Đề kiểm tra lớp 12 Đồng Nai cuối năm học 2022

Đề kiểm tra lớp 12 Đồng Nai cuối năm học 2022

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 33 đến từ Nam Định

ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KỲ - SỞ GD & ĐT ĐỒNG NAI​

NĂM HỌC 2021 – 2022

Thời gian làm bài: 120 phút, không tính thời gian phát đề

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)​


Đọc đoạn trích:

Nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn có câu: “Trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Nếu không đi thì đường ở đâu mà có.

Cho nên, câu khẩu hiệu của Nike là: “Just do it”. Hãy làm đi. Làm bất cứ điều gì. Vì tuổi trẻ chỉ có một lần. Thời gian trôi qua là không quay trở lại. Thay vì chần chừ, đắn đo, sợ hãi, tại sao không bước ra ngoài và làm điều có ích. Còn nói theo cha ông ta ngày trước thì học đi đôi với hành. Đi học, đọc sách, tiếp thu kiến thức là một chuyện, phải hành động, phải thực hành mới khiến kỹ năng của ta khá lên.

Việc thiếu sót năng lực hành động có thể hạn chế người trẻ hòa nhập vào thế giới. Mà để phát triển khả năng hành động không cần phải làm gì lớn lao, mở nhà trọ hay mở công ty.

Chỉ cần bắt đầu từng bước nhỏ một.

Hãy làm gì đó. Đừng ngồi yên”.


(Trích Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?, Rosie Nguyễn, NXB Hội nhà văn, 2018, tr. 115)

Thực hiện các yêu cầu sau:​


Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2. Theo tác giả, vì sao người trẻ cần: Hãy làm đi. Làm bất cứ điều gì?
Câu 3. Đoạn trích cho thấy những ích lợi gì của việc tích cực hành động ?
Câu 4. Bài học tâm đắc nhất anh/chị rút ra từ văn bản trên là gì ?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)​


Câu 1. (2.0 điểm)

Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về những giải pháp phát triển năng lực hành động của bản thân.

Câu 2. (5.0 điểm)

“Những tấm ảnh tôi mang về, đã được chọn lấy một tấm. Trưởng phòng rất bằng lòng về tôi.

Không những trong bộ lịch năm ấy mà mãi mãi về sau, tấm ảnh chụp của tôi vẫn còn được treo ở nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật. Quái lạ, tuy là ảnh đen trắng nhưng mỗi lần ngắm kĩ, tôi vẫn thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai lúc bấy giờ tôi nhìn thấy từ bãi xe tăng hỏng, và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ tôi cũng thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh, đó là một người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch, tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng, khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm. Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân giậm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông


(Trích Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu, Ngữ văn 12, tập 2, NXB Giáo Dục Việt Nam, 2018, Tr. 77-78)

Phân tích cái nhìn của Phùng trong đoạn trích trên. Từ đó, anh/chị hãy nhận xét về quan niệm nghệ thuật của tác giả Nguyễn Minh Châu.

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI THI HỌC KỲ SỞ GD & ĐT ĐỒNG NAI​


I. ĐỌC HIỂU​

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

Câu 2. Theo tác giả, người trẻ cần: Hãy làm đi. Làm bất cứ điều gì. Vì tuổi trẻ chỉ có một lần. Thời gian trôi qua là không quay lại. Thay vì chần chừ, đắn đo, sợ hãi, tại sao không thử bước ra ngoài, và làm điều có ích.

Lưu ý: Câu “Thay vì chần chừ, đắn đo, sợ hãi, tại sao không thử bước ra ngoài, và làm điều có ích” không chép vào cũng không sao cả.

Câu 3. Đoạn trích cho thấy những ích lợi của việc tích cực hành động:

- Tích cực hành động làm con người có tinh thần xông pha, dám chấp nhận mạo hiểm, sống dấn thân.

- Giúp bạn trẻ hiểu rằng: Để phát triển bản thân và hòa nhập thế giới, các bạn trẻ phải biết vượt ra khỏi “vùng an toàn” tự khám phá và tìm lối đi riêng, phải “bước ra ngoài, và làm điều có ích”

- Học phải đi đôi với hành, lý thuyết phải gắn với thực tế đời sống, phải hành động, phải cọ xát với thực tế thì mới có thể phát triển được kỹ năng và năng lực hành động của bản thân.

- Tích cực hành động khiến con người năng động, linh hoạt, tránh được sự thụ động, chần chừ. Tích cực hành động còn làm cho ta thấy lạc quan, yêu đời, biết quý trọng tuổi trẻ, quý trọng thời gian, hiểu được ý nghĩa của tuổi trẻ.

Câu 4. Bài học tâm đắc:

- Hs có thể làm theo nhiều cách, các bài học có thể rất phong phú nhưng phải bám sát vào ngữ liệu Đọc hiểu trong đề. Các tổ chấm cũng nên cân nhắc, mở rộng điểm và tôn trọng cách hiểu của HS.

- Gợi ý:

+ Tuổi trẻ dứt khoát không được ngồi yên, mà hãy hành động, hãy làm gì đó.
+ Phải phát huy năng lực bản thân để phát triển khả năng hành động.
+ Hành động là chìa khóa của thành công.
+ Học phải đi đôi với hành.

II. LÀM VĂN​

Câu 1.

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng- phân- hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: giải pháp để phát triển năng lực hành động của bản thân.

c. Triển khai vấn đề cần nghị luận
Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận. Có thể theo hướng:

Thường xuyên trau dồi kiến thức, trau dồi kỹ năng sống; luôn tư duy, luôn hành động; rèn luyện kỹ năng sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm. Bản thân phải luôn tạo động lực thúc đẩy mình, sống tích cực, lạc quan, giàu ước mơ và khát vọng. Đặt mục tiêu hành động nhưng phải phù hợp với năng lực bản thân và tình hình thực tế, tránh ảo tưởng xa vời.

Câu 2.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cái nhìn, sự khám phá, phát hiện của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng trong đoạn trích. Qua đó nhận xét về quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau:

* Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Minh Châu, tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” và đoạn trích.

* Cảm nhận:

– Tấm ảnh chiếc thuyền ngoài xa là thành công của nghệ sĩ Phùng: anh chinh phục được trưởng phòng “trưởng phòng rất bằng lòng về tôi” (tài năng được công nhận); tấm ảnh có giá trị lâu bền, được công chúng đón nhận, trân trọng “không chỉ trong bộ ảnh năm ấy mà còn mãi mãi về sau”. Đây là phần thưởng cao quý của người nghệ sĩ.

– Cái nhìn của Phùng (Nội dung được phản ánh trong bức ảnh):

+ “màu hồng hồng của ánh sương mai”, đó là chất thơ, vẻ đẹp trong trẻo, lãng mạn của thiên nhiên và cuộc sống. Đối lập với sắc màu tươi sáng ấy là hình ảnh “bãi xe tăng hỏng” (tàn tích chiến tranh, sự thật nghiệt ngã thời hậu chiến). Phải chăng “màu hồng hồng” là niềm tin vào tương lai tươi sáng của Phùng.

+ Hình ảnh “người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh…”, đó là hiện thân của hình ảnh con người thời hậu chiến với những lam lũ, khó nhọc, là sự thật cuộc đời.

+ Hình ảnh người đàn bà “bước chậm rãi, bàn chân giậm những bước chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông” là niềm tin của nhà văn vào sự cứng cỏi, nghị lực, bản lĩnh, tin vào sức vươn dậy của con người trong hành trình đi lên của cuộc sống.

++ Các em có thể nói thêm những nghịch lý mà thầy đã dạy rất “công phu”.

* Nhận xét về quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu:

- Nghệ thuật chân chính không thể tách rời, thoát li cuộc sống. Nghệ thuật chính là cuộc đời và phải vì cuộc đời.

(Phân tích thêm: Tác phẩm nghệ thuật phải bắt nguồn từ cuộc đời là tiếng nói của cuộc đời thì đó mới là nghệ thuật chân chính. Và vẻ đẹp của nghệ thuật chỉ có được khi người nghệ sĩ thực sự lăn lộn với đời sống, để chưng cất từ máu và nước mắt của con người trong cuộc mưu sinh mà làm nên tác phẩm của mình. Nếu tác phẩm không xuất phát từ cuộc đời thì nó chỉ là “ánh trăng lừa dối” mà thôi. Bởi vậy trách nhiệm của người nghệ sĩ là phải đưa nghệ thuật đến gần với cuộc đời, dùng nghệ thuật để tô điểm cho vẻ đẹp cuộc đời, bởi cái Đẹp là cái giúp con người hướng thiện, thanh lọc tâm hồn con người, “Cái đẹp cứu rỗi thế giới” (Dostoiepki). Muốn vậy người nghệ sĩ phải có cái tâm với nghề, có trách nhiệm với lao động nghệ thuật, cũng như phải có trách nhiệm với cuộc đời, phải trung thực, dũng cảm nhìn thẳng vào vấn đề. Không được tô hồng hiện thực mà phải khám phá, phát hiện những góc khuất của đời sống để cải tạo cái ác, cái xấu, làm đẹp cho cuộc đời. Phải rút ngắn khoảng cách giữa nghệ thuật và cuộc đời.)

- Người nghệ sĩ phải có cái nhìn đa diện nhiều chiều để đánh giá khách quan thì mới có thể đưa nghệ thuật vươn tới chiều sâu nhân bản. Người nghệ sĩ không chấp nhận cái nhìn hời hợt bên ngoài, càng không chấp nhận kiểu người đứng ngoài cuộc, đứng trên cao để phán xét.

* Về nghệ thuật: trần thuật hấp dẫn, khách quan. Xây dựng tình huống truyện độc đáo, bất ngờ mang tính nhận thức và khám phá. Tâm lý nhân vật được miêu tả tinh tế, chân thực. Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, chắt lọc. Giọng điệu trầm lắng, trăn trở suy tư, nhiều dư vị, nhiều liên tưởng bất ngờ, nhiều chiêm nghiệm, giàu chất triết lí…

d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ; áp dụng lý luận văn học, mở rộng so sánh...

Nguồn: Thầy Danh Hiếu​
 
Từ khóa
chiec thuyen ngoai xa giải pháp phát triển năng lực hành động hãy làm đi ích lợi gì của việc tích cực hành động làm bất cứ điều gì phân tích cái nhìn của phùng phương thức biểu đạt chính quan niệm nghệ thuật của tác giả nguyễn minh châu vì tuổi trẻ chỉ có một lần
738
3
3

Xuân Vũ

Thành Viên
5/11/21
192
234
43,000
19
Xu
2,678,371
uii, em vừa thi sáng nay
 
  • Like
Reactions: Xuân Hòa

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top