Baivanhay Phân tích hình tượng người lính Tây Tiến và nhận xét về phong cách thơ của Quang Dũng

Baivanhay Phân tích hình tượng người lính Tây Tiến và nhận xét về phong cách thơ của Quang Dũng

Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài: làm thơ, viết văn, vẽ tranh và soạn nhạc. Ở phương diện thơ ca, Quang Dũng mang trong mình hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa. “Tây Tiến” là bài thơ tiêu biểu của đời thơ Quang Dũng, in trong tập “Mây đầu ô”, được viết vào một buổi chiều mưa lại Phù Lưu Chanh khi Quang Dũng rời đơn vị cũ chưa lâu. Với cảm hứng lãng mạn và ngòi bút tài hoa, nhà thơ xứ Đoài đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến trên cái nền cảnh thiên nhiên núi rừng Tây Bắc hùng vĩ. Hình tượng người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp lãng mạn nhưng lại đậm chất bi tráng sẽ còn có sức hấp dẫn lâu dài với bạn đọc nhiều thế hệ.

5026



Phân tích về hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ sau và từ đó nhận xét về phong cách thơ của Quang Dũng:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,

Quân xanh màu lá dữ oai hùm.

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ,

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.

Áo bào thay chiếu, anh về đất,

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.


(Trích “Tây Tiến” - Quang Dũng)


Bài làm

Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng viết: “Thơ là cái nhụy của cuộc sống, nên nhà thơ phải đi hút cho được cái nhụy ấy và phấn đấu làm sao cho cuộc đời của mình cũng có nhụy”. Thật vậy, cái “nhụy sống” ấy đã nảy nở trong thi phẩm “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng để rồi dâng hiến cho cuộc đời một bài ca thật đẹp về người lính Tây Tiến hào hùng, hào hoa, lãng mạn và bi tráng, thể hiện rõ nhất phong cách thơ độc đáo của tác giả này:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc



Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài: làm thơ, viết văn, vẽ tranh và soạn nhạc. Ở phương diện thơ ca, Quang Dũng mang trong mình hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa. “Tây Tiến” là bài thơ tiêu biểu của đời thơ Quang Dũng, in trong tập “Mây đầu ô”, được viết vào một buổi chiều mưa lại Phù Lưu Chanh khi Quang Dũng rời đơn vị cũ chưa lâu. Với cảm hứng lãng mạn và ngòi bút tài hoa, nhà thơ xứ Đoài đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến trên cái nền cảnh thiên nhiên núi rừng Tây Bắc hùng vĩ. Hình tượng người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp lãng mạn nhưng lại đậm chất bi tráng sẽ còn có sức hấp dẫn lâu dài với bạn đọc nhiều thế hệ.

Chiến tranh đã qua đi, tấm áo hòa bình ấp ôm mảnh đất hình chữ S đã được nhiều thập kỉ, đã hàn gắn được phần nào bao vết thương đớn đau, bao mất mát hi sinh của một thời lửa đạn. Nhưng ngày hôm nay, trong nền hòa bình này, ta đọc lại “Tây Tiến” để một lần nữa nhớ về thế hệ các anh, những người lính trẻ trung và dũng cảm, trong mạch nguồn nỗi nhớ khi xưa của nhà thơ Quang Dũng. Bức tượng đài bằng thơ về các anh vẫn luôn sừng sững, sống mãi những vẻ đẹp hào hùng của một thời trai trẻ:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm”

Nhà thơ dùng từ “đoàn binh” để khẳng định một lực lượng đông đảo, “đoàn binh” Tây Tiến là đội quân mạnh và hừng hực khí thế. Đầy hiên ngang và tự tin, nhịp thơ như nhịp bước chân hành quân của người lính, đưa ta đến gần hơn với bức chân dung về các anh, từ ngoại hình bên ngoài đến cảm xúc, ý chí nung nấu trong tâm can. Đó là những người lính đầu “không mọc tóc”, da “xanh màu lá”. Ấy là sự ngụy trang đề phòng quân địch. Nhưng chân thực hơn, ấy là sự tàn phá của bệnh tật, của hoàn cảnh sống thiếu thốn trăm bề. Nơi rừng thiêng nước độc, nơi chiến trường xa xôi, binh đoàn Tây Tiến làm sao tránh khỏi những cơn sốt rét rừng, những lần thiếu thuốc men, lương thực, khó khăn cứ nối tiếp khó khăn, sự khắc nghiệt vẫn luôn thử thách ý chí người lính trẻ như thế:

“Cuộc đời gió bụi pha xương máu

Đói rét bao lần xé thịt da

Khuôn mặt đã lên màu tật bệnh

Đâu còn tươi nữa những ngày hoa!”

(“Lên Cấm Sơn” - Thôi Hữu)

Nhưng ở đây, giọng thơ “Tây Tiến” lại sục sôi khí thế, căng tràn ý chí, viết về gian khổ, khó khăn nhưng nhà thơ Quang Dũng vẫn luôn song hành đem đến những vần thơ đầy quyết tâm: “dữ oai hùm”. Nét hào hùng được nhấn mạnh giữa một hiện thực nhiều gian khổ, đậm tô những hình ảnh chân thực nhưng đó cũng là cách nói dí dỏm hóa, vui tươi hóa của Quang Dũng về những người đồng đội của mình. “Dữ oai hùm” là hình ảnh khẳng định tinh thần vượt lên trên khó khăn vì mục tiêu chiến đấu phía trước, bệnh tật, thiếu thốn không thể đánh bại được ý chí quyết tâm của những người lính Tây Tiến. Những chi tiết tả thực đã khắc họa một diện mạo rất độc đáo về người lính đang chiến đấu nơi biên cương Tổ quốc, đồng thời phản ánh hiện thực gian khổ, thiếu thốn, bệnh tật nơi chiến trường. Mượn hình ảnh ẩn dụ để gợi tả chất kiêu hùng, cách viết đối lập giữa cái yếu đuối về thể chất, xanh xao tiều tụy, đầu “không mọc tóc”, da “xanh màu lá” với sức mạnh của tinh thần, ý chí, ngang tàng, lẫm liệt, sức mạnh “dữ oai hùm”, Quang Dũng đã đem đến những nét phác họa đầu tiên về người lính Tây Tiến rất hào hùng, dũng cảm và lạc quan.

Khắc họa về đồng đội mình, Quang Dũng tiếp tục đem đến những hình ảnh chân thực, không chỉ về đời sống mà còn về tâm hồn hào hoa, lãng mạn của các anh:

“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.”

Là đôi mắt mở to, đầy cảnh giác, ánh mắt “trừng” của người lính Tây Tiến vẫn luôn hướng về bên kia biên giới, ánh mắt của sự căm thù, của ý chí quyết tâm chiến đấu và chiến thắng kẻ thù:

“Quân thù kia ơi! Một bầy man rợ

Bay đừng hòng khuất phục đời ta

Bay định đốt ta thành hòn than quỳ lạy

Trong ánh lửa hồng ta xuất hiện một vòng hoa”

(“Bài ca chim Chơrao” - Thu Bồn).

Quả thực ánh mắt trừng mà Quang Dũng khắc họa có sức mạnh như lời tuyên chiến trước quân thù, rất oai phong, hào hùng. Và gửi theo ánh mắt của quyết tâm và lòng kiên trì ấy là giấc mộng chinh phu, giấc mộng lập công danh, đền nợ nước trả thù nhà. Những chàng trai tuổi đời còn rất trẻ đã không do dự xếp bút nghiên lên đường ra mặt trận, sẵn sàng gánh trên vai “món nợ” núi sông. Chỉ với một hình ảnh thôi mà nhà thơ Quang Dũng đã khiến ta yêu nhiều và khâm phục nhiều tinh thần của người lính Tây Tiến. Những năm tháng ấy, các anh khi cảnh giác trước quân địch, khi cũng ấp ôm nỗi nhớ niềm thương về thị thành quê hương: “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Mơ về Hà Nội với “dáng kiều thơm”, với hình ảnh những thiếu nữ Hà thành duyên dáng trong tà áo dài thướt tha, một giấc mơ lãng mạn và hào hoa mà ta chỉ có thể bắt gặp ở tâm hồn người lính trẻ với xuất thân chủ yếu là thanh niên trí thức thủ đô, ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Giấc mơ của họ không phải sự bi lụy, tầm thường mà là động lực để họ vững tin hơn trong những tháng ngày gian khổ. Không những vậy “dáng kiều thơm” ấy còn một lần nữa đem đến màu sắc hiện thực cho câu thơ, Quang Dũng đã đem những gì thật chất, đúng nhất về người lính Tây Tiến lên những trang thơ của mình. Ta cảm nhận và trân trọng vẻ đẹp chân thực nhưng cũng rất đỗi hào hoa, lãng mạn ấy.

Khép lại đoạn thơ, Quang Dũng đưa ta vào nơi biên cương hẻo lánh rải rác những ngôi mộ không bia. Sự lạnh lẽo, hoang vắng tràn vào từng câu chữ cho thấy sự khốc liệt và hơn hết là những đau thương, mất mát của cuộc chiến tranh đế quốc phi nghĩa: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ”. Trên nền hiện thực ấy, những người lính bước qua con đường đầy máu và mộ phần để tiếp ra chiến trường giành lại tự do cho dân tộc mà không hề nao núng. Chính vì thế, Quang Dũng sử dụng một loạt những từ Hán Việt như “biên cương”, “viễn xứ” làm cho câu thơ trở nên trang trọng, mang trong mình không khí cổ kính, như đang kể lại những trận chiến lừng danh thuở xưa của cha ông ta. Lồng ghép vào trong đó là lý tưởng của một thời đại mới “chẳng tiếc đời xanh” – “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Chúng ta nhận thấy rõ sự đối lập khốc liệt giữa những sự vật: “chiến trường” - là mưa bom bão đạn, là cái chết cận kề, “đời xanh” - là tuổi trẻ, là ước vọng, là tương lai. Quang Dũng đã thay đồng đội mình, những anh hùng Tây Tiến, tuyên ngôn đầy ngạo nghễ, thể hiện sự lạc quan và tràn đầy chất lính: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Bên cạnh sự hào hùng là bi tráng. Với Quang Dũng, chết không bao giờ là hết. Bằng việc sử dụng hình ảnh “áo bào thay chiếu”, ông đã bi tráng hóa cái chết của con người, tráng lệ hóa sự hi sinh của người lính, “anh về đất” biến cái chết trở thành một sự nghỉ ngơi sau những quãng đường xông pha chiến trận làm không khí cả bài thơ bi nhưng không hề lụy. Cái chết của các anh, sự hi sinh của các anh luôn là sự nhắc nhớ trong trái tim đồng đội, đồng bào, sự hi sinh ấy lặng lẽ, âm thầm nhưng luôn cao cả và đáng trọng:

“Nằm khuất nơi đâu ven rừng đá lạnh

Trọn đời làm chiến sĩ vô danh”

(Thu Bồn)

Trở lại với những vần thơ “Tây Tiến”, Quang Dũng không trốn tránh hiện thực mà đã khắc họa sự hi sinh của người lính một cách thanh thản, thầm lặng và cao cả, gây xúc động lòng người, lay động thiên nhiên. Và “Sông Mã” được nâng tầm như một chứng nhân lịch sử, chứng kiến hết tất cả tội ác của kẻ thù và cả những chiến công hiển hách của binh đoàn Tây Tiến: “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Tiếng gầm cuối cùng ấy là khúc tráng ca, là khúc nhạc thiêng tiễn đưa anh linh của những người chiến sĩ về với cha ông, về với đất mẹ. Vẻ đẹp bi tráng về những người lính Tây Tiến từ đó mà cứ vang vọng mãi trong tâm khản bạn đọc.

Một khổ thơ có thể được coi là đặc sắc nhất của thi phẩm “Tây Tiến” đã thể hiện rõ vẻ đẹp phong cách thơ Quang Dũng. Đó là hồn thơ hồn hậu, lãng mạn, phóng khoáng và tài hoa. Thơ Quang Dũng hồn hậu, chân thực ở chỗ nhà thơ không né tránh những hiện thực tàn khốc, đau thương của chiến tranh. Ngòi bút ấy cũng rất đỗi lãng mạn, phóng khoáng và tài hoa, đặc biệt khi viết về hình ảnh những người lính Tây Tiến với sự trẻ trung, tinh thần bất khuất, sung sức và bền lòng trước tiếng gọi của Tổ quốc. Với giọng thơ trang trọng, cảm xúc dạt dào, đôi lúc lắng đọng, khắc khoải, bút pháp tả thực kết hợp với những hình ảnh bay bổng, lãng mạn, nhà thơ Quang Dũng đã xây dựng thành công bức tượng đài người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp hào hùng, hào hoa, lãng mạn và bi tráng. Bức tượng đài ấy sẽ còn sống mãi trong văn chương nghệ thuật, trong tấm lòng người yêu thơ và trong trái tim của lớp lớp thế hệ thanh niên sau này.

Với tài năng văn học của mình, Quang Dũng đã viết về người lính Tây Tiến với tất cả nỗi nhớ, niềm thương, sự ngưỡng mộ, sự tự hào xen lẫn niềm xót xa, thương cảm. Những vần thơ sáng ngời vẻ đẹp hào hùng, hào hoa, lãng mạn và bi tráng của người lính cũng đã góp phần khẳng định chất riêng trong phong cách thơ của tác giả. Quang Dũng đã làm sống lại trong lòng người đọc một thời kỳ không thể nào quên của dân tộc. Từ đó giúp ta thấu hiểu hơn vẻ đẹp của những người lính trong thời chiến, hiểu hơn về đất nước ta một thời kỳ trận mạc, hiểu hơn giá trị của hòa bình ngày hôm nay, để ta trân trọng hơn những cống hiến không màng danh lợi, những hi sinh không kể đáp đền. Đọc lại “Tây Tiến” ấy, trong những ngày hòa bình này, ta thực sự thấm thía và cảm phục:

“Tây Tiến biên cương mờ khói lửa

Quân đi lớp lớp động cây rừng

Và bài thơ ấy con người ấy

Vẫn sống muôn đời với núi sông”.

(Giang Nam)
 
Từ khóa
hình tượng người lính tây tiến phong cách thơ của quang dũng quang dũng tây tiến
15K
3
3

Thích Văn Học

Sáng tạo nội dung (content)
30/9/21
145
13
18,000
Hà Nội
forum.vanhoctre.com
Xu
950,603

Phong cách thơ Quang Dũng đó là hồn thơ hồn hậu, lãng mạn, phóng khoáng và tài hoa.

Thơ Quang Dũng hồn hậu, chân thực ở chỗ nhà thơ không né tránh những hiện thực tàn khốc, đau thương của chiến tranh. Ngòi bút ấy cũng rất đỗi lãng mạn, phóng khoáng và tài hoa, đặc biệt khi viết về hình ảnh những người lính Tây Tiến với sự trẻ trung, tinh thần bất khuất, sung sức và bền lòng trước tiếng gọi của Tổ quốc. Giọng thơ trang trọng, cảm xúc dạt dào, đôi lúc lắng đọng, khắc khoải, bút pháp tả thực kết hợp với những hình ảnh bay bổng, lãng mạn.
 

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top