Baivanhay Vẻ đẹp về hình tượng người lính Tây Tiến hào hùng, lãng mạn nhưng không mất đi vẻ bi tráng, sáng ngời lí tưởng thời đại

Baivanhay Vẻ đẹp về hình tượng người lính Tây Tiến hào hùng, lãng mạn nhưng không mất đi vẻ bi tráng, sáng ngời lí tưởng thời đại

"Tạo dựng chân dung người lính đẹp một cách bi tráng và hào hoa như vậy, Quang Dũng đứng riêng biệt ra một lối khác người. Bản thân tác giả cũng trong đội hình những người lính đó. Tâm hồn tác giả hòa vào gương mặt tâm hồn những người lính trong thơ, để làm nên một kiểu chân dung người lính mang cốt cách nghệ sĩ: không chỉ giỏi chiến trận mà còn có năng lực phát hiện và yêu mến cái đẹp trong môi trường sống của mình." Đây là những lời nhận định của Chu Văn Sơn về tài hoa của Quang Dũng cùng sự ra đời của kiệt tác mang tên Tây Tiến. Bài thơ đã khắc họa vẻ đẹp về hình tượng người lính Tây Tiến hào hùng, lãng mạn nhưng không mất đi vẻ bi tráng, sáng ngời lí tưởng thời đại.

Xanh dương và Xanh mòng két Màu chuyển tiếp Công nghệ và Chơi trò chơi Dịch vụ Trang web (14).png


Đề: Em hãy làm rõ nhận định: "Vẻ đẹp về hình tượng người lính Tây Tiến hào hùng, lãng mạn nhưng không mất đi vẻ bi tráng, sáng ngời lí tưởng thời đại".

DÀN Ý

Mở bài:

- Trích dẫn: "Tạo dựng chân dung người lính đẹp một cách bi tráng và hào hoa như vậy, Quang Dũng đứng riêng biệt ra một lối khác người. Bản thân tác giả cũng trong đội hình những người lính đó. Tâm hồn tác giả hòa vào gương mặt tâm hồn những người lính trong thơ, để làm nên một kiểu chân dung người lính mang cốt cách nghệ sĩ: không chỉ giỏi chiến trận mà còn có năng lực phát hiện và yêu mến cái đẹp trong môi trường sống của mình." – Chu Văn Sơn.

- Vấn đề nghị luận: Vẻ đẹp về hình tượng người lính Tây Tiến hào hùng, lãng mạn nhưng không mất đi vẻ bi tráng, sáng ngời lí tưởng thời đại.

Thân bài:

- Giới thiệu hoàn cảnh ra đời của Tây Tiến:

+ Bài thơ Tây Tiến được viết ở Phù Lưu Chanh (Hà Tây) cuối năm 1948, Lúc Quang Dũng rời xa đơn vị chưa lâu;

+ Bài thơ ban đầu có tên là Nhớ Tây Tiến, sau đổi lại là Tây Tiến.

- Phân tích vẻ đẹp hình tượng người lính Tây Tiến:

+ Vẻ đẹp hào hùng, lãng mạn:

. Vẻ đẹp lãng mạn thể hiện trên những phương diện: cái tôi trữ tình tràn đầy tình cảm, cảm xúc, phát huy cao độ trí tưởng tượng, sử dụng những yếu tố cường điệu, thủ pháp đối lập để tô đậm cái phi thường, tạo nên ấn tượng mạnh mẽ về cái hào hùng.

. Vẻ đẹp lãng mạn thể hiện ở cảm hứng hướng tới cái cao cả, sẵn sàng hi sinh cho lí tưởng chung của dân tộc, thể hiện ở vẻ đẹp tâm hồn hào hoa, thơ mộng.

+ Vẻ đẹp bi tráng, sáng ngời lý tưởng thời đại:

. Cái bi là sự gian khổ, hi sinh. Cái tráng là sự hào hùng, tráng lệ. Chất bi tráng của một hình tượng nghệ thuật là vẻ đẹp vừa có tính chất buồn thảm làm não lòng người vừa có tính chất hùng tráng, mạnh mẽ gây ấn tượng.

. Chất bi tráng hoà quyện vào nhau, sự gian khổ, hi sinh được thể hiện qua màu sắc hào hùng, tráng lệ, bi mà không luỵ.

Kết bài:

- Khẳng định lại vấn đề nghị luận: Vẻ đẹp về hình tượng người lính Tây Tiến chẳng những hào hùng, lãng mạn mà còn bi tráng, sáng ngời lí tưởng thời đại.



BÀI VĂN MẪU

"Tạo dựng chân dung người lính đẹp một cách bi tráng và hào hoa như vậy, Quang Dũng đứng riêng biệt ra một lối khác người. Bản thân tác giả cũng trong đội hình những người lính đó. Tâm hồn tác giả hòa vào gương mặt tâm hồn những người lính trong thơ, để làm nên một kiểu chân dung người lính mang cốt cách nghệ sĩ: không chỉ giỏi chiến trận mà còn có năng lực phát hiện và yêu mến cái đẹp trong môi trường sống của mình." Đây là những lời nhận định của Chu Văn Sơn về tài hoa của Quang Dũng cũng sự ra đời của kiệt tác mang tên Tây Tiến. Bài thơ đã khắc họa vẻ đẹp về hình tượng người lính Tây Tiến hào hùng, lãng mạn nhưng không mất đi vẻ bi tráng, sáng ngời lí tưởng thời đại.

Bài thơ Tây Tiến được viết ở Phù Lưu Chanh (Hà Tây) cuối năm 1948, lúc Quang Dũng rời xa đơn vị chưa lâu, Bài thơ ban đầu có tên là Nhớ Tây Tiến, sau đổi lại là Tây Tiến. Qua nỗi nhớ cảnh vật và con người Tây Tiến, bài thơ bày tỏ niềm ngưỡng mộ những người lính trong kháng chiến chống Pháp và ngợi ca một thời gian khổ mà anh hùng trong lịch sử dân tộc.

Để khắc họa chân dung người lính, Quang Dũng đã sử dụng những chi tiết, hình ảnh thực của đoàn quân Tây Tiến nhưng những hình ảnh đó lại được diễn tả bằng bút pháp lãng mạn để tô đậm cái phi thường tài hoa, đem đến cho người đọc một vẻ đẹp độc đáo hiếm có của người lính trong một thời kì lịch sử.

Hình tượng tập thể những người lính Tây Tiến được xây dựng bằng bút pháp lãng mạn với khuynh hướng tô đậm những cái phi thường, sử dụng triệt để thủ pháp đối lập để tác động mạnh vào cảm quan người đọc, kích thích trí tưởng tượng phong phú của người đọc. Đến đoạn thơ thứ ba, hình ảnh những người lính Tây Tiến trực tiếp xuất hiện với một vẻ đẹp độc đáo và kì lạ:


“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,

Quân xanh màu lá dữ oai hùm.

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.

Quang Dũng đã chọn lọc những nét tiêu biểu nhất của những người lính Tây Tiến để tạc nên bức tượng đài tập thể, khái quát những gương mặt chung của cả đoàn quân. Qua ngòi bút của ông, những người lính Tây Tiến hiện ra đầy oai phong và dữ dội khác thường. Thực tế gian khổ thiếu thốn đã làm cho người lính da dẻ xanh xao, sốt rét làm họ trụi cả tóc. Quang Dũng không hề che giấu những sự thật tàn khốc đó. Song, cái nhìn lãng mạn của ông đã thấy họ ốm mà không yếu, đã nhìn thấy bên trong cái hình hài tiều tụy của họ chứa đựng một sức mạnh phi thường. Và ngòi bút lãng mạn, ông đã biến họ thành những bức chân dung lẫm liệt, oai hùng. Cái vẻ xanh xao vì đói khát, vì sốt rét của những người lính, qua cái nhìn của ông, vẫn toát lên cái oai phong của những con hổ nơi rừng thiêng.

Vẻ oai phong, lẫm liệt ấy còn được thể hiện qua ánh mắt giận dữ (mắt trừng gửi mộng) của họ. Cái nhìn nhiều chiều của Quang Dũng đã giúp ông nhìn thấy xuyên qua vẻ oai hùng, dữ dằn bề ngoài của những người lính Tây Tiến là những tâm hồn còn rất trẻ, những trái tim rạo rực, khao khát yêu đương (Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm). Như vậy, trong bốn câu thơ trên, Quang Dũng đã tạc nên bức tượng đài tập thể những người lính Tây Tiến không chỉ bằng những đường nét khắc họa dáng vẻ bề ngoài mà còn thể hiện được cả thế giới tâm hồn bên trong đầy mộng mơ của họ.

Khi viết về những người lính Tây Tiến, Quang Dũng đã nói tới cái chết, sự hi sinh nhưng không gây cảm giác bi lụy, tang thương. Cảm hứng lãng mạn đã khiến ngòi bút ông nói nhiều tới cái buồn, cái chết như là những chất liệu thẩm mĩ tạo nên cái đẹp mang chất bi hùng:


“Rải rác biên cương mồ viễn xứ,

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.

Áo bào thay chiếu, anh về đất,

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.

Khi miêu tả những người lính Tây Tiến, ngòi bút của Quang Dũng không hề nhấn chìm người đọc vào cái bi thương, bi lụy. Cảm hứng của ông mỗi khi chìm vào cái bi thương lại được nâng đỡ bằng đôi cánh của lí tưởng, của tinh thần lãng mạn. Chính vì vậy mà hình ảnh những nấm mồ chiến sĩ rải rác nơi rừng hoang biên giới xa xôi đã bị mờ đi trước lí tưởng quên mình vì Tổ quốc của người lính Tây Tiến. Sự thật bi thảm: những người lính Tây Tiến gục ngã bên đường không có đến cả mảnh chiếu che thân, qua cái nhìn của nhà thơ, lại được bọc trong những tấm áo bào sang trọng. Và rồi, cái bi thương ấy bị át hẳn đi trong tiếng gầm thét dữ dội của dòng sông Mã: “Áo bào thay chiếu anh về đất/Sông Mã gầm lên khúc độc hành. Cái chết, sự hi sinh của những người lính Tây Tiến được nhà thơ miêu tả thật trang trọng. Cái chết ấy đã tạo được sự cảm thương sâu sắc ở thiên nhiên. Dòng sông Mã đã trân trọng đưa tiễn linh hồn người lính bằng cách tấu lên khúc nhạc trầm hùng. Như vậy, hình ảnh những người lính Tây Tiến trong 4 câu cuối thấm đẫm tính chất bi tráng, chói ngời vẻ đẹp lí tưởng, mang dáng vẻ của những anh hùng chinh phu thuở xưa một đi không trở lại.

Dưới ngòi bút hào hoa của Quang Dũng về hình ảnh người lính Tây Tiến chẳng những hào hùng, lãng mạn mà còn bi tráng, sáng ngời lí tưởng thời đại. Qua đây, ta càng thêm yêu hơn những con người đã hy sinh vì quê hương đất nước. Hình tượng các anh vẫn mãi sống trong lớp lớp thế hệ hôm nay và mai sau.

Các bạn có thể xem thêm các bài viết cùng chủ đề: TẠI ĐÂY
 
Từ khóa
bài thơ tây tiến quang dũng tây tiến
  • Like
Reactions: Vanhoctre
740
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top