Dự thi Cảm nhận - Hạ về bên nếp nhà xưa - Hiền Trần

Dự thi Cảm nhận - Hạ về bên nếp nhà xưa - Hiền Trần

E
Esther
  • Thành Viên 16
“… Chiều nay gửi tới quê xưa

Biết là bao thương nhớ cho vừa

Trời cao chìm rơi xuống đời

Biết là bao sầu trên xứ người…”

(Thuyền viễn xứ)

“Thường thường, người ta đi xa bao nhiêu lâu thì mới cảm thấy nhớ nhà?” (Nếu biết tram năm là hữu hạn). Đó là nỗi trăn trở của không ít những con người sống trên hành tinh bé nhỏ này. Những tuổi xuân xanh mau đến rồi thì cũng chóng tàn, chỉ riêng mỗi những tình cảm và kí ức mới có khả năng lưu trữ dài hạn trong bộ nhớ của loài người chúng ta. Thật ngộ nghĩnh khi mỗi người thật sự nhận ra vai trò và ý nghĩa của kí ức về “nhà” lúc họ gần như đương độ xuân tàn. Thế nên, Trái Đất cần điều gì đó có thể cất lên tiếng nói và thể hiện những tình cảm tốt đẹp mà gia đình mang đến. Văn học đã đảm đương sứ mệnh cao cả ấy, “giúp con người hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân mình và làm nảy nở ở con người khát vọng hướng tới chân lý” (M.Gorki). Áng văn “Hạ về bên nếp nhà xưa” của Hiền Trần, với tôi, đó chính là “tư tưởng đi tìm cái đẹp trong ánh sáng” (CharlesDuBos).

Một trang văn ấp chứa nhiều cảm xúc! Ấy là sợi dây tổ ấm được xiết chặt trong tiếng nói của tình bạn ấm nóng. Thưởng qua văn của Hiền Trần, thảng qua những câu từ đậm đà ý vị hòa lẫn trong những ẩn khúc – chỉ khi nhìn sâu ta mới thật thấu đáo. Sơ lược qua nội dung, câu chuyện kể về hai người bạn – Ngọc Hân và Hải – sở hữu hai hoàn cảnh sống khác biệt: một người trong tổ ấm “nếp nhà ngoan đạo” nhưng lẩn quanh chứa chấp nhiều điều không đáng có, một người bị “cướp đi vĩnh viễn mái nhà” của chính mình. Thông qua cuộc chuyện trò của đôi bạn, độc giả có thể ngắm kĩ bài học giá trị nhân đạo đáng quý, được coi như vô giá trước thời cuộc nhiều cớ sự éo le.

Đời sống luôn cho ta những cuộc tao ngộ hữu duyên, phải vậy không? Ngọc Hân đã gặp gỡ Hải, để rồi sau tất cả những ngôn lời bật ra từ trái tim, suy nghĩ dần thấm tháp và thay đổi ít nhiều. Ngay cả “người tạo nên sức sống cho tác phẩm” cũng ghi tạc vào lòng những thứ ấy, hoặc là nhiều hơn thế.

Dưới ngòi bút tả thực, nhân vật Hải được chấp bút là “mồ côi ba mẹ từ sớm. Một mình Hải vừa tự nuôi mình học đại học, vừa gửi tiền về quê cho Chú Minh lo thêm cho cậu em trai đang học lớp 10. Gia đình Hải cũng khá giả, Hải vốn là cô tiểu thư chỉ biết sống trong êm đềm, nhung lụa. Thế rồi một chiều mùa hạ, một vụ tai nạn xe hơi đã cướp đi vĩnh viễn mái nhà của Hải. Hai chị em Hải phải sống dựa vào chú thím Minh, chú thím không giàu có gì, còn phải nuôi một đàn con thơ.” Cảnh huống hẩm hiu mở ra trong tim chúng ta một cảm khái gai gai và nhức nhối, buốt lòng. Cũng có lúc “Hải chống chếnh tan vỡ, bi đát đến cùng cực, không nuốt nổi bát cơm trắng với lát cá kho đặm.” nhưng chuyện buồn rồi cũng sẽ qua nhanh, những mất mát thương tổn không đáng để được lưu trú nhiều lần, bởi, chung quanh Hải còn có Hân, có chú Minh và người em trai “để bảo vệ”. Từ chốn hồng trần phú quý chốc lát biến hóa thành cảnh ngộ tàn thương, con người ấy, số phận đó đã tự vực dậy chính mình. Hiền Trần “khơi lên ở con người niềm trắc ẩn, ý thức phản kháng cái ác; cái khát vọng khôi phục và bảo vệ những cái tốt đẹp” (Ai-ma-tốp). Mà “cái tốt đẹp” chính là tinh thần cộng hưởng ý chí vươn lên những vặt vãnh tầm thường, để thôi nghĩ về “cái ác”: cái cố tình nhấn chìm con người ta suốt đáy hồ vực thẳm.

Bước đến với hình tượng Ngọc Hân đóng vai trò trọng tâm trong trang truyện, bạn đọc không khỏi băn khoăn về những điều nhân vặt trăn trở. Sống trong một mái ấm mà ở đấy “từ bé, các cô chú chẳng bao giờ lì xì tết hay có một món quà nho nhỏ nào đó cho Hân cả, mặc dù những đứa em con cô cậu khác của Ngọc Hân thì có. Ông bà nội cũng vậy, Ngọc Hân học lớp nào mấy tuổi cũng không nhớ, mặc dù Ngọc Hân là đứa cháu đầu tiên của ông bà”. Chỉ toàn những đạo lí được rao giảng như một thứ vô thường ở đời. Hân đã không còn muốn “quay lại mùa hè quê nội nữa. Nó lớn dần, ngụp lặn trong sách vở, và trái tim dần xa lạ với nguồn cội quê cha”. Nghĩ mà thương biết bao!

Dầu cho “nếp nhà ngoan đạo” ấy đã “dấu che những thiệt thòi của mẹ nó, và những giọt nước mắt mẹ lặng lẽ rơi rơi sau hè”, một “nơi không có tình thương dành cho nó” thì với Hân, đó vẫn là một chốn địa đàng đầy những bông hoa tươi sắc thắm. Murakami Haruki bộc bạch rằng: “Con người ta có thể lấy kí ức làm nhiên liệu để sống.” Thi thoảng đôi ba hồi ức về “mùa hè quê nội hiện ra trong tâm trí nó như một đoạn phim quay chậm nhiều hình khối. Đó là những chiều hái bần bên dòng sông Hiền Lương nước trong xanh mát. Những chiều lùa trâu về cùng lũ bạn mà nơi khóe miệng còn vương lại mẩu khoai nướng than thơm hổi tụi bạn chăn trâu nướng chín giữa đồng. Những chiều mót lạc sau cơn mưa chiều, đất bị mưa xối, những chùm lạc trắng phớ hiện rõ cả ra, phơi mình giữa luống đất. Bọn trẻ con nhao nhao mót lạc về luộc trên bếp lửa bập bùng khói, lạc non ăn mềm ngọt thanh tận đầu lưỡi.” Phải hay không, chúng ta cần điều gì đó để tựa vào mỗi khi bị ngoảnh mặt quay lưng? Và đó không gì xa xôi, mà ngay trong ngăn kéo nơ-ron đã đựng đầy sẵn những liều thuốc tâm hồn như thế.

Mùa hè này Hân phải trở về quê nhưng trước đó “thật sự nó không muốn”. Rồi thì, khi “nhìn ra ban công căn phòng trọ, nơi có những đóa sen đá đang vươn mình bung nở”, Hân nhớ tới “đóa sen trắng trong nhưng vô cùng cứng cỏi”. Ta cũng như Hân có cho riêng mình một mái nhà, phải nhìn vào từng mảnh đời của Hải để trân quý và cất giữ cẩn thận báu vật của cuộc đời mình. Bởi lẽ, như lời cố nhân: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”.

Người ta thường nói những người mà bản thân có cơ duyên chạm mặt, ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng lên ý thức. Và lẽ nào, Hải là một người như vậy. Hải đã cho cô biết rằng: “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người". Sự thứ tha, lòng yêu thương dường như đã khỏa lấp “buồng tim” của Ngọc Hân. Giờ đây, “đoàn tàu đã đi xa rồi, và sân ga của mùa hạ rất cũ đang đón chờ nó”, chờ cả độc giả đang mất đi la bàn trên chuyến hành trình tìm về thương yêu, đưa mọi thứ an bình về lại với người xưa chốn cũ. Quả như nhà văn viết truyện thiếu nhi nổi tiếng Andecxen từng viết: “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do chính cuộc sống viết ra.”

Mùa hạ buồn man mác tạc sang phương trời khác, nhường chân cho mùa hè ấm áp tình người. Vẻn vẹn vài câu chữ, nhưng đã khơi gợi ra một chiều sâu miên man vô định. Chất thơ, chất người còn cả chất Hiền Trần trong ấy nữa. Hải đã ôm ấp những buồn đau của chính mình và Ngọc Hân ra khỏi “hành lí cuộc đời”, cho chính những người dừng chân tại câu chuyện của cô thêm yêu, thêm quý và thấu hiểu chiếc mái ấm của bản thân.

“Không nơi nào có thể sánh được với ngôi nhà ta đang ở. Dù đã ở chán chê nhưng đó vẫn là nơi ấm cúng và thân thuộc nhất.” (Reply 1988)
e6888647.jpg
 
Sửa lần cuối:
551
3
1

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top