Học cách nhìn nhận bản thân mình qua tác phẩm "Bức tranh" của Nguyễn Minh Châu

Học cách nhìn nhận bản thân mình qua tác phẩm "Bức tranh" của Nguyễn Minh Châu

Học cách nhìn nhận bản thân mình qua tác phẩm Bức tranh của Nguyễn Minh Châu.png

"Hàng ngày anh vẫn nói đùa một cách độc đáo với bạn rằng: tạo hóa nặn ra muôn loài, mỗi loài bằng một thứ bột nhão riêng khác nhau. Xong rồi mỗi thứ thừa một tý, đem gộp chung tất cả lại, để nặn ra anh?" - Trích từ truyện ngắn "Bức Tranh" của Nguyễn Minh Châu.

Tác phẩm “Bức tranh” của Nguyễn Minh Châu nói về lời tự thú của người họa sĩ về lỗi lầm của mình. Sau chiến tranh, người họa sĩ gặp lại người chiến sĩ năm xưa từng thồ tranh cho mình, và cũng là người từng cứu sống mình. Năm đó người thanh niên thồ tranh ấy nhờ ông vẽ một bức tranh thay lời báo bình an về quê nhà, nơi người mẹ đau buồn khổ sở vì nghĩ rằng anh đã chết. Thế nhưng sau lời hứa chân thành, rời khỏi chiến trường bom đạn, ông vờ quên mất lời hứa mà đem bức tranh ra nước ngoài triển lãm. Ông đã sống cuộc sống vẻ vang, nhận được tiền bạc và tăm tiếng nhờ bức tranh trong khi người mẹ không biết sự tình đã phát bệnh đến mù lòa. Dù vậy, sau chiến tranh, anh chiến sĩ trở về với cuộc sống mưu sinh bình lặng không một lời oán than. Người họa sĩ nhận ra anh thanh niên một cách tình cờ trong một lần đi cắt tóc - anh là thợ cắt tóc, đối diện với tấm gương phản chiếu gương mặt mình, trước con người lương thiện dù qua bao tháng năm kia, ông đã phải nhìn nhận lại bản thân. Ông đã vẽ lại bức chân dung chính mình: “Cái khuôn mặt đó thoạt nhìn thật xấu xí và lạ lùng, nhưng càng nhìn lâu càng giống tôi.”

Tạm thời không nói đến những nghệ thuật và cách sử dụng ngôn từ góp phần làm nên sự thành công của tác phẩm, tôi xin được nêu lên những cảm nhận, những triết lý mà tôi cảm thụ được từ tác phẩm. Tập trung vào ý nghĩa, suy ngẫm về “bức chân dung tự họa” trong truyện ngắn “Bức tranh”

Ngay từ đầu người họa sĩ đã nhận định: “ Xưa nay tôi vẫn cho mình là một kẻ cũng biết tự trọng, và cũng biết suy nghĩ.”, “ Xưa nay tôi vẫn quan niệm rằng: sống ở đời, cho thế nào thì nhận thế ấy.” Nhưng ông bị đẩy vào tình huống người ông từ chối giúp đỡ lại liên tục giúp đỡ ông, người chiến sĩ không biết rằng những điều anh làm bước đầu đạp đổ quan điểm cứng nhắc đó, anh độ lượng, giúp đỡ và cả cứu mạng ông ta. Dù ông ta từng phiền não vì sao anh ta không làm theo lẽ thường, theo lẽ đời mà ta thường thấy, theo như lời người chiến sĩ: “Nếu tôi xử phạt anh, nếu tôi thực hiện cái quan niệm về luật công bằng ở đời của anh, thì cái hôm đó, tám năm trước đây, khi quay lại đón anh giữa suối, tôi đã xốc ngược anh lên rồi vứt tõm vào khúc suối giữa bãi đá tai mèo rồi!”
Người họa sĩ ấy tự nhận định: “ Thế nhưng tôi nhiều tuổi hơn? Tôi lại là một họa sĩ có tên tuổi? Xưa nay tôi chỉ mới thấy lòng độ lượng của kẻ trên đối với người dưới.”. Ông tự cho mình là người trưởng thành hơn, một họa sĩ tên tuổi và là “kẻ trên”, tự cho rằng mình cao quý hơn một “người thồ tranh”.

Cuối cùng, vì người họa sĩ cũng là “...kẻ cũng biết tự trọng, và cũng biết suy nghĩ.”, ông hối hận và muốn nhận được trừng phạt, để bản thân vơi bớt nỗi day dứt lương tâm. Nhưng đó lại không phải điều ông muốn là được, thanh niên năm xưa thậm chí thay ông nói ra những lời bào chữa mà ông từng lên kịch bản cho bản thân, sự tha thứ và độ lượng khiến ông cảm thấy hổ thẹn gấp ngàn lần so với việc bị vạch ra bộ mặt thật mà chỉ trích.

Không có bất kì một cái tên nào được nhắc đến xuyên suốt tác phẩm, ám chỉ chúng ta ai cũng có thể là người họa sĩ hoặc anh chiến sĩ kia, việc trở thành người như thế nào sẽ do ta quyết định. Dù người họa sĩ kia nhiều lần đặt ra những lời ngụy biện cho bản thân, kết cục vẫn không thay đổi được sự thật là lỗi lầm của mình đã gây nên hậu quả không thể vãn hồi.

Nếu như truyện chỉ tập trung về nỗi đau hay hối lỗi gì đó, thì có lẽ tác phẩm đã trôi tuột khỏi kí ức của tôi từ lâu. Đây có lẽ là một trong những tác phẩm dẫn dắt thế giới nội tâm tôi trưởng thành, bổ khuyết tư tưởng niên thiếu của tôi - lúc mà lần đầu tôi đọc nó. Để rồi sau này mỗi lần đối diện với những xung đột lợi ích trong cuộc sống, tôi luôn tự hỏi, liệu đối phương, hay là tôi, đang đeo lên lớp mặt nạ “người bị hại”. Và, người được lợi là ai, người đang ngụy biện là ai, để rồi đem theo nỗi thù hận hủy hoại nhau. Rồi, tôi là ai, có còn là “tôi” mà tôi luôn nghĩ, hay đã đánh mất bản thân trinh nguyên thuở ban đầu?

Câu chuyện cho ta cái nhìn sâu sắc về thứ ẩn sau gương mặt của con người. Trên đời này không ít người cũng giống như ông họa sĩ ấy, nhận định rằng: “ Xưa nay tôi vẫn cho mình là một kẻ cũng biết tự trọng, và cũng biết suy nghĩ.” Sẽ có không ít kẻ xấu xa lầm tưởng rằng mình cao cả, tự lừa dối bản thân. Lòng dạ người khác thế nào tôi không quản được, vậy nên so việc sợ lòng dạ người khác, tôi sợ lòng dạ của tôi hơn, tôi sợ tôi tự huyễn hoặc mình là người tốt. Đứng trước tư lợi, danh vọng, ai sẽ giữ lại được lý trí, bạn chắc đó sẽ là mình chứ(?). Nếu như câu chuyện trên không được kể theo ngôi thứ nhất mà là ngôi thứ ba, chắc rằng nhân vật người họa sĩ sẽ trở nên lố bịch, giả nhân giả nghĩa hơn bao giờ hết. Vậy trong tranh chấp ngoài đời, ai sẽ lấy cái nhìn khách quan - ngôi thứ ba - giữ lại lý trí, hay chỉ đại diện cho lợi ích của bản thân mà lên tiếng?

Nếu như cuộc đời này là vay một trả một, anh đấm - tôi liền trả lại cái bạt tai tương xứng, và Nguyễn Minh Châu cho anh chiến sĩ năm xưa xiên ông họa sĩ một nhát ngay từ lần gặp lại đầu tiên, có lẽ tôi năm đó thốt lên: “Tuyệt!”, “Công bằng!”, xong trả cuốn sách lại cái rương cũ kỹ, chứ không phải giữ lại nó rồi trao lại cho đứa em họ.

Người họa sĩ đã có được tiền bạc và danh tiếng dựa trên nỗi đau của gia đình anh thanh niên thồ tranh năm ấy, thậm chí tự quên mất và sống cuộc đời bình thường trong sự tôn kính của mọi người. Mà cái lương tâm của ông, sau khi nhận ra người chiến sĩ và người mẹ mù lòa, sau gần một thập kỉ mới trỗi dậy. Đọc đến đây tôi mới có chút ít tin lời ông ấy nói: “Xưa nay tôi vẫn cho mình là một kẻ cũng biết tự trọng, và cũng biết suy nghĩ”...

Dù sao ông ấy cũng đã nói lời tự thú, tự nhìn ra những bản chất xấu xa của mình, độc giả chắc ai cũng cho ông ta chút khoan dung, ai mà chẳng có lúc mắc sai lầm chứ, vẫn nên là sai thì sớm nhận - sớm sửa. Về người chiến sĩ ấy, liệu trên đời sẽ có một người như thế chứ? - Sống độ lượng, không mang thù hận, giữ được tấm lòng chân thành thiện lương trước sau như một?

Liệu ai trên đời này, trải qua bao năm tháng cùng số phận nghiệt ngã, vẫn sống độ lượng, không mang thù hận, giữ được tấm lòng chân thành thiện lương trước sau như một...
 
Từ khóa Từ khóa
danh tiếng lương tâm người họa sĩ nguyen minh chau
3K
5
2
Trả lời
Bài cảm nhận xuất sắc, nói lên được vẻ đẹp của tác phẩm. Giọng văn chân thật.

Trình bày rõ ràng lắm @Mây Hạ
 
  • Love
Reactions: Mây Hạ

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.