Hướng dẫn Cách xác định biện pháp tu từ và nêu tác dụng

Hướng dẫn Cách xác định biện pháp tu từ và nêu tác dụng

Triều Anh
Triều Anh
  • Thành viên BQT
  • Người yêu của văn chương ❤️ đến từ Sóc Trăng
bien-phap-tu-tu.jpg

Ảnh: sưu tầm

Đọc - hiểu là phần thi chiếm 3/10 điểm trong đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn. Một trong những câu hỏi thường xuất hiện trong đề thi tốt nghiệp là xác định biện pháp tu từ và nêu tác dụng. Cùng Triều Anh chinh phục dạng câu hỏi hày qua hướng dẫn ôn tập kĩ năng sau:

1. Các biện pháp tu từ ngữ âm:
điệp âm, điệp vần, điệp thanh,… tạo âm hưởng và nhịp điệu cho câu nhằm nhấn mạnh hình ảnh hay biểu đạt những tình cảm, cảm xúc của người viết (nói).
2. Các biện pháp tu từ từ vựng: so sánh, nhân hoá, ẩn dụ, hoán dụ, chơi chữ, nói giảm, nói tránh, nói quá (thậm xưng, phóng đại)…
a. So sánh: So sánh là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho lời văn.
- Phân loại so sánh
+ So sánh ngang bằng: Phép so sánh ngang bằng thường được thể hiện bởi các từ so sánh sau đây: là, như, y như, tựa như, giống như hoặc cặp đại từ bao nhiêu… bấy nhiêu.
Ví dụ: Cao như núi, dài như sông (Tố Hữu)
+ So sánh không ngang bằng: Trong so sánh hơn kém từ so sánh được sử dụng là các từ: hơn, hơn là, kém, kém gì…
Ví dụ: Ngôi nhà sàn dài hơn cả tiếng chiêng.
- Tác dụng
+ Đối với việc miêu tả sự vật, sự việc: tạo ra những hình ảnh cụ thể, sinh động, giúp người nghe dễ hình dung về sự vật, sự việc được miêu tả.
+ Đối với việc thể hiện tư tưởng, tình cảm của người viết: tạo ra lối nói hàm súc, giúp người nghe nắm bắt tư tưởng, tình cảm của người viết.
b. Nhân hoá: Nhân hoá là gọi hay tả sự vật bằng những từ ngữ vốn được dùng để gọi hoặc tả con người làm cho sự vật (cây cối, loài vật, đồ vật…) trở nên gần gũi với con người, biểu thị được những suy nghĩ, tình cảm của con người.
- Các kiểu nhân hoá
+ Dùng những từ vốn gọi người để gọi vật
Ví dụ: Từ đó lão Miệng, bác Tai, cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay lại thân mật sống với nhau, mỗi người một việc, không ai tị ai cả.
+ Dùng những từ vốn chỉ hoạt động, tính chất của con người để chỉ hoạt động, tính chất của sự vật.
Ví dụ: Tre xung phong vào xe tăng đại bác, tre còn làm hầm ngụy trang và giữ bí mật...
+ Trò chuyện xưng hô với vật như đối với người.
Ví dụ:
Trâu ơi, ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta

- Tác dụng: Làm cho thế giới loài vật, cây cối, đồ vật... trở nên gần gũi với con người, biểu thị được những suy nghĩ, tình cảm của con người.
c. Ẩn dụ:
Ẩn dụ là cách gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật hiện khác có nét tương đồng quen thuộc nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
Ẩn dụ thực chất là một kiểu so sánh ngầm trong đó yếu tố so sánh giảm đi chỉ còn yếu tố làm chuẩn so sánh được nêu lên.
Muốn có phép ẩn dụ thì giữa hai sự vật hiện tượng được so sánh ngầm phải có nét tương đồng quen thuộc nếu không sẽ trở nên khó hiểu.
- Các kiểu ẩn dụ
+ Ẩn dụ hình tượng là cách gọi sự vật A bằng sự vật B.
Người Cha mái tóc bạc (Minh Huệ)
Lấy hình tượng Người Cha để gọi tên Bác Hồ.
+ Ẩn dụ cách thức là cách gọi hiện tượng A bằng hiện tượng B.
Về thăm quê Bác làng Sen
Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng.

(Nguyễn Đức Mậu)
Nhìn “hàng râm bụt” với những bông hoa đỏ rực tác giả tưởng như những ngọn đèn“thắp lên lửa hồng”.
+ Ẩn dụ phẩm chất là cách lấy phẩm chất của sự vật A để chỉ phẩm chất của sự vật B.
Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.
Tròn và dài được lâm thời chỉ những phẩm chất của sự vật B.
+ Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác là những ẩn dụ trong đó B là một cảm giác vốn thuộc một loại giác quan dùng để chỉ những cảm giác A vốn thuộc các loại giác quan khác hoặc cảm xúc nội tâm. Nói gọn là lấy cảm giác A để chỉ cảm giác B.
Mới được nghe giọng hờn dịu ngọt
Huế giải phóng nhanh mà anh lại muộn về.

(Tố Hữu)
Hay:
Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò

(Xuân Diệu)
- Tác dụng
+ Ẩn dụ làm cho câu văn thêm giàu hình ảnh và mang tính hàm súc. Sức mạnh của ẩn dụ chính là mặt biểu cảm.
+ Cùng một đối tượng nhưng có nhiều cách thức diễn đạt khác nhau. (thuyền - biển, mận - đào, thuyền - bến, biển - bờ) cho nên một ẩn dụ có thể dùng cho nhiều đối tượng khác nhau.
+ Ẩn dụ luôn biểu hiện những hàm ý mà phải suy ra mới hiểu. Chính vì thế mà ẩn dụ làm cho câu văn giàu hình ảnh và hàm súc, lôi cuốn người đọc người nghe.
d. Hoán dụ: Hoán dụ là tên gọi sự vật, hiện tượng, khái niệm bằng tên của sự vật hiện tượng, khái niệm khác có quan hệ gần gũi với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
- Phân loại
+ Bộ phận và toàn thể:
Ví dụ: Đàn bà dễ có mấy tay/Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan (thơ Nguyễn Du), thì các từ tay, mặt, gan không mang nghĩa đen chỉ đối tượng (cái tay, khuôn mặt, bộ gan) mà dùng để trỏ con người trong nghĩa bóng của nó, như vậy bộ phận của con người được dùng để trỏ chính con người).
+ Đồ vật và chất liệu.
Ví dụ nói: vàng bạc đeo đầy người thì vàng, và bạc là chất liệu lại được hoán dụ để trỏ đồ vật như nhẫn, hoa tai, dây chuyền... của người đeo nó.
+ Vật phẩm và người làm ra nó.
Ví dụ câu: đọc Nam Cao, ta có thể hiểu sâu về thân phận khốn cùng của người nông dân sống dưới chế độ cũ, thì đọc Nam Cao ở đây là trỏ tác phẩm của Nam Cao.
- Tác dụng: Nhằm làm tăng tính gợi hình gợi cảm cho lời diễn đạt.
e. Chơi chữ: Chơi chữ là cách vận dụng ngữ âm, ngữ nghĩa của từ để tạo ra những cách hiểu bất ngờ, thú vị.
- Dùng từ gần nghĩa, đồng nghĩa để chơi chữ
Ví dụ:
Nửa đêm, giờ tí, canh ba
Vợ tôi, con gái, đàn bà, nữ nhi

- Dùng từ đồng nghĩa, trái nghĩa
Ví dụ:
Trăng bao nhiêu tuổi trăng già
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non.

- Dùng lối nói lái
Ví dụ:
Mang theo một cái phong bì
Trong đựng cái gì, đựng cái đầu tiên.

- Dùng từ đồng âm:
Ví dụ:
Bà già đi chợ Cầu Đông
Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng?
Thầy bói xem quẻ nói rằng
Lợi thì có lợi nhưng răng không còn!
f. Nói giảm nói tránh:
Nói giảm nói tránh là biện pháp tu từ dùng cách biểu đạt tế nhị, uyển chuyển, tránh gây cảm giác quá buồn đau, ghê sợ, nặng nề, tránh thổ tục, thiếu văn hóa.
Ví dụ:
Bác Dương thôi đã thôi rồi
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta

“Thôi đã thôi rồi” thông báo một cái tin đột ngột, đau buồn, đồng thời cũng là một lời kêu tuyệt vọng trước định mệnh phũ phàng.
g. Nói quá: Là biện pháp tu từ phóng đại mức độ, qui mô, tính chất của sự vật, hiện tượng được miêu tả để nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm.
Ví dụ:
Lỗ mũi mười tám gánh lông
Chồng khen chồng bảo râu rồng trời cho…

3. Các biện pháp tu từ cú pháp: Điệp ngữ, chêm xen, liệt kê, câu hỏi tu từ, đảo ngữ...
Biện pháp tu từ cú pháp là cách phối hợp sử dụng các kiểu câu trong một ngữ cảnh rộng (trong chỉnh thể trên câu, trong đoạn văn và trong văn bản trọn vẹn) nhằm đem lại ý nghĩa biểu cảm và cảm xúc cho những mảnh đoạn của lời nói do chúng cấu tạo nên.
a. Phép điệp ngữ: Điệp ngữ là nhắc đi nhắc lại một từ, một ngữ trong câu văn, đoạn văn, câu thơ, đoạn thơ… Điệp ngữ vừa để nhấn mạnh ý muốn nói vừa tạo cho câu văn, câu thơ, đoạn văn, đoạn thơ giàu âm điệu, giọng văn trở nên tha thiết, nhịp nhàng hoặc hào hùng mạnh mẽ.
- Các loại điệp ngữ: Điệp ngữ cách quãng; Điệp ngữ nối tiếp; Điệp ngữ chuyển tiếp.
- Tác dụng: Điệp ngữ vừa để nhấn mạnh ý vừa tạo cho câu văn, câu thơ, đoạn văn, đoạn thơ giàu âm điệu, giọng văn trở nên tha thiết, nhịp nhàng hoặc hào hùng mạnh mẽ.
Lưu ý: Điệp ngữ khác với cách nói, cách viết lặp do nghèo nàn về vốn từ, do không nắm chắc cú pháp nên nói và viết lặp, đó là một trong những lỗi cơ bản về câu.
b. Điệp cú pháp: Việc sử dụng nhiều câu có cấu trúc cú pháp giống nhau để tạo âm hưởng nhịp nhàng cho lời thơ, lời văn, được gọi là biện pháp điệp cú pháp hay còn gọi là biện pháp sóng đôi cú pháp.
Ví dụ: Đế quốc Mĩ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất.
c. Phép đảo ngữ:
Đảo ngữ là thay đổi vị trí các thành phần cú pháp mà không làm thay đổi nội dung thông báo cơ sở của câu. Đảo ngữ có tác dụng nhấn mạnh vào thành phần được đảo, nhằm tạo ấn tượng sâu sắc, đậm nét về sự vật, hiện tượng. Bộ phận được đảo có thể là vị ngữ, bổ ngữ, định ngữ.
Ví dụ: Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!
d. Dùng câu hỏi tu từ:
Dùng câu hỏi tu từ để mang lại sức nặng cho lời khẳng định, để thay đổi mạch văn hoặc bày tỏ một băn khoăn, một nỗi niềm, cũng là một biện pháp thường gặp.
Ví dụ: Này, Tổng thống Giôn-xơn, ngươi hãy công khai trả lời trước nhân dân Mĩ và nhân dân thế giới: Ai đã phá hoại hiệp định Giơnevơ, là hiệp nghị bảo đảm chủ quyền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam? Phải chăng quân đội Việt Nam sang xâm lược nước Hoa Kì và giết hại người Hoa Kì?
e. Liệt kê:
Là biện pháp tu từ chỉ sự sắp xếp các đơn vị lời nói cùng loại kế tiếp nhau để gây một ấn tượng mạnh mẽ về hình ảnh, cảm xúc.
Ví dụ:
Đời sống mới là:
Hăng hái, kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ
Phải siêng học, phải siêng làm, phải tiết kiệm.
f. Đối ngữ:
Đối ngữ là biện pháp sắp đặt theo hình thức sóng đôi hai từ, hai cụm từ, hai vế câu, hai câu có ngữ âm, có cấu tạo ngữ pháp và có ý nghĩa cân xứng với nhau làm cho câu văn, câu thơ, đoạn văn, đoạn thơ cân đối nhịp nhàng và làm nổi bật nội dung cần diễn đạt.
- Đối ngữ tương phản
Ví dụ:
Gần mực thì đen gần đèn thì rạng
- Đối ngữ tương hỗ
Ví dụ:
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
g. Chêm xen:
Là chêm vào câu một cụm từ không trực tiếp có quan hệ đến quan hệ ngữ pháp trong câu, nhưng có tác dụng rõ rệt để bổ sung thông tin cần thiết hay bộc lộ cảm xúc. Thường đứng sau dấy gạch nối hoặc trong ngoặc đơn.
Ví dụ:
Cô bé nhà bên (có ai ngờ)
Cũng vào du kích!
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi)

(Quê hương – Giang Nam)
...............................
Tổng hợp và biên soạn: Hoàng Cung​
 
Từ khóa
các biện pháp tu từ kĩ năng làm phần đọc hiểu triều anh xác định biện pháp tu từ đọc hiểu
  • Like
Reactions: nmoi and QuangNhat
606
2
2

Trần Thùy

Thành Viên
18/10/22
100
86
28,000
Xu
2,097,293
E sẽ lưu lại để áp dụng ngay ạ
 
  • Love
Reactions: Triều Anh

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top