Baivanhay Chất lãng mạn trong hồn thơ Quang Dũng qua khổ thơ 1 của bài thơ “Tây Tiến”

Baivanhay Chất lãng mạn trong hồn thơ Quang Dũng qua khổ thơ 1 của bài thơ “Tây Tiến”

Nhà thơ Vũ Quần Phương đã từng nhận xét: “Quang Dũng đứng riêng một ốc đảo, đặc biệt với bài thơ “Tây Tiến”, ông không có điểm gì chung với những nhà thơ khác, ông đứng riêng biệt lập như một hòn đảo giữa các nhà thơ kháng chiến”. Ở mười bốn câu thơ đầu, nhà thơ Quang Dũng đã vẽ lên bức tranh núi rừng, bức tranh con người với ngòi bút hiện thực nhưng vẫn đậm chất lãng mạn.

Xanh dương và Xanh mòng két Màu chuyển tiếp Công nghệ và Chơi trò chơi Dịch vụ Trang web (11).png


Đề bài:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.
Sào Khai sương lấp đoàn quân mỏi,
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.”
(Trích “Tây Tiến”)

Phân tích bức tranh thiên nhiên và hình ảnh người lính trong đoạn thơ trên, Từ đó, nhận xét chất lãng mạn trong thơ Quang Dũng.

Bài văn mẫu

Quang Dũng là nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Pháp, ông mang một hồn thơ phóng khoáng, nổi bật lên nét “trung hậu, yêu tha thiết quê hương, đất nước mình”. Dù viết ít, viết theo cảm hứng nhưng ông đã thực sự thành công khi viết về người lính và “Tây Tiến” là bài thơ tiên phong cho phong cách thơ Quang Dũng. Nhà thơ Vũ Quần Phương đã từng nhận xét: “Quang Dũng đứng riêng một ốc đảo, đặc biệt với bài thơ “Tây Tiến”, ông không có điểm gì chung với những nhà thơ khác, ông đứng riêng biệt lập như một hòn đảo giữa các nhà thơ kháng chiến”.

“Tây Tiến” có thể coi là bức phù điêu, khắc họa những tượng đài anh hùng với vẻ đẹp vừa “kiêu hùng mà tình tứ, cháy bỏng khát khao lập công của một thời đại anh hùng rực lửa mà lại rất lãng mạn, hào hoa”. Ở mười bốn câu thơ đầu, nhà thơ Quang Dũng đã vẽ lên bức tranh núi rừng, bức tranh con người với ngòi bút hiện thực nhưng vẫn đậm chất lãng mạn.

Bước vào không gian của bài thơ “Tây Tiến”, ta thấy nguồn cảm xúc chủ đạo là nỗi nhớ. Và nỗi nhớ ấy được cất lên ngay từ câu thơ đầu tiên làm ta vừa bất ngờ, nhưng cũng vừa náo nức, một tiếng gọi dường như đã làm sống dậy cả một miền kí ức để rồi những kỉ niệm ùa về:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi.”

Câu thơ cảm thán kết hợp với điệp từ “nhớ” gợi lên những nỗi nhớ, nỗi thương dâng trào về một thời đã qua, về một vùng đất đã xa. Lời gọi “Tây Tiến ơi” rất tha thiết khắc khoải, Tây Tiến không chỉ là một cái tên mà dường như nó đã trở thành người thân thương ruột thịt. Quang Dũng gọi tên “sông Mã” ngay từ những dòng thơ đầu, địa danh ấy cũng là hiện thân tiêu biểu của vùng rừng núi Tây Bắc. Trên quãng đường hành quân, dòng sông ấy không chỉ là một địa danh trên bản đồ địa lý mà đã trở thành người bạn, người tri kỷ, là chứng nhân lịch sử đã chứng kiến biết bao đau thương, gian khó, vui buồn của người lính chiến trong suốt cuộc trường chinh. Thế nên trong nỗi nhớ của Quang Dũng, trước hết là nhớ về binh đoàn Tây Tiến thân yêu, sau là về Tây Bắc với dòng sông Mã vương đầy kỷ niệm. Không chỉ có như vậy, trong ấn tượng, trong nỗi nhớ của nhà thơ còn có hình ảnh của rừng núi, đó là nỗi nhớ “chơi vơi” lạ lùng! Ký ức thật lung linh huyền diệu!

"Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi"


Từ hai câu thơ khơi nguồn đầy thiết tha mạch chảy dòng hoài niệm của nhà thơ mở ra lan toả, lay động và xôn xao trong lòng. Hai địa danh Sài Khao, Mường Lát vốn dĩ là không gian địa lý nay trở thành mốc thời gian lịch sử. Hình ảnh “đoàn quân mỏi” giữa Sài Khao sương lấp đập mạnh gây ấn tượng. Sự chân thực sinh động của hình ảnh thơ khiến ta như hình dung thấy sự khắc nghiệt của những ngày phải đương đầu với trận mạc, đối đầu với thiếu thốn, khó khăn. Cảnh thực chợt nhòa đi bơi hoa, bởi sương, gây được ấn tượng nhiều chiều trong tâm trí người đọc. Không gian được liên tưởng tới là Mường Lát trong những cuộc hành quân đẫm sương đêm, hoa nở giữa rừng thơm ngát, khiến những bước chân giữa đêm khuya tưởng nặng nề những nay lại được tiếp thêm sức mạnh. Dốc, đèo cao, ngút ngàn, hiểm trở:

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”

Nhà thơ sử dụng một loạt các từ láy tượng hình “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút”, kết hợp với cách ngắt nhịp 4/3 như chặt đôi câu thơ, mật độ thanh trắc dày đặc khiến câu thơ trúc trắc gợi sự vất vả, nhọc nhằn. Những phép tu từ đó mở ra trong tâm tưởng người đọc ấn tượng về sự gập ghềnh, hiểm trở, ẩn chứa bao bất trắc, nguy hiểm của núi cao, vực sâu nơi núi rừng miền Tây. Hình ảnh “súng ngửi trời” là một nhân hoá táo bạo, đặc tả sự chót vót của dốc núi. Người lính Tây Tiến leo lên đỉnh dốc, cảm tưởng như mũi súng có thể chạm mây. Từ đó, ta cũng thấy được nét tinh nghịch khoẻ khoắn, vẫn có thể trêu đùa vô tư sau một chặng đường hành quân vất vả, mệt nhọc của các anh lính Tây Tiến. Phép đối “ngàn thước lên cao – ngàn thước xuống” càng nhấn mạnh độ gập ghềnh, hình sông thế núi trập trùng, hiểm trở của thiên nhiên miền Tây. Ba câu thơ giàu chất hội hoạ, dựng lên bức tranh hoang vu, dốc đèo đứt nối, hùng vĩ trên con đường hành quân của chiến sĩ Tây Tiến.

Người lính như thả hồn vào cõi mộng của đêm hơi giữa rừng núi, tận hưởng hương thơm của hoa rừng. Câu thơ toàn vần bằng: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” như một cơn gió mát lau khô những giọt mồ hôi lăn dài trên vầng trán của các anh. Vần mở “ơi” đặt cuối câu tạo cảm giác nhẹ nhàng gợi ra những phút giây nghỉ ngơi thư giãn của người lính. Họ đứng trên những đỉnh núi, thưởng thức chút bình yên, vẻ đẹp lãng mạn của núi rừng, phóng tầm mắt, thấy mưa rừng giăng mờ nơi bản làng Pha Luông xa xôi. Bốn câu thơ vừa gợi ra sự dữ dội hoang vu, sự êm đềm của núi rừng, vừa gợi ra những cuộc hành quân vất vả nhọc mệt nhưng đầy trẻ trung, yêu đời của các chàng trai Tây Tiến.

Người lính Tây Tiến không chỉ đối diện với dốc cao vực sâu mà còn phải chịu những mất mát hi sinh:

“Anh bạn dãi dầu không bước nữa,
Gục lên súng mũ bỏ quên đời.”

Cách nói tránh về cái chết “không bước nữa”, “bỏ quên đời” gợi tư thế ngạo nghễ của người lính Tây Tiến. Họ chủ động chấp nhận cái chết, coi nó chỉ đơn giản như một giấc ngủ mà thôi. Tư thế hi sinh “gục lên súng mũ” đầy xót xa nhưng cũng thật hào hùng. Hình ảnh về người lính anh dũng hi sinh ấy sau này ta còn bắt gặp trong “Dáng đứng Việt Nam”: “Và anh chết trong khi đang đứng bắn- Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng”. Câu thơ đã tiếp tục cảm hứng bi tráng khi xây dựng chân dung người lính Tây Tiến.

Cái dữ dội, hoang vu, bí ẩn của núi rừng Tây Bắc được diễn tả thật ấn tượng với ý thơ:

“Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”

Đó là những ấn tượng ghi dấu nơi tâm khảm của người lính trong những chiều hành quân, là khi mà cái âm u, hoang dã và bí ẩn của núi rừng được hiện ra rõ nhất. Các từ láy chỉ biên độ lặp lại thường xuyên của thời gian” chiều chiều”, “đêm đêm” kết hợp với biện pháp nhân hoá “thác gầm thét”, “cọp trêu người” đã nhấn mạnh vẻ bí hiểm, dữ dội, hoang dã chứa đầy nguy hiểm, cái chết luôn luôn rình rập đe doạ người lính của núi rừng miền Tây. Sự nguy hiểm ấy không chỉ trải rộng trong không gian mà còn kéo dài và lặp lại thường xuyên theo thời gian.

Sau chặng đường hành quân thấm mệt với bao sương gió cuối cùng người lính cũng tìm được bến dừng chân. Những bản làng thôn xóm trở thành cái tên thân thương trong tiềm thức:

“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”.

Hình ảnh gắn với tình quân dân chợt hiện về để rồi luôn nhung nhớ những bữa cơm tỏa thơm nếp xôi. Trong “Tiếng hát con tàu” Chế Lan Viên từng viết:

"Anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch
Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng
Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch
Bữa xôi đầu còn nhớ tỏa mùi hương".

Quang Dũng đã lựa chọn địa danh có tên nghe thật êm ái, gợi ra sự bình yên “Mai Châu” nếu như không lựa chọn địa danh này mà thay nó bằng “Lai Châu” có lẽ sự duyên dáng của câu thơ sẽ vơi đi vài phần. Ở đây, “mùa em” đó là mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông uống nước, mùa em đi phát rẫy làm nương, mùa ta gặp nhau mùa trao yêu thương mùa vương luyến nhớ để xa rồi sẽ mãi mãi không quên.

Mười bốn dòng thơ đầu, tựa như những thước phim tư liệu nhưng đầy giá trị nghệ thuật về cuộc sống của người lính Tây Tiến. Giữa hiện thực đau thương mất mát như vậy, cảm hứng lãng mạn sẽ nâng đỡ tâm hồn con người, giúp chúng ta bay lên để nắm lấy niềm tin hướng về tương lai. Cảm hứng lãng mạn của bài thơ “Tây Tiến”, trước hết là nỗi nhớ ngập tràn khắp bài thơ, chính nỗi nhớ ấy đã xóa dịu đi sự đau thương bởi cái chết mang lại, xoa dịu đi những khó khăn, gian khổ, thiếu thốn mà người lính Tây Tiến nói riêng và người lính thời kì kháng chiến chống Pháp nói chung. Bên cạnh đó, cảm hứng lãng mạn, nằm ở cách đan xen hài hòa giữa hình ảnh hùng vĩ, dữ dội của thiên nhiên với vẻ đẹp tâm hồn của người lính khi kiêu hùng, lúc tài hoa.

Đoạn thơ là sự phối kết hợp hài hòa giữa hai bút pháp hiện thực và lãng mạn. Một hiện thực trần trụi về những gian khổ, hi sinh; một cái nhìn lãng mạn trong cách đối mặt với hiện thực. Bởi xét cho cùng, dù gì ‘thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”. Và cuộc đời thơ Quang Dũng thì ông luôn biết cách khiến độc giả mê mẩn. Khép lại những trang thơ hào hùng nhưng dư âm của nó có lẽ vẫn còn vương mãi.

Các bạn có thể tham khảo thêm tài liệu liên quan đến nhà thơ Quang Dũng và bài thơ "Tây Tiến"
TẠI ĐÂY!
 
Từ khóa
bài thơ tây tiến quang dũng tây tiến
  • Like
Reactions: Vanhoctre
1K
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top