũng như ý muốn của tác giả, để rồi anh vật lộn với từng dòng suy nghĩ, chắt chiu nó, đến lúc gấp giấy lại truyền tới tay độc giả. Cả một thế giới được mở ra, dẫu là trong mường tượng thì cũng có thể thay đổi cả một xã hội đi theo chân lí ngàn đời là chân- thiện – mỹ. Những dòng thơ của của Hàn Mặc Tử đã từng làm ta say đắm đến nhường nào, không biết là tình nàng hay tình ta, mê mẫn trong thứ cảm xúc bạt ngàn “ Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/Ai biết tình ai có đậm đà”. Hay là như tác phẩm Chí phèo của Nam Cao, nơi đây không chỉ là phản ánh thực tại tàn nhẫn của chế độ phong kiến, những điều đáng sợ của làng vũ đại mà còn cho ta hiểu được khát khao làm người lương thiện của Chí lớn đến nhường nào, một bát cháo hành thôi cũng đủ một con người thức tỉnh. Tâm hồn ta chẳng phải đã bị xao động, đã hiểu thêm bao điều từ những trang văn ấy hay sao. Tự cổ chí kim, văn học đã luôn hướng về con người, về phần sáng của con người , tác giả đâu chỉ viết cho riêng mình mà anh còn viết cho hàng triệu trái tim và tâm hồn khác cần được chữa lành sau những vết nứt, chai sạn của bào táp mưa sa nơi thực tại cuộc sống. Đọc một tác phẩm, ta giường như được áp tai vào chiếc vỏ sò nhỏ bé, lắng nghe thanh âm sâu thẳm nhất từ đại dương, nuôi dưỡng trong mình sức sống , tình cảm, góp phần bồi đắp phù sa tâm hồn chính mình. Đấy cũng chính là điều tôi luôn tin tưởng nhất ở văn chương khi tôi được sống cùng với nó suốt năm tháng cuộc đời, như rót từng giọt mật ngọt vào phần đau đớn nhất, dễ tổn thương nhất, tiếp tục yêu thương và xây đắp chốn bình yên à lắm lúc cũng gào thét dữ dội ấy

Nếu như văn chương chỉ chú tâm vào ngôn từ, vào nỗi niềm của riêng mình hay phản ảnh cuộc sống theo việc ghi chép lại thì dù anh dành cả một đời để viết nên tác phẩm đó thì nó cũng sẽ ngay tức khắc bị đào thải sau khi vừa mới ra đời. Đó là quy luật cốt yếu của văn chương. Nó quên mất nhiệm vụ của chính mình, quên mất ở nơi ấy vẫn có những tầm hồn cần đến sự cứu rỗi, trợ giúp hay là xây dựng nên một tâm hồn thực sự giàu tính nhân văn thì quả thật đáng tiếc, đáng tiếc cho một tài năng đã bỏ lỡ đi cơ hội để được tỏa sáng. Hãy thử tưởng tượng xem nếu một ngày văn chương không còn những giá trị ấy nữa liệu con người có còn có thể đứng vững trước những gian truân hay là lung lay, mất niềm tin rồi tự đẩy mình vào thảm cảnh, vào đường cùng.Đành rằng văn chương như Nguyễn Bính tâm sự “ ai bảo dính vào duyên bút mực/ suốt đời mang lấy sống long đong” nhưng nếu như anh thực sự dồn hết tâm sức lực của mình, hiểu cho con người khát vọng trở thành nhà công lí, kĩ sư tâm hồn thì chắc chắn vị ngọt của thành công sẽ đến với anh một cách đầy đậm đà, tinh hoa và rực rỡ.

Đến với tác phẩm Lão hạc- Nam cao, chúng ta không chỉ thấy được ở đó một tấm lòng nhân đạo, hiện thực cuộc sống tối tăm lúc bấy giờ mà chính tâm hồn ta cũng được xây đắp, thấu hiểu hơn về nhân cách con người, về lòng tự trọng, sống sao cho phải của nhân vật cùng tên, cảm phục trước cái chết tuy đớn đau nhưng cũng vô cùng cao quý của Lão hạc. Sáng tác vào năm 1943- thời kì mà miền bắc đang trong giai đoạn nạn đói khủng khiếp, triền miên, đâu đâu cũng nhìn thấy người chết vì đói. Và chính Nam cao, từ cái đói, cái nghèo khổ ấy đã dựng nên một nhân vật như Lão hạc, yêu con thương con đến vô bờ bến và lòng tự trọng của một con người hiền lành chất phác.

Lão Hạc- một người nông dân nghèo, vợ lão mất sớm, một mình gà trống nuôi con, làm lụng vất vả, cuộc sống túng khó vô cùng. Vì hoàn cảnh, Lão không đồng ý bán mảnh vườn để đứa con trai cưới vợ, anh ta liền bỏ đi đồn điền cao su biền biệt mấy năm mà như người ta nói “ Cao su đi dễ khó về” để lại lão với Cậu Vàng. Với lão đó có lẽ là nỗi đau lớn nhất, đau đến xé lòng đứt ruột gan mà có mấy ai hiểu lòng lão vốn yêu con đến mức nào. Nhưng bởi mảnh vườn ấy là do vợ lão để lại, nào dám bán đi. Hồi còn trẻ thì còn được người ta thuê đi làm bốc vác, sau này về già, một thân một mình, hoàn cảnh cảnh lão lại trở nên đáng thương xiết bao. Trải qua một trận bão lớn, lã cũng chẳng còn gì, ăn củ khoai củ sắn qua ngày. May sao còn có Cậu Vàng bên canh. Với người khác đó có thể là loài vật rất đỗi bình thường, người ta sẵn sàng ra tay, cướp đi mạng sống của nó nhưng với lão nó là gia đình , là người bạn tâm sự, sẻ chia. Cho nó ăn bằng bát sứ, nói chuyện cùng nó, xem trọng vô cùng khi ấy chính là kỉ vật cuối cùng mà con trai để lại. Là gia đình, mà còn gì đau đớn hơn khi phải chấp nhận bán đi “ gia đình”, nhìn người ta bắt lấy nó đi rồi nghĩ tới cảnh nó bị giết thịt. Nước mắt ròng ròng trên gò má và gương mặt như méo xệch đi của lão đủ hiểu lão đau đớn như thế nào. Ta đã được chứng kiến một diễn biến tâm lí đầy sâu sắc của nhân vật , chân thật, xót thương và thương cảm vô cùng. Cái nghèo đã đẩy lão vào cái chết thứ nhất đầy đau đớn ấy, đó là chết về mặt tâm hồn, về trái tim, tự trách bản thân khi nỡ lừa một con chó đã trung thành suốt mấy năm. Nhưng thương cho cuộc đời lão, lão còn cách gì nữa đâu, để nó sống tiếp mà chết vì đói thì thật đáng thương, mà lão lại càng không thể tiêu lẹm vào đồng tiền dành dụm cho con. Bán nó đi, một nửa tâm hồn của lão đã chết và một nửa tâm hồn của bạn đọc đã bị đánh thức

Sau cùng, người đàn ông ấy đã chẳng thể kìm nén được nữa, cái chết, là cái chết về thể xác thực sự đã đến với lão, nói chính xác hơn là chính lão đã lựa chọn cho mình con đường kết thức ấy. Trước khi ra đi không một lời trăng trối, lão vẫn gửi số tiền và mảnh đất để dành cho con trai cho ông giáo, phút cuối vẫn đâu nào nghĩ đến chính mình, còn sợ phiền hà đến người khác mà đưa tiền lo ma chay. Bản tính của con người ấy thực sự đã làm ta suy nghĩ. Chọn cách chết từ bã chó như một lời xin lỗi, cái cúi đầu trước loài vật thân thương ấy.” Chao ôi, với những người ở quanh ta, nếu ta không có tìm mà hiểu họ ta chỉ thấy họ gàn dở, xấu xa...không đáng để ta thương” Lòng tự trọng đã không cho phép lão sống tiếp cuộc đời còn lại, mà nếu có sống thì cũng đâu còn nghĩa lí gì. Xin lỗi vì “ trọn đạo làm cha thì lỗi đạo làm người, trọn đạo làm người thì lỗi đạo làm cha”, vì đã nỡ lừa một con chó. Âý có lẽ là lựa chọn giúp lão thanh thản và cảm thấy bình yên nhất. Cái chết đó đã chứng minh cho một con người giàu lòng tự trọng, hiền lành, nhân hậu và đặc beietj la yêu con vô cùng, yêu đến không màng bản thân, yêu đến tận từng khúc ruột, chỉ trách cho cuộc đời éo le quá. Xã hội lúc bấy giờ là như vậy, giường như hạnh phúc là cái chăn quá hẹp, người này ấm thì người kia hở, và Lão đã giành hơi ấm ấy cho đứa con trai của mình. Một tác phẩm thực sự mang đến cho ta rất nhiều vấn đề nhân sinh, xây đắp tâm hồn và trái tim, để ta thấu hiểu hơn những con người khổ đau, bất hạnh ấy, để ta như lời tự nhắc cho chính mình nếu được sống thì phải sống sao cho ra người, ta cảm động trước tình cha con , trước tâm lòng một người nông dân. Tất cả liệu có phải văn chương đang giúp đỡ, xoa dịu , khai sáng tâm hồn chúng ta hay sao?

Khác với văn học hiện thực phê phán, văn học hiện đại đặc biệt là thơ ca cũng đã đem đến cho ta những cảm xúc đầy mãnh liệt nuôi dưỡng tâm hồn như bài thơ Sang Thu- Hữu Thỉnh đã viết gửi tới triệu độc giả. Ấy là những chiêm nghiệm về cuộc đời, là lấy hình cảnh thiên nhiên ẩn dụ cho điều mình muốn nói, cho sự xáo trộn bên trong con người, nêu lên cái quy luật ngàn đời trong thế giới nhân sinh” khi trải qua lắm những khó khăn, chắc chắn ta sẽ mỗi ngày càng trưởng thành và mạnh mẽ hơn”. Bài thơ sáng tác vào 1977, khi tác giả có cơ hội tham gia một triển lãm quân đội. Xuyên suốt cả bài thơ có thể thấy hình ảnh thiên nhiên đóng vai trò chủ đạo nhưng đằng sau cái hình ảnh ấy là cả một cuộc đời con người, một cuộc đời đã trải qua lắm gian truân, khổ cực, trao gửi tới ta cả một tâm huyết, một vấn đề nhân sinh lẽ ở đời

Bài thơ như một khúc ca nhẹ nhàng, da diết, trầm lắng nhưng cũng đầy triết lí, như một lời căn dặn đầy sâu sắc. Đi sâu vào từng lời thơ, thả hồn mình theo đó như một nghệ sĩ thwucj thụ hay một người khán giả đang thưởng thức bài giao hưởng, tôi chợt nhận ra vẻ đẹp của thơ ca đến lạ. Mùa thu đến với nhà thơ đầy bất chợt, theo một cách rất đỗi tự nhiên. Khác với Nguyễn đình thi “ Gió thổi mùa thu Hương cốm mới” hay như nguyễn bính “ mùi hoa thiên lí thoảng hương đưa” mà ở đây tác giả nhận ra bằng hương ổi, thứ hương đầy dân dã mà quen thuộc vô cùng, rồi nàng thu nhẹ nhàng từng bước bước qua ngõ bằng hình ảnh sương lãng đãng, gió se phất phơ tay áo. Cho đến vạn vật cũng đổi thay, dòng sông chầm chậm lại trên từng vách đá, chim về phương nam tránh rét và cả đám mây cũng như chiếc khăn voan vắt nửa mình sang thu. Thiên nhiên là thế, nó thay đổi theo vòng quay tự nhiên của nó, mùa hè đi, mùa thu đến gây cho ta biết bao nhớ thương, trìu mến. Vfa rồi cho đến cuối cùng, trên hàng cây thụ lớn lao ấy, ta vẫn nhận ra vẻ kiên cường, mạnh mẽ ở đâu đó

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

Không còn quá gay gắt như mùa hạ, nắng đã vơi bớt dần, cơn mưa cũng chẳng còn nặng hạt nữa. Hàng cây kia chính là con người, nắng hay mưa và sấm chính là những khó khăn mà ta phải trải qua. Giống như khi đến độ chín nào đó trong cuộc đời. Mọi giông bão, phong ba kia sẽ chẳng còn quá đnags sợ và ghê gớm nữa. Con người sẽ trở nên mạnh mẽ, kiên cường hơn, cứng rắn với chính mình, bởi vì một khi đã trải qua đủ nhiều đau thương, ta sẽ học được cách đứng lên, vượt qua tất cả. Âý là quy luật tất yếu của cuộc sống mà thôi. Chính bạn đọc đã học được điều ấy từ trang thơ của hữu thỉnh, tâm hồn ta giường như được mở rộng hơn, thấu tình đạt lí, hiểu được nhân sinh hóa ra là vậy. Khó khăn hôm nay sẽ chẳng là gì với ngày mai rồi ai sau nữa, ai rồi cũng sẽ phải bước tiếp, sống cuộc đời tốt hơn bây giờ, hơn cuộc sống ở quá khứ mà thôi. Giá trị của văn chương vốn dĩ nằm ở chỗ đấy, truyền đạt, thẩm thấu vào trí nhớ cũng như tâm thức của con người một cách thật đáng trân trọng

Để đạt được thành công chưa có một việc gì là dễ dàng, kể cả viết văn hay sáng tác thi ca. Mỗi tác phẩm đều là tâm huyết, được thai nghén từ khi còn nằm trong ý nghĩ của các thi nhân, bất chợt nó biến thành thứ cảm xúc, cảm hứng mãnh liệt tràn lên trên con chữ. Nghe tưởng chừng đơn giản nhưng đây thực sự là một quá trình vô cùng cực khổ, gian nan, đòi hỏi biết bao tài năng nghệ thuật. Vừa là phản ánh cuộc sống một cách chân thực, vừa chắt lọc ngôn từ cho đến tác động vào tâm hồn độc giả, anh phải như con ong cần mẫn hút nhụy trên những bông hoa tượng đẹp, phải có một trái tim đủ nhạy cảm, một tấm lòng đủ bao dung và một suy nghĩ đủ tỉnh táo để sẵn sàng yêu thương, đồng cảm cùng những tấm thân nhỏ bé. Anh phải đánh đổi thời gian, sức lực, chấp nhận hi sinh vì nghệ thuật mà đặc biệt là hiểu được đứa con của mình sinh ra để làm gì, ốn dĩ ranh giới giữa tồn và vong, tỏa sáng hay bị quên lãng sẽ vô cùng mong manh. Những biến thiên của kiếp nhân sinh cần lắm đến những người nghệ sĩ, những người thực sự thấu hiểu cõi nhân gian này. Bên cạnh đó, bạn đọc cũng cần mở rộng hồn mình, đón nhận những tinh hoa nghệ thuật bằng cả trái tim và tâm trí của mình. Ta hãy qua hết cuộc đời thường nhật, lắng nghe âm thanh sâu thẳm nhất của văn chương, là kẻ say chẳng màng thế sự, đắm chìm trong vị rượu của thơ ca. Để rồi ta có cái nhìn đúng đắn nhất, sự công nhận của độc giả chính là món quà lớn lao dành tặng cho những người vốn suốt đời đi theo duyên bút mực. Văn học vốn nặng nợ thế gian, chỉ mong suốt một đời, ta có nó bên cạnh đồng hành và yêu thương

Tôi yêu văn chương, yêu từng con chữ, từng lời văn đã đến bên cuộc đời tôi, tỏa sáng giữa hàng ngàn vì sao khác nhau. Và tôi cũng tin một ngày nào đó, những con người đang còn có suy nghĩ không đúng về văn chương sẽ phải thực sự có cái nhìn khác, phải yêu lấy văn học như cách tôi đang yêu và trân trọng nó. Thật lòng cảm ơn những người làm văn đi trước, cảm ơn vì đã truyền ngọn lửa nhiệt huyết và đam mê với văn học vào trong trái tim tôi, để rồi lúc nào trái tim tôi cũng bập bùng vì hai tiếng thiêng liêng “văn học” Hoài Thanh đã có cái nhìn thật đúng đắn, sáng suốt vô cùng “Văn chương không chỉ là ngôn từ mà tác giả gửi gắm vào đó nỗi niềm cũng như hiện thực cuộc sống mà còn ẩn chứa việc xây đắp tâm hồn con người”



Bùi Yến Nhi


 
  • Like
Reactions: An Thuyen
968
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top