Phân tích văn bản "Sống chết mặc bay"

Phân tích văn bản "Sống chết mặc bay"

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 33 đến từ Nam Định
Đọc tác phẩm của Phạm Duy Tốn chúng ta đều thấy những sáng tạo của tác giả trong cách kể chuyện để phản ánh những nội dung tư tưởng của mình. Do đó, khi phân tích, nên xuất phát từ cách kể chuyện, từ nghệ thuật kể chuyện của tác giả để khám phá những nội giá trị nội dung của tác phẩm.

- Trước hết là nhan đề của câu chuyện.

Nhan đề của tác phẩm có ý nghĩa khá quan trọng. Nó là cái tên của sản phẩm nghệ thuật. Các nhà văn khi sáng tác rất chú ý đặt tên cho đứa con tinh thần của mình. Nhan đề nhiều khi chính là sự đúc kết tư tưởng của tác phẩm, nó là chìa khóa giúp ta mở cánh cửa đi vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Văn bản Sống chết mặc bay rất độc đáo ở cách đặt nhan đề. Nó tạo được sự hấp dẫn, sự tò mò ở người đọc đối với nội dung câu chuyện. Nó phản ánh được nội dung tư tưởng của truyện. Sống chết mặc bay gợi lên thái độ không quan tâm, hờ hững, thờ ơ, vô trách nhiệm trước sự sống chết của người khác. Trong tác phẩm, những kẻ đã vô trách nhiệm với sự sống của người khác chính là bọn quan lại, đứng đầu là tên quan phủ lòng lang dạ thú, còn những người đang phải đối mặt với sự sống chết đó chính là những người dân lao động. Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo, trong đó rõ nhất là ý nghĩa phê phán đã thể hiện ngay trong nhan đề của tác phẩm.

- Tiếp đến là nghệ thuật tạo tình huống truyện.

Người ta thường ví truyện ngắn giống như một khoảnh khắc, cho ta thấy một đời người, một nhát cắt ngang của một thân cây hay một khe hẹp, để nhìn ra thế giới. Tất cả những điều này cho thấy cách khám phá hiện thực đặc trưng của truyện ngắn. Nói như nhà văn Nguyên Ngọc: “Truyện ngắn điểm huyệt hiện thực bằng cách nắm bắt chúng những tình huống cho phép phơi bày cái chủ yếu nhưng lại bị che giấu trong muôn mặt của cuộc sống hàng ngày. Nhìn chung, mỗi truyện ngắn bao giờ cũng được xây dựng trên một tình huống, khai thác tình huống ấy”. Tình huống sẽ bộc lộ được những quan hệ nhân sinh, quan hệ giữa các nhân vật hay trong chính bản thân của nhân vật. Trong truyện ngắn Sống chết mặc bay, Phạm Duy Tốn đã tạo một tình huống là trong khi nhân dân hộ đê vất vả ngoài trời thì trong đình quan phủ và hệ thống quan lại phong kiến đang say sưa chơi bài. Đó là tình huống có tính chất đối lập, có giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo cao. Truyện cứ phát triển theo diễn biến của cuộc chơi tổ tôm của viên quan phủ, cho đến khi ván bài ù cũng là lúc đê vỡ thì câu chuyện kết thúc. Tình huống truyện như vậy chính là nhát cắt của hiện thực đời sống, cho phép chúng ta nhận ra những mâu thuẫn đối lập trong hiện thực, những góc khuất trong quan hệ nhân sinh. Phân tích truyện chính là nương theo tình huống như thế để giải mã thông điệp nghệ thuật của tác giả gửi gắm trong tác phẩm.

- Chi tiết và nhân vật trong truyện ngắn là những yếu tố nghệ thuật cần đặc biệt chú ý.

Nhân vật trong truyện ngắn chính là những con người cụ thể được tác giả miêu tả và thể hiện. Có thể thấy nhân vật trong truyện hiện đại đã được khắc họa phong phú hơn, sinh động hơn so với các nhân vật trong truyện trung đại. Truyện Sống chết mặc bay tập trung khắc họa hình tượng nhân vật tên quan phủ. Nhà văn đã kết hợp miêu tả, kể, đối thoại để thể hiện nhân vật này. Những chi tiết miêu tả chỗ ở, điều kiện sinh hoạt, lề lối sinh hoạt, cách ngồi, tư thế của nhân vật này đã tố cáo bản chất ăn chơi sa đọa của hắn. Những chi tiết kể về thái độ, hành động của nhân vật, nhất là ngôn ngữ nhân vật đã vạch trần bộ mặt của hắn. Ta chú ý đến thái độ dửng dưng của hắn đối với mọi diễn biến bên ngoài, nhất là ngôn ngữ của hắn với bọn quan lại, tay sai và người dân. Nhất là chi tiết khi có người dân vào bẩm đê vỡ thật rồi, tên quan phủ đã “đỏ mặt tía tai”, quát tầm lên, không hề để ý đến nội dung thông báo mà chỉ để ý đến việc đảo lộn phép tắc nhà quan (Lính đâu? Sao bay dám để cho nó chạy xồng xộc vào đây như vậy? Không còn phép tắc gì nữa à?). Hành động vỗ tay xuống sập kêu to, miệng cười nói rổn rảng ng của hắn khi ù to mới thật là tàn nhẫn và vô nhân đạo biết bao. Nhân vật đã được khắc họa qua hành động, thái độ, ngôn ngữ đối thoại nên sinh động hơn và phong phú hơn.

- Cuối cùng là ngôn ngữ của tác phẩm.

Cần chú ý đến ngôn ngữ của người kể chuyện và ngôn ngữ của nhân vật. Tất nhiên, với các truyện ngắn đầu thế kỷ, ngôn ngữ nhân vật chưa được sắc nét và cá tính như trong các tác phẩm truyện ngắn đỉnh cao giai đoạn 1930 – 1945. Trong truyện ngắn Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn ta có thể nhận thấy nét đặc biệt của ngôn ngữ người kể chuyện. Dường như có một người kể chuyện hiện lên rất rõ nét qua từng câu, từng chữ trong văn bản: “Tình cảnh trông thật là thảm. Than ôi! Sức người khó lòng địch nổi với sức trời! Thế đê không sao cự lại được với thế nước! Lo thay! Nguy thay! Khúc đê này hỏng mất. Ấy! Lũ con dân đang chân lấm tay bùn, trăm lo nghìn sợ,đem thân hèn yếu mà chống với mưa to nước lớn của trời, để bảo thủ lấy tính mạng, gia tài, thế thời nào quan cha mẹ ở đâu? Thưa rằng: đang ở trong đình kia….”. Giọng điệu của người kể chuyện khi thì đầy lo âu, thông cảm với hoàn cảnh nguy khốn của người dân, khi lại hết sức mỉa mai, căm phẫn với sự ăn chơi, nhẫn tâm, vô trách nhiệm của những kẻ làm quan lẽ ra phải chăm lo cho dân trong cảnh nước sôi lửa bỏng. Người kể chuyện ở đây không che dấu được thái độ, cảm xúc của mình đối với nhân vật và sự việc được kể.

Đặc điểm thứ hai của lời kể trong truyện ngắn này là chất biền ngẫu trong câu văn. Câu văn biền ngẫu du dương, có nhịp điệu chính là đặc điểm nổi bật của văn xuôi thời trung đại. Câu văn của Phạm Duy Tốn trong truyện ngắn này cũng vậy: “Dân phu kể hàng trăm nghìn con người, từ chiều đến giờ hết sức giữ gìn, kẻ thuổng, người thì cuốc, kẻ đội đất, kẻ vác tre, nào đắp nào cừ, bì bõm dưới bùn lầy ngập quá khuỷu chân, người nào người nấy lướt thướt như chuột lột.Tình cảnh trông thật thảm”

“Tuy trống đánh liên thanh, ốc thổi vô hồi, tiếng người xao xác gọi nhau sang hộ, nhưng xem chừng ai ai cũng mệt lử cả rồi. Ấy vậy mà trên trời vẫn mưa tầm tã trút xuống, dưới sông thời nước cứ cuồn cuộn bốc lên. Than ôi! Sức người khó lòng địch nổi với sức trời! Thế đê không sao cự lại được với thế nước! Lo thay! Nguy thay! Khúc đê này hỏng mất.”
Câu văn thường dài, chia thành nhiều khúc đoạn ngắn, có cấu trúc mỗi tiết đoạn gần giống nhau. Do đó rất đăng đối, giàu nhịp điệu. Tuy nhiên, so với văn xuôi biền ngẫu thời trung đại, câu văn trong tác phẩm này đã khá sáng gọn, sinh động.

Ngôn ngữ nhân vật bao gồm các thành phần: ngôn ngữ đối thoại, ngôn ngữ độc thoại. Ngôn ngữ của nhân vật quan phụ mẫu trong tác phẩm Sống chết mặc bay chủ yếu là ngôn ngữ đối thoại, độc thoại nội tâm chưa phát triển. Nhưng ngôn ngữ đối thoại của nhân vật được xây dựng đã có màu sắc, cá tính, góp phần thể hiện được bản chất của nhân vật. Điều đó được thể hiện ở những câu văn ngắn: “Mặc kệ!”, “Có ăn không thì bốc chứ?”, Ðê vỡ rồi!... Ðê vỡ rồi, thời ông cách cổ chúng mày… Có biết không... Lính đâu? Sao bay dám để cho nó chạy xồng xộc vào đây như vậy? Không còn phép tắc gì nữa à?” … Giọng điệu nói chung là giọng quát, mắng, gắt. Ngôn ngữ đối thoại đã cho thấy bản chất hách dịch, độc ác, tàn bạo, thái độ vô trách nhiệm của quan phụ mẫu. Từ những phân tích trên, ta có thể thấy, khi phân tích tác phẩm truyện, không thể bỏ qua phân tích ngôn ngữ tác phẩm, nhất là lời kể và ngôn ngữ nhân vật.
 
Từ khóa
chi tiết và nhân vật nghệ thuật tạo tình huống ngôn ngữ tác phẩm nhan đề truyện phạm duy tốn sống chết mặc bay đặc trưng truyện hiện đại
1K
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top