Dự thi Mùa Tết- CHUYỆN TẾT -Nơm

Dự thi Mùa Tết- CHUYỆN TẾT -Nơm

Ngày mẹ nó về nhà cũng là ngày gió cuối năm bắt đầu trở lạnh.

Sài Gòn đầu tháng 12 Dương Lịch, tức lịch dưới vừa sang tháng 11 thôi, gió đã bắt đầu cồn cào từng đợt se se hối hả; ấy thế mà đôi lúc trời vẫn hanh hao, khó chịu bởi cái nhiệt vốn có xưa nay Sài Gòn. Lấp ló bên trong gian nhà tối om, hai chị em chúng nó cứ khấp khởi hồi hộp ngó lên nhà trước: hôm nay ba đưa mẹ nó về nhà sau bao ngày không gặp. Ấy mà sao chúng nó có vẻ không vui? Bao lần tới giờ mẹ về là cứ chạy cắm đầu cắm cổ chạy ra mừng ngay mà?

_Linh con! My con!

Tiếng cô nó- chị ruột duy nhất của mẹ- bên ngoài cổng gọi lại. Ngoài sân, ba nó vừa xuống xe, dựng xe vào góc; từ từ gỡ chiếc hộp các tông gói kĩ và tươm tất khỏi dây ràng ở yên sau: bên trong là một chiếc hộp bằng cẩm thạch xanh bóng: cuối cùng ba cũng đưa mẹ về nhà rồi. Xung quanh nhà toát lên vẻ thinh lặng tới sợ hãi, hai đứa nhỏ muốn khóc cũng không dám nấc lên, cứ sớ rớ đứng nhìn ba “đặt” mẹ lên chiếc bàn thờ cùng nội. Linh đứng trân ra nhìn di ảnh của mẹ, chốc cái đưa tay choàng ôm lấy đứa em My vừa vào lớp Ba. Linh thương nó quá, nó quá nhỏ để chịu sự mất mát đột ngột thế này.

_ Chị khóc à? Mẹ cũng về rồi kia mà.

_ Đâu, đâu có, bụi ấy. Nhà cửa bụi bặm quá, tí phải xuống giặt mấy cái rèm mới được. Tết tới nơi rồi, nhà cửa phải sạch My nhỉ; không là mẹ cứ nhằn lên cho coi.

Đưa tay che đôi mắt đỏ lựng, Linh thầm nghĩ: phải rồi, mẹ cũng về nhà bình an rồi, Xuân cũng sắp đến, chuyện năm cũ đành quên đi thôi.

***​

_Linh! Con chạy ra chợ mua vài lạng mứt đi. Đây dì ghi rồi đây, cầm giấy cho khỏi lộn, tận 5-6 loại lận.

Linh dạ, uể oải xách cái làn đi chợ mẹ nó hay dùng lên mà thấy hoài niệm quá. Bao giờ việc chợ búa trong nhà mẹ nó cũng đảm, giờ thì phần việc đó nó cũng phải tập làm thay thôi. Cả tháng qua Linh được dì “huấn luyện” cho một khóa “cấp tốc nội trợ”: nào là giá thịt giá cá ra sao, chọn lựa thế nào, lập thực đơn ra sao; chỗ mua ở đâu, còn cả cách “trả giá” nữa chứ:

_ Nhà còn cà rốt với củ dền, mai mua cá rô vì kho rồi làm với canh rau củ được không dì? My nó cũng thích cá rô.-Linh hỏi

_ Trời ơi con, cá mà đi ăn canh rau củ? Nó kị củ dền Linh ơi. Mày cho nhà ăn vầy riết bệnh hết con ơi.

_Thịt heo nay ngoài chợ mua thế nào dì? – một hôm khác Linh đi chợ

_Nạc đùi nay tầm một trăm tư, một trăm rưỡi (140.000,150.000 đồng) một kí. Tết năm nay chắc không tăng dữ như năm ngoái. Bà Tám mua quen qua đó mua chắc được trăm tư.

May mà có dì lèo lái không chắc cả nhà nó không qua khỏi. Ba nó độ giờ đi làm miết, tầm 5-6h mới về, có hôm ở lại công trường cho tiện. Tết mà, đội thợ hồ dạo này bận lắm, phải bàn giao công trình trước Tết không để qua năm mới được; tiền thưởng đó cũng đủ cho nhà nó đón Tết tương đối đầy đủ.

_My ở nhà ngoan, chị ù ra cái rồi về. Dì Thắm tí xong mà về thì nhớ khóa cửa kĩ không mở cho ai biết chưa.

Chợ ban trưa ngày 20 Chạp năm nay sao thấy lạ: cũng vội vã tất bật như chuyển hàng ra vào như mọi năm ấy, song cứ có chút gì uể oải; dường như tiểu thương trong chợ đang cố gắng khoác lên mình, lên chợ một lớp hóa trang rằng xôm tụ, rằng Xuân đã về. Cũng từng ấy sạp hang nhưng sao có vẻ lèo tèo, giảm cả số lượng hang lẫn người bán- có lẽ mọi thứ còn chưa ổn định sau “nó” (vì Linh ghét thứ virut này nên chẳng nhắc tên). Len lỏi qua đám đông ở sạp hàng quần áo Tết, nó vẫn thấy hơi thở của nàng Xuân độ đương về. Nhìn những dải giấy, xấp lì xì đo đỏ và vài vật trang trí vàng óng, lòng nó chộn rộn hẳn lên: Không, Xuân đã về, Tết đương đến rồi ấy chứ; chỉ có người ta không nhận ra thôi. Tất bật mưu sinh, hối hả tăng ca sau những ngày dịch bệnh, Sài Gòn đã thấm mệt nên không ai nhận ra dấu hiệu của Tết nữa rồi. Nó lướt qua sạp bán cây quất mà tự nhiên thấy mũi cay xè: cây quất con ở nhà, phải rồi cấy quất mẹ nó thích nay bị bứng bỏ rồi. Dường như nơi đâu cũng hao hao hình bóng mẹ nó. Cây quất đó đấy là mẹ nó bấm bụng mua vì My thích, đúng ra chỉ chưng mấy ngày mùng, qua Tết mẹ nó lại tiếc rẻ:

_Để đó đi trồng sang năm có cái chưng nữa.

Cái gì cũng chắt chiu, cũng tiết kiệm, vun vén cho gia đình nhỏ, một tay mẹ tảo tần quán xuyến bao việc. Linh nhớ quá, thương quá; ngay cả khi nằm viện gọi video call mẹ còn dặn:

_ Ba nó coi dọn dẹp nhà cửa thường xuyên, Linh nữa, trời giờ lạnh nhớ nhắc My mặc áo ấm, đi ngủ sớm không thức khuya bấm game nghe chưa.

Một tiếng nói lớn của người bán hàng làm nó sực tỉnh, quá trưa rồi, về cho My ăn cơm nữa. Và lúc nó về đó có tiếng My nhà dưới gọi vọng lên:

_ Chị hai về! đi đâu mà lâu vậy? Dọn cơm ra đi chị, em phụ dì rửa đống ly rồi lên liền, đói quá rồi.

Linh cất đồ, bưng dĩa cá kho tiêu lên nhặt xương cho đỡ hóc, nghĩ thầm: ồ nay My biết phụ rửa chén cơ à. Nó không thể ngờ cuộc sống làm con người ta thay đổi nhiều tới thế, Linh, My đã mạnh mẽ hơn, có thể làm những việc ngày trước nếu không có Mẹ tưởng như không thể. Linh đăm chiêu nhìn ra thềm ba đầy những nắng là nắng- nắng hi vọng của mùa Xuân mới- cảm giác thật dễ chịu. Chợt bất ngờ thấy trên cái “li quăng” (đi văng, bộ phản gỗ để ngồi, nằm như giường) có một phong thư kì lạ. “Của My rồi đây.” Linh cười thầm vì hình trang trí hoa lá lòe loẹt những màu là màu, đúng kiểu cách như em nó. Nhưng nội dung mới là cái làm nó còn bất ngờ hơn là cái vỏ ngoài:

Dương giới, Việt Nam, Hồ Chí Minh, nhà 256. 22/1/2022

Gửi Mẹ,

Nếu Mẹ có nhận được thư này phải về báo My biết nhé, My để ý rồi mỗi lần Mẹ về là cái mèo Mun nó cứ kêu ư ử cho coi. Mẹ giờ có khỏe không, trên đấy sống như thế nào nhỉ? Tết năm nay thiếu Mẹ My và cả nhà buồn lắm, hồi năm trước thì My buồn vì không được mua quần áo mới nay My lớn rồi, My chỉ muốn thi thoảng Mẹ về thăm My thôi. Tết năm nay nhé, nhờ có dì Thắm chứ không ba cha con My chẳng biết xoay xở ra sao, Mẹ đi cái nhà nó cứ bừa lên như cái chuồng heo ấy, hôm đầu dì Thắm qua dỉ cứ nhặng xị mắng ba mãi vì tội bê bối, buồn cười Mẹ nhỉ? Ba vẫn bình thường mẹ ạ, độ rày như mọi năm đi làm miết, thi thoảng rảnh là cứ ra vườn bón phân tưới nước cho cây; ba nói làm thế mẹ sẽ vui và đỡ nhớ Mẹ hơn. Chậu đồng tiền nay phát lắm mẹ à, ra đầy những bông là bông. Còn phát tài với tụi tuyết tùng vẫn mơn mởn, bông sống đời nay ba mắc thành mấy chậu treo cao nhìn vui mắt lắm. Tiếc là cây quất con bữa ba lỡ bứng bỏ vì nó “ngoẻo” rồi. À chị Linh nhé, nay chị gỏi lắm, chợ búa gì là một tay “chỉ” làm ấy; cũng thôi bấm điện thoại rồi, hôm qua một mình chị bát bộ lư đồng rõ to. Chị Linh trông vậy chứ yếu đuối hơn My tưởng, hôm Mẹ về cứ khóc sưng cả mắt. Để tí My đòi chị làm cho kì được nồi thịt kho của Mẹ mới được, thiếu nó là thiếu Tết của Mẹ mất. Mẹ ăn Tết vui vẻ và bình an.

Yêu Mẹ.


Linh cười, cái con My này, dám nói xấu chị sau lưng à. Linh không còn thấy buồn nữa, Tết là phải vui lên; tự nhủ thầm như thế rồi nó chạy xuống nhà dưới:

_My đâu!

_Dạ chị?

_ Chị mày vầy mà mày yếu đuối à?

_ Hả? Gì… á! Ghét quá, tự tiện coi đồ của em.

Con Mèo Mun kêu lên ư ử rõ to.

_Chị Linh, Mẹ đấy! Mun nó kêu kìa.

Linh phóng vụt ra gian trước, trời trưa lặng gió thật cao và xanh, chợt cái chuông gió khẽ từng thanh âm kì lạ: ơ đâu có gió?

_Mẹ…à? -Linh ngập ngừng thầm nhủ.

Chợt gió trưa nổi cơn thổi hốc vào mặt nó, một con bướm từ đâu sà về trên mấy chậu hoa kiểng. Nắng xuân tràn ngập làm sáng bừng cả không gian, Mẹ nó về rồi, Tết cũng đã về.
truyện ngắn Chuyện Tết -Văn học trẻ.jpg
 
840
4
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top