Tôi ở quê nội đã được hơn ba tháng.
Đây là khoảng thời gian “về quê” dài nhất của tôi, và dự là con số sẽ không chỉ dừng lại ở ba tháng. Bởi vì lần này, tôi không về chỉ để chơi.
Trên thành phố, ba tôi làm ăn thua lỗ. Theo như ba nói, ông ấy sẽ phải làm lại từ đầu, và trong thời gian đó, tôi nên về quê ở chung với nội và chú thím Ba để tiện cho việc học hành, vì hẳn là ba sẽ bận rộn đến mức không có thời gian để mà ngó ngàng đến tôi.
Tôi không phản đối quyết định này, dù cho việc phải thích nghi với một môi trường hoàn toàn mới vào năm học quan trọng như lớp Mười Hai là chẳng hề dễ dàng một chút nào.
Nhưng ba tháng trôi qua, và tôi đã làm được điều đó.
Hiện tại đã là tháng Mười Hai. Không khí cuối năm lan toả khắp xóm nhỏ. Mỗi sáng tôi đi học, mưa rơi rả rích đi kèm với cái lạnh thấu xương khiến tôi run cầm cập. Tới lớp, hai tay tôi đã cứng như đá, mãi mới có thể cầm bút viết ra được một dòng chữ trông mềm mại hơn.
Nếu ở trong xóm, các cô các bác hay hè nhau bàn chuyện cuối năm, tính toán ngày làm mâm cỗ tất niên để có được đông đủ bà con chung vui thì ở trên lớp, tụi bạn tôi cứ hễ rảnh rỗi là lại đếm ngược tới ngày được nghỉ tết.
Thằng Mây là người nói nhiều nhất về vấn đề này. Sau mỗi tiết học căng thẳng, trống hết tiết vừa đánh là nó lại ném bút sang một bên, nằm vật ra bàn than thở.
“Sao còn chưa tới tết nữa?”
Rồi nó quay sang thằng Dương ngồi bên cạnh, tiếp tục hỏi.
“Ê Dương, còn mấy ngày nữa là được nghỉ tết vậy?”
Thằng Dương đã quá quen với cái tính hay than thở của bạn cùng bàn. Nó không trả lời câu hỏi của thằng Mây, chỉ tốt bụng nhắc nhở.
“Tới tiết Anh Văn rồi kìa. Có kiểm tra mười lăm phút đó.”
“Sao phải lo chứ?”, thằng Mây cười hề hề, với tay lên chọt chọt vai tôi, “Chẳng phải có Yên lo hết rồi à? Đúng không Yên?”
Ở bàn trên, tôi quay xuống, làm bộ nghiêm túc.
“Giúp bạn trong giờ kiểm tra chính là hại bạn.”
“Tui tình nguyện bị hại.”
“…”
Thằng Khôi ngồi bên cạnh tôi không nói gì, chỉ cười góp vui.
Có thể nói, tôi thích nghi được với ngôi trường mới và lớp học mới này phần lớn là nhờ Khôi, Dương và Mây.
Lúc mới chuyển tới, trong lớp có nhiều thủ tục tôi không biết, thằng Khôi là người giúp tôi hoàn tất từng cái một. Còn Mây ngồi sau tôi là một đứa nhanh miệng nhưng tốt bụng. Chính nó dẫn dắt tôi trò chuyện với những người bạn khác ở trong lớp, trong đó có thằng Dương ngồi bên cạnh nó. Dương thuộc tuýp người ít nói, nhưng kì lạ, nó lại là đứa thân thiết nhất với thằng Mây, và cũng chịu đựng được cái tính dở dở ương ương của thằng Mây rất giỏi.
Thằng Mây có làm loạn kiểu gì, thằng Dương cũng sẽ tiết chế nó lại được.
Khôi là người phương Bắc, nhưng nó ở đây từ nhỏ. Lúc mới gặp, tôi có chút ngạc nhiên khi nghe được giọng miền Bắc ở quê nội mình. Thằng Khôi có chất giọng trầm rất hay, nó nói tiếng Hà Nội nghe lại càng êm tai hơn. Mỗi lần lớp hay nhà trường có sự kiện, MC Khôi luôn luôn được săn đón.
Bốn người chúng tôi không hẹn mà trở nên thân thiết. Những buổi chiều trong tuần, chúng tôi thường hẹn nhau học bài chung ở nhà tôi, vì giờ đó chú và thím Ba đi làm hết rồi, trong nhà chỉ có nội và tôi, thoạt nhìn vắng vẻ.
Từ khi có ba đứa nó tới học cùng mỗi chiều, tôi cũng sớm quên đi cái cảm giác trống trải đó rồi.
Những ngày cuối năm này, chúng tôi vẫn học cùng nhau, nhưng không khí bỗng nhiên chậm lại. Có lẽ là vì những thăng trầm trong năm đã sắp đi tới chặng cuối của nó, chúng tôi cũng trở nên đầy ưu tư và hoài niệm. Giữa buổi học, chúng tôi dừng bút, tự nhiên nhắc nhau ôn lại những chuyện đã qua.
Tôi để tóc ngắn, thoạt nhìn không khác kiểu tóc thằng Mây là mấy. Lúc mới chuyển tới, chưa kịp may áo dài để mặc, tôi được nhà trường đặc cách mặc áo sơ mi - quần tây một tuần. Và trong một tuần đó, đã không ít lần tôi bị người khác nhận nhầm là con trai, đặc biệt là các giáo viên có tuổi.
Có lần, trong giờ chào cờ, tôi bị thầy tổng phụ trách nhìn thành con trai. Thầy đến nhờ tôi vào bưng bê bàn ghế để sắp xếp cho buổi chào cờ. Lúc đó tôi rất bối rối, suýt thì đứng lên đi theo thầy, nhưng thằng Khôi đứng phía sau tôi nghe được chuyện liền đi lên vỗ vai bảo tôi ngồi lại, rồi nó đi thay tôi.
Những chuyện được nhắc lại đều là những chuyện linh tinh nhỏ nhặt, nhưng đoán chừng với mỗi người trong chúng tôi, nó đều mang những ý nghĩa, những xúc cảm khác nhau.
Mấy ngày trước, tôi tìm thấy trong phòng cũ của ba một cuốn sổ tay nhỏ với những trang giấy đã ố vàng, mà trên những trang giấy đó là những bài thơ không rõ tác giả được viết bằng nét chữ rất mềm mại. Bà nội bảo, đó là cuốn sổ của mẹ tôi.
Mẹ tôi mất từ khi tôi còn bé xíu, cho nên tôi không nhớ được mặt mẹ, chỉ có thể nhìn mẹ qua ảnh. Khi nghe ai đó nhắc đến mẹ, trong lòng tôi dâng lên cảm giác bồi hồi. Không hẳn là buồn bã hay nhớ nhung, chỉ đơn giản là xao xuyến.
Từ hôm đó, tôi vẫn luôn giữ khư khư cuốn sổ của mẹ ở bên mình.
Hiện tại, tôi soạn lại sách vở trên bàn thì vô tình làm rơi cuốn sổ xuống đất. Thằng Khôi nhặt lên giúp tôi, thuận miệng hỏi đây là sổ gì.
Tôi đột nhiên nảy ra ý tưởng hay, liền lật ra một trang trong cuốn sổ, bảo thằng Khôi đọc lên thành tiếng cho cả bọn cùng nghe.
Giọng thằng Khôi hay, đọc thơ nghe cũng êm tai.
Có cơn gió
Vờn trong mái tóc em
Hong khô lem nhem
Vương trên hàng mi mắt
Mùa thu trong vắt
Em cài nút áo len
Và gạt đi những lăn tăn
Em từng giấu kĩ
Qua hạ đỏ, xuân thì
Nhưng mùa thu
Là mùa để quên đi
Và là mùa ủ tâm hồn thật kĩ
Vì sau lưng nó
Là chàng đông lạnh lẽo, lầm lì
Chàng sẽ nhắc em nhớ về chia li
Và tô đậm nỗi cô đơn
Của những người đang lớn
Của người lớn
Và những người chưa lớn bao giờ
Vô hình trung, ta đều đang chờ
Nàng xuân trở về
Sau màn mưa lất phất
Để biết rằng
Ta chưa từng thật sự đánh mất
Bởi tất cả trên đời
Đều xoay vòng
Như cái cách mà bốn mùa trôi
Dù đôi khi vòng xoay không êm
Như là ta mong đợi
Ta vẫn đong nhiều thìa hi vọng
Để nêm cho đời
Và nhìn lên bầu trời
Cảm ơn rằng hôm nay ta được sống.
Thằng Khôi đọc xong, ba đứa chúng tôi liền vỗ tay rần rần khen hay.
Sau khi học xong, chúng tôi rủ nhau đúc bánh xèo. Ở quê nội, mỗi khi trời mưa lạnh, mọi người sẽ tụ tập lại đúc bánh xèo ăn. Những chiếc bánh xèo nóng hổi, giòn rụm, ăn kèm với rau sống và nước mắm chua ngọt đã trở thành món ăn gắn liền với mùa đông ở đây. Càng nhiều người ăn, căn nhà càng giòn giã những tiếng cười.
Tôi không rành việc nấu nướng. Ở đây, người đứng bếp chính lại là thằng Khôi. Tôi đứng bên cạnh nhìn nó đúc bánh xèo cực kì điệu nghệ, không khỏi cảm thán.
“Sao cái gì ông cũng biết làm hết vậy?”
“Tôi đâu biết làm thơ.”
Chắc thằng Khôi muốn nói về cuốn sổ thơ mà tôi đưa nó đọc lúc nãy.
“Cuốn sổ đó là của mẹ tôi mà.”
“Nhưng bài thơ tôi đọc được viết bằng chữ của Yên, đúng không?”
“…”
Tôi không nghĩ rằng thằng Khôi lại phát hiện ra được. Bài thơ tôi đưa nó đọc là tôi viết thêm vào, sau rất nhiều đên tôi nghiền ngẫm cuốn sổ thơ quý giá mà mẹ tôi để lại.
Tôi chưa từng sáng tác thơ ca, nhưng tôi vẫn muốn thử một lần, vì với tôi, viết thơ giống như một cách để tạo nên mối liên kết giữa tôi và mẹ.
“Chắc là Yên giống mẹ Yên.”
Thằng Khôi nói tiếp, trong khi tôi đang ngẩn người ra.
“Vì Yên cũng làm thơ hay lắm.”
Tôi cúi đầu, không ngăn được mình mỉm cười.
Thằng Mây từ nhà trên đột nhiên nhảy vào bếp, đòi đúc thử bánh xèo. Kết quả, nó làm dầu và bột bắn tứ tung, thằng Dương phải đi tới túm nó ra, kiếm khăn giúp nó lau vết bột bám đầy áo, bám cả lên mặt.
Tôi vốn cũng định đúc bánh xèo thử một lần, nhưng nhìn thằng Mây làm xong, tôi đã kịp từ bỏ ý định ban đầu.
Rốt cuộc, chầu bánh xèo của chúng tôi từ đầu đến cuối là do thằng Khôi và thằng Dương thay nhau đúc.
Lúc cùng nhau ngồi ăn, nội tôi chợt nhắc đến ba. Chẳng còn mấy ngày nữa là hết năm. Tuy rằng với người Việt, Tết Tây không quan trọng như Tết Âm Lịch, nhưng nội vẫn mong gia đình được sum vầy.
Tôi đã đoán trước được ba sẽ không về. Với ông, lễ tết còn chẳng quan trọng bằng công việc.
Nhưng dù biết vậy, trong lòng tôi vẫn không khỏi mong chờ.
Thế nên khi nghe thấy tiếng xe đỗ xịch trước sân nhà, rồi ba tôi tay xách nách mang những quà và hành lí bước vào trong nhà, mắt tôi cũng ươn ướt. Miếng bánh tráng trên tay bị tôi nắm chặt, trở nên nhàu nhĩ đến mức đáng thương.
Trong đầu tôi như có một thước phim đang tua chậm, tái hiện tất cả những điều mà tôi đã trải qua trong năm nay, vui có, buồn có, mà vỡ oà cũng có. Cuối cùng, thứ đọng lại duy nhất trong tôi giờ phút này chỉ có gia đình, và bạn bè.
Ngày cuối năm cứ chậm rãi trôi, khiến tôi nhận ra rằng mình đã đúng, rằng ta chưa từng thật sự mất đi thứ gì cả, bởi vì mọi sự trên đời đều xoay vòng, như cái cách mà bốn mùa trôi.
Và tất cả chúng ta ở nơi đây, nghênh đón nàng xuân chậm rãi tới.
Thằng Khôi ở bên cạnh chợt khẽ nói vào tai tôi.
“Mừng Yên, năm mới đầu tiên ở nơi này.”
Cuộc thi viết “Mùa Tết” Văn Học Trẻ 2023
Chủ đề 2: Chậm
Truyện ngắn ‘Xoay vòng’
Tác giả: Nguyên Vương
Đây là khoảng thời gian “về quê” dài nhất của tôi, và dự là con số sẽ không chỉ dừng lại ở ba tháng. Bởi vì lần này, tôi không về chỉ để chơi.
Trên thành phố, ba tôi làm ăn thua lỗ. Theo như ba nói, ông ấy sẽ phải làm lại từ đầu, và trong thời gian đó, tôi nên về quê ở chung với nội và chú thím Ba để tiện cho việc học hành, vì hẳn là ba sẽ bận rộn đến mức không có thời gian để mà ngó ngàng đến tôi.
Tôi không phản đối quyết định này, dù cho việc phải thích nghi với một môi trường hoàn toàn mới vào năm học quan trọng như lớp Mười Hai là chẳng hề dễ dàng một chút nào.
Nhưng ba tháng trôi qua, và tôi đã làm được điều đó.
Hiện tại đã là tháng Mười Hai. Không khí cuối năm lan toả khắp xóm nhỏ. Mỗi sáng tôi đi học, mưa rơi rả rích đi kèm với cái lạnh thấu xương khiến tôi run cầm cập. Tới lớp, hai tay tôi đã cứng như đá, mãi mới có thể cầm bút viết ra được một dòng chữ trông mềm mại hơn.
Nếu ở trong xóm, các cô các bác hay hè nhau bàn chuyện cuối năm, tính toán ngày làm mâm cỗ tất niên để có được đông đủ bà con chung vui thì ở trên lớp, tụi bạn tôi cứ hễ rảnh rỗi là lại đếm ngược tới ngày được nghỉ tết.
Thằng Mây là người nói nhiều nhất về vấn đề này. Sau mỗi tiết học căng thẳng, trống hết tiết vừa đánh là nó lại ném bút sang một bên, nằm vật ra bàn than thở.
“Sao còn chưa tới tết nữa?”
Rồi nó quay sang thằng Dương ngồi bên cạnh, tiếp tục hỏi.
“Ê Dương, còn mấy ngày nữa là được nghỉ tết vậy?”
Thằng Dương đã quá quen với cái tính hay than thở của bạn cùng bàn. Nó không trả lời câu hỏi của thằng Mây, chỉ tốt bụng nhắc nhở.
“Tới tiết Anh Văn rồi kìa. Có kiểm tra mười lăm phút đó.”
“Sao phải lo chứ?”, thằng Mây cười hề hề, với tay lên chọt chọt vai tôi, “Chẳng phải có Yên lo hết rồi à? Đúng không Yên?”
Ở bàn trên, tôi quay xuống, làm bộ nghiêm túc.
“Giúp bạn trong giờ kiểm tra chính là hại bạn.”
“Tui tình nguyện bị hại.”
“…”
Thằng Khôi ngồi bên cạnh tôi không nói gì, chỉ cười góp vui.
Có thể nói, tôi thích nghi được với ngôi trường mới và lớp học mới này phần lớn là nhờ Khôi, Dương và Mây.
Lúc mới chuyển tới, trong lớp có nhiều thủ tục tôi không biết, thằng Khôi là người giúp tôi hoàn tất từng cái một. Còn Mây ngồi sau tôi là một đứa nhanh miệng nhưng tốt bụng. Chính nó dẫn dắt tôi trò chuyện với những người bạn khác ở trong lớp, trong đó có thằng Dương ngồi bên cạnh nó. Dương thuộc tuýp người ít nói, nhưng kì lạ, nó lại là đứa thân thiết nhất với thằng Mây, và cũng chịu đựng được cái tính dở dở ương ương của thằng Mây rất giỏi.
Thằng Mây có làm loạn kiểu gì, thằng Dương cũng sẽ tiết chế nó lại được.
Khôi là người phương Bắc, nhưng nó ở đây từ nhỏ. Lúc mới gặp, tôi có chút ngạc nhiên khi nghe được giọng miền Bắc ở quê nội mình. Thằng Khôi có chất giọng trầm rất hay, nó nói tiếng Hà Nội nghe lại càng êm tai hơn. Mỗi lần lớp hay nhà trường có sự kiện, MC Khôi luôn luôn được săn đón.
Bốn người chúng tôi không hẹn mà trở nên thân thiết. Những buổi chiều trong tuần, chúng tôi thường hẹn nhau học bài chung ở nhà tôi, vì giờ đó chú và thím Ba đi làm hết rồi, trong nhà chỉ có nội và tôi, thoạt nhìn vắng vẻ.
Từ khi có ba đứa nó tới học cùng mỗi chiều, tôi cũng sớm quên đi cái cảm giác trống trải đó rồi.
Những ngày cuối năm này, chúng tôi vẫn học cùng nhau, nhưng không khí bỗng nhiên chậm lại. Có lẽ là vì những thăng trầm trong năm đã sắp đi tới chặng cuối của nó, chúng tôi cũng trở nên đầy ưu tư và hoài niệm. Giữa buổi học, chúng tôi dừng bút, tự nhiên nhắc nhau ôn lại những chuyện đã qua.
Tôi để tóc ngắn, thoạt nhìn không khác kiểu tóc thằng Mây là mấy. Lúc mới chuyển tới, chưa kịp may áo dài để mặc, tôi được nhà trường đặc cách mặc áo sơ mi - quần tây một tuần. Và trong một tuần đó, đã không ít lần tôi bị người khác nhận nhầm là con trai, đặc biệt là các giáo viên có tuổi.
Có lần, trong giờ chào cờ, tôi bị thầy tổng phụ trách nhìn thành con trai. Thầy đến nhờ tôi vào bưng bê bàn ghế để sắp xếp cho buổi chào cờ. Lúc đó tôi rất bối rối, suýt thì đứng lên đi theo thầy, nhưng thằng Khôi đứng phía sau tôi nghe được chuyện liền đi lên vỗ vai bảo tôi ngồi lại, rồi nó đi thay tôi.
Những chuyện được nhắc lại đều là những chuyện linh tinh nhỏ nhặt, nhưng đoán chừng với mỗi người trong chúng tôi, nó đều mang những ý nghĩa, những xúc cảm khác nhau.
Mấy ngày trước, tôi tìm thấy trong phòng cũ của ba một cuốn sổ tay nhỏ với những trang giấy đã ố vàng, mà trên những trang giấy đó là những bài thơ không rõ tác giả được viết bằng nét chữ rất mềm mại. Bà nội bảo, đó là cuốn sổ của mẹ tôi.
Mẹ tôi mất từ khi tôi còn bé xíu, cho nên tôi không nhớ được mặt mẹ, chỉ có thể nhìn mẹ qua ảnh. Khi nghe ai đó nhắc đến mẹ, trong lòng tôi dâng lên cảm giác bồi hồi. Không hẳn là buồn bã hay nhớ nhung, chỉ đơn giản là xao xuyến.
Từ hôm đó, tôi vẫn luôn giữ khư khư cuốn sổ của mẹ ở bên mình.
Hiện tại, tôi soạn lại sách vở trên bàn thì vô tình làm rơi cuốn sổ xuống đất. Thằng Khôi nhặt lên giúp tôi, thuận miệng hỏi đây là sổ gì.
Tôi đột nhiên nảy ra ý tưởng hay, liền lật ra một trang trong cuốn sổ, bảo thằng Khôi đọc lên thành tiếng cho cả bọn cùng nghe.
Giọng thằng Khôi hay, đọc thơ nghe cũng êm tai.
Có cơn gió
Vờn trong mái tóc em
Hong khô lem nhem
Vương trên hàng mi mắt
Mùa thu trong vắt
Em cài nút áo len
Và gạt đi những lăn tăn
Em từng giấu kĩ
Qua hạ đỏ, xuân thì
Nhưng mùa thu
Là mùa để quên đi
Và là mùa ủ tâm hồn thật kĩ
Vì sau lưng nó
Là chàng đông lạnh lẽo, lầm lì
Chàng sẽ nhắc em nhớ về chia li
Và tô đậm nỗi cô đơn
Của những người đang lớn
Của người lớn
Và những người chưa lớn bao giờ
Vô hình trung, ta đều đang chờ
Nàng xuân trở về
Sau màn mưa lất phất
Để biết rằng
Ta chưa từng thật sự đánh mất
Bởi tất cả trên đời
Đều xoay vòng
Như cái cách mà bốn mùa trôi
Dù đôi khi vòng xoay không êm
Như là ta mong đợi
Ta vẫn đong nhiều thìa hi vọng
Để nêm cho đời
Và nhìn lên bầu trời
Cảm ơn rằng hôm nay ta được sống.
Thằng Khôi đọc xong, ba đứa chúng tôi liền vỗ tay rần rần khen hay.
Sau khi học xong, chúng tôi rủ nhau đúc bánh xèo. Ở quê nội, mỗi khi trời mưa lạnh, mọi người sẽ tụ tập lại đúc bánh xèo ăn. Những chiếc bánh xèo nóng hổi, giòn rụm, ăn kèm với rau sống và nước mắm chua ngọt đã trở thành món ăn gắn liền với mùa đông ở đây. Càng nhiều người ăn, căn nhà càng giòn giã những tiếng cười.
Tôi không rành việc nấu nướng. Ở đây, người đứng bếp chính lại là thằng Khôi. Tôi đứng bên cạnh nhìn nó đúc bánh xèo cực kì điệu nghệ, không khỏi cảm thán.
“Sao cái gì ông cũng biết làm hết vậy?”
“Tôi đâu biết làm thơ.”
Chắc thằng Khôi muốn nói về cuốn sổ thơ mà tôi đưa nó đọc lúc nãy.
“Cuốn sổ đó là của mẹ tôi mà.”
“Nhưng bài thơ tôi đọc được viết bằng chữ của Yên, đúng không?”
“…”
Tôi không nghĩ rằng thằng Khôi lại phát hiện ra được. Bài thơ tôi đưa nó đọc là tôi viết thêm vào, sau rất nhiều đên tôi nghiền ngẫm cuốn sổ thơ quý giá mà mẹ tôi để lại.
Tôi chưa từng sáng tác thơ ca, nhưng tôi vẫn muốn thử một lần, vì với tôi, viết thơ giống như một cách để tạo nên mối liên kết giữa tôi và mẹ.
“Chắc là Yên giống mẹ Yên.”
Thằng Khôi nói tiếp, trong khi tôi đang ngẩn người ra.
“Vì Yên cũng làm thơ hay lắm.”
Tôi cúi đầu, không ngăn được mình mỉm cười.
Thằng Mây từ nhà trên đột nhiên nhảy vào bếp, đòi đúc thử bánh xèo. Kết quả, nó làm dầu và bột bắn tứ tung, thằng Dương phải đi tới túm nó ra, kiếm khăn giúp nó lau vết bột bám đầy áo, bám cả lên mặt.
Tôi vốn cũng định đúc bánh xèo thử một lần, nhưng nhìn thằng Mây làm xong, tôi đã kịp từ bỏ ý định ban đầu.
Rốt cuộc, chầu bánh xèo của chúng tôi từ đầu đến cuối là do thằng Khôi và thằng Dương thay nhau đúc.
Lúc cùng nhau ngồi ăn, nội tôi chợt nhắc đến ba. Chẳng còn mấy ngày nữa là hết năm. Tuy rằng với người Việt, Tết Tây không quan trọng như Tết Âm Lịch, nhưng nội vẫn mong gia đình được sum vầy.
Tôi đã đoán trước được ba sẽ không về. Với ông, lễ tết còn chẳng quan trọng bằng công việc.
Nhưng dù biết vậy, trong lòng tôi vẫn không khỏi mong chờ.
Thế nên khi nghe thấy tiếng xe đỗ xịch trước sân nhà, rồi ba tôi tay xách nách mang những quà và hành lí bước vào trong nhà, mắt tôi cũng ươn ướt. Miếng bánh tráng trên tay bị tôi nắm chặt, trở nên nhàu nhĩ đến mức đáng thương.
Trong đầu tôi như có một thước phim đang tua chậm, tái hiện tất cả những điều mà tôi đã trải qua trong năm nay, vui có, buồn có, mà vỡ oà cũng có. Cuối cùng, thứ đọng lại duy nhất trong tôi giờ phút này chỉ có gia đình, và bạn bè.
Ngày cuối năm cứ chậm rãi trôi, khiến tôi nhận ra rằng mình đã đúng, rằng ta chưa từng thật sự mất đi thứ gì cả, bởi vì mọi sự trên đời đều xoay vòng, như cái cách mà bốn mùa trôi.
Và tất cả chúng ta ở nơi đây, nghênh đón nàng xuân chậm rãi tới.
Thằng Khôi ở bên cạnh chợt khẽ nói vào tai tôi.
“Mừng Yên, năm mới đầu tiên ở nơi này.”
Cuộc thi viết “Mùa Tết” Văn Học Trẻ 2023
Chủ đề 2: Chậm
Truyện ngắn ‘Xoay vòng’
Tác giả: Nguyên Vương
Sửa lần cuối: