Vì sao tên truyện ngắn là "Hai đứa trẻ" mà không phải là "Hai chị em"?

Vì sao tên truyện ngắn là "Hai đứa trẻ" mà không phải là "Hai chị em"?

Quả thật, đọc toàn bộ văn bản truyện ngắn, duy nhất một lần, Thạch Lam viết cụm danh từ “hai đứa trẻ” (ngoại trừ một lần khác, ông gọi mấy đứa trẻ, nhưng để chỉ lũ trẻ nhặt rác ngoài sân chợ). Còn lại, ông toàn dùng các cụm danh từ khác để gọi hai nhân vật chính của truyện: hai chị em (14 lần); chị em Liên (03 lần); An và Liên (03 lần); Liên và em (01 lần)…

Nếu luận lí một cách thông thường và nông nổi, căn cứ vào tần suất xuất hiện cụm từ hai chị em, diễn biến cốt truyện, sự phát triển tính cách chủ đạo của nhân vật, lối xưng hô mọi người dành cho Liên…, tên truyện ngắn phải là Hai chị em mới có vẻ phù hợp và sát thực. Vậy vì sao Thạch Lam lại đặt tên truyện ngắn của mình là Hai đứa trẻ?

Vì sao tên truyện ngắn là Hai đứa trẻ mà không phải là Hai chị em.png

BÀI VIẾT: VÌ SAO TÊN TRUYỆN NGẮN LÀ “HAI ĐỨA TRẺ” MÀ KHÔNG LÀ “HAI CHỊ EM”?

Lí giải điều này không dễ chút nào, nếu suy diễn và áp đặt một cách vu vơ, thiếu căn cứ, hóa ra chúng ta làm hại Thạch Lam hơn là tôn vinh ông! Nhưng đây là một hiện tượng đặc biệt, chắc chắn ám ảnh ít nhiều tín hiệu nghệ thuật nào đó, nên cần tìm hiểu đôi chút, những mong sẽ khám phá được điều gì?

Nhân vật An, đích thực 100% là đứa trẻ, thôi không bàn. Riêng nhân vật Liên, có thật là một trong hai đứa trẻ không, cần thiết phải xem xét. Trước hết, ngay với Thạch Lam, trong thẳm sâu cảm xúc nghệ thuật và ý tưởng sắp xếp câu chuyện, nhân vật, tình tiết… dường như về mặt hình thức, ông coi Liên là một người lớn đúng nghĩa. Bằng chứng là trong toàn bộ văn bản, ông đều gọi Liên hoặc bằng tên hoặc bằng danh từ chị một cách trân trọng, nâng niu. Ở nhiều tình tiết cốt truyện, Liên xuất hiện chững chạc và có chiều sâu của một người lớn. Mở đầu tác phẩm, Liên không thể là một đứa trẻ khi không hiểu sao… thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn. Chỉ có thể là suy tư của một người lớn khi Liên mải ngồi nhìn phố quên mất lời mẹ dặn đóng cửa hàng lúc có trống thu không, bởi mẹ đã coi Liên là người đáng tin, giao cho Liên trông coi cửa hàng. Bản thân Liên cũng tỏ ra chị là người con gái lớn và đảm đang. Cõitâm hồn Liên yên tĩnh hẳn, có những cảm giác mơ hồ không hiểu, trước đêm và thiên nhiên bí ẩn, hoàn toàn là tâm hồn của một người lớn… Rồi lối xưng hô của mọi người với Liên cũng là lối xưng hô với một người đồng đẳng: chị Tí gọi Liên bằng cô (như gọi em gái chồng), cụ Thi gọi Liên bằng cô bé (như gọi một thiếu nữ thành niên) hoặc em (như gọi một người em, tự xưng chị)… Nghĩa là, nói chung mọi thứ liên quan đến nhân vật Liên trong truyện ngắn này, khiến độc giả có rất ít khả năng cảm nhận nhân vật này như là một đứa trẻ, nếu chưa đọc đoạn kết với tư cách đồng sáng tạo và không đọc đi đọc lại nhiều lần để tìm ra ý tưởng sâu xa mà Thạch Lam gửi gắm ở đây cũng như nơi tên tác phẩm.

Rõ ràng, Thạch Lam có dụng ý nghệ thuật khi đặt tên truyện là Hai đứa trẻ mà không phải là Hai chị em. Thứ nhất, Hai chị em không khu biệt một cách rõ rành độ tuổi vị thành niên của hai nhân vật chính như Hai đứa trẻ - điều mà Thạch Lam muốn đụng đến và gửi gắm ý tưởng sâu xa vào đây. Dù tác giả vẫn chỉ gọi nhân vật Liên như một người lớn nhưng trong thẳm sâu trái tim ông, ông luôn muốn Liên vẫn mãi là một đứa trẻ.

Vì sao vậy? Bởi vì, chỉ có thể là đứa trẻ thì nhân vật Liên (cùng An) với tâm hồn trong trắng, giàu khát khao vươn tới những gì mới mẻ, sáng sủa mới có thể tương phản hoàn toàn với thế giới cũ mòn, già nua, tối tăm nơi phố chợ về đêm ấy. Chỉ có thể là đứa trẻ thì nhân vật Liên (cùng An) mới có thể tạo ra sự thương xót, cảm thông sâu sắc nơi tác giả cũng như từ độc giả về cảnh sống thanh bình một cách cực nhọc, yên hàn một cách buồn bã và quẩn quanh, lặng lẽ của một lớp tuổi thơ nông thôn thời ấy. Cho nên, ở đoạn sau của truyện ngắn, thực ra việc chờ đoàn tàu có lẽ chủ yếu chỉ dành cho nhân vật An thì cuối cùng, tác giả cũng phải đưa cả nhân vật Liên vào bằng một hành động mạnh mẽ: Liên dắt em đứng dậy để nhìn đoàn xe vụt qua. Có thể nói, đây là bóng dáng đứa trẻ ấn tượng nhất của nhân vật Liên mà Thạch Lam dựng nên trong tác phẩm này. Nhân đây, một lần nữa, ta nhận ra qui luật vĩnh cửu của tâm hồn con người: trongmột người lớn bao giờ cũng có một đứa trẻ tồn tại với những ước mơ hồn nhiên, trong sáng, thiêng liêng. Và cái ranh giới người lớn - đứa trẻ thường khi rất mong manh, khó phân định, nhất là ở độ tuổi vị thành niên, dậy thì…

Có thể thấy rõ tài dụng quân của Thạch Lam ở truyện ngắn này qua mấy điều ghi ra ở trên. Cả tác phẩm, hai nhân vật chính hầu hết được gọi là hai chị em, chị em Liên, An và Liên, Liên và em… nhưng tên truyện ngắn phải cứ là Hai đứa trẻ. Bởi vì, ở đây tác giả không chủ ý nêu cao chủ đề tình cảm con người (tình cảm chị em) mà là tập trung vào ý tưởng mô tả chân dung thời cuộc (đời sống thấm đẫm màu sắc bi kịch của con người, nhất là lớp trẻ thơ). Lí luận văn học một thời gọi tên tác phẩm chính là chủ đề, đại ý hay gợi ý của toàn tác phẩm là vậy!

Thông số ngữ dụng học khiến không ít người ám ảnh và nhầm lẫn, đọc là Hai chị em. Xét kĩ mới thấy quả là siêu phàm khi nhà văn đặt tên truyện ngắn này là Hai đứa trẻ.

Nhà văn Thai Sắc
Xem thêm bài viết liên quan:
Nhận định hay về truyện ngắn Hai đứa trẻ
Chi tiết nghệ thuật tạo nên thành công của "Hai đứa trẻ"
 
Từ khóa
dụng ý nghệ thuật khi đặt tên truyện mà không phải là hai chị em nhà văn thai sắc nhân vật liên tâm hồn trong trắng vì sao tên truyện ngắn là hai đứa trẻ
1K
2
2

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top