Đề thi thử kì thi THPT Quốc gia - Bảo Lộc, Lâm Đồng (có đáp án)

Đề thi thử kì thi THPT Quốc gia - Bảo Lộc, Lâm Đồng (có đáp án)

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 32 đến từ Nam Định
Bàn tay em(Xuân Quỳnh) - Suy nghĩ về vai trò người phụ nữ - Người đàn bà trong Chiếc thuyền ngoài xa
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:


Trời mưa lạnh tay em khép cửa
Em phơi mền, vá áo cho anh
Tay cắm hoa, tay để treo tranh
Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc.

Năm tháng đi qua mái đầu cực nhọc
Tay em dừng trên vầng trán lo âu
Em nhẹ nhàng xoa dịu nỗi đau
Và góp nhặt niềm vui từ mọi ngả.

Khi anh vắng, bàn tay em biết nhớ
Lấy thời gian đan thành áo mong chờ
Lấy thời gian em viết những dòng thơ
Để thấy được chúng mình không cách trở

Bàn tay em, gia tài bé nhỏ
Em trao anh cùng với cuộc đời em.


(Trích Bàn tay em, Xuân Quỳnh, Những nhà thơ Việt Nam thời chống Mỹ, NXB Kim Đồng, 2007, tr.158-159)​

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1.
Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?
Tự do

Câu 2. Chỉ ra những việc mà “bàn tay em” đã làm trong đoạn trích?
Khép cửa, phơi mền, vá áo, cắm hoa, treo tranh, thắp đèn đêm cho anh đọc sách, xoa dịu nỗi đau, góp nhặt niềm vui, nhớ, đan áo, viết dòng thơ.

Câu 3. Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ chủ đạo ở khổ thơ sau:

Trời mưa lạnh tay em khép cửa
Em phơi mền, vá áo cho anh
Tay cắm hoa, tay để treo tranh
Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc.


  • Hoán dụ, lấy cái bộ phận “tay” để chỉ tổng thể con người
  • Biện pháp tu từ chủ đạo: Liệt kê
  • Tác dụng:
  • Làm cho câu thơ sinh động, tăng tính gợi hình, gợi cảm
  • Ngợi ca sự chu toàn, khéo léo, đảm đang của bàn tay em luôn quan tâm, chăm sóc, yêu thương anh tuyệt đối.
Câu 4. Anh/ Chị có đồng tình với ý thơ “Bàn tay em, gia tài bé nhỏ” không? Vì sao?

Tuy Xuân Quỳnh viết "gia tài bé nhỏ" nhưng tôi lại thấy đó là gia tài không nhỏ chút nào. Xuân Quỳnh không nhắc gì tới nhan sắc hay tài năng, chỉ có đôi bàn tay và coi đó là gia tài lớn nhất của mình nhưng kỳ thực những vẻ đẹp "công", “dung”, “ngôn”, “hạnh” của người vợ đều đã toát lên từ đôi bàn tay thảo hiền ấy. Đôi bàn tay đầy chai và gân xanh chính là hiện thân của người phụ nữ biết chăm lo, vun vén. Không biểu đạt tình yêu của mình bằng ngôn ngữ, bằng cảm xúc của ánh mắt, chị âm thầm thể hiện tình yêu bằng những việc làm giản dị qua sự ân cần , là nơi biểu đạt một tâm hồn tinh tế, lãng mạn:

“Trời mưa lạnh tay em khép cửa
Em phơi mền vá áo cho anh
Tay cắm hoa tay để treo tranh
Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc”


Và không chỉ có thế, đôi bàn tay mà người chồng không để ý ấy còn biết sẻ chia bao điều trong cuộc sống: Tay em dừng trên vầng trán lo âu/ Em nhẹ nhàng xoa dịu nỗi đau/ Và góp nhặt niềm vui từ mọi ngả. Chỉ là những công việc đời thường thôi nhưng vẫn lấp lánh vẻ đẹp tinh tế. Em bận rộn nhưng không quên để ý thời tiết, sức khỏe, cái ăn cái mặc, công việc của anh… thậm chí là niềm vui tinh thần của anh nữa. Đôi bàn tay nhỏ bé tất bật và luôn hướng về gia đình, về anh. Chỉ là những công việc đời thường nhưng chứa đựng bao yêu thương và chăm chút. Đem bàn tay không thon dài, không trắng nõn búp măng ra để khoe với chồng là gia tài của mình thì có nghĩa người vợ ấy cũng rất tự tin về giá trị ẩn chứa trong đôi tay đó. Và quả thực, đôi bàn tay của Xuân Quỳnh chính là nơi ghi dấu và nuôi dưỡng, biểu đạt tâm tư, tình cảm nhiều nhất. Đó là nỗi vất vả, cô đơn suốt thời thơ ấu. Đó là một tâm hồn phụ nữ mong manh, biết trân trọng những giá trị của tình yêu: Trong tay anh, tay của em đây/ Biết lặng lẽ vun trồng gìn giữ.

Bằng việc sử dụng kết hợp rất chính xác và tinh tế các thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ, hoán dụ, so sánh, tác giả Xuân Quỳnh đã khắc họa một cách chân thực và sinh động hình ảnh người phụ nữ dịu dàng, tần tảo, đảm đang, chung thủy, nặng tình, nặng nghĩa, giàu đức hy sinh. Hình ảnh đôi bàn tay cũng chính là sự thể hiện niềm tin, khát vọng về cuộc sống bình dị, ấm êm và hạnh phúc của người phụ nữ. Đôi bàn tay tuy nhỏ nhưng chẳng nhỏ chút nào.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ hình ảnh “bàn tay em”, anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện nay.

Bài viết cần nêu được các ý:
Khẳng định: người phụ nữ dù ở bất kỳ thời đại nào, quốc gia, dân tộc nào cũng giữ vai trò vô cùng quan trọng.
Tầm quan trọng của người phụ nữ.:
- Người phụ nữ có vai trò quan trọng không thể thiếu trong mỗi gia đình:
++ Chủ động chăm lo, vun vén cho hạnh phúc gia đình.
++ Quan tâm, thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của chồng và các con.
++ Là người biết nhẹ nhàng xoa dịu, đẩy lùi buồn phiền, khổ đau của mọi người.
++ Là sợi dây gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.
++ Là một lao động chính tăng thêm thu nhập cho gia đình.
- Người phụ nữ có vai trò quan trọng đối với xã hội:
++ Người phụ nữ trong xã hội ngày nay nắm giữa rất nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước.
++ Tham gia nhiệt tình, hiệu quả các hoạt động đoàn thể, câu lạc bộ...

Bài học nhận thức và hành động:
Về nhận thức: hiểu được vai trò quan trọng của người phụ nữ trong xã hội.
Về hành động: yêu thương, chăm sóc những người phụ nữ quanh ta. Biết trân trọng, ngợi ca, đề cao những vẻ đẹp của họ.

Câu 2. (5,0 điểm)
Phân tích số phận và vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật người đàn bà hàng chài được nhà văn Nguyễn Minh Châu thể hiện trong đoạn trích sau:

“…Người đàn bà hướng về phía Đẩu, tự nhiên chắp tay lại vái lia lịa:
- Con lạy quý toà...
- Sao, sao?
- Quý toà bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó...
Lúc bấy giờ tôi đang ngồi giấu mặt sau bức màn vải hoa ngăn chỗ làm việc bên ngoài và phòng ngủ bên trong của Đẩu. Sau câu nói của người đàn bà, tôi cảm thấy gian phòng ngủ lồng lộng gió biển của Đẩu tự nhiên bị hút hết không khí, trở nên ngột ngạt quá. Tôi vén lá màn bước ra.
Người đàn bà nhận ra được tôi ngay. Mụ nhấp nhổm xoay mình trên chiếc ghế như bị kiến đốt, và về sau tôi mới sực nghĩ ra, mụ nghĩ rằng toà án đã bố trí sẵn tôi ngồi phía sau để chuẩn bị làm nhân chứng.
- Chị cứ ngồi nguyên đấy! – Đẩu nói với vẻ đầy hào hứng của một con người bảo vệ công lí vừa có thêm người đến tiếp viện, anh chạy sang phòng bên xách một chiếc ghế cho tôi. Bấy giờ dưới con mắt của người đàn bà hàng chài, vị chánh án không phải là Đẩu đã trở về ngồi sau chiếc bàn lớn mà là tôi, với mấy vết thương đã lên da non nhưng vẫn để dấu vết trên mặt.
- Tuỳ bà! – Đẩu thay đổi cách xưng hô, khoác lên mình cái cung cách bề ngoài của một vị chánh án - chủ trương nguyên tắc của chúng tôi là kêu gọi hoà thuận...
Đang ngồi cúi gục xuống, người đàn bà bỗng ngẩng lên nhìn thẳng vào chúng tôi, lần lượt từng người một, với một vẻ ban đầu hơi ngơ ngác.
- Chị cám ơn các chú! - Người đàn bà đột nhiên thốt lên bằng một giọng khẩn thiết - Đây là chị nói thành thực, chị cám ơn các chú. Lòng các chú tốt, nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn... cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc...”


(Trích Chiếc thuyền ngoài xa, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam 2020, tr.74)​
Dàn ý:

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm (và vấn đề cần nghị luận).

*Phân tích số phận và vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật người đàn bà hàng chài qua đoạn trích


Hoàn cảnh: Người đàn bà bị chồng đánh nên được chánh án Đẩu mời đến để bàn chuyện hòa giải.
Số phận và vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật người đàn bà hàng chài qua đoạn trích

+Số phận: Dường như mọi sự bất hạnh của cuộc đời đều trút cả lên người đàn bà, xấu, nghèo khổ, lam lũ, lại phải thường xuyên chịu những trận đòn roi của chồng vũ phu, tổn thương, đau xót cho các con phải nhìn cảnh bố đánh mẹ...Chính vì bị bạo hành mà đã đến tòa án huyện với sự rụt rè, tội nghiệp: Mụ nhấp nhổm xoay mình trên chiếc ghế như bị kiến đốt.

+Vẻ đẹp khuất lấp:

++ Rất mực yêu chồng, thương con: Vì thương con nên bà dứt khoát không bỏ chồng, không muốn li hôn. Chỉ có bà mới hiểu nguyên nhân sâu xa lão đàn ông trở nên vũ phu, đó là do nghèo đói, khổ quá.

++ Có tấm lòng bao dung, vị tha, nhân hậu: Bà coi việc mình bị đánh đập như một phần đã rất quen thuộc của cuộc đời mình, bà chấp nhận, không kêu van, không trốn chạy. Khi được đề nghị giúp đỡ thì van xin lạy: Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được nhưng đừng bắt con bỏ nó. Bà nhận tất cả lỗi về phía mình, nhận tất cả khổ đau để cho con còn có cha, gia đình có người đàn ông chèo chống lúc phong ba.

++ Sắc sảo, thấu hiểu lẽ đời, thông minh tinh tế: Có thể thấy được qua cách mà người đàn bà hàng chài đã chủ động thay đổi cách xưng hô từ “con”- “quý tòa” sang “chị - các chú”. Dưới góc nhìn ngôn ngữ có thể thấy người phụ nữ khốn khổ ấy đã khéo léo chuyển từ mối quan hệ thứ bậc (con - quý tòa) sang quan hệ thân sơ (chị - chú). Khen người ta trước "lòng các chú tốt" rồi mới phê bình người ta “các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc...” là một cách hữu hiệu để bà có dịp chỉ cho Đẩu và Phùng thấy được những khuyết điểm của mình.

Nghệ thuật:

Xây dựng được tình huống truyện mang ý nghĩa khám phá, phát hiện đời sống.
Ngôn ngữ người kể chuyện thể hiện qua nhân vật Phùng, sự hóa thân của tác giả làm cho câu chuyện trở nên khách quan, chân thật, giàu sức thuyết phục.
Ngôn ngữ nhân vật phù hợp với đặc điểm tính cách.
Lời văn giản dị, mộc mạc mà sâu sắc, đa nghĩa.

* Đánh giá

Qua số phận và vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật người đàn bà hàng chài trong đoạn trích, Nguyễn Minh Châu thật sự cảm thông, đau xót trước tình trạng bạo lực trong gia đình hàng chài, trước bi kịch gia đình khủng khiếp, trước thân phận của người phụ nữ miền biển; bày tỏ tình yêu thương đối với những con người nhỏ bé, bất hạnh, lam lũ, nhọc nhằn. Nhà văn phát hiện, khẳng định vẻ đẹp của người đàn bà hàng chài, người phụ nữ Việt Nam: chăm chỉ, nhân hậu, bao dung, giàu lòng vị tha, đức hi sinh và sống kín đáo, sâu sắc lẽ đời.

Số phận và vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật người đàn bà hàng chài góp phần thể hiện phong cách nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu trong sáng tác văn học sau năm 1975: đậm triết lí nhân sinh với cảm hứng thế sự đời tư, quan tâm đến số phận con người.





.
 
Từ khóa
kì thi quốc gia 2021 nguoi phu nu người đàn bà làng chài trung học phổ thông đề thi có đáp án đề thi thử đôi bàn tay
1K
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top