Cái đẹp trong văn học

Cái đẹp trong văn học

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 33 đến từ Nam Định
Trong tác phẩm văn học ta thường gặp các giá trị thẩm mĩ, các giá trị thẩm mĩ đó thường được kết tinh trong một số phạm trù cơ bản như cái đẹp, cái cao cả, cái bi, cái hài...
trong đó Cái đẹp bao giờ cũng là cái nòng cốt hướng tới xưa nay của con người và của cả văn học.

1 Cái đẹp mang tính khách quan

Khi đứng truớc một sự vật, một hiện tượng trong tự nhiên và xã hội như một cánh đồng vàng rực lúa chín, rừng bạch dương thơm mát mùa xuân, đóa sen hồng mùa hạ, hương cốm mùa thu, đôi má hồng của thiếu nữ, tình yêu mãnh liệt, thuỷ chung, chí khí anh hùng...,con người tự nảy sinh nguồn khoái cảm, phấn chấn, thêm yêu đời, hăng say làm việc, biết thêm những ý nghĩa cuộc đời. Nhu cầu về sáng tạo nghệ thuật cũng bắt nguồn từ đó. Theo Dostoievxki nhu cầu về vẻ đẹp và sự sáng tạo vẻ đẹp gắn bó keo sơn với con người.

Vậy cái đẹp là gì?

Cái đẹp được hình thành trên cơ sở tự nhiên, được tạo nên do chính các phẩm chất, yếu tố, kết cấu khách quan của các sự vật. Đó là vẻ đẹp khách quan cảm tính của màu sắc, hương vị, âm thanh, đường nét, mảng khối, nhịp điệu, kích thước, sự cân đối, tỉ lệ hài hòa... Từ đó gây nên sự thăng bằng, thoải mái, dễ chịu về cảm giác, đối với các giác quan. Thí dụ, trước mắt ta là một con người có khuôn mặt hình trái xoan, chiều dài đầu có tỉ lệ 1/7,5 so với toàn thân, da dẻ mịn màng, ửng hồng, tóc dầy mềm mại và sóng mướt - đó là con người đẹp. Khi nhìn thấy một bông hoa màu sắc hài hòa, tươi thắm, có hương thơm - đó là bông hoa đẹp. Cái cây đẹp là cái cây có vầng lá xum suê, xanh mướt, hoa thơm, quả ngọt.

Cái đẹp có những quy luật hình thức cảm tính nhất định, và tác động lên cảm tính của con người.

Quy luật đầu tiên là sự hài hòa. Từ xa xưa, con người đã ý thức được những quy luật hình thức với các tỉ lệ, hài hòa, biến hóa, thống nhất và những quy luật số lượng. Pitago đã gắn vẻ đẹp và sự hài hòa trong các quan hệ số lượng và sự hài hòa trong âm nhạc: quãng tám - 1:8; quãng bốn - 3:4; quãng năm - 2:hon:. Pitago thích âm nhạc và thấy ở đó sự phản ánh những quy luật của vũ trụ. Theo ông, phép hòa thanh của âm nhạc phản ánh tính hài hòa của các thiên thể trong vũ trụ. Do phản ánh trật tự vận động của vũ trụ, âm nhạc có khả năng đưa cả sự vận động tâm hồn vào trật tự đó.

Còn Hêraclít cho rằng, vẻ đẹp hài hòa hình thành từ sự hòa nhập, sự kết hợp các yếu tố đối lập: “Chính tự nhiên khao khát những mặt đối lập, và tạo nên sự hòa điệu từ chúng, chứ không phải từ những sự vật đồng dạng... Nhờ pha trộn các màu trắng, đen, vàng và đỏ, hội hoạ mô tả phù hợp với nguyên mẫu. Âm nhạc tạo nên sự hài hòa thống nhất nhờ hòa lẫn trong (tiếng hát chung) những giọng điệu khác nhau, những âm thanh cao và thấp, dài và ngắn”.

Aristot lại nhấn mạnh, hài hòa là tiêu chuẩn của cái đẹp: “Một thực thể hay một sự vật gồm những bộ phận khác nhau chỉ có thể có vẻ đẹp khi những bộ phận của nó được bố trí theo một trật tự hoàn mĩ nào đó, và hơn nữa, không thể có một kích thước tùy tiện, vì những cái đẹp nằm ở trật tự và sự cao cả”.

Thời Phục hưng, người ta đã chỉ ra tỉ lệ vàng hay chỉ số vàng trong tương quan tỉ lệ của hai cạnh trong các hình chữ nhật là 1/1,61. Đây là chỉ số tối ưu nhất cho sự cân đối trong các loại hình chữ nhật nói chung, từ kích thước của sổ, cửa ra vào, đến khung ảnh, bàn ghế...

Ngoài ra, còn có những chỉ số vàng như 3/5, 5/8, 8/13, 13/21... cho các hình dạng khác như cơ thể con người trong hội hoạ, điêu khắc, hình dạng ngôi nhà với những tỉ lệ về mái, cửa, lan can, cột, hình dạng các loại bình, cốc chén... Nhà toán học Luca Pasioli là người đã trình bày đầu tiên về tỉ lệ điểm cắt vàng trong mọi đoạn thẳng trong cuốn sách Tỉ lệ thần kì, xuất bản năm 1509. Trong những bức tranh nổi tiếng của Tề Bạch Thạch, người ta tìm thấy tỉ lệ vàng trong bố cục, thể hiện ở quan hệ giữa hình và nền, giữa trắng và đen, giữa đậm và nhạt.

Ở Trung Quốc thời cổ, Chu Dịch đã khẳng định, cái đẹp biểu hiện của sự phát triển cuộc sống. Cái đẹp là cái hoàn hảo nhất, lí tưởng nhất trong sự hài hòa với cuộc sống. Người ta cũng nói tới cái gọi là ngũ sắc, điều tiết hài hòa ngũ sắc. Trong sách Tuân Tử và Lã Thị Xuân Thu cũng đã bàn tới số học trong âm nhạc. Tất cả các quan điểm đó đều nói lên rằng cái đẹp có tính chất khách quan và những quy luật hình thức nhất định. Cái đẹp mang tính nhân loại chung là vì thế.

Theo Hêghen, cái đẹp thể hiện ở tính đều đặn, tính đối xứng, sự phù hợp quy luật, tính hài hòa, sự thống nhất các chất liệu cảm quan.

Như vậy, cái đẹp trước hết là sự hài hòa. Hài hòa là tỉ lệ cân đối nhất định giữa các yếu tố trong một chỉnh thể. Cấu trúc hài hòa là cấu trúc lí tưởng của tự nhiên và xã hội. Hài hòa là sự trật tự, hợp lí, thống nhất thường được tạo nên từ sự đối xứng, cân bằng giữa âm - dương, động - tĩnh, cương - nhu, vuông - tròn, cong - thẳng, mở - đóng, thuận - nghịch, khai - hợp, tiến - thoái, nhanh - chậm, hư - thực, khinh - trọng, tối - sáng, nội dung – hình thức... Không chỉ đối xứng giữa các yếu tố tương phản hoặc khác biệt, mà còn có sự đối xứng mang tính lặp lại đều đặn về vị trí, hình thức, màu sắc, âm thanh. Hài hòa còn thể hiện ở sự thống nhất, đều đặn, lặp đi lặp lại một hình thức duy nhất. Thí dụ, các hàng cột, lan can, tay vịn cửa của một ngôi nhà đều có những màu sắc, hoạ tiết, hình dáng giống nhau, tạo nên sự thống nhất của chỉnh thể.

Hài hòa là tiêu chuẩn đảm bảo cho sự phát triển lành mạnh, bình thường của cuộc sống, dựa trên tác động tương hỗ của các sức mạnh đối xứng nhau. Bông hoa đẹp là bông hoa vừa có sắc vừa có hương. Người phụ nữ đẹp là người vừa có sắc đẹp vừa có trí tuệ, đầy đủ công dung ngôn hạnh. Xã hội đẹp là xã hội có công bằng, dân chủ, văn minh. Thơ Hồ

Chủ Tịch bộc lộ sự hài hòa trong nhân cách lãnh tụ: thi nhân - chiến sĩ, cổ điển - hiện đại, thép - tình... Sự hài hòa có liên quan tới sự vận động, kết cấu, quan hệ, sức mạnh, tiết tấu... trong nghệ thuật.

Cái đẹp trước hết tồn tại trong hình thức. Con người vốn có sự nhất trí về những cái đẹp trong vật thể, trong thiên nhiên: hoa nở, chim hót, cây cối xanh tươi, mặt biển mênh mông, núi cao hùng vĩ, đôi mắt đen lóng lánh. Những cái đẹp đó đẹp ở cấu trúc, màu sắc, hình thể, chất liệu, nhịp điệu, tỉ lệ... Cái đẹp tác động đầu tiên bằng các yếu tố hình thức. Vì vậy, yêu cầu tiên quyết của nghệ thuật cũng phải là hình thức đẹp. Nhưng bên cạnh đó, cái đẹp cũng mang tính nội dung, tức chất lượng bên trong của vẻ đẹp hình thức. Thí dụ cảnh núi non hùng vĩ, mặt biển mênh mông đều chứa đựng tiềm tàng những sức mạnh bí ẩn của thiên nhiên, cây cối tốt tươi biểu hiện của sức sống mãnh liệt, tiếng chim hót say sưa chính là bài ca ca ngợi sự sống của muôn loài...

Cái đẹp là cái hoàn thiện. Hoàn thiện là tiêu chuẩn cao nhất của cái đẹp. Những gì đạt tới sự phát triển hoàn mĩ nhất so với cùng loại thường gợi cái đẹp, đưa con người đến những

cảm hứng thẩm mĩ. Trong một vườn cây, cái cây đẹp là cây phát triển mạnh mẽ, toàn diện nhất, đầy sức sống, lá cành xum xuê, nhiều hoa thơm, quả ngọt. Trong một bầy đàn, con vật nuôi đẹp nhất là con to khoẻ, béo mượt, có khả năng sinh sôi nảy nở nhiều nhất. Và một vật nào đó đến giai đoạn phát triển hoàn thiện nhất của chính nó cũng có giá trị nhất và gợi cảm nhất. Người ta chẳng nói: “Cơm chín tới, cải vồng non, gái một con, gà nhảy ổ” là đáng thưởng thức nhất đó sao. Người xưa cho rằng cái đẹp gắn liền với cái có ích chính vì lí do này.

Cái đẹp còn tồn tại trong chỉnh thể. Chỉ có trong chỉnh thể, mọi yếu tố mới phát huy hết vẻ đẹp của nó. Sêkhốp đã viết một câu chuyện về hai người đẹp. Một người có khuôn mặt hoàn mĩ, cân đối với cấu trúc chuẩn mực như “khuôn mặt Hi Lạp”. Còn người kia, dù có những nét không hoàn mĩ, song vẫn rất đẹp, bởi hài hòa trên gương mặt đó. Truyện Trung Hoa kể rằng, có một quân vương tiếp khách, khách khen tay mĩ nữ đẹp, một lúc sau, khách được tặng quà là đôi tay mĩ nữ. Ở đây không có gì là đẹp, mà chỉ có sự ghê rợn. Cũng giống như kiến trúc nhà toàn kính chỉ phù hợp với phương Tây nơi ít nắng, còn ở xứ Việt Nam đầy nắng thì quá chói chang. Cái đẹp không tách rời khỏi chỉnh thể là vì vậy.

Cái đẹp là cái phù hợp với quy luật. Sự thống nhất, cân đối của các yếu tố bên trong một chỉnh thể đã là điều kiện đảm bảo cho sự sống, linh hồn, sự vận động, nhịp điệu, sinh khí của chính sự vật đó. Do đó, cái đẹp là sự phát triển tự nhiên của cuộc sống. Bản chất cái đẹp liên quan tới sự phát triển tự nhiên, bởi vì, theo Chu Dịch, cái đẹp có trong sự vận động, sinh sôi, biến hóa (sấm chớp hợp mà rực rỡ, trời đất biến hóa, cây cỏ phồn thịnh...).

Mọi đối tượng trong tự nhiên đều có đủ hình thần, muôn vật đều có sinh mệnh, cho dù là một cành cây khô, một chiếc lá rụng cũng là dấu hiệu sự sống. Ví như trong thơ, hoạ về sơn thuỷ của Trung Quốc, chúng ta luôn cảm thụ được đó là một tự nhiên tràn đầy sinh khí và ý vị nhân gian. Nghệ thuật có miêu tả tự nhiên nhưng thường chú ý tới sự vận động, tiết tấu và khí thế vận luật tự nhiên, với những sức mạnh của sự hài hòa những mặt tương phản. Có nghĩa là, cái đẹp luôn tràn đầy sức sống, có khí lực của chính nó.

2 Cái đẹp mang tính chủ quan


Nhưng không phải chỉ mang tính khách quan, cái đẹp còn gắn với quan niệm chủ quan của con người. Cái đẹp còn là một phạm trù giá trị, có sự vận động trong lịch sử. Một vật được coi là xấu hay đẹp phụ thuộc không chỉ vào những phẩm chất nó vốn có mà còn phụ thuộc vào quan hệ của nó đối với từng cá nhân cùng tâm sinh lí, kinh nghiệm, văn hóa, giới tính, thị hiếu thẩm mĩ riêng. Cái đẹp không chỉ ở đôi má hồng người thiếu nữ mà còn ở đôi mắt kẻ si tình, Cansto đã từng nói về tính chủ quan của cái đẹp như vậy. Mỗi trường phái nghệ thuật cũng có những quan niệm khác nhau về cái đẹp với những phong cách biểu hiện khác nhau. Điều đó cho thấy cái đẹp trong nghệ thuật thật phong phú và biến hóa khôn lường.

Cái đẹp gắn với lí tưởng và ước mơ của con người. Cái đẹp luôn đi liền với ý niệm về những điều mong ước mang tính lí tưởng. Cánh đồng lúa chín vàng rực đẹp bởi vì gắn với hình ảnh về vụ mùa bội thu. Theo dân gian,“Đàn bà thắt đáy lưng ong” là một tiêu chuẩn đẹp bởi vì đó là dấu hiệu của “Vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con”. “Làn da trắng như tuyết, môi đỏ như máu, tóc đen như mun” của nàng Bạch Tuyết đẹp vì là biểu hiện của sức khoẻ hoàn mĩ. Stăngđan nói, cái đẹp là sự mời gọi hạnh phúc là vì vậy.

Cái đẹp quan hệ tới điều kiện lịch sử, dân tộc, giai cấp. Nghĩa là cái đẹp không chỉ gắn với đánh giá chủ quan của một cá nhân mà còn với những tiêu chuẩn thẩm mĩ của xã hội và dân tộc. Người châu Âu không cho màu vàng là đẹp, trong khi đó, ở châu Á, màu vàng là hình ảnh của quyền lực vua chúa. Người châu Âu cho con rồng là tà dâm quỷ ác, còn người châu Á lại coi con rồng là cao quý linh thiêng. Tục bó chân của phụ nữ Trung Hoa xưa được coi là đẹp, đặc biệt trong giới quý tộc phong kiến, bởi nó sẽ tạo nên dáng vẻ lả lướt yếu đuối đầy hấp dẫn, nhưng người hiện đại thì không thể nào chấp nhận được cái đẹp vô nhân tính như vậy. Tức là sự nhất trí về một cái đẹp cụ thể nào đó chỉ dựa trên sự đồng thuận giữa con người dựa trên những tiêu chuẩn và quy ước nhất định.

Do đó, có thể thấy rằng, cái đẹp là cái thống nhất về hình thái, tính chất khách quan của đối tượng với ý thức chủ quan. Bởi nếu cái đẹp tự nhiên không có người thưởng thức thì cũng không thành cái đẹp. Và con người cũng vẫn phải phục tùng các phẩm chất khách quan của đối tượng khi thưởng thức. Mĩ cảm, (khả năng thưởng thức cái đẹp và sáng tạo nên những giá trị theo quy luật của cái đẹp) có những cội nguồn tự nhiên vì lẽ đó.

3 Cái đẹp trong nghệ thuật

Cái đẹp không chỉ có trong tự nhiên, con người từ xa xưa đã biết sáng tạo nên những giá trị thẩm mĩ, tức sáng tạo theo quy luật của cái đẹp.

Nghệ thuật là lĩnh vực sáng tạo theo tiêu chí cái đẹp, là kết tinh của cái đẹp. Nghệ thuật có khả năng vĩnh viễn hóa cái đẹp, ghi nhận và lưu giữ cái đẹp khoảnh khắc của đời sống để biến nó thành vĩnh cửu. Vẻ đẹp của người Hi Lạp chẳng trường tồn cùng năm tháng với pho tượng Vệ nữ ở Milô, cùng các bức tượng cổ đại hay sao. Bông hồng trong bài thơ Vãn cảnh của Hồ Chí Minh đã bất bình vì quy luật thiên nhiên nghiệt ngã, sớm nở tối tàn, nhưng nếu bông hồng đó đã đi vào thơ ca thì nó sẽ trở thành bất tử. Nguyễn Du đã từng viết: Thi hành thảo thụ giai thiên cổ chính là vì cỏ cây hoa lá khi đã đi vào thơ ca (nói rộng ra là nghệ thuật) thì trở thành đẹp mãi ngàn năm.

Cái đẹp trong nghệ thuật thường được nâng cao hơn cái đẹp ngoài đời, được chắt lọc, kết tinh và kết cấu lại, nên mang tính độc đáo, điển hình. Khi Nguyễn Du viết:

Long lanh đáy nước in trời,
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng

thì đó là một trong những bức tranh lộng lẫy nhất về mùa thu. Có ý kiến cho rằng, từ khi Hàn Cán, danh hoạ đời Đường, đặt bút vẽ ngựa thì người ta không coi có con gì trên đời này được gọi là con ngựa nữa, chính là vì vẻ đẹp mang tính kết tinh này.

Hơn nữa, hình tượng nghệ thuật không chỉ là hình ảnh sao chép của đời sống thực tế, mà còn chứa đựng tư tưởng tình cảm của con người với những ý nghĩa nhân sinh. Cho nên cái đẹp trong nghệ thuật mang sắc thái biểu cảm cao. Cây tre xơ xác, gầy guộc đi vào thơ Nguyễn Duy cũng trở thành đẹp bởi mang trong mình những phẩm chất kiên cường, nhẫn nại, bất khuất của con người Việt Nam. Cho nên, cũng là những hình ảnh, âm thanh của đời sống thực tế nhưng hình ảnh, màu sắc, âm thanh trong nghệ thuật vẫn không hoàn toàn là sự sao chép nguyên xi đời sống. Trong nghệ thuật có những sắc màu rất lạ: Gió chướng xanh đến nỗi mình ngợp thở (Thanh Thảo), Hoa phượng vĩ chói lọi tiếng kèn đồng mùa hạ (Thanh Thảo), Biển nguội dần, vỗ tím vào đêm (Hữu Thỉnh), Trời xanh tuổi thơ, trời xanh cu gáy (Chế Lan Viên). Hiện thực cuộc sống, nhưng đã được chọn lựa, đánh giá, kết cấu lại, được điển hình hóa, khái quát hóa, thẩm mĩ hóa, nên cái đẹp nghệ thuật có giá trị thẩm mĩ cao và có sức mạnh chinh phục.

Cái đẹp trong nghệ thuật thống nhất ở nội dung và hình thức một cách cao độ. Các yếu tố hình thức bao giờ cũng để làm rõ cái đẹp về nội dung.

Cái đẹp trong nghệ thuật dễ nhận thấy trước hết là ở yếu tố hình thức. Cái đẹp hình thức này có khả năng đem lại khoái cảm thẩm mĩ cao. Đó là sự gọt giũa, trau chuốt của các yếu tố hình thức trong tác phẩm nghệ thuật: các hình ảnh, âm thanh, ngôn từ, nhịp điệu, hình khối hài hòa, hoàn chỉnh, ấn tượng đầy sức sống, có khả năng diễn tả chân thực và sinh động cuộc sống.

Tiếp đến là vẻ đẹp của nội dung. Đó là những vẻ đẹp thiên nhiên: Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan, Đường bạch dương sương trắng nắng tràn (Tố Hữu). Vẻ đẹp hình thức của con người: Một yêu tóc bỏ đuôi gà, Hai yêu ăn nói mặn mà có duyên (ca dao), Vai năm tấc rộng thân mười thước cao (Nguyễn Du). Vẻ đẹp của tình cảm: Muối ba năm muối đang còn mặn, Gừng chín tháng gừng hãy còn cay (ca dao). Vẻ đẹp của phong cách sống: Làm trai cho đáng nên trai, Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng (ca dao). Vẻ đẹp của quan hệ người: Có gì đẹp trên đời hơn thế, người yêu người sống để yêu nhau (Tố Hữu). Vẻ đẹp của lòng dũng cảm, của chí khí kiên cường:

Chào anh giải phóng quân,
Kính chào anh con người đẹp nhất,
Lịch sử hôn anh chàng trai chân đất,
Sống hiên ngang bất khất trên đời,
Như Thạch Sanh của thế kỉ hai mươi,
Một dây ná một cây chông cũng tiến công giặc Mĩ
(Tố Hữu)...

Cái đẹp trong nghệ thuật cũng mang tính lịch sử, phụ thuộc vào phong cách thời đại và cá nhân. Trong những tác phẩm được xếp vào loại Yêu ngôn của Nguyễn Tuân luôn chứa đựng những vẻ đẹp kì lạ. Đó là cái đẹp gắn với cái lộng lẫy, rực rỡ, hoặc cái được phóng đại, mang kích thước kì vĩ, hoặc cái bất thường, nghịch dị. Cái đẹp gắn với sự thăng hoa của tinh thần, với lối sống thanh cao, khí phách, cứng cỏi, siêu phàm. Cái đẹp là cái tinh hoa của trời đất và con người. Quá trình sáng tạo và chiếm lĩnh cái đẹp là quá trình huyền bí và linh thiêng. Cái đẹp là cái khó tri âm, không chia sẻ được. Những cái đẹp ấy được thể hiện thông qua những điều kì lạ: kì cảnh, kì nhân, kì tình, kì duyên, kì ngôn.

Bên cạnh đó, còn có những nội dung không chứa đựng cái đẹp. Ví như các tác phẩm mô tả cái xấu, cái ác... như trong các câu chuyện kinh dị, những phim hành động, những câu chuyện và cái đói, về tội ác, về sự tha hóa của con người... Nhưng, ẩn đằng sau nội dung đó, bao giờ người nghệ sĩ cũng đứng trên những tư tưởng và tình cảm tốt đẹp để phản ánh.

Và một điều không thể thiếu là những tác phẩm đó phải chứa đựng cái đẹp về mặt hình thức: kết cấu, cách xây dựng nhân vật và kể chuyện sao cho thật hấp dẫn. Đó là sự hoàn thiện, hài hòa về hình thức và nội dung thể hiện. Trình độ nghệ thuật điêu luyện của những tác phẩm kiệt tác luôn mang lại những hiệu quả thẩm mĩ lớn lao.

Điều đó có nghĩa là, các tác phẩm chỉ đẹp khi nó thể hiện chân thực đời sống trong mọi biểu hiện thẩm mĩ của nó thông qua lăng kính nhân đạo, thể hiện được sự phong phú về tinh thần của cá nhân con người và dưới một hình thức nghệ thuật hoàn thiện.

Lê Lưu Oanh
 
Từ khóa
cái đẹp chủ quan cái đẹp khách quan cái đẹp nghệ thuật cái đẹp trong văn học giá trị thẩm mĩ li luan van hoc
5K
0
1

Phong Cầm

Thạc sĩ lang thang ^^
17/5/21
890
911
363,000
33
Nam Định
forum.vanhoctre.com
Xu
7,469,529
Bàn về cái đẹp trong tác phẩm văn học, có người cho rằng “Cái đẹp trong tác phẩm văn học phải là cái đẹp độc đáo, khác thường”.
Nhà phê bình người Nga Séc-nư-ép-sky thì cho rằng: “Cái đẹp chính là cuộc sống”.



Ngày xửa ngày xưa, ở đất nước nọ có một chàng trai sở hữu vẻ đẹp tuyệt sắc nhất trần gian tên là Narziss. Một ngày kia, Narziss vô tình soi thấy bóng của mình dưới mặt hồ nước, ngỡ ngàng trước một nhan sắc đẹp quá đỗi, chàng lao mình xuống mặt nước với khát khao chiếm hữu vẻ đẹp tuyệt diệu ấy. Hình ảnh Narziss hòa mình vào thành một cùng cái đẹp khiến tôi nhớ về những khoảnh khắc được sống trong những tác phẩm văn học. Khi đó, tôi cũng ước ao như chàng, ước ao được tận hưởng và chiếm hữu những vẻ đẹp nơi trang giấy. Nhưng thật băn khoăn làm sao, khi bàn về cái đẹp trong văn học, có người cho rằng “Cái đẹp trong tác phẩm văn học phải là cái đẹp độc đáo, khác thường”. Còn Séc-nư-ép-sky, nhà phê bình văn học Nga nổi tiếng thì cho rằng “Cái đẹp chính là cuộc sống”. Như vậy, đâu mới là vẻ đẹp đích thực mà văn học mong muốn truyền tải vào trái tim người đọc?

Trước hết, cả hai ý kiến đều mở ra cho chúng ta những góc nhìn sâu sắc về bản chất của cái đẹp trong văn học. Cái đẹp là tiêu chí, là đích đến của văn học, nhưng “cái đẹp độc đáo, khác thường” là những vẻ đẹp mới lạ, đó có thể là những nét đẹp vượt ra ngoài khuôn khổ, cũng có thể là những vẻ đẹp bình dị hằng tồn tại mà con người chưa thể nhận ra. Song, ý kiến của Séc-nư-ép-xki bàn về “Cái đẹp chính là cuộc sống”, tức muốn nói rằng cái đẹp phải được bắt nguồn từ hiện thực, rằng bản thân cuộc sống đã là một vẻ đẹp kỳ diệu tồn tại xung quanh con người. Cả hai quan niệm về cái đẹp trong văn học tưởng như mâu thuẫn, đối lập nhau, một bên chú trọng sự sáng tạo, mới mẻ, một bên đề cao những cái đẹp sẵn có trong đời sống. Nhưng thực chất, cả hai nhận định trên đã ngầm bổ sung cho nhau để xây dựng nên một định nghĩa hoàn chỉnh về cái đẹp của nghệ thuật: vẻ đẹp trong tác phẩm văn học cần thiết là những vẻ đẹp hình thành từ chất liệu của hiện thực, song cái đẹp ấy phải được soi chiếu dưới góc nhìn độc đáo, đa dạng của nhà văn. Có như vậy, cái đẹp mới thực sự làm bật lên được đặc trưng của văn học, đồng thời đáp ứng được những yêu cầu của chức năng văn học đưa ra.

Qua hai nhận định, các tác giả đã mang đến cho người đọc những quan niệm xác đáng, làm sáng tỏ vẻ đẹp trong tác phẩm văn học. Văn hào Dostoeivski đã dõng dạc tuyên bố niềm xác tín của đời mình: “Cái đẹp cứu chuộc thế giới”, vì lẽ ấy cái đẹp tồn tại trong ngòi bút của người nghệ sĩ như một nguồn sức mạnh thiêng liêng giúp nghệ thuật nâng đỡ con người. Đọc một tác phẩm văn học tựa như sự thưởng thức những kì quan của cái đẹp, bởi văn chương bao giờ cũng chịu sự chi phối của cái đẹp, khao khát chiếm lĩnh những vẻ đẹp cao cả của cuộc sống. Tự bao giờ, cái đẹp đã luôn song hành cùng con chữ nơi trang giấy, nhẹ nhàng bước vào lòng người và khơi dậy trong nhân loại những mong muốn được sống đúng với các giá trị chân - thiện - mỹ. Vì vậy, nếu văn học và hiện thực là “hai đường tròn đồng tâm” thì tâm điểm ấy chính là con người được soi chiếu qua lăng kính của cái đẹp. Quan trọng hơn, văn chương sẽ không thể giúp con người biết sống thiện, biết yêu quý và trân trọng những gì mình có nếu nó không làm cho người đọc rung động bởi cái đẹp, thức tỉnh trước cái đẹp. Do đó, cái đẹp trong văn học có thể là “cái đẹp độc đáo, khác thường”, là cái đẹp tự trong lòng cuộc sống dâng trào nhưng văn học trước hết phải là tuyên ngôn của cái đẹp cất lên. Tựa như lá nảy nở sinh sôi nhờ được sinh ra từ hạt, văn chương chỉ có thể đạt đến sự bất tử, sống mãi cùng với trái tim nhân loại khi nó được gieo hạt, ươm mầm bởi cái đẹp.

Dù cho anh là ai đi chăng nữa, bất kể nhà văn nào điều đầu tiên khi họ đặt ngòi bút của mình xuống đó là hướng tới những sức sống mãnh liệt của cái đẹp. Thạch Lam, một tâm hồn lãng mạn đa tài đa cảm, nhà văn quan niệm về cái đẹp rằng “cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp ngang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường”. Chính quan niệm ấy đã phần nào tác động đến Thạch Lam trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của mình. Không khó để nhận ra xuyên suốt các tác phẩm, Thạch Lam thường lấy đề tài cảm hứng xoay quanh những con người tầng lớp dân nghèo, những mảnh đời mà “cái nghèo khó đeo đuổi mãi không biết bao giờ dứt”. Nhưng Thạch Lam đã không để họ lặng lẽ chôn mình trong bi kịch mà đưa những mảnh đời ấy ra trang giấy, phơi bày những nét đẹp khuất lặng ẩn sau sự che lấp của số phận. Giống như mẹ Lê và bầy con của mình, họ chính là đại diện cho những con người đã quen sống trong cảnh nghèo khổ, song Thạch Lam đã phát hiện ra nơi những con người ấy vẻ đẹp đáng quý trong tâm hồn. Và nét đẹp ấy đã được nhà văn tôn vinh qua những trang văn thấm đẫm tình người trong tuyệt tác “Nhà mẹ Lê”.

Người ta thường nói “nghèo không phải là một cái tội”, nhưng với những kẻ đã rong ruổi cùng nó quanh năm suốt tháng như gia đình mẹ Lê, thì nghèo quả thật là cái tội tình lớn lao mà Tạo hóa đã giáng xuống cuộc đời họ. Sống trong những năm tháng đói nghèo triền miên, thế nhưng nhà mẹ Lê lại là “một gia đình một mẹ với mười một người con”. Họ sống trong căn nhà lụp xụp, nghèo nàn, “chừng ấy người chen chúc trong một khoảng rộng độ bằng hai chiếc chiếu”. Có thể nói, một cuộc sống cơ cực đòi hỏi con người phải lao động hết mình để đủ sống qua ngày, nhưng với bác Lê mà nói thì dẫu nỗ lực miệt mài đến bao nhiêu đi nữa cũng không đủ để nuôi cho hết bầy con thơ. “Từ buổi sáng tinh sương, mùa nực cũng như mùa rét”, bác Lê đã phải trở dậy đi làm công cho những người có ruộng trong làng. Vất vả như thế nhưng đó chỉ mới là những ngày sung sướng, những ngày có được “bát gạo cùng vài đồng xu” mang về nuôi lũ con bác ở nhà. Nhưng vào những ngày mùa rét, khi các cánh đồng đã được người ta gặt hái xong xuôi chỉ còn trơ lại cuống rạ, bác Lê không còn việc làm nữa và thế là “cả nhà nhịn đói”. Những đứa con nhỏ nhất của bác – thằng Hy, con Phún “khóc lả đi mà không có cái ăn”, còn những đứa lớn hơn phải kéo nhau ra đồng “kiếm con cua con ốc” hay “đi mót những bông lúa còn sót lại trong khe ruộng”, hy vọng sẽ mang về chút thức ăn để cả nhà đỡ đói. Thạch Lam đã tái hiện nên một cuộc sống cơ cực, túng quẫn, bi kịch nhà nghèo mà lại đông con của xã hội bấy giờ. Trong bức tranh ấy, con người hiện ra như những đốm lửa tàn chập chờn bị bao trùm, vây quanh bởi cái bóng dày đặc của sự nghèo khổ vô lối thoát.

Nhưng cũng chính từ cuộc sống không còn gì hơn cái nghèo ấy, Thạch Lam đã khám phá ra những vẻ đẹp rất đỗi giản dị trong tâm hồn họ. Đó là khoảnh khắc “mẹ con ngồi xúm quanh nồi cơm bốc hơi” để sưởi ấm trong hơi nóng đang tỏa ra mà họ biết rằng chỉ cần có như thế cũng đã đủ để tất cả qua đi cơn cồn cào của cái đói. Dẫu sống trong cảnh thiếu thốn miếng ăn miếng mặc, họ vẫn tự tạo cho mình những niềm vui nhỏ bé, như vào những chiều mùa hạ, “mẹ con bác Lê cùng nhau ngồi chơi ở trước cửa nhà”. Những giây phút vui vẻ tuy ngắn ngủi, song qua đó ta nhận ra họ - những con người có thể nghèo nàn về vật chất nhưng không bao giờ nghèo nàn những giá trị tinh thần. Với bác Lê và bầy con thơ, những thứ tưởng chừng vô cùng nhỏ nhặt, tầm thường lại có thể trở thành niềm sung sướng, niềm hạnh phúc quý giá mà họ có được suốt những năm tháng chật vật bữa no bữa đói trong cuộc đời mình. Có thể thấy ở “Nhà mẹ Lê”, cái đói rét như ăn mòn cả da thịt nhưng đâu đó trong đống tro tàn của bất hạnh, ta lại được chứng kiến một ý chí sống đầy mạnh mẽ. Dẫu cái nghèo dồn con người ta đến chân đường cùng, đến miền vực thẳm của tuyệt vọng, chưa một giây phút nào vì bất lực trước bi kịch số phận mà họ từ bỏ, không ngừng cố gắng để tiếp tục sống với nó. “Tả người nghèo mà không muốn cho độc giả thấy những mảnh rách, những mụn vá trên quần áo của họ” (Lại Nguyên Ân), đó là chất riêng biệt chỉ có ở ngòi bút Thạch Lam. Bởi với một nhà văn luôn trân trọng cái đẹp, sự thiếu thốn nơi vẻ bề ngoài không thể làm lu mờ đi những hạt ngọc quý trong tâm hồn. Vì lẽ đó, dù phản ánh một hiện thực nghiệt ngã và tàn khốc vô cùng, song những câu văn vẫn âm thầm tỏa ra một vẻ đẹp trong sáng, bình dị ngay chính những mảnh đời nghèo khổ thường xuất hiện trong văn chương Thạch Lam.

Nguyễn Tuân đã ngợi ca hết lòng rằng: “Xúc cảm của nhà văn Thạch Lam thường bắt nguồn và nảy nở lên từ những chân cảm đối với những con người ở tầng lớp dân nghèo thành thị và thôn quê”. Văn chương Thạch Lam thường giăng mắc vào lòng người những vẻ đẹp xao động đến thế, phải chăng vì cảm hứng cái đẹp của nhà văn luôn phát khởi từ những mảnh đời trong hiện thực, hay đúng như Séc-nư-ép-sky đã nói “Cái đẹp chính là cuộc sống”? Văn học sinh ra từ những hạt bụi vàng mà đời rơi vãi, vì thế mà sáng tác văn học trước hết là hoạt động phản ánh những sự kiện diễn ra trong cuộc sống. Bản thân văn học đã gắn liền với cái nôi của nó là hiện thực, cho nên vẻ đẹp trong văn học lại càng làm toát lên linh hồn, hơi thở của đời sống hơn cả. Mỗi một tác phẩm có thể kể cho ta nghe về những câu chuyện khác nhau của loài người, nhưng chúng không hề rời rạc vì tất cả đều mang trong mình chung một sinh mệnh, đó là sinh mệnh của cái đẹp. Để khi khép lại một tác phẩm, ta bất chợt nhận ra rằng: hóa ra cuộc sống này lại đẹp đến thế, hóa ra cái đẹp vốn luôn sống cùng với con người từng giây phút trôi qua mà ta không hề hay biết. Nhưng để có được những cảm thức sâu xa và mãnh liệt ấy, văn học không thể dừng chân ở riêng một vẻ đẹp nào, nó phải không ngừng xoay chuyển để tìm ra những vẻ đẹp khác biệt, để tôn vinh mọi giá trị của cái đẹp một cách toàn diện nhất. Cho nên, vẻ đẹp tồn tại trong văn học vừa chân phương, gần gũi với đời, vừa mang những sắc thái độc đáo, mới mẻ, tựa một bản giao hưởng thấm nhuần giữa chất cổ điển và hiện đại. Có lẽ vì thế mà bao đời xưa nay, con người ta hằng tìm đến văn chương để sống, để say, để tự tình lòng mình với cái đẹp.


“Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng! / Ai mua trăng tôi bán trăng cho”, những lời thơ như còn vang vọng đâu đây tiếng lòng của một hồn thơ Hàn, nhiều đau thương nhưng cũng đầy tài hoa. Nếu ai đó hỏi tôi rằng đâu là nhà thơ mang số phận oan trái nhất, tôi xin trả lời ấy là Hàn Mặc Tử. Nhưng đâu là ngòi bút yêu cuộc sống bằng tất cả những mãnh liệt, tha thiết nhất, cũng chỉ có thể là một cõi lòng thiên hạ mang tên Hàn Mặc Tử. Chính vì thế, dù thơ ca của Hàn đầy ám ảnh về nỗi đau, nhưng trong những vần thơ tuyệt vọng bao giờ cũng lặng lẽ hướng về cuộc sống cùng vẻ đẹp của nó, là tất cả những gì mà nhà thơ yêu nhất, trân trọng nhất trong quãng đời ngắn ngủi của mình. Vẻ đẹp của cuộc sống dần được gợi mở qua những lời thơ man mác hoài niệm của Hàn Mặc Tử trong thi phẩm “Đây thôn Vĩ Dạ”.

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên


Câu thơ đầu tiên vang ra tựa một lời trách móc, mời mọc đầy thân thương, là “không về” chứ không phải là “chưa về”, là “về chơi” mà không phải là “về thăm”. Tiếng gọi như đánh thức trong tâm hồn thi sĩ những mảnh kí ức về sự sống nơi thôn Vĩ, một chốn non nước tuyệt bích. Con người thường có những niềm nhớ khác nhau khi nhắc đến nơi cất giữ cho mình nhiều kỉ niệm, với Hàn Mặc Tử, ấn tượng đầu tiên hiện lên trong đôi mắt nhà thơ về thôn Vĩ chính là hình ảnh hàng cau nghiêng mình trong nắng sớm. Là “nắng hàng cau, nắng mới lên”, ánh nắng của buổi sáng tinh mơ khẽ hiện ra sau những tán lá xanh nhấp nhô như sóng lượn, là cái nắng dịu êm không chút chói lóa, rực rỡ mà không gay gắt. Bức tranh thôn Vĩ với sắc vàng của nắng bao trùm lên vạn vật, đặc tả nên một không gian bình dị, thân thuộc của chốn làng quê song cũng ánh lên những nét nên thơ tuyệt đẹp. Câu thơ sau như càng làm nâng lên vẻ đẹp phong cảnh cho làng mạc thôn Vĩ:

"Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”

Cái đẹp của cuộc sống như dào dạt rung lên qua khung cảnh vườn tược xứ Vĩ thật khiến cho lòng người ngây ngất. “Vườn ai” cho thấy khoảnh khắc vẻ đẹp của cuộc sống lọt vào mắt nhà thơ một cách đầy bất chợt, không định trước. Nhà thơ miêu tả nét đẹp của cây cỏ bằng một từ “mướt” mà không phải là “mượt”, bởi mượt chỉ gợi cho con người ta hình dung về những sóng cỏ mềm mại thì từ “mướt” lại làm dấy lên cái sức sống sinh động đang căng tràn, chuyển động trong cảnh vật. “Mướt” khiến ta có cảm tưởng đó là cái sắc xanh tươi mát của cỏ cây, như thể chúng vừa được tắm gội trong làn sương sớm mơ màng của ngày mới nên trông rất có hồn, gợi lên một vẻ đẹp tươi tắn. Nhưng sắc xanh ấy còn được thi sĩ đẩy lên đến đỉnh cao của cái đẹp khi ví von “như ngọc” – một tinh thể trong suốt phát ra những ánh sắc óng ánh càng cho thấy niềm trân trọng của nhà thơ đối với từng góc nhỏ trong mảnh vườn thôn Vĩ. Không gian trong bức tranh là một sự cộng hưởng hài hòa giữa các sự vật, ánh nắng từ trên cao phả xuống cùng với đó là sự xen lẫn của thứ ánh sáng tươi xanh tỏa ra từ hàng cau, mảnh vườn lấp lánh chiếu lên. Sự giao thỏa giữa cả hai luồng ánh sáng đã tạo nên một vẻ đẹp chan hòa, thanh thoát, sáng trong mà đầy diễm lệ của sự sống thiên nhiên nơi vùng quê xứ Vĩ. Từ những câu thơ da diết ấy, thôn Vĩ hiện lên vừa mang trong mình những vẻ đẹp thơ mộng, tuyệt bích của cuộc sống, vừa là nơi lưu giữ những tháng ngày yên bình trong quá khứ đẹp đẽ mà nhà thơ luôn đau đáu ngưỡng vọng về. Qua bức tranh về khung cảnh làng quê thôn Vĩ, có thể thấy Hàn Mặc Tử đã lấy cảm hứng từ chính cái đẹp mà cuộc sống ban tặng chất chứa trong từng giây phút khi nhà thơ được ngắm nhìn cảnh vật nơi thôn Vĩ thân yêu. Không thể tìm thấy ở bất kỳ tác phẩm nào ngoài “Đây thôn Vĩ Dạ”, vẻ đẹp của cuộc sống được soi chiếu và cảm nhận bởi một trái tim bị chính cuộc sống mà mình yêu thương nhất rời bỏ. Có lẽ vì thế mà cái đẹp trong thi ca Hàn lại càng quý giá và khắc khoải hơn bao giờ hết, bởi nó lưu đọng một niềm day dứt khôn nguôi.

Tôi chợt nhớ đến viễn cảnh người tử tù Huấn Cao trao đi con chữ một đời tài hoa của mình cho viên quản ngục, khoảnh khắc ấy cả vũ trụ như được ban phát muôn nơi thứ ánh sáng nhiệm mầu của cái đẹp. Là vẻ đẹp của những cơn sóng biển ngày đêm vỗ bờ, của một nàng thiếu nữ với mái tóc bồng bềnh như mây trời, hay trong con chữ của người nghệ sĩ ẩn chứa và tỏa sáng vẻ đẹp của lương tri hướng con người đến cái thiện. Tất cả những khoảnh khắc ấy cho ta thấy vẻ đẹp của văn học không bao giờ bạc sờn một màu cũ kĩ mà bao la vô tận, bởi “cái đẹp trong tác phẩm văn học phải là cái đẹp độc đáo, khác thường”. Goethe bày tỏ quan điểm của mình “Các nhà văn có ích chi, nếu chỉ tham vọng nhắc lại như nhà viết sử?”, văn chương nghệ thuật là hoạt động của sự sáng tạo, là sự phá vỡ những khuôn cũ để vươn đến những phát kiến mới cho nhân loại. Chính vì thế, nếu văn học chỉ phản ánh cuộc sống như một bản sao in đơn điệu thì vẻ đẹp kia sẽ còn lại gì ngoài sự mờ nhạt, úa tàn vì thiếu đi những hạt mầm sáng tạo trong tâm hồn người nghệ sĩ. Cái đẹp, bản thân nó cũng cần được những làn gió mới thổi qua để bừng dậy nguồn sức sống căng tràn, để ngày càng toàn mĩ hơn và duy trì sự tồn tại trong đời sống văn học. Vì lẽ đó, một tác phẩm chỉ nói về cái đẹp thôi là chưa đủ, ấy còn phải là những vẻ đẹp mà chưa một ai khám phá ra, là cái đẹp không chỉ ở ngoài ánh sáng mà còn trong bóng tối, vẻ đẹp tồn tại ngay cả những nơi tầm thường, bần cùng nhất. Chỉ khi chạm đến những ngưỡng cửa khác nhau của cái đẹp, văn học mới có thể thức tỉnh con người từ trong những lạc lối u mê, khiến chúng ta phải lặng mình mà lắng nghe những thanh âm cuộc sống đang tràn về trong tim. Và cũng giống như những người thủy thủ sau bao ngày lênh đênh trên biển khơi bỗng nhận ra đất mẹ là nơi quý giá nhất, văn học càng tôn vinh vẻ đẹp ở nhiều góc độ bao nhiêu, khai thác cái đẹp đến một chiều kích vĩ mô bao nhiêu rổi sẽ có lúc thấy rằng: cái đẹp vốn không nằm ở đâu xa, ở tít tận trời mây hay sâu cùng góc bể mà vẻ đẹp có mặt ngay trong cuộc sống hiện diện trước mắt ta. Do đó, vẻ đẹp của văn học chính là những cái đẹp khác thường, sáng tạo nhưng không bao giờ được tách rời khỏi hiện thực, thoát ly khỏi những quy luật của cuộc sống. Như nhà văn Hà Minh Đức đã tâm sự “Cái đẹp mà văn học đem lại không phải là cái gì khác hơn là cái đẹp của sự thật đời sống được khám phá một cách nghệ thuật”.

Tình yêu vốn đã là một điều gì đó rất đỗi đẹp đẽ trên thế gian, và vì thế những tác phẩm văn học về tình yêu lại càng khiến cho con người ta không ngừng thao thức trước cái đẹp mỗi khi cảm thụ. Đó có thể là vẻ đẹp của tình yêu sống chết bên nhau giữa Romeo và Juliet, là khoảnh khắc hẹn ước dưới ánh trăng “Đinh ninh hai miệng một lời song song” mà Thúy Kiều dành cho Kim Trọng. Nhưng vẻ đẹp của tình yêu nào chỉ xuất hiện nơi những con người tài hoa diễm lệ, mà ngay cả ở những kẻ tầm thường, những con người với nhân hình xấu xí như Chí Phèo và Thị Nở, tình yêu của họ vẫn tuyệt đẹp biết bao dẫu vô cùng ngắn ngủi. Nam Cao đã vẽ nên một tuyệt tác tình yêu mang trong mình “cái đẹp độc đáo, khác thường” qua chi tiết bát cháo hành trong truyện ngắn “Chí Phèo”

“Nào ai cắt nghĩa được tình yêu/ Có nghĩa gì đâu một buổi chiều”, khó có thể ngờ được một ngày nào đó tình yêu lại đến với một người đàn bà mà “cái mặt của Thị thực là một sự mỉa mai của Hóa công”. Nhưng nhà văn Nam Cao đã khám phá ra ở người đàn bà tầm thường ấy một sức sống mãnh liệt của tình yêu, một biểu hiện của tính nữ thật đẹp. Thị bước vào đời của Chí Phèo, mang cho hắn một “nồi cháo hành còn nóng nguyên” sau cái đêm mà hai người gặp nhau. Chỉ là một nồi cháo hành đạm bạc nhưng cũng đã đủ để Thị thấy “kiêu ngạo vì đã cứu sống cho một người”. Không một ai nói với Thị rằng hãy nấu một nồi cháo hành cho người mình yêu, nhưng tình yêu đã tự sinh thành trong trái tim và chỉ bảo Thị cần phải làm gì để chăm sóc, vun vén cho người đàn ông của mình. Chính vì thế, nồi cháo hành ấy là tất cả tình yêu mà trái tim Thị dâng thành lên sự sống, như thể một vật định tình mà con người ta thường trao nhau khi họ khao khát được gắn bó cùng nhau mãi mãi. Và bởi bát cháo hành xuất phát từ những nhịp đập yêu thương của con tim nên đã gieo vào tâm hồn Chí những tình cảm chân thành khiến hắn cảm động sâu sắc. Chí thấy ngạc nhiên vì đây là lần đầu tiên “hắn có được điều gì đó mà không phải dọa nạt hay cướp giật”, là lần đầu tiên có một ai đó dang rộng vòng tay đón nhận và yêu thương Chí như yêu lấy một con người đời thường. Hắn thấy “mắt hình như ươn ướt”, bát cháo hành mới nóng hổi và thơm làm sao, vì một điều giản đơn thôi: đó là bát cháo hành do chính tay Thị nấu, người đàn bà đã làm sống dậy trong Chí cái ước mơ về một gia đình nhỏ như bao người. Tình yêu diệu kỳ tựa những cơn gió thổi trên sa mạc, bởi chỉ có gió mới có thể khiến cho sa mạc thay hình đổi dạng, cũng giống như khi được trú ngụ trong sự che chở của tình yêu, con người ta bỗng ao ước được sống tốt hơn vì tình yêu của mình. Bát cháo hành của Thị Nở khiến Chí không muốn sống trong hình hài của một “con quỷ dữ” nữa, hắn ước ao được hòa mình lại vào cái xã hội người kia biết bao. Tựa ngọn hải đăng dẫn lối cho biển cả quay về đất liền, tình yêu của Thị sẽ là ngọn đuốc sáng soi cho Chí trên con đường trở về với nhân hình, nhân tính, để trở thành một “con người của làng Vũ Đại”. Có thể thấy, Nam Cao đã không tìm kiếm cái đẹp theo một lối “khuôn vàng thước ngọc”, ông đã sáng tạo nên một tình yêu giản dị, chân thành nảy nở giữa những kẻ tưởng chừng sẽ chẳng bao giờ có được cho mình một tình yêu đích thực. Và hơn thế, “cái đẹp độc đáo, khác thường” trong tình yêu của Chí Phèo và Thị Nở được bộc lộ rõ nét khi nhờ vào tình yêu mà Chí gạt bỏ những nỗi đau trước đây bị xã hội khinh thường, để lần nữa được sống như một con người đúng nghĩa. “Em ơi! Lửa tắt bình khô rượu/ Đời vắng em rồi say với ai?”, tôi đã tiếc nuối khôn nguôi vào giây phút Thị bỏ Chí mà đi. Bởi có lẽ, sinh ra là một con người, ta có cầu chi cao sang một tình yêu, chỉ cần bình dị mà ấm áp như tình yêu của Chí và Thị thôi, cũng đã là quá đủ.


Như vậy cả hai ý kiến “Cái đẹp trong tác phẩm văn học phải là cái đẹp độc đáo, khác thường” và “Cái đẹp chính là cuộc sống” đều đã truyền tải những bài học nhận thức sâu sắc trong quá trình lao động nghệ thuật của nhà văn. Khi tìm kiếm nguồn chất liệu để xây dưng nên đứa con tinh thần, người nghệ sĩ cần phải ý thức được tầm quan trọng cùng sức mạnh của cái đẹp, để từ đó anh thu nhặt cho mình những hạt vàng mang tiêu chí của cái đẹp trên mảnh đất hiện thực. Là một nhà văn, anh không được có thái độ thờ ơ, dửng dưng trước những vẻ đẹp của cuộc sống vì tài năng nghệ thuật sẽ ngay lập tức chấm dứt khi trái tim anh không còn rung động trước cái đẹp. Song, nói về cái đẹp không có nghĩa là nhà văn được phép sáng tạo nên những vẻ đẹp viễn vông, hư ảo mà lãng quên đi nguồn gốc của văn chương ấy chính là hiện thực cuộc sống. Đồng thời, nên nhớ rằng văn học không phải là một sự thuyết minh khô khan về hiện thực, vì thế cái đẹp trong văn học cần được sáng tạo bằng những hình thức mới lạ, khác biệt. Để làm được điều đó, nhà văn cần phải có cho mình một đôi mắt độc đáo cùng một tâm hồn nhạy cảm để có thể khám phá và cảm nhận những vẻ đẹp mà chưa một ai biết đến. Do vậy, một tác phẩm văn học muốn đạt đến sự toàn mĩ của cái đẹp thì cái đẹp trong tác phẩm ấy phải là vẻ đẹp của cuộc sống được soi chiếu dưới lăng kính sáng tạo của người nghệ sĩ. Tác phẩm nào hội đủ cả hai yếu tố ấy sẽ ghi được dấu ấn của mình vào trái tim nhân loại, là một công trình nghệ thuật của cái đẹp giúp tác động, cải tạo cuộc sống. Đồng thời, sự sống của một tác phẩm dài hay ngắn không phụ thuộc vào nhà văn mà là do người đọc – đối tượng tiếp nhận tác phẩm quyết định. Vì vậy, người đọc trong quá trình chiếm lĩnh tác phẩm cần hòa mình vào thế giới nơi trang giấy để có cơ hội thưởng thức và sống trọn vẹn cùng cái đẹp. Khi quá trình sáng tạo của nhà văn và quá trình tiếp nhận của người đọc đều đạt được những yêu cầu trên thì cái đẹp trong văn học mới thực sự tỏa sáng và hoàn thành được chức năng cao cả của mình, đó là “cứu rỗi nhân loại”, giáo dục con người biết sống thiện hơn để xứng đáng với cái đẹp.

Tôi tin rằng mỗi người trong chúng ta đã từng một lần cầu cứu đến ánh sáng của cái đẹp nơi trang giấy, như một lời ru êm cho những mỏi mệt, thương tổn trong tâm hồn. Và tôi cũng tin rằng, dù vẻ đẹp kia của văn chương có là cuộc sống hay là những “cái đẹp độc đáo, khác thường” thì con người cũng đã có những giây phút trọn vẹn được đắm say cõi lòng mình tan vào trong dư vị của cái đẹp. Albert Camus đã nghẹn ngào xúc động khi tâm tình về cái đẹp “nó cho chúng ta một giây phút thoáng nhìn cõi vĩnh hằng mà chúng ta muốn vươn tay ra toàn bộ thời gian”. Rồi một mai, những cái “tầm thường, mực thước” của văn chương sẽ tan biến đi, để lại cho nhân gian chút rung động còn mãi, ấy chính là cái đẹp.



NGUYỄN NGUYÊN THU HÀ
LỚP 12 CHUYÊN VĂN TRƯỜNG THTH ĐHSP TPHCM
NĂM HỌC 2020 - 2021
 

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top